Hawking: Who Created God? Hawking: Ai tạo ra Chúa?

Recently I was surprised to learn that Stephen Hawking also asked the question “Who created God?” – a very illogical question. Since Hawking was a scientist with great influence, both positively and negatively, there needs to be a decisive answer, once and for all, to that question.

1

Gần đây tôi rất ngạc nhiên khi biết Stephen Hawing cũng hỏi câu hỏi “Ai tạo ra Chúa?” – một câu hỏi rất phi logic. Vì Hawking là một nhà khoa học có ảnh hưởng lớn, cả ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực, nên cần phải có một câu trả lời quyết định, một lần và mãi mãi, cho câu hỏi đó.

Nguyên văn Stephen Hawking nói:

“Thật có lý khi hỏi ai hoặc cái gì đã tạo ra vũ trụ, nhưng nếu câu trả lời là Chúa thì câu hỏi chỉ đơn thuần được biến thành câu hỏi ai đã tạo ra Chúa”[1].

Câu hỏi ấy giống hệt câu hỏi của một số độc giả trên trang PVHg’s Home, đại ý là “nếu Chúa sáng tạo ra mọi thứ thì ai sáng tạo ra Chúa?”. Câu hỏi này đã được trả lời trong 3 bài báo sau đây:

  • 19/09/2016 Who created the Creator? Ai tạo ra Đấng Sáng tạo?[2]
  • 19/02/2019 To ask again: Who created God? Lại hỏi: Ai tạo ra Chúa?[3]
  • 20/02/2021 The Limit of Logic / Hạn chế của Logic[4]

Nhưng hôm nay câu hỏi “Ai tạo ra Chúa?” sẽ được thảo luận kỹ hơn, vì nó được nêu lên bởi một nhà khoa học lừng danh như Stephen Hawking. Để tránh hiểu lầm, xin nói rằng khái niệm “Chúa” ở đây ngụ ý “Đấng Sáng Tạo” của vũ tru. Điều thú vị là xoay quanh vấn đề Đấng Sáng Tạo, có “hai Hawking” với hai quan điểm trái ngược nhau. Một Hawking trẻ thấy cần có Chúa, và một Hawking cuối đời phủ nhận Chúa.

a1

Thông qua các tác phẩm của Stephen Hawking lúc ông con trẻ, có thể nhận thấy lập luận khoa học của ông bị chi phối bởi hai tư tưởng lớn sau đây:

i)  Tư tưởng cho rằng vũ trụ đã được thiết kế một cách hài hòa chính xác để sự sống và con người có thể tồn tại. Tư tưởng này được gọi là Nguyên lý Vị Nhân (Anthropic Principle) – vũ trụ có mục đích vì sự sống và con người. Nếu vũ trụ không có mục đích, nó sẽ hỗn loạn, vô trật tự và do đó sẽ không có sự sống.

ii)  Tư tưởng cho rằng vũ trụ ắt phải có khởi đầu, do đó ắt phải có chủ thể tạo ra sự khởi đầu đó. Có 2 bằng chứng lớn ủng hộ tư tưởng này: Một là Lý thuyết Big Bang, hệ quả tất yếu của Thuyết Tương đối Tổng quát của Albert Einstein. Hai là Định luật 2 của Nhiệt Động lực học.

Cả hai tư tưởng nói trên đều dẫn tới cùng một kết luận rằng vũ trụ ắt phải có Đấng Sáng Tạo. Bây giờ hãy xem chính Hawking biểu lộ tư tưởng của ông như thế nào. 

Nguyên lý Vị Nhân: Vũ trụ được thiết kế hài hòa vì con người

Tất cả chúng ta đều biết vũ trụ không hỗn loạn, mà có trật tự – vũ trụ vận hành theo những định luật xác định, đẹp đẽ, chứ không tùy tiện, vô trật tự. Tại sao vũ trụ không hỗn loạn mà có trật tự? Có 2 câu trả lời:

Một, mọi sự diễn ra đều là ngẫu nhiên, tự phát. Đây là câu trả lời của những người theo Chủ nghĩa Tự nhiên (Naturalism) – một hệ tư tưởng không chấp nhận bất kỳ cái gì siêu nhiên, siêu hình, không thể quan sát trực tiếp được.

Hai, mọi hiện tượng vũ trụ đều là kết quả của một bản thiết kế / một chương trình định trước. Đây là câu trả lời của những người tin vào Sáng Tạo Luận (Creationism) hoặc Lý thuyết Thiết kế Thông minh (Theory of Intelligent Design).

Stephen Hawking khi còn trẻ ngả theo câu trả lời thứ hai. Ông còn giải thích rõ cho chúng ta biết bản thiết kế ấy / chương trình ấy có mục đích “vì con người”: mọi điều kiện tự nhiên phải được chọn lựa một cách tinh vi sao cho sinh vật bao gồm con người có thể sinh sôi và phát triển. Tư tưởng này được gọi là Nguyên lý Vị Nhân, một nguyên lý vừa khoa học vừa nhân văn.

Đây, xin lắng nghe Hawking nói:

“Vũ trụ và các định luật vật lý dường như đã được thiết kế đặc biệt cho chúng ta. Nếu bất kỳ một tính chất nào trong khoảng 40 tính chất vật lý mà có sự khác biệt chút xíu thì sự sống như ta biết đã không thể tồn tại: Hoặc các nguyên tử sẽ không bền vững, hoặc chúng sẽ không kết hợp với nhau để thành các phân tử, hoặc các ngôi sao sẽ không tạo ra các nguyên tố nặng, hoặc vũ trụ sẽ bị sụp đổ trước khi sự sống có thể ra đời, v.v.”[5]

Nếu vũ trụ hỗn loạn thì sẽ không có khoa học, bởi sẽ không có con người để nghiên cứu khoa học. Mục đích của khoa học là khám phá ra các định luật của vũ trụ – những định luật mô tả trật tự và vẻ đẹp của vũ trụ. Điều này đã được chính Hawking nói rõ trong những cuộc phỏng vấn với Gregory Benford năm 2002 về Lỗ đen và Lý thuyết Trường thống nhất:

“Ấn tượng choáng ngợp là ấn tượng về trật tự (của vũ trụ). Càng khám phá nhiều về vũ trụ, chúng ta càng thấy nó bị chi phối bởi các quy luật hợp lý”. “Bạn vẫn còn câu hỏi: tại sao vũ trụ lại tồn tại? Nếu muốn, bạn có thể định nghĩa Chúa là câu trả lời cho câu hỏi đó”[6]

Trong tác phẩm nổi tiếng, “Lược sử Thời gian” (A Brief History of Time), xuất bản năm 1988, Hawking cũng chứng minh hùng hồn cho tư tưởng cho rằng vũ trụ đã được thiết kế để đảm bảo cho sự sống tồn tại:

“Thực tế đáng chú ý là giá trị của những con số này (những hằng số vật lý) dường như đã được điều chỉnh rất tinh vi để có thể tạo ra sự phát triển của sự sống … Ví dụ, nếu điện tích của electron chỉ khác một chút, các ngôi sao sẽ không thể đốt hydrogen và helium, nếu không thì chúng có thể đã không bùng nổ. Dường như rõ ràng là có tương đối ít phạm vi giá trị cho các hằng số vật lý để có thể cho phép phát triển bất kỳ dạng thức sống thông minh nào”[7]

