“Aide-toi, le Ciel t’aidera” / “Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp”

Abstract: Life is the biggest university, where I have learned the most precious lessons, especially for the last more 20 years since I immigrated to Australia. For these years, a French proverb that I have learnt by heart since childhood, “Aide-toi, le Ciel t’aidera”, has always leaded me to come over many difficulties and to discover many truths that I have never known before…

Tóm tắt: Cuộc sống là trường đại học lớn nhất, nơi tôi đã học được nhiều bài học quý giá nhất, đặc biệt trong hơn 20 năm qua kể từ khi định cư ở Úc. Trong những năm này, một câu ngạn ngữ Pháp mà tôi đã học thuộc lòng từ thủa thiếu thời, “Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp”, luôn dẫn dắt tôi vượt qua nhiều khó khăn và khám phá ra nhiều sự thật mà trước đó tôi không hề biết…

 

PHẦN I – WHAT BEGINS WELL, ENDS WELL

 

1/ VẠN SỰ KHỞI ĐẦU NAN

Khó khăn về kinh tế khi mới nhập cư Úc

Vạn sự khởi đầu nan. Cuộc sống không phải một bài toán toán học. Bài toán cuộc sống không thể giải được bằng các phương trình và suy diễn logic. Cuộc sống rất phi logic, nó chỉ có thể giải được bằng trực giác và sự nỗ lực. Trực giác là quà tặng của Ông Trời. Nỗ lực phụ thuộc vào đạo đức, phẩm chất con người. Phẩm chất ấy lại phụ thuộc vào giáo dục và môi trường. Môi trường giáo dục quan trọng nhất là gia đình. Cha mẹ chính là người thầy đầu tiên và có ảnh hưởng lớn nhất đến con cái. “Cha nào con nấy” (Like father, like son), điều này đúng muôn thủa. Tôi đến Úc vì con tôi (nhập cư theo chính sách family reunion). Con tôi đến Úc vì tôi (tôi chẳng có gì cho con cái ngoài trí tuệ ─ chiếc antenna định hướng cuộc đời của con người).

Đến Úc, chúng tôi gặp ngay bài toán lớn: nhà ở, tiện nghi… Tiền mang theo không đủ, phải vay ngân hàng 100.000 AUD. Mua nhà xong, đồ đạc tiện nghi trống rỗng, tiền túi cũng rỗng không. Tôi chạy đi mua đồ đạc bằng tiền vay trả góp. Rất may, chẳng phải đút lót ai cả. Mọi chuyện vay mượn đều rất sòng phẳng, giấy tờ rõ ràng. Phân lời vay nợ mua nhà không nhỏ, khoảng 25% năm. Nghĩa là nếu năm đầu không trả thì số nợ năm sau sẽ là 125.000 AUD, chưa kể nợ trả góp mua đồ đạc. Ngược lại, nếu trả nợ đúng kỳ hạn theo hợp đồng vay thì cũng phải mất 15 năm sau mới trả xong cả vốn lẫn lãi. Tôi không có “bản lĩnh” để sống thản nhiên với một tài khoản nợ nần. Lẽ ra chúng tôi không đến nỗi túng thiếu đến như thế. Ở Việt Nam chúng tôi có một căn nhà mặt phố thuộc khu phố cổ quận Ba Đình, tuy chỉ có 75m2 nhưng nếu còn đến bây giờ thì đó là một tài sản lớn ─ công sức tích cóp cả đời của những người lao động chân chính. Năm 1990, tài sản đó đã không cánh mà bay: tiền bán nhà gửi vào quỹ tín dụng, quỹ tín dụng này vỡ nợ vì lừa đảo, chủ nhiệm đi tù 18 năm. Các chuyên gia chiêm tinh an ủi: năm đó tôi gặp sao La Hầu. Tôi không muốn tin nhưng đành phải tin. Bây giờ nghĩ lại chuyện này, tôi mừng vì đó là bài học Ông Trời thử thách, răn dạy tôi rằng con người chớ có tự phụ lếu láo, và rằng một người can đảm có bản lĩnh thì chớ nản lòng khi thất bại. May mà tôi đã vững vàng, chỉ ba năm sau tôi đã lập lại cơ đồ trên Tây Hồ, hoàn toàn bằng sức lao động thanh sạch ─ luyện thi đại học. Giá nhà đất Tây Hồ lúc tôi rời Việt Nam chưa đủ để đổi lấy nhà ở Úc, vì thế nên vẫn phải vay. Âu là Ông Trời vẫn muốn thử thách chúng tôi tiếp. May mà tất cả các thành viên gia đình chúng tôi đều chăm chỉ. Mẹ thì chăm chỉ nội trợ, lo miếng ăn cho cả nhà, rồi đạp máy khâu, kiếm từng đồng từng cắc tiền công từ mỗi chiếc áo, chiếc quần may thuê. Thậm chí trông trẻ cho những người bận đi làm. Con thì say mê công việc giảng dạy, nghiên cứu, mà tôi sẽ kể kỹ hơn ở phần dưới. Ngay bây giờ chỉ nói rằng đây là một cột mốc quan trọng xoay chuyển số phận chúng tôi tại Úc ─ con gái tôi có một đóng góp quyết định để thanh toán nợ nần. Có lẽ đó là một sự kiện điển hình trong gia đình chúng tôi có thể dùng để minh họa cho câu ngạn ngữ “Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp”. Kể kỹ một chút cho vui nhé.

Số là con gái tôi, sau một thời gian trợ giảng tại Đại học UTS, tức Đại học Công nghệ Sydney (Sydney Technology University), đã làm cho một công ty điện tử của Úc, lương được 36.000 AUD / một năm. Thu nhập ấy còn lâu mới đủ để trả nợ tiền nhà một cách nhanh chóng. Nhưng một hôm, tôi khuyên con gái tìm chỗ làm tốt hơn, nơi nào có nhiều điều kiện phát triển tài năng hơn. Thông tin việc làm đầy rẫy trên tờ The Sydney Morning Herald. Khoanh tròn vài chỗ, hôm sau đi phỏng vấn, con gái tôi đã được một công ty của Mỹ tại Úc, chuyên sản xuất máy móc y khoa, đồng ý tuyển dụng ngay với lương khởi điểm 55.000 AUD/năm. Tuyệt quá, vậy là giá trị của cuộc phỏng vấn có thể tính ra thành tiền: 55.000 ─ 36.000 = 19.000 AUD ! Đây là một bài học tốt đối với các bạn trẻ, tôi nghĩ vậy! Tất nhiên, các bạn phải chuẩn bị sẵn cho mình một cái vốn tri thức nào đó để khi có cơ hội, tri thức sẽ biến thành vật chất một cách có hiệu quả. Chuyện chưa hết.

