Những vị Thánh tôi thấy (The Saints I have seen)

snkmy-1997 (3)Viết tặng con gái, nhân ngày sinh nhật của con, 19/03/2015

Trong thế giới ngày nay, khi cuộc đua tranh làm giầu trở thành một lẽ sống, giáo dục, âm nhạc, nghệ thuật và nhiều giá trị tinh thần cao quý khác bị thương mại hóa, con người ngày càng vô cảm, đạo đức xuống cấp trầm trọng, nạn đói và nhiều bệnh dịch hiểm nghèo vẫn đang hành hạ một bộ phận rất lớn trong nhân loại,… thì sự kiện hơn 40 tỷ phú trên thế giới tuyên bố hiến tặng hầu hết tài sản của mình cho quỹ từ thiện Melinda Gates [1] phải được xem là một hành động vô cùng cao cả, thánh thiện – một tấm gương sáng chói nhắc nhở cho chúng ta thấy giá trị cốt lõi của con người là LÒNG NHÂN.
Với tôi, đó là những vị Thánh đang sống cùng chúng ta.
Đứng đầu danh sách hiến tặng này là Warren Buffett và Bill Gates, 2 đại tỷ phú từng thay nhau đứng ở vị trí số 1 trong danh sách những người giầu nhất thế giới do Forbes thống kê hàng năm.
Cách đây khoảng chục năm, một bác sĩ y khoa tên là MD được du học Mỹ theo một suất học bổng của quỹ Melinda Gates. Khi tới Seattle, Washington, anh được một gã tài xế người Mỹ đón tại sân bay rồi đưa về khách sạn trên một chiếc xe 4 chỗ tàng tàng. Sau khi bàn giao sinh viên du học cho ban quản lý khách sạn, gã tài xế vui vẻ ra về. Cho tới lúc đó MD vẫn không hề biết rằng gã tài xế vừa đưa đón mình chính là đại tỷ phú Warren Buffett. Khi nói chuyện với nhân viên khách sạn, MD mới giật mình nhận ra rằng mình vừa mới được diện kiến một đại nhân mà không hay. Ít lâu sau MD còn được mục kích nơi ở của đại nhân đó, hóa ra cũng chỉ là một căn nhà tầm tầm như chiếc xe ông đang đi. MD nói với tôi rằng chiếc xe ông ấy đi trông còn cũ hơn chiếc xe của tôi (tôi dùng một chiếc Toyota đã chạy 8 năm), căn nhà ông ấy ở trông cũng tầm tầm như căn nhà của tôi vậy thôi (căn nhà của tôi nằm ở ngoại ô Sydney, cách trung tâm khoảng 40km, được xây dựng từ những năm 1960). Tôi nói với MD: “Vậy thì bạn đã được gặp một vị Thánh đang sống cùng chúng ta rồi đấy!”.
Có lẽ Warren Buffett là người thấu hiểu hơn ai hết sự xấu xa của thói tham lam, nên ông muốn làm gương dạy bảo chúng ta giá trị đích thực của đồng tiền, ý nghĩa đích thực của cuộc sống là gì. Tôi không biết Buffett có theo tôn giáo nào hay không, nhưng việc làm của ông làm tôi liên tưởng tới việc làm của người đàn bà góa trong Kinh Thánh – gia sản của bà vẻn vẹn chỉ có 2 đồng tiền kẽm, vậy mà khi bỏ tiền vào thùng tiền quyên góp cho việc phúc đức, bà đã “rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Tân ước, Mc 12, 41-44).
Vâng, Warren Buffett tuyên bố sẽ hiến tặng 99% tài sản khổng lồ của ông (khoảng 70 tỷ đô-la), và kêu gọi những tỷ phú khác cũng làm như ông. Nghe nói tổng thống Barack Obama (có lẽ chưa đủ giầu để được liệt vào hàng tỷ phú) cũng đã hưởng ứng lời kêu gọi của ông Buffett. Dù vô cảm đến mấy tôi cũng không thể không vắt tay lên trán để suy nghĩ về những sự kiện này.
Từ lâu tôi đã từ bỏ cách suy nghĩ phân chia xã hội thành các giai cấp, quy cho giai cấp này đặc tính tốt, giai cấp kia đặc tính xấu. Cách phân chia đó dẫn tới sự bất mãn và thù hận khôn cùng. Tôi nghĩ thực ra xã hội chỉ có 2 loại người – tốt và xấu. Giai cấp nào cũng có người tốt, người xấu. Nông dân cũng có người tốt, người xấu. Trí thức cũng vậy, nhất là trí thức hiện đại. Khó có một xã hội nào là hoàn hảo, nhưng một xã hội tốt là xã hội tạo điều kiện cho người tốt có thể phát huy được ảnh hưởng của mình, chẳng hạn như việc ông Warren Buffett đã và đang làm. Xã hội dở là xã hội khuyến khích thói ích kỷ và làm cho con người ngày càng vô cảm.
