Why do people have no tails? Tại sao người không có đuôi?

1

A reader of PVHg’s Home raised a question: Why do people have no tails? He complained that evolutionists still use Haeckel’s fraudulent embryo drawings to explain this and they seem not to be ashamed, in spite of the fact that Haeckel’s drawings have long been exposed as false and deceptive. So where is the truth?

Một độc giả của PVHg’s Home nêu lên câu hỏi: Tại sao con người không có đuôi? Độc giả này phàn nàn rằng các nhà tiến hóa vẫn sử dụng những hình vẽ giả mạo về bào thai của Haeckel để giải thích điều này, bất chấp sự thật là những hình vẽ của Haeckel từ lâu đã bị vạch trần là giả mạo và lừa dối. Vậy đâu là sự thật?

Độc giả đó là bạn T.H., ngày 15/09/2018 đã bình luận bài “Genetic Entropy / Sự Thoái hóa Di truyền” như sau:

Chú Hưng có thời gian được thì viết một bài về cái đuôi của con người nhé chú. Con rảnh rỗi hôm qua đi tìm hiểu thử tại sao mọi con vật đều có đuôi chỉ có chúng ta là trơn bóng thôi, tìm kiếm sau một thôi một hồi toàn là câu trả lời từ các trang tuyên truyền ủng hộ thuyết tiến hóa, 9/10 lấy hình mấy bào thai giả mà chú đã bóc mẽ trên đây để ngụy biện thôi. Không hiểu sao chẳng biết nhục, biết là bị vạch trần từ lâu mà họ vẫn cứ dùng mấy cái hình giả ấy. Thân”.

“Truyền thống” của thuyết tiến hóa

Trước hết, xin nói với bạn T.H. rằng việc tiếp tục sử dụng những hình vẽ giả mạo và lừa dối của Haeckel về bào thai là một “truyền thống” cố hữu dường như không thể thay đổi của các nhà tiến hóa trên toàn thế giới!

Những người trẻ tuổi chính trực và thông minh thường rất thất vọng về cái “truyền thống xấu xí” đó, và không làm sao hiểu nổi tại sao một sự lừa dối đã bị phơi bày rõ ràng đến như thế mà vẫn cứ ngang nhiên tồn tại.

Thưa bạn T.H., thực ra những người nhiều tuổi chính trực và thông minh cũng có cái thất vọng đó, nhưng tuổi tác và sự trải nghiệm đã “tôi luyện” họ, làm cho họ bình tĩnh hơn, vì biết rằng đó chẳng qua cũng chỉ là một biểu hiện rõ rệt của cái ngu nằm trong bản chất của con người mà Albert Einstein đã từng bóc trần:

“Tính đa số của những người ngu xuẩn là vô địch và thiên thu trường tại”[1]

Thật vậy, không thể có kết luận nào khác, ngoài cái ngu đã che mắt những người không thấy xấu hổ khi sử dụng những tài liệu mà họ biết rõ là sai lầm và lừa dối như những hình vẽ của Haeckel về bào thai.

Chúng ta có thể nhận thấy cái ngu ấy là “vô địch và thiên thu trường tại” như thế nào khi đọc bài báo “Darwin Lobbyists Defend Using Fraudulent Embryo Drawings in the Classroom”[2] (Những người ủng hộ học thuyết Darwin bảo vệ việc sử dụng những hình vẽ lừa đảo về bào thai trong nhà trường) của Casey Luskin ngày 11/10/2012 trên trang EVOLUTION NEWS. Trong đó cho biết:

Trở lại trường học năm nay, sinh viên sẽ không chỉ được học những biểu tượng về tiến hóa như “nhưng con chim sẻ của Darwin” (Darwin’s Finches), mà còn được học những hình vẽ phôi giả của Haeckel. 22 cuốn sách giáo khoa sinh học gần đây vẫn tiếp tục sử dụng những hình vẽ này để truyền bá thuyết tiến hóa.

Cần chú ý rằng việc tố cáo các hình vẽ của Haeckel là gian lận hoặc giả mạo không xuất phát từ những người ủng hộ lý thuyết thiết kế thông minh, mà bắt nguồn từ chính các nhà tiến hóa trung thực, điển hình như:

  • Michael Richardson, GS sinh học tiến hóa tại Đại học Leiden, Hà-Lan. Ông gọi những hình vẽ của Haeckel là “một trong những trò giả mạo nổi tiếng nhất trong sinh học” (one of the most famous fakes in biology),
  • Stephen Jay Gould, GS cổ sinh học và sinh học tiến hóa tại Đại học Harvard, nói: “Haeckel đã cường điệu những điểm giống nhau (giữa các bào thai)… theo một quy trình chỉ có thể được gọi là lừa đảo, đơn giản là sao chép hình vẽ lặp đi lặp lại”

Ngay cả tạp chí khoa học uy tín nhất như tạp chí SCIENCE cũng phải thừa nhận sự dối trá của những hình vẽ phôi giả của Haeckel. Thật vậy, trong một bài báo năm 1997 nhan đề “Haeckel’s Embryos: Fraud Rediscovered” (Tái khám phá sự lừa đảo trong hình vẽ của Haeckel về bào thai), tạp chí Science thừa nhận:  “Nhiều thế hệ sinh viên sinh học có thể đã bị lừa bởi một tập hợp các bản vẽ nổi tiếng về bào thai được xuất bản cách đây 123 năm bởi nhà sinh học người Đức Ernst Haeckel” (generations of biology students may have been misled by a famous set of drawings of embryos published 123 years ago by the German biologist Ernst Haeckel)

Theo bài báo của Science, các hình vẽ của Haeckel “cho thấy các phôi động vật có xương sống của các loài động vật khác nhau trải qua các giai đoạn phát triển giống nhau. Nhưng ấn tượng họ đưa ra, rằng các phôi giống hệt nhau, là sai”. Richardson bình luận:

“Nếu có rất nhiều nhà sử học biết cuộc tranh cãi trước đây về các hình vẽ của Haeckel thì tại sao họ không truyền đạt thông tin này cho nhiều tác giả đương đại ─ những người sử dụng hình vẽ của Haeckel trong sách của họ? Tôi biết ít nhất 50 cuốn sách giáo khoa sinh học gần đây sử dụng các hình vẽ này một cách bất thường. Tôi nghĩ đây là câu hỏi quan trọng nhất trong toàn bộ câu chuyện” (If so many historians knew about the old controversy [over Haeckel’s drawings], then why did they not communicate this information to numerous contemporary authors who use the Haeckel drawings in their books? I know of at least fifty recent biology textbooks which use the drawings uncritically. I think this is the most important question to come out of the whole story).

