The Impossibility of Abiogenesis / Tính bất khả thi của thuyết phi tạo sinh

If you want to know the truth of abiogenesis, don’t miss the “Compilation of Quotes on the Complexity of a Cell & the Scientific Mystery of Life’s Origin” by Ashby Camp. In reading this, you will understand why abiogenesis until today remains just a superstition of naturalism, instead of a truly scientific theory based on real facts.

Nếu bạn muốn biết sự thật của thuyết phi tạo sinh, chớ nên bỏ lỡ “Tài liệu sưu tập các trích dẫn về tính phức tạp của tế bào & bí ẩn khoa học về nguồn gốc sự sống” của Ashby Camp. Đọc tài liệu này chúng ta sẽ hiểu vì sao thuyết phi tạo sinh đến nay vẫn chỉ là một sự mê tín của chủ nghĩa tự nhiên, thay vì một lý thuyết khoa học đích thực dựa trên thực tế.

Tư tưởng cơ bản của “Thuyết phi tạo sinh” (Abiogenesis), tức lý thuyết về nguồn gốc sự sống của thuyết tiến hoá, là ở niềm tin cho rằng sự sống đầu tiên đã ra đời một cách tình cờ và ngẫu nhiên tự vật chất không sống. Đó cũng chính là niềm tin của “học thuyết sự sống hình thành tự phát” (spontaneous generation) đã có từ thời cổ Hy Lạp với ông tổ là Aristotle, nhưng đã bị đập tan bởi “Thuyết tạo sinh” (Biogenesis) do Louis Pasteur nêu lên từ giữa thế kỷ 19, sau thí nghiệm “Bình cổ cong thiên nga” (Swan Neck Flask Experiment) nổi tiếng.

Thuyết tạo sinh dựa trên định luật cơ bản nói rằng “Sự sống chỉ ra đời từ sự sống” (Omne vivum ex vivo / All life is from life). Định luật này đã trở thành nền tảng của khoa học tế bào khi nó được phát biểu dưới dạng cụ thể hơn mà mọi sinh viên y khoa phải thuộc lòng: “Tế bào chỉ ra đời từ tế bào” (Omnis cellula e cellula / all cells are from cells).

Nhưng Charles Darwin, sau khi xuất bản cuốn “Về nguồn gốc các loài” (On the Origin of Species) năm 1859), bị thôi thúc phải chứng minh sự xuất hiện mắt xích đầu tiên của chuỗi tiến hoá, bèn sáng tác ra câu chuyện hoang đường về “cái ao ấm áp” (a warm pond), nơi có những điều kiện khí quyển và môi trường đặc biệt để sự sống đầu tiên ra đời một cách tình cờ nhờ sự kết hợp ngẫu nhiên của các vật chất vô sinh, thông qua các phản ứng hoá học.

Thực chất, Darwin đã làm sống lại học thuyết sự sống hình thành tự phát dưới một phiên bản mới, có nghĩa là chống lại thuyết tạo sinh, một lý thuyết khoa học đã được thế giới thừa nhận và đã được ứng dụng trong y khoa.

Tại sao một học thuyết phi khoa học như thế lại được ủng hộ? Ấy là vì nó đánh trúng vào thị hiếu đương thời – thị hiếu của chủ nghĩa tự nhiên (naturalism). Chủ nghĩa này cho rằng toàn bộ vũ trụ là vật chất và chỉ có vật chất, do đó mọi hiện tượng trong vũ trụ đều có thể giải thích được bằng các tương tác vật chất, không cần đến sự hỗ trợ của bất cứ một lực lượng siêu nhiên thần thành nào cả. Về mặt lịch sử, chủ nghĩa tự nhiên là con đẻ của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật diễn ra từ thế kỷ 17 qua thế kỷ 18 tới thế kỷ 19. Thắng lợi huy hoàng của những khám phá khoa học trong mấy thế kỷ này làm cho con người tin chắc rằng mọi bí mật của thế giới trước sau sẽ được khám phá, khoa học có thể giải thích được mọi hiện tượng thông qua các tương tác vật chất, vấn đề chỉ là thời gian. Đó là bối cảnh xã hội làm cho giả thuyết về “cái ao ấm áp” của Darwin được thổi phồng lên như một “lý thuyết khoa học”, mệnh danh là “Thuyết Phi Tạo sinh” (Abiogenesis), bất chấp nó hoàn toàn vô bằng chứng. 

Nhưng “cái gì của Ceasar phải trả lại cho Ceasar”! Sự thật phải trả về sự thật! Dưới ánh sáng của khoa học hiện đại, đặc biệt của việc khám phá ra mã DNA, thuyết phi tạo sinh đã và đang ngày càng lộ rõ bản chất của nó là một giả thuyết phi hiện thực và bất khả thi. Tài liệu sau đây sẽ cho chúng ta thấy rõ điều đó:

COMPILATION OF QUOTES ON THE COMPLEXITY OF A CELL AND THE SCIENTIFIC MYSTERY OF LIFE’S ORIGIN (TÀI LIỆU SƯU TẬP CÁC TRÍCH DẪN VỀ SỰ PHỨC TẠP CỦA TẾ BÀO VÀ BÍ MẬT KHOA HỌC CỦA NGUỒN GỐC SỰ SỐNG) của Ashby L. Camp

