Story of “like-parrot” intellectuals / Chuyện trí thức hủ nho

In all times and in everywhere, there are always two kind of intellectuals: the true and the fake ones. While true intellectuals are often ready to challenge dogmas that they doubt and speak out their own thoughts, the fake ones only copy and repeat opinions of their masters as parrots imitate human’s voices. The problem is how to recognize a “like-parrot” intellectual…

Trong mọi thời đại và ở khắp mọi nơi, luôn có hai loại trí thức: trí thức thật và trí thức hủ nho. Trong khi trí thức thật thường sẵn sàng thách thức những giáo điều mà họ nghi ngờ và nói ra suy nghĩ riêng của họ thì giới hủ nho chỉ sao chép và nhắc lại quan điểm của các sư phụ của họ như con vẹt bắt chước tiếng người. Vấn đề là làm thế nào để nhận ra một trí thức hủ nho…

Đặc điểm nổi bật của đám hủ nho là tính chất “HỌC GIẢ” (fake intellectual), thích khoe chữ nghĩa cao siêu phức tạp, sính chủ nghĩa hình thức, đo trí tuệ thông qua số lượng chữ nghĩa, bằng cấp, học vị, học hàm, “số lượng bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành”…

Đặc điểm thứ hai của đám hủ nho là học cốt để làm quan, học để được danh giá, được hưởng bổng lộc suốt đời. Vì thế, bất kể cái gì đe dọa tới bổng lộc đều bị bọn hủ nho xúm nhau chống lại.

Đặc điểm thứ ba là đám hủ nho rất sợ sự thật, sợ đối chất với sự thật, sợ người tài giỏi, ghen tị đố kị với người tài giỏi, vì lo người tài giỏi sẽ bóc trần cái “học giả” của họ, làm họ bẽ mặt, mất uy tín.

Cả ba đặc điểm nói trên đều được phản ánh rất kịch tính trong tích truyện “Gia Cát Lượng khua lưỡi bẻ bọn nho”. Đó là một trong những tích hay nhất của Tam Quốc Diễn Nghĩa, một câu chuyện điển hình về sự đối lập giữa tính cách hủ nho với người có tài thực sự. Xin kể lại nguyên văn dưới đây, hy vọng không làm mất thì giờ của độc giả.

……………….

Khổng Minh đến dưới trướng, đã thấy bọn Trương Chiêu, Cố Ung, toàn ban văn võ hơn hai chục người, mũ cao đai rộng, y phục chỉnh tề, ngồi có thứ tự rồi, Khổng Minh chào hỏi từng người, thông tính danh đâu đấy, rồi đến ngồi trên ghế tân khách.

Bọn Trương Chiêu thấy Khổng Minh phong thái đàng hoàng, tự nhiên, độ lượng, khảng khái, biết rằng người này tất là người đi thuyết khách. Trương Chiêu mới gợi trước rằng:

– Chiêu tôi là một kẻ học trò ngu hèn bên Giang Đông, lâu nay vẫn được nghe tiếng tiên sinh nằm khểnh trong Long Trung, ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị, lời ấy chẳng biết thực hay hư?

Khổng Minh đáp:

– Phải. Lượng tôi cũng có hợm mình mà ví thế.

Chiêu lại nói:

– Mới đây, tôi mới nghe Lưu Dự Châu ba lần cầu đến tiên sinh ở trong lều tranh, may được tiên sinh như cá được nước, những toan thu sạch cả Kinh Tương, thế mà nay chỉ có một buổi sáng mà về tay Tào Tháo hết; chẳng hay ông thế nào?

Khổng Minh nghĩ thầm rằng: “Trương Chiêu là tay mưu sĩ bậc nhất của Tôn Quyền, nếu mình không áp đảo được hắn thì sao thuyết phục được Tôn Quyền?”. Bèn đáp rằng:

– Kể lấy đất Hán Thượng, ta coi dễ như trở bàn tay, hiềm vì chủ ta là Lưu Dự Châu, muốn làm điều nhân nghĩa, không nỡ cướp cơ nghiệp của người đồng tông, cho nên nhất định không lấy. Lưu Tôn là một đứa trẻ thơ, tin nghe lời nịnh, bí mật hàng Tào, cho nên mới để cho Tào Tháo ngông cuồng. Nay chủ ta đóng quân ở Giang Hạ, sẽ có kế khác, những kẻ tầm thường có hiểu sao được?

Chiêu nói:

– Nếu thế thì tiên sinh lời nói không đi đôi với việc làm rồi. Tiên sinh đã ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị, mà Quản Trọng ngày xưa giúp Hoàn công trị được chư hầu, định được thiên hạ; Nhạc Nghị ngày xưa giúp nước Yên đương suy yếu mà hạ được hơn bảy mươi thành nước Tề. Hai người ấy thực là có tài tế thế. Tiên sinh thì trước ở trong lều tranh, chỉ cười phong cợt nguyệt, xếp gối ngồi cao; Nay đã theo Lưu Dự Châu, thì phải vì dân mà mưu điều lợi, bỏ điều hại, dẹp trừ kẻ loạn tặc mới phải chứ! Vả khi tôi xem Lưu Dự Châu chưa được tiên sinh, ai cũng mong ngóng, đến đứa trẻ con cũng cho đó là hổ sinh cánh, nhà Hán sắp sửa lại hưng, họ Tào sắp đổ. Cựu thần trong triều đình, ẩn sĩ nơi rừng rú, ai cũng lau mắt chờ xem, tưởng là tiên sinh với Lưu Dự Châu, sắp xua tan mây mù trên trời cao, để cho thiên hạ lại được nhìn thấy ánh sáng mặt trời mặt trăng; cứu vớt dân ra khỏi cơn nước lửa, giúp đỡ thiên hạ yên ổn làm ăn, chính là lúc này vậy. Ai ngờ từ khi tiên sinh về với Dự Châu, quân Tào mới đến, đã bỏ giáp quẳng gươm, trông thấy bóng là chạy; trên không báo được Lưu Biểu, để yên thứ dân; dưới lại chẳng giúp được con côi, giữ lấy bờ cõi, bỏ Tân Dã, chạy khỏi Phàn Thành; thua Đương Dương, chạy ra Hạ Khẩu, chẳng có lấy một chỗ dung thân. Thế chẳng hoá ra Dự Châu từ khi được tiên sinh lại không bằng trước ư? Quản Trọng, Nhạc Nghị chắc cũng như thế đó ư? Đó là mấy lời quê kệch, xin tiên sinh đừng chấp.