Tương tự, Stephen Jay Gould cũng không giấu được sự giận dữ trước “truyền thống xấu xí” đó của các nhà tiến hóa:

“Tôi nghĩ, chúng ta có quyền vừa ngạc nhiên vừa xấu hổ bởi một thế kỷ lặp đi lặp lại vô ý thức dẫn đến sự duy trì các hình vẽ này trong một số lớn sách giáo khoa hiện đại, nếu không phải là đa số” (We do, I think, have the right to be both astonished and ashamed by the century of mindless recycling that has led to the persistence of these drawings in a large number, if not a majority, of modern textbooks).

Jay-Gould-Quotes-3

Vì thế, tôi rất thông cảm với bạn T.H. khi bạn nhận xét “các trang tuyên truyền ủng hộ thuyết tiến hóa… không hiểu sao chẳng biết nhục, biết là bị vạch trần từ lâu mà họ vẫn cứ dùng mấy cái hình giả ấy”.

Thực ra, ngoài cái ngu “vô địch và thiên thu trường tại” mà Einstein nói, trong trường hợp này phải công bằng mà nhận xét rằng các nhà tiến hóa bị bí ─ bị bế tắc trong việc đưa ra dẫn chứng thuyết phục để chứng minh sự tiến hóa. Họ quá thiếu thí dụ thực tế để chứng minh sự tiến hóa, hay chính xác hơn, họ KHÔNG CÓ bằng chứng thực tế của sự tiến hóa, nên họ buộc lòng dùng đi dùng lại những ví dụ cũ rích mà Darwin đã sử dụng. Dễ thường họ lấy cái bóng “ông thánh Darwin” ra để hù dọa thiên hạ.

Như bài báo của Casey Luskin đã dẫn ở trên cho thấy, hai thí dụ điển hình mà hầu hết sách giáo khoa (ở Mỹ) sử dụng để dạy cho học sinh ở nhà trường về tiến hóa là “những con chim sẻ của Darwin” và “hình vẽ của Haeckel về bào thai”.

Chú ý rằng Haeckel vẽ ra những hình vẽ bịa đặt về bào thai với mục đích rõ ràng là để ủng hộ và truyền bá Thuyết tiến hóa Darwin, và ngược lại, những hình vẽ ấy cũng đã được Darwin nhiệt liệt đón nhận và sử dụng như một trong những luận cứ bênh vực thuyết tiến hóa.

Khi bị tố cáo là hình vẽ giả mạo, Haeckel đã thừa nhận tội lỗi của mình, thậm chí còn “phản biện” trước hội đồng xét xử của trường đại học nơi ông giảng dạy rằng tại sao lại chỉ kết tội một mình ông, trong khi có đầy rẫy những hiện tượng tương tự trong các sách báo sinh vật học. Vậy một câu hỏi đặt ra là Darwin có biết sự giả mạo của Haeckel không, có biết việc nhận tội của Haeckel không? Nếu biết thì thái độ của ông ra sao? Ông có tự phê phán việc sử dụng bằng chứng giả mạo của mình không? Đây là một câu hỏi rất đáng được trả lời.

Theo những thông tin trên nhiều sách báo thì việc giả mạo của Haeckel đã bị phát giác khá sớm, thậm chí trước khi Darwin viết cuốn “Nguồn gốc loài người” (The Descent of Man) năm 1871, vì thế hầu như chắc chắn Darwin phải biết Haeckel đã bị cáo buộc giả mạo như thế nào. Vì thế, thái độ và quan điểm của Darwin về vấn đề này đến nay vẫn là một ẩn số, xứng đáng để cho những ai say mê lịch sử khoa học tìm hiểu.

Còn “những con chim sẻ của Darwin” thì sao?

Thật tội nghiệp cho những người ngây thơ cả tin ─ chỉ từ mấy con chim sẻ mà suy luận thành cả một lý thuyết thâu tóm quy luật của toàn bộ thế giới sinh vật học (!)

Số là Tháng 9 năm 1835, chàng thanh niên 26 tuổi Charles Darwin theo con tầu Beagle du hành đến quần đảo Galapagos ở bờ đông Thái Bình Dương, nay thuộc Ecuador, để làm một cuộc thám hiểm khảo sát sinh vật học, thỏa mãn trí tò mò của chàng bấy lâu nay.

Trên những hòn đảo này, chàng quan sát nhiều sinh vật, đặc biệt các giống chim sẻ. Chàng thấy có những con mỏ ngắn, có những con mỏ dài. Những con mỏ ngắn kiếm thức ăn ở những chỗ dễ thấy, dễ lấy, những con mỏ dài kiếm thức ăn ở những hõm sâu,… Chàng bèn suy luận ra rằng động vật có khả năng biến đổi hình dạng cơ thể của chúng, tức là biến hình, để thích nghi với môi trường. Khả năng này là kết quả của sự lựa chọn của sinh vật một cách tư nhiên nhằm thích nghi với tự nhiên, và do đó được gọi là “lựa chọn tự nhiên” (natural selection). Đó là cơ chế chủ yếu dẫn tới sự biến hình. Và thế là sau chuyến đi ấy, lý thuyết biến hình (transformism) hình thành trong đầu Darwin, để đến năm 1859 nó chính thức ra mắt công chúng dưới tên gọi “On the Origin of Species” (Về Nguồn gốc các loài). Trong đó Darwin mô tả một bức tranh về sự biến hình kỳ lạ của sinh vật, loài này biến hình thành loài khác, chẳng hạn cá lên bờ biến thành ếch nhái, ếch nhái biến thành bò sát, bò sát biến thành động vật có vú,… Tất cả đều chỉ là những sự biến hình tưởng tượng do Darwin suy diễn từ sự biến hình của chim sẻ.

Bên cạnh những ý kiến phản đối, cuốn sách của Darwin được một tầng lớp xã hội ủng hộ, và dần dần lý thuyết biến hình của ông được gọi là “thuyết tiến hóa” (theory of evolution).