Từ thời trẻ tôi đã tâm đắc câu ngạn ngữ: “L’argent est un bon serviteur, mais mauvais maitre” (Tiền bạc là tên đầy tớ trung thành, nhưng là tên chủ khốn nạn). Vì thế tôi rất thích Albert Einstein khi ông nói: “Sự thỏa mãn và yên ấm chưa bao giờ là mục đích tự thân của tôi (tôi gọi nền tảng luân lý này là lý tưởng của bầy lợn)… Những mục đích tầm thường mà người đời theo đuổi như của cải, thành đạt bề ngoài, sự xa xỉ, với tôi từ thời trẻ đã luôn đáng khinh” [2].
Có một vị giáo sư khá thành đạt về công danh sự nghiệp nói với tôi: “Những kẻ thất bại ở đời thường tin vào chiêm tinh và tôn giáo. Những kẻ ít học thường khinh bằng cấp. Những kẻ nghèo hèn thường khinh tiền bạc. Họ đều là những con cáo chê chùm nho của LaFontaine”.
Nhưng việc làm cao cả của Warren Buffett đã cho thấy ông giáo sư này sai. Ông này dường như không hiểu khái niệm “trọng nghĩa khinh tài”. Dù nền văn minh hiện đại đã làm lu mờ phần nào khái niệm “trọng nghĩa khinh tài”, nhưng những anh hùng hào kiệt trọng nghĩa khinh tài trong thiên hạ vẫn luôn luôn tồn tại, như một đối trọng không thể thiếu chống lại thói xấu tham lam tàn bạo của con người. Càng suy nghĩ về thời thế theo cách đó tôi càng thấy rõ ý nghĩa cao đẹp và sâu sắc của việc các tỷ phú quyết định hiến tặng phần lớn tài sản của mình cho từ thiện. Dường như họ muốn nói với chúng ta rằng đồng tiền chẳng là cái gì cả, thậm chí là tội ác, như Balzac từng nói đằng sau những tài sản kếch xù là máu và nước mắt, nếu đồng tiền không biết san sẻ cho những số phận đau khổ, thiệt thòi. Các xã hội Tây phương phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Canada,… ngày nay đã biết chia sẻ quyền lợi cho toàn dân thông qua chính sách trợ cấp xã hội, nhưng dường như trong con mắt của những người như Warren Buffett và hơn 40 tỷ phú khác, như thế vẫn chưa đủ. Vì thế mới cần phải đóng góp từ thiện, để cứu giúp những số phận bị bạc đãi một cách nhanh chóng hơn và hiệu quả hơn.
Vậy điều đáng suy ngẫm nhất của việc làm từ thiện này là gì?
Là nhận thức cho rằng ý nghĩa đích thực của cuộc sống là làm cho người khác hạnh phúc. Hãy nghe Albert Einstein tâm sự:
“Tình cảnh của những đứa con của trái đất chúng ta mới kỳ lạ làm sao! Mỗi chúng ta đến đây như một chuyến viếng thăm ngắn ngủi. Ta không biết để làm gì, nhưng đôi khi ta tin rằng ta cảm nhận được điều đó. Song, nhìn từ cuộc sống thường nhật mà không đi sâu hơn, ta biết rằng ta đến đây vì người khác – trước hết vì những người mà hạnh phúc của riêng ta phụ thuộc hoàn toàn vào nụ cười và sự yên ấm của họ, kế đến là vì bao nhiêu người không quen mà số phận của họ nối với ta bằng sợi dây của lòng cảm thông…” [3].
Mặc dù Einstein không tin vào Chúa của Thiên Chúa giáo, nhưng tư tưởng yêu thương tha nhân của ông chính là tư tưởng cốt lõi của Thiên Chúa giáo.
Và tất cả những tỷ phú hiến tặng tài sản cho từ thiện cũng vậy. Họ là những tấm gương tuyệt vời về đạo đức, về lòng nhân, và về tư tưởng yêu thương bác ái.

