The Biggest Question in Human Spirit / Câu hỏi lớn nhất trong tâm khảm con người

wordpress statistics

Abstract: WordPress.com statistics on PVHg’s Home has shown that the topic “Luận về Thiện/Ác” (Discussion on the Good and the Evil) is the most interested by the readers. What does it say? It says that people wonder so much about the nature of man –man is an angel or evil? What is the true meaning of life, if it is not the endless effort to support the Good vs the Bad?…

Thống kê của WordPress.com trên PVHg’s Home cho thấy chủ đề “Luận về bản tính Thiện/Ác” (*) được quan tâm nhiều nhất. Điều đó nói lên rằng câu hỏi lớn nhất trong tâm khảm con người ngày nay vẫn là câu hỏi về bản chất con người – con người thực ra là thiện hay ác? Ý nghĩa thực sự của đời người là gì, nếu không phải là nỗ lực bênh vực cái Thiện chống lại cái Ác?…

Thưa quý độc giả,

Tôi rất mừng và rất biết ơn độc giả khi thấy những vấn đề nêu lên trên PVHg’s Home được một số lượng không nhỏ độc giả quan tâm.

Chẳng hạn như bài mới đây, “Gödel chứng minh Chúa hiện hữu”, lên mạng ngày 17/09/2014, luôn luôn đứng đầu danh sách những bài có nhiều độc giả nhất trên PVHg’s Home. Cụ thể đến hôm nay, 13/10/2014, tức là sau 27 ngày, theo thống kê của WordPress.com, đã có 841 lượt độc giả vào đọc bài này. Đó là một niềm an ủi rất lớn đối với người viết (writer).

Tôi nhớ có lần ra vào Úc, trên tờ khai xuất/nhập cảnh có mục “occupation” (nghề nghiệp). Tôi nghĩ một lúc rồi điền vào đó chữ “freelance” (nhà báo tự do). Nhân viên xuất/nhập cảnh hỏi tôi:

– Can you explain what do you do with “freelance”? (Ông có thể nói rõ ông làm gì với cái nghề làm báo tự do được không)?

Tôi vui vẻ trả lời:

– Scientific freelance (Nhà báo tự do về khoa học). I write scientific articles and publish them on any newspaper or magazine I prefer (Tôi viết những bài báo khoa học và đăng trên bất kỳ tờ báo hoặc tạp chí nào tôi thích).

– You are a scientist (Ông là nhà khoa học à)? Anh nhân viên lại hỏi.

– Yes, if you want to say that (Ừ phải, nếu anh muốn nói như vậy), tôi trả lời. Thế là anh ta gật đầu để tôi đi.

Hồi ấy tôi vẫn viết đều cho tạp chí Khoa học & Tổ quốc của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật ở Việt Nam. Gần như số nào cũng có bài của tôi. Trước đó tôi còn viết cho tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học Công nghệ & Môi trường.

Trên mạng, tôi cộng tác thường xuyên với Vietsciences ở Pháp.

Năm 2008, nhờ sự giúp đỡ của một kỹ sư công nghệ thông tin là Nguyễn Hữu Hiền, phó giám đốc Công ty Brave Bits, tôi đã thành lập được tờ báo của chính mình: PhamVietHung’s Home. Nhưng tờ báo này chỉ thực sự đi vào hoạt động từ khoảng 3 năm nay. Tôi rất biết ơn KS Nguyễn Hữu Hiền và độc giả đã giúp tôi duy trì tờ báo này.

Không có độc giả, người viết sẽ giống như một nghệ sĩ trên sân khấu không có khán giả. Cứ xem ông Calvero trong “Limelight” (Ánh đèn sân khấu) của Charlie Chaplin thì biết. Ông ấy đau khổ đến mức tuyệt vọng khi thấy mình trở thành vô dụng trên đời.

Ngược lại, dù chỉ có một người hay một vài người nghe tiếng đàn của mình, người nghệ sĩ cũng cảm thấy được an ủi rất nhiều. Đơn giản vì có người hiểu mình. Thế là đủ. Thế là sung sướng. Bởi hạnh phúc lớn nhất ở đời có lẽ là cảm giác mình đã làm được điều gì có ích cho người khác. Ý nghĩa của đời người là ở chỗ sống vì người khác, giúp cho người khác bớt đau khổ, hoặc mang lại niềm vui cho người khác, làm cho người khác hạnh phúc…

Vậy mà PVHg’s Home không chỉ có một hay một vài người quan tâm. Từ ngày ra đời đến nay (gần 6 năm rưỡi), nó đã được đón tiếp 187.561 độc giả từ khắp nơi trên thế giới, nhiều nhất là ở Việt Nam, rồi đến Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Anh,… Ngày cao nhất là 12/06/2013, số độc giả ghé thăm lên tới 600. Ngay cao thứ nhì là 24/09/2014 vừa qua, có 427 người đọc.

Nhưng độc giả quan tâm nhiều nhất tới chủ đề nào? Câu hỏi nào là lớn nhất trong mối quan tâm của độc giả?

Thống kê của WordPress.com cũng đã cung cấp câu trả lời. Ba chủ đề có số độc giả nhiều nhất là:

  • Luận về bản tính Thiện/Ác (một series gồm 4 bài)…………15.243 độc giả
  • Định lý Bất toàn (một series gồm 7 bài)..……………………… 11.810
  • Chương trình chế tạo bom nguyên tử của Hitler………..…… 7.698

Dường như ngày nào, tuần nào chủ đề Luận về Thiện/Ác và Chương trình chế tạo bom nguyên tử của Hitler cũng xuất hiện trong danh sách những bài có nhiều người đọc nhất, mặc dù những bài viết này đã ra mắt từ vài năm nay. Điều đó nói lên cái gì?