Sau năm đầu tiên làm việc cho công ty mới, xin nhắc lại là một công ty của Mỹ, con tôi đã được thưởng một số cổ phiếu lớn, vì đạt thành tích cao trong công việc. Những năm sau này cũng nhiều lần được thưởng tương tự, nhưng tiền thưởng năm đầu tiên trở thành một kỷ niệm không thể nào quên của chúng tôi, vì nó bù lại cho chúng tôi tất cả những gì đã mất mát, thua thiệt. Tôi từng nói mạnh: “Người cho không bằng Trời cho”. Hóa ra đó là sự thật!

Vốn không bao giờ thích đỏ đen cờ bạc, con tôi bán luôn số cổ phiếu, được 70.000 AUD ! Và thế là một lúc trả hết nợ tiền nhà. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Tạ ơn Chúa, Người đã bù đắp cho những kẻ thanh sạch chỉ biết dùng mồ hôi nước mắt để tạo dựng cuộc đời! Đó là lý do để chúng tôi có một chuyến du lịch tuyệt vời kéo dài hơn một tháng tại Pháp và Anh vào mùa thu năm 2000.

Ngồi uống cafe trên lầu cao của Tháp Eiffel, ngắm nhìn Paris với sông Seine lững lờ trôi bên dưới, nhớ những trang sách tôi học ở trường Sainte Marie Hà-nội từ thủa thiếu thời,… lòng tôi rộn ràng khó tả. Chúng tôi thắp nến cầu nguyện trong Thánh đường Notre-Dame de Paris, nghĩ về Lẽ Thật,… Nhưng nếu hỏi tôi mê cái gì nhất ở Pháp thì đó không phải là những cung điện nguy nga rực rỡ choáng lộn làm nên Kinh đô Ánh Sáng (La Ville Lumière), cũng không phải những kiệt tác hội họa trong Musée du Louvre, nơi hàng triệu người từ khắp thế giới đổ về đó chiêm ngưỡng hàng ngày để rồi khoe với thiên hạ rằng ta đã từng có mặt ở đó ít nhất một lần, càng không phải Château de Versailles, nơi bảo tồn vinh quang các đời vua chúa nước Pháp, từ Henri IV (Vua Mặt Trời) đến Napoléon Đệ Nhất,… mà đó là cảnh đồng quê bát ngát êm đềm, những cánh đồng nho y như trong tranh của Vincent Van Gogh mà tôi si mê, loáng thoáng nhấp nhô phía xa xa là những tháp chuông nhọn của Nhà Thờ, thi thoảng từ đó vọng ra tiếng chuông ban chiều,… một cảnh tượng an lạc, bình yên thiết tưởng vườn Eden trong Kinh Thánh không đẹp hơn. Hình như cảnh đó rất giống làng quê Việt Nam ngày xưa, như bài “Làng Tôi” của Văn Cao từng mô tả: “Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung…”.

Có lẽ tôi đã hơi lạc đề. Vâng, để quay lại chủ đề, xin kể rằng một ông anh của tôi ở Pháp, Giáo sư Phạm Quang Thiều, đã đưa tôi đến thăm Đại học Poincaré ở Nancy, một trung tâm toán học bậc nhất thế giới tại quê hương của Henri Poincaré, một trong những nhà toán học vĩ đại nhất mọi thời đại. Chao ôi, đây có phải là một giấc mơ không? Ở đó tôi đã được tặng một chuyên san về Poincaré, trong đó có một bài báo vô giá về “Bài toán Ba Vật Thể” (Problème à Trois Corps), một bài toán vĩ đại báo hiệu sự ra đời của Lý thuyết Hỗn độn (Chaos Theory) trong những năm cuối thập niên 1960, đầu 1970, mà Poincaré đã đặt viên gạch nền móng từ cuối thế kỷ 19. Nhờ chuyên san đó mà sau này tôi đã viết được một số bài báo đáng kể, như “Giả thuyết Poincaré”, “Henri Poincaré, con quỷ toán học làm thay đổi thế giới ”, “Hiệu ứng Con Bướm”, ,… đăng trên các tạp chí Tia Sáng, Khoa học & Tổ quốc, được nhiều trang mạng đăng lại, đặc biệt là các trang của Hội toán học VN hoặc Hội vật lý VN. Nội dung những bài báo đó đề cập đến những vấn đề toán học và vật lý cao cấp nhất trong thế giới hiện đại, mà trước đây chính bản thân tôi cũng không hề biết. Tưởng cũng nên biết rằng Giả thuyết Poincaré nói trên là một bài toán thiên niên kỷ, một thách đố toán học thế kỷ 20, được Viện Clay ở Mỹ treo giải thưởng 1 triệu USD. Vậy mà ngay khi thấy lời giải của Perelman, một nhà toán học kỳ lạ người Nga, được công bố trên mạng khoảng cuối 2002, tôi đã ngay lập tức giới thiệu giả thuyết này và lời giải này trên Tia Sáng, để mãi cho đến mùa thu 2006 lời giải của Perelman mới chính thức được Hội đồng Toán học Thế giới công nhận để quyết định tặng thưởng Perelman Giải Fields. Cũng nên biết Perelman không thèm nhận giải thưởng lẫn tiền thưởng của Viện Clay, mặc dù ông đang phải chật vật nuôi một bà mẹ già. Có lẽ ông muốn dạy chúng ta phải biết khinh bỉ danh vọng và tiền bạc. Nhiều người bảo ông điên, nhưng chúng tôi coi ông là một bậc thánh.

Trở ngại về ngôn ngữ

Khó khăn lớn thứ hai là trở ngại về ngôn ngữ. Dù chúng ta học tiếng Anh ở Việt Nam giỏi cỡ nào, chúng ta vẫn không sao nghe và nói tiếng Anh như một ngôn ngữ bản địa. Nói chuyện tào lao ngoài chợ hay thậm chí họp mặt bạn bè là một chuyện, nhưng trình bày một vấn đề sâu sắc về tư tưởng lại là chuyện hoàn toàn khác. Đây là một thách thức lớn đối với những ai muốn dấn thân vào cuộc sống xã hội như một thành viên tích cực, đóng góp lợi ích cho xã hội mình đang sống. Rất may, nhà nước Úc có chính sách cởi mở tôn trọng và khuyến khích các sắc tộc duy trì văn hóa truyền thống của mình trong khi hòa đồng với văn hoá Úc. Mọi người đến Úc định cư đều được học những khóa bồi dưỡng tiếng Anh không mất tiền, được gọi là chương trình AMES, như một chính sách giáo dục bắt buộc để hòa nhập. Hoàn toàn không có sự phân biệt sắc tộc, giai cấp trong việc tuyển dụng nhân tài. Nhiều người Việt ở Úc được người Úc kính nể không chỉ vì giỏi chuyên môn, mà giỏi ngay trong lĩnh vực ưu thế của người Úc, đó là Anh ngữ. Từng có những người Việt đoạt giải Người Úc xuất sắc nhất trong năm. Từng có người Việt đoạt giải văn chương ở Úc. Bản thân con gái tôi được giám đốc công ty chọn làm người viết báo cáo tổng hợp các công trình nghiên cứu của tất cả các bộ phận trong công ty. Một lần, vị Giám đốc hỏi con gái tôi:

– Cô có biết tại sao tôi chọn cô viết báo cáo tổng hợp không?

