Evolution’s Achilles’ Heels / Cái Gót A-sin của Thuyết Tiến hóa

Evolution has its Achilles’ heels: The Origin of Life. Evolutionists are very afraid in touching these heels. The best way to propagate evolution is to avoid talking about this topic, or to lie that the origin of life is irrelevant to evolution. So what is the truth?

Thuyết tiến hóa có cái gót A-sin của nó: vấn đề Nguồn Gốc Sự Sống (NGSS). Giới tiến hóa rất sợ đụng vào cái gót này. Khi truyền bá thuyết tiến hóa, tốt nhất là tránh nói đến NGSS, hoặc nói dối rằng vấn đề NGSS chẳng liên quan gì với thuyết tiến hóa. Vậy đâu là sự thật?

Thật kinh ngạc khi nghe một số ý kiến lạ lùng nói rằng vấn đề NGSS không liên quan gì với thuyết tiến hóa. Quả thật điều này không bình thường, vì theo logic khoa học, vấn đề NGSS là đòi hỏi TẤT YẾU của thuyết tiến hóa, và trên thực tế, sách báo về thuyết tiến hóa trong hơn 150 lịch sử của nó luôn luôn đề cập đến vấn đề này, như một trong những nội dung cốt lõi của thuyết tiến hóa.

Kinh ngạc hơn nữa khi được biết những ý kiến lạ lùng như thế đã xuất hiện trên những diễn đàn Anh ngữ, chứng tỏ đó là một xu hướng nhận thức khá phổ biến trong giới tiến hóa ngày nay. Bài báo sau đây phản ánh thực trạng đó:

Is the origin of life different from evolution?” (Phải chăng vấn đề nguồn gốc sự sống khác với thuyết tiến hóa?)

Đó là một hiện tượng đáng chú ý. Nó nói lên nhiều điều. Trước hết, đó là dấu hiệu cho thấy thuyết tiến hóa đang khủng hoảng các nhà tiến hóa đang tìm cách né tránh những thách thức mà họ biết rằng không thể vượt qua.

Nhưng dường như sự né tránh này chỉ xảy ra ở những nhà tiến hóa “tầm tầm bậc… thấp” (những người không đủ bản lĩnh đối đầu trong những cuộc tranh luận), còn những nhà tiến hóa “bậc cao” thì tự tin đến độ sẵn sàng đưa ra những “lập luận” lạ lùng làm cho bất kỳ người nào có tư duy khoa học lành mạnh cũng phải “chịu thua”, chẳng hạn George Wald với tuyên bố “Thời gian tự nó sẽ làm các phép lạ”, hoặc Richard Dawkins dùng hình vẽ in trên giấy như một bằng chứng để chứng minh cá voi là một kết quả tiến hóa từ một loài động vật có vú (kém một chút so với Ernst Haeckel bịa ra hình vẽ bào thai giả mạo để lường gạt cộng đồng khoa học),… Nhưng dù cao hay thấp thì việc nói sai sự thật đều là không tốt. Vậy bất kỳ ai quan tâm tới thuyết tiến hóa, dù ủng hộ hay chống đối lý thuyết này, cũng nên quan tâm tới vấn đề “NGSS có liên quan với thuyết tiến hóa không?”

1/ Vấn đề NGSS là một bộ phận quan trọng của thuyết tiến hóa

Trước hết cần KHẲNG ĐỊNH ngay rằng vấn đề NGUỒN GỐC SỰ SỐNG là một bộ phận của thuyết tiến hóa. Điều này không phải do những người chống thuyết tiến hóa nêu lên, mà do chính thuyết tiến hóa khẳng định. Đây, Bách khoa toàn thư Wikipedia, một trang mạng luôn luôn ủng hộ và bênh vực thuyết tiến hóa, viết:

“Sinh học tiến hóa là một nhánh của sinh học nghiên cứu các quá trình tiến hóa tạo ra tính đa dạng của sự sống trên Trái Đất, bắt đầu từ một nguồn gốc duy nhất của sự sống. Những quá trình này bao gồm chọn lọc tự nhiên, vấn đề nguồn gốc chung, sự hình thành loài” (Evolutionary biology is the subfield of biology that studies the evolutionary processes that produced the diversity of life on Earth, starting from a single origin of life. These processes include natural selection, common descent, and speciation). (Wikipedia > Evolutionary biology) (toàn bộ những chữ in đậm trong bài này là do người viết bài này nhấn mạnh)

Trong bài báo “From soup to cells — the origin of life” (Từ nồi soup nguyên thủy đến các tế bào) trên trang mạng “Understanding Evolution” (Hiểu biết Thuyết tiến hóa) của Đại học Berkeley cũng nói rất rõ:

“Thuyết tiến hóa bao gồm một phạm vi rộng các hiện tượng: từ sự xuất hiện các dòng giống chủ yếu, tới các cuộc tuyệt chủng hoàng loạt, tới sự tiến hóa của vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh trong các bệnh viện ngày nay. Tuy nhiên, bên trong lĩnh vực sinh học tiến hóa, vấn đề nguồn gốc sự sống được đặc biệt quan tâm vì nó trả lời câu hỏi căn về việc chúng ta (và tất cả mọi sinh vật) từ đâu mà ra” (Evolution encompasses a wide range of phenomena: from the emergence of major lineages, to mass extinctions, to the evolution of antibiotic resistant bacteria in hospitals today. However, within the field of evolutionary biology, the origin of life is of special interest because it addresses the fundamental question of where we (and all living things) came from.).

Thực ra chẳng cần phải trích dẫn sách vở như trên, một cái đầu THÔNG MINH TỰ NHIÊN cũng sẽ phải đặt câu hỏi SINH VẬT ĐẦU TIÊN trong chuỗi tiến hóa là con vật nào, nếu quả thật sinh vật tiến hóa từ đơn giản đến phức tạp, từ loài bậc thấp đến loài bậc cao, như thuyết tiến hóa nói. Nói cách khác, nếu thuyết tiến hóa đã nêu lên một chuỗi tiến hóa của sinh vật, rằng loài này tiến hóa thành loài khác cao cấp hơn, cuối cùng là loài người, thì câu hỏi logic tất yếu nẩy sinh là sinh vật đầu tiên từ đâu mà ra. Trả lời câu hỏi này cũng là nhiệm vụ tất yếu của thuyết tiến hóa. Nếu không trả lời được thì toàn bộ chuỗi tiến hóa còn lại sẽ vô nghĩa, giống như nêu lên một loạt các định lý toán học mà không dựa trên một nguyên lý đầu tiên nào cả.

2/ Nguyên lý đầu tiên của một hệ logic

Trong toán học, nguyên lý đầu tiên được gọi là tiên đề. Đó là lý do để Euclid, khi viết cuốn Cở Sở (Elements) cho hình học, ông đã nêu lên một hệ tiên đề gồm 5 tiên đề. Nhiều sách giáo khoa hình học phạm lỗi lớn khi dạy học sinh các định lý mà quên không nhắc tới tiên đề. Thậm chí sách giáo khoa hình học 7 trước đây từng phạm sai lầm rất vô lý khi nêu lên 1 và chỉ 1 tiên đề của Euclid rồi gọi tiên đề đó là “Tiên đề Ơ-clít”, làm cho rất nhiều học sinh nghĩ rằng Euclid có 1 và chỉ 1 tiên đề, đó là “Tiên đề Ơ-clít”. Thực tế Euclid nêu lên 5 tiên đề. Và cái gọi là “Tiên đề Ơ-clít” thực ra là “Tiên đề đường song song”, hoặc “Tiên đề 5”. Khi David Hilbert viết cuốn “Foundations of Geometry” (Nền tảng Hình học), ông vẫn gọi tiên đề đường song song là “Axiom of Parallels” (Tiên đề về những đường song song) nhưng có ghi chú trong ngoặc đơn (Euclid’s Axiom) để phân biệt với tiên đề đường song song trong Hình học Phi-Ơ-clít (Non-Euclidean Geometry). Nhưng dường như sách giáo khoa Hình học 7 trước đây đã bệ cái ghi chú trong ngoặc đơn ấy vào sách giáo khoa của mình thành một tên gọi chính thức, tức là bắt chước Hilbert mà không hiểu Hilbert. Tôi đã từng phê phán sách giáo khoa Hình học 7 về vấn đề này. Các giáo sư viết sách giáo khoa hồi ấy đã bảo thủ, cố cãi bằng được lý do để họ đặt tên tiên đề như thế. Nhưng nhiều năm sau, dường như họ đã thấy sai, nên đã sửa chữa lại là “Tiên đề Ơ-clít về đường song song”. Nhắc lại chuyện này để làm gì? Để kết luận một điều quan trọng:

Trong mọi hệ logic, hệ tiên đề đóng vai trò QUYẾT ĐỊNH tính đúng/sai của toàn bộ hệ logic đó. Nếu hệ tiên đề đúng thì các định lý hệ quả sẽ đúng. Nếu hệ tiên đề sai, toàn bộ hệ logic sẽ sai.

