Phương trình của Chúa, Chương 6: CUỘC THÁM HIỂM Ở CRIMEA

Phương trình của Chúa,

Chương 6: CUỘC THÁM HIỂM Ở CRIMEA

Tôi rất vui mừng khi thấy các đồng nghiệp của chúng ta bận bịu với lý thuyết của tôi, thậm chí nếu bận bịu vì hy vọng giết chết nó (Trích thư của Albert Einstein gửi Erwin Finlay Freundlichngày 7 tháng 8 năm 1914)

Crimea[1], tháng 8 năm 1914

Khi Đức tuyên bố chiến tranh với Nga, có một nhà khoa học Đức bị người Nga bắt tại Hắc Hải rồi bị đưa đến Odessa. Đó là Erwin Finlay Freundlich, bị nghi ngờ làm gián điệp cho Đức. Ông ta làm cuộc hành trình với một cỗ máy trông rất lạ – một kính viễn vọng. Cỗ máy của ông bị tịch thu và ông bị giữ đến cuối tháng 8, khi ông và nhóm của ông được trao đổi với các sĩ quan Nga cao cấp bị Đức bắt giữ. Trong suốt thời gian bị giam giữ, Freundlich khẳng định mình là một nhà khoa học và ông đến đó chỉ để quan sát nhật thực. Trở về Berlin, Freundlich gọi điện cho Albert Einstein. Tại sao Freundlich lại mạo hiểm du hành đến một đất nước đang có chiến tranh với đất nước ông ? Ông định làm gì ở đó ? Và quan hệ của ông với Einstein như thế nào – quan hệ với một người đã từ bỏ quyền công dân Đức để rồi sau này lại lấy lại quyền công dân đó khi di chuyển đến Berlin ?

Chẳng bao lâu sau cuộc gặp Pollak ở Berlin, Erwin Freundlich đã bắt đầu hợp tác với Einstein, lúc ấy vẫn đang ở Praha. Hai người gặp nhau tại Berlin tháng 4 năm 1912 khi Einstein khám phá ra vấn đề thấu kính hấp dẫn[2]. Một năm sau, trong tuần trăng mật của mình, Freundlich và phu nhân đã gặp Einstein trong cuộc viếng thăm Zurich của họ. Khi tầu hoả chở đôi tân hôn tới nhà ga Zurich đầu tháng 9 năm 1913, họ trông thấy Fritz Haber trên sân ga đang chờ gặp họ. Haber sau đó làm giám đốc Viện Kaiser Wilhelm, và đi cùng với ông là một người vận quần áo thể thao đội một chiếc mũ rơm, đó là Albert Einstein.

Einstein mời vợ chồng Freundlich cùng đi với ông đến Frauenfeld, nơi ông có một cuộc thuyết trình về các vấn đề tương đối. Sau đó họ cùng đi đến bên bờ hồ Constance, rồi quay trở lại Zurich. Einstein đã thảo luận một cách nghiêm chỉnh các vấn đề về lý thuyết và phương pháp kiểm tra các kết quả với Freundlich trong suốt toàn bộ thời gian. Ngày 8 tháng 11, Einstein nhận được một bức thư của một giáo sư tên là Campbell tại Đài quan sát thiên văn Lick ở California, để phúc đáp việc Einstein đề nghị đài quan sát này chụp ảnh các ngôi sao xuất hiện gần Mặt Trời trong thời gian nhật thực rồi gửi những tấm ảnh đó đến Freundlich để phân tích. Nhưng phân tích không đem lại kết quả gì. Quan hệ cuả Einstein với Freundlich hầu hết được biết thông qua một tuyển tập 25 lá thư Einstein viết cho nhà thiên văn trẻ trong suốt 20 năm, từ 1911 đến 1931 mà hiện vẫn còn giữ được [3]. Những lá thư này kể lại một câu chuyện thú vị mà chi tiết đầy đủ của nó đến nay vẫn chưa được biết. Đó là câu chuyện về tính thất thường của định mệnh, về nỗi khao khát khổ sở của nhà vật lý lý thuyết vĩ đại nhất thế giới muốn nhìn thấy bằng chứng thực nghiệm xác nhận giả thuyết của mình và hy vọng nhận được bằng chứng đó thông qua công trình của một nhà thiên văn trẻ nồng nhiệt. Đó là câu chuyện về mặt trái của chiến tranh và chính trị, về việc cả hai thứ đó cản trở con đường tìm kiếm tri thức của nhân loại ra sao. Và thêm nữa đó là câu chuyện về vận may rủi, sự tin tưởng, niềm tự tin, và bản chất hay thay đổi trong quan hệ giữa con người.

Ngay sau khi nhận được ý kiến của Pollak về ích lợi của nhà thiên văn trẻ đối với công trình của mình, Einstein đã viết thư ngay cho Freundlich. Trong lời văn và đặc biệt là địa chỉ trên thư, ông viết rất lễ phép, hầu như muốn lấy lòng. Trong thư thứ nhất và nhiều thư tiếp theo, Einstein – lúc đó đã là một nhà vật lý nổi tiếng nếu chưa phải là gương mặt của toàn thế giới như gần một thập kỷ sau đó – đã thưa gửi với nhà thiên văn mới vào nghề rằng “Ngài Đồng Nghiệp Vô Cùng Kính Mến”. Sau đó ông tiếp tục cám ơn Freundlich một cách dồi dào vì mối quan tâm lớn lao của ông ta đối với một vấn đề quan trọng như thế (thuyết tương đối tổng quát). Ông cổ vũ ông ta cố gắng hết cách để tìm ra bằng chứng quan sát đối với những dự đoán của lý thuyết, trong khi nói rằng các nhà thiên văn có thể có cống hiến vĩ đại đối với khoa học bằng cách tìm ra những bằng chứng như thế. Nỗi khát vọng đến mức khổ sở cùng cực biểu lộ bóng gió trong giọng điệu của Einstein, và khi đọc thư của ông, ta cảm thấy rất rõ rằng ông sẽ làm bất kỳ việc gì bằng các phương tiện vật lý để chứng minh rằng lý thuyết của ông thực sự đúng.

Không gian bị cong xung quanh các vật thể có khối lượng lớn, và một tia sáng đi ngang qua một vật thể như thế sẽ bị cong. Hơn nữa, một tia sáng đi vào một trường hấp dẫn sẽ mất năng lượng, thể hiện bởi một bước nhẩy tần số về phía đỏ của quang phổ (một dịch chuyển đỏ do hấp dẫn) – giống y như một người cảm thấy mệt đứt hơi khi phải leo cầu thang xoắn ốc. Einstein tập trung sự chú ý của mình vào hiện tượng ánh sáng bị bẻ cong mà ông tin chắc tồn tại trong tự nhiên. Ông hỏi nhà thiên văn trẻ xem liệu có cách nào để phát hiện một sự kiện như thế hay không.