Đây là một tài liệu rất quý, vì nó cho chúng ta biết các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới nghĩ gì và nói gì về bản chất vô cùng phức tạp của sự sống và bản chất phi hiện thực và bất khả thi của thuyết phi tạo sinh. Ý kiến mỗi người một vẻ, nhưng đều biểu lộ 2 quan điểm lớn sau đây:

Một, mọi cơ cấu có thiết kế tinh vi phức tạp không thể là kết quả của một quá trình mù quáng và ngẫu nhiên. Sự sống bao gồm những cơ cấu quá tinh vi và phức tạp – tinh vi và phức tạp hơn tất cả những gì con người có thể chế tạo ra hoặc hình dung ra. Do đó sự sống không thể ra đời một cách tình cờ và ngẫu nhiên từ vật chất không sống, như thuyết phi tạo sinh tuyên bố, mà phải là kết quả của một chương trình thiết kế có mục đích. Cụ thể, mọi cơ cấu phức tạp của sự sống ắt phải là kết quả của những chương trình kiến tạo sự sống đã có sẵn, trước khi sự sống ra đời, giống như chương trình chế tạo máy bay Boeing phải có sẵn trước khi chiếc máy bay Boeing ra đời!

Hai, mã DNA là chương trình kiến tạo sự sống, đóng vai trò quyết định trong việc hình thành sự sống, chứ không phải các phản ứng hoá học. Nếu không có mã DNA, sự sống sẽ không thể hình thành, bất kể có bao nhiêu phản ứng hoá học xảy ra và bất kể thời gian kéo dài bao lâu, dù là vài tỷ năm hay vài chục tỷ năm chăng nữa. Không có mã DNA thì mọi tương tác vật chất đều bất lực trong việc tạo ra sự sống, đây là một sự thật không thể chối cãi. Theo Lý thuyết Thông tin, mọi thông tin đều có nguồn trí tuệ thông minh. Vậy chìa khoá mở cánh cửa bí mật của sự sống là thông tin chứ không phải vật chất. Vật chất chỉ là các viên gạch của toà lâu đài sự sống. Các viên gạch ấy được tập hợp lại để kiến tạo nên toà lâu đài của sự sống nhờ những mệnh lệnh ban ra từ chương trình của sự sống, tức mã DNA. Vì thế, thuyết phi tạo sinh chắc chắn thất bại, và thực tế là nó ĐÃ THẤT BẠI, vì nó không bao giờ có thể tạo ra mã DNA từ các phản ứng hoá học, như nó mong muốn.    

Sau đây là ý kiến của các nhà khoa học.

1/ Carl Sagan, Giáo sư thiên văn học tại Đại học Cornell, Mỹ

Carl Sagan là người từng đoạt những giải thưởng lớn về sách phổ biến khoa học. Trong mục từ “Life” (Sự Sống) trên Bách khoa toàn thư Encyclopaedia Britannica: Macropaedia, xuất bản lần thứ 15, năm 1974 tại Chicago, trang 893-894, ông viết:

“Một tế bào sống là một kỳ công kiến trúc tinh vi và phức tạp. Nhìn qua kính hiển vi có thể thấy một sự hoạt động gần như điên cuồng. Ở một cấp độ sâu hơn, người ta biết rằng các phân tử đang được tổng hợp với tốc độ rất lớn… Thông tin chứa đựng trong một tế bào đơn giản ước tính khoảng 1012 bits, tương đương với khoảng một trăm triệu trang bách khoa toàn thư Britannica”.

BÌNH LUẬN:

Darwin từng nghĩ tế bào là một giọt nguyên sinh chất đơn giản. Vì thế ông mới dám sáng tác ra câu chuyện “cái ao ấm áp”, trong đó tế bào đầu tiên hình thành ngẫu nhiên từ sự kết hợp của các phân tử vô sinh. Nếu ông biết tế bào là một cơ cấu phức tạp khổng lồ như Carl Sagan mô tả thì chắc chắn ông không dám nghĩ rằng sự sống có thể ra đời ngẫu nhiên trong “cái ao ấm áp” của ông. Darwin không đáng trách, vì ông sống trong thế kỷ 19. Nhưng trong thời đại ngày nay, khi sự thật đã bày ra trước mắt, mà nhiều người vẫn còn tin vào câu chuyện hoang đường về “cái ao ấm áp” của Darwin thì thật là ấu trĩ và mê tín hết chỗ nói. Tất nhiên những người này sẽ biện bạch rằng không, “cái ao ấm áp” của Darwin đã được bổ sung thêm rất nhiều chi tiết mới, bắt kịp với những tiến bộ khoa học của thời đại, chứ không còn đơn giản như “cái ao” của Darwin nữa, chẳng hạn như lý thuyết “nồi súp tiền sinh thái” (pre-biotic soup), “tiến hoá hoá học” (chemical evolution), “giả thuyết RNA”, v.v. và v.v. Xin thưa, từ “cái ao” của Darwin cho đến “giả thuyết RNA”, tất cả đều chỉ là phỏng đoán, hoàn toàn vô bằng chứng, và tư tưởng cơ bản vẫn không hề thay đổi – đó là NIỀM TIN MÊ TÍN rằng sự sống có thể ra đời ngẫu nhiên từ cái không sống, tức là tin rằng KHÔNG có thể biến thành CÓ.

Chắc chắn những người mê tín đó không hiểu gì về khái niệm thông tin, và hiểu gì về vai trò của thông tin trong sự hình thành và duy trì sự sống. 