Khổng Minh nghe xong, cười ha hả mà rằng:

– Cái chí khí của chim bằng, các loại chim há biết được sao? Ví như người bệnh nặng, trước hết phải cho uống nước cơm, nước cháo, thuốc thang; lúc nào phủ tạng điều hoà, thân thể hồi phục, bấy giờ mới cho bổ bằng cá thịt, trị bằng thuốc mạnh, thì gốc bệnh mới tiệt, sinh mệnh mới an toàn. Nếu bệnh còn nặng, phủ tạng còn yếu, đã trị ngay bằng thuốc mạnh, bổ ngay bằng vị ngon, thì khó lòng chữa khỏi được. Chủ ta, trước thua ở Nhữ Nam, đến nhờ Lưu Biểu, quân không đầy một nghìn, tướng chỉ có Quan, Trương, Triệu chính là lúc bệnh đang nguy ngập. Tân Dã là một huyện nhỏ, hẻo lánh, dân cư thưa thớt, lương thực ít ỏi, chủ ta chẳng qua đến nương tạm đó mà thôi, có phải muốn khư khư ngồi giữ cái xó ấy đâu? Trong hoàn cảnh quân sĩ không sẵn, thành quách không bền, quân không luyện tập, chạy ăn từng bữa, thế mà lửa cháy Bác Vọng, nước ngập Bạch Hạ, khiến bọn Hà Hầu Đôn, Tào Nhân phải lòng run mật vỡ; thiết tưởng Quản Trọng, Nhạc Nghị dùng binh cũng vị tất đã hơn gì! Đến như Lưu Tôn hàng Tào, Dự Châu hoàn toàn không biết; vả lại, không nỡ nhân lúc loạn mà cướp lấy cơ nghiệp người đồng tông. Thật là đại nhân, đại nghĩa! Còn trận thua ở Đương Dương, vì có vài vạn dân, già trẻ dắt díu nhau đi theo, không nỡ bỏ, nên mỗi ngày chỉ đi được mười dặm, không thiết đến lấy Giang Lăng, cam chịu thất bại, ấy cũng là đại nhân đại nghĩa vậy. Còn như ít không địch được nhiều, thì được thua chỉ là việc thường thôi. Ngày xưa vua Cao tổ luôn thua Hạng Vũ, sau chỉ một trận ở Cái Hạ là thành công; đó không phải là mẹo tài của Hàn Tín đó ư? Tín thờ Cao tổ đã lâu cũng không mấy khi thắng; bởi vì kế lớn nhà nước, xã tắc an nguy, đều đã có chủ trương. Không như cái lũ khoác lác hư danh, bịp bợm, ngồi một xó mà lý thuyết suông thì không ai bằng; đến lúc có việc thì trăm phần chẳng được phần nào, thật đáng để cho thiên hạ chê cười!

Bị thuyết một hồi, Trương Chiêu không còn thở ra được câu nào nữa. Lại có một người cất tiếng hỏi rằng:

– Nay Tào Tháo quân hàng trăm vạn, tướng ước nghìn viên, uy thế như rồng như hổ, nuốt chửng Giang Hạ, ông bảo làm sao?

Khổng Minh trông xem ai, thì là Ngu Phiên. Khổng Minh nói:

– Tào Tháo thu quân rơm rác của Viên Thiệu, nhặt quân ô hợp của Lưu Biểu, dù đông mấy trăm vạn cũng không đáng sợ gì hết.

Ngu Phiên cười mát:

– Quân thua ở Đương Dương, kế cùng ở Hạ Khẩu, đi van xin cứu viện không xong, còn nói không sợ, thật là khoác lác để bịp người đó thôi!

Khổng Minh đáp:

– Lưu Dự Châu đem vài nghìn quân nhân nghĩa địch sao được trăm vạn quân tàn bạo? Lui về giữ Hạ Khẩu là để chờ thời cơ đấy! Nay Giang Đông, binh tinh lương đủ, lại có sông Trường Giang hiểm trở, thế mà còn xui chủ uốn gối hàng giặc. Từ đó mà suy, thì Lưu Dự Châu thật không sợ gì giặc Tháo vậy!

Ngu Phiên chịu cứng. Lại có một người lên tiếng hỏi:

– Khổng Minh muốn uốn lưỡi Tô Tần, Trương Nghi sang làm thuyết khách ở Giang Đông này chăng?

Khổng Minh nhìn xem ai thì là Bộ Trắc, bèn đáp rằng:

– Bộ Tử Sơn chỉ biết Tô Tần, Trương Nghi là biện sĩ, chuyên nghề nói mép, chứ chưa biết Tô Tần, Trương Nghi cũng là những trang hào kiệt. Tô Tần đeo ấn làm tướng sáu nước, Trương Nghi hai lần làm tướng nhà Tần, đều có tài giúp gây nên cơ nghiệp, đâu thèm so sánh với những kẻ sợ thế mạnh, lấn người yếu, tránh kiếm, lẩn đao. Các ngươi mới nghe thấy Tào Tháo phao tin đã vội co vòi xin hàng rồi, còn dám cười Tô Tần, Trương Nghi sao được?