Tháng 9, trong nỗi thất vọng dường như đầu tiên trước những cố gắng không thành công của Freundlich nhằm chứng minh lý thuyết của ông, Einstein đã thể hiện một phản ứng khắc kỷ than thân trách phận. Ông viết: “Giá như tự nhiên chỉ cần cho chúng ta một hành tinh lớn hơn Mộc tinh (Jupiter) thì hay biết mấy ! – nhưng tự nhiên đã không cho chúng ta cái khả năng hỗ trợ những khám phá lý thuyết này”. Trong khi tìm cách xác nhận hiện tượng bẻ cong tia sáng được mô tả trên lý thuyết, Freundlich đã lựa chọn Mộc tinh để quan sát ánh sáng đi ngang qua nó rồi đến Trái Đất. Nhưng ông không tìm thấy một hiệu ứng cong như thế. Sau một sự việc đã xẩy ra gần một thế kỷ, nay có thể dễ dàng thấy vì sao Freundlich thất bại. Hiệu ứng cong tương đối nhỏ, và Mộc tinh – trong khi lớn hơn Trái Đất rất nhiều – nhưng chỉ bằng một phần nghìn khối lượng Mặt Trời. Khối lượng của hành tinh đó không đủ để cho phép đo được độ cong của tia sáng xung quanh nó.

Ngày 21 tháng 9, Einstein có một ý tưởng mới. Ông nhận thấy rằng muốn đo được độ cong của ánh sáng xung quanh một vật thể thì ít nhất khối lượng của vật thể đó cũng phải bằng khối lượng Mặt Trời. Ông đặt vấn đề với Ngài Đồng Nghiệp Vô Cùng Kính Mến của ông về khả năng liệu ban ngày có thể tìm kiếm được ánh sáng của các ngôi sao hay không. Việc thảo luận này rõ ràng là cần thiết, vì ánh sáng của ngôi sao phát đi từ một điểm rất xa xôi trong không gian, nếu ánh sáng này có thể quan sát được khi nó đi ngang qua gần Mặt Trời, thì sự cong của tia sáng có thể sẽ được phát hiện nếu người ta đã biết vị trí thông thường của ngôi sao đó. Sau đó người ta có thể so sánh vị trí thông thường của ngôi sao với vị trí quan sát được – bị ảnh hưởng bởi sự cong của tia sáng khi nó đi ngang qua gần Mặt Trời – và từ đó xác định được sự tồn tại của hiện tượng này. Einstein muốn biết liệu các nhà thiên văn có cách nào để nhìn các ngôi sao giữa ban ngày và tìm ra một ngôi sao có vị trí trên bầu trời gần Mặt Trời hay không.

Đầu năm 1913 Einstein viết cho Freundlich, một lần nữa cảm ơn Freundlich vì lá thư rất hay của ông ta và vì sự cống hiến to lớn của ông ta đối với việc tìm kiếm chứng minh cho lý thuyết hấp dẫn. Ông cũng nêu lên trong thư những chi tiết thú vị về việc tiếp tục nghiên cứu của ông nhằm mở rộng khái niệm tương đối và đặt những dấu hỏi với dụng ý rõ ràng là để kích thích người đồng nghiệp trẻ tuổi tiếp tục làm việc cho dự án. Lá thư của Einstein thể hiện rõ khát vọng điên cuồng đi tới một lý thuyết kết thúc. Ông đã sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ để thể hiện cảm xúc của mình đối với những lý thuyết cạnh tranh với lý thuyết của ông – lý thuyết của Abraham, của Mie và của Nordstrom. Gunnar Nordstrom (1881 – 1923), một nhà vật lý Phần-lan, đã có một số công trình nghiên cứu rất tài tình về phương trình trường của Einstein. Việc nghiên cứu của Einstein và Grossmann về  những phương trình này lâm vào rắc rối vì tính chất phụ thuộc của các tham số. Ý tưởng của Nordstrom là cố gắng nghiên cứu một biến thể của lý thuyết tương đối tổng quát trong đó tốc độ ánh sáng c không phụ thuộc vào một trường có mặt trong phương trình của Einstein. Trong bức thư gửi Freundlich nói trên, và những thư tiếp theo, Einstein bộc lộ rõ khát vọng tìm kiếm điên cuồng của ông. Einstein nhận định về công trình của Nordstrom rằng đây là một lý thuyết dị thường, nhưng ít có khả năng đúng. Nếu lý thuyết của Nordstrom chính xác, Einstein viết, thì sẽ có một dịch chuyển về phía đỏ gây ra do hấp dẫn nhưng không làm cong ánh sáng. Do đó Einstein khốn khổ hy vọng rằng sẽ tìm ra một phương pháp thăm dò xem tia sáng có bị cong trong trường hấp dẫn của những vật thể có khối lượng hay không: một sự kiểm chứng như thế sẽ cho thấy hoặc Einstein hoặc Nordstrom đúng. Lời lẽ của ông để lộ không úp mở tinh thần ganh đua của ông. Ông tin rằng chỉ một mình lý thuyết (mặc dù chưa hoàn chỉnh) của ông là đúng mà thôi.

Chính trong lá thư này, không rõ viết ngày nào quãng đầu năm 1913, lần đầu tiên Einstein đề cập đến việc lợi dụng hiện tượng nhật thực. Trước đây, năm 1912, dường như Einstein nghĩ rằng ánh sáng của các ngôi sao có thể quan sát được vào ban ngày khi nó đi ngang qua gần Mặt Trời. Vào khoảng giữa cuối năm 1912 đầu năm 1913, hình như Einstein và Freundlich đã đi đến kết luận rằng không có khả năng đó. Đến một lúc nào đó chắc chắn một trong hai người đã nẩy ra ý nghĩ rằng hiện tượng nhật thực toàn phần sẽ cung cấp một điểm gặp gỡ mỹ mãn cho thí nghiệm. Trong quá trình nhật thực toàn phần, dù đang ở giữa ban ngày và Mặt Trời đang ở trên cao, nhưng ánh sáng của các ngôi sao vẫn có thể quan sát được rõ ràng nhờ bóng tối bao phủ do mặt trăng che lấp Mặt Trời. Vì thế trong khi tự nhiên không cho chúng ta một Mộc tinh đủ lớn, nó lại cho chúng ta một hiện tượng kỳ diệu, xẩy ra khoảng hai năm một lần ở đâu đó trên Trái Đất và cho phép chúng ta nhìn thấy các ngôi sao cũng như vị trí chính xác của Mặt Trời giữa ban ngày.