Khái niệm thông tin ra đời trong thế kỷ 20 là một trong những cuộc cách mạng vĩ đại nhất về nhận thức tự nhiên. Điều kỳ lạ là gần như vào cùng một thời điểm, cả toán học, lẫn vật lý và sinh học đều có những khám phá dẫn tới khái niệm thông tin.

Trong sinh học, vấn đề thông tin của sự sống bắt nguồn từ những khám phá về DNA. Khám phá này lại bắt nguồn từ tư tưởng về sự tồn tại của những đơn vị di truyền, được gợi mở từ các Định luật Mendel về di truyền. Vì thế, Gregor Mendel xứng đáng được coi là Ông tổ đặt nền móng cho các lý thuyết về thông tin sinh học sau này. Nhận định này cho thấy công lao của Mendel vượt trội so với Darwin. Darwin không những không có đóng góp gì cho kiến thức về di truyền, mà còn là người truyền bá những tư tưởng sai lầm về di truyền. Cụ thể, ông là người tiếp thu và áp dụng tư tưởng di truyền sai lầm của Lamarck. Nhắc lại điều này để nhấn mạnh rằng mô hình sinh học của Darwin là mô hình vật chất thuần tuý, đến nay đã quá lỗi thời, và thậm chí sai lầm, vì quan niệm vật chất thuần tuý dẫn tới niềm tin cho rằng tương tác vật chất thuần tuý có thể ngẫu nhiên tạo ra sự sống. Dưới ánh sáng của khoa học ngày nay, quan điểm ấy là PHI KHOA HỌC, vì nhất thiết phải có thông tin hướng dẫn thì sự sống mới hình thành. Như Carl Sagan mô tả, lượng thông tin chứa đựng trong một tế bào là một con số khổng lồ đến mức không thể tưởng tượng nổi. Đã là thông tin thì nó ắt phải có ý nghĩa và mục đích rõ ràng – đó là những mệnh lệnh để kiến tạo và duy trì sự sống. Viết được một trang của bách khoa toàn thư Britannica đòi hỏi một cái đầu bác học. Vậy cái đầu bác học nào có thể viết ra một trăm triệu trang bách khoa toàn thư để tạo ra một tế bào?

2/ Paul Davies, Giáo sư vật lý lý thuyết tại Đại học Tiểu bang Arizona, Mỹ

Paul Davies là một nhà vật lý lý thuyết người Anh, tác giả của nhiều sách phổ biến khoa học nổi tiếng, và là giáo sư nhiều đại học lớn ở Mỹ, Anh, Úc như Đại học Cambridge, Đại học College London, Đại học Adelaide,… Trong nhiều cuốn sách khác nhau, ông nêu lên những câu hỏi lớn rất khó trả lời hoặc dường như không thể trả lời về vấn đề nguồn gốc sự sống.

2.1. Đâu là nguồn gốc của thông tin của sự sống?

Trong một công trình mang tên “The origin of life II: How did it begin?” (Nguồn gốc sự sống II: Nó bắt đầu thế nào?), đăng trên tạp chí Science Progress 2001, trang 17, ông viết:

“Sự sống không chỉ là những phản ứng hóa học phức tạp. Tế bào còn là một hệ thống lưu trữ, xử lý và sao chép thông tin. Chúng ta cần giải thích nguồn gốc của thông tin này và cách thức trong đó cơ cấu xử lý thông tin bắt đầu xuất hiện”.

BÌNH LUẬN:

Rõ ràng Paul Davies muốn nhấn mạnh 2 điều:

– Tế bào không chỉ là một cỗ máy vật chất, mà còn là một cỗ máy thông tin, giống như computer không chỉ bao gồm phần cứng, mà còn có phần mềm. Computer không thể tự tạo ra thông tin. Thông tin trong computer đến từ một nguồn trí tuệ thông minh bên ngoài computer. Tương tự, các phản ứng hoá học, tức là các tương tác vật chất thuần tuý, không thể tạo ra thông tin.

– Vì thông tin của sự sống quyết định sự hình thành sự sống, nên bài toán tìm nguồn gốc sự sống quy về bài toán tìm nguồn gốc của thông tin của sự sống, tức là nguồn mã DNA. Đây là bài toán thách thức quá lớn đối với thuyết tiến hoá. Một giải thưởng trị giá 5 triệu USD mang tên Evolution 2.0 sẽ được trao cho ai tìm được câu trả lời. Liệu ai sẽ đoạt giải thưởng này? Tất nhiên, câu trả lời phải là khoa học chứ không phải thần học. Liệu có một câu trả lời khoa học cho câu hỏi đó không? Nhiều nhà khoa học và triết học xuất sắc đã gián tiếp trả lời rằng KHÔNG CÓ câu trả lời khoa học cho câu hỏi đó khi họ thừa nhận rằng mã DNA là bằng chứng của Chúa. Thí dụ: Francis Collins, giám đốc chương trình giải mã bộ gene người của Chính phủ Mỹ, đã gọi mã DNA là “Ngôn ngữ của Chúa”. Trong khi đó, nhà triết học nổi tiếng người Anh, Anthony Flew, vốn là một trong những lãnh tụ của triết học vô thần trong thế kỷ 20, đã thay đổi lập trường 180 độ khi tuyên bố “Mã DNA chứng tỏ ắt phải có một Trí tuệ Siêu Thông minh”. Ông bị các nhà tiến hoá coi là một kẻ phản bội. Tóm lại, đối với nhiều nhà khoa học và triết học, mã DNA đánh dấu giới hạn của khoa học, tương tự như điểm kỳ dị trong Lý thuyết Big Bang. Paul Davies gọi giới hạn đó là cái ngưỡng khởi đầu của sự sống.