Nếu Thuyết tiến hóa tự coi minh là một lý thuyết khoa học, tức là một hệ thống lập luận logic, thì DỨT KHOÁT nó phải có một hệ tiên đề đúng. Hệ tiên đề này DỨT KHOÁT phải trả lời được câu hỏi sự sống đầu tiên từ đâu mà ra. Vì chỉ có sự sống đầu tiên mới có sự sống tiếp theo ─ kết quả tiến hóa từ sự sống đầu tiên đó.

Trong toán học, việc thiết lập các tiên đề hoàn toàn dựa trên KINH NGHIỆM và TRỰC GIÁC. Nhà toán học David Hilbert và các môn đệ của ông không hài lòng với việc toán học phải dựa trên kinh nghiệm và trực giác, bởi toán học vốn được coi là một hệ thống lý lẽ lập luận tuyệt đối chặt chẽ, chính xác, không phủ thuộc vào cảm tính của con người. Vì thế trường phái Hilbert muốn tìm ra một phương pháp logic toán học loại bỏ mọi cảm tính, cho phép kiểm tra hệ tiên đề của toán học sao cho nó phải TUYỆT ĐỐI AN TOÀN, CHẮC CHẮN, ĐẦY ĐỦ, PHI MÂU THUẪN.

Nhưng chương trình Hilbert đã đổ vỡ tan tành vào năm 1931, khi Kurt Gödel công bố Định lý Bất toàn (Theorem of Incompleteness) chứng minh chương trình Hilbert là ảo tưởng. Đó là bài học sống cho toàn bộ khoa học: mọi tham vọng chứng minh hệ tiên đề của một hệ logic đều là ảo tưởng, và rốt cuộc, mọi hệ thống khoa học, mọi hệ logic, mọi hệ thống lý luận đều phải dựa trên một hệ tiên đề được xây dựng trên kinh nghiệm và trực giác.

Kinh nghiệm và trực giác có thể đúng hoặc sai. THỰC TIỄN sẽ là thước đo đánh giá kinh nghiệm và trực giác ấy có đúng hay không. Đó là lý do vì sao vật lý học luôn luôn tiến hành thí nghiệm để kiểm chứng mọi lý thuyết. Dù lý thuyết hay đến mấy, nhưng nếu thực nghiệm hoặc thực tế bác bỏ thì lý thuyết ấy cũng vô giá trị. Vì thế, mặc dù vật lý là lĩnh vực áp dụng toán học cao cấp và trừu tượng nhất, nó vẫn phải chờ thực nghiệm để xác nhận mọi giả thuyết hoặc lý thuyết. Điển hình là lý thuyết của Peter Higgs năm 1964 tiên đoán sự tồn tại của Hạt Higgs, hạt thứ 17 trong Mô hình chuẩn, hạt đóng vai trò truyền khối lượng cho các hạt khác. Mặc dù lý thuyết của Peter Higgs được chứng minh một cách hoàn hảo bằng toán học, và mặc dù vai trò của Hạt Higgs quan trọng và thiết yếu đến nỗi nó đã được mệnh danh là “Hạt của Chúa” (God Particle), nhưng Peter Higgs vẫn sống trong sự mòn mỏi chờ đợi lý thuyết của mình được xác nhận bằng thực nghiệm. Mãi cho tới năm 2012, khi đã 83 tuổi, ông đã bật khóc lúc nghe tin chính thức thí nghiệm trên máy gia tốc LHC của CERN, Trung tâm Nghiên cứu Hạt Nhân Âu Châu, đã “tóm” được Hạt Higgs. Kể lại những câu chuyện của toán học và vật lý như thế để làm gì? Để thấy thế nào mới đáng được coi là khoa học, và để thấy thuyết tiến hóa đã quá dễ dãi khi tự coi mình là một khoa học, và người đời của quá cả tin để coi thuyết tiến hóa là một khoa học. Đơn giản vì thuyết tiến hóa làm gì có logic như toán học, làm gì có thực nghiệm xác nhận các tiến đoán giả thuyết. Điển hình là tiên đoán giả thuyết của Darwin về “cái ao ấm áp” làm gì có logic ở đó, làm gì có thực nghiệm xác nhận? Vậy mà nó vẫn nghiễm nhiên được goi là một lý thuyết khoa học (!!!)

3/ “Cái ao ấm áp”, một tiên đề sai lầm của sinh học tiến hóa

Khoảng nửa sau thế kỷ 19, Charles Darwin cũng đưa ra một tiên đoán về sự ra đời của sự sống đầu tiên, tạo nên một cuộc “cách mạng” về thế giới quan. Tiên đoán của ông đã trở thành một đề tài nghiên cứu “khổng lồ” cho sinh học tiến hóa trong hơn 150 năm nay.

Nói cách khác, Darwin đã NÊU LÊN một tiên đề cho Sinh học Tiến hóa, đó là “cái ao ấm áp”, nơi sự sống đầu tiên ra đời. Nội dung cơ bản của tiên đề này là trong một điều kiện môi trường đặc biệt, có sẵn những nhân tố chuẩn bị cho sự sống, các phân tử nguyên tử vô cơ NGẪU NHIÊN kết hợp là thành phân tử sống đầu tiên, rồi phân tử sống ấy tự nó tiến hóa thành những cấu trúc sống phức tạo hơn…

Nếu tiên đề này đúng thì Thuyết Tiến hóa sẽ giành được thắng lợi vĩ đại. Những người chống thuyết tiến hóa ắt sẽ phải từ bỏ quan điểm để quay sang ủng hộ Thuyết tiến hóa.

Vậy tiên đề của Darwin có đúng không?

Năm 2009, toàn thế giới long trọng kỷ niệm 200 năm ngày sinh Darwin và 150 năm ra đời cuốn “Về Nguồn gốc Các Loài” (On the Origin of Species). Chưa bao giờ Darwin được tôn vinh lên cao như thế ─ ngang tầm với năm 2005, “Năm Einstein”, kỷ niệm 100 năm Thuyết Tương đối Hẹp và 100 năm “Năm Thần Kỳ” của Einstein (năm Einstein công bố hàng loạt khám phá làm thay đổi tận gốc vũ trụ quan). Xem thế thì thấy có vẻ như thuyết tiến hóa là một lý thuyết vĩ đại lắm, “cái ao ấm áp” của Darwin có vẻ như một tiên đoán thần kỳ không kém thuyết tương đối… Trong năm ấy, 2009, một Kỷ yếu Darwin đã ra mắt công chúng, rất may là tôi đã không tham gia vào Kỷ yếu này để tán tụng một sai lầm lớn nhất của khoa học. Tôi đoan chắc nhiều tác giả trong Kỷ yếu này không biết rõ nhiều sự thật phản khoa học của thuyết tiến hóa.