Ngay sau khi nhận ra điểm này, Einstein cảm thấy bị kích thích mạnh. Trong một lá thư ông thông báo với Freundlich rằng ông đã đọc được trong một tạp chí của Mỹ rằng một số hệ thống quang học sẽ được sử dụng cùng với nhau để quan sát các ngôi sao quanh Mặt Trời khi có nhật thực. Ở đây ông nói rằng điều này xem ra rất hợp lý đối với một “bộ não của một kẻ không chuyên” như ông. Trong thư tiếp theo Einstein nói rõ ông chẳng là gì khác một kẻ ngoại đạo trong lĩnh vực thiên văn học. Hiển nhiên là nhà lý thuyết vĩ đại đã đi đến kết luận rằng lý thuyết của ông tự nó sẽ chẳng có giá trị gì nhiều nếu không có những kiểm chứng vật lý. Dường như ông đã tự dạy mình khá nhiều về thiên văn học trong một thời gian tương đối ngắn. Trong nhiều lá thư ông đã nêu lên những câu hỏi rất kỹ thuật về quá trình thực tế của việc thiết kế một hệ thống quan sát nhật thực và về việc chuẩn bị những tấm kính chụp hình cần thiết để chụp những tấm ảnh các ngôi sao trong vùng lân cận của Mặt Trời.

Ngày 2 tháng 8 năm 1913, Einstein nhắc lại niềm tin của ông: “Về mặt lý thuyết chúng ta đã đi tới một kết quả – tôi hết sức tin tưởng rằng tia sáng sẽ bị cong. Tôi đặc biệt quan tâm đến kế hoạch của ngài về việc quan sát các ngôi sao vào ban ngày”. Sau đó ông tiếp tục bình luận dài dòng về những hạt nhỏ bé lơ lửng trong khí quyển có thể gây ra những ảnh hưởng đến khả năng nhìn rõ, về chất lượng của những tấm ảnh có thể chụp được, và về các vấn đề kỹ thuật thiên văn khác. Rồi ông giải thích cho Freundlich “Khi điều khiển hệ thống quang học hoạt động, ngài phải lấy được bức ảnh bao gồm toàn bộ Mặt Trời, với phần bầu trời mà chúng ta quan tâm – tất cả trên một tấm phẳng. Nhưng có ý kiến gợi ý rằng nên sử dụng hai hệ thống quang học cùng với nhau. Nhưng không rõ là hai bức hình sẽ được sử dụng cùng với nhau ra sao. Tôi tha thiết mong được biết ý kiến của ngài để biết ngài nghĩ gì về phương pháp này và bất kỳ phương pháp nào khác”. Có vẻ như Einstein vô cùng quyết tâm làm cho mọi việc chuẩn bị phải đâu ra đấy đến nỗi ông không để cho các nhà thiên văn tự lo liệu công việc chi tiết hàng ngày.

Và nhà lý thuyết cũng không phải làm việc đơn độc về vấn đề bẻ cong ánh sáng. Cũng trong thư nói trên ông tiếp tục nói rằng ông rất tò mò đối với nghiên cứu của Freundlich về các sao đôi. Ý tưởng của Freundlich là quan sát các hệ sao đôi quay quanh nhau. Sau đó nếu làm thế nào có thể ước tính được khối lượng của cả hai ngôi sao trong cặp đôi đó cũng như tốc độ góc của chúng trong chuyển động quay quanh nhau, thì có thể phát hiện được dịch chuyển về phía đỏ do hấp dẫn mà thuyết tương đối tổng quát của Einstein đã dự đoán khi ánh sáng của sao này đi ngang qua gần sao kia. Nhưng không may, thí nghiệm này lâm vào bế tắc. Cả công trình của Freundlich lẫn của những người khác đều không dẫn tới kết quả nào. Hiện tượng này mãi đến những năm 1960 mới được phát hiện bởi một thực nghiệm tại Đại học Harvard. Trong khi theo đuổi mục tiêu đặc biệt này, Freundlich có thể đã có một số sai lầm tính toán dẫn tới kết quả làm cho Einstein cảm thấy khó chịu. Thư của Einstein kết luận rằng nếu một thí nghiệm như thế bằng cách nào đó dẫn tới một phát hiện về sự khác biệt của tốc độ ánh sáng (thay vì tần số, được biểu hiện bởi một dịch chuyển về phía đỏ), thì “toàn bộ thuyết tương đối bao gồm lý thuyết hấp dẫn sẽ sụp đổ”. Kết thúc, ông nói rằng ông sẽ rất vui nếu cuối cùng ông được gặp Freundlich khi ông này đến Zurich cùng với vợ mới cưới trong tuần trăng mật.

Theo thư tiếp theo do Einstein gửi đi từ Zurich ngày 22 tháng 10 năm 1913, họ đã gặp nhau tại Thụy Sĩ và trao đổi rộng rãi về vấn đề phát hiện sự cong giả định của ánh sáng từ những ngôi sao xa xôi khi chúng đi ngang qua gần Mặt Trời. Sau lời thưa gửi chiếu lệ “Thưa Ngài Cộng Sự”, Einstein viết: Từ đáy lòng tôi cảm ơn ngài rất nhiều vì những thông tin mở rộng và vì mối quan tâm sâu sắc mà ngài đã thể hiện trong công việc của chúng ta”. Có vẻ như Freundlich đã cố gắng để thu được những bức hình do các nhà thiên văn chụp nhật thực đã diễn ra và cố gắng phân biệt hình ảnh các ngôi sao ở gần bóng tối của Mặt Trời. Trong tất cả những cố gắng này ông ta đều thất bại. Không khó để hiểu tại sao lại như vậy. Trong khi Mặt Trời bản thân nó hoàn toàn bị che lấp trong quá trình nhật thực toàn phần, thì vành đai vòng quanh Mặt Trời không như vậy. Những lưỡi lửa sáng vẫn mở rộng ra từ Mặt Trời bi che khuất đến một khoảng cách rộng xung quanh bóng tối hình tròn của mặt trăng đang che lấp Mặt Trời. Các ngôi sao trong khu vực vành đai vòng quanh rất khó phân biệt, và việc phát hiện những xê dịch vị trí của chúng đòi hỏi một thí nghiệm được thiết kế một cách đặc biệt cho mục đích này. Nhưng không may là chưa ai tiến hành thí nghiệm này trước đó, bởi vì không ai nhận thức được sự cần thiết phải phát hiện những xê dịch vị trí của các ngôi sao gần Mặt Trời.

Phần cuối của bức thư cho thấy rõ là ý tưởng về nhật thực là của Einstein chứ không phải của Freundlich. Thực ra, tính bất cẩn của Freundlich – như sau này chứng tỏ khi ông ta mắc một số sai lầm sơ cấp trong tính toán khối lượng ước tính cuả các sao đôi  –  đã được nói ở trên. Einstein dành một phần đáng kể trong thư để bàn về ý kiến tranh luận rõ ràng của Freundlich rằng việc phát hiện sự xê dịch của các ngôi sao gần Mặt Trời có thể tiến hành ngay giữa ban ngày mà không cần một nhật thực toàn phần. Einstein đã kiên trì giải thích rằng ông đã hỏi ý kiến các nhà thiên văn ở khu vực của ông rằng liệu một ý đồ như thế có thể thực hiện được không, và được nghe trả lời với một tiếng “không” [4] rứt khoát.