Bộ Trắc im ngay, không dám nói gì nữa.

Lại có một người hỏi rằng:

– Thế Khổng Minh cho Tào Tháo là người thế nào?

Khổng Minh nhìn xem ai, thì là Tiết Tung bèn đáp rằng:

– Tào Tháo là giặc nhà Hán, can gì phải hỏi?

Tung nói:

– Ông lầm rồi. Nhà Hán truyền ngôi kế thế mãi đến nay, số trời sắp hết, giờ đây, Tháo đã nắm được hai phần ba thiên hạ rồi, nhân tâm ai cũng quy phục cả. Duy chỉ có Lưu Dự Châu không biết thiên thời, muốn gượng tranh với Tháo, khác nào trứng chọi với đá, sao chẳng thất bại?

Khổng Minh quát to lên rằng:

– Tiết Kính Văn sao dám thở ra câu vô quân, vô phụ vậy? Người ta sinh ra ở đời phải lấy trung hiếu làm cốt. Ông đã làm tôi nhà Hán, nếu kẻ nào phản nghịch, phải thề giết nó đi, mới là phải đạo. Nay tổ tông Tào Tháo đời đời ăn lộc nhà Hán, Tháo đã không nghĩ báo ơn, lại mang lòng phản nghịch, thiên hạ đều oán ghét cả. Ông lại dám đổ cho số trời, thật là con người vô quân vô phụ, không xứng đáng bàn luận! Chớ có nói nữa!

Tiết Tung đỏ mày xay mặt, câm như miệng hến. Lại một người hỏi rằng:

– Tào Tháo tuy rằng mượn tiếng thiên tử để sai khiến chư hầu, nhưng cũng còn là con cháu ông tướng quốc Tào Tham ngày xưa. Lưu Dự Châu vẫn tự xưng là dòng dõi Trung Sơn Tĩnh vương, nhưng không có bằng cớ nào; hiện mắt trông thấy chỉ là một người dệt chiếu, bán giày, sánh với Tào Tháo sao được?

Khổng Minh nhìn xem ai, thì là Lục Tích, liền cười nói rằng;

– Ông có phải là người ăn cắp quýt ở trong bữa tiệc của Viên Thiệu đó không? Xin hãy ngồi nghe ta giảng giải cho: Tào Tháo đã là con cháu tướng quốc họ Tào, thì là đời đời làm tôi nhà Hán, nay dám chuyên quyền ngang ngược, khinh nhờn cả vua; như thế hắn không những là vô quân mà lại là khinh cả tổ tiên mình; không những là loạn thần nhà Hán, mà còn là đứa con bất hiếu của họ Tào nữa. Lưu Dự Châu đường đường một đấng tôn thất, đương kim hoàng đế hiện đã xét gia phả và phong tước cho, sao dám bảo là không có căn cứ? Vả đức Cao tổ ngày xưa, xuất thân làm đình trưởng, mà sau được thiên hạ, thì dệt chiếu, bán giày có gì là nhục? Kiến thức ông như trẻ con, không nên ngồi nói chuyện với cao sĩ.

Lục Tích ngồi im thin thít.

Lại có người hỏi rằng:

– Khổng Minh chỉ được cái già mồm lý lẽ, không phải là chính luận; không cần dài dòng làm gì nữa, hãy xin hỏi Khổng Minh đã học được những sách gì?

Khổng Minh nhìn xem thì là Nghiêm Tuấn, liền đáp:

Tìm từng chương, dò từng câu, chỉ là bọn hủ nho mà thôi, sao có xây dựng được nước non cơ nghiệp? Vả như ngày xưa Y Doãn cày ở đất Sằn, Tử Nha câu trên sông Vị, Trương Lương, Trần Bình, Đặng Vũ, Cảnh Cam, đều có tài giúp nước cả, mà cũng không cần xét xem ngày thường học những sách vở gì! Có đâu lại bắt chước bọn thư sinh, bo bo sách vở, cãi đen bàn trắng, múa văn khua bút đó ư?

Nghiêm Tuấn cúi đầu tiu nghỉu ngồi im. Lại một người lớn tiếng hỏi:

– Ông chỉ được việc nói khoác là giỏi, vị tất đã có thực học, tôi chỉ sợ bọn nhà nho cười cho thôi.

Khổng Minh nhìn xem thì là Trình Đức Khu ở Nhữ Nam, liền đáp:

– Nho cũng có nho quân tử, cũng có nho tiểu nhân. Nho quân tử thì trung vua yêu nước, giữ chính ghét tà, chuyên làm những điều ích lợi chung, tiếng để đời sau. Còn như loại tiểu nhân thì chỉ gọt dũa văn chương, miệt mài nghiên bút; còn trẻ làm phú, đầu bạc đọc kinh, dưới bút dẫu có nghìn lời, trong bụng không được một mẹo. Xem như Dương Hùng văn chương có tiếng một đời, mà phải hạ mình đi thờ Vương Mãng rồi cũng đâm đầu xuống lầu mà chết. Thế gọi là nho tiểu nhân, dẫu ngày làm hàng vạn câu thơ, cũng có ích gì đâu!

Trình Đức Khu cũng ứ cổ nốt.

Các tướng thấy Khổng Minh ứng đối như nước chảy, ai cũng sợ mất vía.

………………………….