Nhưng không chỉ có những vĩ nhân mới sống đạo đức như thế. Tôi đã gặp những người rất bình thường mà việc làm của họ làm tôi nhớ mãi như một bài học không thể nào quên, khâm phục họ như khâm phục ông Warren Buffett, và thậm chí tôi áy náy mãi vì không biết làm thế nào để trả ơn họ.

Alexandtre-trois-paris-serge-ramelliẢnh bên: Cầu Alexandre 3, Paris
Người thứ nhất tôi muốn nhắc đến là một thanh niên người Pháp lái taxi.
Sáng sớm hôm ấy, một ngày mùa thu Tháng 10 năm 2000, anh chở tôi từ khách sạn “Formule 1” ra “Gare du Nord” ở Paris để lên tầu tốc hành Eurostar đi London (tầu chạy xuyên biển Manche). Lúc rời xe taxi để vào nhà ga, tôi đánh rơi ví trên xe, bao gồm hơn 7500 đô-la cùng toàn bộ giấy tờ, trong đó có passport và vé tầu. Vào đến nhà ga, tìm vé để lên tầu, tôi mới phát hiện ra rằng đã mất toàn bộ tiền nong và giấy tờ. Lục soát lại toàn bộ hành lý, sau khoảng hơn 5 phút, tôi biết chắc rằng ví tiền và giấy tờ đã mất, và nó không thể nằm ở đâu khác ngoài chiếc xe taxi, lúc này đã rời xa tôi khoảng hơn 10 phút. Tôi không nhớ bất cứ một chi tiết nào về chiếc taxi và anh lái xe, dù ở mức tối thiểu để giúp cảnh sát dễ dàng truy tìm. Việc duy nhất tôi có thể làm lúc đó là báo cáo cảnh sát, mong cảnh sát thông cảm với cảnh ngộ đáng thương của tôi mà giúp đỡ tôi, bất kể là giúp đỡ như thế nào. Tôi tiến tới hai viên cảnh sát đang đứng gần cửa soát vé. Tâm trạng lo lắng cuống quýt làm tôi líu lưỡi lại, nói không ra lời, một phần cũng vì đã quá lâu không có dịp nói tiếng Pháp. Cảnh sát lắng nghe, nhưng có vẻ họ không hiểu tôi nói gì. Tôi bắt đầu nói lại từ đầu, cố gắng nói rành rọt từng chữ, mặc dù nhìn đồng hồ chỉ còn khoảng hơn 3 phút nữa là tầu chạy. Cảnh sát bắt đầu hiểu ra mọi chuyện, nhưng quá khó để họ có thể có một quyết định hợp lý khi tôi không cung cấp một thông tin nào rõ ràng về chiếc taxi. Rồi sự thể sẽ ra sao? Mỗi giây qua đi đối với tôi lúc ấy căng thẳng như mỗi giây tháo ngòi nổ của một quả mìn. Khi đồng hồ báo chỉ còn hơn 1 phút nữa là tầu chạy, tôi thực sự tuyệt vọng, thì… đúng lúc ấy anh thanh niên lái taxi xuất hiện từ đằng xa. Trông thấy anh, tôi ngỡ ngàng sung sướng, đoán điều gì đã xẩy ra. Tôi lập tức rời hai viên cảnh sát, lao tới ôm chầm lấy anh. Anh trao cho tôi chiếc ví, tôi vội cầm lấy rồi lại lao ngay về phía cửa lên tầu,… quên cả hỏi tên anh, địa chỉ của anh để báo ơn. Hai viên cảnh sát nhìn theo tôi, chắc họ cũng mừng cho tôi… Lên tầu, ngồi yên vị một lúc tôi mới mở ví ra xem. Quả thật khi nhận chiếc ví từ tay anh lái taxi, tôi không mở ra để kiểm tra, chỉ vội rút vé ra để lên tầu, thế thôi. Tôi không đủ thì giờ để suy xét ngoài một phản xạ là phải lên tầu cho nhanh. Lúc hoàn hồn rồi tôi mới mở ví ra. Lạy Chúa, toàn bộ giấy tờ và tiền còn nguyên vẹn, hơn 7500 đô. Chao ôi, anh thanh niên ấy, nếu không phải là một vị thánh thì anh có tâm hồn của một vị thánh. Viết đến đây, tôi lại nghĩ đến người đàn bà góa trong Kinh Thánh. Anh thanh niên lái taxi có tấm lòng giống người đàn bà góa ấy. Viết những dòng này, tôi thầm cầu nguyện xin Chúa thương anh, xin Chúa ban phép lành cho anh, xin Chúa khen anh như đã khen người đàn bà góa…

