Bertrand Russell, the discoverer of the most famous paradox in mathematics, once said: “Men are born ignorant, not stupid. They are made stupid by education”. My today essay will discuss on the stupidity of two theories which have had great infulences in education: Metamathematics and Evolutionary Darwinism…
Bertrand Russell, tác giả của nghịch lý nổi tiếng nhất trong toán học, từng nói: “Con người sinh ra chưa được hiểu biết chứ không ngu dốt. Họ bị làm cho ngu dốt bởi nền giáo dục”. Trong tiểu luận hôm nay tôi sẽ thảo luận về cái vô minh của hai lý thuyết có ảnh hưởng lớn trong giáo dục: Siêu toán học và Thuyết tiến hóa Darwin…
Phần II – CÁI VÔ MINH TIỀM ẨN TRONG NHỮNG HỌC THUYẾT HÀN LÂM
Siêu toán học và thuyết tiến hóa Darwin chẳng có gì liên quan với nhau, nhưng có thể bỏ cả hai vào trong cùng một rọ, đó là cái rọ chứa những tham vọng ngông cuồng của con người ─ tham vọng tìm thấy những nguyên lý đơn giản có thể giải thích được toàn bộ thế giới. Cụ thể, siêu toán học muốn tìm ra một hệ tiên đề cho toàn bộ toán học, cho phép chứng minh hoặc phủ định bất kỳ một sự kiện toán học nào. Trong khi đó, thuyết tiến hóa muốn giải thích toàn bộ sự đa dạng và phức tạp của sự sống bằng một cơ chế vô cùng thô sơ là chọn lọc tự nhiên. Nói cách khác, siêu toán học là một dạng “Lý thuyết về mọi thứ” trong toán học, và thuyết tiến hóa là một dạng “Lý thuyết về mọi thứ” trong sinh học.
Dưới ánh sáng của Định lý Bất toàn (Theorem of Incompeteness) của Kurt Gödel, có thể nhận định rằng tất cả những “Lý thuyết về mọi thứ” đều là không tưởng, ngông cuồng, vì nó không đếm xỉa đến một nguyên lý cơ bản của triết học nhận thức ─ nguyên lý giới hạn của nhận thức.
GIỚI HẠN CỦA NHẬN THỨC và NHẬN THỨC VỀ GIỚI HẠN
Nguyên lý giới hạn của nhận thức khẳng định rằng nhận thức có giới hạn. Cụ thể:
- Nhận thức logic không bao giờ giải thích được nguyên nhân đầu tiên (first cause), và không bao giờ tìm ra kết quả cuối cùng (last effect);
- Nhận thức logic chỉ nhận thức được chân lý bộ phận (partial truth), không bao giờ nhận thức được chân lý toàn thể (whole truth). Nói cách khác, nhận thức toàn thể bao giờ cũng phiến diện, không đầy đủ, đúng như tinh thần của truyện ngụ ngôn Thầy Bói Xem Voi [1]
Nếu không hiểu nguyên lý đó, một người trí thức giỏi chuyên ngành có nguy cơ trở thành “một gã ngu nhiều chữ nghĩa” (a learned fool), bởi vì anh ta có thể lao vào nghiên cứu một mục tiêu không tưởng và sai lầm. Trong quá trình thực hành cái sai đó, anh ta trở thành kẻ làm hại xã hội, vì anh ta truyền bá cái sai đó cho mọi người, thậm chí anh ta reo tắc tai họa cho xã hội. Đó chính là trường hợp của những người chạy theo siêu toán học và những người chạy theo chủ nghĩa Darwin. Điển hình nhất trong số này là Adolf Hitler, kẻ đã reo rắc tai họa cho nhân loại vì điên cuồng áp dụng học thuyết đấu tranh sinh tồn vào xã hội loài người, với tham vọng cải tạo, thúc đẩy và nâng cao trình độ tiến hóa của con người [2]. Hitler có lẽ là một minh họa tiêu biểu cho câu nói bất hủ của Molière: “Kẻ ngu lắm chữ còn ngu hơn kẻ ngu vô học” (Un sot savant est sot plus qu’un sot ignorant), hoặc câu nói tương tự của Victor Hugo: “Kẻ ngu làm nhiều điều ác hơn kẻ ác” (Les igonrants font plus de méchancetés que les mechants). Nhiều người nghĩ Hitler rất thông minh, vì ông ta vẽ giỏi, ăn nói hùng biện, biết cách kích thích tâm lý của thanh niên Đức đương thời và biết tập hợp số đông hùa theo ông ta. Nhưng trong con mắt của triết học nhận thức, ông ta ngu xuẩn, vì ông ta là một kẻ cuồng tín đối với thuyết tiến hóa đến mức cho rằng có thể tác động vào quá trình chọn lọc tự nhiên thông qua đấu tranh sinh tồn, trong khi ông ta không có đủ trực giác nhạy bén để nghi ngờ học thuyết này là phản khoa học.