– Dạ thưa, tôi không biết

– Vì cô viết giỏi hơn các đồng nghiệp, mặc dù họ là những tiến sĩ, thạc sĩ người Anh hay Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga,… Vậy cô có thể cho tôi biết cô học tiếng Anh ở đâu không?

– Dạ, thưa ông, tôi học tiếng Anh ở Việt Nam.

– Chà, ở Việt Nam mà có những thầy dạy tiếng Anh giỏi như thế à?

– Vâng, đúng như thế đấy ạ. Cô giáo dạy tôi là Nguyễn Thu Phương, cựu giáo viên của trường Hanoi Amsterdam. Sau này chồng cô là thầy Bắc cũng dạy tôi. Nhờ đó tôi đã đoạt Giải Nhất Học sinh giỏi tiếng Anh hai năm liền. Ngoài ra tôi còn học thêm ở thầy Bùi Phụng, Giáo sư tiếng Việt và tiếng Anh bậc nhất ở Việt Nam…

Đó là chuyện con gái tôi. Còn bản thân tôi thì sao? Tôi đã phải nỗ lực rất nhiều trong việc trau dồi Anh ngữ để thỏa mãn nỗi đam mê hiểu biết vốn có của mình. Từ nhỏ tôi đã thuộc lòng câu ngạn ngữ “Aide-toi, le Ciel t’aidera!” và nay là lúc áp dụng nó triệt để. Thật vậy, ngay từ khi chân ướt chân ráo đến Úc, tôi đã lao vào đọc tất cả những gì mình thích, mình quan tâm, và “liều” viết ngay cho báo chí ở Úc. Tôi sẽ kể ở phần dưới một kỷ niệm vô giá về một bài báo tiếng Anh của tôi ở Úc. Tôi đã nhận được những lời vàng ngọc của tạp chí SIGNS of The Times mà tiền và rất nhiều tiền không chắc có thể mua được.

Thế đấy. Là kẻ ham đọc, trong khi phải lo tồn tại, tôi vẫn rơi vào một đại dương thông tin: Bách khoa toàn thư, sách, báo, tạp chí, thư viện… Hồi ấy internet mới xuất hiện lác đác, chưa phong phú như bây giờ, vì thế sách in trên giấy vẫn là nguồn thông tin chủ yếu. Tôi thích nhất ba nguồn thông tin: Tạp chí Scientific American của Mỹ, tạp chí New Scientist của Anh, và các loại bách khoa toàn thư. Những bộ Bách khoa toàn thư mới “ra lò” có giá cắt cổ, khoảng 3000-4000 AUD / một bộ. Nhưng tôi mua sách cũ. Hiện trong tủ sách của tôi ở Úc có tới 4 bộ Bách Khoa Toàn Thư khác nhau của Anh và Mỹ (bây giờ trở thành vô giá vì nó được định giá theo đồ cổ, không ai xuất bản nữa). Nhờ những bộ sách quý đó, cùng với những thông tin hiện đại hơn trên mạng, tôi đã khám phá ra nhiều sự kiện vô cùng trọng đại mà trước khi sang Úc tôi không hề biết, như Định lý Bất toàn của Kurt Gödel, Sự thật ngụy khoa học của Thuyết tiến hóa Darwin, các Định luật kỳ lạ về sự sống do Louis Pasteur khám phá, Biểu tượng chữ VẠN, Định luật Entropy, Lý thuyết Thông tin, Lý thuyết Thiết kế Thông minh,… Những sự kiện này làm tôi choáng váng thích thú, vì thấy trước đây mình dốt quá, và nay như vớ được vàng ngọc châu báu vậy. Tôi sẽ kể cho độc giả nghe về từng kho báu này ở Phần II, nhưng ngay bây giờ xin nói nhỏ rằng đó là những kho báu thực sự, vì nếu không biết những kho báu đó, chúng ta sẽ trở thành…….. “người nghèo” – không đủ tri thức để vỡ ra LẼ THẬT của đời người.

Nhưng trước khi nói về những kho báu đó, tưởng cũng nên có một cái nhìn tổng quan về nước Úc, để hiểu tại sao tôi có điều kiện khám phá những kho báu đó.

2/ NƯỚC ÚC NHƯ TÔI THẤY

Giáo dục và khoa học của Úc

Tôi vốn hành nghề giảng dạy ở Việt Nam, từng quan tâm sâu sắc đến phương pháp giáo dục toán học, từng tranh luận trên báo chí Việt Nam những năm 1990 về những sai lầm trong phương pháp giáo dục của nhà trường, thậm chí trong những cuộc tranh luận đó từng nêu lên những câu hỏi bỏ ngỏ về toán học, chẳng hạn Hình học Euclid có bao nhiêu tiên đề (axioms, assumptions)? Vì thế ngay từ khi mới đến Úc, vấn đề giáo dục toán học và khoa học ở Úc đã là một trong những tiêu điểm trong sự tìm tòi nghiên cứu của tôi.

Với phương châm “Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp”, tôi đã tìm thấy câu trả lời cho số tiên đề của Hình học Euclid. Độc giả nào muốn tìm hiểu vấn đề này, xin đọc bài “Hệ Tiên đề Hilbert có hoàn hảo?” trên Tia Sáng Tháng 8/2002. Nhiều trang mạng đã đăng lại bài này, vì Hệ tiên đề Hilbert vốn được thần thành hóa những một hình mẫu của hệ tiên đề và lý thuyết tiên đề.

Để viết bài báo đó, tôi đã phải tham khảo nhiều bộ bách khoa toàn thư của Mỹ, Anh, Pháp, Nga, thậm chí phải trao đổi thư từ với nhiều giáo sư toán học tại các đại học ở Mỹ, Anh, Pháp. Thư trả lời của các nhà toán học ấy đến nay tôi vẫn giữ, và đã được công bố trong bài báo nói trên.