Để tìm hiểu ý nghĩa gốc gác của chữ “tiến hóa”, chúng ta có thể vào Google gõ: “What does evolution mean?” (Tiến hóa nghĩa là gì?), sẽ nhận được câu trả lời như sau:

  1. Quá trình trong đó các dạng sinh vật khác nhau được cho là đã phát triển và đa dạng hóa từ những dạng tiền thân trong suốt chiều dài lịch sử của trái đất (the process by which different kinds of living organisms are thought to have developed and diversified from earlier forms during the history of the earth)
  2. Sự phát triển dần dần từng tí một của một cái gì đó, đặc biệt từ một dạng đơn giản đến một dạng phúc tạp hơn (the gradual development of something, especially from a simple to a more complex form)

Câu trả lời 1 rất thông minh, vì nó nhấn mạnh rằng “tiến hóa” là một quá trình trong đó các dạng sinh vật “được cho là” đã phát triển từ những dạng tiền thân. Có nghĩa là cái gọi là “tiến hóa” không phải một sự thật hiển nhiên được mọi người thừa nhận hoặc có thể kiểm chứng, mà chỉ là một quan điểm, một quan niệm, một suy luận, một tư tưởng, một nhận định của một số người nào đó mà thôi.

Câu trả lời 2 cũng rất thông minh, vì nó khẳng định tiến hóa là sự biến đổi từ cái đơn giản hơn đến cái phức tạp hơn. Lập tức suy ra sự biến đổi của chim sẻ mỏ ngắn hay mỏ dài KHÔNG PHẢI là sự tiến hóa, vì chim sẻ mỏ ngắn và chim sẻ mỏ dài đều là chim sẻ, độ phức tạp là như nhau, hoàn toàn chẳng có tiến hóa gì ở đây cả.

Vậy nếu lý thuyết về sự biến hình của chim sẻ mà Darwin nghĩ trong đầu là đúng thì lý thuyết ấy chỉ là sự biến đổi trong loài, hoàn toàn không phải là tiến hóa! Và chúng ta chẳng cần phải đi đến quần đảo Galapagos mới biết điều đó: sự biến đổi của sinh vật nuôi trong nhà thông qua lai tạp cũng đã đủ để cho chúng ta thấy sự biến đổi trong loài là một sự thật. Nhưng sự biến đổi này KHÔNG THỂ GỌI LÀ TIẾN HÓA, theo đúng định nghĩa của khái niệm tiến hóa mà Google đã trả lời như trên.

beaks1

Tuy nhiên, các nhà tiến hóa rất giỏi đánh lận con đen: họ gọi những biến đổi trong loài là “vi tiến hóa” (micro-evolution), để bất kỳ ai ngây thơ sử dụng thuật ngữ này sẽ vô tình thừa nhận rằng có sự tiến hóa, từ đó dễ ngộ nhận rằng cũng có “vĩ tiến hóa” (macro-evolution), tức là sự biến hình từ loài này thành loài khác, mà trong thực tế tuyệt nhiên không có.

Chính Darwin đã tự đánh lừa mình như thế, rồi tất cả những đệ tử của ông cũng tự đánh lừa mình và đánh lừa người khác như thế.

Nhưng trò chơi thuật ngữ đó vẫn không thể đánh lừa được những người tỉnh thức, vì tuyệt nhiên không có bất cứ một bằng chứng nào để chứng minh cái gọi là “vĩ tiến hóa”. Điều này là nỗi khổ tâm của các nhà tiến hóa, làm cho họ phải cố sống cố chết bám lấy những đám bèo “bằng chứng” như những cái phao cứu hộ để khỏi bị chìm đắm trên biển cả của sự thật! Và đó là lý do chủ yếu để họ lặp đi lặp lại những bức tranh giả mạo của Haeckel về bào thai, bất chấp việc Stephen Jay Gould, nhà sinh học tiến hóa nổi tiếng của Đại học Harvard, kết tội Haeckel là “có tội” (guilty)[3]. Đúng như bạn T.H. nói, họ không biết nhục!

Nhưng hãy trở lại với câu chuyện về cái đuôi của con người.

Thuyết tiến hóa thích câu chuyện này, vì đây là dịp để họ sử dụng những hình vẽ giả mạo của Haeckel mà họ cho là “hợp lý” (!). Họ nói rằng xương cụt là “dấu vết còn sót lại” của cái đuôi động vật. Họ còn chỉ ra nhiều bộ phận “vô ích” khác ở con người như những “di tích” chưa hoàn toàn biến mất trong quá trình tiến hóa. Không may cho họ, khoa học càng tiến lên càng để lộ cho thấy họ… dốt. Ngược lại, những người tin vào lý thuyết thiết kế thông minh hoặc Thuyết Sáng tạo thì nghĩ rằng chẳng có cái gì là vô ích cả, mọi thứ Chúa sáng tạo ra đều có vai trò của nó, nhưng có thể chúng ta chưa đủ khôn để hiểu rõ mà thôi. Vậy hãy nói về cái đuôi của con người.

Cái đuôi và thuyết tiến hóa

Câu chuyện sau đây nhắm tới 3 câu hỏi cần được trả lời:

  1. Con người có thể có đuôi không?
  2. Cái đuôi có phải là đặc trưng phân biệt động vật với con người không?
  3. Nếu con người có đuôi, đó có phải là dấu hiệu chứng tỏ con người xuất thân từ động vật không?

Trước hết, phải nói rằng bạn T.H. hoàn toàn đúng khi nhận xét rằng con người không có đuôi! Có một số trường hợp y khoa xác nhận người “có đuôi”, nhưng không phải là đuôi theo đúng nghĩa giải phẫu sinh lý động vật học, mà là một bộ phận dị dạng trông giống như cái đuôi.

Dưới ánh sáng của khoa học về đột biến gene, có thể khẳng định rằng những trường hợp người “có đuôi” (bộ phận dị dạng trông giống một cái đuôi) là hậu quả của đột biến gene.

Như bài báo “Genetic Entropy / Sự Thoái hóa Di truyền”[4] đã cho thấy, đột biến gene (genetic mutation), không phải là một cơ chế dẫn tới tiến hóa, mà ngược lại, nó là CƠ CHẾ CỦA SỰ THOÁI HÓA (devolution) ─ đột biến gene là nguyên nhân dẫn tới LÃO – BỆNH – TỬ – TUYỆT CHỦNG!

Dưới con mắt của cả Phật giáo lẫn Kitô giáo, hiện tượng lão – bệnh – tử – tuyệt chủng không chỉ có nguyên nhân logic khoa học, mà còn có nguyên nhân sâu xa về mặt tinh thần và tâm linh. Tuy nhiên, câu chuyện của chúng ta hôm nay chỉ bàn tới nguyên nhân khoa học, đó là đột biến gene.

