Cứu tinh của nền văn minh (Savior of the Civilisation)

IN GOD WE TRUST copyAbstract: The modern civilisation is facing a series of inextricable problems: social inequality, poorness and starving, moral collapse, crime crisis, war, terrorism, resource exhaustion, ecological unbalance, environment destruction… Those are unavoidable consequences of a pragmatic and atheistic culture. If this culture doesn’t change, the ship of humankind risks to be sunk, like the Tsimtsum in “Life of Pi”… (Nền văn minh hiện đại đang đối mặt với hàng loạt vấn nạn khó giải quyết: bất công xã hội, nghèo đói, băng hoại đạo đức, khủng hoảng tội ác, chiến tranh, khủng bố, cạn kiệt tài nguyên, mất cân bằng sinh thái, hủy hoại môi trường… Đó là hậu quả không thể tránh được của nền văn hóa thực dụng và vô thần. Nếu nền văn hóa này không thay đổi, con tàu nhân loại có nguy cơ bị chìm, giống như con tàu Tsimtsum trong “Cuộc đời của Pi”…). 

BÀI HỌC THỨ HAI TỪ “CUỘC ĐỜI CỦA PI”:

ĐỨC TIN, CỨU CÁNH CỦA NỀN VĂN MINH HIỆN ĐẠI

Ngay từ thời cổ đại, nhà viết kịch người Hy Lạp Sophocles đã ngợi ca “Lý trí là món quà cao quý nhất của Chúa dành tặng cho con người” (Reason is God’s crowning gift to man). Nhưng nghịch lý thay, khi chữ nghĩa đầy mình thì con người lại dùng lý trí để bác bỏ Chúa. Điển hình là Stephen Hawking và Leonard Mlodinow. Trong cuốn “Grand Design” mới ra gần đây, hai vị lớn tiếng tuyên bố: “Vũ trụ có thể tự tạo ra nó từ chỗ chẳng có gì cả, và Chúa không còn cần thiết nữa” (The universe can create itself out of nothing, and God is no longer necessary).

Cần biết rằng trước đây không lâu, Hawking vẫn theo gót Einstein coi Chúa là tác giả của những định luật vật lý chi phối vũ trụ. Einstein từng thốt lên “Tôi muốn biết được ý Chúa” để bầy tỏ khát vọng tìm ra một lý thuyết thống nhất có thể giải thích được mọi hiện tượng vật lý. Mặc dù Chúa của Einstein không bận tâm tới số phận loài người, nhưng Chúa ắt phải là chủ thể sáng tạo ra vũ trụ và buộc vũ trụ vận hành theo những nguyên lý do Ngài ban hành. Chúa của Hawking cũng vậy, ít nhất cho đến khi ông viết cuốn “Lược sử Thời gian”, trong đó nói: “Nếu chúng ta tìm được câu trả lời (cho Lý thuyết Thống nhất Vật lý), thì đó là thắng lợi cuối cùng của trí tuệ con người – chúng ta sẽ biết được ý Chúa”[1].

Nhưng Hawking đã thay đổi[2]. Tại sao ông thay đổi? Hãy đọc “Grand Design” để trả lời câu hỏi đó. Nhưng bất kể vì lý do gì, Hawking đã phạm một sai lầm căn bản trong phương pháp nhận thức: lẫn lộn khái niệm siêu hình với khái niệm khoa học.

Chúa là một khái niệm siêu hình, nằm ngoài phạm vi khoa học – khoa học không thể chứng minh hoặc bác bỏ Chúa[3].

Vậy làm sao con người có thể nhận biết Chúa?

“CHÍNH TRÁI TIM CẢM THẤY CHÚA CHỨ KHÔNG PHẢI LÝ TRÍ” (C’est le cœur qui sent Dieu, et non la raison)[4], đó là ý kiến của Blaise Pascal, một trong những nhà thông thái bậc nhất của nhân loại.

Đáng tiếc là một người sâu sắc như Hawking lại không thể hiểu Pascal. Đơn giản vì Hawking chỉ là một nhà vật lý thuần túy, trong khi Pascal vừa là một nhà toán học lỗi lạc, vừa là một nhà vật lý xuất sắc, một nhà phát minh tài ba, một nhà văn bậc thầy, một nhà tư tưởng uyên thâm, và một nhà thần học sâu sắc. Phổ tư duy và cảm xúc của Pascal quá rộng để Hawking có thể bắt kịp.

Hiện tượng Hawking cho ta thấy một nhà khoa học giỏi rất dễ rơi vào cái bẫy của thói tự phụ, nếu chẳng may người ấy có một trực giác tâm linh kém nhạy bén, hay thậm chí không đếm xỉa đến trực giác tâm linh.

Thực ra chẳng cần uyên bác gì cho lắm cũng có thể nhận thấy có hai con đường chủ yếu tiếp cận tới chân lý: Lý trí và Trực giác.

Lý trí là con đường nhận thức bằng lý lẽ, lý luận (reasoning), phân tích, chứng minh dựa trên nền tảng logic và biện chứng. Logic chính là tư duy của computer, do đó computer trở thành tên đầy tớ đắc lực của con người trong tư duy lý trí.