Tôi suy nghĩ rất nhiều khi thấy học sinh sinh viên ở Úc học hành rất thoải mái mà vẫn đạt kết quả cao. Ngược lại, học sinh ở Việt Nam phải học quá nhiều mà kết quả lại quá “khiêm tốn” ─ Việt Nam có quá nhiều học sinh đạt thành tích xuất sắc trong các kỳ thi Opympic quốc tế nhưng mặt bằng tri thức của học sinh nói chung lại quá thấp. Tại sao vậy? Điều này hối thúc tôi tìm hiểu “bí mật” của nền giáo dục và khoa học Úc.

Rốt cuộc, tôi khám phá ra rằng “bí quyết” của nền giáo dục Úc đơn giản là HỌC THẬT chứ không HỌC GIẢ, tức là học cái thiết thực, học theo sở thích, học theo nhu cầu hiểu biết, thay vì học để lấy thành tích khoe khoang với thế giới. Và quan trọng hơn nữa, học giỏi được trọng dụng thực sự, có cơ hội phát huy tài năng thực sự.

Với “bí quyết” đó, nền giáo dục Úc với dân số ít ỏi chỉ có 23 triệu người đã đào tạo ra 12 nhà khoa học đoạt Giải Nobel khoa học (vật lý, sinh-y-học) và một nhà toán học xuất sắc bậc nhất thế giới: Terence TAO, từng đoạt Giải Fields năm 2006, cùng năm với Perelman, người đã chứng minh được “Giả thuyết Poincaré”. Tưởng cũng nên biết rằng Úc đã thành công trong một thí nghiệm ứng dụng “Tương tác ma quái” (Ghost Interaction, một thuật ngữ do Einstein đặt tên, nói về một hiện tượng lượng tử không thể giải thích được) để truyền thông tin TỨC THỜI. Tôi đã giới thiệu vấn đề này trên VnExpress 2002, đúng vào dịp Giải Bóng đá thế giới đang diễn ra tại Brazil.

Thậm chí tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với nền giáo dục Úc vì những chính sách cởi mở và nhạy bén trong việc trọng dụng nhân tài, nhờ đó mà gia đình tôi gặp thuận lợi lớn trong việc hòa nhập.

Số là con tôi đến Úc sau khi đã hoàn thành luận án tiến sĩ tại một quốc gia khác. Nhưng các cơ sở giáo dục và kinh tế ở Úc không chấp nhận bằng cấp ở các quốc gia mà họ ít hiểu biết. Con tôi buộc phải bắt đầu lại sự nghiệp từ đầu tại Đại học UTS (Đại học Công nghệ Sydney), với tư cách sinh viên năm thứ nhất. Học phí mỗi năm khoảng 17.000 AUD, với chương trình từ 4 đến 5 năm, một số tiền quá lớn đối với gia đình tôi khi túi tiền đã trống rỗng, thậm chí đã thâm thủng vì nợ nần sau khi mua nhà. Nhưng Giáo sư Roman Stere của UTS đã nhanh chóng nhận ra cô sinh viên đặc biệt trả lời trôi chảy rõ ràng mạch lạc những câu hỏi chất vấn về chuyên môn của ông, ngay trong buổi học đầu tiên. Ông hỏi con tôi:

– Này, có vẻ như cô đã biết mọi điều tôi đang giảng? Tại sao vậy?

– Vâng thưa thầy, em đã có bằng tiến sĩ.

– Oh, thế à? Vậy cô còn đến đây để làm gì?

– Thưa thầy, vì em mang cái bằng đó đi xin việc, không nơi nào người ta nhận cả. Em buộc phải học lại để lấy bằng của Úc.

– Thật thế à? Nếu cô nói thật, tôi sẽ cho cô thi tốt nghiệp luôn.

Và GS Roman đã làm đúng lời hứa. Con tôi tốt nghiệp luôn, và được GS Roman giữ lại làm trợ giảng. Sự nghiệp của con gái tôi khởi phát từ đó. Ở Úc, không ai cấm một người làm hai việc, có hai nguồn thu nhập, nếu những việc đó là hợp pháp và sức lực cho phép. Thêm nữa, mọi thu nhập phải khai thuế rõ ràng. Thực tế là con tôi vừa trợ giảng vừa làm cho một công ty của Úc, rồi chuyển sang làm cho một công ty của Mỹ (như đã kể ở trên). Một lần, ông giám đốc của công ty cũ của Úc hỏi tôi:

– Này ông, sao con ông nó không làm cho tôi nữa? Ở chỗ làm mới người ta trả lương cho nó bao nhiêu?

– Oh, thưa ông, không phải vì đồng lương đâu, mặc dù người ta trả cho nó 55.000 AUD/năm. Lý do con tôi tìm chỗ mới vì ở đó nó có nhiều điều kiện phát triển hơn về mặt khoa học.

– Thế à. Tiếc nhỉ. Con ông nó là một “engineer number one” đấy. Ông bảo nó quay lại làm cho tôi, tôi sẽ trả nó cao hơn.

Tôi cám ơn ông giám đốc đó, thầm nghĩ, liệu ông có dám trả một lương khủng cho con tôi không, nếu ông thực sự nghĩ nó là một “engineer number one”? Và khi độc giả đọc đến đây, thì quả thật lương của con tôi đã đạt được mức khủng, thay vì 55.000 AUD từ năm 2000. Nhưng tôi nghĩ cái lương khủng đó không phải là thước đo giá trị, mặc dù nó đánh giá một phần giá trị. Chuyện tôi kể ở đây nếu có mầu sắc khoe khoang thì xin độc giả thứ lỗi. Xin Chúa tha thứ cho tôi. Tôi chỉ có ý kể một sự thật mà gia đình tôi chịu ơn GS Roman Stere, chịu ơn nền giáo dục Úc đã tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình tôi, và trên hết, chịu ơn Ông Trời đã thương chúng tôi đúng theo cách câu ngạn ngữ Pháp đã nói, rằng “Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp”. Toàn bộ câu chuyện về giáo dục và khoa học nói trên đã được đăng trong “Kỷ yếu Humboldt: kinh nghiệm giáo dục thế giới và Việt Nam”. NXB Tri Thức, 2011.

Không dừng lại ở vấn đề giáo dục, tôi mở rộng tầm nhìn tới mọi phương diện của nước Úc để học hỏi.