Một trong những sự thật đó là mọi thí nghiệm về nguồn gốc sự sống, nhằm chứng minh “cái ao ấm áp” của Darwin là hiện thực, đều THẤT BẠI THẢM HẠI. Người nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này là Stanley Miller, tác giả của thí nghiệm tổng hợp acid amin năm 1953, bây giờ ông chính là người biết rõ sự thất bại này hơn ai hết. Một trong những thất bại của thí nghiệm này là họ không sao có thể chế tạo ra acid amin thuận và chỉ thuận tay trái ─ đặc trưng thiết yếu của sự sống. Vậy mà báo chí đã từng quảng cáo rùm beng đây là thí nghiệm chế tạo sự sống đầu tiên (!!!). Đến nay Wikipedia và nhiều sách giáo khoa sinh học vẫn viết về thí nghiệm này như một thành công lừng lẫy của thuyết tiến hóa. Đó là cách giữ thể diện của thuyết tiến hóa mà thôi. Bởi vì họ, các nhà tiến hóa, BIẾT RÕ hơn ai hết rằng muốn tạo ra sự sống, trước hết phải tạo ra những acid amin thuận và chỉ thuận tay trái. Điều này là BẤT KHẢ. Một bài báo của chính giới tiến hóa đã phải chua chát thốt lên:

Did you know: All life on Earth are left-handed? And we don’t know why.” (Bạn có biết mọi sự sống đều thuận tay trái? Nhưng chúng ta không biết tại sao).

Rất tiếc là tôi đã từng nói về những sự thật này, nhưng có một số độc giả không đọc, để rồi nêu lên những thắc mắc không đáng có. Để biết rõ sự thật những nghiên cứu về NGSS, chỉ cần vào Google, gõ: “The Truth of Urey-Miller Experiment”, hoặc “The Truth of Origin of Life Experiments”,… sẽ có hàng đống thông tin. Thí dụ:

Ngày nay, lý thuyết của Darwin về “cái ao ấm áp” được biến tấu thành lý thuyết “nồi soup nguyên thủy” (primordial soup) hoặc “nồi soup tiền sinh thái” (prebiotic soup). Chương trình nghiên cứu nhằm chứng minh “cái ao ấm áp” là sự thật được gọi là “Thuyết tiến hóa hóa học” (Chemical Evolution), vì nội dung cơ bản của nó là tiến hành những thí nghiệm hóa học nhằm tạo ra sự sống đầu tiên từ vật chất không sống. Vậy Thuyết tiến hóa hóa học chính là bằng chứng rõ nhất cho thấy vấn đề Nguồn gốc Sự Sống là một bộ phận của Thuyết Tiến hóa, và thậm chí là bộ phận quan trọng nhất.

4/ Thách thức lớn đối với Thuyết Tiến hóa

Thuyết Tiến hóa phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó 2 THÁCH THỨC LỚN NHẤT là:

MỘT, chứng minh giả thuyết của Darwin về nguồn gốc sự sống, rằng sự sống đầu tiên ra đời từ sự kết hợp NGẪU NHIÊN của các vật chất không sống.

HAI, chỉ ra ÍT NHẤT MỘT THÍ DỤ của hiện tượng loài này biến thành loài khác.

Người ta thường lấy ví dụ virus biến đổi để chống lại thuốc kháng sinh như một trường hợp điển hình của sự tiến hóa. Đó là bịp bợm, vì virus không hề biến thành loài khác. Virus vẫn là virus. Đó chỉ là sự biến đổi trong loài để thích nghi. Sự biến đổi trong loài được các nhà tiến hóa gọi là “vi tiến hóa” (micro-evolution). Đó cũng là một thuật ngữ bịp bợm, vì khái niệm tiến hóa bao hàm ý nghĩa biến đổi bộ gene để thay đổi từ loài này thành loài khác cao cấp hơn. Vì không tìm thấy bất kỳ một ví dụ nào của sự biến đổi loài nên các nhà tiến hóa phải lắp ghép khái niệm tiến hóa một cách CỐ Ý ÁP ĐẶT vào những biến đổi trong loài. Nhưng chủ đề câu chuyện hôm nay là vấn đề NGSS, vậy xin trở lại thách thức thứ nhất.

Thách thức thứ nhất ─ vấn đề NGSS ─ khó khăn đến nỗi nhiều nhà tiến hóa xem ra đã nản lòng. Nhiều dấu hiệu cho thấy sự nản lòng này.

Dấu hiệu 1: Bế tắc trong việc chứng minh nguồn gốc sự sống, người ta bắt đầu đổ thừa cho vũ trụ ─ các thiên thạch mang sự sống từ vũ trụ đến trái đất, rồi sự sống “tiến hóa” trên Trái Đất (!!!). Có nghĩa là thay vì đầu hàng, người ta chuyển bải toán nguồn gốc sự sống trên mặt đất lên vũ trụ. Bây giờ lại đi tìm NGSS trong vũ trụ. Nếu Darwin sống lại, có lẽ ông lại bịa ra một giả thuyết mới chăng? Hay ông sẽ nhận ra rằng mình và con cháu mình đã lầm đường lạc lối? Thật khó đoán, nhưng có thể biết chắc chắn rằng bài toán NGSS đang được di chuyển lên vũ trụ (!!!). Điều đó lộ rõ trong bài báo đã dẫn ở trên: “Bạn có biết mọi sự sống đều thuận tay trái? Nhưng chúng ta không biết tại sao”.

Dấu hiệu 2: Trong khi truyền bá thuyết tiến hóa, các nhà tiến hóa tảng lờ vấn đề NGSS; nếu buộc phải đề cập đến thì họ nói liều rằng vấn đề NGSS không nằm trong phạm vi thuyết tiến hóa (!!!). Thực ra đây là một dấu hiệu đầu hàng ─ “đầu hàng trong danh dự”.

Nếu các nhà tiến hóa phải đầu hàng trong vấn đề NGSS thì âu cũng là điều bình thường, đáng được thông cảm, vì thầy của họ, Charles Darwin có hiểu gì lắm về bản chất sự sống đâu.

Tôi thực sự không hiểu vì sao người ta tôn sùng Darwin như thế. Rõ ràng đó là một trào lưu, một phong trào xã hội, thay vì một lý thuyết khoa học. Toàn bộ lý thuyết của ông vẻn vẹn có 2 quyển sách, “On the Origin of Species” và “The Descent of Man”. Tôi đã cố gắng tìm một định luật do ông khám phá trong 2 cuốn sách đó. Nhưng tuyệt nhiên không có. Điều duy nhất đúng trong lý thuyết của ông là sự thích nghi của sinh vật với môi trường, và sự biến đổi của sinh vật do thích nghi. Nhưng đó không phải là khám phá của ông. Những nhà sinh học đi trước ông, chẳng hạn như Jean Baptiste Lamarck, đã từng nói rồi. Vả lại, khả năng biến đổi để thích nghi không phải là vô hạn, mà có giới hạn, đó là biến đổi trong loài. Bằng chứng là sự lai tạp khác loài không thể xảy ra. Đó là điều sơ đẳng mà một người nông dân bình thường cũng biết, nhưng Darwin không biết. Qua 2 tác phẩm của Darwin, tôi thấy ông chỉ có những quan sát sự sống từ bên ngoài, với những so sánh chủ yếu về hình thể học, một chút giải phẫu học. Có những kiến thức mang tính quyết định đối với thuyết tiến hóa, đó là địa chất học và cổ sinh học, nhưng thầy dạy môn địa chất của ông là Adam Sedgwick lại chê bai lý thuyết của ông tới mức ghét bỏ nó, vì nó đã từ bỏ một tiêu chí cơ bản của khoa học là phương pháp quy nạp (từ những sự kiện thực tế rút ra những quy luật).

Nói Darwin không quan sát thì không đúng. Nhưng ông quan sát cái gì? Từ những dạng chim sẻ mỏ ngắn, mỏ dài,… mà ông nhìn thấy trên hòn đảo Galapagos, ông nghĩ tới sự biến đổi của sinh vật để thích nghi với môi trường. Điều đó đúng. Nhưng từ đó ông khái quát thành sự biến đổi lớn tới mức biến loài này thành loài khác thì… hoàn toàn là tưởng tượng không có bằng chứng. Tuyệt nhiên không có bằng chứng của loài chuyển tiếp từ loài này thành loài khác. Chính Darwin thừa nhận sự thật đó. Bằng chứng cổ sinh học (hóa thạch) thì phản lại lý thuyết của ông ─ sự bùng nổ sự sống trong kỷ Cambri nói lên rằng sinh vật xuất hiện đột ngột, hoàn toàn trái với tưởng tượng của ông cho rằng sự biến hóa diễn ra dần dần từng tí một để dẫn tới tiến hóa.