Nó nói lên rằng con người vẫn bận tâm nhiều nhất đến cái Ác đang hoành hành hàng ngày hàng giờ trên thế giới và nỗi khao khát trong lòng mọi người trông thấy sự chiến thắng của cái Thiện.

Nếu người ta quan tâm đến chủ đề bom nguyên tử của Hitler thì có lẽ không phải vì những nội dung khoa học mà tôi đã cài đặt trong bài, mà vì mọi người đều lo lắng cho số phận của nhân loại. Câu hỏi “nếu Hitler có bom nguyên tử trong tay thì điều gì sẽ xẩy ra?” chắc chắn đã dấy lên trong đầu nhiều người, nhưng không dễ tìm được câu trả lời.

Tôi từng tâm sự với bạn bè rằng tại sao một quốc gia hùng mạnh như nước Đức của Hitler trước 1945, với một lực lượng hùng hậu các nhà bác học giỏi nhất, lại thất bại trong kế hoạch chế tạo bom nguyên tử?

Bạn không thể tìm được câu trả lời hợp với logic của con người. Nhưng với tôi, câu trả lời rất đơn giản:

Ấy là vì Chúa không muốn!

Chúa không thể chấp nhận để cho một thể chế phi nhân thống trị thế giới!

Cái Thiện nếu không đủ sức chống lại cái Ác thì nó sẽ được Chúa giúp. Nếu Chúa giúp thì trước sau Cái Ác sẽ bị sụp đổ.

Có người sau khi đọc loạt bài “Luận về bản tính Thiện/Ác”, nói với tôi:

– Khổng-Mạnh sai khi nói nhân chi sơ tính bản thiện; phải nói nhân chi sơ tính bản ác như Tuân tử-Hàn Phi mới đúng”.

Tôi rất thông cảm với những người suy nghĩ như thế, nhất là trong bối cảnh thế giới đầy rối ren, cái ác đang lộng hành ở nhiều nơi trên thế giới như hiện nay. Nhưng tôi trả lời:

– Chiêm nghiệm thực tế, tôi thừa nhận Tuân tử-Hàn Phi đúng, nhưng điều đó không có nghĩa Khổng-Mạnh sai; Nếu bản tính con người chỉ có ác thì làm sao thế giới tồn tại nổi đến hôm nay? Vấn đề là phải khách quan để thấy cả Thiện lẫn Ác cùng tồn tại trong con người như một biểu hiện của quy luật cân bằng Âm-Dương, nhưng vì cái ác luôn luôn có xu thế tấn công thế giới, nên ý nghĩa của đời người chính là tu tập rèn luyện để chống lại sự tấn công đó! Sự tu tập rèn luyện đó chính là tinh thần xã hội (social spirit) và tinh thần tôn giáo (religious spirit).

Tóm lại, qua thống kê của WordPress.com trên PVHg’s Home, tôi nhận ra rằng:

Câu hỏi lớn nhất là câu hỏi liên quan đến bản chất con người, bản chất ấy sẽ quyết định số phận nhân loại.

Câu hỏi ấy buộc chúng ta phải có câu trả lời.

Câu trả lời lớn nhất: Con người phải học để làm người với bản tính Thiện! Sự học ấy chính là tinh thần tôn giáo nằm trong đáy sâu của bản tính Thiện!

Chừng nào những cái học tầm thường như học khoa học kỹ thuật còn được đề cao trên cả sự học ĐẠO, học làm người, chừng ấy con người còn hư hỏng, và cái ác sẽ thừa cơ trỗi dạy hoành hành!

Chừng nào cái học làm người được chú trọng, như đã từng được chú trọng trong quá khứ, chừng ấy con người còn có hy vọng vào tương lai!

Đó là lý do để PVHg’s Home thường xuyên đề cập tới chủ đề bản chất của con người. Chắc chắn chủ để về Thiện/Ác và Đức tin Tôn giáo sẽ tiếp tục được quan tâm và mãi mãi được quan tâm, vì đó là nhu cầu sống, nhu cầu tồn tại của chính chúng ta.

Sydney 13/10/2014

PVHg

Chú thích (*):

Loạt bài đã đăng trên tạp chí Khoa học & Tổ quốc các số từ Tháng 10/2011 đến Tháng 01 và 02 năm 2012

Và trên các trang mạng:

Vietsciences: http://vietsciences.free.fr/timhieu/trietly-giaoduc/luanvethienac.htm

PhamVietHung’s Home (tìm trong mục Liệt kê toàn bộ các bài viết):

https://viethungpham.com/

Các trang mạng khác:

http://danhungtin.blogspot.com.au/2012/03/luan-ve-ban-tinh-thien-ac-pham-viet.html

12 thoughts on “The Biggest Question in Human Spirit / Câu hỏi lớn nhất trong tâm khảm con người

  1. Anh Phạm Việt Hưng thân mến!
    Đọc một bài viết nồng nhiệt rất đúng tính cách PVH gặp ngoài đời, không thể không chia xẻ niềm vui cùng anh.
    Chúc mừng sự thành công của trang PhamVietHung’s Home, chúc mừng anh, chủ nhân của các bài viết sắc sảo, đầy tâm huyết và trí tuệ. Em biết cái đặc thù nào rất PVH trong bất kỳ đề tài nào mà anh đề cập: ĐỨC TIN.

    “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời sẽ là của họ”

    Đức tin có vì nhận thức tỉnh táo và sáng rõ trong tính thiện của anh. Không thể khác.