Christmas-New-Year-2015_Sydney (13)Ảnh bên: Cửa hàng The Trends ở trung tâm Sydney.
Người thứ hai tôi phải chịu ơn cũng là một người lái xe. Đó là bà René, lái xe bus tại trung tâm Sydney. Một bữa nọ, tôi lái xe lên trung tâm Sydney chơi. Nhưng trong trung tâm rất khó đậu xe, nên tôi tạt vào Broadway Shopping Centre để gửi xe, thường được 3 giờ đồng hồ free (miễn phí), rồi tính chuyện đi xe bus vào trung tâm. Gửi xe xong, tôi ra đường George, nhẩy lên một chiếc xe bus đến QVB (Queen Victoria Building). Để khỏi phải rút ví ra nhiều lần, tôi cẩn thận lấy một ít tiền lẻ ra để mua vé. Tiền lẻ thì cho vào túi áo sơ-mi, ví thì nhét vào túi sau. Đến QVB, tôi xuống xe, lang thang khoảng 1 giờ đồng hồ rồi lại lên một chiếc xe bus khác để trở về Broadway. Lúc ấy mới nghĩ đến chiếc ví, vì phải có vé gửi xe mới ra được khỏi cửa siêu thị. Nhưng sờ đến ví thì ví đã mất. Tôi hoảng hồn lo lắng. Lục hết túi này đến túi khác, cuối cùng biết chắc ví đã mất. Tôi toát mồ hôi, nghĩ kế làm sao ra được. Đành phải tìm gặp bảo vệ thôi. Nhưng may quá, mở hộp đựng giấy tờ trong xe ra thì thấy chiếc vé xe vẫn còn nằm trong đó. Hóa ra tôi đã không bỏ vé vào ví. Thế là ra về được. Nhưng lòng buồn rượi vì ví đã mất, trong đó có hơn 500 đô và bằng lái xe, thẻ ngân hàng,… Thật là phiền phức khi mất những giấy tờ này, và tiền bạc dù chỉ mất 500 đô cũng thấy tiếc đứt ruột. Thà rằng tiêu nó vào việc nghĩa thì không tiếc. Tôi buồn đến nỗi… đầu óc bay lên mây, quên không seatbelt (quàng dây an toàn), cứ thế chạy xe về nhà. Về đến gần nhà, đường Canley Vale Rd, bỗng thấy xe cảnh sát rú còi báo động chạy ngay sau xe mình. Tôi nghĩ chắc có vụ việc nào đó cảnh sát đang cần truy đuổi nên lập tức chạy nép xe vào lề, nhường đường cho cảnh sát. Nào ngờ tôi nép vào đến đâu thì xe cảnh sát cũng nép vào đến đấy, có nghĩa là họ truy đuổi chính mình. Tôi dừng xe lại, ra khỏi xe. Viên cảnh sát có vẻ tức giận, nói với tôi với giọng cáu kỉnh: “Tại sao tôi đã rú còi báo động mà ông không dừng xe lại, vẫn cứ cố chạy?”