Có thể nói thuyết tiến hóa của Darwin có rất nhiều sai lầm, nhưng sai lầm rõ nhất có lẽ là lý thuyết về “cái ao ấm áp”, vì nó phản lại nhiều định luật cơ bản của khoa học mà Darwin có thể đã biết hoặc không biết, và vì nó bị nhiều lý thuyết khoa học sau này bác bỏ.

5/ Tính chất phản khoa học của lý thuyết “cái ao ấm áp”

Về vấn đề NGSS, chính Darwin đã lúng túng, thay đổi quan điểm, rồi cuối cùng tưởng tượng ra một sự kiện 100% mơ hồ, đó là “cái ao ấm áp”. Điều này đã được trình bày rõ trong bài “If Darwin were alive / Nếu Darwin còn sống”. Xin trích một đoạn:

Bài báo “Charles Darwin and the Origin of Life” (Charles Darwin và vấn đề nguồn gốc sự sống) ngày 25/07/2009 của Thư viện Y học Quốc gia và Viện Quốc gia về Sức khỏe ở Mỹ cho biết: Khi xuất bản cuốn “Về nguồn gốc các loài” năm 1859, Darwin đã “né tránh một cách có ý thức việc thảo luận về nguồn gốc sự sống” (tôi tô đậm để nhấn mạnh, PVHg). Bài báo viết:

“Darwin nghĩ gì về nguồn gốc sự sống? Ý kiến của ông dường như đã thay đổi qua thời gian kể từ nhận định đầu tiên năm 1861 trong cuốn “Về nguồn gốc các loài” xuất bản lần thứ 3, rằng …thật là vô căn cứ khi phản đối khoa học không rọi ánh sáng vào vấn đề vô cùng phức tạp về bản chất cốt lõi hoặc nguồn gốc sự sống”.

Ông đã nhắc lại điều này trong một thư gửi tới bạn thân của ông là Joseph Dalton Hooker ngày 29/03/1863, rằng “…vào thời điểm hiện tại, thật là nhảm nhí khi nghĩ về nguồn gốc sự sống; cũng như nghĩ về nguồn gốc vật chất” (…it is mere rubbish thinking, at present, of origin of life; one might as well think of origin of matter).

Nhưng chẳng bao lâu sau chính ông lại bàn tới chuyện mà ông coi là “nhảm nhí” đó. Thật vậy, theo Wikipedia, thì 8 năm sau, ngày 01/02/1871, ông lại gửi thư cho Hooker, trong đó phỏng đoán “tia lóe đầu tiên của sự sống CÓ THỂ đã bắt đầu từ một cái ao nhỏ ấm áp, với tất cả các loại ammonia và muối phosphoric, hiện diện ánh sáng, nhiệt, điện,… để một hợp chất protein được tạo ra bằng kết hợp hóa học rồi sẵn sàng trải qua những biến đổi phức tạp hơn nữa” (Wikipedia > Abiogenesis > Pasteur and Darwin).

Sự bất nhất của Darwin nói lên điều gì? Nó nói lên rằng “cái ao ấm áp” chỉ là kết quả của một trí tưởng tượng “miễn cưỡng”. Nó không phải một ánh sáng trực giác lóe lên trong đầu Darwin, mà là một sự nhào nặn tư tưởng để trả lời một câu hỏi logic tất yếu bị chất vấn khi đề xuất một lý thuyết cho rằng sinh vật tiến hóa từ đơn giản đến phức tạp. Câu hỏi đó rất đơn giản, nhưng con người không thể trả lời được, đó là “sinh vật đầu tiên từ đâu mà ra?”. Bất chấp mọi nỗ lực của các nhà tiến hóa, mọi thí nghiệm về nguồn gốc sự sống nhằm trả lời câu hỏi đó đã “đi từ tồi tệ đến tồi tệ hơn”, như tiến sĩ Fazale Rana nhận xét trong bài báo đã dẫn ở trên. Tại sao vậy? Vì những thí nghiệm này phản lại nhiều định luật cơ bản của khoa học. Cụ thể:

5.1 Lý thuyết NGSS phản lại Định luật Pasteur về Tạo Sinh (Pasteurian Law of Biogenesis)

Định luật Tạo Sinh khẳng định sự sống chỉ ra đời từ sự sống. Lý thuyết NGSS của Darwin tin rằng sự sống hình thành một cách ngẫu nhiên từ vật chất không sống. Hai lý thuyết này đối chọi với nhau, cái này loại bỏ cái kia. Vì thế, Định luật Tạo Sinh ắt phải loại bỏ lý thuyết nguồn gốc sự sống của Darwin. Thực chất lý thuyết nguồn gốc sự sống của Darwin là sự tiếp tục nối dõi học thuyết sự sống hình thành tự phát (the doctrine of spontaneous generation) đã có từ thời cổ Hy Lạp. Học thuyết này đã bị đập tan năm 1861 bởi thí nghiệm bình cổ cong thiên nga của Pasteur. Sau thí nghiệm này, Pasteur tuyên bố: “Học thuyết sự sống hình thành tự phát sẽ không bao giờ có thể hồi phục được nữa từ cú đòn chết người do thí nghiệm đơn giản này giáng lên nó”. Vậy mà Darwin lại dựng cái thây ma đó dậy. Liệu Darwin có biết thí nghiệm của Pasteur không? Khó tin rằng ông không biết, vì nhiều người cùng thời với ông biết rõ thí nghiệm của Pasteur và biết rõ định luật do Pasteur nêu lên: “Sự sống chỉ ra đời từ sự sống”. Một trong những người đó là nhà khoa học lỗi lạc người Anh, Lord Kelvin, người khám phá ra Định luật 2 của Nhiệt Động lực học, từng là chủ tịch Hội Hoàng gia Anh cuối thế kỷ 19. Ông tuyên bố:

  • “Sự khảo sát kỹ lưỡng đủ cẩn thận trong mọi trường hợp cho tới tận ngày nay đã khám phá ra rằng sự sống đến từ sự sống trước nó. Vật chất chết không thể trở thành sống mà không có vật chất sống trước nó”.
  • “Tôi cần phải nói công khai rằng sự khởi đầu và sự duy trì sự sống trên trái đất hoàn toàn vượt quá phạm vi của mọi phỏng đoán hợp lý trong khoa học động lực. Đóng góp duy nhất của khoa học động lực cho sinh học lý thuyết là sự phủ định tuyệt đối về sự khởi đầu tự động hoặc sự duy trì tự động của sự sống

Đệ tử của Darwin đã theo Darwin thì phải theo đến cùng. Vì thế họ trắng trợn gọi Định luật Tạo Sinh là một giả thuyết. Độc giả có thể thấy điều này trên Wikipedia, mục từ “Biogenesis”. Tất nhiên các nhà tiến hóa buộc phải làm như thế, vì họ biết rõ rằng Định luật Tạo Sinh tự động bác bỏ lý thuyết của Darwin về “cái ao ấm áp”. Nếu thừa nhận Định luật Tạo Sinh là một định luật, thuyết tiến hóa của họ lập tức sụp đổ. Vì tinh thần bè phái, họ sẵn sàng bẻ cong sự thật.

5.2 Lý thuyết NGSS bị bác bỏ bởi Định luật Pasteur về tính bất đối xứng của sự sống.

Định luật Pasteur về tính bất đối xứng của sự sống khẳng định sự sống bất đối xứng. Mọi thí nghiệm chế tạo sự sống của thuyết tiến hóa đều thất bại vì KHÔNG THỂ TẠO RA vật chất có phân tử bất đối xứng. Và họ thừa nhận rằng họ không thể giải thích vì sao phân tử của sự sống bất đối xứng. Bài báo đã dẫn ở trên nói rõ điều đó: “Bạn có biết mọi sự sống đều thuận tay trái? Nhưng chúng ta không biết tại sao”. Định luật về tính bất đối xứng của sự sống gợi ý rằng Nhà Thiết kế Sự Sống đã thiết kế, đã lập trình để sự sống phải như vậy. Đó là điều chủ nghĩa tự nhiên không thể chấp nhận.