Tất cả các hủ nho trong câu chuyện nói trên đều biểu lộ sự ghen tức và đố kị một cách đáng thương. Đây là căn bệnh thảm hại nhất của con người nói chung, mà giới hủ nho biểu lộ ra rõ rệt hơn ai hết. Trong số các hủ nho đó, có lẽ nổi bật nhất là Nghiêm Tuấn và Trình Đức Khu. Hai gã này không biết vặn vẹo gì nữa, đành làm một việc tầm thường nhất là truy hỏi số lượng sách vở Khổng Minh đã đọc, giống như ngày nay người ta thường hỏi bạn có bằng cấp gì, học hàm gì, học vị gì, bạn có bao nhiêu bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành, bạn được xếp hạng thứ mấy trong các kỳ thi, bạn đã đoạt những giải thưởng gì,… Tóm lại là bạn có những hình thức gì để khoe thì hãy khoe ra. Đó là thước đo của xã hội văn minh hiện đại đấy!

Trong một phiên bản khác của Tam Quốc Diễn Nghĩa mà tôi đã từng đọc khoảng 60 năm trước đây, lời đáp của Khổng Minh đối với hai gã hủ nho Nghiêm Tuấn và Trình Đức Khu còn sắc bén quyết liệt hơn nhiều. Đại ý như sau:

Ta đây đọc sách, trăm kinh vạn quyển, đông tây kim cổ, thứ gì ta cũng đọc. Nhưng ta đây đọc sách chỉ cốt nắm lấy ý đại lược, chứ không như bọn hủ nho dò từng câu đếm từng chữ…”.

Đó là một cái tát vào mặt giới hủ nho, nhưng e rằng giới này không hiểu. Bởi nếu hiểu thì đã chẳng thành hủ nho. Trong nghề dạy học, tôi thường đem câu nói này của Khổng Minh ra để nói với sinh viên, học sinh, rằng phải học như Khổng Minh, đừng học như lũ hủ nho. Nhiều sinh viên rất tán thưởng. Nhưng tôi cũng thấy trong đám học trò, trong các thầy cô giáo, và nói rộng ra trong toàn thế giới trí thức, giới học thuật chuyên môn trong mọi thời đại, ở bất kỳ đâu, vẫn luôn luôn tồn tại một đám trí thức hủ nho. Đám này cản trở sự tiến bộ, làm méo mó nhận thức của người học và của toàn xã hội.

Chẳng hạn trong một sách giáo khoa toán phổ thông cách đây khoảng hơn hai chục năm, bỗng nhiên xuất hiện cái gọi là “Tiên đề Ơ-clit”. Trước đó, tiên đề này vẫn được gọi là “Tiên đề đường song song” hoặc “Tiên đề 5”. Tôi đã viết bài phê bình sách giáo khoa về việc này, rằng việc đặt tên như thế gây ra những hiểu lầm trong nhận thức của học sinh, làm cho các em tưởng Euclid có một và chỉ một tiên đề, và đó là “Tiên đề Ơ-clit”. Một nhà giáo dục đã lớn tiếng bênh vực sách giáo khoa, cho rằng việc đặt tên như thế là “có lý”, rồi chụp cho tôi cái mũ “biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, ấy là biết” (Khổng tử). Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Dường như các nhà viết sách giáo khoa dần dần đã “ngộ” ra rằng cái tên “Tiên đề Ơ-clit” không ổn, nên gần đây đã sửa lại thành “Tiên đề Ơ-clít về đường song song”. Việc sửa chữa này tự nó đã nói lên rằng việc tôi phê phán cái tên gọi “Tiên để Ơ-clit” là đúng. Xin nói rõ hơn một chút như sau.

Từ xa xưa, tên gọi tiên đề này trong môn Hình học ở trường phổ thông, tức Hình học Ơ-clit (Euclidean Geometry) vẫn là “Tiên đề đường song song” hoặc “Tiên đề 5”, và nó không gây nên một sự hiểu lầm nào cả. Học trò ngày xưa đều có những hiểu biết đâu ra đấy về tiên đề này. Những người sau này đi vào ngành toán càng biết rõ ý nghĩa vô cùng trọng đại của “Tiên đề đường song song” hoặc “Tiên đề 5” trong lịch sử toán học nói riêng và lịch sử nhận thức nói chung. Nói cách khác, tên gọi ấy đã mang một ý nghĩa lịch sử, đi vào tâm khảm của người học như một cột mốc dẫn tới một cuộc cách mạng lớn trong toán học thế kỷ 19, đó là việc khám phá ra Hình học phi Ơ-clit. Vì thế lẽ ra sách giáo khoa phải biết trân trọng tên gọi lịch sử đó.

Nhưng sách giáo khoa hình học cải cách muốn chứng tỏ mình là một nhà “cải cách”, bèn có những thay đổi. Trong nhiều cái thay đổi rất chướng, có cái gọi là “Tiên đề Ơ-clit”. Thú thực, khi viết báo phê bình thuật ngữ mới này, tôi cũng không rõ tại sao người ta thay đổi như thế. Tôi chỉ dám đặt vấn đề phải chăng tác giả viết sách muốn “gióng lên tiếng chuông cảnh báo” với học trò rằng đây là “tiên đề của Ơ-clit chứ không phải của Lobachevsky đâu nhé”. Mặc dù tôi không có cơ sở nào để khẳng định điều ngờ vực của mình là đúng, nhưng ngay từ hồi ấy tôi đã lưu ý rằng “tiếng chuông cảnh báo” này là thừa, là không cần thiết, thậm chí là gây rối kiến thức, vì học sinh phổ thông không hề biết đến hình học Lobachevsky, cho nên sẽ không thể có khái niệm so sánh giữa hình học Ơ-clit với hình học Lobachevsky, và không hiểu ý nghĩa của chữ “Ơ-clit” mà tác giả cố tình đưa vào, thay cho chữ “đường song song”. Việc đổi tên tiên đề như thế rõ ràng là một cái gì đó thể hiện bệnh khoa trương hình thức, làm rắm rối sự thật.