Trực giác (intuition) là khả năng cảm thụ bằng linh tính giúp con người nắm bắt được chân lý ngay tức khắc mà không cần lý lẽ. Computer sẽ không bao giờ có trực giác. Vì thế, trực giác mới thực sự là món quà cao quý nhất của Chúa dành tặng cho con người, thay vì lý trí như Sophocles đã nói.

Thực tế còn có những con đường nhận thức khác: Ngoại cảm (telepathic / extrasensory perception), Siêu nhận thức (Super sensory perception). Đây là những dạng nhận thức ngoài ngũ giác thông thường nên chỉ có một số rất ít người có. Những người này thường được cho là có một sứ mạng truyền tin đặc biệt nào đó mà lý trí thông thường không thể giải thích được. Vì thế bài viết này tạm thời chưa đề cập đến, và xin để dành cho một dịp khác.

Bây giờ xin trở lại với hai dạng nhận thức phổ biến mà ai cũng có: Trực giác và Lý trí.

Xin nói ngay rằng Trực giác là nền tảng của tư duy, là cái đi trước, thăm dò, “đánh hơi”, định hướng và xuyên suốt trong quá trình tư duy. Lý trí là cái đến sau, kiểm tra, điều chỉnh, củng cố và khẳng định thông tin. Hai dạng tư duy này thường sóng đôi để bổ sung, hỗ trợ cho nhau, nhưng không phải như hai đường thẳng song song, mà là hai đồ thị xoắn xuýt vào nhau. Nhưng dù xoắn xuýt thế nào thì đồ thị trực giác vẫn là đường nổi bật, vì nó quyết định phương hướng tư duy. Một người có trực giác kém sẽ không có định hướng hoặc định hướng sai. Khi đó anh ta phải sử dụng lý trí để hỗ trợ. Nhưng một khi đã định hướng kém, không có khả năng “đánh hơi” tốt thì lý trí giỏi đến mấy cũng trở nên vô dụng. Những phát minh thiên tài thường được gán cho công lao của lý trí, nhưng đó là ngộ nhận, thực ra đó là kết quả của trực giác thiên tài.

Không ai tôn vinh vai trò của trực giác rõ ràng hơn Albert Einstein. Ông nói: “Tư duy trực giác là một quà tặng thiêng liêng và tư duy lý luận là một tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội vinh danh tên đầy tớ và bỏ quên món quà tặng” (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honors the servant and has forgotten the gift).

Thật vậy, bị choáng ngợp bởi những thành tựu khoa học và công nghệ, nền văn hóa hiện đại đã tôn vinh “tên đầy tớ” một cách quá đáng, đề cao tư duy lý luận như thước đo của văn minh và hiểu biết, hạ bệ tất cả những gì thuộc về niềm tin mà lý trí không thể kiểm chứng, bao gồm cảm xúc về cái đẹp, cái thiện và niềm tin tôn giáo. Đó là một nhầm lẫn vô cùng tai hại, dẫn tới sự lệch lạc trong nhận thức về các thang bậc giá trị, về khả năng phân biệt cái gì là đúng / sai, hay / dở:

● Trong giáo dục, sự nhầm lẫn đó dẫn tới lối dạy học khô cứng, không cảm xúc, không kích thích trực giác, làm thui chột trí tưởng tượng, không làm người học xúc động trước vẻ đẹp của tri thức, không chú trọng tới nghĩa lý của môn học, mà ngược lại, thiên về nhồi nhét từ chương, biện luận, đánh đố, biến tri thức thành một mớ kinh kệ giáo điều, công thức rắm rối, vô hồn, vô cảm, chán ngấy, một thứ tra tấn tinh thần đối với người học. Hậu quả là học giả, học tủ, học chép, học bắt chước, học để thi. Đó là lúc sự giả dối chen chân vào trường học, vào học thuật, nhưng vẫn vỗ ngực đó là trí tuệ, là văn minh của thời đại. Lối giáo dục này phản bội lại chính khoa học, bởi khoa học chân chính vốn rất sinh động như chính cuộc sống, như chính lịch sử nhận thức, nó là một đứa con tinh thần của con người, đáng ra nó không thể bị con người ghét bỏ. Nếu người học xa lánh nó, ghét bỏ nó, ấy là lỗi của nền giáo dục, một nền giáo dục chịu ảnh hưởng tai hại của tính thực dụng, vô thần, đề cao những giá trị vật chất, kém nhân bản, phi nhân văn.

● Trong phạm vi rộng hơn, nền văn hóa thực dụng và vô thần dẫn tới một xã hội thực dụng, chỉ tin vào lý luận chữ nghĩa (lý luận nhân danh khoa học), tin vào những giá trị vật chất có thể số hóa. Còn gì lố bịch bằng việc số hóa Cái Đẹp? Vậy mà người ta hưởng ứng. Còn gì ngớ ngẩn bằng việc số hóa trí thông minh? Vậy mà người ta tin tưởng. Nhưng tai hại nhất, sự sùng bái lý trí dẫn tới việc hạ bệ Đức tin, hạ bệ mọi lý thuyết không thuộc phạm trù khoa học, làm cho xã hội ngày càng thô thiển, chai lì, mất cảm xúc. Hãy đọc tin trên mạng ngày 22/10/2013 về một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ làm chết khách hàng, rồi phi tang bằng cách ném xác nạn nhân từ trên cầu Thanh Trì xuống sông. Thật ghê tởm. Bác sĩ chỉ vì tiền mà dám làm những việc bất nhân ghê rợn. Khách hàng thì dại dột đến mức mù quáng, chạy theo những giá trị bề ngoài tầm thường, coi khoa học là chúa tể của chân lý để tự chuốc lấy thảm họa tang thương. Còn cái ngu, cái dại nào lớn hơn thế không? Câu chuyện thật hãi hùng! Hãi hùng với thói thực dụng, hãi hùng với sự ngu dốt!