. Tôi lập tức xin lỗi, nói rằng tôi hiểu lầm sự việc. Viên cảnh sát yêu cầu trình giấy tờ, tôi khai vừa bị mất. Anh ta hỏi tôi có biết tôi đã phạm lỗi gì không. Tôi nghĩ một vài giây rồi nhận lỗi không seatbelt, và thanh minh thanh nga vì sao mà nên nông nỗi ấy… Rất may là viên cảnh sát tin tôi, chỉ viết giấy phạt 120 đô (nộp phạt tại trung tâm nộp phạt), rồi cho tôi đi. Trên chặng đường ngắn về nhà tôi càng buồn hơn, thầm nghĩ đúng là ở đời có số, và số mình là số ăn mày, đúng là “họa vô đơn chí”,… Nhưng vừa về đến nhà thì con gái tôi hỏi ngay: “Bố vừa bị mất ví có giấy tờ và tiền phải không?”. Tôi sửng sốt ngạc nhiên vì làm sao mà con tôi lại biết? Chưa kịp hỏi thì con tôi nói luôn: “Người ta gọi điện tới nhà báo cho biết đã nhặt được ví của bố, và họ nói sẽ mang đến nhà trả cho bố đấy”. Quả thật, chỉ một lát sâu, khoảng gần 1 tiếng đồng hồ gì đó, người ta mang ví đến. Đó là bà René, người lái một trong 2 chiếc xe bus mà tôi đã đi. Bà cho biết bà đã nhặt được chiếc ví trên ghế ngồi của hành khách. Nhờ giấy tờ trong đó bà đã có mọi thông tin của tôi để liên lạc. Thế là chúng tôi trở thành bạn. Bà đưa cả chồng con đến thăm chúng tôi, và chúng tôi cũng đến thăm gia đình bà. Chúng tôi nói với nhau những câu chuyện về cuộc sống, và rất ăn ý với nhau về quan điểm cho rằng cuộc sống phải có ý nghĩa, và rằng ý nghĩa đó chẳng có gì khác hơn là tinh yêu thương đùm bọc giữa con người với con người. Với tôi, bà không chỉ là một người bạn, mà còn là một ân nhân.
Tôi có nhiều ân nhân, không thể kể hết ra đây, trong đó có những ân nhân tôi không thể trả ơn được. Tối rất áy náy. Nhưng tôi tự an ủi rằng cách trả ơn tốt nhất là hãy yêu thương tha nhân, đúng như lời Chúa dạy.