Cũng trong cuốn sách đó, Hawking nói cho chúng ta biết rằng Nguyên lý Vị nhân tác động ngay từ thủa khai sinh của vũ trụ. Ông nói:

“Trong mô hình big bang nóng, không có đủ thời gian trong vũ trụ sơ khai để nhiệt truyền từ vùng này sang vùng khác. Điều này có nghĩa là trạng thái ban đầu của vũ trụ phải có cùng một nhiệt độ ở mọi nơi để giải thích rằng nền vi sóng có cùng nhiệt độ theo mọi hướng chúng ta nhìn. Hơn nữa, tốc độ giãn nở ban đầu sẽ phải được lựa chọn rất chính xác để tốc độ giãn nở vẫn gần với tốc độ tới hạn cần thiết để tránh sụp đổ. Sẽ rất khó để giải thích tại sao vũ trụ cần phải khởi đầu theo cách này, ngoại trừ hành động của một vị Chúa có ý định tạo ra những sinh vật như chúng ta”[8].

51SWYYvk+KL._AC_SY1000_

Tóm lại, sự hài hòa của vũ trụ, trật tự của vũ trụ, các định luật vật lý rất đẹp đẽ của vũ trụ nói lên Nguyên lý Vị Nhân: Vũ trụ không phải là một cỗ máy mù quáng, vũ trụ không hình thành một cách tùy tiện hỗn loạn, mà có một mục đích rõ ràng là vì con người. Để đảm bảo cho các sinh vật và con người có thể tồn tại, vũ trụ phải được thiết kế và lập trình một cách tinh vi! Nhà Thiết kế, hoặc Nhà Lập trình của Vũ trụ chính là Đấng Sáng tạo.

Kết luận: Chính Stephen Hawking, thông qua Nguyên lý Vị Nhân, đã chứng minh rõ ràng hơn ai hết rằng ắt phải có Đấng Sáng tạo như tác giả của các định luật vũ trụ, nhằm tạo ra một vũ trụ có trật tự hài hòa, đảm bảo cho sự sống tồn tại.

Vũ trụ ắt phải có khởi đầu

Trong cuốn “Định lý Gödel, Nền tảng của Khoa học hiện đại”, do NXB Tri Thức xuất bản năm 2019, trang 152, tôi đã viết:

“Lý thuyết Big Bang là hệ quả trực tiếp của Thuyết tương đối tổng quát nên Albert Einstein xứng đáng được coi là một trong những cha đẻ của lý thuyết này, mặc dù là cha đẻ “vô tình”. Điều “bất ngờ thú vị” là vị cha đẻ này đã bị “sốc” khi được biết hoá ra vũ trụ có một khởi đầu chứ không hằng hữu vĩnh cửu như ông tưởng. Quan niệm vũ trụ hằng hữu do Aristotle đề xướng từ thời cổ đại vẫn thống trị mãi cho đến trước khi Lý thuyết Big Bang ra đời. Những bộ óc vĩ đại như Newton, Einstein có thể khám phá ra những định luật khổng lồ của vũ trụ, nhưng chưa bao giờ dám tưởng tượng tới một vũ trụ có một lịch sử biến đổi. Vì thế, tư tưởng của Lemaître phải nói là rất táo bạo. Ngay cả khi đối diện với Einstein, Lemaître vẫn tự tin bảo vệ lập trường của mình để thuyết phục vị cha đẻ của Thuyết tương đối tổng quát rằng sự khởi đầu của vũ trụ là không thể tránh được. Kết luận mang tính cách mạng này một lần nữa đã được xác nhận bởi những công trình nghiên cứu độc lập của Stephen Hawking và Roger Penrose, hai trong số những nhà toán học và vật lý lý thuyết lỗi lạc nhất trong nửa sau thế kỷ 20. Nhiều lý thuyết khác cũng ủng hộ quan điểm vũ trụ ắt phải có khởi đầu. Theo Định luật 2 của nhiệt động lực học (Định luật Entropy), mọi hệ đóng đều có xu hướng tiến tới hỗn loạn và tan rã. Vũ trụ là một hệ đóng. Vậy nếu Vũ trụ là hằng hữu thì nó đã bị tan loãng từ lâu rồi”.

Quan điểm nói trên được rút ra từ nhiều tài liệu, bao gồm cuốn Lược sử Thời gian của Stephen Hawking. Trong cuốn này, Hawking nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng sự khởi đầu của vũ trụ là tất yếu, không thể tránh được, giống như Lemaître đã từng khẳng định với Einstein. Đây, Hawking viết:

“Roger Penrose và tôi đã chỉ ra rằng thuyết tương đối tổng quát của Einstein ngụ ý rằng vũ trụ ắt phải có một khởi đầu và có lẽ, một kết thúc”. (trang 36)

“Thuyết tương đối tổng quát của Einstein, riêng mình nó, đã dự đoán rằng không-thời gian đã khởi đầu từ điểm kỳ dị của big bang và sẽ đi tới kết thúc hoặc tại một điểm kỳ dị của một vụ co lớn (nếu toàn thể vũ trụ tái suy sụp) hoặc tại một điểm kỳ dị bên trong một lỗ đen (nếu một khu vực cục bộ, chẳng hạn như một ngôi sao, bị suy sụp)” (trang 121).

Năm 1996, trong một bài giảng nhan đề “Khởi đầu của Thời gian” (The Beginning of Time)[9], Hawking thuyết giảng vấn đề này rõ ràng hơn:

“Mọi bằng chứng dường như chỉ ra rằng vũ trụ không hằng hữu, mà đã có một khởi đầu khoảng 15 tỷ năm trước. Có lẽ đây là khám phá phi thường nhất của vũ trụ học hiện đại. Do đó, thật tự nhiên khi tin rằng loài người, và có thể là cả vũ trụ, đã có một khởi đầu trong quá khứ khá gần đây. Tuy nhiên, nhiều người không hài lòng với ý kiến cho rằng vũ trụ có sự khởi đầu, vì nó dường như ám chỉ sự tồn tại của một đấng siêu nhiên, người đã tạo ra vũ trụ”.

Tiếp theo, Hawking chỉ ra rằng theo Định luật 2 của Nhiệt động lực học, vũ trụ ắt phải có khởi đầu. Đây, ông nói:

“Nhà vũ trụ học, Sir Arthur Eddington, từng nói, “Đừng lo lắng nếu lý thuyết của bạn không phù hợp với các quan sát, bởi vì các quan sát có thể sai”. Nhưng nếu lý thuyết của bạn không phù hợp với Định luật Thứ hai của Nhiệt động lực học, thì nó sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng. Trên thực tế, lý thuyết cho rằng vũ trụ hằng hữu đang gặp khó khăn nghiêm trọng với Định luật Thứ hai của Nhiệt động lực học. Định luật thứ hai nói rằng sự vô trật tự luôn tăng theo thời gian. Giống như lập luận về sự tiến bộ của con người, nó chỉ ra rằng phải có một sự khởi đầu. Nếu không, vũ trụ sẽ rơi vào trạng thái hoàn toàn hỗn loạn vào lúc này, và mọi thứ sẽ ở cùng một nhiệt độ. Trong một vũ trụ vô hạn và vĩnh cửu, mọi đường ngắm sẽ kết thúc trên bề mặt của một ngôi sao. Điều này có nghĩa là bầu trời đêm sẽ sáng như bề mặt của Mặt trời. Cách duy nhất để tránh vấn đề này là nếu vì lý do nào đó, các ngôi sao không tỏa sáng trước một thời điểm nhất định”.