Tính thực dụng và vô minh ấy vốn sẵn có trong bản chất con người, lẽ ra phải được giáo hóa bởi nền giáo dục nhân văn và văn hóa tâm linh. Nhưng sự bùng nổ của nền văn minh kỹ trị đã làm đảo lộn các thang bậc giá trị đến tận gốc. Con người đang trở về với hoang dại, phản tiến hóa.

Những tâm hồn nhạy cảm như Charlie Chaplin, một nghệ sĩ lỗi lạc có tâm hồn của một vị thánh, không thể nhắm mắt làm ngơ trước những nghịch cảnh đau thương diễn ra trong thời đại của ông (nửa đầu thế kỷ 20). Ông dằn giọng kêu lên: “Chúng ta suy nghĩ nhiều quá và cảm thụ ít quá!” (We think too much and feel too little!).

Vâng, đúng thế, lý luận nhiều quá, chữ nghĩa nhiều quá, bằng cấp cao quá, nhưng cảm xúc thì nghèo quá, con người vô cảm quá!

Trong bối cảnh các tình cảm nhân văn và tâm linh bị ruồng bỏ như thế, giữa lúc niềm tin vào đạo lý và các giá trị thiêng liêng bị tuột dốc như thế, một tia sáng xuất hiện: “Cuộc đời của Pi” của Yann Martel – “một câu chuyện bất ngờ, sáng tạo và sau cùng là nâng đỡ tâm hồn con người”, “với sức lay động có thể mang tới cho bạn niềm tin vào Thượng đế…[5].

Tác giả đã mượn lời của Pi để mắng vào mặt hai điều tra viên người Nhật, những đại diện của hệ tư duy vô thần chỉ tin vào lý trí:

Lý trí là tuyệt vời trong chuyện kiếm thức ăn, áo mặc, và một chốn nương thân. Lý trí là thùng đồ dùng tốt nhất… Nhưng lý trí quá trớn sẽ khiến các ông đổ hết cả vũ trụ đi cùng với chỗ nước tắm bẩn thỉu của mình cho mà xem!”.

Martel muốn báo động: Chúng ta đang sống trong thời đại lý trí quá trớn!

Lý trí ấy làm cho hai điều tra viên Nhật Bản không tin vào câu chuyện thứ nhất Pi kể (câu chuyện có Chúa), đơn giản vì nó trái với những lý lẽ mà các vị đó được nhồi nhét từ nhà trường và xã hội. Trong cái lý trí ấy không có chỗ cho thần linh và Thượng Đế, không có chỗ cho những cảm xúc tâm linh, và do đó không có chỗ cho tính khiêm nhường, bởi chỉ khi nào con người biết mình tầm thường và bé nhỏ thì mới biết khiêm tốn. Đức tin vào Thượng Đế làm cho con người biết mình tầm thường, bé nhỏ, và do đó sẽ khiêm tốn, biết tôn trọng kẻ khác, sống yêu thương hòa hợp với cộng đồng và môi trường, vì ý thức được rằng mọi sinh linh và tạo vật đều liên thuộc với nhau (interdependent) trong Vũ trụ Nhất thể (United Universe / Universe as a whole Universe as One).

Nhưng không, hai điều tra viên Nhật Bản nhất định không muốn tin vào những gì khó tin. Họ muốn nghe một câu chuyện không làm họ ngạc nhiên, không trái với những kiến thức họ đã biết, không đòi hỏi phải nâng tâm hồn lên để hiểu, “một câu chuyện phẳng phiu. Một câu chuyện bất động… một thực tại khô ráo và không có men nở”.

Để lay động những bộ óc đã bị tư duy lý trí làm cho trì độn đến mức nghi ngờ mọi điều khó tin, Pi đề cập đến vai trò của ngôn ngữ:

Chẳng phải hễ đã kể một cái gì đó – dùng đến từ ngữ, dù là tiếng Anh hay tiếng Nhật – đã là một tạo tác rồi đó sao? Ngay cả việc chỉ nhìn thế giới này thôi cũng đã là một cái gì đó tạo tác rồi… Thế giới không phải chỉ là nó như thế. Thế giới là cái mà chúng ta hiểu được mà thôi… Điều đó khiến cho cuộc sống là một câu chuyện”.

Phải nói là tôi khoái chí nghe Pi thuyết giảng, vì tư tưởng của cậu trùng hợp hoàn toàn với những gì tôi đã thảo luận kỹ trong bài “Câu chuyện Ngôn ngữ”[6] – bất kể lý thuyết nào sử dụng ngôn ngữ để mô tả thế giới “khách quan” đều mang tính chủ quan của con người. Giống như câu ngạn ngữ “nhìn đời qua lăng kính”, mọi mô tả của chúng ta về thế giới đều bị méo mó sai lệch bởi chính ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng, bất kể đó là ngôn ngữ nào, kể cả ngôn ngữ toán học. Vì thế những ai tưởng rẳng chỉ có khoa học mới đáng tin thì những người đó đã tự giam hãm mình trong buồng tối, giống như con đà điểu tự rúc đầu xuống cát để khỏi trông thấy sự thật.