5.3 Lý thuyết NGSS bị bác bỏ bởi toán học xác suất.

Fred Hoyle, nhà toán học và thiên văn học nổi tiếng người Anh, đồng hương của Darwin, đã tính xác suất để sự sống hình thành ngẫu nhiên từ vật chất không sống, kết quả P = (1/10)^40.000. Ông tuyên bố: “Cái mẫu số này đủ lớn để chôn vùi học thuyết Darwin”, rồi ông ví khả năng để các nguyên tử phân tử vô cơ NGẪU NHIÊN tập hợp lại thành một phân tử sống tương đương với khả năng để các linh kiện trong một nhà máy chế tạo máy bay Boeing 737 bị một trần cuồng phong thổi tung lên trời rồi rơi xuống và NGẪU NHIÊN tập hợp lại thành một chiếc máy bay Boeing 737. Có nghĩa là Fred Hoyle bác bỏ Darwin một cách tuyệt đối!

5.4 Lý thuyết NGSS bị bác bỏ Lý thuyết Thông tin.

Lý thuyết Thông tin khẳng định rằng: 1/ Thông tin không phải vật chất; 2/ Mọi thông tin đều có nguồn trí tuệ thông minh.

Vậy mã DNA là thông tin, không phải vật chất, và nó phải có nguồn trí tuệ thông minh. Lý thuyết “cái ao ấm áp” tuyệt đối không có khái niệm gì về thông tin, tuyệt đối không thể chỉ ra nguồn của mã DNA, và tuyệt đối không thể chế tạo ra mã DNA thông qua những phản ứng hóa học. Vì thế tham vọng tạo ra sự sống từ các phản ứng hóa học vĩnh viễn sẽ thất bại, vì không có thông tin hướng dẫn.

5.5 Lý thuyết NGSS vấp phải “Nghịch lý Con gà và Quả trứng”

Nghịch lý Con gà và Quả trứng đặt câu hỏi “con gà có trước hay quả trứng có trước?”. Khoa học tuyệt đối không có câu trả lời. Sinh học ngày nay biết rằng DNA nằm trong Protein, do đó muốn có DNA phải có Protein. Nhưng muốn có Protein thì phải có DNA, vì DNA chứa thông tin hướng dẫn chế tạo Protein. Vậy muốn chế tạo ra sự sống, phải chế tạo ra DNA trước hay Protein trước?

Thuyết tiến hóa bịa ra Giả thuyết RNA và quảng cáo rùm beng “đã giải quyết được Nghịch lý Con gà và Quả trứng” (!!!). Có nghĩa là để chứng minh giả thuyết “cái ao ấm áp” của Darwin thì người ta lại bịa ra một giả thuyết mới. Tôi đoán rằng trong quá trình chứng minh Giả thuyết RNA sẽ xuất hiện những câu hỏi mới, và họ lại sáng chế ra một giả thuyết mới hơn nữa ─ sẽ có các giả thuyết của giả thuyết, một chuỗi “tiến hóa” các giả thuyết (!) của thuyết tiến hóa. Nhân loại cứ việc chờ xem. Nếu có một Giải Nobel dành cho các giả thuyết, hãy trao cho thuyết tiến hóa!

5.6 Lý thuyết NGSS trái với hệ quả triết học của Định lý Bất toàn.

Định lý Bất toàn của Gödel khẳng định rằng không có cách nào để kiểm tra một hệ tiên đề có đầy đủ và phi mâu thuẫn hay không. Nói đơn giản, không thể chứng minh hoặc giải thích một hệ tiên đề của bất kỳ một hệ logic nào. Các nhà tiến hóa dường như không hay biết gì về Định lý Bất toàn và không có cái đầu triết học nên mới lao vào chứng minh nguồn gốc sự sống. Họ không đếm xỉa đến lời khuyên của Lord Kelvin rằng vấn đề NGSS vượt quá khả năng của tất cả các khoa học động lực (tức các khoa học nghiên cứu các chuyển động dưới tác dụng của lực, như vật lý, hóa học, sinh học).

6/ Kết luận

6.1 Lý thuyết NGSS là một bộ phận của thuyết tiến hóa, thậm chí là bộ phận quan trọng nhất, vì nó là mắt xích đầu tiên của chuỗi tiến hóa ─ sự sống tiến hóa bắt đầu từ đâu.

6.2 Lý thuyết NGSS là một BÀI TOÁN BẤT KHẢ, (không thể giải quyết được) vì nó TRÁI VỚI NHIỀU ĐỊNH LUẬT CƠ BẢN CỦA KHOA HỌC.

6.3 Lý thuyết NGSS là một tham vọng trả lời câu hỏi nguồn gốc sự sống, một trong những câu hỏi thuộc về bản thể luận (Ontology) ─ những câu hỏi triết học vượt quá tầm với của mọi khoa học. Con người chỉ có thể tiếp cận tới những câu hỏi đó bằng tri thức tổng hợp kết hợp mọi dạng nhận thức, từ khoa học động lực tới khoa học thông tin + triết học + thần học + tâm linh…

6.4 Ý kiến cho rằng vấn đề NGSS không nằm trong phạm vi của thuyết tiến hóa là ý kiến SAI. Sai lầm này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về thuyết tiến hóa, hoặc ngược lại, hiểu rõ rằng đó là BÀI TOÁN BẾ TẮC của thuyết tiến hóa nên tìm cách né tránh, không muốn cho mọi người biết sự thật.

PVHg, 21/04/2017

 

7 thoughts on “Evolution’s Achilles’ Heels / Cái Gót A-sin của Thuyết Tiến hóa

  1. Bác Hưng kinh mến!

    Cảm ơn bác đã phân tích sâu sắc cho thế hệ trẻ chúng cháu hiểu thêm về thuyết Tiến hóa nói riêng và cách nhận thức cuộc sống nói chung. Có những điều hôm nay chúng ta tưởng rằng đó là chân lý nhưng ngày mai sự thật lại bị phơi bày sự giả dối đến mức trơ tráo. Rất nhiều bạn trẻ chúng cháu thường nghĩ Khoa học sẽ trả lời giải đáp được mọi thứ trên đời, nhưng hóa ra khoa học còn rất nhiều hạn chế.
    Nhiều khi cháu cứ suy nghĩ nhiều về cuộc sống này: Con người ngày nào cũng vất vả ngược xuôi bon chen, để lo cơm áo, gạo tiền. Có những người tự cho mình là khôn ngoan nổi trội hơn mọi người khác khi họ hãnh diện kiếm được nhiều tiền, xây nhà cao, cửa rộng, sắm ô tô để vênh vang với đời…Người ta xây dựng sản nghiệp để phục vụ cho lòng tham muốn của chính bản thân mình, nhưng khi có mọi thứ rồi, liệu họ có cảm thấy bình an không? Hay vẫn phải tất tưởi lo lắng, giữ gìn sản nghiệp ấy, lòng vẫn còn ham muốn kiếm thêm nhiều nhiều hơn nữa, họ chẳng biết bản thân mình đã biến thành nô lệ cho chính tài sản của mình. Để rồi một ngày nào đó quá mệt mỏi và gặp những chuyện vô thường, thậm chí trở về với cát bụi khi mà bao dự định đang còn dở dang, tiền vẫn còn trong nhà băng, nhà và xe vẫn còn đó, nhưng linh hồn cứ ngoái đầu nhìn lại đống của cải với lòng đầy tiếc nuối không sao siêu thoát cho nổi?
    Có những người mang tiếng là “nhà khoa học” nhưng chỉ chạy theo bằng cấp, danh hiệu GS, TS… Nhưng than ôi! Lòng dạ thì chẳng có khoa học gì cả. Nếu họ đúng là những nhà Khoa học chân chính như những người bác hay nhắc đến như Pasteur, như Pascal, như Godel…thì sao họ không dám nói lên tiếng nói sự thật của trái tim, trước những cái đúng cái sai tại sao họ không dám lên tiếng ? Cụ thể như trong Thuyết Tiến hóa nếu là đúng thì việc gì phải làm bằng chứng giả như bác đã nêu lên trong bài viết ở trên ? Cháu không phải là nhà khoa học, không nghiên cứu thuyết tiến hóa , thê mà đọc bài của bác nói thuyết tiến hóa làm bằng chứng giả, cháu thấy xấu hổ vô cùng . Câu chất vấn của bác rất hay : Nếu thuyết tiến hóa có bằng chứng thì tại sao phải làm bằng chứng giả ? Sự thật rành rành như thế mà vẫn còn cãi thì chán thật, còn gì là khoa học nữa, còn gì nhân cách nữa ? Chắc là nhiều nhà khoa học ở ta còn nghe ngóng xem phương Tây họ có phản đối Thuyết ấy không ? Nếu bên ấy cũng phản đối thì họ mới hùa theo bác nhỉ? Thế thì còn gọi gì là trí thức khoa học nữa bác nhỉ?
    Cháu rất vui vì nhờ có bác cháu đã bước vào một cuộc sống có tôn giáo dẫn đường, từ khi đến với Chúa cháu hiểu được rằng cuộc đời cháu không còn lẻ loi, mỗi lúc cháu buồn đau, mỗi khi gặp khó khăn, bế tắc cháu đều chạy đến bên Người thì thầm cầu nguyện chia sẻ cùng Người, cháu tin tưởng rằng Chúa sẽ nghe và thấu hiểu những điều cháu mong muốn: Đó là bình an và thanh thản để sống trên cõi đời này tận hưởng cái Đẹp mà Chúa ban cho và hướng tâm vào lẽ Thiện như lời của Chúa!
    Cháu tin rằng chỉ có Chúa mới là Đắng Toàn năng sáng tạo ra Vũ trụ và sự sống này, mọi hiểu biết của con người chỉ là hữu hạn mà thôi!
    Một lần nữa cháu cảm ơn bác đã giúp cho tuổi trẻ chúng cháu biết hướng tâm vào Đạo!
    Cầu Chúa mang bình an đến cho bác mỗi ngày!