Ngày 7 tháng 12 năm 1913, Einstein và Freundlich đồng ý với nhau về địa điểm thí nghiệm kiểm tra sự cong của ánh sáng xung quanh Mặt Trời: một cuộc thám hiểm cần phải được tiến hành tại Crimea để quan sát nhật thực toàn phần, được dự đoán diễn ra vào tháng 8 năm 1914. Lúc này họ bận lo mọi chi tiết cho cuộc thám hiểm và chỉ còn vấn đề là làm thế nào có một nguồn tài chính. Sau khi được Freundlich thông báo mọi việc đã được thu xếp, một kế hoạch đầy đủ về việc làm thế nào để du hành tới Nga và từ đó tới Crimea, làm thế nào sử dụng các trang thiết bị kính viễn vọng mà ông ta đã nghĩ ra, làm thế nào để chụp những bức ảnh Mặt Trời và bầu trời xung quanh nó bao gồm những ngôi sao ở gần Mặt Trời trong quá trình nhật thực, và làm thế nào để so sánh các bức ảnh đó với những bức ảnh chụp cùng khu vực đó trên bầu trời với cùng những ngôi sao đó tại những vị trí thông thường của chúng vào ban đêm, Einstein lập tức tiếp xúc với Planck. Ông đề nghị Planck giúp làm sao có được một khoản tài chính ủng hộ để chứng minh phần lý thuyết tương đối tổng quát mà ông cảm thấy đã nghiên cứu xong.

Tuy nhiên hình như Viện hàn lâm Phổ không thấy thích thú đủ mức về dự án này để tài trợ cho nó. Trong thư gửi Freundlich ngày 7 tháng 12, Einstein nói rằng Planck quan tâm đến dự án này, nhưng nếu Viện hàn lâm không cấp tài trợ thì chính ông, Einstein, sẽ chi số tiền tiết kiệm nghèo nàn của riêng ông cho chuyến phiêu lưu. Einstein có vẻ thất vọng và tức giận vì việc không được tài trợ, đã nhấn mạnh trong thư: “Tôi sẽ không viết cho Struve“. Hermann Struve là giám đốc Đài quan sát Hoàng gia tại Postdam. Einstein hy vọng sẽ được bảo đảm tài trợ từ Đài quan sát, nhưng hình như ông đã bị cự tuyệt. Sau đó ông viết thêm: “Nếu không xuôn xẻ thì trước hết tôi sẽ chi 2000 marks từ khoản tiết kiệm nhỏ bé của riêng tôi. Vậy xin đặt mua những tấm phẳng chụp hình cần thiết và xin đừng để mất thì giờ vì vấn đề tiền nong”.

Và sau đó bất ngờ các sự việc bắt đầu xẩy ra, và chẳng có gì có thể ngăn cản diễn biến của các sự kiện – cả sự kiện khoa học lẫn lịch sử. Ngày 6 tháng 4 năm 1914, Einstein và gia đình chuyển từ Thụy Sĩ đến Berlin. Với sự giúp đỡ của Haber ông đã tìm được một căn chung cư, nhưng sau một thời gian ngắn Mileva và Einstein chia tay và Mileva mang con cái trở về Thụy Sĩ. Einstein liền chuyển đến một căn hộ của người độc thân và hình như đã cố gắng hoà giải để thay đổi, nhưng mặc dù vậy thật là đau khổ cho ông vì ông rất gắn bó với hai đứa con trai của mình. Ông tự làm quen với họ hàng ở Berlin và tìm thấy một người trong số họ, Elsa Einstein, một cô em họ,  đặc biệt dễ thương và bắt đầu phát triển tình bạn thân thiết với cô ta. Sau 5 năm, sau khi ly dị với Mileva, hai người lấy nhau.

Ngày 2 tháng 7 năm 1914, Einstein được bầu làm viện sĩ Viện hàn lâm Phổ. Ở tuổi 34, ông là người trẻ nhất. Tất cả những người còn lại đều là những nhà khoa học nhiều tuổi nghề và tuổi đời. Theo những tài liệu về những cuộc nói chuyện của ông với đồng nghiệp khi còn ở Thụy Sĩ trước khi được thông báo về niềm vinh dự sớm được gia nhập Viện, chúng ta biết rằng Einstein không chú ý nhiều đến sự khác biệt tuổi tác và kinh nghiệm. Tuy nhiên, ông đã có một bài diễn thuyết rất hay trước các thành viên của Viện, cám ơn họ vì niềm vinh dự và sự tự do nghiên cứu mà các thành viên của Viện hàn lâm đã dành cho ông để theo đuổi việc nghiên cứu toàn thời của ông. Với tư cách viện sĩ, ông sẽ không phải lo lắng về nhiệm vụ giảng dạy hoặc những nhiệm vụ bắt buộc khác và sẽ có thể cống hiến toàn bộ thời gian của ông vào việc nghiên cứu. Qua thư từ với các đồng nghiệp chúng ta biết rằng Einstein thích sống ở Berlin và thích tư thế mới mà vị trí nghề nghiệp đã ban cho ông. Bây giờ ông cũng có một vị trí để theo đuổi việc tài trợ cho dự án thí nghiệm với một khả năng mới dồi dào hơn.

Trong thời gian chờ đợi, tại đúng chỗ mà Einstein đã thất bại khi còn ở Thụy Sĩ, thì Freundlich lại đạt được thắng lợi phần nào: Giám đốc Struve đã (miễn cưỡng) đồng ý cho phép Freundlich thực hiện dự án nhật thực, nhưng không cấp bất kỳ một khoản tài trợ nào. Bây giờ tại Berlin với tư cách viện sĩ, Einstein nỗ lực giải quyết vấn đề tiền nong. Cuối cùng, Viện hàn lâm cấp cho dự án 2000 marks – số tiền Einstein sẵn sàng lo liệu từ tiền tiết kiệm riêng – và dành khoản tài trợ này để thay đổi dụng cụ khoa học cho mục đích quan sát nhật thực, và cũng để mua các tấm phẳng chụp ảnh cần thiết. Nhưng vẫn cần phải có thêm 3000 marks cho việc đi lại và vận chuyển đến Crimea. Và một trong những bước xoay chuyển định mệnh đã xẩy ra trong câu chuyện về nhật thực, số tiền cần thiết này đã đến từ một nguồn tài trợ không thể ngờ được mà chỉ sau khi xẩy ra mới biết.