Nhưng hãy tạm quên Hitler đi để quay về với nguyên lý về giới hạn của nhận thức. Nguyên lý này đã được khẳng định bởi Định lý Gödel trong thế kỷ 20, nhưng tư tưởng manh nha của nó đã có từ thời tiền cổ đại, cách chúng ta khoảng 27 thế kỷ! Đó là khám phá của Epimenides, một nhà triết học cổ Hy Lạp sống trên đảo Crete vào khoảng thế kỷ 7-6 trước CN. Ngay từ thời cổ lỗ đó ông đã chú ý tới tính mâu thuẫn của mệnh đề sau đây: “Tôi là kẻ nói dối” (I am a liar). Sau này ngưới ta tìm thấy rất nhiều mệnh đề khác tương tự với mệnh đề đó, và đi tới kết luận rằng tất cả những mệnh đề tự quy chiếu (self-referential statement), tức là những mệnh đề tự mình nói về mình, đều dẫn tới mâu thuẫn. Thí dụ mệnh đề A sau đây là một mệnh đề tự quy chiếu:
Nếu A đúng, suy ra vế phải đúng, có nghĩa là mệnh đề A sai. Nếu A sai, suy ra vế phải sai, tức là mệnh đề A đúng. Đó là Nghịch lý của mệnh đề tự quy chiếu, hoặc Nghịch lý Cretan, vì Epimenides là người trên đảo Crete. Vào thời điểm thế kỷ 7-6 trước CN mà đã khám phá ra cái mâu thuẫn logic đó thì quả thật là quá giỏi. Người đời nay mấy ai sánh kịp?
Hai mươi thế kỷ sau, vào năm 1658, nhà toán học kiệt xuất Blaise Pascal cho ra mắt một tác phẩm triết học toán học quan trọng: “Về tinh thần hình học và Nghệ thuật thuyết phục” (De l’Esprit géométrique et de l’Art de persuader), trong đó ông chỉ ra rằng toàn bộ tính đúng đắn của hình học dựa trên hệ tiên đề của nó, nhưng không có cách nào để kiểm tra tính chắc chắn của hệ tiên đề này. Theo ông, độ tin cậy của hệ tiên đề phụ thuộc hoàn toàn vào TRỰC GIÁC. Nhưng trực giác ở đâu ra? Giới vô thần không có câu trả lời, hoặc trả lời trực giác tự nhiên có. Trả lời như thế cũng bằng như chưa trả lời. Còn chính Pascal thì nhấn mạnh rằng “những nguyên lý đầu tiên này (tức hệ tiên đề) chỉ có thể nắm bắt được bằng trực giác, và rằng sự thật này khẳng định sự cần thiết phải nhờ cậy đến Chúa trong việc khám phá ra chân lý” [3].
Kết luận này không làm hài lòng giới vô thần chút nào, nhưng họ không dám chống lại, vì uy tín khoa học của Pascal quá lớn, và vì lý lẽ của ông hoàn toàn thuyết phục. Vì thế, để chống lại Pascal, cách tốt nhất là tảng lờ triết học của ông, không nhắc đến nó. Đó là lý do học sinh ở nhà trường chỉ được biết những công trình khoa học của Pascal mà không hề biết gì về tư tưởng của Pascal. Đó là sự kém cỏi của con người. Họ sợ sự thật.
Ba thế kỷ sau Pascal, Kurt Gödel đã biến Nghịch lý Cretan và lý thuyết của Pascal thành một định lý toán học không thể tranh cãi ─ Định lý Bất toàn ─ làm sụp đổ hoàn toàn tham vọng của siêu toán học, một lý thuyết toán học vĩ đại do David Hilbert khởi xướng từ đầu thế kỷ 20.