PVHg

Ghi chú:
[1] Xem Vietnamnet:
http://vnn.vietnamnet.vn/thegioi/201008/40-ty-phu-se-hien-hon-nua-tai-san-lam-tu-thien-926906/
[2], [3]: Xem “Thế giới như tôi thấy”, Albert Einstein, NXB Tri Thức, 2005

4 thoughts on “Những vị Thánh tôi thấy (The Saints I have seen)

  1. Hoan hô bài của Bác!  Song, xin thô lỗ mạn phép đề xuất ý nhỏ ạ: Lòng NHÂN là cụm từ Bác dùng chắc để chỉ “cái ý” dễ hiểu (và dễ nhất trí) đối với cả hai anh em mình.      Vấn đề học thuật ở đây là chữ Nhân mà giới trí thức hay chính trị gia hay dùng đã đc hàm ý đúng nghĩa! Nhưng, Ý tuy đúng, mà chữ lại sai vì vô nghĩa. Bởi lẽ chữ Nhân k phản ánh nghĩa trong khi nó chỉ có vai trò làm chức năng phụ làm “nền” mà thôi. Chốt lại, tựu trung, ý của E là, Ý của Bác muốn thể hiện là Lòng “Từ” (từ ái) đúng k ạ?! 

    Gửi từ Samsung MobilePhamVietHung’s Home đã ghi:

    Thích

  2. Chào chú,
    Cháu xin chấm mút một chút chiếc bánh sinh nhật mà chú tặng cho con gái cưng! (sau khi đã thổi nến)
    Đầu bài viết là những món tiền khổng lồ của những nhà tỉ phú góp cho quỹ từ thiện, cuối bài viết là những món tiền nho nhỏ mà những người lái xe trả lại cho người đánh rơi.
    Dù lớn hay nhỏ, sang hay hèn thì hành động trả lại những của cải cho thế gian mà nó thuộc về là một hành động khôn ngoan, nó cũng chứng tỏ họ không bị vướng víu vào những giây mơ rễ má của vật chất, khiến cho họ xa dần phần “con” và gần với phần “người” hơn.
    Một đoạn trong Thánh Kinh có chép rằng: một số người đến tìm đức Giê su và hỏi: chúng ta có phải nộp thuế cho hoàng đế Ceasar hay không? đức Giêsu mới hỏi: thế hình in trên tiền là ai, họ trả lời: là Ceasar, Ngài trả lời: vậy của Ceasar hãy trả về cho Ceasar, của Thiên Chúa hãy trả về cho Thiên Chúa.
    Thế đó chúng ta vẫn phải làm lụng, mưu sinh và nộp thuế, ai giỏi thì làm có nhiều tiền, ai dữ thì ăn chặn được nhiều tiền, ai may mắn thì trúng số, hay sinh ra trong một gia đình đã có sẵn nhiều tiền….ai dở thì làm ít tiền, ai khờ thì bị ăn chặn mất tiền, ai không may thì sinh ra đã trong cảnh túng quẫn….
    Miếng ăn, vị thế địa hạt…phải chăng muôn thú vẫn đang chơi trò này hay sao?
    Vậy người sẽ chơi trò gì để chứng tỏ là người chứ không phải thú…
    Khó quá..
    Thôi thì cầu xin như Đức Giêsu đã dạy:
    ……giúp con có miếng ăn hằng ngày.
    …..giúp con khỏi vướng vào các cạm bẫy cám dỗ…
    ………………….
    À, sáng qua cháu xem báo, thấy thông tin nhà xuất bản Tri Thức có tổ chức buổi họp bàn về cuốn “từ xác định đến bất định” mà chú dịch, tại Hà Nội, do giáo sư Chu Hảo chủ trì.
    Chúc mừng chú!

    Thích

  3. Cám ơn anh Hưng về một bài viết giản dị mà ý nghĩa. Tôi rất vui mừng khi biết phương Tây và Úc có những người thật thà, nhiệt tình giúp người như vậy… Trái ngược với phần đông dân Việt trong nước thời nay. Chuyện khách du lịch nước ngoài đến VN bị móc túi, lừa đảo, lột đồ đến nỗi… chỉ còn cái quần để mặc… xảy ra nhan nhản khắp nơi hàng ngày như cơm bữa ! Trước 1975, dân miền Nam đâu có tệ như vậy…
    Thật đúng như bà thủ tướng Đức Angela Merkel – một người từng sống dưới chế độ CHDC Đức trước đây đã nói: Chế độ cũ đã làm cho người dân trở thành gian dối !

    Đã thích bởi 1 người

Bình luận về bài viết này