Thưa quý độc giả,
Tôi vừa nhận được một lá thư từ Budapest. Người gửi là Ms Nguyễn Hồng Nhung, một dịch giả văn học, kiêm thi sĩ và giảng viên Việt ngữ tại một đại học ở Budapest. Thư viết như sau:
Anh Hưng ơi! Hôm nọ em thấy một loạt bài của anh về THƯỢNG ĐẾ. Nhiều người hỏi và nhiều người viết. Vậy mà vẫn không có câu trả lời. Hôm nay em gửi câu trả lời cho anh đây! Tác giả là một linh mục TCG, một nhà văn, nhà thơ vô cùng tài năng vùng ERDÉLY huyền bí của Hungary. Sau chiến tranh thế giới vùng đất này bị chia cho Rumani, và tác giả đã buộc phải sống một cuộc đời lưu vong đến tận khi mất. Em đã dịch nhiều thơ văn của ông, em rất thích chất uyên bác Thiên chúa giáo trong tâm hồn lãng mạn trong sáng rất NGƯỜI của Wass Albert. Chắc anh Hưng sẽ thích câu trả lời về Thượng đế này. Vì rất đúng. Chào anh nhé, NHN.
Câu trả lời mà Ms HN nói trong thư là một bài viết nhan đề “Mi và Thượng đế” của Wass Albert, do NHN dịch từ nguyên bản tiếng Hung. Bài viết quá hay! Dịch cũng hay! Nếu tôi hưởng thụ cái hay này một mình thì thật là ích kỷ. Tôi muốn chia niềm vui thưởng thức cái hay này với mọi người. PVHg…..
MI VÀ THƯỢNG ĐẾ, bài viết của WASS ALBERT
Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung
Budapest 2014 Június 11
Mi đã bao giờ nghĩ về điều này chưa, sao thế gian đẹp tuyệt trần? Trọn vẹn biết bao và hoàn hảo biết bao, nhưng không do con người tạo dựng? Mi hãy ngắm một bông hoa đi! Đơn giản nhất: hãy ngắm đi, một bông hoa tuyết!
Trong lòng đất, từ đâu hoa biết ngoài kia có lẽ tuyết đã tan và trên những cành chi chít nụ long lanh, lũ chim chích đang đánh đu trong nắng ấm mặt trời? Hoa không có telefon, radio, vậy mà vẫn biết mùa xuân đã trải đến đâu. Đất lạnh vẫn đang ôm ấp những cái rễ, nhưng trong hoa nhựa sống bắt đầu dâng và mầm bắt đầu ngọ nguậy. Rồi hoa nhô cái đầu kim xinh xẻo xanh xanh lên khỏi đám lá khô. Thân hoa bắt đầu dài ra, rồi lá nảy tý tách. Xanh biếc. Nhựa của đất gặp gỡ những tia nắng mắt trời và quét một màu xanh non lên các mao mạch thân hoa. Rồi chồi hoa nở ra, nụ hé và hoa phá lên cười giòn tan. Cười khanh khách. Có thể nghe thấy mà!
Mi nhìn kỹ mà xem, sao đẹp thế! Đẹp tuyệt trần và hoàn hảo biết bao. Con người – nghệ sĩ không thể tạo ra cái gì giống như thế, mà chỉ sao chép. Một bàn tay nghệ sĩ vĩ đại vô hình đang ở bên cạnh mi.
Mi đã bao giờ nhìn một giọt nước dưới kính hiển vi chưa? Biết bao đời sống nhộn nhịp trong đó. Toàn bộ thế gian. Tất cả các giọt nước là một thế gian. Tất cả mọi thế gian là một giọt nước. Cái trọn vẹn khóa lại vì chính bản thân nó. Trong mắt mi vô hướng vì mi không phải là người nghệ sĩ. Nghệ sĩ chỉ duy nhất có một trên thế gian, duy nhất một, là người tạo dựng thế gian. Ngày nọ qua ngày kia, giây phút nọ sang giây phút kia, luôn luôn tạo dựng cái mới và luôn luôn đúng như thế.