    Bình Minh.

    Thích

    • Cám ơn bạn Bình Minh,

      Bạn nói đúng, giới khoa học có nhiều người đo chân lý thông qua bằng cấp, số lượng bài báo,…. Họ chỉ giỏi bắt chước. Điển hình là 500 tiến sĩ tiến hóa làm đề tài về Người Piltdown! Học Thuyết Darwin được rất nhiều nhà khoa học kiểu này ủng hộ. Trong khi những nhà khoa học hàng đầu đều bác bỏ học thuyết Darwin, vì họ là những nhà khoa học đích thực. Louis Pasteur nói “Peu de science éloigne de Dieu, beaucoup de science y ramène” (Có một chút khoa học thì xa rời Chúa, nhiều khoa học sẽ quay về với Chúa). Có thể dùng câu nói đó để soi thế giới khoa học, và để giải thích tại sao đại diện của thuyết tiến hóa là những loại như Richard Dawkins, George Wald,… Còn đại diện của những người chống thuyết tiến hóa là những người như Louis Pasteur, Gregor Mendel, Lord Kelvin, Kurt Godel,….
      Bạn yên tâm, sự thật sẽ sáng tỏ, và thực ra nó đã và đang sáng tỏ nhiều lắm rồi đấy.
      PVHg

      Thích

  2. 1/ Nguồn gốc của sự sống ? Chúng ta chưa biết. Vì chúng ta chưa biết cơ chế hình thành sự sống đầu tiên như thế nào nên không thể có bất kỳ một cách thức nào, công thức nào để tính xác suất hình thành sự sống.
    Vì khi ta muốn tính xác suất một hiện tượng nào đó có xảy ra hay không, thì ta ít nhất phải hiểu cơ chế của hiện tượng đó, điều kiện cho nó xảy ra.
    Ví dụ, muốn tính xác suất xuất hiện mặt 1 của 1 viên xí ngầu 6 mặt, ít nhất ta phải biết viên xí ngầu đó có khối lượng phân bố đồng đều không ? các mặt có diện tích như nhau không ? …. Vì nếu các mặt đó giả sử khác nhau về diện tích, hay có người chơi ăn gian vào một phía thì xác suất không còn là 1/6 nữa.

    Cũng như vậy, muốn tính xác suất sự sống đầu tiên ra đời thì tối thiểu phải hiểu cơ chế ra đời của nó, điều kiện vào thời điểm nó ra đời ,…Nhưng đơn giản là chúng ta không biết, (hay chưa biết ) thì cái công thức đó có ý nghĩa gì.?

    Tương tự, nếu giả sử ta chỉ dùng cơ học cổ điển mà tính xem xác suất các thiên hà cùng chạy ra xa thì sẽ có được một xác suất cực bé gần như không. Nhưng khi ta hiểu cơ học tương đối, thì xác suất đó là ….. 1
    Cho nên, dùng những combination để mà tính xác suất hình thành sự sống thì con số đó không đáng tham khảo.

    2/ Xác Suất Hình Thành Sự Sống

    Về các con số xác suất. chúng đến từ cuốn The Neck of the Giraffe của tác giả Hitch, một cuốn sách sinh học hướng tới bình dân – tức là phép tính này chưa hề được các chuyên gia thẩm định. Phép tính đó được tính thế này:

    “…let us consider a simple protein containing only 100 amino acids. There are 20 different kinds of L-amino acids in proteins, and each can be used repeatedly in chains of 100. Therefore, they could be arranged in 20^100 or 10^130 different ways. Even if a hundred million billion (10^17) of these combinations could function for a given purpose, there is only one chance in 10^113 of getting one of these required amino acid sequences in a small protein consisting of 100 amino acids. By comparison, Sir Arthur Eddington has estimated there are no more than 10^80 (or 3,145X10^79) particles in the universe…Mathematicians usually consider 1 chance in 10^50 as negligible. In other words, when the exponent is higher than 50, the chances are so slim for such an event ever occurring, that it is considered impossible.”
    Tạm dịch:
    “..giờ xét một protein đơn giản chỉ có 100 aa. Có 20 loại L-aa trong protein, mỗi aa có thể xuất hiện nhiều lần trong chuỗi 100 ấy. Thế nên ta có thể sắp chúng theo 20^100 hoặc 10^130 cách khác nhau. Ngay cả khi nếu một trăm triệu tỷ (10^17) tổ hợp trong số đó có thể hoạt động với một chức năng gì đó, thì chỉ có xác suất 1/10^113 là ta thu được một trong số những chuỗi aa đúng để tạo ra protein nhỏ chứa 100 aa. Để so sánh, Ngài Arthur Eddington ước tính có không quá 10^80 hạt trong toàn vũ trụ… các nhà toán học thường coi xác suất 1/10^50 là không đáng kể. Nói cách khác, khi lũy thừa đã cao hơn 50, thì xác suất một sự kiện xảy ra quá nhỏ đến mức phải coi là bất khả “.
    => Đây chỉ là kiểu tính toán mà không hề xem xét tới đối tượng mình tính ra sao