Tóm lại, sự khởi đầu của vũ trụ là một hệ luận tất yếu của khoa học. Vậy “ai” đã tạo ra sự khởi đầu đó, nếu không phải Đấng Sáng tạo? Đó là một lập luận logic không thể chối cãi được. Dù bạn thích hay không thích mô hình vũ trụ có khởi đầu, bạn khó có thể tranh cãi với lập luận của khoa học. Cụ thể là Lý thuyết Big Bang, do Georges Lemaître đề xướng, như một hệ quả trực tiếp của Thuyết Tương đối Tổng quát. Các công trình nghiên cứu sau này của Roger Penrose và Stephen Hawking cũng chứng minh sự khởi đầu tất yếu của vũ trụ. Einstein lúc đầu không thích mô hình của Lemaître, nhưng sau nhiều lần thảo luận với Lemaître, ông đã chấp nhận lý thuyết này, và bất ngờ thốt lên rằng “Đây là lời giải thích tuyệt vời và thỏa đáng nhất về sự sáng tạo mà tôi từng được nghe”[10].

Nếu có khởi đầu thì ắt phải có chủ thể tạo ra sự khởi đầu ấy, tức Đấng Sáng tạo. Vì thế, theo Hawking, rất khó để giải thích nguồn gốc của vũ trụ mà không thừa nhận vai trò của Chúa. Thật vậy, trong một cuộc phỏng vấn trên Đài Truyền hình ABC năm 1989, chính Hawking đã nói rất rõ:

“Rất khó thảo luận về sự khởi đầu của vũ trụ mà không đề cập đến khái niệm về Chúa. Công trình của tôi về nguồn gốc vũ trụ nằm ở đường ranh giới giữa khoa học và tôn giáo, nhưng tôi cố gắng đứng bên phía khoa học của đường ranh giới. Rất có thể Chúa tác động theo những cách không thể mô tả được bằng các định luật khoa học”[11].

Xin nhắc lại để nhấn mạnh: Rất khó nói về sự khởi đầu của vũ trụ mà không đề cập đến Chúa. Tư duy của Hawking cho đến thời điểm đó vẫn là tư duy truyền thống của khoa học – truyền thống cho rằng các định luật tự nhiên thể hiện ý Chúa. Truyền thống ấy lộ ra trong cuốn sách nổi tiếng của ông, Lược sử Thời gian, nhất là ở câu kết:  

“Tuy nhiên, nếu chúng ta khám phá được một lý thuyết hoàn chỉnh, thì rốt cuộc trên nguyên lý đại cương nó sẽ được mọi người hiểu, chứ không chỉ một ít các nhà khoa học hiểu. Rồi tất cả chúng ta, các nhà triết học, các nhà khoa học, và ngay cả những người bình thường, có thể tham gia vào cuộc thảo luận về câu hỏi tại sao chúng ta và vũ trụ tồn tại. Nếu chúng ta tìm được câu trả lời cho câu hỏi đó, đó sẽ là thắng lợi cuối cùng của lý trí con người – khi đó chúng ta sẽ hiểu được ý Chúa” (trang 185).  

Hóa ra Chúa, tức Đấng Sáng tạo, không chỉ là một nhu cầu của tôn giáo, mà còn là một nhu cầu thiết yếu của chính khoa học, bởi Stephen Hawking chưa bao giờ và không bao giờ là con người của Đức tin, ông là một con người hoàn toàn duy lý, một nhà khoa học vô thần.

a2

Trong những phần trước chúng ta đã thấy một Stephen Hawking trẻ trung, bằng lập luận khoa học thuyết phục, chứng minh rằng vũ trụ cần phải có Đấng Sáng tạo như một nguyên nhân cho sự khởi đầu không thể tránh được. Nhưng trong phần này, chúng ta sẽ thấy một Stephen Hawking về cuối đời ngả hẳn theo chủ nghĩa tự nhiên, tuyên bố thẳng thừng rằng vũ trụ có thể ra đời một cách tự phát mà không cần đến Chúa. Tư tưởng cuối đời của Hawking biểu lộ chủ yếu trong cuốn “Grand Design” (Thiết kế lớn), xuất bản năm 2010, khi ông 68 tuổi.

“Thiết kế Lớn” của Hawking phản lại Hawking trẻ

Thiết kế Lớn chứa đựng nhiều tư tưởng thú vị, trong đó có những tư tưởng rất đáng để chúng ta suy ngẫm, học hỏi, nhưng tiếc thay, những ý kiến liên quan đến nguồn gốc vũ trụ đã làm cho cuốn sách này trở thành một bước lùi về nhận thức trong cuộc đời nhà khoa học tài danh này. Điển hình là những ý kiến sau đây[12]:

Vũ trụ khởi đầu với big bang. Vụ nổ lớn này đơn giản là tuân thủ định luật tất yếu của vật lý. Vì có một định luật như luật hấp dẫn, vũ trụ có thể tự tạo ra nó từ hư không”.

Sự hình thành của vũ trụ tự phát là lý do để có một cái gì đó thay vì không có gì cả, lý do tại sao vũ trụ tồn tại, tại sao chúng ta tồn tại. Không cần phải cầu viện đến Chúa để châm ngòi nổ và đưa vũ trụ vào vận hành”.

Triết học đã chết. Nó không bắt kịp với sự phát triển của khoa học hiện đại, đặc biệt là vật lý. Do đó các nhà khoa học đã trở thành những người cầm đuốc trong công cuộc khám phá nhằm thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của chúng ta”.

Thiết tưởng không cần phải có học thức cao siêu, dường như bất cứ một người nào có nhận thức lành mạnh cũng đều có thể bác bỏ những ý kiến nói trên của Hawking, vì tính phi logic của nó lộ ra quá rõ ràng.

Chẳng hạn, một ý kiến trên trang Physics[13] phân tích rất sắc bén như sau:

Stephen Hawking nói trong cuốn sách mới nhất của ông, The Grand Design, rằng ‘Vì có một định luật như luật hấp dẫn, vũ trụ có thể và sẽ tự tạo ra nó từ hư không’. Đó chẳng phải là logic luẩn quẩn ư? Làm thế nào mà lực hấp dẫn tồn tại nếu không có vũ trụ? Và nếu không có lực hấp dẫn thì làm thế nào để nó có thể là lý do sáng tạo ra vũ trụ? Cũng vậy, nếu vũ trụ không tồn tại, làm thế nào để nó có thể tự tạo ra nó? Đối với tôi, câu nói đó thật vô nghĩa. Điều đó dường như quá vô lý và phi logic đến nỗi tôi chưa bao giờ nghe thấy những câu như thế ngay cả trong triết học. Dựa trên nền tảng nào mà Stephen Hawking tuyên bố như thế?”.