Mi hãy nhìn cây! Hãy nhìn núi! Hãy nhìn sống hoặc biển! Và hãy nghĩ xem, triệu ức giọt nước trong đó, một thế gian khóa trong bao nhiêu triệu ức giọt nước! Rồi mi hãy nghĩ đến các ngôi sao! Những ngôi sao mi biết và những ngôi sao mi không biết. Đêm lặng, mi hãy nhìn lên vòm trời: giống hệt giọt nước nhìn dưới kính hiển vi. Tất cả các ngôi sao là một cái gì đó sống động và mi, Trái đất ở giữa chúng, có thể là vật nhỏ nhất. Hãy nghĩ mà xem, còn bao nhiêu triệu ức giọt nước nữa ngoài những gì mi đã biết.
Và lúc đó mi mới cảm thấy tội nghiệp làm sao cho những kẻ muốn thuyết phục mi rằng không có Thượng Đế.
Không có, bởi vì cái này, cái kia xảy ra. Vì nhà mi nằm trong đống đổ nát. Vì đã ra đi nhiều quá, những người mà mi yêu quý. Vì ít bánh mì. Vì nhiều cảnh đói rách. Trong thế gian, mi nói, không có sự thật. Và mi vì thế gian của mi. Một thế gian riêng của mi, một thế gian đường nhựa, nước theo hệ thống, ăn lương theo giờ và đầy khói nhà máy. Một thế gian thắt cavat, đội mũ lông thỏ, một thế gian chật chội vật lộn vì thiếu than, sặc mùi công xưởng và bị chia thành những phần nhỏ. Và mi quên mất, đây là thế gian mi tự làm ra cho chính mình. Mi và những người khác, vì vậy các ngươi chịu trách nhiệm về tất cả những gì đang xảy ra trong đó.
Thượng đế không liên quan gì đến nhà cửa và tiền lương, đến những quả bom và những hàng rào dây thép gai mi đã phát minh, không liên quan gì đến việc mi có nhận được lương hưu hay không, và mi có sống nổi bằng đồng lương được cấp hay không. Mi đã tự mình đảm nhận vì công việc. Thượng đế không hề nhìn vào sổ sách kế toán của mi, không quan tâm đến máy móc của mi và cũng chả biết rằng tồn tại một giọt nước trên triệu ức hạt bụi có tên gọi là hệ thống xã hội, thứ mi dựng lên một cách nhân tạo cho bản thân mi và giờ đây mi không thỏa mãn với nó. Thượng đế chỉ quan tâm đến hệ tinh tú và những khóm hoa Ibolya tím mà thôi.
Thượng đế -người nghệ sĩ tạo dựng ra triệu ức thế gian và từng giây phút mới. Nhưng cái Ngài tạo dựng ra, Ngài đều chịu trách nhiệm về chúng. Ở đấy tất cả diễn ra như Ngài mường tượng, trên nền tảng của những quy luật trong sạch và mang tính chất nghệ thuật. Ở đây không có những cao trào bất ngờ và những ngẫu hứng. Không có thái độ đắc thắng của sự độc ác, bởi không có ác độc. Độc ác là khái niệm con người tạo ra và nâng thành nền tảng để có thể tự tha thứ cho mình, nếu hành động một cách ngu xuẩn. Con chim ưng không ác khi nó sà xuống con bồ câu. Nó mang về cho các con để lũ chim con sống. Bàn tay sắp xếp của người nghệ sĩ chỉnh sửa các vai diễn như vậy, để lũ bồ câu đừng sinh sôi nảy nở quá đông và ăn hết thóc của lũ chuột.
Con người tự tạo dựng cho nó một thế gian trong giọt nước. Nó nhảy ra khỏi dàn hợp xướng, tách mình khỏi bàn tay sắp đặt của người nghệ sĩ, đào cho mình một sân khấu riêng, dựng cho riêng mình những cảnh quan và tự mình phân ra những vai diễn. Bởi vậy, các ngươi hãy đừng kêu gào nếu màn trình diễn thất bại. Nếu các cảnh diễn rởm đứt đoạn và đầu đập vào những cái đinh rỉ. Chính con người đóng vào đấy những cái đinh.