    Tại sao “người ta” tranh luận mãi không biết chán từ những khơi mở, kêu gọi của PVH thế? Cũng tại vì ĐỨC TIN anh Hưng ơi! dễ mà có được, dễ mà hiểu được, dễ mà giữ được!

    Em nhớ chưa từng tranh luận với anh (hihihih…) Thay vào đấy, em gửi cho anh các bài dịch của những danh nhân Hungary có đức tin tuyệt vời, đúng không anh?
    Bây giờ, cũng gửi lại một bài (như thế), dù bài này em dịch đã lâu rồi, nhưng em vẫn thường đọc lại vì quá hay, đây là một trong những nhà thơ hiện đại Hungary( thế kỷ XX) mà em ưa thích nhất, một”linh hồn nghèo khó”

    Chúc anh những ngày Thu đẹp nhất
    NHN

    PILINSZKY JÁNOS

    BIÊN ĐỘ CỦA THÁNH KINH

    Con người là thực thể xã hội. Trong khái niệm tâm huyết hơn: con người là thực thể sinh ra cho tình yêu thương. Vậy mà, để yêu thương cũng khó, nhận lấy lòng yêu thương cũng khó.

    Ấn tượng của kẻ „sinh ra cho tình yêu thương” luôn luôn là: một mặt người ta không yêu thương tôi „đủ”, mặt khác người ta không cho phép tôi yêu thương, hoặc yêu thương một cách”thật sự”.
    Chúng ta có thể liệt kê hàng loạt những nguyên nhân của kinh nghiệm, của bi kịch tình yêu thương con người, và cho dù ta có thể làm dịu đi nỗi đau chúng mang lại, nhưng mâu thuẫn của bi kịch này vẫn còn nguyên: Con người sinh ra cho lòng yêu thương, nhưng vô ích kiếm tìm sự thực hiện hoàn hảo tình yêu thương trên quả đất.

    Tình yêu thương thật sự- như các thi sĩ thánh kinh thường nói- là bộ sưu tập của tất cả các đức hạnh trần tục: sự khiêm nhường, lòng kiên nhẫn, sự hiền dịu, hiến dâng, lòng trung thành và sự anh minh.
    Thế nhưng thử thách chân chính của tình yêu thương chân chính lại là, không run sợ trước tình yêu thương của kẻ khác, để ngập tràn lòng nhân từ, sự kiên nhẫn và khiêm nhường đón nhận tình yêu thương.
    Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe nói đến một tình yêu thương nặng gánh, gây bực bội, không thể chịu đựng nổi. Và đã bao nhiêu lần chúng ta thấy trong tình yêu, cuộc đấu súng của đôi”tình nhân”, cuộc chiến của kẻ săn đuổi và kẻ bị truy rượt, chủ nghĩa man rợ ăn thịt lẫn nhau thực sự của tình yêu thương.
    Bởi vậy, trước bi thảm của tình yêu thương của con người Kinh Thánh vẫn là cuốn sách lớn của mọi cuốn sách. Thượng Đế sống trong Lời, là kẻ cho phép người khác yêu thương mình! Đấy là nhận thức tuyệt hảo nhất của tình yêu thương.
    Và ai một lần đã đạt đến mức cảm thấy những từ ngữ của Kinh Thánh hoàn toàn quện lấy mình, với kẻ đó bằng chứng sâu sắc thánh thiện nhất là bằng chứng tình yêu thương của Thánh Kinh. Thượng Đế là người mà ta có thể yêu thương được. Không một cơn khát nào bị ngăn cản.
    Francois Mauriac đã phân tích một nhân vật trở thành linh mục như sau: „ Nếu anh ta yêu một người nào đấy, luôn luôn người ấy là kẻ mà anh ta yêu hơn cả, và những trái tim như thế là những con mồi dễ dàng cho Thượng Đế”.
    Thật là một định nghĩa táo tợn, mà bản chất của nó có thể dịch như sau: với những trái tim như vậy chỉ một mình Thượng Đế biết hiến dâng bản thân Ngài cho nó mà thôi! Thậm chí Ngài chỉ ôm vào lòng những kẻ như vậy.
    Những kẻ mà bên cạnh tình yêu thương của họ tất cả mọi người đều tháo chạy, những kẻ đó khao khát đợi chờ Thượng Đế nhiều nhất- một cách thầm kín, nhưng gần gũi, vô hình với sự gắn bó diệu kỳ nhất.
    Bởi vậy thật an ủi sau một ngày phiền nhiễu mệt mỏi nặng nề, trong tĩnh lặng của màn đêm lật giở từng trang-từng trang Kinh Thánh. Và đây cũng là điều bất tử trong sách Thánh: tình yêu thương, sự tuyệt vời của tình yêu thương siêu việt.
    Rất nhiều lần tôi đã trầm ngâm, cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Giê su đã mang lại cú sốc như thế nào đối với một người đọc Hy lạp hay Latin?
    Bởi vì chúng ta biết một định luật thiêng tàn bạo trong các truyện thần thoại, khi vị thần mới truất ngôi vị thần cũ, Zeus hạ bệ Kronos, như những chiếc lá mới xô đẩy những chiếc lá năm ngoái, như trong các bộ lạc man rợ cậu con trai giết cha. Sự phát triển đòi hỏi nạn nhân, và ngay đến sự ra đời và cái chết của các thần linh cũng phản ánh quy luật thiên nhiên trần trụi này.
    Người đọc được nuôi dưỡng từ các thần thoại Hy lạp và Latin chắc chắn sẽ hết sức ngạc nhiên khi đọc về mối quan hệ giữa Cha và Con trong Kinh Thánh, để tự ngẫm với mình bằng trái tim và trí óc kinh ngạc rằng:”Ôi, đây là một Thượng Đế mới, kẻ ra mắt Cha như một nạn nhân trong sạch. BA NGÔI là chiến thắng của tình yêu thương, đã chặn đứng một dãy dài, một quá trình tiến hóa tội lỗi khủng khiếp. Trong BA NGÔI, thật sự Thượng Đế vĩnh cửu đã đến với chúng ta.”
    „ Các ngươi đừng sợ hãi, ta đã chiến thắng thế gian”- Chúa Giê su nói, và khi Chúa nói điều này, chúng ta hiểu, người nghĩ đến một tình thương yêu vô bờ bến. Tình yêu thương là thứ không thể trôi qua, là thứ không thể tránh khỏi và vĩnh viễn không bao giờ bị bỏ quên. Tình yêu thương là khái niệm sâu sắc nhất chúng ta tạo dựng về hiện thực.
    Ngôn từ của Chúa từ tình yêu thương mới khẽ khàng làm sao, chiến thắng của Người từ tình yêu thương mới êm dịu và kiên nhẫn làm sao. Và vì không có sự sống vĩnh cửu nếu thiếu tình yêu thương, nên chỉ một mình tình yêu thương mới có thể an bài trong vĩnh cửu và toàn diện.
    Kinh Thánh là bằng chứng yêu thương vĩ đại duy nhất bên cạnh sự sống Thượng Đế, cũng như bí ẩn của BA NGÔI có thể tiếp cận gần gũi nhất bằng logic của tình yêu thương.
    Từ đây có sự hiện đại vĩnh cửu của Kinh Thánh.

    Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung
    ( Hà nội 2013-01-04)

    Thích

  2. Gửi Anh PVH!

    Đọc bài viết của anh, em rất thích đoạn này: “… dù chỉ có một người hay một vài người nghe tiếng đàn của mình, người nghệ sĩ cũng cảm thấy được an ủi rất nhiều. Đơn giản vì có người hiểu mình. Thế là đủ. Thế là sung sướng. Bởi hạnh phúc lớn nhất ở đời có lẽ là cảm giác mình đã làm được điều gì có ích cho người khác. Ý nghĩa của đời người là ở chỗ sống vì người khác, giúp cho người khác bớt đau khổ, hoặc mang lại niềm vui cho người khác, làm cho người khác hạnh phúc…”
    Anh nói rất chính xác bởi vì theo quy luật: “người nào càng cho đi nhiều thì nhận được càng nhiều”, cho nên mỗi khi anh thấy bài viết của anh thấy có nhiều độc giả vào đọc, anh cảm thấy cuộc sống của anh có thêm nhiều niềm vui và ý nghĩa bởi vì anh đã mang đến cho mọi người một món ăn tinh thần bổ ích, lý thú, phải không ạ anh?
    Chúc anh ngày càng có thêm nhiều bài viết hấp dẫn và phong phú hơn nữa!

    Thích

  3. Cháu chào bác,

    Đọc bài viết của bác, đặc biệt là đoạn mở đầu và lý do bác viết trang này, khiến cháu lập tức liên tưởng tới Wikipedia. Cháu từng đọc cuốn “Con đường phía trước” của Bill Gates, ông ấy có nhắc tới việc muốn lập nên hệ thống bách khoa toàn thư về mọi thứ cho nhân loại. CHáu nhớ từng đọc thông tin về việc MS và dự án bách khoa toàn thư của mình, nhưng thành công nhất (có lẽ là) Wikipedia. Thật bất ngờ khi 1 dự án có nguồn lực hùng hậu của MS lại không sánh được với 1 dự án phi lợi nhuận.

    Cháu không nhớ đã đọc bài viết đó ở đâu (có thể lại là trang nhà bác mà cháu ko biết cũng nên 😀 ). Cháu không tìm được dữ liệu ngay lúc này để khẳng định đoạn cháu vừa viết ở trên, nhưng cháu tin tưởng rằng sự thành công của Wikipedia cho thấy tinh thần muốn chia sẻ và đóng góp của mọi người. Cháu cho rằng lý do chính của việc này là do tâm lý muốn được công nhận của con người, theo lý thuyết tháp nhu cầu của maslow. Tuy nhiên vì lý do gì đi nữa, thì nó cũng khẳng định tinh thần chia sẻ của con người.

    Thích

  4. Nói chung, những bài viết của anh khá tốt đấy nhưng đó cũng tùy thuộc theo sự am hiểu của mọi người ở mức độ nào trong khoa học tân tiến nói riêng và những lỉnh vực khác nói chung. Một điều hiển nhiên là mỗi một nền tảng xã hội đều khác nhau rất nhiều về mọi thứ, và những thứ này không kém phần quan trọng trong chuổi không gian và thời gian của đời sống con người. Chẳng hạn như bất đồng ngôn ngữ, văn hoá khác nhau, và nhiều chênh lệch về địa lý, học vấn v.v…Xã hội là một vật thể lưu động được con người dựng lên theo mô hình của dãi thiên hà mà chúng ta đang xoay tròn. Ở tâm của dãi thiên hà là một vật sáng vô cùng vĩ đại, và được nối kết theo từng nhánh là nhiều cụm ngân hà dính với nhau vào trung tâm theo lực hút của thiên hà tạo ra để duy trì tốc độ vận hành của nó. Đó là một hằng số định lý của vũ trụ thật quá tuyệt vời.