Nguồn tài trợ ấy đến từ Gustav Krupp (1870 – 1950), một trùm tư bản mà hãng sản xuất vũ khí của ông ta đến lúc đó đã phải chịu trách nhiệm với nhiều cuộc tàn sát, bao gồm cuộc tàn sát người Mỹ do người Thổ sử dụng vũ khí của Krupp tiến hành. Năm 1918, Krupp thiết kế những khẩu súng nòng dài đặc biệt với mục đích bắn vào cư dân ở Paris từ một khoảng cách 74 dặm, và sẽ giết chết 256 người Paris [5]. Chính tiền của Krupp đã cho phép Hitler mở chiến dịch chống lại Hoà ước Versailles, và năm 1933 cho Hitler những lá phiếu cần thiết để giành được đa số tại quốc hội và chiếm được quyền kiểm soát tuyệt đối nước Đức. Hãng của Krupp đã cung ứng cho bọn quốc xã Nazis trong Thế chiến II, và là công cụ rất cần thiết để bọn quốc xã làm những việc khủng khiếp. Năm 1914, Gustav Krupp đóng góp 3000 marks để giúp đỡ cuộc thám hiểm tìm kiếm chứng minh cho thuyết tương đối tổng quát của Einstein.

Gần đến lúc khởi sự cuộc thám hiểm, Einstein càng lúc càng trở nên bị kích thích, phấn khởi nhưng lãnh đạm. Nhà viết tiểu sử Einstein là Ronald Clark kể lại rằng Einstein thường xuyên đến thăm gia đình Freundlich trong giai đoạn căng thẳng trước khi cuộc thám hiểm nhật thực lên kế hoạch. Có vẻ như Einstein không chịu để bất cứ việc gì bị rủi ro nên thường xuyên để mắt đến Freundlich, người lãnh đạo đoàn thám hiểm. Ông thường mang theo công việc của mình khi đến nhà Freundlich, tại đó, trước khi bữa ăn chiều trôi qua, ông đẩy đĩa ăn của mình ra một bên rồi bắt đầu viết những phương trình của mình lên mặt tấm khăn trải bàn đắt tiền của chủ nhà. Nhiều năm về sau, bà vợ goá của Freundlich nói lại với Clark rằng bà rất ân hận vì không giữ lại tấm khăn trải bàn đó, như chồng bà đã gợi ý, vì có thể nó có nhiều giá trị  [6].

Dường như với thời gian Einstein nẩy sinh trong mình hai cảm nghĩ. Một, ông vô cùng lo lắng về kết quả của cuộc thám hiểm nhật thực sắp tới. Lúc này ông đã là một nhà khoa học nổi tiếng: thuyết tương đối đặc biệt của ông đã được cộng đồng khoa học công nhận là hoàn toàn đúng đắn – mặc dù vẫn có người chống đối. Thuyết tương đối tổng quát, vẫn chỉ mới bắt đầu, đang thu hút sự chú ý của các nhà khoa học khác và đang nhận được cả sự cạnh tranh dữ dội lẫn thái độ nghi ngờ hoà nhã. Các đồng nghiệp của ông ở Viện hàn lâm thì đều già hơn ông và đều chú tâm vào chuyên môn thuộc đề tài riêng của họ, và giữa họ Einstein đang và vẫn sẽ chỉ như một người ngoại cuộc mà thôi. Trong giai đoạn này ông buộc phải từ bỏ thói quen ăn mặc xuềnh xoàng của mình để từ nay ăn mặc ngay ngắn hơn, phù hợp với tư thế mới của ông. Einstein sốt ruột mong mỏi có một chứng minh khẳng định rằng lý thuyết dị thường của ông về không gian, thời gian và hấp dẫn là chính xác. Vào lúc đó, Einstein càng lúc càng trở nên tự tin hơn về giá trị của lý thuyết của mình. Trong một thư gửi cho bạn thân là Michele Besso, Einstein viết: “Không còn gì để nghi ngờ tính chính xác của lý thuyết nữa, dù cho quan sát nhật thực có thành công hay không. Mọi việc cảm thấy đã quá rõ ràng”. Nhưng thật là trớ chêu, ông đã nhầm. Như định mệnh đã an bài, Freundlich đi tới Crimea để tìm kiếm một độ lệch ánh sáng mà theo tính toán nhầm lẫn của Einstein chỉ bằng một nửa độ lệch thật sự tồn tại trong tự nhiên. Nhưng khi Freundlich chuẩn bị khởi hành, Einstein bổ khuyết với ông ta rằng nếu kết quả của cuộc thử nghiệm quan trọng này không tốt đẹp, thì thí nghiệm phạm sai lầm chứ không phải lý thuyết của ông. Đây có thể là một thí dụ điển hình cho thấy trong những trường hợp nhất định đối với một nhà lý thuyết, phương trình được viết ra nhằm mô tả tự nhiên có một cuộc sống riêng của nó như thế nào, và có thể được tin là đúng đắn và thần thánh đến nỗi hiện thực lúc đó rơi xuống vị trí hạng hai mà thôi.

Ngày 19 tháng 7 năm 1914, Erwwin Freundlich rời Berlin cùng với hai cộng sự, trong đó một người là kỹ thuật viên của nhà sản xuất thấu kính Đức nổi tiếng Carl Zeiss. Sau một tuần, họ đến thị trấn Feodosiya tại Crimea và chuẩn bị dụng cụ thiết bị cho cuộc quan sát nhật thực. Freundlich mang 4 máy chụp hình cũng như các thiết bị kính viễn vọng để có những cơ hội lớn nhất chụp được ít nhất một bức ảnh thật tốt thể hiện rõ các ngôi sao trong vùng lân cận của Mặt Trời trong quá trình nhật thực. Nhóm người Đức gặp một nhóm khác đến từ Argentina, cũng ở đó để chụp ảnh nhật thực vì những mục tiêu khác. Thú vị thay, nhóm Argentina đến đây để cố gắng tóm bắt được hình ảnh của Vulcan – một hành tinh giả thuyết nhỏ bé mà người ta tin là tồn tại gần Mặt Trời, vì trong nhiều thập kỷ qua đã phát hiện được được những sai lệch nhỏ có tính hệ thống trong quỹ đạo của Sao Thuỷ (Mercury). Vulcan và quỹ đạo giả định của nó gần Mặt Trời được coi là nguyên nhân gây ra sự cố cận nhật (perihelion) của Sao Thuỷ. Định mệnh thật kỳ quặc, thuyết tương đối tổng quát của Einstein, mà nhóm người Đức đến đây để kiểm chứng, cuối cùng lại chính là cái có thể giải quyết sự cố cận nhật. Sự dịch chuyển của quỹ đạo của Sao Thuỷ không phải do một hành tinh khác gây ra. Chẳng có cái gì tồn tại ở đây cả. Nguyên nhân của hiện tượng đó là ảnh hưởng của trường hấp dẫn của Mặt Trời lên hành tinh ở gần Mặt Trời mà thôi. Và chỉ vài năm sau đó, chính Freundlich đã liệt kê một loạt các quan sát thiên văn lịch sử về quỹ đạo của Sao Thuỷ mà, cùng với thuyết tương đối tổng quát, sẽ giải quyết được bài toán. Lúc này hai nhóm, một từ Argentina và một từ Đức, chia xẻ thông tin và kỹ thuật, cũng như trang thiết bị trong những giây phút chuẩn bị căng thẳng trước khi Mặt Trời biến mất trong một khoảng thời gian quý báu kéo dài chỉ 2 phút trong ngày 21 tháng 8.