Quái thai là sản phẩm điển hình của đột biến gene! Có hàng trăm hàng ngàn kiểu quái thai. Không ai có thể dự đoán hết mọi dạng đột biến gene nên không ai có thể dự đoán hết mọi dạng quái thai. Nhưng những gì chúng ta chứng kiến về những dạng quái thai ở người và động vật thiết tưởng đã quá đủ để làm cho chúng ta ghê sợ. Thí dụ người có lông lá đầy mình không khác gì thú vật,… Các nhà tiến hóa thường coi những trường hợp này là hiện tượng “lại giống” (một bằng chứng để lộ mối quan hệ họ hàng giữa người với thú vật). Nhưng thực ra đó chỉ là hậu quả của đột biến gene. Trường hợp người “có đuôi” cũng tương tự, đó là đột biến gene dẫn tới quái thai, một dạng bệnh lý!  Xin lưu ý rằng những quái thai được gọi là “có đuôi” không phải là có đuôi thực sự, theo nghĩa là có một cái đuôi có xương cốt và cơ bắp để cử động. Để hiểu thêm vấn đề này, xin đọc bài báo sau đây:

“The Human Tail and Other Tales of Evolution”[5] (Đuôi người và những chuyện chuyện bịa đặt khác của Thuyết tiến hóa) của TS David Menton ngay 29/07/2017 trên trang Answers in Genesis. Xin lược duyệt đôi điều trong bài báo này.

Ngày 20/05/1982, trên tạp chí Y khoa The New England, Tiến sĩ Fred Ledley đã trình bày một báo cáo lâm sàng có tựa đề “Tiến hóa và đuôi người”. Báo cáo của Ledley liên quan đến một em bé sinh ra với sự phát triển một khối thịt dài hai inch trên lưng của nó, mang một bề ngoài giống như cái đuôi. Ledley mạnh mẽ ngụ ý rằng khối thịt mọc ra này về cơ bản là một cái “đuôi người”, mặc dù ông thừa nhận rằng nó hầu như không có đặc điểm sinh học đặc biệt nào của một cái đuôi!

Tất cả những các đuôi thực sự của động vật đều có xương như là phần nối tiếp mở rộng của cột sống. Ngoài ra, tất cả các đuôi thực sự đều có các cơ liên quan đến đốt sống của chúng, cho phép cái đuôi có thể vận động theo những ý muốn nhất định. Ledley thừa nhận rằng chưa bao giờ có một trường hợp nào được báo cáo về một cái đuôi động vật mà không có những tính năng đặc biệt này, và cũng không có một trường hợp “đuôi người” nào có bất kỳ tính năng nào trong số những tính năng này. Trên thực tế, “đuôi người” mà Ledley mô tả chỉ đơn thuần là một sự phát triển thừa của da không nằm ở đúng nơi trên lưng để trở thành một “cái đuôi”! Tuy nhiên, Ledley đã coi cái “đuôi người” mà ông báo cáo là một bằng chứng thuyết phục của thuyết tiến hóa, rằng con người xuất thân từ vượn.

“Đuôi người” chỉ là một thí dụ của cái mà các nhà tiến hóa gọi là “cơ quan vết tích” (vestigial organ), tức là bộ phận để lại vết tích của tổ tiên. Tên gọi này ngụ ý đó là những bộ phận “dư thừa” trên con người như những tàn dư vô dụng của những gì đã từng là những cơ quan có chức năng hữu ích trong các thế hệ tổ tiên nguyên thủy của chúng ta. Gần đây nhất là năm 1971, Bách khoa toàn thư Britannica tuyên bố rằng có hơn 100 “cơ quan vết tích” ở con người. Ngay cả các cơ quan quan trọng như tuyến ức và tuyến cận giáp đã từng được coi là di tích đơn giản vì chức năng của chúng không được hiểu rõ. Khi khoa học y sinh đã tiến triển, số lượng các “cơ quan vết tích” ngày càng giảm đi. Nhưng bất chấp sự thật đó, các “cơ quan vết tích” vẫn được đề cập trong sách giáo khoa như một trong những bằng chứng mạnh nhất cho sự tiến hóa, chống lại Lý thuyết Thiết kế Thông minh và Thuyết Sáng tạo. Các ví dụ được trích dẫn thường xuyên nhất về các “cơ quan vết tích” ở người là xương cụt và ruột thừa.

Xương cụt của con người, hoặc “xương đuôi”, là một nhóm bốn hoặc năm đốt sống nhỏ hợp nhất thành một xương ở đầu dưới của cột sống của chúng ta. Các nhà tiến hóa tin chắc rằng xương cụt là một di tích của một cái đuôi còn sót lại từ tổ tiên loài vượn của chúng ta.

Hầu hết các sách giáo khoa sinh học hiện đại cung cấp cho người học một ấn tượng sai lầm rằng xương cụt của con người không có chức năng thực sự nào khác là để nhắc nhở cho loài người biết rằng chúng ta là hệ quả “không thể tránh khỏi” của sự tiến hóa. Thực ra, xương cụt có một số chức năng rất quan trọng. Một số cơ bắp hội tụ từ sự sắp đặt như những vòng nhẫn của xương chậu (xương hông) để neo trên xương cụt, hình thành nên một tầng cơ bắp hình bát của xương chậu được gọi là cơ hoành vùng chậu. Xương cụt bẻ cong vào với cơ hoành vùng chậu của nó giữ cho nhiều cơ quan trong khoang bụng của chúng ta rơi đúng qua giữa hai chân của chúng ta. Một số cơ hoành vùng chậu cũng rất quan trọng trong việc kiểm soát việc loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể chúng ta thông qua trực tràng. Tóm lại, xương cụt đóng vai trò rất quan trọng chứ không phải một “cơ quan vết tích” của cái đuôi xa xưa nay đã trở nên vô ích như nhiều sách giáo khoa của thuyết tiến hóa mô tả.