Thú vị hơn, tờ The Guardian của Anh ra ngày 02/09/2010 đã tổ chức một cuộc thăm dò ý kiến công chúng với câu hỏi sau đây[14]:

Trong một cuốn sách mới, nhà vật lý nổi tiếng thế giới Stephen Hawking đã thay đổi lập trường trước đây của ông, một lập trường dường như chấp nhận một đấng sáng tạo thần thánh, để lập luận rằng vũ trụ là một công trình của vật lý, chứ không phải của Chúa. Bạn có đồng ý không?”.

Kết quả: 37% đồng ý và 63% không đồng ý!

Tất nhiên đa số không phải lúc nào cũng là chân lý. Nhưng trong trường hợp này, đa số nói lên chân lý, vì sai lầm về logic của Hawking quá rõ ràng.

Tuy nhiên, người lên tiếng phê phán và bác bỏ Hawking mạnh nhất là John Lennox, một Giáo sư toán học và Triết học Khoa học tại Đại học Oxford, tác giả cuốn sách “Stephen Hawking & God”, xuất bản năm 2011.

Ông mô tả phát biểu của Hawking là “ngạo mạn và kiêu căng”, “không phù hợp với những quy tắc cơ bản của phân tích logic”, “một thí dụ kinh điển về tính luẩn quẩn logic” …

Theo Lennox, Hawking tự mâu thuẫn, vì khi lực hấp dẫn hay định luật hấp dẫn đã tồn tại thì vũ trụ đâu phải là “hư không”? Tệ hơn nữa, khi nói “vũ trụ có thể tự tạo ra nó từ hư không” thực chất là thừa nhận sự tồn tại của vũ trụ để suy ra sự tồn tại của vũ trụ!

Ngày nay, với con mắt của Lý thuyết Thông tin, chúng ta có thể bổ sung cho ý kiến của John Lennox bằng cách nói rõ hơn rằng các định luật vũ trụ chính là các thông tin về vũ trụ. Theo Lý thuyết Thông tin, mọi thông tin đều xuất phát từ một nguồn trí tuệ thông minh. Vậy nếu thừa nhận có một định luật như luật hấp dẫn thì có nghĩa là thừa nhận đã có một thông tin vũ trụ, tức là thừa nhận sự hiện hữu của Nhà Lập trình của vũ trụ – chủ thể đã ban hành thông tin ấy! Nhà Lập trình ấy chính là Đấng Sáng tạo của vũ trụ. Điều này trái với ý kiến của chính Hawking rằng không cần phải viện đến Chúa để châm ngòi nổ và đưa vũ trụ vào vận hành.

Giáo sư John Lennox kết luận:

Tất cả những điều này cho thấy vô nghĩa vẫn là vô nghĩa, ngay cả khi chúng được nói ra bởi các nhà khoa học nổi tiếng thế giới. Điều che đậy tính phi logic của những tuyên bố như thế là ở chỗ chúng được nói ra bởi các nhà khoa học; và không có gì ngạc nhiên khi công chúng cho rằng đó là tuyên bố của những nhà khoa học có thẩm quyền. Vì thế điều quan trọng là phải chỉ ra rằng chúng không phải là tuyên bố của khoa học, và bất kỳ tuyên bố nào, cho dù được đưa ra bởi một nhà khoa học hay không, đều nên để ngỏ cho những phân tích logic. Uy tín và quyền hạn to lớn không che lấp được sai lầm về logic[15].

2

Thực ra, như chúng ta thấy qua thăm dò của tờ The Guardian, đa số công chúng rất tỉnh táo, họ không coi tuyên bố của Hawking là tuyên bố có thẩm quyền khoa học, đa số đã bác bỏ ý kiến của Hawking. Tại sao? Vì tính phi logic trong phát biểu của Hawking rõ đến nỗi bất kỳ ai có trí tuệ lành mạnh cũng có thể nhận thấy.

Trong số những công chúng ấy, chắc chắn có những người đã từng tin vào những lý thuyết của chính Hawking trước đây (Hawking trẻ) – những lý thuyết mô tả vẻ đẹp của một vũ trụ trật tự, hài hòa theo Nguyên lý Vị Nhân, một vũ trụ ắt phải có khởi đầu và do đó ắt phải có Đấng Sáng tạo … Những công chúng ấy chắc chắn sẽ thất vọng với một Hawking thay đổi lập trường 180 độ để tự bác bỏ quá khứ của chính mình. Thật vậy, nếu Hawking cuối đời đúng thì suy ra tất cả những lý thuyết của Hawking lúc trẻ đều trở thành vô giá trị. Nhưng những lý thuyết ấy không vô giá trị, vì nó dựa trên những lý thuyết khoa học vững chắc không thể sai lầm, như Thuyết Tương đối Tổng quát của Einstein, Định luật 2 của Nhiệt Động lực học … Do đó, về logic, Hawking cuối đời phải SAI! Những phát biểu của Hawking về vũ trụ tự phát là phi logic, vô nghĩa, đúng như John Lennox đã nói.

Vậy đã đến lúc phải quay lại với câu hỏi của Hawking, “Ai tạo ra Chúa?”. Câu hỏi này có hợp lý không? Hay nó cũng phi logic như những phát biểu của Hawking về vũ trụ tự phát?

Có thể trả lời ngay: Bất kỳ ai thấm nhuần ý nghĩa triết học của Định lý Gödel cũng sẽ thấy ngay câu hỏi “Ai tạo ra Chúa?” của Hawking là vô lý, là phi logic!

Định lý Goedel và tính phi lý của câu hỏi “Ai tạo ra Chúa?”

Định lý Gödel là một định lý toán học, nhưng ý nghĩa triết học của nó bao trùm lên hết thảy mọi lĩnh vực nhận thức. Tại sao vậy? Vì nếu toán học là hệ logic mạnh nhất mà bất toàn thì những hệ thống nhận thức yếu hơn về logic sẽ càng bất toàn. Tính bất toàn của toán học nói riêng và của nhận thức duy lý nói chung biểu lộ rõ nhất ở tính hạn chế của nó. Nói cách khác, nhận thức duy lý có giới hạn.

Thật vậy, Định lý Gödel đã chỉ ra rằng toán học là bất toàn, hoặc toán học có sức mạnh hạn chế, vì có những câu hỏi trong toán học mà toán học không thể trả lời.

Điều thú vị là năm 2002, Stephen Hawking đã áp dụng Định lý Gödel vào vật lý để tuyên bố rằng:

Theo triết học thực chứng của khoa học, một lý thuyết vật lý là một mô hình toán học. Vì vậy, nếu có những kết quả toán học không thể chứng minh được thì cũng có những bài toán vật lý không thể dự đoán được[16].