Này nhé, khoa học dựa trên nền tảng gì nhỉ?

Có hai nền tảng căn bản: logic và thực chứng.

Thực chứng thì vấp phải sai lầm trong các phép đo: chẳng hạn các phép đo lượng tử thực chất là sự can thiệp của con người vào thế giới lượng tử, và do đó làm sai lệch các kết quả đo lường. Kết quả đo lường ấy không phản ánh đúng cái “thế giới khách quan” mà ta muốn nhìn thấy. Nó chỉ là một sao chép vụng về của con người, một tạo tác chủ quan của con người.

Còn logic thì sao? Logic phải dựa trên các tiên đề. Mà tiên đề là nhận thức chủ quan của con người. Có gì đảm bảo các tiên đề ấy tuyệt đối đúng? Chẳng phải Tiền đề 5 của Euclid và Phản tiền đề 5 của Lobachevsky đều đúng hay sao? Khoa học logic nhất là toán học cũng không thể tìm được cho mình một hệ tiên đề đầy đủ thì còn có khoa học logic nào khác đáng tin cậy hơn? Vậy cớ gì khoa học tự cho mình cái quyền nhân danh chân lý để phán xét mọi sự đúng / sai trên đời? Cớ gì khoa học có quyền phủ nhận các niềm tin tôn giáo? Bản thân khoa học cũng dựa trên niềm tin vào các tiên đề, có nghĩa là xét cho cùng, khoa học cũng chỉ là một hệ thống nhận thức dựa trên “đức tin” mà thôi. Khoa học chỉ khác tôn giáo ở đức tin ban đầu. Vậy cớ gì tự phụ cho rằng đức tin khoa học là đúng, đức tin tôn giáo là sai?

Thông điệp quan trọng của Yann Martel ở đây là:

Nếu Chúa là khó tin, thì khoa học có dễ tin gì hơn đâu. Vậy không phái lý trí giúp ta tin hay không tin, chính trực giác và sự chiêm nghiệm mới giúp ta cảm nhận được sự thật.

Thật vậy, chẳng phải David Hilbert từng tuyên bố “điểm là cái bàn, đường là cái ghế, mặt là cốc bia” đó sao? Đã có một thời giới toán học rất súng sính theo đuôi Hilbert để xây dựng toán học theo kiểu tư duy “bác học” này, và nếu ai không hiểu được kiểu tư duy quái gở đó thì bị coi là dốt. Hoặc một “chuyện nhỏ” khác, toán học có thể chứng minh 1 = 0 và vô số sự kiện tương tự. Vậy toán học có dễ tin không? Tại sao Einstein phải lên tiếng: “Tôi không tin vào toán học” (I don’t believe in mathematics)? Những tín đồ nhiệt thành của chủ nghĩa duy lý (rationalism) và của “khoa học giáo” (scientism, thuyết khoa học vạn năng)  có bao giờ chịu ngồi yên để suy ngẫm điều đó không?

Nhưng hai điều tra viên Nhật Bản nằng nặc muốn biết những sự thật phù hợp với “quy luật của thiên nhiên”, đến nỗi Pi phát cáu mà gắt lên:

Quý vị đã biết thấu đáo các quy luật ấy ư?

Các vị đó tự tin đáp:

Đủ để phân biệt cái khả dĩ và cái không khả dĩ”.

Làm thế nào mà dám nói là đủ hay không đủ?

Các nhà toán học đầu thế kỷ 20, theo gót David Hilbert, tin chắc rằng trước sau sẽ tìm thấy một lý thuyết toán học đầy đủ, cho phép chứng minh bất kỳ sự kiện toán học nào, bất chấp cảnh cáo của Henri Poincaré, rằng đó là một tham vọng hão huyền, không tưởng (utopia).

Nhưng Poincaré đúng: năm 1931, Kurt Godel công bố Định lý Bất toàn (Theorem of Incompleteness), chứng minh một cách không thể chối cãi được rằng toán học không bao giờ đầy đủ, toán học phải chấp nhận nghịch lý, toán học tồn tại những định lý không thể chứng minh và cũng không thể bác bỏ,…

Các nhà toán học cay đắng. Nhưng im lặng (trừ vài người ngay thẳng), đánh bài lờ (võ của kẻ bại trận tầm thường). Thậm chí một số còn ngoan cố, đưa cái thứ toán học không tưởng này vào trường phổ thông, làm băng hoại tư duy toán học của trẻ em, ít nhất tại Pháp những năm 1960. Đó chính là việc nhồi nhét Lý thuyết Tập hợp vào trường phổ thông mà ai cũng có thể thấy. Những nhà giáo dục này tưởng Lý thuyết Tập hợp là cái gì đó sang trọng, là mốt thời thượng, là uyên bác, chính xác, là cách mạng,… Xét cho cùng, đó là bệnh dốt nát. Dốt về lịch sử toán học, không biết rằng Lý thuyết Tập hợp đã bị hủy hoại bởi Nghịch lý Tập hợp (Nghịch lý Russell), không hiểu ý nghĩa của Định lý Bất toàn. Gottlob Frege đã thú nhận cái dốt nát đó từ đầu thế kỷ 20. Nhưng một bộ phận nhân loại đầu thế kỷ 21 vẫn tiếp tục súng sính với Lý thuyết Tập hợp mà cứ tưởng mình đang thực hành một thứ toán học sang trọng. Lố bịch thay! Chẳng trách Einstein phải kêu lên:

“Chỉ có hai thứ vô hạn: vũ trụ và sự ngu dốt của con người. Cái thứ nhất thì tôi không chắc.” (Only two things are infinite: the universe and the human stupidity. I’m not sure about the first).