2.2. Làm sao vượt qua ngưỡng khởi đầu của sự sống?

Trong cuốn “God and the New Physics” (Chúa và Vật lý học Mới), do Simon & Schuster xuất bản tại New York năm 1983, trang 68, ông viết:

“Vấn đề nguồn gốc của sự sống vẫn là một trong những bí ẩn khoa học vĩ đại. Câu hỏi hóc búa chủ yếu là bài toán về cái ngưỡng khởi đầu. Chỉ khi các phân tử hữu cơ đạt được mức độ phức tạp rất cao, chúng mới có thể được coi là ‘sống’, theo nghĩa là chúng mã hóa một lượng thông tin khổng lồ ở dạng ổn định và không chỉ thể hiện khả năng lưu trữ bản thiết kế để sao chép mà còn bao gồm các phương tiện để thực hiện việc sao chép đó. Vấn đề là phải hiểu được làm thế nào mà các quá trình vật lý và hóa học thông thường có thể vượt qua cái ngưỡng khởi đầu mà không cần sự giúp đỡ của một lực lượng siêu nhiên”.

BÌNH LUẬN:

Như độc giả đã thấy, Paul Davies chất vấn: “Làm thế nào mà các quá trình vật lý và hoá học có thể vượt qua cái ngưỡng khởi đầu mà không cần đến Chúa?”.

Ngay từ cuối thế kỷ 19, Lord Kelvin, người khám phá ra Định luật Entropy, từng là chủ tịch Hội Hoàng gia Anh (Viện hàn lâm khoa học Anh), đã khẳng định rằng các khoa học đông lực (vật lý, hoá học) không thể trả lời bí mật về sự khởi đầu của sự sống, tức là không thể vượt qua cái ngưỡng mà Paul Davies nói. Ngày nay, dưới ánh sáng của Định lý Bất toàn của Gödel, có thể nói Lord Kelvin là một nhà tiên tri. 

Thật vậy, theo Định lý Gödel, một hệ A không thể tự chứng minh hệ tiên đề của nó. Nói cách khác, một hệ A không thể tự chứng minh nguyên nhân đầu tiên của nó. Muốn chứng minh nguyên nhân đầu tiên của hệ A phải đi ra ngoài A. Giáo sư Tạ Quang Bửu lúc sinh thời đã từng diễn giải ý tưởng này một cách ngắn gọn súc tích: “Cái đúng của toán học phải tìm ngoài toán học”[1]. Tương tự, có thể khẳng định: nguyên nhân đầu tiên của sự sống phải tìm ngoài sự sống. Đó chính là tư tưởng của Francis Collins và Anthony Flew, rằng mã DNA là ngôn ngữ của Chúa, và Trí tuệ Siêu Thông minh là nguồn mã DNA.

2.3. Làm sao một cơ cấu cực kỳ phức tạp có thể hình thành tự phát?

Trong cuốn “Cosmic Blueprint: New Discoveries in Nature’s Creative Ability to Order the Universe” (Bản thiết kế vũ trụ: Những khám phá mới về khả năng sáng tạo của tự nhiên để xếp đặt vũ trụ), do PA: Templeton Foundation Press xuất bản tại West Conshohocken, 2004, trang 115, ông viết:

“Bài toán cốt yếu trong việc giải thích sự sống ra đời thế nào là ở chỗ ngay cả những sinh vật đơn giản nhất cũng phức tạp đến mức khó tin. Bộ máy sao chép sự sống dựa trên phân tử DNA, bản thân nó có cấu trúc phức tạp và được sắp xếp phức tạp như một dây chuyền lắp ráp xe hơi. Nếu sự sao chép đòi hỏi một cái ngưỡng phức tạp cao như vậy ngay từ đầu thì làm thế nào mà bất kỳ một hệ thống sao chép nào có thể tự phát sinh?”

BÌNH LUẬN:

Ngôn ngữ của Paul Davies thường nhẹ nhàng, mang tính gợi ý để cho người đọc tự suy ngẫm rồi tự tìm ra sự thật. Nhưng ngạn ngữ có câu: “Hỏi tức là đã trả lời”, vì thế câu hỏi của Davies thực ra có ý nghĩa là:

Sinh vật đơn giản nhất thực ra đã quá phức tạp để có thể tin rằng chúng hình thành một cách ngẫu nhiên từ vật chất vô sinh!

Vì thế, thuyết phi tạo sinh của thuyết tiến hoá chỉ là một một chuyện hoang đường, tưởng tượng vô căn cứ, bịa đặt, nguỵ khoa học mà thôi. Trong bối cảnh đám đông khăng khăng tin vào câu chuyện hoang đường đó, cãi chầy cãi cối bất chấp sự thật, ít nhà khoa học muốn tranh cãi va chạm với họ. Tuy nhiên không phải nhà khoa học nào cũng vậy. Có những nhà khoa học dám nói thẳng thừng, không úp mở, không sợ mất lòng, nói như vỗ vào mặt cái đám đông mê tín ấy. Chẳng hạn như Stewart Kauffman, nhà sinh học lý thuyết nổi tiếng của Đại học Pennsylvania.