Một tuyên bố phổ biến khác của các nhà tiến hóa có thể tìm thấy trong sách giáo khoa là ruột thừa của con người thực ra chỉ là một “ruột tịt vết tích” (vestigial ceacum) còn sót lại từ tổ tiên tiến hóa ăn thực vật của chúng ta. Ruột tịt là một túi mù kết thúc gần đầu của ruột già, cung cấp thêm không gian cho tiêu hóa. Ở một số động vật ăn thực vật, chẳng hạn như bò, ruột tịt chứa vi khuẩn đặc biệt hỗ trợ tiêu hóa cellulose. Ruột thừa rõ ràng không phải là một “ruột tịt vết tích” vì hầu hết các động vật có vú đều có một ruột tịt và nhiều trong số đó cũng có một ruột thừa! Ví dụ con người vừa có một ruột tịt vừa có một ruột thừa ─ chẳng có cái gì là vết tích hoặc vô dụng. Ruột thừa, giống như amiđan vòm họng từng bị coi là “vết tích dư thừa”, là một cơ quan bạch huyết (một phần của hệ thống miễn dịch của cơ thể) làm cho kháng thể chống nhiễm trùng trong hệ tiêu hóa. Vì tin rằng nó là một bộ phận vô dụng “còn sót lại” của quá trình tiến hóa, nhiều bác sĩ phẫu thuật đã từng loại bỏ các ruột thừa khỏe mạnh ngay cả khi nó đang nằm yên lành trong các khoang bụng. Ngày nay, việc loại bỏ một ruột thừa lành mạnh trong hầu hết các trường hợp sẽ bị coi là một sai lầm về y tế.

157181951-56a5cfb25f9b58b7d0de8b44

Trong khi đó, có những cơ quan trong cơ thể không được biết rõ chức năng ở động vật trưởng thành nhưng không hề thể hiện một dấu vết tiến hóa nào cả. Ví dụ, các tuyến vú phát triển kém và không hoạt động ở con đực trưởng thành của tất cả các động vật có vú, kể cả con người. Ngay cả các nhà tiến hóa cũng không tin rằng những tuyến thô sơ này là tuyến vú di truyền còn sót lại từ tổ tiên của con người, họ cũng không tin rằng con đực từng nuôi dưỡng con cái của họ. Có một lời giải thích tốt hơn nhiều cho tuyến vú của nam giới. Nam và nữ phát triển từ phôi gần giống hệt nhau, trong đó, ở giai đoạn đầu phát triển, trở thành nam hoặc nữ dưới ảnh hưởng của các gene trong nhiễm sắc thể giới tính. Các bộ phận tương tự của phôi thai có thể sinh ra các cơ quan sinh dục nam và nữ và tuyến vú. Ở người, hầu như mọi thành phần của cơ quan sinh dục nữ đều có thể được tìm thấy ở dạng thô sơ ở nam giới; và ngược lại cũng đúng. Do đó, sự hiện diện của các cơ quan thô sơ ở người lớn không cho chúng ta biết điều gì đó về sự tiến hóa, mà đúng hơn là nói cho chúng ta điều gì đó về phôi thai.

Tóm lại, vấn đề “vết tích” còn sót lại của sự tiến hóa của nhiều cơ quan trong cơ thể động vật và của chúng ta đơn thuần chỉ là cách che đậy sự thiếu hiểu biết về chức năng thực sự của chúng. Thật không may, có rất ít chương trình nghiên cứu ý nghĩa và chức năng thực sự của các cơ quan bị coi là “vô dụng”. Hiện tại có rất ít cơ quan được coi là không có chức năng ở cả phôi thai lẫn người trưởng thành. Ngay cả khi có các bộ phận được coi là “cơ quan vết tích”, chúng cũng không hề cung cấp bằng chứng nào cho sự tiến hóa mà ngược lại, chúng chỉ nói lên sự THOÁI HÓA do đột biến gene!

Nan đề đối với các nhà tiến hóa không phải là ở chỗ các cơ quan hữu ích bị mất đi như thế nào, mà ở chỗ sự tiến hóa đã tạo ra các cơ quan mới hữu ích như thế nào, với tất cả sự phức tạp mà chúng đã tích hợp. Ở đây chúng ta tìm thấy những câu chuyện bịa đặt của thuyết tiến hóa.

Kết luận

Hãy tưởng tượng một cuộc đối thoại giữa bạn T.H. và tôi xung quanh chủ đề cái đuôi của con người. Bạn T.H. nói trước, tôi nói sau:

  • Tại sao con người không có đuôi?
  • Vì Bộ Gene của con người (Human Genome) đã thiết kế như vậy.
  • Bộ Gene là cái gì mà thông minh như vậy?
  • Bộ Gene là ngôn ngữ do Chúa viết ra (Francis Collins). Nói cách khác, Chúa đã thiết kế con người không có đuôi!

Để kết câu chuyện hôm nay, tôi xin trả lời 3 câu hỏi đã nêu ở trên:

  1. Con người không có đuôi. Những bằng chứng y khoa cho thấy một số trường hợp người “có đuôi” thực ra không phải là có đuôi thực sự theo nghĩa giải phẫu sinh lý học, mà chỉ là một bộ phận dị dạng trông giống như cái đuôi. Bộ phận dị dạng này là hậu quả của đột biến gene. Điều này nằm trong một quy luật phổ biến của sự sống, đó là: đột biến gene dẫn tới quái thai! Chính xác hơn và tổng quát hơn: đột biến gene dẫn tới THOÁI HÓA! Sự thoái hóa bao gồm lão – bệnh – tử – tuyệt chủng! Quái thai là một biểu hiện của bệnh.
  2. Đuôi không phải là dấu hiệu phân biệt người với linh trưởng, vì rất nhiều loài hoặc giống linh trưởng không có đuôi. Chỉ có một số loài hoặc giống linh trưởng có đuôi mà thôi. Vì thế ý nghĩ cho rằng xương cụt là “vết tích” còn sót lại của sự tiến hóa từ vượn lên người là hoàn toàn bịa đặt. Sự bịa đặt này là kết quả của một tư duy bị ám ảnh bởi thuyết tiến hóa Darwin.
  3. Vì con người không có đuôi, xương cụt không phải là vết tích của cái đuôi còn sót lại, nên mọi liên hệ về sự tiến hóa từ vượn lên người thông qua cái đuôi tưởng tượng đều là những lập luận tưởng tượng do các nhà tiến hóa áp đặt lên tư duy của khoa học trong 150 năm qua, dẫn đến những sai lầm tai hại về những bộ phận được coi là “cơ quan vết tích” vô dụng còn sót lại sau quá trình tiến hóa. Điều này chỉ phản ánh sự dốt nát của con người mà thôi. Với sự phát triển của khoa học, càng ngày người ta càng thấy rằng chẳng có bộ phận nào là vô ích hoặc dư thừa cả, chỉ có sự dốt nát kém hiểu biết mà thôi. Con người không có đuôi. Xương cụt không phải là vết tích của cái đuôi trong quá trình tiến hóa! Một số người mọc “đuôi giả” là do đột biến gene.