SIÊU TOÁN HỌC VÀ CHỦ NGHĨA HÌNH THỨC
Năm 1900, tại Hội nghị toán học thế giới tại Paris, nhà toán học lỗi lạc David Hilbert phất cao ngọn cờ của chủ nghĩa hình thức, kêu gọi các nhà toán học trên toàn thế giới tập hợp lại để tái thiết tòa lâu đài toán học, củng cố nền móng của tòa lâu đài đó sao cho nó tuyệt đối vững chắc, không cho phép xuất hiện bất cứ một vết rạn nào trong tòa lâu đài đó, kể từ nền móng. Tòa lâu đài đó được lịch sử sau này gọi là Siêu Toán học ─ một hệ thống toán học phán xét chính toán học, sao cho có thể loại trừ một cách tuyệt đối mọi nghịch lý ra khỏi toán học, và tìm ra một phương pháp vạn năng cho phép chứng minh hoặc phủ nhận bất kỳ một sự kiện toán học nào. Mục tiêu cụ thể của siêu toán học là tìm ra một Hệ Tiên đề đầy đủ và phi mâu thuẫn cho toàn bộ toán học. Phương pháp cụ thể của nó là áp dụng chủ nghĩa hình thức đến mức tuyệt đối ─ thanh tẩy mọi ý nghĩa vật lý cụ thể của các đối tượng toán học ra khỏi toán học, áp dụng triệt để ngôn ngữ logic hình thức và lý thuyết tập hợp, biến toàn bộ toán học thành những chuỗi suy diễn logic hình thức, hoàn toàn độc lập với thế giới hiện thực.
Với lý tưởng vĩ đại như thế, siêu toán học được mô tả như Chiếc Chén Thánh Toán học (The Holy Grail of Mathematics), ngụ ý đó là một mơ ước thiêng liêng của toán học. Quả thật đó là một mơ ước thiêng liêng, vì không có gì thiêng liêng bằng việc tìm ra một hệ thống chân lý tuyệt đối. Nếu mơ ước này biến thành sự thật thì quả thật con người không cần đến Chúa nữa.
Hình bên: Tác phẩm của Kurt Gödel, “Về những mệnh đề hình thức không quyết định được của Nguyên lý Toán học và những hệ liên quan.
Vì mơ ước đó quá đẹp, quá lãng mạn, quá lý tưởng, nên nó đã thu hút được hầu hết những nhà toán học giỏi nhất vào thời đó, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Henri Poincaré, nhà toán học lỗi lạc nhất cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Với trực giác thiên tài, Poincaré ngay từ đầu đã thấy chương trình Hilbert là không tưởng. Ông cho rằng việc sáng tạo toán học phải dựa trên trực giác, thay vì logic. Logic chỉ là công cụ kiểm tra chứ không phải công cụ dẫn đường, Trực giác mới là kẻ dẫn đường. Ông tuyên bố: “Nhờ logic ta chứng minh, nhưng nhờ trực giác ta khám phá” (C’est avec la logique que nous prouvons et avec l’intuition que nous trouvons). Trường phái Hilbert phớt lờ Poincaré. Nhưng sự thật là sự thật, và sự thật ủng hộ Poincaré. Ông mất năm 1912, nhưng linh hồn ông có lẽ đã rất toại nguyện khi Kurt Gödel, năm 1931, công bố Định lý Bất toàn, xác nhận ông đúng, Hilbert sai.
Gödel, bằng việc số hóa rất tài tình một mệnh đề toán học tương tự như Nghịch lý Cretan, đã chỉ ra rằng tồn tại những mệnh đề toán học không thể quyết định được (undecidable), tức là không thể chứng minh và cũng không thể phủ nhận, làm tiêu tan giấc mộng của siêu toán học. Điều đó có nghĩa là hệ tiên đề của toán học không bao giờ là đầy đủ. Nói cách khác, không thể thiết lập một hệ tiên đề đầy đủ và phi mâu thuẫn cho toán học!
Định lý Bất toàn cũng chỉ ra rằng bóng ma của Nghịch lý Cretan luôn bám chặt lấy siêu toán học, vì siêu toán học là một hệ thống toán học phán xét chính toán học. Nói cách khác, siêu toán học là một hệ tự quy chiếu, tự mình nói về mình, do đó không tránh khỏi mâu thuẫn. Muốn tránh mâu thuẫn thì phải đi ra ngoài toán học để phán xét toán học. Nhưng ngoài toán học là cái gì? Không có câu trả lời.
David Hilbert mất năm 1943, nghĩa là ông có 12 năm để suy ngẫm về Định lý Bất toàn. Nhưng trong 12 năm đó, ông im lặng về định lý này, thậm chí ông tiếp tục cho xuất bản những công trình của ông về chủ nghĩa hình thức và siêu toán học. Hilbert ngoan cố hay ông không hiểu Định lý Bất toàn? Có thể cả hai.
Không chỉ Hilbert như thế, rất nhiều nhà toán học lỗi lạc khác cũng như thế. Thậm chí tới những năm cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, tư tưởng của chủ nghĩa hình thức vẫn tiếp tục được tôn thờ và còn được du nhập mạnh mẽ vào nhà trường phổ thông ở Pháp, tạo nên một cao trào cải cách giáo dục mệnh danh là “Toán học Mới” (Nouvelles Mathématiques), gây nên cuộc khủng hoảng giáo dục trầm trọng ở Pháp trong thập kỷ 1960. Căn bệnh hình thức sính logic và tập hợp từ đó lan tràn ra khắp thế giới. Ngày nay người ta biết rõ đó là một sai lầm tai hại. “Toán Học Mới” đã chết cuối thập kỷ 1970. Cuối thế kỷ 20 Định lý Gödel đã được phổ biến rộng rãi. Không ai còn ngu dại gì mà tiếp tục chương trình siêu toán học nữa. Siêu toán học đã trở thành một kỷ niệm buồn, đánh dấu một thời đại ấu trĩ về nhận thức của thế giới toán học.