Có nghĩa là Hawking cũng thừa nhận rằng lý lẽ có giới hạn, vật lý học cũng bất toàn. Ấy thế mà ông lại nêu lên một câu hỏi vượt quá giới hạn của lý lẽ như câu hỏi “Ai tạo ra Chúa?”. Điều đó chứng tỏ câu hỏi này của Hawking cũng vô lý và phi logic như những ý kiến của ông về vũ trụ tự phát.

Thật vậy, trong khi tranh luận, nếu ai đó cố tình nêu lên những câu hỏi vượt ra ngoài giới hạn của logic rồi đòi người khác phải trả lời bằng logic thì người ấy tự chứng minh mình thiếu hiểu biết về Định lý Gödel. Đó chính là cái vô lý về logic mà Kurt Gödel, cha đẻ của Định lý Bất toàn, đã cảnh báo từ lâu:

Nếu quả thật là có những bài toán toán học không quyết định được bởi lý trí của con người thì điều đó ngụ ý rằng lý lẽ của con người là cực kỳ vô lý khi hỏi những câu hỏi không thể trả lời, trong khi cứ nằng nặc nhấn mạnh rằng chỉ có lý lẽ mới có thể trả lời những câu hỏi đó[17].

Câu hỏi “Ai tạo ra Chúa?” thuộc loại câu hỏi không thể trả lời, vì nó vượt quá giới hạn của khoa học. Giới hạn của vũ trụ học là điểm khởi đầu của vũ trụ – “nguyên tử nguyên thủy” hoặc “điểm kỳ dị”. Đến giới hạn này, khoa học không thể biết gì hơn nữa. Mọi nỗ lực giải thích bằng khoa học về sự khởi đầu của vũ trụ đều là không tưởng và hão huyền.

Gödel tuyên bố: “Không thể giải thích mọi thứ được”!

Chúa là một khái niệm không thể giải thích được. Bạn chỉ có thể thừa nhận Chúa như một TIÊN ĐỀ của nhận thức luận, của vũ trụ học, của khoa học về sự sống.

Những nhà khoa học thông minh nhất đều dừng lại ở “nguyên tử nguyên thủy” hoặc “điểm kỳ dị”, không giải thích nữa. Đến đây, logic dừng lại để nhường chỗ cho TRỰC GIÁC hoặc NIỀM TIN.

Nếu trực giác của bạn không mách bảo bạn dừng lại để đặt niềm tin vào Đấng Sáng Tạo, thì bạn phải tiếp tục chứng minh “ai” hoặc “cái gì” tạo ra cái khởi đầu của vũ trụ, thay vì bạn chất vấn về Chúa, bởi như đã nói ở trên, đối với những người tin vào Đấng Sáng Tạo thì Chúa là một tiên đề của Nhận thức luận. Bạn không thể chất vấn một tiên đề. Giống như bạn không thể chất vấn Tiên đề 5 của Euclid (Tiên đề đường song song). Hơn 2000 năm nỗ lực chứng minh Tiên đề 5 đã dẫn tới một kết luận mang tính cách mạng về nhận thức, rằng Tiên đề 5 quả thật là một tiên đề.

Giả sử có ai đó chất vấn Tiên đề 5: “Tại sao qua một điểm cho trước ở ngoài một đường thẳng cho trước chỉ có thể kẻ được một đường thẳng duy nhất song song với đường thẳng đã cho?”, thì tôi sẽ nói với người ấy rằng:

Hỏi như thế là vô lý, kém hiểu biết về logic, kém hiểu biết về triết học toán học, kém hiểu biết về lịch sử toán học. Từ thế kỷ 17, thần đồng toán học Blaise Pascal đã khẳng định rằng hình học tuy rất mạnh, nhưng rốt cuộc vẫn phải dựa trên niềm tin vào hệ tiên đề của nó. Tiên đề là cái không thể chứng minh, mà chỉ có thể thừa nhận bằng TRỰC GIÁC. Đến thế kỷ 20, Kurt Gödel đã chứng minh tư tưởng của Pascal bằng toán học không thể chối cãi.

Tương tự, nếu chất vấn Hawking “Tại sao không tồn tại một tập hợp nào có lực lượng lớn hơn tập tự nhiên và bé hơn tập số thực?” thì nhà bác học sẽ trả lời sao đây?

Đó là một chất vấn cực kỳ vô lý, vì Gödel và Cohen (một học trò của Gödel) đã chứng minh câu hỏi đó là một bài toán bất khả quyết định.

Nếu đã biết bài toán đó là bất khả quyết định mà còn cố tình đem ra hỏi người khác thì điều đó chỉ chứng tỏ rằng người hỏi là “cực kỳ vô lý”, nếu không phải là “xấu tính”.

Kết luận: Nếu Chúa (Đấng Sáng tạo) là một TIÊN ĐỀ của nhận thức luận khoa học thì câu hỏi “Ai tạo ra Chúa?” là một câu hỏi ngớ ngẩn, “cực kỳ vô lý”, kém hiểu biết về Định lý Gödel.

Chúng ta có thể thấy rõ hơn tính “cực kỳ vô lý” ấy nếu ta đem so sánh nó với những quan điểm của chính Hawking trong bài giảng tuyệt vời của ông năm 2002, nhan đề “Gödel & sự kết thúc của vật lý” (Gödel & The End of Physics).

Thật vậy, trong bài giảng này, Hawking đã thể hiện sự thấm nhuần Định lý Gödel đến mức cho rằng vật lý học không thể có một lý thuyết đầy đủ về vũ trụ. Nói cách khác, vật lý học sẽ không thể giải thích được nguồn gốc vũ trụ. Đây, Hawking nói:

Nhưng chúng ta không phải là thiên thần nhìn vũ trụ từ bên ngoài. Thay vào đó, cả chúng ta lẫn các mô hình của chúng ta đều là một bộ phận của vũ trụ mà chúng ta đang mô tả. Như vậy, một lý thuyết vật lý là một hệ tự quy chiếu, như trong định lý của Gödel. Do đó người ta có thể cho rằng nó hoặc không nhất quán hoặc không đầy đủ. Cho đến nay, các lý thuyết hiện có vừa không nhất quán vừa không đầy đủ[18].

1 (2)

Đó là một ý kiến xuất sắc. Logic của ý kiến nói trên hoàn toàn dựa trên Định lý Gödel. Thật vậy, theo Định lý Gödel, một hệ logic không thể hiểu đầy đủ về chính nó (A tự phán xét A sẽ là một hệ tự quy chiếu). Muốn hiểu một hệ logic đầy đủ hơn, phải đi ra ngoài hệ ấy. Thí dụ, muốn hiểu hình học đầy đủ hơn, phải dùng đến số học. Muốn hiểu toán học đầy đủ hơn phải đi ra ngoài toán học. Giáo sư Tạ Quang Bửu đã nói điều này một cách ngắn gọn, rằng “Cái đúng của toán học phải tìm ngoài toán học”.

Stephen Hawking cũng thấm nhuần ý nghĩa đó, nên ông cho rằng vật lý học không thể hiểu đầy đủ về vũ trụ: mọi lý thuyết vật lý luôn luôn nằm bên trong vũ trụ, và do đó nó là một hệ tự quy chiếu. Theo Định lý Gödel, mọi hệ tự quy chiếu đều dẫn tới mâu thuẫn hoặc không thể tự chứng. Đó là lý do vì sao các lý thuyết vật lý hiện nay vừa không nhất quán vừa không đầy đủ, như chính Hawking đã nói.