Nhưng Chúa giúp những ai khao khát tìm kiếm sự thật. Một người bạn từ London gửi tặng tôi cuốn sách “Nền tảng Hình học” (Foundations of Geometry) của David Hilbert. Không cần phải giới thiệu, ai cũng biết Hilbert vốn được giới toán học thế kỷ 20 coi như “ông thánh toán học” ─ rất nhiều quan điểm của Hilbert, cả hay lẫn dở, đều được các môn đệ tôn thờ ông coi là lời của thánh. Họ rất thích bắt chước và làm theo những lời của thánh. Và tôi khám phá ra rằng Hilbert, trong hệ tiên đề hình học do ông nêu lên, có một tiên đề được gọi là “Tiên đề đường song song” (Axiom of Parallels), nhưng ông có mở ngoặc đơn ghi chú đó là “Tiên đề của Ơ-clit” (Euclid’s Axiom).

Như vậy, Hilbert hoàn toàn đúng. Ông vẫn giữ nguyên tên gọi truyền thống của tiên đề này là “Tiên đề đường song song”, nhưng vì sách của ông viết cho mọi người, đặc biệt cho giới toán học, ông phải ghi chú thêm rằng đây là tiên đề đường song song của hình học Ơ-clit, để phân biệt với tiên đề đường song song của Lobachevsky hay của những hình học phi Ơ-clit khác.

Nhưng khi sách giáo khoa hình học cải cách muốn bắt chước Hilbert, lại không hiểu đúng cái tinh thần của Hilbert, mà đem bệ nguyên cái ghi chú của ông vào sách của mình, biến cái ghi chú trong ngoặc đơn của Hilbert thành một thuật ngữ chính thức là “Tiên đề Ơ-clit”. Tôi đoán nếu sách giáo khoa không trực tiếp bắt chước sách của Hilbert thì có lẽ đã bắt chước một tài liệu nào khác, mà tài liệu này đã bắt chước Hilbert, nhưng tiếc thay, đã bắt chước nhầm, bắt chước sư phụ mà không hiểu ý của sự phụ, làm sai ý của sư phụ.

Vả lại, nếu muốn chuyển mấy chữ “Euclid’s Axiom” của Hilbert sang tiếng Việt thì phải dịch là “Tiên đề của Ơ-clit”, chứ không thể viết là “Tiên đề Ơ-clit” được. Bởi mấy chữ “Tiên đề Ơ-clit” có thể hiểu là “tiên đề mang tính chất Ơ-clit”, và khi đó tiếng Anh phải là “Euclidean Axiom”. Vì trong tiếng Việt không có cấu tạo từ ngữ phân biệt tính từ với sở hữu cách, nên việc tạo dựng thuật ngữ bắt chước nước ngoài mà không hiểu đúng ý nghĩa của thuật ngữ đó sẽ dễ gây nên nhầm lẫn, hiểu sai ý của thuật ngữ gốc trong tiếng nước ngoài. Xem thế thì mới thấy cái bệnh sính ngoại và bắt chước ngoại biểu hiện rõ nhất ở đám hủ nho (cái đám sính chữ nhưng lại không hiểu chữ nghĩa cho đến nơi đến chốn).

Tóm lại, từ một ghi chú trong ngoặc đơn của Hilbert là (Euclid’s Axiom), sách giáo khoa đã biến thành một thuật ngữ chính thức là “Tiên đề Ơ-clit”, để thay thế cho tên gọi truyền thống là “Tiên đề đường song song”. Đó là một sai lầm về sư phạm, xuất phát từ bệnh hình thức, thích khoe chữ ─ căn bệnh cốt lõi của giới trí thức hủ nho. Lúc bị phê bình, các nhà giáo dục viết sách giáo khoa đã gân cổ lên cãi. Nhưng rốt cuộc họ đã nhận ra cái sai lầm đó, bởi tên gọi tiên đề này đã được chữa lại là “Tiên đề Ơ-clit về đường song song”. Tên gọi mới này đúng, nhưng thực ra chỉ cần viết “Tiên đề đường song song” là đủ, vì toàn bộ hình học ở trường phổ thông là Hình học Ơ-clit (Euclidean Geometry).

Hơn 20 năm trước, tôi có lần còn bị giật mình ngạc nhiên khi được biết sách giáo khoa lớp 9 đã dùng một thuật ngữ mới là “độ dài đường tròn” để thay thế cho thuật ngữ “chu vi đường tròn” đã được sử dụng trong tiếng Việt từ hàng trăm năm trước. Thay vì nói “chu vi đường tròn = 2πR”, họ nói “độ dài đường tròn = 2πR”. Sau này sách giáo lại sử dụng lại từ “chu vi” để nói về độ dài của đường biên bao quanh một hình tròn. Tôi cho rằng những người ưa “cải cách” thay đổi từ ngữ kiểu này cũng thuộc giới hủ nho: họ không hiểu được ý nghĩa và sức sống của từ ngữ khi nó đã trải qua và chịu thử thách trong một lịch sử lâu dài của dân tộc. Dường như họ không còn việc gì khác để làm nên phải bịa ra những việc làm rất vô bổ, thậm chí có hại. Việc cải cách chữ viết là một thí dụ rõ ràng nhất. Nghe đâu “công trình” cải cách chữ viết là của một tiến sĩ ngôn ngữ (!). Thì ra có rất nhiều bằng tiến sĩ như vậy. Xin đừng quên rằng đã có hơn 500 luận án tiến sĩ về thuyết tiến hóa được viết ra với chủ đề “Người Piltdown” ─ một hóa thạch giả mạo về sự tiến hóa từ vượn lên người. Nếu tôi là một nhà tiến hóa, tôi sẽ xấu hổ đến mức không còn có cái lỗ nào để trốn vào đó khi biết sự thật về 500 luận án tiến sĩ đó.