Tóm lại nếu mọi việc của mi hỏng, hãy chớ ngạc nhiên. Và nhất là mi chớ cố gắng đổ lỗi cho Thượng đế. Mi đòi tự do cho đôi tay mi, và Thượng đế, trong chừng mực có thể, đã cho mi đôi tay tự do. Vì những căn nhà đổ, vì sự đắt đỏ, vì chợ đen, vì thiếu than, và vì mi còn lại với cái túi rỗng và gãi đầu gãi tai: quả thật Thượng đế không biết làm gì hơn. Có thể Ngài cũng chẳng biết đến những điều này. Ngài không tò mò, rằng bên ngoài trật tự của Ngài giữa triệu ức giọt nước, trong một giọt có một loài rong rêu nhỏ bé bối rối làm những gì với sự kiêu ngạo của mình.
Thượng đế còn mải bận bịu với những bông hoa tuyết, với lũ chim. Với những ngôi sao và với những rặng cây. Và bận với việc, hãy sinh ra đi và hãy mất đi. Và, nếu cái dạ dày của mi- với điều kiện mi chưa làm thủng nó vì sự tham lam phi mức độ của mi- hãy để nó tiêu hóa những gì mi cho nó. Thượng đế không chịu trách nhiệm, nếu trái tim của mi chán co bóp máu trước thời gian của nó, bởi mi đã bỏ bê và nông nổi làm hỏng nó với những phấn khích thừa mà mi thành công tạo ra để hành hạ bản thân.
Nói tóm lại: Thượng đế không làm phiền mi trong cái thế gian riêng của mi. Đừng đợi, Ngài sẽ đến bên mi, nếu mi chính là kẻ tuyên bố cái lý thuyết người kiêu ngạo của mi mà quay lưng lại với Ngài. Mi cần đi tìm Thượng đế, nếu mi muốn quay trở về với Ngài. Mi sẽ gặp Ngài dễ dàng nếu ý đồ trong mi thật sự và trong sạch. Nếu mi không muốn than thở kể lể với Ngài về sự kiêu ngạo và sự bị xúc phạm của mi, mà đơn giản mi chỉ muốn nhìn thấy Ngài và bình tâm lại.
Linh hồn của mi ở nơi tạo dựng của Ngài. Trong giọt nước Ngài tạo ra dành cho mi. Chỉ cần mi hãy mở to mắt. Mi sẽ thấy Ngài trong ngọn cỏ vừa mọc. Trong đóa hoa vừa xòe cánh. Trong con bướm đang chấp chới bay. Ngài tạo dựng ở đấy.
Và nếu mi trong sạch và giản dị đứng trước Ngài, mi vứt bỏ tất cả những trò hề (được gọi là) chính trị xã hội, khoa học hay định kiến: rất có thể Ngài sẽ thấy mi. Rất có thể Ngài sẽ mỉm cười với mi. Đằm thắm, và đôi mắt hiền từ của người nghệ sĩ âu yếm nhìn mi rồi Ngài cất tiếng:
“Ta đã thấy, con đang không ổn, con của ta. Đã đến lúc con hãy quay trở về với chúng ta”.
Rỏ ràng tất cả chúng ta hoàn toàn đều có tư tưởng riêng biệt và khác biệt trên mặc nhận định về cuộc sống. Một phần của thực tế thì không ai có thể muốn phủ nhận để tách rời mình ra khỏi một thế giới đang ở trong định hướng xây dựng tự do dân chủ và thái bình. Một phần của niềm tin thì thật sự vô cùng khó biểu lộ vì nó nằm tận trong sâu thẩm của tâm trí huệ thì lấy gì để biện minh điều nào là đúng điều nào là sai hoặc chân lý là như thế nào?
Vì thế, có người cảm nhận Thượng Đế là tuyệt vời vì mang đến họ những điều may mắn phúc hậu, cứu họ ra khỏi nghịch cảnh của gian nghi. Còn người khác thì nghỉ không khách quan lắm thay vì Thượng Đế là nhân đạo thì ngược lại Thượng Đế là nhân tạo, và còn có người tự xung phong đi tìm để chứng minh cho thế giới biết rằng có Thượng Đế, Thượng Đế tồn tại. Nhiều học thuyết đã làm thay đổi bản ngã của con người kể cả tư duy trở thành vô thức. Nhưng, nếu ai sống trong vô thức nhận mình là vô thức thì người đó có tư duy, và còn giữ được bản ngả của mình.