Nếu thế thì làm sao vật lý học có thể giải thích được nguồn gốc vũ trụ?

Rõ ràng việc cố giải thích nguồn gốc vũ trụ một cách tùy tiện của Hawking rằng vũ trụ có thể tự sinh ra nó từ hư không là chuyện thần tiên phi khoa học, phi logic, trái với những gì Hawking nói về Định lý Gödel, và trái với vũ trụ quan của chính Hawking khi còn trẻ. 

a3

Tóm lại, đối với câu hỏi về NGUỒN GỐC VŨ TRỤ, khoa học phải dừng lại, nhường chỗ cho triết học. Triết học có 2 câu trả lời:

Một, vũ trụ đã được thiết kế, và Nhà Thiết kế chính là Đấng Sáng tạo. Đây là câu trả lời của rất nhiều nhà khoa học giỏi nhất mọi thời đại như Nicolaus Copernicus (1473-1543), Galileo Galilei (1564-1642), René Descartes (1596-1650), Blaise Pascal (1623-1662), Isaac Newton (1643-1727), Louis Pasteur (1822-1895), Gregor Mendel (1822-1884), Lord Kelvin (1824-1907), Nicola Tesla (1856-1943), Max Planck (1858-1947), Albert Einstein (1879-1955), Werner Heisenberg (1901-1976), Kurt Gödel (1906-1978) … Đối với những nhà khoa học này, Đấng Sáng tạo là một TIÊN ĐỀ của khoa học, chứ không phải một định lý!

Hai, vũ trụ tự sinh ra nó từ hư không. Đây là câu trả lời của Stephen Hawking lúc cuối đời, mà những thảo luận ở trên cho thấy đây là một phát biểu “ngạo mạn và kiêu căng”, phi logic và phản lại chính Hawking lúc còn trẻ.

Chủ nghĩa tự nhiên không chấp nhận tiên đề về sự hiện hữu của Đấng Sáng tạo. Đó là quyền lựa chọn của họ. Mỗi người, tùy theo trình độ hiểu biết và trực giác của mình, có thể đồng ý hoặc không đồng ý với một tiên đề. Tuy nhiên, dù đồng ý hay không, bạn không thể chất vấn đòi giải thích một tiên đề. Đòi hỏi đó vượt quá phạm trù logic, và thể hiện sự thiếu hiểu biết về logic. Câu hỏi “Ai tạo ra Chúa?” chính là một câu hỏi chất vấn một tiên đề, vì thế nó là một câu hỏi “cực kỳ vô lý”, thể hiện sự thiếu hiểu biết về các quy tắc logic.

Ngoài điểm khởi đầu của vũ trụ, khoa học hiện đại còn cung cấp thêm một bằng chứng khác, không thể chối cãi được, đó là Mã DNA – thông tin của sự sống.

Theo Lý thuyết Thông tin, mọi thông tin đều bắt nguồn từ một trí tuệ thông minh. Vậy ắt phải có Nhà Lập trình của Sự Sống. Nhà lập trình ấy chính là Đấng Sáng tạo. Có lẽ không ai dám đặt câu hỏi “Ai tạo ra Nhà Lập Trình của Sự Sống?”, bởi nhận thức duy lý buộc phải dừng lại ở MÃ DNA. Khoa học chắc chắn không bao giờ giải thích được nguồn gốc vật chất của Mã DNA, vì mã DNA là một thông tin, và thông tin không bao giờ đẻ ra từ vật chất. Thông tin chỉ có thể xuất phát từ một trí tuệ thông minh.

Kết luận: Câu hỏi “Ai tạo ra Chúa?” của Stephen Hawking là một câu hỏi vô nghĩa, tương tự như tuyên bố của ông về vũ trụ tự phát. Đó là lý do John Lennox phải thốt lên lời thất vọng:

Vô nghĩa vẫn là vô nghĩa, ngay cả khi chúng được nói ra bởi các nhà khoa học nổi tiếng thế giới”.

4

DJP, Sydney 26/05/2021


[1] It is reasonable to ask who or what created the universe, but if the answer is God, then the question has merely been deflected to that of who created God https://quotefancy.com/quote/909847/Stephen-Hawking-It-is-reasonable-to-ask-who-or-what-created-the-universe-but-if-the  / https://www.azquotes.com/quote/1267071#

[2] https://viethungpham.com/2016/09/19/who-created-the-creator-ai-tao-ra-dang-sang-tao/

[3] https://viethungpham.com/2019/02/19/ask-again-who-created-god-lai-hoi-ai-tao-ra-chua/

[4] https://viethungpham.com/2021/02/20/the-limit-of-logic-han-che-cua-logic/

[5] The universe and the laws of physics seem to have been specifically designed for us.  If any one of about 40 physical qualities had more than slightly different values, life as we know it could not exist: Either atoms would not be stable, or the wouldn’t combine into molecules, or the stars wouldn’t form the heavier elements, or the universe would collapse before life could develop, and so on… https://www.quotetab.com/quote/by-stephen-hawking/the-universe-and-the-laws-of-physics-seem-to-have-been-specifically-designed-for?source=law / https://www.inspiringquotes.us/author/1090-stephen-hawking/about-evolution / https://www.pinterest.com.au/pin/608056387163775625/

[6] The overwhelming impression is one of order. The more we discover about the universe, the more we find that it is governed by rational laws. You still have the question: why does the universe bother to exist? If you like, you can define God to be the answer to that question http://hyperphysics.phy-astr.gsu.edu/Nave-html/Faithpathh/hawking.html

[7] The remarkable fact is that the values of these numbers (i.e. the constants of physics) seem to have been very finely adjusted to make possible the development of life … For example, if the electric charge of the electron had been only slightly different, stars would have been unable to burn hydrogen and helium, or else they would not have exploded… It seems clear that there are relatively few ranges of values for the numbers (for the constants) that would allow for development of any form of intelligent life https://www.theguardian.com/commentisfree/andrewbrown/2009/jan/08/religion-atheism-longley-advertising

[8] Wikipedia > Talk:Stephen Hawking/Archive 3 > Verdict on God? In the hot big bang model there was not enough time in the early universe for heat to have flowed from one region to another. This means that the initial state of the universe would have to have had exactly the same temperature everywhere to account for the fact that the microwave background has the same temperature in every direction we look. Moreover, the initial rate of expansion would have had to be to be chosen very precisely for the rate of expansion still to be close to the critical rate needed to avoid collapse. It would be very difficult to explain why the universe should have begun in this way, except as the act of a God who intended to create beings like us https://en.wikipedia.org/wiki/Talk%3AStephen_Hawking%2FArchive_3

[9] https://www.hawking.org.uk/in-words/lectures/the-beginning-of-time

[10] Định lý Gödel, Nền tảng của Khoa học Nhận thức Hiện đại, của Phạm Việt Hưng, NXB Tri Thức 2019, trang 147.