Chăm sóc y tế và an sinh xã hội

Sau 2 năm kể từ khi đến Úc, chúng tôi mới chính thức trở thành công dân Úc. Ấy thế nhưng bà vợ tôi, ngay khi chân ướt chân ráo đến Úc, đã được hưởng một phúc lợi đáng kể của Úc. Số là bà ấy bị viêm ruột thừa cấp, không mổ ngay thì nguy. Và bà ấy đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu để mổ. Ca mổ diễn ra nhanh chóng và tốt đẹp. Bệnh nhân được chăm sóc 100% miễn phí, mặc dù phải nằm bệnh viện gần một tuần, chỉ vì là… người nghèo. Vâng, nghèo thực sự. Nếu không nghèo thì phải trả tiền, tùy theo mức độ giàu có. Y tá hộ lý rất lễ độ, thậm chí là nhẹ nhàng, êm dịu và rất chu đáo. Nếu chính sách Medicare (chăm sóc y tế) của ông Obama ở Mỹ đã và đang gặp khó khăn trong việc thực thi thì ở Úc, Medicare đã áp dụng từ lâu cho mọi người, ít nhất là như tôi thấy ngay từ khi tôi đến Úc.

Tôn giáo ở Úc

Úc là một xã hội đa văn hóa (multicultural) và do đó đa tôn giáo. Tuy nhiên Công giáo (Catholic) chiếm vai trò chủ đạo. Nhà thờ chính tòa và lớn nhất ở Sydney là nhà thờ Công giáo. Úc có một vị thánh duy nhất, đó là nữ Thánh Công giáo Mary Mackillop. Giáo dân từ khắp Úc hành hương tới Đền Thánh Mackillop để cầu nguyện, thậm chí cả giáo dân trên khắp thế giới cũng đến đó, nếu họ tới Úc. Đôi khi tôi thắc mắc rằng Úc vốn là một đất phiên thuộc của Anh, vậy tại sao người Úc đa số lại theo Công giáo, thay vì theo Anh giáo (Anglican Church). Chưa ai trả lời, nhưng tôi đoán đó là xu thế của người bị cai trị muốn ly khai với kẻ thống trị. Tôi không dám chắc phỏng đoán của tôi là đúng, vì thực ra muốn biết rõ điều này, phải nghiên cứu kỹ lịch sử tôn giáo.

Thể thao

Trong những thế vận hội Oympic gần đây, tôi thấy Sydney Opympic 2000 là đẹp nhất, hoành tráng nhất, âm nhạc tuyệt vời nhất. Qua thế vận hội này, tôi được biết tinh thần thể thao nằm trong máu người Úc. Một nước nhỏ về dân số mà thành tích thể thao rất đáng gờm, đặc biệt vể bơi lội.

Có một câu hỏi về thể thao tương tự như về tôn giáo, tôi thắc mắc: dân Úc đến nay đa số vẫn có nguồn gốc Anh, nhưng tại sao bóng đá ở Úc không phát triển, mặc dù bóng đá được nói là có nguồn gốc Anh? Quả thật Giải Premier League sôi nổi nhất thế giới, nhưng cái gọi là “football” ở Úc lại là môn bóng méo rất thô thiển, thiên về sức mạnh, thay vì nghệ thuật. Tại sao vậy? Phải chăng đây cũng là một biểu hiện của xu thế ly khai khỏi chính quốc của những kẻ bị trị? Không ai dám trả lời.

Tuy nhiên, Giải Australian Open ở Melbourne mỗi dịp đầu năm mới hoàn toàn có thể sánh ngang với những giải quần vợt lớn nhất khác trên thế giới. Úc đã từng có những tay vợt xếp số 1 thế giới. Ở Úc nhiều khi một vận động viên thể thao nổi tiếng hơn các giáo sư đại học, thậm chí hơn cả các nhà khoa học đoạt Giải Nobel hoặc Giải Fields. Không biết chỗ này là hay hay dở?

Thể chế chính trị

Mô hình nhà nước Úc rập khuôn theo mô hình Anh, nhưng lại có thể chế liên bang giống Mỹ. Về lý thuyết, Nữ hoàng Anh cũng là nữ hoàng Úc. Sinh nhật của nữ hoàng là ngày quốc lễ, được nghỉ.

Khai mạc mỗi kỳ họp quốc hội, các nghị sĩ đều đứng lên đọc Kinh Lạy Cha (Kinh quan trọng nhất của Ki-tô giáo). Đã có đề nghị bỏ thủ tục này, nhưng đề nghị đó bị bác bỏ.

Khi quốc hội họp tại Nhà Quốc Hội ở thủ đô Canberra, dân chúng được phép vào tham quan, nghe các nghị sĩ phát biểu, tranh luận.

Một dân biểu địa phương tên là Frank Carbon, người gốc Ý, đã từng xin phép tôi cho ông ta treo tấm biển vận động tranh cử vào Hội đồng Quận của địa phương nơi tôi cư trú. Tôi đồng ý. Vài ngày sau tôi lại gặp ông ta đứng phát tờ rơi ở cửa Chợ Trời, họp vào Thứ Bảy hàng tuần, để tự vận động tranh cử cho mình. Thấy ông đẹp trai, nhân hậu, và cảm giác thương ông ta vất vả với người dân, tôi nói với ông rằng tôi sẽ bầu cho ông, và vận động cả nhà bầu cho ông. Ông ấy cám ơn tôi rối rít. Không ngờ ông ta trúng cử thật, và hiện là quận trưởng Quận Fairfield, nơi tôi cư trú. Sau khi trúng cử, ông ta thường xuyên đến phố nhà tôi, một phố buôn bán sầm uất, để thăm hỏi các khách hàng, xem họ có vừa lòng với sản phẩm trên thị trường không, có thắc mắc chê bai gì hội đồng địa phương không.

Đó là chưa kể có hai vị dân biểu thuộc hội đồng địa phương gửi thư chúc mừng tôi đúng vào dịp sinh nhật 70 tuổi của tôi cách đây 2 năm. Thư chúc mừng in rất đẹp. Tôi vỡ nhẽ ra rằng các dân biểu muốn tiếp tục chức vụ thì họ phải làm thế nào để dân chúng tin họ và yêu mến họ.