Cô khách hàng của Thẩm mỹ viện Cát Tường, trước khi trở thành nạn nhân của ông bác sĩ, đã là nạn nhân của sự vô minh của chính cô. Còn về ông bác sĩ thì sao? Hãy nghe tác giả “Cuộc đời của Pi” mô tả những kẻ có cái vỏ khoa học chữ nghĩa nhưng thực chất ra sao:

Các khoa học gia là một đám người thân thiện, vô thần, chăm chỉ, thích bia rượu, và lúc không bận bịu với khoa học thì đầu óc họ chỉ quan tâm đến tình dục, cờ vua và bóng chày”.

Tôi nhận thông điệp của Martel với suy nghĩ như sau: nếu tôi là một kẻ thực dụng, ích kỷ, tâm hồn rỗng tuếch, không có lòng trắc ẩn, không đếm xỉa đến những tình cảm cao thượng, thiêng liêng, tôn giáo,… thì dù tôi có khoác cái vỏ “sang trọng” của thời đại là “nhà khoa học”, tôi cũng chỉ sống một cuộc sống vô nghĩa, không xứng đáng với tư cách một con người đích thực.

“Cuộc đời của Pi” là một ngụ ngôn hậu hiện đại, đúng như nhận xét của dịch giả Trịnh Lữ. Có quá nhiều ngụ ý – những thông điệp trong đó. Thông điệp lớn thứ nhất là câu hỏi “Thực ra chúng ta là gì?”[7]. Thông điệp lớn thứ hai: Con thuyền Tsimtsum của nhân loại có nguy cơ chìm đắm, nếu nền văn hóa thực dụng và vô thần không thay đổi!

Để gửi thông điệp ấy đi, Yann Martel tạo ra nhân vật Pi, một cậu bé có khuynh hướng tôn giáo một cách tự nhiên như ta hít thở khí trời vậy, nhưng gia đình của cậu thì không.

Pi kể: “Phải nói ngay rằng gia đình tôi không có tí tinh thần chính giáo nào. Cha coi mình là một phần của nước Ấn Độ mới – giầu có, hiện đại và thông tục như một cái kem que. Cha không có tí tín ngưỡng nào trong xương cả… Nỗi khắc khoải tâm linh là hoàn toàn xa lạ với cha; chỉ có những khắc khoải tài chính mới làm rung động được con người cha”.

Chao ôi, nỗi “khắc khoải tài chính” chính là nỗi khắc khoải của nền văn hóa thực dụng và vô thần ngày nay, kể từ khi nền văn minh kỹ trị bước lên đài danh vọng: thế kỷ 20 vừa qua!

Trong cuốn phim cùng tên của Lý An (Ang Lee), trước bữa ăn Pi còn làm dấu Thánh giá. Cha của Pi không sao hiểu được vì sao con mình lại say mê tôn giáo nhiệt thành đến thế, ông khuyên con nên quan tâm tới khoa học, vì khoa học có lý lẽ để giải thích mọi điều. Nhưng Pi không thể từ bỏ những gì cậu bị quyến rũ, vì “tôn giáo là để giúp chúng ta giữ được nhân phẩm của mình”.

Vậy là cả Martel lẫn Lý An đều muốn mô tả bộ mặt hiện thực xã hội ngày nay: chúng ta suy nghĩ nhiều quá và cảm thụ ít quá, đúng như Charlie Chaplin đã khuyến cáo. Và đúng như Einstein phàn nàn, chúng ta vinh danh tên đầy tớ và bỏ quên món quà thiêng liêng!

Trong một xã hội nghèo nàn về cảm xúc như thế thì một rung động với Dạ khúc của Schubert, hay với một gam mầu trong những họa phẩm của Claude Monet… cũng đã là quá xa xỉ rồi, huống chi còn nói gì đến những cảm xúc đối với một cử chỉ cao thượng, một vẻ đẹp của lòng trắc ẩn, một ánh chớp mầu nhiệm của tôn giáo, một cảm xúc bàng hoàng thán phục trước cái vĩ đại của Đấng Sáng tạo?

Và nếu không có cảm xúc đối với Cái Đẹp và Cái Thiêng Liêng thì làm sao có thể có Đức tin? Đức tin ngày càng trở thành điều xa lạ với con người hiện đại. Tình trạng ấy sẽ dẫn đến cái gì? Sự thô thiển và hoang dã sẽ trở lại, ích kỷ và tranh cướp là điều khó tránh. Tội ác sẽ bùng nổ. Tai họa đang rình rập ở phía trước con thuyền nhân loại. Hãy tỉnh thức, nếu không còn thuyền ấy sẽ chìm đắm! Con thuyền ấy chính là con tầu chở hàng Tsimtsum trong “Cuộc đời của Pi”.