Kết luận quan trọng nhất mà tôi muốn gửi tới độc giả là:

Đột biến gene không dẫn tới tiến hóa (evolution), mà dẫn tới thoái hóa (devolution)!

 

DJP, 20/09/2018

[1] Thế giới như tôi thấy, Albert Einstein, NXB Tri Thức, 2005, trang 210

[2] https://evolutionnews.org/2012/10/darwin_lobbyist_1/

[3] Gould’s assessment of Haeckel and his motives? Guilty: “Haeckel had exaggerated the similarities [in early embryos] by idealizations and omissions. He also, in some cases —in a procedure that can only be called fraudulent— simply copied the same figure over and over again.” https://evolutionnews.org/2007/06/lessons_learned_from_haeckel_a/

[4] https://viethungpham.com/2018/09/06/genetic-entropy-su-thoai-hoa-di-truyen/

[5] https://answersingenesis.org/human-body/vestigial-organs/human-tail-and-other-tales-of-evolution/

9 thoughts on “Why do people have no tails? Tại sao người không có đuôi?

  1. Nhiều khi con thấy không tin được con mắt của mình. Nếu nhìn sơ sài bên ngoài thì rõ ràng là Darwin có lí, nhìn cái mỏ những con chim dài ngắn khác nhau. Khi nhìn vào mặt con vượn thì mình dễ dàng hình dung ra mặt con người. Có những con khỉ ở công viên nếu mình nhìn lướt qua coi chừng nhầm với gương mặt một lão nông khắc khổ. Con vượn cũng cho con bú như người, con nghe người ta nói chúng cũng có chu kỳ kinh nguyệt… Thiếu kiến thức cộng với quá tin vào con mắt, đó là điểm rất yếu của mình. Bộ óc con người có chức năng gì đó mà con nghĩ là nó đưa ra dự đoán cái gì nó chưa từng thấy dựa vào những hình mẫu nó quen thuộc. Nhiều khi quay mặt nhanh một cái tự nhiên thấy bóng người. Lật đật bật hết các đèn và nhìn thật gần thì nó là cây treo nón có treo một cái áo mưa! Đó cũng là lí do thiên hạ lâu lâu lại đồn rùm beng có mặt người trên sao hỏa, có cây có nhà trên đó. Toàn là ảo giác. Riêng cái này cũng đủ làm cho con rung rinh, nếu bộ não hoạt động như vậy thì nó đâu khác gì cái gọi là trí thông minh nhân tạo, dựa vào mạng nơ ron nhân tạo hay định lí Bayes để dự đoán các hình mẫu (pattern). Vậy linh hồn ở đâu? Chẳng lẽ phe tiến hóa nói con người là những máy móc bằng xương thịt chạy chương trình máy tính của tự nhiên là đúng chăng? Bên hữu thần tin là có Chúa cũng có người có tư tưởng như vậy, họ loại bỏ mọi thứ gì đó thuộc về thiêng liêng của con người, chỉ coi mình là cái máy Chúa tạo ra để chăm sóc vườn địa đàng, chết là bỏ, con cháu ta lại tiếp tục tấn lên làm nhiệm vụ của ta còn ta chết thì thành đất! Nếu con người do Chúa tạo ra, theo định nghĩa Chúa là toàn năng, tại sao sản phẩm này của Chúa lại đầy rẫy lỗ hổng để cho người ta khai thác như vậy (ảo ảnh quang học)? Điều đó chứng tỏ tài năng của Chúa hữu hạn?

    Có một chuyện đơn giản thế thôi mà con đã đặt ra bấy nhiêu câu hỏi. Chú thấy đó, con còn rất rung rinh, chưa có lập trường dứt khoát.

    Thích

    • Mình đọc bình luận của bạn thì mình có 1 số ý kiến như sau: bạn nhận xét về thuyết tiến hoá thì đúng nhưng bạn nhận xét về hữu thần thì Sai hay nói chính xác hơn những gì mà bạn nhận xét về Công Giáo, Tin Lành… là SAI. Ở đây bạn có vẻ đang có sự nhầm lẫn đôi chút giữa các tôn giáo, giữa tư tưởng của hữu thần với vô thần. Nếu bạn đã đặt câu hỏi về Chúa thì mình sẽ chỉ ra cái sai và trả lời bạn như sau: Thứ nhất bạn nói Chúa coi con người là máy móc là Sai hoàn toàn, khi bạn đọc Kinh Thánh bạn sẽ thấy rằng Chúa tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài, Ngài trao đặt quyền cho con người là Cai Quản khu vườn và chúng ta là Con Cái của Chúa, Chúa không tạo ra một cỗ máy. Tiếp theo bạn nói rằng Chúa loại bỏ hết sự thiêng liêng của con người thì cho mình hỏi bạn sự thiêng liêng của con người theo bạn là gì? Là cảm xúc, yêu thương, giận dữ… Chúa đâu bắt con người loại bỏ cảm xúc đâu, cốt lõi của Công giáo là sự Yêu Thương và Tha Thứ (trong Phật giáo thì tu là để loại bỏ thất tình lục dục hay nói cách khác là để Niết Bàn thì phải không có tình cảm kể cả yêu thương và sự yêu thương, họ coi Yêu là Nợ và Nợ là phải Trả vậy đây có coi là tình yêu?). Nếu là Linh Hồn thì Chúa tạo ra con người với một linh hồn bất diệt, bạn còn muốn gì nữa ( riêng Phật giáo không chấp nhận Linh hồn là bất diệt). Thứ hai bạn hỏi Chúa có hoàn hảo không khi mà Ngài tạo ra con người có quá nhiều khuyết điểm thì mình cũng xin trả lời rằng con người Lúc Được Ngài Tạo Dựng cùng với Mọi Vật lúc ấy là Hoàn Hảo (có nghĩa là thánh khiết và trong sạch giống như Ngài), đây là Chương đầu trong Sáng Thế Ký. Nhưng ở những chương tiếp theo khi con người bất tuân mệnh lệnh của Chúa và ăn trái cấm thì đó là lúc con người Sẽ Chết, mọi thứ không còn theo Ý của Chúa, chúng ta mất đi sự vinh hiển mà Ngài dành cho chúng ta, mọi vật đều không còn sự hoàn hảo, đất đai không còn cho cây trái sai quả mà mọc toàn gai góc và cỏ dại… đây là mình trích các chương tiếp theo trong quyển Sáng Thế Ký. Phật giáo ở Việt Nam thì có lẽ các sư Chỉ Thích Đọc chương 1 còn các Chương tiếp theo thì có lẽ các sư Không Đọc hoặc cố tình Không Đọc để ép Mọi thứ phải Hoàn Hảo và phản biện Kinh Thánh. Ngay từ đầu khi con người được cai quản khu vườn thì con người được ăn mọi quả Chỉ Duy Nhất Trái Cấm là không được ăn, Chúa đã cảnh cáo rằng nếu con người ăn vào họ sẽ chết, khi ăn trái cấm đó là lần Đầu Tiên Máu chảy ra thấm vào đất nơi Thiên Đàng, con người đã phạm tội, mất đi sự Hoàn Hảo của Mình. Bạn có thể hỏi tại sao Chúa lại để Trái Cấm trong khu vườn thì có lẽ Chúa muốn con người Tự Quyết Định và Ngài Tôn Trọng điều đó, Ngài không tạo ra một cỗ máy chỉ biết nghe lời. Đồng lương của tội lỗi là sự Chết, đó là lý do chúng ta chết vì không ai trong chúng ta là người công chính.