Trên thế giới này có muôn điều thật sự chúng ta chưa biết rỏ hết, tình hình mâu thuẫn chính trị đã nhiều lần làm con người cảm thấy đêu đứng trước những đe dọa, áp bức, và quyền khống chế, etc… Có người vẫn bị huệ luỵ vì họ không muốn nhập cuộc vào một học thuyết chính trị nào cả.
Nhờ có những tác phảm và văn thơ của những con người phúc hậu, chúng ta mới cảm nhận được vũ trụ này thật sự tồn tại chân lý.
ThíchThích
Có một người từng so sánh rằng: khi đứa trẻ chui ra khỏi cõi lòng người mẹ thì cũng như là lúc con người bước chân ra khỏi vườn địa đàng và nó bị tha hóa và nó phải bắt đầu một cuộc chơi, một hành trình đầy cam go hòng tìm lại chính mình.
Hành trình đó đầy những xác người và những bộ xương khô, bởi có đầy rẫy những kẻ chào bán gương soi thật 100% nhưng lại hóa ra ảo ảnh, có người may mắn có được cái gương thật tốt nhưng lại bỏ nó đi để lấy cái gương xịn hơn nhưng ảo hơn.
Ngày xưa, con người sống cùng thiên nhiên, lệ thuộc vào thiên nhiên nên cơ may họ dễ dàng có được những chiếc gương thật dù rằng không dễ dàng.
Ngày nay, Khoa học kỹ thuật đã cho con người nhiều kiến thức về thiên nhiên đủ để họ nhân ra những con người xưa là ấu trĩ. Con người tự tạo cho mình một môi trường nhân tạo tốt nhất trong lịch sử nhân loại, có thể chống lại được thiên nhiên và cải tạo thiên nhiên. Khoa học kỹ thuật đã tạo cho cuộc sống quá nhiều tiện nghi hơn bất cứ thời đại nào với cái giá tiền rất rẻ. điều đó chẳng đáng tự hào sao? Tự hào lắm chứ.
Nếu trước kia ta bị lệ thuộc vào thiên nhiên thì ngày nay với KHKT ta có thể thắng được thiên nhiên, nói như vậy thì ta là chúa tể chứ còn gì! Chế máy bay để bay như chim trời, bắn mây để tạo mưa thần thông như tôn đại thánh! Và có thể một ngày nào đó cái tháp Babel chúng ta đang nỗ lực xây dựng sẽ vươn lên tới tận mây xanh đến nơi và bắt tay vớicác vị thánh thần cư ngụ!
Dễ dàng có thể mua và tìm mua được một cái gương được quảng cáo và chứng minh là cực xịn! sự nhiễu loạn đang lan tràn khắp nơi, tìm được và giữ được một chiếc gương thật trong bối cảnh thời đại này quả thực như “mò kim đáy biển”.
ThíchThích
Anh Hưng thân mến!
Em nhận được thư của một bạn trẻ nêu cảm nghĩ sau khi đọc bài:” Mi và Thượng đế” em dịch, một ý kiến rất hay, sâu sắc. Em đã trả lời bạn ấy. Xin phép được gửi cho anh mẩu trao đổi này, biết đâu anh Hưng sẽ có thêm một cảm hứng suy tưởng….
Chị Nhung thân mến của em
Bác Albert này thực sự có một trái tim tuyệt vời, em nghĩ, đôi phần còn thánh khiết hơn cả cổ tích. Nếu bỏ đi vài phần “cái đẹp”, có thể bác ấy sẽ thấy cả chư Thần trong đáy sâu một giọt nước. Bỏ đi một chút cái đẹp, mà đa phần người muốn cảm nhận cái đẹp thường vị tư, bác ý sẽ đích thực thuần khiết, dù không cần khổ hạnh như Andersen, vẫn có thể thấy Thần Tiên ngay trước mặt.