Vậy bài học của siêu toán học là gì? Đó là cái NGU của con người ─ cái ngu cho rằng con người có thể khám phá ra những chân lý tối hậu mà không cần có Thượng Đế.
Tại sao Poincaré nhìn xa trông rộng, đoán trước được sự thất bại của siêu toán học, trong khi Hilbert thi không? Hãy xem Poincaré khác Hilbert ở chỗ nào.
Poincaré cho rằng toán học không thể tách rời thực tiễn. Ông nói: “Nhà toán học xa rời thực tiễn giống như một họa sĩ bị tước đi vật mẫu” [4]. Theo ông, dù toán học có khả năng hình thức hóa đến đâu, và sự hình thức hóa ấy mang lại hiệu quả ra sao, nguồn mạch sáng tạo toán học vẫn phụ thuộc vào trực giác. Ông tuyên bố: “Nhờ logic ta chứng minh, nhưng nhờ trực giác ta khám phá” (C’est avec la logique que nous prouvons, et avec l’intuition que nous trouvons). Ở đây, tư tưởng lớn gặp nhau: Poincaré đồng quan điểm với Pascal.
Một khi đã tin vào trực giác, người ta không thể từ chối Đấng Sáng tạo, bởi trực giác là quà tặng quý giá nhất của Đấng Sáng tạo ban cho con người. Nói cách khác, trực giác là kênh giao tiếp trực tiếp giữa con người với Đấng Sáng tạo, không thông qua lý luận. Nếu kênh giao tiếp này thông đồng bén nhạy, con người sẽ khám phá ra những chân lý kỳ diệu. Sự sáng tạo toán học, mặc dù sử dụng logic như một công cụ sắc bén, vẫn không nằm ngoài quy luật dẫn đường của trực giác.
Trong khi đó, Hilbert coi toán học về bản chất là một hệ thống chân lý logic thuần túy, độc lập với thế giới vật chất, và do đó, bằng một phương pháp tư duy logic chặt chẽ và chính xác, con người sẽ có thể khám phá ra toàn bộ hệ thống chân lý đó. Ông quả quyết: “Chúng ta phải biết; chúng ta sẽ biết” (We must know; we will know). Đây là tuyên bố mạnh mẽ nhất của Hilbert, và cũng là tuyên bố để lộ chỗ yếu nhất của Hilbert. Để bình luận, tôi xin nhắc lại vài ý kiến đã nói trong bài “Lửa của Pascal” [5]
Có thể giả định Hilbert không hề đọc Pascal… Tuy nhiên thật khó tin một người như Hilbert lại không bao giờ để mắt tới một tác giả lớn như Pascal. Giả thiết hợp lý nhất có lẽ là Hilbert đã từng đọc Pascal, nhưng ông không chấp nhận Pascal về mặt triết học, và càng không chấp nhận Pascal về mặt thần học và tôn giáo. Vậy quan điểm tôn giáo và triết học của Hilbert ra sao?
Một lần, có người phàn nàn với Hilbert rằng Galileo không chịu nhận tội, Hilbert lập tức nổi giận nói như mắng vào mặt người này rằng: “Nhưng ông ấy không phải một thằng ngu. Chỉ những thằng ngu mới có thể tin rằng chân lý khoa học cần đến các thánh tử đạo; chuyện đó có thể cần thiết trong tôn giáo, còn chân lý khoa học thì tự nó sẽ chứng minh vào thời điểm thích đáng”.
Thực ra Hilbert đã được rửa tội theo Đạo Tin lành Cải cách (Reformed Protestant Church). Nhưng sau này ông bỏ đạo và trở thành người vô thần. Thật vậy, bất chấp Định lý Gödel công bố năm 1931, ông vẫn công bố tác phẩm “Die Grundlagen der Mathematik” (Cơ sở của Toán học) vào năm 1934, trong đó ông dõng dạc tuyên bố: “Toán học là một khoa học không có những giả định tiên nghiệm nào cả. Để khám phá ra nó, tôi không cần đến Chúa như Kronecker, không cần giả định về một năng lực đặc biệt… như Poincaré, không cần trực giác bẩm sinh như Brower chủ trương…”
Thủa sinh viên, tôi từng giống như mọi bạn học, coi Hilbert như một trong những ông thánh toán học. Nhưng khi đọc lịch sử toán học thế kỷ 20, tôi buồn rầu nhận ra rằng ông quá kém về triết học nhận thức. Tôi càng buồn hơn khi thấy trong thời đại hiện nay, khi siêu toán học đã phá sản từ lâu, nhưng chủ nghĩa hình thức của Hilbert vẫn ngự trị trong số đông các nhà toán học, đặc biệt trong giới giảng dạy toán học. Tôi đành giải thích hiện tượng này theo cách của Einstein, rằng “Tính đa số của những người ngu xuẩn là vô địch và thiên thu trường tại”.