      Thích

      • Mình vẫn chưa hiểu 1 điều: tại sao Chúa toàn năng có thể tạo ra con người (cả về vật chất và tinh thần) mà lại không thể điều khiển con người làm theo ý Chúa (Chúa không muốn con người ăn trái cấm thì tại sao con người lại có thể ăn được). Có hay không một Đấng còn toàn năng hơn cả Chúa vậy???

        Thích

      • Cảm ơn câu hỏi của bạn Công, câu hỏi của bạn nhìn như đơn giản chứ thật chất nó liên quan rất rộng, mình sẽ cố gắng trong khả năng để trả lời bạn. Thứ nhất về mặt khoa học, để chứng minh được Chúa có tồn tại hay không là một điều bất khả thi và cho đến hiện tại không ai có đủ sức chứng minh bằng vào vốn kiến thức ít ỏi của khoa học. Bạn nên biết con người có giới hạn của mình cũng như vậy, vũ trụ cũng bị giới hạn bởi chính nó hay nói rõ ràng hơn là tất cả sự tồn tại trong vũ trụ này đều bị giới hạn bởi 3 Yếu Tố: Thời Gian, Không Gian, Vật Chất, và Chúa tạo nên vũ trị này nên Ngài không thể bị giới hạn ít nhất bởi 3 Yếu Tố trên(giống như con người không thể tạo ra 1 cái máy tính thông minh hơn con người được). Chúa là Đấng Toàn Năng nên nếu bộ não nặng vài gram của chúng ta có thể hiểu được Chúa thì chắc chắn đó không phải là Đấng Toàn Năng nữa rồi, chúng ta muốn chứng minh Chúa tồn tại thì ít nhất ta phải nhảy ra khỏi giới hạn của vũ trụ này hay nói cách khác là xây dựng được một hệ quy chiếu khác với hệ quy chiếu mà hiện nay (Thời,Không,Vật chất) toàn bộ khoa học đang sử dụng. Vậy tại sao lại có rất nhiều người tin Chúa hay nói rõ hơn là 3 tôn giáo lớn nhất nhân loại hiện nay điều tin vào kinh thánh và Đức Chúa Trời? Đó là do khi con người cuối mình trước Chúa, họ cầu nguyện và họ được đáp lời, hiện nay có khoảng 2,5 tỷ người tin Chúa và mình nghĩ gần như toàn bộ họ Đều gặp Chúa theo một cách rất riêng tư, Ngài biết từng người trong số chúng ta và biết chúng ta cần những gì. Thứ hai: về mặt tôn giáo thì Chúa không tạo ra con người như một cỗ máy hay một con súc vật nào mà Ngài tạo ra con Người để có mối quan hệ với Ngài, con người là con cái của Ngài và Tình Yêu mà Ngài dành cho con Người là trọn vẹn, vì lẽ đó mà Ngài luôn mang muốn những gì Tốt Nhất cho con người và một trong số đó là Tự Do, vì Tự Do con người sẵn sàng hi sinh thì Chúa là Cha của chúng ta lại không cho chúng ta. Tự do luôn là điều tốt, giống như khi ta thật sự yêu một ai đó thì ta muốn người đó yêu chúng ta một cách tự nguyện chứ không phải ép buộc. Nếu như Chúa bắt ép, thay đổi suy nghĩ của con người để chúng ta vâng lời thì đó Chắc Chắn không phải là Tình Yêu Của Cha dành cho con và Chúa không còn là Đấng Toàn Năng vì Ngài ít kỷ. Ngài không can thiệp vào quyết định của chúng ta vì Ngài tôn trọng quyết định đó nhưng Ngài đã cảnh cáo rằng “nếu con ăn quả đó con sẽ chết”, Chúa cũng có thể nhổ cái cây đi hay làm nhiều điều để ngăn cản con người ăn trái cấm nhưng Ngài không làm vậy vì Tình Yêu của Ngài là trọn vẹn. Chúa chưa bao giờ Trừng Phạt con người khi chúng ta ăn trái cấm mà Ngài chỉ đuổi con người ra khỏi thiên đàng vì Chúa còn là Đấng Công Chính, Ngài không thể để tội lỗi tồn tại trong thiên đàng. Khi bạn đọc kinh thánh bạn sẽ thấy rằng Chúa yêu thương con người như thế nào, Ngài đã ban cho Mose 10 Điều Răn và nếu con người thực hiện chỉ 10 điều đó thì con người sẽ được vào thiên đàng Nhưng từ trước đến nay Không con người nào thực hiện được 10 điều này (ngay cả phật hay tất cả lãnh tụ của tôn giáo khác đều không làm được). Nhưng Chúa là Cha chúng ta và Tình Yêu Thương của Ngài là trọn vẹn nên Chúa Jesus đã xuống thế gian này để cứu rỗi loài người, Ngài đã dùng máu và cái chết của mình để gánh chịu Toàn BỘ tội lỗi của Loài Người, để những ai tin nhận Ngài có thể quay lại với Chúa dù chúng ta không đáng được như vậy. Ngay từ ngày Chúa Jesus ra đời, Ngài đã được tiên đoán là sẽ Chết và cái Chết của Ngài là để Cứu Rỗi con người chứ không phải Chết vì Già Yếu và bệnh tật, Ngài Chết cho chúng ta chứ không phải Chết do bản thân, Đây là Điều Quan Trọng Nhất. Cốt lõi của Ki Tô Giáo là tình yêu và sự tha thứ, Chúa có quyền tha tội cho con người vì Ngài dùng Máu và Sinh Mạng của mình để đổi lấy. Đó mới là tình yêu thương trọn vẹn của Chúa dành cho chúng ta. Những người theo Ki Tô giáo họ cố gắng sống tốt không phải vì họ sợ cái Địa Ngục hay những hình phạt, sự tra tấn Phi Nhân Loại được dựng nên ( 18 tầng địa ngục của phật giáo chẳng hạn) mà là vì họ biết mỗi khi phạm tội thì Cha của chúng ta sẽ dùng Máu của Ngài để xoá đi tội lỗi đó, họ Yêu Thương Chúa và họ không bao giờ muốn điều đó xảy ra. Phật giáo nói Ki Tô giáo không để bàn thờ là bất kính với ông bà tổ tiên thì hoặc là họ không hiểu hoặc là Cố Ý Lừa Bịp và Cố Tình làm cho những người chưa tiếp xúc với Kinh Thánh hiểu sai vấn đề, Chúa Jesus từng dạy rằng Bất Hiếu là Tội Chết, Chúa Không Bao Giờ Yêu Cầu con người hiến tế bất kỳ thứ gì cho Ngài. Con người không được Nguỵ Biện rằng họ đã dâng tất cả những gì tốt nhất họ có mà bỏ quên cha mẹ của họ, Ngài Không Bao Giờ Cần điều đó. Làm sao con người có thể yêu Chúa, một Đấng vô hình khi họ không yêu cha mẹ của họ được? Chúa không bao giờ đòi hỏi bất cứ thứ gì nơi con người (không cúng, hương khói, lễ cầu may, bùa ngải xoá tội…) vì Ngài là Cha, là Chúa toàn năng, Ngài không cần những thứ đó.