    Còn một thứ hằng số khác của xã hội chúng ta ngày nay không chỉ trên phương diện mâu thuẫn về bản chất con người với con người nhưng còn quá phức tạp và nhiều nguy hại ở một tính chất quy mô rộng lớn trong một xả hội mà con người đang quan tâm về bản thiện và bản ác khó mà phân biệt được. Vì lẽ đó, bản thể cá nhân bị hao mòn về bản lực bao nhiêu thì trí lực sẻ hao mòn bấy nhiêu và chơn như dần dần biến mất. Một hằng số mà con người đang đối diện đó là một con số thật to tác nhưng thật quá bất công bằng mọi phương tiện của xã hội về phép thuật toán. Đánh thức một lương tâm đang cố gắng vùng dậy đấu tranh để nắm lấy niềm tin và sự cứu vãn còn lại.

    Thích

    • Anh tutuongcanhan viết đúng một nửa: “Ở tâm của dãi thiên hà là một vật sáng vô cùng vĩ đại”, nhưng nên nhớ là có rất nhiều dải thiên hà có tâm là một hố đen ! Hố đen làm trung tâm của một guồng máy xã hội vẫn thường xảy ra, chẳng hạn như tinh thần dân tộc cực đoan của dân Đức thời đệ nhị thế chiến, và ngày nay chúng ta cần cảnh giác với anh láng giềng phương Bắc…

      Thích

  5. Thiện và Ác là 2 mặt của một đồng xu, đừng cố gắng tách biệt nó ra; đồng xu phải có 2 mặt, thiện và ác phải tồn tại song song. Xin đưa ra 3 ví dụ thực tiễn như sau:

    1. Người bán cá lóc ( cá quả) ở Việt Nam thường rộng khoảng chừng 10 con trong một thau nước nhỏ, khi người mua lựa chọn con nào, nó sẽ được đem ra đập đầu, đánh vảy. Những người theo đạo Phật ( như gia đình tôi) thường không bao giờ mua những con cá sống như thế, để tránh tội SÁT SINH.
    Thế nhưng tôi chợt nghĩ, tất cả số cá đó, đều không thể tránh khỏi cái chết. Con cá sau cùng bị giết chính là con cá đau khổ nhất vì phải chịu đói chịu giam cầm lâu nhất. Vậy nếu tôi mua nó, chính là tôi đã giải thoát cho nó khỏi sự đau khổ kéo dài, mặc dù tôi đã giết nó.

    2. Bình thường, tôi thường làm một ca nước đá khá lớn để uống vào buổi tối rất nóng nực ở Việt Nam. Khi uống xong, tôi thường để đến sáng mới đem đổ nước còn thừa và rửa ca. Và tôi phát hiện lần nào tôi uống xong, cũng có 1 chú thằn lằn uống ké phần nước còn thừa của tôi, tôi để mặc nó vì cũng chẳng hẹp hòi một chút nước với một con thằn lằn con.
    Vài ngày sau, có lẽ vì hôm đó nước đá quá nhiều và thành bình trơn trượt, sau khi uống nước xong và không thể trèo lên, con thằn lằn đã chết cóng trong ca nước của tôi. Tôi chợt nghĩ, nếu mình đuổi con thằn lằn ngay từ đầu, có lẽ nó đã không phải chết.

    3. Một giả định, tôi nghĩ là nó đúng. Nhà sinh vật học Pasteur, mà g/s PVHg thường ca ngợi trên này, đã tìm ra phương pháp để cứu hàng triệu người thoát chết. Và hàng triệu người này tiếp tục sanh sôi nảy nở ra hàng chục triệu người khác, góp phần gây ra sự tuyệt chủng cho hàng loạt giống loài động thực vật trên địa cầu. Ông Pasteur có thể là một thánh nhân đối với loài người, nhưng lại là một tên ác ma đối với hàng ngàn loài khác.

    Có thể nhiều người sẽ nghĩ tôi điên khi đọc những suy nghĩ này. Nhưng với ý chí của tôi, tôi xem mọi sinh mệnh đều bình đẳng. Tôi muốn sinh mệnh mình được kết thúc ngoài thiên nhiên, có cỏ cây, có hoa lá, có tiếng chim hót với sự thanh thản hơn là trong bệnh viện với những chiếc máy, những mũi kim tiêm và những nỗi sợ hãi, tuyệt vọng.