Cái tên Tsimtsum nghe rất lạ. Đó là một từ trong tiếng Hebrew (tiếng Do Thái), có nghĩa đen là “co thắt”, nhưng lại mang ý nghĩa tôn giáo rất sâu xa. Nếu không hiểu ý nghĩa tôn giáo này sẽ không thể hiểu được những ngụ ý căn bản của Martel trong “Cuộc đời của Pi”.

Khái niệm tsimtsum ra đời trong thế kỷ 16th từ một nhánh trong Do Thái giáo là Đạo Kabbalah, nhằm trả lời những câu hỏi lớn liên quan đến sự khai sinh ra vũ trụ mà chúng ta đang sống trong đó:

– Nếu Chúa là vô hạn và có mặt ở khắp nơi, làm thế nào mà Ngài có thể tạo ra một thế giới vật lý, vật chất cách biệt với chính Ngài?

– Nếu Chúa ở khắp nơi và nằm trong mọi thứ, làm thế nào mà Ngài có thể tạo ra một chỗ mà Ngài không hiện diện ở đó? Làm sao Chúa có thể sáng tạo ra một thế giới bị nhiễm cái Ác?

Để trả lời những câu hỏi đó, giáo sĩ Isaac Luria đưa ra giải thích rằng Chúa tạo ra một khoảng trống bên trong mình để sáng tạo ra thế giới của chúng ta. Bằng cách “co thắt” (tsimtsum) đó, giống như người Mẹ co thắt để chuẩn bị sinh hạ đứa con của mình, Chúa tạo ra một khoảng trống để tạo một cái gì đó khác với chính Ngài. Sau đó Ngài lấp đầy không gian trống rỗng đó bằng một quá trình tự mặc khải đồng thời với sáng tạo…

Độc giả có thể đồng ý hoặc không đồng ý với Isaac Luria, nhưng đó không phải là chủ đề của bài viết này. Ở đây tôi chỉ muốn nói rằng chữ Tsimtsum, theo tinh thần của giáo phái Kabbalah trong Do Thái giáo, được hiểu như quá trình Chúa sáng tạo ra thế giới của con người. Khi Yann Martel sử dụng tên gọi này để đặt tên cho con tàu chở hàng Nhật Bản, có lẽ ông ngụ ý đó là thế giới loài người – nền văn minh nhân loại hiện nay. Toàn bộ thành viên trên con tầu đó đại diện cho loài người ngày nay.

Và như cuốn truyện và bộ phim cùng tên miêu tả, con tầu Tsimsum bị chìm giữa Thái Bình Dương. Thông điệp của Yann Martel đã rõ:

Con thuyền của nền văn minh hiện đại cũng sẽ như vậy, nếu nền văn hóa thực dụng và vô thần không thay đổi!

Trong truyện, hầu hết thành viên trên con tầu đều thô lỗ, cục súc, thực dụng, ti tiện, vô thần, trừ Pi. Chỉ có Pi sống sót, cùng với một con hổ Bengal có cái tên rất người: Richard Parker. Cái tên này cũng đầy ẩn ý, nhưng bài viết này xin tạm bỏ qua.

Từ lúc xem phim, đọc truyện, đến khi hiểu được các ngụ ý của tác giả, tôi mới giật mình vỡ nhẽ ra rằng “Cuộc đời của Pi” có thể coi là một dị bản (version) biến tấu tích truyện Ông Noah trong Kinh Thánh:

Vì loài người hư hỏng, tội lỗi, kiêu căng, hỗn láo… nên Chúa quyết định hủy tác phẩm của Ngài – Ngài trừng phạt loài người bằng cách gây ra nạn đại hồng thủy. Tất cả đều chết, trừ gia đình ông Noah, vì ông là người đạo đức, biết kính sợ Chúa… Từ dòng giống ông Noah mà lại sinh sôi nẩy nở thành nhân loại ngày nay.

Trong phim của Lý An, nhìn cơn giông bão ập đến nhấn chìm con tàu Tsimtsum mới khiếp sợ làm sao. Những lần gặp giông bão sấm sét về sau còn kinh khủng hơn, bởi Pi chẳng còn gì để bấu víu ngoài một chiếc xuồng cứu hộ mong manh giữa đại dương gầm rú:

Trận bão từ từ tiến đến vào một buổi chiều. Mây giống như đang vội vã chen nhau chạy trốn gió. Biển nhận ra dấu hiệu hành động. Nó bắt đầu dâng lên hạ xuống khiến cho tim tôi thắt lại… Cho đến tận giờ tôi vẫn còn nhìn thấy những con sóng cao như núi đó. Đúng là những trái núi! Dưới các con sóng ấy, chúng tôi như ở dưới đáy thung lũng tối om… Chúng tôi bị đánh dồn lên rất nhanh cho đến tận đỉnh sóng trắng như tuyết chói lòa và đầy bọt khi chiếc xuồng lại bắt đầu chúi xuống… và chúng tôi sẽ rơi xuống đến quặn ruột. Nhoáng một cái chúng tôi lại ở dưới đáy thung lũng tối om…”.

Nhưng dường như lúc con người bị rơi vào hố sâu cùng cực của nguy nan và đau khổ, biết rõ cái bé nhỏ, bất lực và hèn kém của mình, thì đó lại chính là lúc con người tự mặc khải: tin vào một phép mầu sẽ xẩy ra, tin có Chúa để được Chúa cứu vớt, bởi Chúa giầu lòng nhân từ và thương xót, đặc biệt với những kẻ hoạn nạn.