        Thích

      • Mình xin trả lời câu hỏi “Mình vẫn chưa hiểu 1 điều: tại sao Chúa toàn năng có thể tạo ra con người (cả về vật chất và tinh thần) mà lại không thể điều khiển con người làm theo ý Chúa (Chúa không muốn con người ăn trái cấm thì tại sao con người lại có thể ăn được). Có hay không một Đấng còn toàn năng hơn cả Chúa vậy???”

        Câu hỏi rất thú vị. Chúa hay Thượng Đế hay Tạo Hóa là Đấng Duy Nhất của Vũ Trụ, là sự sống đầu tiên của Vũ Trụ. Thượng Đế có “tư duy” và Ngài tạo ra “con” của Ngài và Ngài đã ban cái quyền năng “tư duy” y như Ngài vào trong con người y như Ngài. Những đứa con đầu tiên này là các Thiên Thần đầu tiên, trọn lành, trọn tốt nhưng họ bắt đầu suy nghĩ “tư duy”, họ suy nghĩ đến việc tạo ra nhiều người như họ bởi vì họ có đc quyền năng của Thượng Đế, sau đó họ đã nghĩ đến bản thân họ nhiều hơn, họ muốn có quyền lực nhiều hơn dẫn đến cuộc chiến trên Thiên Đường, điều đó đã khiến những đứa con đầu tiên này nghịch lại ý muốn Thượng Đế. Bởi vì họ đã ko yêu thương nhau như ý của Thượng Đế, họ phát khởi lòng tham điều đó đã đưa những đứa con này rời xa Thượng Đế. Tại sao Thượng Đế ko ngăn cản bởi vì Ngài cũng ban cho con của Ngài quyền tự do, tự do tuyệt đối, muốn làm gì thì làm nhưng có 1 điều là “hậu quả phải tự các con gánh lấy”.

        Bởi nếu Ngài cản ngăn thì các con của Ngài sẽ ko có tiến bộ, sẽ ko học đc bài học của sự sống. Đó là ý muốn của Ngài. Cũng như con chim mẹ thấy chim con tập bay, mặc dù con nó bị té rất nhìu lần, đau đớn nhưng mẹ nó ko giúp đỡ bởi vì nếu nó ko thể bay đc thì nó sẽ chết vì ko tìm đc thức ăn hoặc sẽ thành con mồi cho thú khác. Đó là ý của Thượng Đế.

        Còn Đấng nào cao hơn cả Đấng Tạo Hóa. Thưa bạn là không còn ai cao hơn nữa. Thượng Đế là Đấng Khởi Nguồn của sự sống, linh hồn của Vũ Trụ, mỗi mỗi vật thể trong vũ trụ này đều có Thượng Đế ngự vào trong ấy. Ngài cảm nhận đc tất cả, biết hết tất cả, chỉ một ý muốn của Thượng Đế thì cả vũ trụ này ko ai có thể sống sót nhưng chúng ta phải biết rằng “Tình yêu Thượng Đế dành cho con của Người ko thể nói hết, Người thương từng đứa 1, lo cho từng đứa 1, ko ai bị bỏ rơi, dù là con vật nhỏ bé thì Ngài cũng thương nó ko khác con người.”

        Hãy dùng tình thương bạn sẽ thấy quyền năng của Ngài đến mức nào. Ngài có thể đem lại sự sống, xóa tan mọi đau thương, an ũi mọi nỗi đau, ko gì có thể ngăn trở đc Ngài. Người là chủ cả ko gian, thời gian, là mẹ của vạn vật, chúa của các Đẳng Linh Hồn. Đấng mà lời nói ko thể tả, vượt xa sức tưởng tượng, quyền năng vô lượng./.

        Thích

  2. Dưới con mắt của cả Phật giáo lẫn Kitô giáo, hiện tượng lão – bệnh – tử – tuyệt chủng không chỉ có nguyên nhân logic khoa học, mà còn có nguyên nhân sâu xa về mặt tinh thần và tâm linh.

    Vậy nguyên nhân đó là gì?

    Thích

Bình luận về bài viết này