Xin nói thêm, khi những sự thật về thuyết tiến hóa được công bố, trong đó có những vụ giả mạo bằng chứng, tình trạng tuyệt đối vô bằng chứng các loài chuyển tiếp, vấn đề thuyết tiến hóa phản lại các định luật cơ bản của khoa học,… một số nhà tiến hóa đã tự vệ bằng cách né tránh những sự thật không thể chối cãi, và họ hướng sự tranh cãi vào những điểm có thể làm rối mù sự thật. Chẳng hạn họ cố gắng biến chuyện tranh cãi về tính phi khoa học của thuyết tiến hóa thành cuộc tranh cãi giữa khoa học với tôn giáo, hoặc tranh cãi quanh co về những vấn đề học thuật tủn mùn.

Chẳng hạn, khi tôi phê phán quan điểm vô căn cứ của George Wald, cho rằng “Thời gian tự nó sẽ làm các phép lạ” (Time itself performs miracles, ý nói trong một thời gian đủ dài, chỉ cần một cơ may xảy ra, sự sống có thể nẩy sinh một cách ngẫu nhiên từ vật chất vô cơ), các nhà tiến hóa đã dẫy nẩy lên đòi truy nguồn gốc xác thực của câu nói đó. Có nghĩa là chính họ cảm thấy cái lý lẽ của George Wald là không ổn. Vì thế, thay vì suy ngẫm về cái phi khoa học trong tư tưởng của các bậc thầy của thuyết tiến hóa, họ quay sang truy nguồn gốc của lời phát ngôn đó. Nếu trích dẫn của tôi lấy từ những tác giả chống tiến hóa thì họ không tin. Có nghĩa là họ mang tính chất bè phái trong tranh luận, thay vì đối mặt với sự thật diễn ra trước mặt. Họ không đủ bình tĩnh để đánh giá xem câu nói của George Wald có đáng coi là một lập luận khoa học hay không. Và họ quá ngây thơ khi không biết rằng trong thời đại internet ngày nay, việc kiểm tra sự thật về tuyên bố của George Wald là một việc quá đơn giản. Chỉ cần vào Google, gõ đúng câu nói đó, có thể kèm theo tên tác giả, bạn sẽ có hàng đống thông tin liên quan, bao gồm các tài liệu chứa đựng câu nói này. Tôi nghĩ rằng một trí thức chân chính sẽ cảm thấy xấu hổ khi thấy một đại trí thức như George Wald (từng đoạt Giải Nobel về sinh hóa năm 1967), lại có thể có một niềm tin ngây thơ như trẻ con như vậy, và nhất là khi thấy niềm tin ấy lại được xem như một lập luận nền tảng của thuyết tiến hóa. Richard Dawkins, một nhà tiến hóa hàng đầu khác, cũng lập luận về cơ may để sự sống ra đời từ vật chất không sống cứ như các con bạc tin vào vận may của họ trong canh bạc vậy. Ấy thế mà giới tiến hóa tôn sùng lập luận đó, bất chấp mọi sự bác bỏ của toán học xác suất. Niềm tin đó là cái gì, nếu không phải một thứ đầu óc hủ nho tin vào những giáo điều đã được học?

Thêm nữa, họ sợ sự thật đến nỗi không dám gọi đặc trưng bất đối xứng của sự sống là một định luật về tính bất đối xứng của sự sống, mặc dù họ không thể chối cãi được rằng đó là một đặc trưng đúng với toàn bộ sự sống. Đơn giản vì họ biết rằng nếu gọi đó là định luật thì thuyết tiến hóa của họ sụp đổ. Trơ trẽn hơn, họ gọi Định luật Tạo Sinh (Biogenesis) do Louis Pasteur khám phá là một giả thuyết (Wikipedia). Đơn giản vì nếu thừa nhận đây là một định luật, thuyết tiến hóa cũng sẽ sụp đổ. Tính cách chối bỏ sự thật này để bảo vệ quan điểm hẹp hòi bè phái có phải là một biểu hiện của tính cách tiểu nhân không? Và tính cách tiểu nhân đó có phải là một đặc trưng của hủ nho không?

Hoặc khi tôi dẫn chứng ý kiến của Perry Marshall, tác giả một bài báo nổi tiếng về Định lý Bất toàn, thì thay vì bình luận ý kiến của Marshall, có “nhà tiến hóa” bảo rằng tác giả này chỉ là một nhà bán dạo các sản phẩm công nghệ thông tin trên mạng. Tôi nghĩ không có sự thấp hèn nào hơn trong tranh luận là tìm cách hạ thấp tư cách của người tranh luận với mình xuống. Kiểu nói chuyện này giống hệt mấy gã hủ nho trong truyện Tam Quốc ở trên cố tình hạ thấp uy tín của Khổng Minh xuống. Đó là cách ứng xử quen thuộc của tiểu nhân, không phải của quân tử. Ngược lại, người quân tử nghe một lời nói đúng, một lời nói hay, không cần biết người nói ấy là ai, trước hết hãy biết trân trọng lời nói phải, lời nói hay đó. Với người quân tử, sự thật là thước đo giá trị. Với hủ nho, thuộc làu sách vở là giá trị.