Đó chính là lúc Pi bị “sét đánh, theo gần với nghĩa đen của từ đó”, cậu ngửa mặt lên trời kêu to: “Chúng con xin ngợi ca Đức Allah, Chúa tể của mọi thế giới, đấng trị vì từ bi và đầy thương khó của ngày phán xử cuối cùng!”.

Vào lúc tuyệt vọng, cảm thấy “cái chết đang bò dần lên”, Pi lẩm nhẩm: “Còn bây giờ, con xin trao tất cả vào tay Thượng đế, Ngài là tình yêu và là người con yêu dấu”.

Không có trải nghiệm đó, con người dễ tự phụ, hỗn hào, không biết kính sợ, coi mình là chúa tể muôn loài, đối xử tệ bạc với đồng loại và với mọi sinh linh khác, kể cả những việc dã man kinh tởm nhất cũng không từ, miễn là cho riêng cái thân xác phàm hèn của mình tồn tại. Đó là lý do để chuyện ghê sợ nhất trong mọi thứ ghê sợ có thể xẩy ra. Đó là chuyện ăn thịt người đã từng xẩy ra trong thực tế: trên chiếc bè của chiến thuyền Méduse năm 1816, trên chiếc thuyền buồm Mignonette năm 1884.

Đằng sau những chuyện ghê rợn đó là bản năng ác của con người khi nó được nuôi dưỡng bởi lý trí thuần túy – quy luật “đấu tranh sinh tồn” mà Học thuyết Darwin từng coi là động lực của tiến hóa (!!!). Yann Martel đã lột trần khuôn mặt của những “con vật mang hình người đó” trong đoạn đối thoại sau đây:

…Tại sao ngươi giết người ta?, Pi hỏi một “khách lạ” ngẫu nhiên gặp gỡ giữa Thái Bình Dương.

Cần phải vậy. “Khách lạ” trả lời.

– Cần thiết quỷ sứ vậy à? Ngươi có ân hận gì không?

– Hoặc họ hoặc ta mà thôi.

– Thực là một khái niệm cần thiết với tất cả sự giản đơn vô đạo đức. Nhưng bây giờ ngươi có thấy ân hận một chút nào chăng?

– Đó là vì phải thế trong một giây phút mà thôi. Chỉ là vì hoàn cảnh.

– Bản năng, đó gọi là bản năng. Dẫu sao, cứ trả lời câu hỏi của ta đi, ngươi có ân hận chút nào chăng?

– Ta không nghĩ đến chuyện đó.

– Đúng là súc vật. Ngươi chỉ là một con vật.

Con vật ấy nếu không được giáo hóa, sẽ còn kinh khủng gấp bội so với thú dữ. “Homo homini lupus” (Người với người là lang sói), Freud nói thế. “Con người tồi tệ hơn con vật nếu nó là con vật”, Tagore nói thế. Con người chỉ trở thành người nếu nó được giáo hóa. Đó là thông điệp khẩn thiết của Yann Martel tới nhân loại.

Câu chuyện đã dài. Đã đến lúc phải có một lời kết (một lời tạm kết).

Để con tàu Tsimtsum của nhân loại có thể đi tới bến bờ hạnh phúc, như Pi đã trôi dạt tới bờ biển Mexico, nền văn minh nhân loại phải thay đổi!

Nền văn hóa hiện đại phải lựa chọn một câu chuyện cho mình.

Đồng USD là một gợi ý tốt để chúng ta lựa chọn.

Những người thực dụng nhất là những người mê đồng USD nhất.

Nhưng Yann Martel nói với họ rằng: “Điều Thiện Lớn và Lờ Lãi Lớn là những mục tiêu không tương thích nhau”.

Những việc làm cao cả đó làm tôi nghĩ rằng Chúa có thật! Chính Chúa đã xui khiến con người làm những việc cao cả như vậy.

Còn rất nhiều tấm gương hy sinh cảm động khác, không thể kể hết.

Thế giới đang chuyển động. Nó đang nhúc nhích muốn chuyển động về phía có ánh sáng của Chúa. Phải tác động mạnh hơn để nó hướng hẳn về phía đó.

Đó là lúc chúng ta hãy chiêm ngắm và suy ngẫm về lời tuyên ngôn trên mặt lưng của tờ USD:

IN GOD WE TRUST!

PVHg, Ngày 24/10/2013


[1] “Lược sử Thời gian”, NXB Văn hóa Thông tin năm 2000, dịch giả Cao Chi, Phạm Văn Thiều, trang 215. Đoạn trong ngoặc đơn do tôi, PVHg, thêm vào như một chú thích.

[2] Quan điểm mới của Hawking về một vũ trụ sinh ra từ hư không thoáng nghe có vẻ na ná như tư tưởng “sắc tức thị không, không tức thị sắc” trong Kinh Bát Nhã của Nhà Phật. Nhưng đó không phải là mối quan tâm của bài viết này.

[3] Xem “Bên ngoài khoa học”, Phạm Việt Hưng, Khoa học & Tổ quốc Tháng 03/2010 / PhamVietHung’s Home / Vietsciences: http://vietsciences.free.fr/timhieu/trietly-tongiao/benngoaigiaoduc.htm

[4] Pensées, Blaise Pascal, 1670

[5] Tất cả những câu viết chữ nghiêng trong ngoặc kếp trong bài đều trích từ “Cuộc đời của Pi”, Yann Martel, NXB Nhã Nam và NXB Văn học, dịch giả Trịnh Lữ, 2012.