3/ Stewart Kauffman, Giáo sư Đại học Pennsylvania, Mỹ

Stewart Kauffman là một nhà sinh học lý thuyết, bác sĩ y khoa, nhà nghiên cứu các hệ phức tạp, chuyện gia về nguồn gốc sự sống. Ông là Giáo sư Đại học Chicago, Đại học Pennsylvania, Đại học Calgary. Trong cuốn “At Home in the Universe” (Ở nhà trong vũ trụ), NXB Oxford University Press, New York, 1995, trang 31, ông nói gay gắt như mắng vào mặt những người đến hôm nay vẫn mê tín câu chuyện sự sống hình thành ngẫu nhiên:

“Bất cứ ai nói với bạn rằng anh ta hoặc chị ta biết sự sống bắt đầu như thế nào khoảng 3,4 tỷ năm trước thì đó là một kẻ ngu hoặc bất lương. Không ai biết điều đó cả”.

BÌNH LUẬN:

Những người đang rao giảng thuyết phi tạo sinh hay lý thuyết nguồn gốc sự sống của thuyết tiến hoá chính là những người đang tuyên bố với mọi người rằng anh ta hay chị ta biết sự sống bắt đầu như thế nào cách đây khoảng 3,4 tỷ năm. Nếu những rao giảng này là đúng, phù hợp với sự thật và thuyết phục về mặt khoa học thì làm sao Stewart Kauffman dám bảo họ là ngu hoặc bất lương? Chắc chắn Stewart Kauffman phải rất tự tin rằng mọi lý thuyết về nguồn gốc sự sống hiện nay đều chỉ là chuyện hoang đường bịa đặt thì ông mới dám nói quả quyết mạnh bạo như thế chứ. Đúng không? Vậy ai cảm thấy Stewart Kauffman xúc phạm đến mình thì hãy liên lạc với ông để tranh luận! Trước khi định tranh luận với ông, nên nhớ rằng còn nhiều nhà khoa học lỗi lạc và đáng kính khác cũng phủ nhận thuyết phi tạo sinh một cách thẳng thừng, dứt khoát. Thí dụ như Sir Fred Hoyle, nhà toán học và thiên văn học nổi tiếng người Anh.

4/ Sir Fred Hoyle, nhà toán học và thiên văn học nổi tiếng người Anh.

Trong cuốn “The Intelligent Universe” (Vũ trụ Thông minh), do Holt, Rinehart & Winston xuất bản tại New York, 1983, trang 23, Fred Hoyle khẳng định dứt khoát:

“Tóm lại, không có một bằng chứng khách quan nào chứng minh cho giả thuyết sự sống bắt đầu nẩy sinh trong một nồi súp hữu cơ nào trên trái đất”.

BÌNH LUẬN:

Fred Hoyle là một trong những nhà toán học đầu tiên sử dụng những computer mạnh nhất vào thời của ông để tính xác suất sự sống hình thành một cách ngẫu nhiên từ vật chất không sống. Kết quả cho thấy xác suất đó bằng P = (1/10)^40000. Ngay sau đó ông tuyên bố rằng mẫu số của phân số này đủ lớn để “chôn vùi Darwin cùng với toàn bộ thuyết tiến hoá của ông”. Tóm lại, Fred Hoyle, một nhà khoa học hàng đầu của Anh trong nửa sau thế kỷ 20, đã bác bỏ lý thuyết nguồn gốc sự sống của thuyết tiến hoá bởi 2 lý do cơ bản: 1/ xác suất toán học chỉ ra rằng hiện tượng sự sống hình thành tự phát là bất khả thi; 2/ không có bất cứ một bằng chứng thực tế nào ủng hộ thuyết phi tạo sinh. Rất tiếc là Fred Hoyle đã mất năm 2001. Nếu ông còn sống, tôi sẽ khuyên những vị hăng hái bênh vực Darwin nên liên lạc với ông để tranh luận.

5/ Gerald Kerkut, nhà thực vật học xuất sắc người Anh

Trong cuốn “Implications of Evolution” (Những ngụ ý của thuyết tiến hoá) do Pergamon Press xuất bản tại New Yorrk, 1960, trang 152, Gerald Kerkut nhận định:

“Giả định đầu tiên là những thứ không sống đã sinh ra vật chất sống. Đây vẫn chỉ là một giả định… Tuy nhiên, có rất ít thông tin ủng hộ thuyết phi tạo sinh và cho đến nay chúng tôi không có một dấu hiệu nào cho thấy điều đó có thể thực hiện được”.

BÌNH LUẬN:

Điều Gerald Kerkut nhấn mạnh là CHO ĐẾN HÔM NAY, giả định sự sống ra đời ngẫu nhiên từ vật chất không sống vẫn chỉ là một GIẢ ĐỊNH. Ông nói “có rất ít thông tin ủng hộ thuyết phi tạo sinh”, có lẽ là thiếu chính xác. Phải nói chính xác là TUYỆT ĐỐI KHÔNG CÓ một bằng chứng thực tế nào ủng hộ thuyết phi tạo sinh thì đúng hơn. Trong một trường hợp khác ông nói rõ rằng thuyết phi tạo sinh vẫn chỉ là một giả thuyết: “Có lý thuyết nói rằng các dạng sống trên thế giới đã nẩy sinh từ một nguồn duy nhất mà bản thân nó lại ra đời một dạng vô cơ. Lý thuyết này có thể được gọi là ‘lý thuyết đại cương về tiến hoá’ (general theory of evolution), và bằng chứng ủng hộ lý thuyết này không đủ mạnh để cho phép chúng ta coi nó như bất cứ một cái gì hơn một giả thuyết đang vận hành[2]. Câu nói dài dòng này là một cách diễn đạt thận trọng của một sự thật đơn giản là thuyết phi tạo sinh là một giả thuyết vô bằng chứng.