THUYẾT TIẾN HÓA DARWIN
Định lý Gödel, hoặc nguyên lý giới hạn của nhận thức khẳng định rằng không có một hệ logic nào có thể chứng minh được nguyên nhân đầu tiên, tức hệ tiên đề của nó. Nhưng thuyết tiến hóa có tham vọng chứng minh nguồn gốc sự sống, tức là giải thích được nguyên nhân đầu tiên của hệ thống tiến hóa sinh học. Điều này trái với Định lý Gödel và vi phạm nguyên lý cơ bản của triết học nhận thức. Vì thế, chương trình nghiên cứu về nguồn gốc sự sống của thuyết tiến hóa CHẮC CHẮN thất bại, giống như tham vọng của siêu toán học muốn xây dựng hệ tiên đề cho toàn bộ toán học đã thất bại.
Thực tế, lý thuyết về nguồn gốc sự sống của Darwin, tức lý thuyết về “cái ao ấm áp”, được các đệ tử tiếp tục dưới tên gọi lý thuyết về “nồi soup nguyên thủy” hoặc “tiến hóa hóa học” đã dậm chân tại chỗ trong suốt hơn 150 năm qua, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của và công sức lãng phí mà kể. Nếu ngày nay chương trình đó vẫn đang được tiếp tục tiến hành tại các viện nghiên cứu và tiếp tục được truyền bá trong các nhà trường thì đơn giản đó chỉ là sự tiếp tục cái trì độn của bầy đàn mà Einstein đã hết sức ngán ngẩm nhận xét: “… trong khi bầy đàn, xét như bầy đàn, cứ mãi mãi trì độn trong tư duy và trì độn trong cảm xúc”.
Để thấy rõ sự trì độn này, xin đọc bài If Darwin were alive / Nếu Darwin còn sống , trong đó đã dẫn ý kiến của Stephen Blume, tác giả cuốn Evo-Illusion (Ảo ảnh tiến hóa), rằng: “Darwin đã nhiều lần nói và viết về một sự thật là ông có nhiều ngờ vực đối với lý thuyết của chính ông. Nếu hôm nay ông còn sống, và được biết những gì mà loài người hiện nay biết, tôi đánh cuộc rằng ông sẽ ném lý thuyết của ông vào sọt rác từ lâu”. Rồi Blume nói với giọng thách thức các nhà tiến hóa: “ĐẦU TIÊN hãy lấy những tế bào chết rồi biến chúng thành tế bào sống đi đã. Nếu không làm nổi điều này thì sẽ là hoàn toàn vô nghĩa để tổ chức rầm rộ việc tổng hợp hóa sinh, trong khi không có hy vọng để thành công trong việc tạo ra mô sống từ một hỗn hợp vật chất không sống. Khoa học này thực ra chỉ là để kiếm chác tiền tài trợ và công ăn việc làm mà thôi!”.
Thật thú vị khi ta thấy Tự Nhiên cũng không nuông chiều thuyết tiến hóa, mặc dù thuyết này được coi là theo chủ nghĩa tự nhiên (naturalism). Thật vậy, Tự Nhiên đánh đố thuyết tiến hóa bằng cách đẩy nó vào một mâu thuẫn logic luẩn quẩn tương tự như Nghịch lý Cretan. Đó là Nghịch lý Con gà và Quả trứng ─ con gà ra trước hay quả trứng ra trước? Muốn có sự sống, phải có DNA, vì DNA chứa đựng chương trình lắp ráp phân tử protein. Nhưng DNA lại nằm trong protein, do đó muốn có DNA phải có protein. Vậy DNA có trước hay protein có trước?