[11] It is difficult to discuss the beginning of the universe without mentioning the concept of God. My work on the origin of the universe is on the borderline between science and religion, but I try to stay on the scientific side of the border. It is quite possible that God acts in ways that cannot be described by scientific laws. http://hyperphysics.phy-astr.gsu.edu/Nave-html/Faithpathh/hawking.html

[12] Dẫn theo cuốn “Stephen Hawking & God” của John Lennox,

[13] https://physics.stackexchange.com/questions/13013/stephen-hawking-says-universe-can-create-itself-from-nothing-but-how-exactly

[14] https://www.theguardian.com/commentisfree/belief/poll/2010/sep/02/religion-hawking

[15] Stephen Hawking and God > What this all goes to show is that nonsense remains nonsense, even when talked by world-famous scientists. What serves to obscure the illogicality of such statements is the fact that they are made by scientists; and the general public, not surprisingly, assumes that they are statements of science and takes them on authority. That is why it is important to point out that they are not statements of science, and any statement, whether made by a scientist or not, should be open to logical analysis. Immense prestige and authority does not compensate for faulty logic https://www.goodreads.com/work/quotes/15282665-god-and-stephen-hawking-whose-design-is-it-anyway#:~:text=%E2%80%9CWhat%20this%20all%20goes%20to,talked%20by%20world%2Dfamous%20scientists.&text=That%20is%20why%20it%20is,be%20open%20to%20logical%20analysis.

[16] Định lý Gödel, Nền tảng của Khoa học Nhận thức Hiện đại, Phạm Việt Hưng, NXB tri Thức 2019, trang 130.

[17] If it were true [that there are mathematical problems undecidable by the human mind] it would mean that human reason is utterly irrational in asking questions it cannot answer, while asserting emphatically that only reason can answer them http://kevincarmody.com/math/goedel.html

[18] But we are not angels, who view the universe from the outside. Instead, we and our models, are both part of the universe we are describing. Thus a physical theory, is self referencing, like in Gödel’s theorem. One might therefore expect it to be either inconsistent, or incomplete. The theories we have so far, are ~both inconsistent, and incomplete. http://yclept.ucdavis.edu/course/215c.S17/TEX/GodelAndEndOfPhysics.pdf  > Định lý Gödel, Nền tảng của Khoa học Nhận thức Hiện đại, Phạm Việt Hưng, NXB Tri Thức 2019, trang 130

10 thoughts on “Hawking: Who Created God? Hawking: Ai tạo ra Chúa?

  1. Câu hỏi “Ai tạo ra Chúa” là câu hỏi của những người không có được trực giác để cảm nhận cái đẹp, cái kỳ diệu đang hiện hữu trong thế giới này. Người nào đặt ra câu hỏi này cứ tưởng mình là khôn lắm, nhưng thực ra chẳng hiểu gì cả. Bạn hãy suy nghĩ trầm tư một chút để hiểu ra rằng xung quanh ta có rất nhiều thứ chúng ta không trông thấy mà ta vẫn tin. Ví dụ như bạn có thể không nhìn thấy cụ nội của bạn bao giờ, nhưng bạn nghe bố bạn kể: Cụ nội đã sinh ra ông nội bạn, rồi sau đó ông nội sinh ra bố bạn, bố bạn sinh ra bạn. Vậy có bao giờ bạn hỏi: “Ai sinh ra ông nội bạn hay không?” Có nghĩa là bạn không nhìn thấy mà vẫn tin đó là sự thật. Chúa cũng như vậy. Người hiện hữu ở khắp mọi nơi, nếu bạn chịu quan sát bạn sẽ thấy. Chúa làm những phép lạ phi thường, màu nhiệm, thiêng liêng, cao cả, chỉ có trái tim biết rung động trước tình yêu thương bao la do Chúa ban tặng cho loài người thì mới cảm nhận được Người, hay những người có trực giác tốt mới nhận ra Người mà thôi. Vì thế mà Einstein đã thốt lên một câu bất hủ: “Trực giác là món quà tặng của Chúa”, hay như một câu Kinh Thánh đã viết: “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Tóm lại, Chúa cũng giống như tiên đề trong toán học, chúng ta chỉ có thể công nhận là có, chứ không thể chứng minh được. Nếu bạn có phúc thì bạn sẽ cảm nhận được Chúa, còn không thì chấp nhận đừng có hỏi những câu tưởng là thông minh mà lại vô nghĩa.
    Cảm ơn tác giả đã viết một bài viết vô cùng công phu, uyên thâm, rõ ràng khúc triết, rành mạch và sâu sắc, cho thấy những nhà khoa học nổi tiếng không phải lúc nào cũng đúng, trong nhiều trường hợp họ cũng sai, họ cũng nói ra những điều tầm thường. Vì thế ông Giáo sư John Lennox mới phải nhắc nhở “Vô nghĩa vẫn là vô nghĩa, ngay cả khi chúng được nói ra bởi các nhà khoa học nổi tiếng thế giới”. Câu nói này rõ ràng là để dành cho những người quen sùng bái danh tiếng, nghe thấy tên tuổi Hawking là run sợ coi ông ta là thần tượng nói gì cũng đúng.
    Thú thật tôi cũng không hiểu nổi tại sao ông Hawking thời trẻ thì ra sức chứng minh vũ trụ hài hòa thể hiện nguyên lý vị nhân (tức là phải có Chúa) mà cuối đời lại nói ra những lời phản lại chính mình, những lời tùy tiện phản khoa học đến mức trẻ con cũng nhận thấy chứ đừng nói những người có kiến thức như Giáo sư John Lennox.
    Một lần nữa cảm ơn tác giả đã viết một bài viết rất công phu và bổ ích!
    Thiên Minh

    Thích

  2. Bình luận.

    1) Đây là một bài viết có tính chất triệt để về nhận thức luận dựa trên nền tảng là Định lý Bất toàn của Kurt Godel.

    2) Tiên đề là một mệnh đề cơ bản được rút ra/ hình thành từ trực giác, từ niềm tin, từ trải nghiệm….
    Nó là điểm bắt đầu, nó không thể là hệ quả logic (cái thứ logic do đầu óc của con người nghĩ ra) của một mệnh đề khác. Nó cũng không thể chứng minh bằng cái thứ logic đó.

    3) Trong khoa học tự nhiên thì Vật lý học, Toán học… phát triển được cũng là nhờ xuất phát từ những Tiện đề/ Hệ tiên đề. Thí dụ:

    + Nếu xuất phát từ tiên đề số 5 của Hình học phẳng Euclid (cùng một số tiên đề khác): “qua một điểm ở ngoài một đường thẳng có một và chỉ một đường thẳng song song với đường thẳng đó” thì chúng ta có một thứ gọi là “Hình học Euclid”. Trực giác và thị giác của con người củng cố niềm tin vào tiên đề này.

    + Nếu xuất phát từ tiên đề (cùng một số tiên đề liên quan khác): “qua một điểm ở ngoài một đường thẳng không có (hoặc có vô số) đường thẳng song song với đường thẳng đã cho” thì chúng ta sẽ có 2 thứ “Hình học phi – Euclid”. Những cố gắng chứng minh định đề số 5 của Euclid không phải là một tiên đề của một số nhà toán học đã dẫn đến những hình học phi – Euclid này.