Nhưng vào thời gian đó, lịch sử đã diễn biến theo một chiều hướng khác chẳng ăn nhập gì với khoa học và nhận thức. Ba tuần trước khi Freundlich lên đường từ Berlin đi Crimea, hoàng tử Franz Ferdinand, người kế vị ngai vàng của đế quốc Áo-Hung, đi thăm thành phố Sarajevo, thủ phủ của tỉnh Bosnia đã bị đế quốc này thôn tính. Vị bộ trưởng ngoại giao Serbia đã có một hành động bất thường khi ông cảnh báo vị hoàng tử về cuộc viếng thăm, nói trước rằng sẽ có những náo động của người Serbia tại thủ phủ và rằng có lẽ lúc này không thuận lơị cho một cuộc viếng thăm như thế. Franz Ferdinand không nản lòng. Ngày 28 tháng 6, khi đoàn xe hộ tống hoàng tử chở ông tới dự một nghi lễ ở toà thị chính, một quả bom đã được ném vào chiếc xe của vị hoàng tử. Bom nổ, nhưng vị hoảng tử và vợ ông, công chúa Hohenberg, không bị thương. Nhưng âm mưu chống hoàng tử Áo-Hung được tổ chức dầy đặc hơn – những kẻ âm mưu khác đang đợi ông ở một chỗ xa hơn, phía cuối con đường của ông. Tiếp tục cuộc hành trình, đoàn xe hộ tống đi tới một điểm mà tại đó chiếc xe của vị hoàng tử phải đi ngược lại và đổi hướng. Đúng lúc đó, một kẻ âm mưu thứ ba, một sinh viên 19 tuổi tên là Gavrilo Princip, rút ra một khẩu súng và bắn vào Franz Ferdinand và vợ ông, giết chết cả hai. Những kẻ âm mưu thuộc một nhóm khủng bố gọi là Black Hand (Bàn tay đen) hiện tại đang chống lại chính phủ Serbia. Mục tiêu của nhóm này là giành độc lập cho người Slave ở phía nam khỏi sự phụ thuộc vào đế quốc Hapsburg. Vụ giết người đã gây ra một cú sốc trên toàn thế giới. Đám mây giông mang đến Thế Chiến I bắt đầu dầy đặc trên toàn cõi châu Âu. Tuy nhiên dường như bất chấp sự phẫn nộ dấy lên cả từ triều đình Hapsburg lẫn đồng minh của họ là nhà vua Đức về cuộc tấn công, những người tổ chức chuyến thám hiểm của Freundlich tới Crimea hoàn toàn không để ý đến những lôi kéo của tình hình chính trị, và không bao giờ coi chiến tranh với nước Nga có thể là một khả năng sắp xẩy ra. Trong khi những lực lượng hùng hậu này đang sắp sửa được tung vào chiến tranh, Freundlich và nhóm của ông nhẹ nhàng chuẩn bị quan sát nhật thực, dự tính sẽ xẩy ra vào ngày 21 tháng 8, trên vùng đất do Nga kiểm soát.

Trong lúc nhà vua Đức đang tham gia một cuộc đua thuyền ở cảng Kiel thì một bức thư ngắn gấp trong một hộp thuốc lá bằng vàng được ném vào thuyền của ông, báo tin vụ ám sát hoàng tử Franz Ferdinand. Nhà vua hết sức tức giận và nhanh chóng trở về Berlin. Đại sứ của ông ở Vienna gợi ý rằng chỉ nên trừng phạt người Serbia một cách nhẹ nhàng, nhưng Wilhelm II không thể xiêu lòng.

Trong lúc nhà vua Đức đang tham gia một cuộc đua thuyền tại cảng Kiel thì có một bức thư ngắn gấp trong một hộp thuốc lá bằng vàng được ném vào thuyền của ông, báo tin vụ ám sát hoàng tử Franz Ferdinand. Nhà vua rất tức giận và nhanh chóng trở về Berlin. Đại sứ của ông ở Vienna gợi ý rằng nên trừng phạt người Serbia một cách nhẹ nhàng, nhưng Wilhelm II không thể xiêu lòng. Ông quyết định người Serbia nhất định phải bị “thanh toán nhanh chóng”. Dư luận công chúng ở Đức ủng hộ nhà vua, và ngày 4 tháng 7, vị đại sứ Đức ở Anh khuyến dụ với ngài Haldane rằng ông rất lo lắng về tình hình phát triển và khả năng rõ rệt của chiến tranh. Nước Anh khuyên nên kiềm chế và hy vọng một nền hoà bình. Chẳng có gì gặt hái đươc từ chiến tranh, và sẽ mất mọi thứ. Nhưng Đức và Áo-Hung không muốn thế. Nhà vua Đức đặc biệt muốn chiến tranh vì những cảm giác của ông ta về Nga. Ông ta tin rằng Nga cần phải bị chặn lại nếu không nó sẽ khống chế châu Âu và đe doạ quyền lãnh đạo của Đức trên lục địa. Nhà vua đề nghị ủng hộ mạnh mẽ đối với hoàng đế Franz Josef trong cố gắng trả thù người Serbia vì cái chết của con trai của ông ta, bất chấp một báo cáo về kết quả điều tra việc ám sát vị hoàng tử, trong đó không tìm thấy một dính líu nào của chính phủ Serbia.

Ngày 23 tháng 6 năm 1914, đế quốc Áo-Hung ra một tối hậu thư với Serbia. Văn kiện này quả là độc nhất vô nhị trong lịch sử giữa các nhà nước, trong đó Áo-Hung cố thực hiện một nỗ lực ra mệnh lệnh buộc Serbia phải làm gì trong đối nội cũng như đối ngoại. Có 15 yêu cầu trong tối hậu thư lần lượt từ việc yêu cầu chính phủ Serbia cấm tất cả các tuyên truyền chống nước Áo bên trong lãnh thổ của họ đến việc đòi bao gồm cả những sĩ quan Áo vào trong uỷ ban điều tra vụ giết người. Nếu Serbia không chấp nhận toàn bộ các yêu cầu đó thì sẽ có chiến tranh. Chính phủ Serbia đồng ý tất cả, trừ một điều kiện. Thay vì đồng ý thương lượng, Franz Josef đã huy động lực lượng và chuẩn bị tấn công. Trong khi người Serbia dựa vào sự ủng hộ mạnh mẽ của Nga thì nước Đức sẵn sàng ủng hộ những người Áo-Hung. Ngày 27 tháng 7, hy vọng ngăn ngừa được chiến tranh, Nga hoàng đề nghị Áo-Hung và Serbia thương lượng với nhau để đi đến một thoả thuận, nhưng chính phủ Áo từ chối đề nghị đó. Với các nước Âu châu đứng về phe Nga và Serbia hoặc về phe Áo-Hung và Đức, nếu một cuộc xung đột quân sự nổ ra, thì rõ ràng là nó sẽ không thể kiềm chế được và sẽ trở thành một cuộc chiến tranh thế giới.