Với truyền thống vô địch về tài bịa đặt giả thuyết mới, các nhà tiến hóa bịa ra giả thuyết RNA để cứu vãn tình thế con gà và quả trứng. Thỉnh thoảng ta gặp những tin tức giật gân trên báo chí, rằng đã giải quyết được nghịch lý con gà và quả trứng, nhưng đọc kỹ thì thấy hóa ra vẫn chỉ là một giả thuyết mới mà thôi, đó là giả thuyết RNA. Với những thuật ngữ và khái niệm khoa học được phô bày rắc rối trong giả thuyết, những người yếu bóng vía hoảng sợ và tưởng đó là một khám phá mới, nhưng những người có bản lĩnh thì biết đó chỉ là một giả thuyết tìm lối thoát của thuyết tiến hóa, và lối thoát ấy lại dẫn đến một ngõ cụt mới.
Tại sao thuyết tiến hóa gặp phải nghịch lý con gà và quả trứng? Vì thuyết tiến hóa là một giả thuyết thuần túy sinh học mà muốn giải thích được nguồn gốc của thế giới sinh học, tức là nguyên nhân đầu tiên. Theo Định lý Gödel, điều đó là bất khả (impossible)! Theo định lý này, muốn phán xét một hệ thống A phải đi ra ngoài hệ thống A. Vậy muốn biết nguồn gốc của sự sống, phải đi ra ngoài sự sống. Nhưng ngoài sự sống là cái gì? Khoa học duy vật bế tắc.
Thật đáng tiếc, giới tiến hóa nói chung đều rất kém về triết học và toán học, kể cả những nhà tiến hóa đoạt Giải Nobel, chẳng hạn như George Wald. Vì bế tắc trong việc giải thích nguồn gốc sự sống, George Wald đành tin vào sự hình thành phân tử sống đầu tiên nhờ may rủi, rồi đánh cược rằng “thời gian tự nó sẽ tạo ra phép mầu”. Có nghĩa là cứ chơi xổ số hàng tỷ năm rồi cũng sẽ đến lúc trúng số độc đắc. Một kiểu lý luận phi khoa học như thế, bất chấp khoa học xác suất như thế, mà vẫn được coi là khoa học, vẫn được một số đông “nhà” khoa học ủng hộ (!!!). Phải giải thích ra sao về hiện tượng quái gở này? Chỉ có hai cách giải thích: 1/ Giải thích như Einstein, rằng “Tính đa số của những người ngu xuẩn là vô địch và thiên thu trường tại”; 2/ Giải thích như Stephen Blume, rằng “Khoa học này thực ra chỉ là để kiếm chác tiền tài trợ và công ăn việc làm mà thôi!”.
Một người có trực giác tốt, có bản lĩnh độc lập, không bị tảy não bởi những bài giảng sinh học tiến hóa, sẽ không khó khăn gì để thấy rõ bản chất phi khoa học (non-scientific), phản khoa học (anti-scientific), và ngụy khoa học (pseudo-scientific) của thuyết tiến hóa, vì:
1/ Đó là một học thuyết hoàn toàn vô bằng chứng (tuyệt đối không có bằng chứng hóa thạch để chứng minh sự tồn tại của những sinh vật trung gian tiến hóa từ loài này thành loài khác)
2/ Đó là một học thuyết sử dụng rất nhiều bằng chứng giả mạo và lừa đảo (rất nhiều người suốt đời không hề biết mình đã bị thuyết tiến hóa lừa đảo, vẫn tin chắc vào những bằng chứng giả mạo của học thuyết này, điển hình là luật sư Clarence Darrow trong vụ án John Scopes).
3/ Đó là một học thuyết trái với bằng chứng của “Vụ nổ Cambri”─ một khám phá lớn về hóa thạch chứng tỏ hầu hết sinh vật ra đời trong cùng một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi, gần như đồng thời, tức là không hề có sự tiến hóa.
4/ Đó là một học thuyết chống khoa học và phản khoa học. Nó chống lại Định luật Tạo sinh (Biogenesis) do Louis Pasteur khám phá, và phản lại Định luật 2 của Nhiệt động lực học do Lord Kelvin khám phá.
5/ Đó là một học thuyết bị toán học xác suất bác bỏ. Hội nghị chuyên đề Wistar 1966 ở Philadelphia đã chính thức kết luận học thuyết Tân-Darwin không thể thực hiện được. Nhà thiên văn học nổi tiếng Fred Hoyle cũng công bố những phép tính xác suất cho thấy sự sống không thể hình thành một cách ngẫu nhiên từ vật chất không sống.
6/ Đó là một học thuyết hoàn toàn phi logic, vì lập luận chủ yếu của nó là sự di truyền các đột biến có lợi và sự chọn lọc tự nhiên, nhưng những cơ chế này không hề có bằng chứng thực tế nào xác nhận. Trong thực tế, đột biến đều dẫn tới bệnh hoạn và cái chết, không hề dẫn tới sự tăng thông tin.
7/ Đó là một học thuyết bịa đặt về nguồn gốc sự sống. Trên thực tế, tham vọng chứng minh nguồn gốc sự sống hoàn toàn thất bại, vì nó trái với Định lý Bất toàn.