    Thích

    • Bạn Huỳnh thân mến,
      Dù ý kiến của bạn thế nào thì bạn vẫn là một người chân thành, bạn đã bầy tỏ suy nghĩ của bản thân một cách chân thật. Vì thế tôi cũng chân thành chia sẻ với bạn, mặc dù ý kiến của chúng ta còn rất xa nhau.
      Vô tình bản đã rơi vào cạm bẫy của tư duy lý luận nhiều quá. Trong tư duy của bạn luôn luôn sử dụng mệnh đề “nếu… thì…”. Đó là mệnh đề điển hình của toán học và của khoa học logic.
      Có một thời người ta tưởng logic là đỉnh cao của tư duy, và nó sẽ cho phép loài người khám phá ra mọi chân lý, thậm chí những chân lý tối thượng. Nhưng Định lý Bất toàn của toán học đã chỉ ra rằng đó là ảo tưởng. Trở về với Pascal, ông nhắc bảo chúng ta rằng tư duy cảm thụ mới giúp ta tới gần với sự thật hơn, thay vì lý luận. Đó là lý do Chúa Jesus nói “nếu các con không như trẻ thơ thì các con không thể vào được nước trời”. Trẻ em đáng yêu chính vì chúng học bằng cảm xúc. Nền giáo dục hiện đại đã và đang làm hỏng cảm xúc đó.
      Với lý luận logic, bạn có thể chứng minh những kẻ làm điều ác sẽ trở thành thiện. Thí dụ:
      Chặt cây trên rừng là ác, kẻ nào chặt cây trên rừng, buôn bán gỗ rừng làm giầu, đó là kẻ ác. Giết một kè ác như thế sẽ tốt cho thiên hạ. Suy ra tên Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm sát ở Bình Phước là đúng! Đó là suy diễn logic đấy. Các luật sư đôi khi sử dụng logic kiểu đó để tranh tụng đấy.
      Tuổi thơ thường hồn nhiên tư duy theo cảm xúc. Tuổi trưởng thành bị ảnh hưởng bởi giáo dục, sách vở, đánh mất cảm xúc, quay sang lý luận. Đến một lúc nào đó, về già, mới giật mình nhận ra rằng bao nhiêu lý luận đều nhầm lẫn. Chỉ có trực giác mách bảo mới may ra đúng.
      Để có một trực giác tốt, cái TÂM phải hướng tới chỗ có ÁNH SÁNG!
      Lời của Lão tử là ánh sáng.
      Lời của Đức Phật là ánh sáng,
      Lời của Chúa Jesus là ánh sáng.
      Khi Pasteur mất ăn mất ngủ để tìm cách chữa bệnh cứu người, ấy là vì ông THƯƠNG NGƯỜI. Ông đau đớn khi chứng kiến những bệnh nhân đau đớn. Ông không suy diễn logic phức tạp như bạn. Giả sử ý kiến của bạn là đúng, thì nó chỉ đúng theo kiểu logic tam đoạn luận, kiểu như A > B và B > C thì suy ra A > C.
      Thế giới không logic như bạn tưởng. Thế giới là bất định, bất toàn và hỗn độn. Áp dụng logic máy móc kiểu như bạn sẽ dẫn tới NGHỊCH LÝ, và đó là tình trạng của toán học đầu thế kỷ 20.
      Dù logic hay ho đến đâu chăng nữa nhưng nếu tự minh đưa mình tới nghịch lý là tự mình hại mình đấy. Có lẽ vì thế bạn mới lo ngại rằng người khác nghĩ bạn điên đấy.
      Tôi không nghĩ bạn điên. Lý luận của bạn chứng tỏ bạn tỉnh táo sắc sảo. Nhưng bạn tự mình đưa mình vào vòng luẩn quẩn của logic rồi.

      Đúng, mọi sinh vật đều bình đẳng. Nhưng bạn ăn rau không có nghĩa là rau không bình đẳng với bạn. Bạn ăn gà cũng vậy. Khi vi trùng tấn công chúng ta, chúng ăn tế nào của chúng ta đấy. Nhưng không vì thế mà chúng ta không bằng con vi trùng. Đó là LUẬT TỰ NHIÊN. Đó là những mắt xích trong vòng sinh thái. Và cái vòng tuần hoàn đó phải chuyển động thì mới có sự bình đẳng.

      Một lần nữa cám ơn bạn vì sự chia sẻ.

      PVHg

      Đã thích bởi 1 người

  6. Tôi rất đồng cảm với lý lẽ nhận định trong phần cuối bài viết của bác PVHg bởi tôi từng đọc bài: “Thế nào là Thông thiên học hay Minh Triết Thiêng liêng” của tác giả Annie Beasant, xin trích dẫn một đoạn:
    ——–
    Thế nào là sự hiểu biết ?
    Một Đại sư một hôm được một đệ tử hỏi thế nào là sự hiểu biết. Ngài đáp rằng có hai sự hiểu biết, một thứ thấp và một thứ cao. Tất cả những điều hiểu biết thông thường như khoa học, mỹ thuật, văn chương, kinh sách cho đến thánh thư Vệ đà, tất cả những môn đó đều thuộc thứ hiểu biết thấp. Chỉ có sự hiểu biết Đấng Duy Nhất sáng tạo vạn vật mới là sự hiểu biết cao. Đó là ý nghĩa của Thông Thiên Học, sự hiểu biết Trời, sự hiểu biết Thượng Đế, nguồn cội của sự sống trường tồn.
    Như vậy, trái với sự quả quyết của các nhà khoa học, tôn giáo không phải là sản phẩm của sự dốt nát mà là kết quả của sự hiểu biết thiêng liêng. Tôn giáo chẳng qua là những con đường hướng dẫn con người đến Thượng Đế. Chúng là nguyện vọng của linh hồn hướng về thiêng liêng, của con người tìm hiểu Thượng Đế.
    Các bạn thử giở một quyển sách sử ký, các bạn thử tìm hiểu một văn minh hay thử thám hiểm Tây phương hay Đông phương cho đến tận góc biển chân trời, đâu đâu quí vị cũng để ý thấy sự khao khát Thượng Đế của nhân loại. Đó là một tiếng kêu gọi tha thiết được một thi sĩ diễn tả bằng những lời cảm động: “Con nai tơ không sao quên dòng suối trong, con cũng thế, con không sao không nghĩ đến Ngài, hỡi Thượng Đế mến yêu!”. Giordano Bruno cũng nói lên một ý niệm tương tự khi ông sánh sự khao khát Thượng Đế với sức mạnh của dòng nước ngày đêm tuôn chảy để trở về mức độ bình thường.