Thậm chí có “nhà tiến hóa” nói với tôi, rằng “tôi không được biết các bài báo của ông đăng trên các tạp chí chuyên ngành”, ý nói rằng nếu tôi không có những bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành thì tôi không đủ kiến thức để nói chuyện về khoa học. Chao ôi, cái bản chất hủ nho nó là như vậy đấy. Người ta nêu lên một bài toán, họ không trao đổi về bài toán, mà lại trao đổi về tư cách của người nêu lên bài toán. Chỗ này làm tôi nhớ đến một lời than phiền của Louis Pasteur. Ông nói: “Tôi đưa cho họ xem các thí nghiệm cụ thể, nhưng họ đưa cho tôi một mớ lý luận suông”. Đó có phải là cách ứng xử của hủ nho hoặc tiểu nhân không? Dễ thường việc trao đổi về toán học là quyền hạn riêng của giới toán học chăng? Dễ thường việc trao đổi về thuyết tiến hóa là quyền hạn riêng của các nhà tiến hóa chăng? Nếu đúng như thế thì ai có quyền hạn vạch trần sự giả dối và lừa gạt trong những vụ làm bằng chứng giả mạo về tiến hóa như Người Piltdowan, Khủng long bay Archeoraptor, Bướm đêm,…?

Và trong khi tôi suy nghĩ về tác hại của đám hủ nho, tôi gặp “một bất ngờ thú vị” (a nice surprise) ─ bài báo “Hủ nho lại đòi nho nhe ngóc đầu” trên Chungta.com ngày 25/04/2011, của tác giả Nguyễn Hoàng Đức. Đọc bài báo này, tôi giật mình không ngờ tác giả này phê phán bệnh hủ nho còn mạnh mẽ hơn tôi nhiều. Xin trích một số đoạn hay nhất:

1- Hình ảnh mẫu của hủ nho trong lịch sử là gì? Đó là “học nhi ưu tắc sĩ”, tức học giỏi để làm quan. Thèm làm quan đến độ, lê la vào cung điện, đứng cách vua chúa cả vài chục mét, xúm đông xúm đỏ xem hai con dế bé tẹo như hai đốt ngón tay, chọi nhau, rồi hò la tán thưởng nịnh bợ vua chúa. Thật là không có chút nào liêm sỉ!

2- Cụ thể trường hợp của Từ Hi Thái Hậu là mẫu hậu quốc gia, vậy mà thấy hai con nô tì chải đầu giống mình, liền lệnh lôi ra chém. Than ôi, mẫu hậu quốc gia mà còn so đọ ghen tức với cả đứa nô tì vì mái tóc. Con người hủ nho thấp hèn đến thế là cùng!

3- Tổng thống dân quốc Viên Thế Khải sau khi để cho các cận thần vào triều được đứng thẳng người không phải quì như chó nữa, rồi còn đưa tay bắt mọi người tưởng sẽ được hưởng ánh sáng canh tân của nền dân chủ , cộng hòa, nào ngờ, về già y đóng cửa, cùng vợ đem long bào ra mặc, để thỏa mặc cảm khát vọng muốn làm vua. Trời ơi đấy có phải cái căn gốc của hạng nho giáo không gượng làm người tiến bộ được?

4- Thấy quan quân đi qua, một vài kẻ từ trong núi chui ra nói vài lời có cánh. Quan quân đi tìm muốn thỉnh thị hẳn hoi, nhưng mấy người này liển lủi mất dạng. Người ta chỉ còn cách than: đó là mầy người ở ẩn! Than ôi, ăn nói bâng quơ thì còn được vài câu rơi vãi hay ho, mời nói hẳn hoi thì không nói được câu ra hồn! Vì sao? Vì sợ trách nhiệm! Chơi cờ với vua còn không dám thắng, nói gì đến việc đòi đưa ra ý kiến kinh bang tế thế?! Đã ẩn lên núi nhưng cái bả công danh vẫn cám dỗ quá nên đòi lân la nói mấy câu nửa dơi nửa chuột. Than ôi cái ham hố của đám hủ nho!

5- Nhà triết học Pháp Francois Julien, chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc phát hiện, học vấn Nho giáo thiên về “cái nhạt”, tức là nhạt nhẽo, làm sao nói mà không nói, nói ẩn để không bị lộ mình, mong cầu toàn cho bản thân. Than ôi, lúc nào cũng lo thủ thế giữ mình, thì làm gì có được cái gì hay ho?!

6- Học giả lớn Lâm Ngữ Đường, người Trung Quốc có nói, Trung Quốc không hề có triết học và khoa học, vì người Trung Quốc không biết tôn trọng cái phổ quát thì làm sao có khoa học và triết học được.

7- Triết gia Hegel nói : “Dân tộc Trung Quốc dù lớn, nhưng không có sử thi, nên không phải là dân tộc có tâm hồn lớn”. Vì câu nói này, trong nhiều năm gần đây, giới văn hóa của Trung quốc lọ mọ đi tìm khắp nơi, nhưng vẫn chưa tìm được sử thi nào để cứu vãn độ lớn cho dân tộc cả.

10- Người Nhật Bản khinh bỉ nho giáo đến mức họ còn đề ra chủ thuyết “Thoát Á luận”, nghĩa là muốn xã hội phát triển thì phải ly khai những thứ dây cà dây muống của đám hủ nho.

11- Cái đầu tầu nho học đã vậy, mấy chú học lỏm ti toe ở Việt Nam sẽ thế nào?…

12- Nhà phê bình Hoài Thanh nói: Nho học chỉ là cái máy để đúc ra hàng vạn bài thơ dở.

Cái sở trường bé nhỏ của phương pháp hủ nho luôn luôn là tầm chương trích cú, không bao giờ hiểu cái lõi, chỉ đi tra cứu cái mẽ ngoài. Lúc nào cũng sợ hãi, nói nước đôi, thì làm sao có thể nhận ra nội dung của sự việc?!

Đó là ý kiến của tác giả Nguyễn Hoàng Đức. Thiết nghĩ giới trí thức nên suy ngẫm.