Đầu ngày 1 tháng 8, Sa hoàng Nicholas lần thứ hai kêu gọi nhà vua Đức rằng hãy để cho tình hữu nghị lâu dài giữa họ thắng thế và ngăn cản cuộc đổ máu giữa hai dân tộc của họ, nhưng Wilhelm không hề bị lay chuyển. Tuy nhiên, ông ta hy vọng hạn chế cuộc chiến chỉ diễn ra ở phía đông mà thôi, chứ không tấn công vào nước Pháp và HàLan. Nhưng các tướng lĩnh của ông đã có những kế hoạch tại chỗ cho cả mặt trận phía tây. Chiều hôm đó, binh lính Đức đã băng qua biên giới để vào Luxembourg và chiếm ngôi làng Trois Vierges (Ba Trinh Nữ). Cố gắng giới hạn cuộc chiến, nhà vua Đức ra lệnh cho binh sĩ của mình rút trở về Đức, nhưng vài giờ sau ông lại thay đổi ý nghĩ và cho quân quay trở lại Luxembourg và tiến luôn đến Bỉ. Buổi tối cùng ngày, mồng 1 tháng 8, vua Anh George V gửi những bức điện khẩn cấp từ London đến Berlin và St.Petersburg trong một nỗ lực tìm lối thoát cuối cùng để ngăn chặn xẩy ra Thế Chiến I. Nhưng những nỗ lực này đều vô hiệu. Cuối buổi tối hôm đó, đại sứ Đức ở Nga tới gặp bộ trưởng ngoại giao Nga tại cung điện của ông này tại St. Petersburg để trình bầy tuyên bố của Đức về chiến tranh với Nga.

Khi chiến tranh nổ ra, nhóm người Đức do Freundlich dẫn đầu đã có mặt sâu bên trong lãnh thổ của kẻ thù. Vì những người Đức này mang theo trang bị quang học nhậy cảm, người Nga nghi họ làm gián điệp. Trong những ngày đầu tiên của tháng 8 năm 1914, nhóm của Freundlich bị bắt giữ. Các thành viên của nhóm bị bắt giữ như những tù nhân chiến tranh. Ngày 4 tháng 8, Einstein, phát ốm lên vì lo lắng, viết một bức thư cho bạn ông là Paul Ehrenfest: “Nhà thiên văn thân thiết của tôi là Freundlich sẽ trở thành một tù nhân chiến tranh tại Nga thay vì có thể quan sát nhật thực. Tôi lo lắng cho ông ấy”. Những tù nhân chiến tranh được chuyển từ Crimea đi thành phố Odessa, ở đó họ bị giữ gần một tháng. Nhưng ngẫu nhiên phía Đức cũng vừa bắt một nhóm sĩ quan cao cấp của Nga. Người Nga đề nghị trao đổi tù nhân chiến tranh và Viện hàn lâm Phổ đã can thiệp với chính phủ Đức để dàn xếp thả Freundlich và các cộng sự của ông đổi lấy các sĩ quan Nga. Ngày 2 tháng 9, Freundlich trở về Berlin. Nhưng hy vọng của Einstein về việc kiểm tra lý thuyết của ông thông qua quan sát nhật thực đã tan vỡ.

Trong khi Freundlich sống tại Berlin trong những năm còn lại của chiến tranh, mặc dù vẫn dành một phần thời gian làm việc cho Einstein, quan hệ giữa hai người không mặn mà như trước nữa. Quan điểm của Einstein về vấn đề này biểu hiện trong một lá thư ông viết cho Freundlich ngày 10 tháng 9 năm 1921, nói rằng: “Tôi nghĩ bây giờ chúng ta gặp gỡ nhau cũng chẳng có ích gì. Tôi mừng vì chúng ta đã hiểu nhau hơn (so với năm 1914). Đối với toàn bộ sự thay đổi trong quan hệ giữa chúng ta, chúng ta có thể cám ơn ông bạn người Anh”. Có vẻ như Einstein đã trách móc Freundlich, người đã vì lý thuyết của Einstein mà đặt cuộc sống và tự do của mình trước sự rủi ro của chiến tranh, và dường như sự bất mãn của Einstein kéo dài tới 5 năm trời, đến khi một người Anh đạt được thắng lợi trong thí nghiệm mà Freundlich đã không gặp may để hoàn thành [7].

Nhưng như định mệnh đã an bài, vào năm 1919, thuyết tương đối tổng quát của Einstein đã trở nên hoàn thiện và ông đã sửa chữa được sai lầm tính toán của ông trước đây về độ lệch của tia sáng khi nó đi ngang qua gần Mặt Trời. Việc sửa chữa này xẩy ra ngày 18 tháng 11 năm 1915, khi Einstein thông báo độ cong dự kiến của tia sáng đúng lúc nó lướt qua rìa mép của Mặt Trời bằng 1,75 giây, gấp 2 lần số liệu mà ông đã dự đoán năm 1914. Một câu hỏi triết lý nẩy sinh: Điều gì sẽ xẩy ra nếu lịch sử cho phép Freundlich thực hiện được thí nghiệm, để rồi sẽ phát hiện ra một sự xê dịch 1,75 giây (cộng hoặc trừ sai số thí nghiệm) thay vì 0,87 giây như Einstein đã dự đoán (thực ra Einstein chỉ phạm một sai lầm trong phép cộng số học nên thu được kết quả là 0,83 giây). Khi đó liệu thuyết tương đối tổng quát sẽ được phán xét là đúng hay sai ?

Cần phải nhấn mạnh rằng nếu coi tia sáng là một hạt, thì dựa trên lý thuyết Newton cổ điển sẽ thu được kết quả độ lệch của tia sáng là 0,87 giây (nếu tính toán không nhầm lẫn). Nhưng kết hợp với tính tương đối sẽ dẫn tới kết quả gấp đôi. Vậy rất có khả năng, nếu thí nghiệm của Freundlich được tiến hành, thì thuyết tương đối tổng quát có thể sẽ không được cộng đồng khoa học công nhận. Có lẽ khi đó Einstein sẽ phải kiên trì chờ đợi để hoàn thiện lý thuyết của mình trước khi tìm kiếm sự xác nhận và ông sẽ chẳng có gì để trách cứ nhà thiên văn trung thành của mình nữa.

Thái độ không biết ơn của Einstein đối với Freundlich thể hiện theo nhiều cách trong những năm tiếp theo, và người ta chỉ cảm thấy thương nhà thiên văn đã dám mạo hiểm quá nhiều vì Einstein và tin tưởng vào một lý thuyết đang khuấy động quá nhiều sự nghi ngờ trong cộng đồng khoa học vào thời gian đó.