Văn hóa

Văn hóa Úc = Văn hóa Anh + Văn hóa Mỹ. Nhà cửa cổ ở trung tâm Sydney có kiến trúc đặc Anh. Nhà cửa mới, từ building đến nhà dân hiện nay, đặc Mỹ. Thí dụ cửa ra vào nhà rất hẹp (Anh), mặc dù người Úc to béo rất nhiều. Tên phố không rõ ràng như Paris hay Hà-nội cũ. Số nhà nhiều chỗ không tìm thấy (giống Mỹ?). Nhưng Úc là đất nước của các vườn hoa tuyệt vời. Có thể đi chơi lang thang suốt ngày không chán trong Sydney Royal Botanic Garden, hay Centennial Park, rộng mênh mông, xe hơi có thể chạy vòng quanh mà cảm thấy như đang đi trong một khu phố rộng, mãi mới hết một vòng. Có thể picnic trong đó thỏa chí. Có bếp lò cho bạn nấu nướng. Có máy nước để rửa ráy. Có nhà vệ sinh sạch sẽ cho bạn xả lũ,…

Giao thừa năm mới ở Sydney có thể nói là hoành tráng, tuyệt mỹ, bõ tiền vé máy bay đến Sydney du lịch. Videos quay cảnh giao thừa chỉ bằng 1% so với thực tế. Không tin cứ đến Sydney thử một lần xem sao. Còn gì bằng khi thấy sắc mầu rực rỡ và mưa sa ánh sáng trên cầu Harbour Bridge, trên mái nhà Sydney Opera House, được mặt nước biển óng ánh ban đêm phản chiếu? Mọi sự mô tả của tôi chỉ là một cố gắng nhỏ nhoi không thể chấp nhận được nếu bạn đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng này. Đáng nhớ nhất là kết thúc pháo hoa, mọi người ôm lấy nhau mà hôn, mà chúc tụng nhau một năm mới đẹp đẽ, đúng như ĐẠO YÊU THƯƠNG mà tôn giáo răn dạy.

Cộng đồng Việt ở Úc

Cộng đồng Việt ở Úc có một thời bị mang tiếng vì những vụ buôn lậu ma túy. Nhưng nhiều người Việt giỏi giang khác đã lấy lại vị thế cho người Việt ở đây bằng những đóng góp xuất sắc của họ. Người Việt được thừa nhận là một sắc tộc rất thông minh.

3/ ĐƯỢC VÀ MẤT Ở ÚC

Thật khó để nói về điều này, và có lẽ không thể có câu trả lời chung. Mỗi người, tuy theo hoàn cảnh, trình độ nhận thức, sẽ có câu trả lời riêng.

Tôi nghe kể có một số người ở các làng quê Việt Nam hiện nay, kinh tế rất khó khăn, đã cho con đi du học ở Úc, mặc dù không có một xu dính túi. Đó là chuyện rất lạ. Nhưng tìm hiểu kỹ thì không có gì đáng ngạc nhiên lắm: nếu con của họ còn nhỏ, học cấp I hoặc cấp II, cha mẹ có quyền đi theo con để chăm sóc. Sang Úc, họ đi làm chui, kiếm được từ 2000 đến 3000 AUD/tháng, đủ để vừa trả học phí cho con, vừa ăn ở ở Úc, thậm chí còn dư chút đỉnh để dành làm vốn. Với những người này, nước Úc quá tuyệt vời. Nhưng không phải ai cũng như thế, vì đi làm chui là một nỗi cơ cực, chỉ có những người rất bế tắc mới chọn con đường này.

Ngược lại, có nhiều người Việt cao tuổi ở Úc, vì thấm đẫm văn hóa Việt, nên lúc nào cũng tưởng nhớ quê cha đất tổ, thậm chí muốn về Việt Nam sống nốt tuổi già.

Tuy nhiên, những người có nhiều thú vui trí tuệ và tư tưởng sẽ không có thì giờ để buồn nhớ, bởi họ luôn bận rộn vui thú với những suy tưởng và triết lý, khám phá và cống hiến, vượt lên trên ngoại cảnh.

Tóm lại, không nên tìm một công thức cho cái được và mất ở Úc. Chỉ có cái được và mất của từng cá nhân, tùy theo nhận thức của người ấy về bản chất của hạnh phúc. Có quá nhiều thí dụ để chỉ ra rằng hạnh phúc phụ thuộc chủ yếu vào quan điểm sống và cảm nhận về thế giới của từng cá nhân.

Rốt cuộc, tôi nhận ra rằng chỉ có MINH TRIẾT, tiếng Anh là “wisdom”, tiếng Pháp là “sagesse”, mới thực sự giúp ta nhận ra chân tướng của sự vật, của thế giới, của con người, của lẽ sống… chứ không phải toán học, hay vật lý, hay bất cứ thứ khoa học nào khác nói chung.

Tuy nhiên, khoa học – những kho báu tôi khám phá ra ở Úc – có những bài học tuyệt vời giúp ta tiến tới minh triết thông qua triết học khoa học (philosophy of science), tồi tiến tới triết học nhận thức (cognitive philosophy), từ đó hình thành nên một nhận thức luận (epistemology) ngày càng tiến gần tới sự thật hơn. Một lần nữa, tôi muốn nói rằng những bài học đó là những kho châu báu vàng ngọc mà “tiền và rất nhiều tiền” cũng không mua được.

Giống như trong “Một nghìn một đêm lẻ”, Aladin mở các kho châu báu của mình bằng câu thần chú: “Vừng ơi, mở ra!”, tôi cũng mở các kho báu của tôi bằng câu thần chú của tôi: “Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp!”.

PHẦN II – NHỮNG KHO BÁU MINH TRIẾT

 

Abstract: Man has two essential needs: food for the body and food for the soul. Science and technology produce food for the body, philosophy and THE TAO produce food for the soul. In Australia, food for the body is always full for everyone to exist, while food for the soul is never enough for the ones who desire to know THE TRUTH. That’s why, food for the soul is the most precious treasure in human life.

Tóm tắt: Con người có hai nhu cầu thiết yếu: thức ăn cho cơ thể và thức ăn cho linh hồn. Khoa học và công nghệ tạo ra thức ăn cho thể xác, triết học và ĐẠO tạo ra thức ăn cho linh hồn. Tại Úc, thức ăn cho thể xác luôn luôn đầy đủ cho mọi người tồn tại, trong khi thức ăn cho linh hồn không bao giờ đủ cho những ai khao khát muốn hiểu LẼ THẬT. Vì thế thức ăn cho linh hồn là kho báu quý giá nhất trong đời người.