    Nếu bạn muốn biết, biết một cách rõ ràng chớ không phải ước mong, tưởng niệm mà thôi, biết với một niềm tin không lay chuyển, thì bạn hãy tìm Đấng Thánh Linh không phải ở ngoài bạn mà ở trong bạn. Bạn đừng gặp nhà khoa học, họ không chỉ bảo gì được ngoài những luật thiên nhiên bất biến; bạn đừng hỏi nhà thần học, họ chỉ lý luận suông mà thôi; bạn cũng không thể nào nhờ các nghệ sĩ tuy họ diễn tả rất khéo vẻ đẹp của Thượng Đế; bạn cũng không nên thảo luận với các triết gia, họ chỉ đưa ra những luận cứ trừu tượng. Bạn hãy hướng vào trong chớ đừng quay ra ngoài, bạn hãy tiến sâu vào lòng bạn và tìm ở buồng tim của bạn sự mầu nhiệm rất đáng cho bạn khám phá, và chỉ ở đó và ở đó mà thôi, bạn mới có thể tìm ra Thượng Đế. Và khi bạn tìm được Ngài, bạn sẽ thấy rằng tất cả trong vũ trụ đều ca tụng sự vinh quang của Ngài và bạn sẽ thấy Ngài ở khắp nơi.
    Đó là Chân lý căn bản, chân lý của các chân lý. (Hết trích)
    ———
    Vậy, muốn có đáp án cho câu hỏi lớn nhất liên quan đến bản chất con người, đến cái thiện và cái ác, rõ ràng chúng ta phải cần đến một thứ “hiểu biết cao” mà đoạn trích trên nói đến./.

    Thích

    • Bạn Huy Minh thân mến,
      Nếu gọi cái “con số không tự biểu lộ” hay “vũ trụ tự biểu lộ” (đồng hóa với con số 0 kỳ lạ ấy) là “Thượng Đế” (theo quan niệm của Thông Thiên Học) thì chẳng khác nào phủ nhận Thượng Đế giống Phật Giáo, vì khái niệm “Thượng Đế” từ trong tâm khảm con người từ ngàn xưa luôn ám chỉ về một vị thần có ngôi vị (ý chí, trí khôn, tình cảm) chứ không phải là một quy luật hay cỗ máy vũ trụ được. Trực giác mách bảo tôi rằng cái quy luật vô cảm kia không thể nào tự nó sinh ra “thứ” giàu cảm xúc và biết yêu như con người được. Chắc chắn phải có một “ai đó” thực sự (có ngôi vị và rất giàu cảm xúc sáng tạo) mới có thể sáng tạo ra những thứ có đặc tính ngôi vị tương tự như tác giả đó được. Có lẽ đó là lý do người Israel từ ngàn xưa đã nhận thức được bằng trực giác rằng: Thượng Đế cũng có những đặc tính tốt đẹp của con người vì Ngài sáng tạo nên con người mang hình ảnh của chính Ngài ! Thượng Đế rất giàu cảm xúc, rất “nhân văn”, biết yêu thương chứ không vô cảm như quy luật hay cỗ máy vũ trụ kia ! Đạo Phật quan niệm vũ trụ này tự hằng hữu từ vô cùng (có lẽ không hợp lắm với khoa học), còn đạo Chúa thì tin vũ trụ có khởi đầu và phải được sáng tạo nên từ một Đấng quyền năng và đặc biệt giàu cảm xúc (nếu không thì cái đẹp ở đâu ra ?).
      Quan điểm duy hướng nội của bà Beasant rất giống Phật Giáo. Đúng là người ta vẫn có thể thấy điều gọi là “Thượng Đế” trong lương tâm sâu thẳm của con người, đó là cái thiện, cái hay, cái đẹp… , nhưng ai dám đảm bảo là “Thượng Đế” trong con người ấy được vẹn toàn, không có cái xấu, cái vô minh xen kẽ ? Làm sao tự mình phân biệt được đúng sai nếu dùng lòng mình làm hệ quy chiếu cho chính mình ?
      Nếu tinh ý chúng ta sẽ thấy rằng cái mà nhà Phật và bà Beasant gọi là “Thượng Đế” ở trong tâm đó thực ra chỉ là hình ảnh còn sót lại của Thượng Đế trong con người mà thôi. Cho dù hình ảnh đó trong những bậc thánh nhân có chói lọi đến đâu đi chăng nữa thì nó vẫn bất toàn, bất tinh khiết vì bản chất con người là vậy. Ai dám nói lương tâm con người là thước đo chuẩn mực của đạo đức thì người đó đã lầm to. Thực ra lương tâm con người nhiều khi không phân biệt được đúng sai nên mới có chuyện Hitler xem việc giết người Do Thái là hợp ý Chúa hay chuyện người Hồi Giáo coi việc đánh bom cảm tử diệt dân thường khác đạo là hành động cao quý, mới có cái nhìn bất đồng về luật nạo phá thai, hôn nhân đồng tính, việc ăn chay-ăn thịt… Khác với Phật Giáo và Thông Thiên Học, đạo Chúa dám thừa nhận sự bất toàn của con người, và cho ta thấy rằng hình ảnh cao đẹp của Thượng Đế trong con người đã bị làm cho lu mờ và hoen ố (nhưng chưa mất hẳn) kể từ khi tổ phụ Adam không vâng lời Thượng Đế, “ăn trái cấm” theo ý thích và suy luận của riêng mình vì tự cho đó là cách để được khôn ngoan, được bằng Thượng Đế.
      Tương tự như đạo Phật (tôn giáo của lý trí), Thông Thiên Học không thể dung hòa với đạo Chúa ở điểm này: tin rằng tự con người có thể tự mình cứu mình nhờ giác ngộ mà không cần có Thượng Đế bên ngoài (“Thượng Đế” ở trong tâm, xem lòng mình là “Thượng Đế” của chính mình, dĩ nhiên khái niệm “Thượng Đế” này khác xa với Thượng Đế thần nhân đồng hình giàu cảm xúc của đạo Chúa), ngược lại, đạo Chúa (tôn giáo của đức tin) khẳng định chắc nịch rằng con người không thể tự mình cứu mình, mà cần phải có Thượng Đế, mà muốn có Thượng Đế thì phải biết ăn năn, từ bỏ tội lỗi, phải biết hạ mình khiêm nhường và kêu cầu Thượng Đế chứ không thể tự mình kiện toàn mình được. Phật giáo đề cao nỗ lực cá nhân tự mình cứu mình, chỉ cần hướng nội là đủ. Phật Thích Ca giống Hilbert hay Einstein cố đi tìm và đạt đến chân lý về mọi thứ bằng lý trí của con người và quá tự tin cho rằng mình có thể tìm được. May thay, Thánh Kinh đã cho chúng ta thấy sự bất toàn của con người, con người không thể tự mình đến được chân lý nếu chỉ dựa vào nỗ lực cá nhân mà phớt lờ Thượng Đế. Đạo Chúa là tôn giáo đòi hỏi phải có sự hướng ngoại, thoát ra khỏi hệ quy chiếu bản thân, lấy Thượng Đế làm thước đo để nhìn lại và kiện toàn mình bằng quyền năng Thánh Thần. Đạo Phật lấy tâm mình làm “Thượng Đế”, phủ nhận sự cầu nguyện. Đạo Chúa đòi hỏi con người nên biết sự bất toàn của bản thân, phải khiêm tốn, tìm cầu, học hỏi. Thay vì chỉ khăng khăng chỉ hướng nội để tìm chân lý tự giải thoát, đạo Chúa buộc con người phải hướng về Đấng Chí Thánh để nhìn biết Ngài, chỉ khi nhìn biết Ánh Sáng Chân Lý tuyệt vời đó và xem đó là thước đo chuẩn mực thì con người mới có khả năng nhìn lại lòng mình được, và khi đó thì … ôi thôi mới nhận ra rằng mình còn xấu xa lắm ! Chỉ khi biết Thượng Đế thì con người mới biết mình rõ hơn, tránh rơi vào cái cạm bẫy chủ quan, xem lòng mình là “Thượng Đế”, là tiêu chuẩn định đoạt đúng sai.