    + Thuyết tương đối hẹp của Einstein cũng dựa trên một tiên đề cơ bản: Vận tốc ánh sáng là giới hạn trên của mọi vận tốc và nó không thay đổi với mọi hệ quy chiếu.

    + Phương trình trường (Phương trình của Chúa) là một tiên đề cơ bản của Thuyết tương đối rộng của Einstein. Phương trình này cũng đã từng bị Einstein sửa đi sửa lại nhiều lần.

    + Phương trình Hàm sóng, Nguyên lý Bất định là những tiên đề cơ bản của Cơ học lượng tử.
    v.v…

    4) Trong lĩnh vực khoa học xã hội, tôn giáo, tâm linh…các học thuyết, hệ tư tưởng… cũng được phát triển trên các Hệ tiên đề khác nhau. Thí dụ:

    + Những tôn giáo độc thần dựa trên một tiên đề cơ bản: Tồn tại một Thượng đế/ Đấng sáng tạo/ Đức Chúa trời/…chi phối sự hình thành vũ trụ và sự sống muôn loài. Nguyên lý vị nhân chính là một phát biểu tương đương với tiên đề này.

    + Những tôn giáo vô thần thì phủ định tiên đề nói trên và coi vũ trụ cũng như sự sống, con người được hình thành một cách ngẫu nhiên. Học thuyết tiến hóa của Darwin là một thí dụ tốt cho tôn giáo vô thần.
    v.v…

    5) Đã là TIÊN ĐỀ thì chúng ta không thể đặt câu hỏi: Tại sao lại có tiên đề đó ?
    Thí dụ: Mệnh đề tương đương với câu hỏi đó của tư duy vô thần sẽ là: Tại sao Chúa lại tồn tại ? Ai tạo ra Đấng sáng tạo/ Đức chúa trời ? v.v…

    Do đó từ nay trở đi những câu hỏi như vậy cần được chấm dứt vì nó đã được giải quyết triệt để dưới ánh sáng của Định lý Bất toàn của Kurt Godel.

    Việc tin vào Hệ tiên đề nào là tùy thuộc vào niềm tin, trải nghiệm và ý chí của mỗi người.

    6) Thực tiễn đúng là thước đo chân lý.
    Nếu một hiện tượng (dù chỉ là một) đã xảy ra trong thực tế thì chúng ta phải công nhận và nghiêm túc nghiên cứu/ tìm hiểu học thuyết đứng đằng sau nó.

    Thích

  3. Cháu kính chào Chú ạ!

    Hôm nay, khi cháu cố tình tìm lại để lưu các bài viết “quan trọng” trên trang tin tức của DKN News, cháu vô tình thấy nội dung hội thảo “Triết học trong cuộc sống dưới góc nhìn của Toán học & Sinh học” được tổ chức vào ngày 28/02/2020 tại TP.HCM.

    Cháu ước gì có được cơ hội có mặt tại các buổi hội thảo như vậy, để giúp cháu được dần dần khai thông những chất vấn mơ hồ trong cháu suốt bao lâu nay ạ.

    Và đặc biệt có một điều cháu tin là: Khi trực tiếp ở hội thảo, cháu sẽ được “hưởng ké” nguồn năng lượng “khai thông tiềm thức” toát ra từ Chú ạ.

    Cháu kính chúc Chú mạnh khoẻ và dìu dắt thế hệ con cháu tìm lại đúng con đường tu tập của trí huệ ạ!

    Con xin cám ơn Chú ạ!
    Thu Thảo

    Thích

      • Kính chào Chú ạ,

        Dạ. Con cám ơn Chú ạ.

        Con xin gởi email với một mong muốn về 3 điểu đã xảy đến với con từ bé thơ tới giờ. Con không muốn làm phiền Chú. Con chỉ hy vọng rằng… biết đâu được Chú đã biết về chúng, và khi nào thuận tiện, Chú sẽ giúp con hiểu được ạ.

        Con mong càng nhiều các bạn thế hệ 8X tụi con sẽ được khai sáng thông qua các bài viết của Chú ạ.

        Kính chúc Chú mạnh khoẻ ạ!

        Con Thu Thảo.

        Thích

  4. bài viết rất hay và sâu sắc, GS Hưng đã có nhiều năm nghiên cứu tổng hợp về vấn đề này, cảm ơn GS đã có những bài viết như thế này mang đến cho công chúng cách nhìn toàn diện , khách quan về vũ trụ .

    Thích

  5. Bình luận

    Những chuyện tếu/ bông phèng nhưng…rất nghiêm chỉnh:

    1) Ở người, bán cầu não trái thiên về logic, phân tích, toán học, ngôn ngữ, chữ viết…
    Bán cầu não phải thiên về cảm xúc, hình ảnh, âm thanh, tưởng tượng, sáng tạo, thơ ca- âm nhạc – nghệ thuật, các vấn đề phi logic….
    Hai bán cầu não này hoạt động không hoàn toàn độc lập mà liên quan/ tương tác với nhau

    Nói chung: Phụ nữ nổi trội về hoạt động của bán cầu não phải.
    Cánh mày râu lại có thế mạnh về bán cầu não trái.

    Do đó mới có câu: phụ nữ yêu bằng “tai” (thích các lời tán tỉnh ngon ngọt, không thực tế…). Đàn ông yêu qua “dạ dày” (thích phân tích, tư duy logic bằng cái đầu “lạnh”, rất thực dụng…).

    2) Tạo hóa (Creator) đã làm một cái việc thông minh ngoài sức tưởng tượng của con người:
    chúng ta ngơ ngác ra đời với một bộ não có hai bán cầu, có đầu, thân mình, tứ chi, lục phủ ngũ tạng…để có được một cuộc sống khỏe mạnh về thể chất, có ý thức, có trí tuệ để…tham, sân và si: tham lam đủ thứ, luôn sân hận thù hằn và vô minh (!).

    3) Định lý bất toàn của Kurt Godel cho thấy: hầu như (nếu không muốn nói là tất cả) các Hệ logic (theo nghĩa logic do con người nghĩ ra) đều “không đầy đủ” và “có chứa chấp mâu thuẫn nội tại”. Để tạo điều kiện cho con người thích ứng tốt với hoàn cảnh Tạo hóa đã trang bị cho chúng ta một bộ não với hai bán cầu để giúp chúng ta có được một thứ tư duy vừa logic vừa… phi logic.
    Nghe nói Ngài còn cho chúng ta một món quà đặc biệt đó là “Tuyến Tùng” (Quả Tùng) nằm sâu trong não để phụ trách các vấn đề về ngoại cảm, tâm linh…

    4) Bạn nghĩ thế nào ? Hãy nhìn vào chính mình và xung quanh để có thể khẳng định sự sống, con người, hệ sinh thái trái đất… là kết quả của một sự tiến hóa ngẫu nhiên từ các thứ vật chất vô cơ được không ?

    5) Con người thông minh biết lúc nào thì tư duy logic, lúc nào thì tư duy phi logic.

    Thích

  6. Pingback: Một lý thuyết dựa trên may rủi - Nghệ An news

Bình luận về bài viết này