6/ Harold C. Urey, cha đẻ của thí nghiệm Urey-Miller  

Harold Urey là một trong những nhà hoá học xuất sắc nhất trong nửa đầu thế kỷ 20, từng đoạt Giải Nobel hoá học năm 1934, đặc biệt nổi tiếng như cha đẻ của thí nghiệm Urey-Miller năm 1953 – thí nghiệm tiên phong trong tham vọng chế tạo ra sự sống trong phòng thí nghiệm, nhằm chứng minh tính hiện thực của thuyết phi tạo sinh. Nhưng trên tạp chí Christian Science Monitor (Người hướng dẫn khoa học Thiên Chúa giáo), số ra ngày 01/01/1962, trang 4, ông đã nói sự thật về vấn đề nguồn gốc sự sống như sau:

“Tất cả chúng ta, những người nghiên cứu nguồn gốc sự sống, đều nhận thấy rằng chúng ta càng nghiên cứu càng cảm thấy sự sống quá phức tạp để có thể đã ra đời ở bất cứ nơi nào. Tất cả chúng ta đều tin như một điều khoản về đức tin rằng sự sống nẩy sinh từ vật chất chết trên hành tinh này. Đúng ra là sự sống quá phức tạp, thật khó để hình dung rằng điều đó đã xảy ra”

BÌNH LUẬN:

Vậy là cha đẻ của thí nghiệm nổi tiếng nhất về nguồn gốc sự sống đã nói rất rõ sự thật, rằng sự sống quá phức tạp, do đó nó không thể ra đời một cách tình cờ và ngẫu nhiên từ vật chất không sống. Tư tưởng của thuyết phi tạo sinh xuất phát từ sự ngây thơ ấu trĩ của các nhà khoa học theo chủ nghĩa tự nhiên (naturalism) trong thế kỷ 19 – ý nghĩ cho rằng tế bào chỉ là một giọt nguyên sinh chất đơn giản – đến nay đã lộ nguyên hình là một NIỀM TIN, chứ không phải khoa học. Kể cả Stanley Miller, người trực tiếp tiến hành thí nghiệm Urey-Miller dưới sự chỉ đạo của Harold Urey, khoảng 40 năm sau cũng thú nhận trên tạp chí Scientific American rằng “Vấn đề nguồn gốc sự sống khó hơn là tôi và hầu hết những người khác dự kiến”[3]. Ngày nay chúng ta đã biết rõ 2 lý do cơ bản để các thí nghiệm về nguồn gốc sự sống thất bại là:

Một, các phân tử hữu cơ do con người chế tạo ra trong phòng thí nghiệm không tuân thủ Định luật Sự Sống Bất Đối xứng (The Law of Life Asymmetry) do Louis Pasteur khám phá năm 1848. Các nhà tiến hoá bế tắc, không hiểu tại sao phân tử của sự sống lại bất đối xứng, và do đó không thể chế tạo ra phân tử của sự sống. Điều này cho thấy rõ rằng phân tử của sự sống không thể ngẫu nhiên hình thành, vì sự ngẫu nhiên không thể tạo ra các phân tử bất đối xứng. Chắc chắn tính bất đối xứng của sự sống phải là hệ quả của một nguyên lý bí ẩn nào đó của vũ trụ, vượt quá khả năng hiểu biết của khoa học. Cũng có thể tính bất đối xứng nằm trong chương trình của DNA, nhưng con người không thể chế tạo ra chương trình này. 

Hai, thí nghiệm hoá học không thể tạo ra thông tin của sự sống. Không có thông tin hướng dẫn sự hình thành sự sống, các phân tử không bao giờ kết hợp thành những cơ cấu vô cùng phức tạp của sự sống.

Thiết tưởng sự thật đã lộ rõ như ban ngày. Chỉ có sự cố chấp hoặc ngoan cố mới không chịu thừa nhận những sự thật đó.

Xem tiếp: A Faraway Promise Land / Miền đất hứa xa vời

 

PVHg, Sydney 22/02/2019


[1] Sách “GS Tạ Quang Bửu, con người và sự nghiệp”, NXB Đại học Quốc gia, 2000, trang 63.

[2] There is the theory that all the living forms in the world have arisen from a single source which itself came from an inorganic form. This theory can be called the ‘general theory of evolution,’ and the evidence which supports this is not sufficiently strong to allow us to consider it as anything more than a working hypothesis https://www.azquotes.com/author/29939-Gerald_A_Kerkut

[3] “Có một Đấng Tạo Hoá quan tâm đến bạn không?”, Watch Tower Bible & Tract Society Pennsylvania, 1998, T.38

9 thoughts on “The Impossibility of Abiogenesis / Tính bất khả thi của thuyết phi tạo sinh