Thay lời kết:

Trong mọi lĩnh vực học thuật đều có trí thức thật và trí thức hủ nho, mà tôi từng gọi là “Học giả, học thật”. Trong toán học có trường phái hình thức, theo đuổi Chủ nghĩa Hình thức của Hilbert. Chủ nghĩa này tuy đã chết về mặt triết học (bị Định lý Bất toàn của Godel bác bỏ), nhưng những người theo chủ nghĩa hình thức thì vẫn còn đầy rẫy trong giới toán học. Đó là những hủ nho toán học! Trong sinh học, giới tiến hóa là giới sinh học hủ nho, vì họ không có thực tế để chứng minh sự thật, họ chỉ có một mớ lý thuyết tưởng tượng, và họ tôn thờ đó là “chân lý”, là “khoa học”. Hễ ai đụng đến “chân lý” của họ là họ dẫy nẩy lên, rồi nhắc lại cái mớ lý thuyết giáo điều mà họ đã được học ở nhà trường, hoặc thậm chí cái mớ lý thuyết ấy đã được nâng lên thành các luận án tiến sĩ, tương tự như 500 luận án tiến sĩ về Người Piltdown.

Đặc điểm của hủ nho, như đã nói ở ngay đầu bài viết, là rất sợ sự thật, và chỉ tụng niệm những gì đã được học, đo giá trị thông qua hình thức. Cứ thế mà phân biệt đâu là trí thức thật, đâu là hủ nho. Và nếu có một con vẹt được mệnh danh là “Vẹt Einstein” thì dù nó nhiều chữ đến mấy, nó vẫn chỉ là một con vẹt.

PVHg, Sydney 14/05/2017

 

4 thoughts on “Story of “like-parrot” intellectuals / Chuyện trí thức hủ nho

  1. Cháu là một khách hàng của nền giáo dục chữ nghĩa chưa đầy đủ, chưa mạch lạc đó. Cũng đã nếm những sản phẩm chưa thấu đáo của những người thợ hậu đậu trong cách dùng từ đó.
    Cảm ơn bác vì những thông tin rất bổ ích !

    Thích

  2. Bác Hưng kính mến!
    Bài viết của bác về hủ nho phản ánh rất đúng thực tế, vì thế rất thú vị. Từ lâu cháu nhận thấy nhiều vị GS,TS chỉ có cái chức danh học hàm, học vị nghe rất kêu mà thực tế thì dạy học cho sinh viên thì chán ngấy, chẳng thấy hay ho, hấp dẫn chút nào cả. Tại sao vậy? Vì chẳng mấy khi họ nói đến cái gì thiết thực với cuộc sống. Các môn xã hội thì nói không đúng với sự thật. Chưa bao giờ cháu được nghe một ý kiến nào của các ông GS, TS có tính chất phản biện. Có vẻ như họ chẳng chịu đọc sách để bổ sung cập nhật thêm nhiều kiến thức mới mẻ, mở mang cho chúng cháu. Cho nên bài giảng nói chung nghèo nàn, khô khan, phần lớn thầy đọc để sinh viên ghi chép, chép lấy chép để, đi thi thì phải làm đúng những gì được chép thì mới được điểm cao. Học kiểu này sinh viên chúng cháu buồn ngủ lắm cho nên toàn trốn học, khi nào thi cử thì chúng cháu đành quay cóp vậy, chẳng mấy khi mà sinh viên gặp được người thầy giảng đầy nhiệt huyết và trí tuệ uyên thâm. Nếu gặp được GS như vậy chúng cháu sẽ thích nghe, thậm chí thèm nghe đến mức hết giờ học mà vẫn không muốn ra về, bác ạ!
    Cho nên, cháu rất thích bài viết của bác. Cháu không hiểu làm sao mà dân tộc TQ thì văn hóa bậc nhất nhưng mà họ lại cũng sản sinh ra nhiều hủ nho thế. Người VN mình nếu thấy họ có cái gì hay cái gì tốt thì mới nên học theo, cái gì xấu đáng ra không nên học mới khá lên được, đằng này phần lớn là bắt chước, rập khuôn, như thế thì làm sao mà tiến bộ lên được, phải không ạ bác! Chẳng hạn như thuyết tiến hóa mà bác đã nói rất nhiều, dù bác đã vạch ra những sai lầm không thể chối cãi của học thuyết này mà tại sao nhiều người Việt mình vẫn tin theo, ấy là vì người Việt mình đa số chỉ giỏi bắt chước thôi. Hiếm người có chính kiến độc lập lắm bác ạ. Cháu nghĩ lúc nào đùng một cái mà ở các nước Tây phương người ta lên án học thuyết này thì các hủ nho ở ta cũng lại bắt chước mà lên tiếng phê phán thôi. Thế mới biết bệnh hủ nho đáng sợ thật, vì họ không chỉ sống hèn kém, nịnh nọt, vun vén cho bản thân họ mà còn làm hại cho đất nước.
    Chúc bác có nhiều sức khỏe để nghiên cứu và viết được nhiều bài hay cho tuổi trẻ chúng cháu nâng cao kiến thức, mở mang thêm hiểu biết về mọi mặt cuộc sống.
    Cháu Bình Minh.

    Thích

    • Trao đổi với cháu Bình Minh,
      Bác Hưng đã điểm huyệt đúng về tình trạng loại trí thức hủ nho hiện nay, những người đã góp phần làm thối rữa nền giáo dục hiện nay. Các GS TS mà cháu gặp đúng là loại hủ nho đấy. Tại sao cháu gặp những GS, TS dạy học cháu không muốn nghe, chính vì muốn được GS, TS họ đã phải chạy bằng tiền , từ khi làm NCS đã phải chăm sóc thầy hậu hĩnh , Là TS rồi muốn có các bài báo đăng trong nước lại dùng tiền chạy… thế rồi phải quan hệ với các hội đồng xét duyệt, cũng lại tiền . Thế thì sao mà có được GS giỏi được?

      Thích

Bình luận về bài viết này