Nhưng em cũng cảm nhận có gì đó sâu thẳm hơn trong bác ấy. Có nhiều trí tuệ và có điều rất sâu thẳm, như là chiếc gương của Thần đặt cạnh chiếc ti vi cũ, mà khi người ta bước vào căn phòng của bác ấy thì không ngăn nổi mình nhìn thấy điều quá chấn động kia: tạo vật của Thần. Bác Albert có lẽ tuyệt không phàm tục, nhưng tâm hồn nghệ sĩ sẽ ngăn cản người ta tiến nhập vào cái đẹp siêu thường của Thượng Đế. Có lẽ đó là hạt bụi nhỏ bé nhất còn có thể thấy trong mấy lời của bác ấy. Nếu bác ấy là một nhà Thần học, chắc chắn là một nhà Thần học xuất sắc.
Rất tuyệt vời. Lời dịch của chị như một người bạn của bác ấy vậy. Cứ như, chị ngồi bên cạnh một người bạn nước ngoài, chị rất hiểu bác ấy, và nhân tiện kể lại cho mọi người. Trong khoảnh khắc ấy, lời chị dịch đạt đến chỗ “chân”-“thành” nhất của Albert. Rất tuyệt vời.
……………….
T. thân mến!
Em đã nhận ra một điều từ Wass Albert: tuy tâm hồn nghệ sĩ đã ngăn ông bóc trần con người mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn, nhưng trong sâu thẳm, ông đã đến gần Thượng đế từ lâu.
Đến gần Thượng đế là đến đâu vậy? Đến với chính điểm xuất phát của ông, của Wass Albert, cũng là của con người.
Điểm xuất phát ấy là gì: từ vô hình thành hữu hình từ vô cơ thành hữu cơ, từ ý tưởng thành hiện thực, từ cái chết nảy mầm thành đời sống và từ sống lại đến với chết, bóc những lớp vỏ của tất cả mọi sự vật…
Tại sao em nhận ra?
Phải chăng vì em và chị, và nhiều người muốn hiểu về Thượng đế có lẽ đã đạt tới một mức độ trực tiếp nào đó rồi. Nhìn, tiếp xúc, trò chuyện (vô hình) với tất cả những gì xung quanh mình một cách thẳng, trực tiếp, không cần đi qua một trạm trung chuyển nào nữa. Bởi vậy niềm vui luôn luôn reo cười khi được thổ lộ trực tiếp với nhau, cùng nhau, dù vài dòng thư hay một bài dịch, một suy nghĩ riêng trên blog…
Ai chưa hiểu niềm vui của sự trực tiếp này, kẻ đó chưa được tự do (ít nhất như nó mong muốn trong những khoảnh khắc).
Đúng không?
Chị, hoặc em, hoặc Wass Albert, hay bác Hamvas Béla đều tin vào điều mình đang nói, đang làm, đang giao tiếp với người khác chính vì sự trực tiếp hiện thực hoá bản thân, bí quyết giản dị như vậy đấy.
Khi nào con người giản dị tự thực hiện mình một cách đúng, tỉnh, và có niềm vui?
Khi nó tìm thấy sự đồng nhất với Thượng đế trong chính con người nó.
Chỉ còn ta và Thượng đế. Ta chỉ hiểu được chính ta trong một lối tư duy siêu hình hóa, thần thánh hóa, Thượng đế hóa, ngoài ra không có cách nào khác để hiểu nữa.
Đúng không?
Nguyễn Hồng Nhung.
ThíchThích
Đã biết rằng không thể sao còn cứ kiếm tìm. Dùng cái thường tồn để nói về cái vô hạn được chăng?! Thượng đế ở đâu khi có Auschwitz, Thiên An Môn,Kosovo,…?!
Đừng đánh đồng tạo hóa và Thượng Đế của người thiên chúa giáo,đừng dùng lối uyển ngữ để đánh lừa người khác. ” Thượng Đế đã chết.” và “Chỉ có sự im lặng vô cùng mới không xúc phạm tới chân lý.” Hơi buồn vì người dịch bài viết trên cũng là người đã dich H.Bela sang tiếng Việt. Hơi Buồn
ThíchThích
Cháu xin cảm ơn cô Hồng Nhung và bác Hưng,bài viết hay quá!. Thượng Đế luôn tuyệt vời trong đúng vai trò của Ngài, chỉ có con người ngày càng ti tiện và kiêu ngạo.
ThíchThích