    Thực sự, dù nhà toán học nào có giỏi đến đâu thì cũng không thể nào bắt đầu tính xác suất của các hiện tượng tự nhiên nếu không xem xét các tính chất vật lý, hóa học.
    Ví dụ, nhìn cấu trúc tinh thể muối, ta sẽ thấy các nguyên tử Natri nối thẳng mạng lưới đối xứng tuyệt đối bằng tỉ lệ 1:1 hoàn hảo với Clo; nếu ta tính xác suất để một nguyên tử Natri tình cờ có một Clo bên cạnh, kế lại có một Na khác cũng tình cờ có Clo… và xác suất để chúng đối xứng với nhau, thì sự tồn tại của một phần nghìn gram muối thôi cũng đã bất khả thi hơn việc hình thành sự sống. Còn chỉ cần biết hóa vỡ lòng thôi, ta sẽ thấy xác suất đó là vô nghĩa, chỉ vì bản chất hóa học của các nguyên tử làm cho sự hình thành NaCl, sự kết hợp tạo mạng tinh thể hoàn hảo, quá đỗi dễ dàng và hiển nhiên.
    Hoặc lấy ví dụ, ta thử tính mấy đời mà một quá trình đui mù, ngẫu nhiên như tuyết rơi tạo ra được những bông tuyết nhìn như là được một ” thợ thủ công bậc thầy chạm khắc ” ?
    Tuy nhiên, mỗi trận tuyết vẫn tạo ra hàng trăm nghìn tỉ những tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị đó đấy thôi, tất cả chỉ nhờ các lực vật lý, hóa học và quy luật vũ trụ. Vì thế, tính xác suất hình thành chuỗi protein bao gồm 20 aa cần cho sự sống bằng cách tính 100 hạt đậu lấy ra được chuỗi đúng 20 hạt đậu yêu cầu và nhiều thứ nữa để ra một xác suất không tưởng. Điều này là không đúng vì thứ nhất, aa không phải những hạt đậu đỏ y chang nhau, mỗi aa sẽ có khối lượng, tính phân cực, ái lực… rất đặc thù, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến chức năng và việc chọn lọc chúng không hề ngẫu nhiên như bốc đậu. Thứ 2, ngoài aa đầu thì không có bất kỳ yêu cầu gì cho thứ tự của các aa còn lại. Thứ 3, 20 aa đó là của các sinh vật hiện đại, còn sự sống đầu tiên thì không nhất thiết như vậy – và cũng ít có khả năng sử dụng đúng 20 loại này. Vì không tính đến ba điều ấy, nên bài toán sẽ trở nên vô nghĩa.

    Hơn nữa, gọi một chuỗi protein 100 là đơn giản bằng cách dùng tiêu chuẩn hiện tại. Như ta thấy, ” sự sống ” đầu tiên theo abiogenesis gần như chỉ là một phân tử. Thực nghiệm cho thấy, có chuỗi chỉ cần 10 aa đã có đủ các thuộc tính cơ bản của protein sự sống rồi http://pubs.acs.org/doi/pdf/10.1021/ja8030533.

    Mặt khác chính Borel – người đề xuất việc coi xác suất nhỏ hơn 1/10^50 là bất khả cũng đính chính trước rằng điều đó không thể ứng dụng cho chất sống, cũng như một số dạng chất không sống, vì chúng có những thuộc tính đặc trưng làm chúng ta không thể tính xác suất chúng hình thành như một tập hợp hoàn toàn các thành phần ngẫu nhiên. http://www.aetheling.com/essays/Borel.html

    Tóm lại, để tính xác suất một hiện tượng tự nhiên, trước hết ta phải hiểu thấu đáo nó. vì nó thực sự KHÔNG HỀ DIỄN RA NGẪU NHIÊN
    Như đã đề cập ở trên, một ví dụ rất hay, là việc hình thành các bông tuyết. Nếu không hiểu các cơ chế, tính chất, quy luật của nó ra sao thì tính theo kiểu ngẫu nhiên xác suất sẽ gần như bằng 0. Nhưng một khi đã hiểu rồi thì quá trình đó diễn ra theo hướng giảm mức năng lượng, và khi ta đưa các điều kiện đó vào thì xác suất sẽ tăng lên rất nhiều đến độ gần như chắc chắn xảy ra,
    Nếu tính xác suất ngẫu nhiên thì chẳng bao giờ tiến tới 1 loài phù hợp với điều kiện sống, nhưng nó không hề ngẫu nhiên mà diễn ra theo hướng có chọn lọc, bên tin học gọi là Genetic Algorithm, khi ta áp dụng algorithm này thì thấy nó diễn ra rất nhanh để đạt đến trạng thái gần như là có designed.
    Vả lại, quá trình tiến hoá không chỉ diễn ra trong sinh học mà driven force của nó còn nằm ở tầng lớp thấp hơn – hệ vật lý.
    Tác giả có thể tham khảo thêm
    https://www.quantamagazine.org/20140122-a-new-physics-theory-of-life/

    Thuyết tiến nói rằng nếu một sinh vật thích nghi một khỏang thời gian dài thì sẽ biến đổi thành loài mới. Thời gian dài là vài triệu năm hoặc vài tỷ năm. Đây là điều kiện để thuyết tiến hóa đúng. Mỗi thuyết đều có một điều kiện để nó đúng. Như thuyết tương đối của Einstein nói rằng nếu chúng ta di chuyển bằng vận tốc ánh sáng thì sẽ thấy thời gian chậm lại và không gian co lại. Do đó, ta không thể nào nói rằng ” THUYẾT TƯƠNG ĐỐI LÀ SAI CHỈ VÌ TA KHÔNG BAO GIỜ DI CHUYỂN ĐƯỢC VỚI VẬN TỐC ÁNH SÁNG “

    Thích

    • Nói thêm một chút với bạn Lương Chí Bằng,

      Cái mà bạn nói rằng có một cái driven force trong Tự Nhiên là đúng đấy. Vậy cái driven force ấy ở đâu mà ra ? Đó là sự hướng dẫn của Nhà Lập trình, Nhà Thiết kế, Đấng Tạo hóa đấy. Sự sống mà ko có sự hướng dẫn đó thì sẽ không hình thành được. Vậy sự sống ra đời không phải ngẫu nhiên, mà do có một cái driven force của Đấng Tạo Hóa.

      Bạn nói có người lý luận đại ý rằng Thuyết Tương đối là sai vì không có cách nào chuyển động với vận tốc ánh sáng. Ý bạn nói rằng Thuyết Tiến hóa cũng tương tự, nó có những cái “cao siêu, trừu tượng” không thể kiểm chứng được. Đó là NGỤY BIỆN. Người ta không thể chuyển động với vận tốc ánh sáng, nhưng người ta ĐÃ TIẾN HÀNH NHIỀU THÍ NGHIỆM KHÔNG THỂ CHỐI CÃI ĐƯỢC để kiểm chứng Thuyết Tương đối. Còn Thuyết Tiến hóa tuyệt đối không có thí nghiệm nào để kiểm chứng. Chỉ có một thí nghiệm duy nhất là thí nghiệm Urey-Miller thất bại (nhưng làm rùm beng là thắng lợi), còn lại Thuyết Tiến hóa chỉ toàn là giả thuyết thôi. Bằng chứng của Thuyết Tiến hóa hoặc là giả mạo và lừa đảo, hoặc là sai lầm. Tôi đã nói nhiều điều này rồi.

      Tóm lại, ý kiến của bạn là sự bảo vệ Thuyết Tiến hóa một cách vụng về. Tôi có thể lập luận để bác bỏ từng điểm trong ý kiến của bạn nhưng sẽ quá mất thì giờ. Bạn nên tìm diễn đàn khác, thích hợp với những ý kiến ngụy biện kiểu như thế, thay vì phát biểu trên PVHg’s Home, bạn thông cảm nhé. PVHg

      Thích

  3. Nếu đã đặt cơ sở sai về hóa sinh thì tính toán sẽ không có giá trị. VÌ nếu các nhà toán học không đếm xỉa tới các đặc tính hóa-sinh-lý của các phân tử trong tính toán thì xác suất đó sẽ vô nghĩa.
    Emile Borel phát biểu xác suất là 1/10^50, đây là một dạng ” rule of thumb “, một dạng “ước đoán theo kinh nghiệm”.
    Quy tắc này giống một quy tắc có tên gọi tiếng Anh là Heurestic, là kỹ thuật dựa vào kinh nghiệm (experience-based technique) để giải quyết vấn đề, nghiên cứu hoặc khám phá. Chính vì chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên kỹ thuật này không đảm bảo tính chính xác trong tất cả các tình huống.
    Sở dĩ người Mỹ dùng thành ngữ này là vì từ giữa thế kỷ thứ 17 họ thường dùng ngón tay cái, hay bàn tay, bàn chân để đo lường một đồ vật chứ không dùng cái thước. Ngoài ra, những người sản xuất bia thường dùng ngón tay cái để đo nhiệt độ của bia để xem khi nào bia tới độ uống được.