8/ Đó là một học thuyết trái với kết luận của Lý thuyết Thông tin. Lý thuyết Thông tin khẳng định thông tin không phải là vật chất và mọi thông tin đều có nguồn trí tuệ thông minh. Thông tin của DNA nói lên rằng sự sống được sáng tạo bởi một nguồn trí tuệ thông minh, thay vì hình thành một cách ngẫu nhiên và mù quáng, may rủi như thuyết tiến hóa chủ trương.
9/ Đó là một học thuyết phi nhân, vì nó kích thích sự phát triển của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, lát đường cho chủ nghĩa quốc xã Đức, góp phần thúc đẩy sự băng hoại đạo đức trong xã hội hiện đại.
10/ Đó là một học thuyết sai lầm nghiêm trọng khi nó chủ trương đấu tranh sinh tồn là động lực thúc đẩy sự tiến hóa. Kết luận này sai về khoa học và là cơ sở triết học cho chủ nghĩa quốc xã Đức Hitler tiến hành tội ác diệt chủng nhân danh khoa học.
KẾT LUẬN
Siêu toán học và thuyết tiến hóa là bằng chứng cho thấy “Gã ngu có chữ nghĩa còn ngu hơn gã ngu vô học” (Molière). Vì thế con người không thể cậy mình có nhiều chữ nghĩa để tự phụ. Đó là lý do vì sao các sách thánh, các nhà tư tưởng lớn trong mọi thời đại đều luôn luôn nhắc nhở con người tỉnh thức để phân biệt thế nào là khôn ngoan và thế nào là ngu dốt. Nói một cách đơn giản, con người phải để tâm học NGHĨA LÝ LÀM NGƯỜI, thay vì tự phụ với mớ chữ nghĩa kiếm ra tiền bạc. Với tinh thần đó, PVHg’s Home xin chia sẻ với độc giả những tư tưởng sau đây:
- Kính sợ Chúa là khởi đầu của sự khôn ngoan. Kẻ ngu khinh chê sự khôn ngoan và từ chối học hỏi (To have knowledge, you must first have the reverence for the Lord. Stupid People have no respect for wisdom and refuse to learn, Kinh Thánh, Sách châm ngôn 12:1). Bình luận: Chủ nghĩa vô thần là sai lầm, vì nó tự phụ cho rằng con người có thể giải thích được mọi thứ! Định lý Bất toàn của Gödel khẳng định khoa học không thể giải thích được mọi thứ. Tư duy trực giác mới thực sự là kẻ dẫn đường của nhận thức. Trực giác là kênh trao đổi thông tin giữa con người với Đấng Sáng tạo. Kênh giao tiếp ấy càng thông suốt, con người càng thông tuệ. Ngược lại, kênh ấy càng bế tắc, con người càng ngu xuẩn.
- Kẻ ngu luôn nghĩ mình đúng. Người khôn lắng nghe lời khuyên (Stupid people always think they are right. Wise people listen to advice, Kinh Thánh, Sách Châm ngôn 12:15). Bình luận: Định lý Bất toàn của Gödel là một lời khuyên rất tốt đối với các nhà khoa học, đặc biệt với các nhà tiến hóa.
- Càng nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng tôi càng tin rằng khoa học loại bỏ chủ nghĩa vô thần (The more thoroughly I conduct scientific research, the more I believe that science exclude atheism, Lord Kelvin). Bình luận: Quan niệm cho rằng khoa học đối kháng với Đấng Sáng tạo là một quan niệm sai lầm. Chỉ có khoa học vô thần mới chống lại Đấng Sáng tạo, trong khi khoa học chân chính ủng hộ Đấng Sáng tạo. Newton, Pascal, Pasteur, Einstein, Heisenberg, Godel,… đều tin vào Đấng Sáng tạo.
- Cái ngu đến từ một câu trả lời cho mọi thứ. Cái khôn đến từ một câu hỏi đối với mọi thứ (The stupidity of people comes from having an answer for everything. The wisdom of the novel comes from having a question for everything, Milan Kundera). Bình luận: Siêu toán học và thuyết tiến hóa đều tìm kiếm một câu trả lời cho mọi thứ.
- Cái ngu được đóng gói khéo léo có thể làm ra bộ thông thái (Stupidity well packaged can sound like wisdom, Burton Malkiel). Bình luận: Siêu toán học làm choáng ngợp giới toán học vì vẻ bác học của nó, nhưng thực chất đó là cái ngu tiềm ẩn trong những người nhiều chữ nghĩa. Thuyết tiến hóa cũng đóng vai một khoa học hàn lâm, nhưng thực chất là một chuyện hoang đường khéo đóng gói.