  1. Theo con nghĩ thưa bác Hưng, nếu cái “ao ấm áp” của Darwin là có thật thì… có lẽ là thảm họa đứng đầu trong lịch sử loài người đó ạ, nền công nghệp thực phẩm của loài người sẽ ra rác ngay lập tức và nạn đói là điều không thể tránh khỏi. Dựa theo “cái ao ấm áp” của Darwin và thí nghiệm của Miller thì khi xét về mặt điều kiện thì nó cũng đâu khác gì hộp bơ hay xốt mayane mà ta mua trong siêu thị đâu, thậm chí Miller chỉ tạo ra rất ít các axit amin còn trong hộp bơ hay sữa… ta dùng hằng ngày nó có toàn bộ tất cả các điều kiện trong mơ của Miller nữa kìa. Nếu xét theo điều kiện của mấy ông tiến hoá thì bỗng nhiên 1 ngày đẹp trời thì các axit amin hữu cơ đó dưới tác dụng của nhiệt độ (tủ lạnh tắt, mở) và ánh sáng (có ai đi mua đồ mà tắt đèn đâu) rồi thêm tác dụng của ngoại lực (vận chuyển…) thì sự sống mới sẽ được hình thành có nghĩa là các đồ hộp ấy sẽ bị hư? Chuyện đó chưa bao giờ xảy ra trừ khi đồ hộp bị hở để sự sống bên ngoài xâm nhập vào hay nói tóm gọn lại là khi đồ hộp (bơ, sữa, dầu ăn, dầu cá trong mấy viên thuốc) bị hư thì ai cũng biết đó là do nó bị móp méo, bị hở chứ có ai tin rằng sự sống trong đó tự xuất hiện đâu, mỗi ngày loài người sử dụng không đếm hết các loại đồ hộp mà cho tới nay loài người vẫn không có trường hợp nào xác nhận là có sự sống mới phát sinh trong đồ hộp đâu, con nghĩ đây là ví dụ gần gũi và không thể chối cãi đối với bất kì ai trong chúng ta.

    Thích

  2. Xin bổ sung thêm cho bác Phạm Việt Hưng các thông tin sau:
    Trong thí nghiệm của Standley Miller, ông đã cố tình không cho khí Oxi xuất hiện, điều này để tránh việc các amino acid mới được tạo thành bị quá trình oxi hóa làm cho biến tính, tuy nhiên, nếu không có khí oxy thì thật phiền phức, bởi khi đó khí quyển sẽ không có ozone để hấp thụ tia UV, như vậy các amino acid sẽ lại bị tia UV tấn công và phá hủy, đúng như câu nói:”can’t live with it, and can’t live without it”. Điều thứ 2, trong bộ thí nghiệm của Miller và Urey, các ông đã cố ý tự tạo một bộ phận để tách các amino acid được tạo ra, ngăn không cho chúng tiếp tục tiếp xúc với tia lửa điện, vì hai ông biết rõ nếu không tách chúng khỏi tia lửa điện, thì các amino acid sẽ bị phân hủy bởi chính tác nhân đã tạo ra chúng.
    Chi tiết này được tham khảo trong địa chỉ sau:http://gochristianhelps.com/tracts/stl/lifeorig.htm

    Thích

  3. Em thấy cái này còn phải xem lại từ ngữ ” sự sống ” là gì, 1 con vi khuẩn cũng là sự sống, 1 vị thần cũng được gọi là sự sống, nhưng cái gì đầu tiên sinh ra vị thần, ngoài ra có phải thần tạo ra mọi loại vi khuẩn hay tự nhiên chúng tồn tại như 1 phần sự sống nguyên thủy của vũ trụ. Tất nhiên, mà nếu thần tạo ra vi khuẩn siêu nhỏ thì nhằm mục tiêu gì, ngay cả những loài vi rút được xem như không phải sự sống, chẳng phải đó là vì để tạo ra sự sống hay sao. Chữ thần ở đây đại diện cho vũ trụ, giả sử nếu vũ trụ có nhận thức thì chúng sẽ sinh ra sự sống theo kế hoạch, nó bao gồm đúng cho cả thuyết tiến hóa và thuyết phi tạo sinh, Cụ thể nhất vẫn là đạo Phật diễn giải cho lượng tử, ngụ ý vạn vật đều ẩn chứa sự sống. Sự sống bắt nguồn từ đâu, cái gì có trước tiên, sự sống nào có trước tiên, những vật siêu khuẩn nhỏ đầu tiên không phải là sự sống sao. Nó đã khai sinh ra 1 khoa học mới về vi khuẩn, vì cơ thể ta là 1 vũ trụ thu nhỏ chứa hàng tỷ vi khuẩn, nơi đâu sự sống nào mà không có vi khuẩn thì nơi đó trống rỗng, vi khuẩn nào mà không có RNA hay DNA, thậm chí có thứ protein gây bệnh gọi là Prion sinh sôi khi chúng không hề có RNA hay DNA nào. Sự sống ở mọi nơi.

    – Bác đã từng nhắc đến câu trong Đạo Chúa ” Phúc cho ai không thấy mà tin “. Khoa học vốn dĩ là điên rồ, sáng tạo, và đa dạng, nó tạm chưa chứng minh sâu nhưng cũng không nghĩa là nó sẽ luôn sai về sau. Bởi vì thế giới luôn có 2 mặt, cách nhìn thực tế ở khía cạnh vật lý là tùy vào mỗi người, nếu nhìn rộng hơn thì sẽ thấy có nhiều điều đa dạng và mỗi thứ đều có lý do riêng, không thể cứ 1 vài chứng cứ có khả năng đối lập mà khẳng định 100% tuyệt đối là sai ( vì không có gì là tuyệt đối ) mà bác bỏ và chế nhạo, tạo xu hướng 1 số bài phỉ báng nói trường phái khoa học đó là cố chấp đần độn, chỉ vi nó không cùng quan điểm với mình, như vậy là bảo thủ, chỉ đi theo 1 hướng.