      Đã thích bởi 2 người

  7. Bạn thân mến
    Câu chuyện tronng vườn Eden sẽ cho chúng ta thấy hình bóng của con người một cách trung thực nhất, chính xác nhất , và từ ngàn xưa cho đến bây giờ cũng không hề thay đổi.
    Khi Adam ăn trái cấm và phạm tội, việc đầu tiên của ông là trốn, và khi bị phát hiện ,Thượng đế hỏi ông thì ông đổ lỗi cho bà Eva “ Chính người đàn bà mà Ngài đem đến cho tôi đã bảo tôi ăn trái này” , khi Thượng Đế hỏi sang Eva thì bà lại tiếp tục đổ trách nhiệm sang con rắn “ Chính con rắn nó đã bảo tôi ăn”.
    Bạn cứ quan sát chung quanh mình mà xem, ở chỗ học, chỗ làm ở xung quanh mình mà đối chiếu,cách hành xử của chúng ta hiện tại thì y hệt như tổ tiên chúng ta ngày xưa. Khi một người phạm một lỗi lầm nào đó gì thì việc đầu tiên của họ ta là tìm cách che giấu nó đi, và khi sự thật được phơi bày ra thì việc tiếp theo là tìm cách để đổ thừa, đổ lỗi, đổ trách nhiệm- Bản năng con người nếu khách quan mà nhìn nhận thì nó là như vậy.- Che giấu và khi che giấu không được thì đổ lỗi.
    Biến cố trong vườn Eden sẽ cho chúng ta thấy một điểm nữa là: Khi Adam phạm tội, ông đã lật đật lấy lá cây vả mà che thân, và sau đó Chúa đã giết một con chiên lấy da nó làm áo mà khoác cho Adam.- Đây cũng là hình bóng của toàn bộ nhân loại từ ngàn xưa cho đến nay. Lá cây vả mà Adam dùng để che thân là hình bóng của toàn thể những tôn giáo trên thế gian này, những nỗ lực mà con người dùng để tìm cách đến với Thượng Đế và đứng trước mặt Ngài, nó là bất toàn và bất khả.
    Chính Thượng Đế phải giúp con người làm điều này, ngài phải tự tay giết một con chiên và làm áo khoác cho Adam thì Adam mới có thể đứng trước mặt Thượng Đế, con chiên đó nó phải thế mạng cho Adam thì Adam mới được sống, đây là việc mà Chúa làm chứ Adam không thể tự làm. Đó là ý nghĩa của sinh tế vào thời Cựu Ước và Con chiên thế mạng đó chính là hình bóng của Chúa Jesus sau này, khi Ngài đã chịu chết một lần là đủ cả.
    Do đó mà Chúa Jesus mới khẳng định “ Ta là đường đi, là chân lý và là sự sống, không bởi ta thì chẳng ai có thể đến được cùng Cha”
    Hãy bỏ hết mọi hình thức bói khoa, bói toán, chiêm tinh, thiền tập, tà thuật, đồng bóng…các hình thức thông linh, và tất cả những tư tưởng theo kiểu “ Chỉ có ta mới cứu được ta”..đó chỉ như là lá cây vả mà trong Cựu Ước Chúa nói rằng Ngài gớm giếc những điều đó và trong Tân Ước Chúa Jesus ví điều đó như kẻ trộm và Ngài phán rằng “trộm cướp chỉ đến đốt phá và cướp bóc..”

    Đã thích bởi 1 người

Gửi phản hồi cho Phạm Việt Hưng Hủy trả lời