- Sự khác biệt giữa thiên tài và ngu xuẩn là ở chỗ thiên tài có giới hạn (The difference between genius and sutpidity is: genius has its limits, Alexandre Dumas con). Bình luận: Câu này tương đương với câu nói của Einstein về sự vô hạn của cái ngu. Điều này giải thích cho chúng ta vì sao một học thuyết phản khoa học như thuyết tiến hóa có thể tồn tại dai dẳng.
- Băn khoăn suy nghĩ là khởi đầu của trí khôn (Wonder is the beginning of wisdom, Socrates). Bình luận: Darwin nhiều lần băn khoăn lo lắng về sự thiếu vắng hóa thạch của các loài trung gian chuyển tiếp. Điều đó chứng tỏ ông rất thông minh. Nhưng đệ tử của Darwin lại che đậy giấu diếm sự thật đó, thậm chí cố ý tạo ra bằng chứng giả mạo để lừa đảo công chúng rằng tiến hóa là sự thật.
- Bước cuối cùng của lý lẽ là nhận ra rằng tồn tại vô số thứ ở phía bên kia tầm với (La dernière démarche de la raison est de reconnaître qu’il y a une infinité de choses qui la surpassent, Pensées, Blaise Pascal). Bình luận : Rất tiếc là những người như David Hilbert, Charles Darwin,… không hiểu điều Pascal nói, vì thế các ông muốn tìm ra một nguyên lý đơn giản có thể giải thích được mọi thứ. Đó là cái vô minh nằm trong những người nhiều chữ nghĩa.
- Ai cũng có thể mắc sai lầm, nhưng chỉ có kẻ ngu mới khăng khăng bảo vệ sai lầm của mình (Any man can make mistakes, but only an idiot persists in his error, Marcus Cicero). Bình luận: Sai lầm của thuyết tiến hóa đã quá rõ ràng, nhưng các nhà tiến hóa bịa hết giả thuyết này đến giả thuyết khác để bảo vệ cái sai.
- Cái thìa không biết thưởng thức vị ngon của súp, kẻ ngu lắm chữ không biết thưởng thức cái tinh tế của sự thông tuệ (A spoon does not know the taste of soup, nor a learned fool the taste of wisdom, Ngạn ngữ). Bình luận: Siêu toán học và thuyết tiến hóa là sự vô minh của kẻ lắm chữ nghĩa – những người có hàng mớ lý luận nhưng lại quá nghèo về trực giác nên không thể đạt tới sự thông tuệ để nhìn thấy chân lý..
PVHg, Sydney 21/09/2016
CHÚ THÍCH:
[1] ĐỊNH LÝ BẤT TOÀN (1) “Thầy Bói Xem Voi”
[2] Darwinism’s Evil Influences / Tác hại của Thuyết Tiến hóa
https://viethungpham.com/2016/08/19/darwinisms-evil-influences-tac-hai-cua-thuyet-tien-hoa-1/
https://viethungpham.com/2016/08/24/darwinisms-evil-influences-tac-hai-cua-thuyet-tien-hoa-2/
[3] Xem LỬA của PASCAL (PASCAL’s FIRE)
[4] Câu nói này tôi đã đọc được trên một bài báo ở Việt Nam từ nhiều chục năm trước. Nay tôi không nhớ rõ nguồn bài. Ai tìm được, xin cung cấp cho tôi. Xin chân thành cảm ơn.
[5] Xem chú thích [3]
Xem thêm Nguồn trích dẫn:
THIS IS ONE OF THE BEST ARTICLES OF ALL TIME
ThíchThích
Tôi xin cám ơn anh Hưng về bài luận này . Để có thể nhiều người được đọc bài của anh .Xin anh hãy gửi cho báo Khoa học và đời sống ở Việt nam ..
Tôi rất mong anh khỏe đẻ viết nhiều ,giúp cho người Việt ở trong nước nâng cao sự hiểu biết và đỡ NGU
Thân chào và chúc anh vui khỏe .
ThíchThích
Đúng là con người càng lúc càng trì độn, bác ạ. Giờ mỗi lúc nghe tin tức, đọc báo thì cháu lại càng thấy sợ. Con người đang giết lẫn nhau.
Nhiều lúc người ta chết vì những lý do rất là lãng xẹt, thật không thể hiểu được. Lẽ ra không đáng để như vậy thì nó lại xảy ra. Một sự thoái hóa trầm trọng !
ThíchĐã thích bởi 1 người
Cần phải tin vào Chúa Trời , Phật , Thánh , Thần …. Như vậy thế gian sẽ không rối loạn , không mất trật tự . Và sự thật họ tồn tại trong vũ trụ .
ThíchThích