    – Một số nhà khoa học nước ngoài có thể là bất đồng quan điểm nhưng họ vẫn tôn trọng nhau vì thời gian sẽ cho ra các lý thuyết mới luôn bổ sung nhau ngay khi 1 lý thuyết đối lập nào đó ra đời. Thật sự là thuyết phi tạo sinh này đến năm 2021 vẫn tồn tại, đang có nhiều nghiên cứu nổi bật, không bao giờ lỗi thời. Vào nửa cuối năm 2020, bằng chứng dựa trên một hợp chất đơn giản tiền sinh học có tên là diamidophosphate (DAP), hỗ trợ khái niệm về hệ số tiến hóa hỗn hợp RNA-DNA.

    – Nếu mà nó sai thì những vấn đề vô lý hơn như vướng víu lượng tử, nhảy hầm lượng tử ngày nay đã không thể xây nổi 1 máy lượng tử rồi, thực tế không phải như vậy đúng không, em còn đọc thấy những khám phá vô lý hơn gần đây, Chẳng hạn sự tạo ra thành công XNA thay cho DNA. Hay là RNA đóng vai trò vận chuyển và lưu trữ trí nhớ trong thử nghiệm ốc sên và loài giun thay vì bộ não, sự sống ngoài hành tinh có cần phải là dạng có não mới gọi là sự sống không?. Gần đây nhất là họ tạo ra những con Xenobots từ tế bào ếch để thay thế cho nano. Những con robo tập cách ngửi theo các giai đoạn, có bộ não noron theo mô phỏng não người vô cùng mạnh, không những vậy chuẩn bị còn được kết hợp với lượng tử chồng chập xử lý cả 2 hệ số 1 và 0 cùng 1 lúc để thấy đa khả năng.

    – Những thảm bay lượng tử có tiềm năng lớn. Những sự kiện như nấm thây ma ký sinh vào côn trùng điều khiển nó như zombie đều có thật từ trí tưởng tượng lâu đời của loài người, tại sao con người lại có khả năng suy đoán sáng tạo mà gần đúng trùng hợp đến mức vậy, cả trong từ thời cổ đại cũng vậy, vì có thể bộ não vốn dĩ đã gián tiếp biết được nguồn gốc vũ trụ nơi khai sinh ra chính chúng ra sao rồi, chỉ là theo cách chúng ta gọi là mơ hồ chưa thể chứng minh, vũ trụ là 1 hệ đa dạng kỳ ảo theo nhiều cách nhìn. Khoa học là 1 phép màu, khi ai đó nói không thể, không biết, có nghĩa là không thể bây giờ nhưng tương lai có thể là họ đã sai vì quá khứ nói không thể, nếu mà họ nhìn thấy tương lai thì nhiều khi họ còn tự vả vào mặt mình vì tương lai là những điều không thể diễn tả.

    – Nếu thuyết phi tạo sinh là dành cho những người không có ” não”, thì em xin đáp lại, sự sống của nền văn minh ngoài hành tinh phía bên kia ” chưa chắc là cần não ” mới có thể tạo ra những điều siêu phàm đâu. Còn nếu chỉ có ” não ” mới tạo ra những điều siêu phàm, thì ngại gì những ý tưởng điên rồ mà phải bó hẹp nó trong 1 vài lý thuyết bình dị tầm thường không có chút sáng tạo???.

    Đã thích bởi 1 người

    • Cuối cùng, là chúng ta cần 1 máy tính mạnh như lượng tử để mô phỏng, giải các phương trình, tạo ra các vật chất mới, và chứng minh thuyết phi tạo sinh là đúng hay sai, 1 máy lượng tử mạnh nhất là trên 1 tỷ qubits, và 1 triệu qubits là đủ định hình lại các ngành công nghệ, hãy chờ vào tương lai, không phải bây giờ.

      Thích

    • Thân gửi bạn Lê Tuấn,
      1/ Bạn là người nhiệt tình thảo luận
      2/ Bạn tỏ ra quan tâm tới mọi thứ nhưng chẳng hiểu thứ gì cả.
      3/ Ý kiến của bạn được đăng không phải vì nó đúng, mà vì trang PVHg’s Home muốn thể hiện tinh thần trọng thị Tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn.
      4/ Trang PVHg’s Home không có thì giờ để trả lời bạn từng ý kiến, vì quá mất thì giờ cho những vấn đề vô bổ. Thậm chí làm méo mó sự nhận thức.
      PVHg

      Thích

  4. Đọc 1 hồi, vẫn chưa hiểu rõ tác giả muốn bác bỏ thuyết phi tạo sinh, nhưng sẽ thay thế bằng thuyết nào, thuyết Thượng Đế, ngoài thuyết phi tạo sinh ra còn thuyết nào có thể giải thích thay thế cho sự sống ạ?

    Thích

  5. Pingback: Nguồn gốc sự sống Origin of Life – Personal & Business Development Enthusiasts

  6. Pingback: MIỀN ĐẤT HỨA XA VỜI – QUAN ĐIỂM CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI VỀ NGUỒN GỐC SỰ SỐNG – PHẦN 1 - Nguồn Suối Tâm Linh. Net

Bình luận về bài viết này