    Chính Emile Borel tự phát biểu một cách khách qua như sau:
    “It is obviously the same as if we asked ourselves whether we could know if it was possible actually to create a human being by combining at random a certain number of simple bodies. But this is not the way that the problem of the origin of life presents itself: it is generally held that living beings are the result of a slow process of evolution, beginning with elementary organisms, and that this process of evolution involves certain properties of living matter that prevent us from asserting that the process was accomplished in accordance with the laws of chance .
    ” Moreover, certain of these properties of living matter also belong to inanimate matter, when it takes certain forms, such as that of crystals. It does not seem possible to apply the laws of probability calculus to the phenomenon of the formation of a crystal in a more or less supersaturated solution. At least, it would not be possible to treat this as a problem of probability without taking account of certain properties of matter, properties that facilitate the formation of crystals and that we are certainly obliged to verify. We ought, it seems to me, to consider it likely that the formation of elementary living organisms, and the evolution of those organisms, are also governed by elementary properties of matter that we do not understand perfectly but whose existence we ought nevertheless admit.” [ Probability and Certainty, 1963, pp.125-126 ]
    Nước cốt: Chất sống, cũng như một số dạng chất không sống, có những thuộc tính đặc trưng làm chúng ta không thể tính xác suất chúng hình thành như một tập hợp hoàn toàn các thành phần ngẫu nhiên.
    Borel cũng không hề chống tiến hóa, mà ngược lại còn khuyên những nhà toán học không nên nhắm mắt tính bừa.

    Còn về Fred Hoyle, thứ nhất, ông ấy đã đặt các giả định sai về sự hình thành tế bào đầu tiên như thể việc hình thành các tổ hợp protein và các biến như protein và các phân tử là độc lập, trong khi thực tế thì tương tác của các đại phân tử này là rất lớn.
    Thứ hai, ” tế bào đầu tiên ” mà ông ấy tính toán không giống chút nào với ” tế bào đầu tiên ” mà khoa học đang nghiên cứu:
    ” Our view of what such a chemical system would look like centers on a model of a primitive cell, or protocell, that consists of two main components: a self-replicating genetic polymer and a self-replicating membrane boundary.” ( http://molbio.mgh.harvard.edu/szostakweb/, Theo công trình của tiến sĩ Szotak và cộng sự

    Thích

    • Cám ơn bạn Lương Chí Bằng vì nhiệt tình thảo luận về Thuyết Tiến hóa (một lúc gửi những 2 ý kiến dài!)
      Tôi đăng ý kiến của bạn để thể hiện sự tôn trọng bạn, nhưng không có nghĩa là tôi tán thành những điều bạn trình bày. Ngược lại, tôi thấy lý luận của bạn thể hiện sự kém hiểu biết về toán học. Thí dụ: Bạn nói Emile Borel nói sự kiện có xác suất 1/10^50 không thể xảy ra là kinh nghiệm. Tôi xin trả lời bạn rằng đó là một lập luận logic dựa trên toán học và vật lý chứ không phải kinh nghiệm. Nói như thế tức là thiếu hiểu biết về lý thuyết của Borel. Tôi không có thì giờ để nói cho bạn hiểu, bạn phải cố gắng tự tìm hiểu. Mọi lý luận của bạn biện hộ cho Thuyết tiến hóa về mặt xác suất chứng tỏ bạn chưa đọc hoặc đã đọc mà không hiểu một bài báo tôi đã dẫn trong nhiều bài viết, đó là bài:
      The Mathematical Challenges of Darwinism / Unanswered Mathematical and Computational Challenges facing Neo-Darwinism as a Theory of Origins
      http://www.darwinsmaths.com/
      Nếu đọc bài này mà có chỗ không hiểu thì bạn hãy tìm gặp các nhà toán học để hỏi. Thậm chí bạn có thể liên lạc với tác giả bài báo.
      Tôi rất thông cảm với giới sinh học tiến hóa vì sự kém hiểu biết đối với toán học xác suất.
      Hội nghị quốc tế tại Viện Wistar Philadelphia 1966 đã bác bỏ thuyết Tân-Darwin rồi. Và sự bác bỏ này chủ yếu dựa trên toán học xác suất. Fred Hoyle chỉ là một trong RẤT NHIỀU nhà khoa học dùng xác suất để bác bỏ thuyết tiến hóa mà thôi.
      Nhưng bắt buộc phải hiểu được môn toán học này thì mới thấy quỹ thời gian của vũ trụ không đủ để hình thành sự sống một cách ngẫu nhiên như thuyết tiến hóa nói. Bạn nhắc lại ý kiến của các ông thầy về tiến hóa như George Wald rằng thời gian hàng tỷ năm sẽ đủ để cho sự sống nẩy sinh ngẫu nhiên từ vật chất không sống. Chứng tỏ bạn chưa đọc bài mới trên PVHg’s Home: “Bước cuối cùng của lý lé”, trong đó, nhà vật lý G. Bogdanov đã chứng minh rằng 15 tỷ năm của vũ trụ cũng không đủ để protein hình thành đâu bạn ơi, nói gì đến vài ba tỷ năm.
      Tóm lại, những gì cần nói thì tôi đã nói trong nhiều bài viết rồi, nên tôi không giải thích thêm nữa. Không chỉ có một lý do, mà có hàng đống lý do để ném thuyết tiến hóa vào… đống lý thuyết không tưởng, hoang đường hơn cả truyện cổ tích.
      Chỉ có những người không có trực giác nhạy bén mới tin vào mớ lý thuyết hoang đường đó.
      KURT GODEL, nhà toán học số 1 của TK 20, công khai bác bỏ Học thuyết Darwin. Theo ông, một hệ thống lý thuyết thô sơ như Thuyết tiến hóa không thể giải thích những cơ chế cực kỳ phức tạp như sự sống được. Thuyết Tiến hóa là câu chuyện dành cho con nit và cho những ai thích truyện tranh động vật.
      Một lần nữa cám ơn bạn vì sự nhiệt tình, nhưng sự trao đổi giữa bạn và tôi như thế là đủ, không nên mất thì giờ nữa bạn nhé. PVHg

      Thích

  4. Chào bác, bài viết của bác lập luận quá hay và sắc bén. Cháu chắc không bao giờ viết hay được như bác quá!

    Về vấn đề của thí nghiệm Miller, cháu nghĩ chưa hết hi vọng cho Evolutionism đâu ạ. Có một thuyết khoa học vũ trụ mới mà bản thân cháu thấy rất có triển vọng, đó là thuyết Electric Universe. Trang chủ của họ là: https://www.thunderbolts.info/wp/

    Nhà khoa học đứng sau nó là Wallace Thornhill và David Talbots. Mặc dù thuyết của họ rất khớp với Thánh Kinh nhưng họ là những người vô thần, không bao giờ đề cập tới thuyết Sáng Thế. Đặc biệt là Talbots, Nếu giả thuyết này của ông ấy là đúng: https://www.youtube.com/watch?v=t7EAlTcZFwY thì toàn bộ tôn giáo trên thế giới, kể cả nội dung của Thánh Kinh đều trở thành vô nghĩa, no more thay a myth!

    Về Thornhill thì ông không công khai quan điểm, nhưng ngụ ý rằng với điều kiện ban đầu của trái đất và hệ mặt trời theo thuyết của ông thì thí nghiệm Miller có khả năng thành công!

    Bọn họ cũng không công khai chống thuyết Sáng tạo như các Atheists khác. Họ rất Open mind khi cho phép các diễn giả khác ở EU Conference của họ phát biểu, trong đó có nhiều Creationist công khai chất vất sự chính xác của phương pháp đồng vị phóng xạ Cacbon 14 để tính tuổi trái đất và khả năng trận lụt lớn có xày ra và khủng long mới tuyệt chủng gần đây!

    Khi và chỉ khi thí nghiệm Miller được làm lại theo điều kiện ban đầu của thuyết EU, nếu nó vẫn sai thì mới đúng là mồ chôn của Evolutionism ạ!

    Thích

Bình luận về bài viết này