[6] Xem trên PhamVietHung’s Home; Khoa học & Tổ quốc Tháng 07/2012; Vietsciences:

http://vietsciences.free.fr/timhieu/trietly-giaoduc/cauchuyenngonngu.htm

[7] Bài học thứ nhất từ “Cuộc đời của Pi”, Phạm Việt Hưng, PhamVietHung’s Home.

7 thoughts on “Cứu tinh của nền văn minh (Savior of the Civilisation)

  1. Tất nhiên, trong nhân loại, có cá thể này mang trong mình gần đủ hoặc đầy đủ “tính Chúa” hơn hẳn nhiều cá thể khác, hoặc thậm chí hơn vô vàn tập hợp cá thể khác. “Quy luật Thời sinh học cổ Phương Đông” sẽ cho chúng ta biết Ai là gần “tính Chúa” nhất dựa vào temperament natural (Khí chất bẩm sinh).
    Riêng Tôi, Con Người (viết hoa) chính là hình ảnh của Chúa (đại diện của Chúa)
    Người “Duy Tâm” coi Chúa là Đấng Tạo hóa, gọi bằng Thượng Đế, Ô Trời…, còn người “Duy Vật” gọi là “thế giới khách quan” (tồn tại khách quan) hay còn gọi là “quy luật khách quan” ! Tất cả các cách gọi đó của 2 phái (Tâm Vật) thực ra cùng chỉ 1 Khái niệm!
    Lực đó đã gắn kết, tạo ra vô vàn thực thể và phi thực thể trong Vũ và Trụ này. Lực đó chính là Tạo Hóa !
    Nói chính xác, Chúa ( Ý, Thiên Ý, Ý Trời, Ý Chúa) chính là các loại “Lực Vũ Trụ” trong Không gian !
    VŨ TRỤ (KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN, CÙNG NHỮNG “LỰC”, “NHIỆT” VÀ “CHẤT”) CHÍNH LÀ … CHÚA !

    Thích

  2. Một bức tranh toàn thể nhưng rọi vào là những chi tiết cụ thể.

    Nhiều mảng tối nhưng vẫn chủ đạo thứ ánh sáng bình minh.

    Thanks chú Hưng!

    Thích

  3. Ngôn ngữ rất hay. Tác giả cực kì nhạy cảm với rung động trong câu chuyện của Pi. Nghe đâu rằng bút lực của nhà văn dồn vào đâu, trùng với ai thì dù trăm năm sau, các con chữ (kể cả đã chuyển ngữ) cũng run lên trong trái tim người đó.
    Tuy nhiên, nó là cứu cánh với những ai có sẵn trái tim chờ đợi. Nó như những vòng dây đồng, bao nhiêu vòng thì thu được sóng nấy.
    Phải chăng trong trái tim của tác giả (PVH) đã thổn thức khi gặp hình ảnh đẹp đẽ, gặp thông điệp rõ ràng? Phải chăng trái tim của tác giả cũng thắt lại khi viết đến: “độc ác”, “ăn thịt người”, “bác sỹ thẩm mỹ”,…phải chăng có ghê tởm và phỉ nhổ?
    Nếu chúng ta gọi anh công an là tốt, tên cướp là xấu, ở cái lúc tồn tại cả hai. Giả sử không có tên cướp, anh công an sẽ làm gì nhỉ? Anh sẽ thất nghiệp, anh sẽ làm kiến trúc sư nếu anh có hoa tay, sẽ làm bác sỹ nếu anh không sợ máu; nhưng nếu anh không có tất cả khả năng đó, anh sẽ thất nghiệp. Chẳng phải là anh rất có thể làm tên cướp đó sao? Anh phải ăn để nuôi cái thân anh chứ?
    Riêng tôi, tôi thầm cảm ơn cái ác đã chọn họ, cảm ơn họ vì đã mang cái ác dùm tôi. Tôi xót thương họ.
    Ai nói rằng Cha đẹp, Thượng Đế là tốt và không xấu, vậy lại nói thêm, chúng ta, tất cả mang hình dáng Ngài? Vậy chẳng phải là tất cả sao? Chúng ta mà? Tên cướp và anh công an mà? Đấu tranh có phải là mù quáng mu muội không?
    Tôi chẳng biết gì cả. Toàn câu hỏi.

    Thích

  4. Pingback: Cứu tinh của nền văn minh? – Câu hỏi khi đến với “Cuộc đời của Pi” (2) | Book Hunter Club

  5. Thưa thầy Việt Hưng, qua những bài của Thầy em nhận thấy sự am hiểu rất rộng, nhiều vấn đề ở Thầy. Ở đây, những bài viết của Thầy về ”Chúa”, em vẫn chưa hiểu rõ ”Chúa” ý Thầy muốn nói đến cuối cùng có những đặc trưng gì ạ? Em rất tò mò về điều này, mong thầy chỉ cho bọn em rõ hơn ạ!

    Thích

  6. Pingback: Cứu tinh của nền văn minh? – Câu hỏi khi đến với “Cuộc đời của Pi” | CÓP NHẶT

Bình luận về bài viết này