1/ Kho báu thứ nhất: Định lý Bất toàn của Kurt Gödel (Gödel’s Theorem of Incompleteness)

Để tìm hiểu kho báu này, xin vui lòng tham khảo:

2/ Kho báu thứ hai: Sự thật ngụy khoa học của Thuyết tiến hóa Darwin (The Myth of Darwinism – A pseudo-science)

3/ Kho báu thứ ba: Những định luật nền tảng về sự sống do Louis Pasteur khám phá (Pasteurian Fundamental Laws of Life)

Pasteur là ân nhân của toàn nhân loại, vì khám phá ra bí mật của vi trùng và virus, cứu sống hàng triệu, hàng tỷ người trên trái đất, đống thời là che đẻ của phương pháp “Pasteurisation”, cha đẻ của miễn dịch học (vaccination). Nhưng dường như chúng ta biết rất ít về vị đại ân nhân của chúng ta. Đó là lý do tôi sửng sốt khám phá ra rằng công lao của Pasteur đối với khoa học, không chỉ có như thế ─ ông đồng thời còn là nhà khoa học khám phá ra những quy luật nền tảng của sự sống, sánh ngang với Định luật vạn vật hấp dẫn của Newton hoặc Thuyết tương đối của Einstein. Tiếc thay, không rõ vì lý do gì, RẤT ÍT người biết những đóng góp vĩ đại đó của Pasteur: Định luật bất đối xứng của sự sống (Pasteurian Law of Life Asymmetry) và Định luật Tạo sinh (Pasteurian Law of Biogenesis). Để biết những sự thật này, xin đọc:

4/ Kho báu thứ tư: Bí mật của Chữ VẠN (Swastika)

  • Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao dấu thập ngoặc của Hitler giống hệt chữ VẠN ở nhà chùa không? Bách khoa toàn thư và sách lịch sử ở Úc đã giúp tôi giải mã bí mật này, và tôi đã trình bày kết quả trong bài “Swastika: Lịch sử ít người biết”. Bài đã đăng trên báo Văn Nghệ và tạp chí Khoa học & Tổ quốc ở Việt Nam. Bạn có thể tìm đọc trên mạng:

https://viethungpham.com/2010/08/19/l%E1%BB%8Bch-s%E1%BB%AD-it-d%C6%B0%E1%BB%A3c-bi%E1%BA%BFt-v%E1%BB%81-swastika-2/

5/ Kho báu thứ năm: Triết học Nhân sinh và ĐẠO (Human Philosophy and The TAO)

Rất nhiều người, sau những nhọc nhằn mưu sinh, nhiều lúc vắt tay lên trán tự hỏi: Tại sao con người cứ phải khổ sở suốt ngày chạy vạy lo miếng ăn, cơm áo gạo tiền như thế, để rồi một lúc nào đó trưởng thành hơn sẽ hình thành nên trong đầu những câu hỏi của bản thể luận mà các nhà triết học ngàn đời nay vẫn hỏi: Con người là gì? Ta sinh ra trên đời để làm gì?….

Tôi là một trong số những người có mối băn khoăn đó. Có người bảo: “Việc gì mà phải lao tâm khổ tứ với những chuyện trên trời. Cứ sống bình thản như con kiến, con chim có phải tốt hơn không?”. Tôi nói: “Bạn khuyên cũng đúng. Nhưng bạn ơi, xã hội loài người có bình yên như xã hội loài kiến hay loài chim đâu? Vì đạo đức suy đồi, chiến tranh liên miên, vận mệnh loài người ngàn cân treo trên sợi tóc, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tội ác, khủng hoảng môi trường,… Vì thế bình thản như con kiến, con chim khó quá. Con người ngày nay quá bận với chức năng kiếm mồi, nhưng quên lãng chức năng làm người, một chức năng vốn cao quý lắm, vì thế làm sao mà không tự hỏi chúng ta là gì, ta sinh ra trên đời để làm gì, để rồi cố gắng trả lời những câu hỏi ấy, sao cho cuộc đời hạnh phúc hơn, hả bạn?”. Vâng, tôi đã cố gắng trả lời trong nhiều bài báo đã đăng trên nhiều báo ở Việt Nam như Văn Nghệ, Khoa học & Tổ quốc, và trên mạng. Tôi đặt tên cho tuyển tập những bài báo đó là:

6/ Kho báu thứ sáu: Lý thuyết Thông tin và vấn đề Bản chất của Ý thức (Theory of Information and the Secret of Consciuosness)

Lý thuyết Thông tin là một trong những kho báu lớn nhất mà tôi đã kiếm được trong những năm vừa qua. Nó thực sự là một cuộc cách mạng về nhận thức, nó buộc tư duy duy vật thô thiển phải thay đổi khi nêu lên hai tiên đề cơ bản:

Tiên đề 1: Thông tin là một hiện thực khách quan phi vật chất, độc lập với vật chất, mặc dù nó biểu lộ thông qua vật chất → Universe = Material + Energy + Information + x → Bác bỏ Thuyết tiến hóa Darwin.

Tiên đê 2: Mọi thông tin đều có NGUỒN trí tuệ thông minh → Tồn tại những tầng thế giới siêu hình.

Xin tìm đọc những bài thích hợp trong hai nguồn sau đây:

7/ Kho báu thứ bảy: Định luật Entropy/Quy luật Tàn lụi (The Law of Entropy)

Đó là Định luật 2 của Nhiệt động lực học, do Sadi Carnot và Lord Kelvin khám phá từ cuối thế kỷ 19, trở thành một trong những định luật phổ quát của tự nhiên, tương tự như Định luật vạn vật hấp dẫn của tự nhiên. Điều hết sức bất ngờ là định luật này đúng không chỉ trong vật lý, mà trong cả thông tin và nhiều quá trình xã hội. Xin tìm hiểu sự thật về định luật này tại những nguồn sau đây:

Định luật này cũng bác bỏ Thuyết tiến hóa Darwin, vì Định luật Entropy chứng minh rằng trật của mọi hệ thống đều suy giảm, trong khi Thuyết tiến hóa cho rằng trật tự của sự sống ngày càng tăng lên (tiến hóa).