Với thời gian, thái độ khinh thị và lãnh đạm của Einstein đối với nhà thiên văn trở nên rõ ràng trong các bức thư. Địa chỉ người nhận thư trên những thư Einstein viết cho Freundlich tính đến trước cố gắng thất bại năm 1914 kiểu như “Ngài Đồng Nghiệp Vô Cùng Kính Mến” nay không còn nữa. Chúng được thay thế một cách đơn giản là “Freundlich thân mến”. Và trong một thư không ghi rõ ngày năm 1917, Einstein viết: “Hôm qua Planck nói với Struve về ông. Struve nguyền rủa ông. Rằng ông không làm cái mà ông ấy muốn ông làm. Planck nghĩ rằng giải pháp tốt nhất đối với ông là kiếm một công việc dạy thiên văn lý thuyết, và ông ấy nghĩ rằng ông rất có cơ may kiếm được một việc như thế. Tôi nghĩ ông ấy nói đúng vì người ta không nên đặt tất cả hy vọng vào việc kiếm một công việc ở đài quan sát. Thân ái, A. Einstein”.

Einstein tiếp tục quan hệ thư từ của mình với Freundlich trong nhiều năm. Hình như ông thường bị Freundlich nhờ giúp đỡ để kiếm được một công việc hoặc công bố một công trình. Qua giọng điệu trên thư từ thường hay nhắc đến tên tuổi người bạn nổi tiếng của mình như Planck, rõ ràng là Einstein bây giờ đã cảm nhận được tư thế quan trọng của một viện sĩ  của một viện xuất sắc như Viện hàn lâm Đức. Freundlich dường như đã không thể kiếm được một vị trí xứng đáng, và trong một lá thư năm 1919 Einstein viết: “Tôi nghĩ vị trí giáo sư đại học rất tốt, nhưng không dễ để có được. Đừng để điều đó làm cho bạc đầu, hãy hưởng thụ thời gian nghỉ ngơi của bạn lúc này. Tất cả rồi cũng đi đến hồi kết thúc thôi mà. Thần kinh của bạn đã bị sổ ra rồi và không có một lát thịt xông khói nào để che chở cho cái đầu của bạn nữa rồi. Từ tình bạn giữa chúng ta xin gửi tới bạn và phu nhân của bạn lời chào thân ái, A.Einstein”. Trong một thư khác Einstein nói rằng ông sẽ đề nghị Viện hàn lâm chấp nhận công trình của Freundlich nếu Freundlich có thể trả lời được 6 câu hỏi kỹ thuật do Einstein đặt ra. Ngày 1 tháng 3 năm 1919, Einstein viết  cho Freundlich nói rằng ông vừa đọc được một bài báo trong sáng và thú vị trình bầy công trình của một nhà thiên văn Anh tên là Arthur Eddington, trong đó thể hiện những ý tưởng trùng hợp với ông đến mức đáng ngạc nhiên. Hoàn toàn không quen biết Einstein, Eddington lúc đó đang chuẩn bị lên tầu thuỷ để đi đến một hòn đảo ở bờ biển thuộc một vùng xích đạo của châu Phi để quan sát nhật thực và sẽ cố gắng phát hiện hiện tượng cong của ánh sáng của các ngôi sao để chứng minh thuyết tương đối tổng quát của Einstein.


[1] Crimea là bán đảo hình thoi trên Biển Đen (Hắc Hải), hiện nay thuộc Ukraina (chú thích của ND)

[2] Thực ra, địa điểm và thời gian chính xác của cuộc gặp đầu tiên với Freundlich vẫn chưa rõ ràng. Ronald Clark, khi viết tiểu sử Einstein đã nêu lên vài thắc mắc về mối quan hệ Freundlich-Einstein dựa trên một cuộc nói chuyện với bà Kathe Freundlich, nói rằng hai người gặp nhau lần đầu tiên tại Zurich năm 1913 (theo sách Einstein: The Life and Times, do Avon xuất bản tại New York 1984, trang 207). Tuy nhiên, trong một bức thư gửi cho Michele Besso, ghi ngày 26 tháng 3 năm 1912 tại Praha, (Văn kiện 377 nhan đề The Collected Papers of Albert Einstein, của M.J.Klein, và các biên tập viên, NXB Đại học Princeton 1933, tập V), Einstein nói với bạn ông rằng ông sẽ sơm đến Berlin để gặp Planck, Nernst, Haber và “một nhà thiên văn”. Nhà thiên văn rất có thể là Freundlich, vì ông này là nhà thiên văn duy nhất mà Einstein có những trao đổi trong thời gian đó. Sổ ghi chép của Einstein với những cuộc hẹn trong thời gian ông ở Berlin năm đó đã được Jurgen Renn và các cộng sự tại Viện Max Planck về Lịch sử Khoa học ở Berlin tìm thấy và nghiên cứu. Trong khi cuốn sổ ghi chép này ghi lại những tư tưởng thiên văn quan trọng cũng như tên tuổi và thời gian của những cuộc gặp gỡ với nhiều người khác nhau, không thấy đề cập gì đến Freundlich ở đó. Tuy nhiên, một mẩu bằng chứng thuyết phục nhất là lá thư năm 1935 của Leo W.Pollak viết cho Einstein (Văn kiện 11-180 của Văn khố về Einstein tại Jerusalem) trong đó ông nói rằng ông đã giới thiệu hai người gặp nhau vào năm 1911.

[3] Tuyển tập được giữ tại Thư viện Pierpont Morgan ở New York.

[4] Kỳ công này đến hôm nay vẫn chưa thể thực hiện được. Ngay cả trong lúc nhật thực, việc phát hiện sự cong của ánh sáng cũng đòi hỏi một quá trình phức tạp.

[5] Martin Gilbert, A History of the Twentieth Century (Lịch sử thế kỷ 20), tập I, do Morrow xuất bản tại New York 1997, trang 490.

[6] Ronald W.Clark, Einstein: The Life and Times (Einstein: Cuộc đời và Thời đại), do Avon xuất bản tại New York 1984, trang 222.

[7] Lá thư này chứng minh một cách rõ ràng rằng quan hệ của Einstein với Freundlich bắt đầu hỏng hoàn toàn khi cuộc thám hiểm nhật thực của Freundlich thất bại. Các nhà nghiên cứu khác về quan hệ Einstein-Freundlich có vẻ như đã bỏ lỡ điểm này. Chẳng hạn trong một cuốn sách mới đây, The Einstein Tower (Ngọn tháp Einstein), do Đại học Stanford xuất bản năm 1997, trang 137-8, Klaus Hentschel nói rằng quan hệ này bắt đầu xấu đi năm 1921 khi Freundlich cố gắng kiếm tiền từ một bản thảo của Einstein, làm Einstein nổi giận.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s