8/ Kho báu thứ tám: Ý thức – Bài toán không giải được của khoa học vật chất (Consciousness – Unresolvable of Science)

  • Luận đề Descartes về ý thức (Thèse Cartesienne de la conscience): Con người = Thể xác + Linh hồn. Descartes nói lời cuối trước khi ra đi khỏi thế giới: “Allons, s’en va mon âme!”.
  • Clive Stepples Lewis: “You have no a soul, you ARE a soul, and you have a body”.
  • Quan điểm nhất nguyên về bản chất con người (Monistic philosophy of human nature) → chết là hết → mâu thuẫn với Đạo thờ cúng tổ tiên của người Việt.
  • Quan điểm nhị nguyên (Dualism): Descartes, Kurt Gödel
  • “Bộ não là một chiếc máy tính được kết nối với một linh hồn” (Kurt Gödel)
  • “Ý thức được kết nối với một cái toàn thể” (Kurt Gödel)
  • “Con người là tạo vật duy nhất từ chối trở thành cái mà anh ta phải là” (Albert Camus)
  • “Người là cái đức của trời đất, sự giao hợp của âm dương, sự tụ hội của quỷ thần…” (Nho giáo)
  • “Đối với sinh học, ý thức là vấn đề thứ yếu… nhưng với Phật giáo, ý thức là đặc tính HÀNG ĐẦU của sự sống” (Đạt Lai Lạt Ma, Vũ trụ trong một nguyên tử, NXB Nhã Nam, 2015)
  • “Ta hãy dựng nên loài người theo hình ảnh Ta và giống Ta” (Kinh Thánh)
  • Hệ tiên dề về ý thức (Phạm Việt Hưng)

Hiểu biết về bản chất của ý thức sẽ quyết định thế giới quan. Xin tìm đọc:

 

PHẦN III – NGUỒN TƯ LIỆU

 

1/ NHỮNG BÀI BÁO ĐÃ ĐĂNG

“Possible & Impossible”, SIGNS of the Times, Oct 1999. Email from SIGNS of The Times: “Despite an understandable difficulty with English (English is quite a stupid language), your writing is very readable and enlighteneing”.

Báo tiếng Việt ở Úc

Báo tiếng Việt ở Việt Nam: Tia Sáng / Khoa học & Tổ quốc / Khoa học & Đời sống / Văn Nghệ / Tuổi Trẻ / Lao Động / Kiến thức ngày nay / Tri thức trẻ / VnExpress / Vietnamnews

Đại Kỷ Nguyên http://www.dkn.tv/tag/tac-gia-pham-viet-hung

Vietsciences http://vietsciences.free.fr/design/cht_tg-phamviethung.htm

Truesciencesite https://truesciencesite.wordpress.com/

PhamViethạmHung’s Home https://viethungpham.com/

 

2/ SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN

Những câu chuyện khoa học hiện đại, Phạm Việt Hưng, NXB Trẻ 2004

Phương trình của Chúa (Câu chuyện về phương trình thâu tóm cả vũ trụ), Amir Aczel, PVHg dịch, NXB Trẻ 2014

Định lý cuối cùng của Fermat, Simon Singh, Người dịch Phạm Văn Thiều và Phạm Việt Hưng, NXB Trẻ 2004

Từ xác định đến bất định, David Peat, người dịch PVHg dịch, NXB Tri Thức, 2011

Kỷ yếu Đại học Humboldt, kinh nghiệm giáo dục thế giới và VN, Trang 353

Kỷ yếu Hạt Higgs và Mô hình Chuẩn, Trang 265

Minh triết, giá trị văn hóa đang phục hưng, Trang 143

 

PHẦN IV – KẾT LUẬN

 

  • All the history of human life has been a struggle between wisdom and stupidity (Philip Pullman)
  • “Chỉ có hai thứ vô hạn: vũ trụ và cái ngu của con người; tôi không chắc về vũ trụ” (Albert Einstein)
  • “Tính đa số của những người ngu xuẩn là vô địch và thiên thu trường tại” (Albert Einstein)
  • “Cái duy nhất có giá trị: TRỰC GIÁC” (Albert Einstein)
  • “Tư duy trực giác là quà tặng thiêng liêng; tư duy lý luận là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội vinh danh tên đầy tớ và bỏ quên món quà tặng” (Albert Einstein)
  • “Đừng tôn trí tuệ lên thành chúa, nó chỉ có sức mạnh cơ bắp nhưng phi nhân tính” (Albert Einstein)
  • “Ít có ai thanh thản nói ra ý kiến đi chệch khỏi định kiến của chung quanh; phần đông thậm chí không đủ sức có được những ý kiến như thế” (Albert Einstein)
  • “Con người chỉ là một cây sậy, một thứ yếu ớt nhất trong tự nhiên, nhưng là một cây sây có tư tưởng” (Blaise Pascal)

Vậy con người hãy trở lại với vị trí cao quý vốn có của mình, lấy ĐẠO làm định hướng cốt lõi, tôn thờ cái Cái Đẹp, cái Cao Cả, cái Thiêng liêng, lấy yêu thương tha nhân làm ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Hãy gạt bỏ mọi chia rẽ, hận thù, đề cao tình huynh đệ anh em như bản “Giao hưởng Niềm vui” của Ludwig van Beethoven (The Hymn of Joy, excerpt from Symphony No 9), mà EU lấy làm Quốc ca, đã tuyên thệ như một lẽ sống của xã hội văn minh hiện đại!

 

PVHg 04/11/2017

7 thoughts on ““Aide-toi, le Ciel t’aidera” / “Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp”

  1. cháu có nhớ trong Kinh Thánh đã từng ghi: “Anh em đừng có lo lắng cho ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo, Cha Trên Trời thừa biết anh em cần gì, anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho”
    Giờ cháu mới hiểu ý nghĩa một phần của ý Chúa dậy: phải luôn cố gắng lao động bằng chính công sức của mình, không phải ngồi “há miệng chờ Thiên Chúa ban ơn”, rồi tới một lúc nào đó, khi công sức làm việc vất vả của mình đã được đẹp lòng Chúa, Người sẽ tự khắc ban ơn và giúp đỡ cho chúng ta. Đó cũng chính là ý nghĩa của : Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp” đúng không Bác?

    Thích

  2. Đọc qua danh mục 8 kho báu được nêu ở trên, tự dưng trong người con sướng run lên, tim đập thình thịch vì khoan khoái thầy Hưng ạ. Bao nhiêu thắc mắc lâu nay đều nằm cả ở bài này. Cảm giác này ko khác cảm giác trúng vietlotte là mấy 😀
    Thầy có 1 kho kiến thức khổng lồ để đi đến kết luận về thế lực siêu nhiên. Con cũng đồng quan điểm với thầy về toàn bộ kết luận nhưng con chỉ rút ra được kết luận giống thầy nhờ trải nghiệm về việc tìm hiểu các môn huyền bí, về trải nghiệm thực tế cuộc sống và suy luận. Sống trong XH VN trọng duy khoa học làm con thấy bối rối, cho đến khi tình cờ thấy blog của thầy và đọc ngấu nghiến. Một niềm tin có thể nói là chính thống đã được xác nhận nhờ kho kiến thức của thầy.
    Xin cám ơn thầy.
    Có thể hiểu một điều, thầy là một nhân tố được đấng toàn năng gửi đến để giúp nhân loại bước tiếp cao hơn.

    Thích

  3. Pingback: Les 21 aide toi et le ciel t aidera – fr.aldenlibrary.org

Bình luận về bài viết này