WISDOM and STUPIDITY / THÔNG TUỆ và NGU DỐT [1]

1

All history of human life has been a struggle between wisdom and stupidity” (Philip Pullman). “A fool thinks himself to be wise, but a wise man knows himself to be a fool” (William Shakespeare). Those statements are worth to be considered as useful lessons of wisdom and stupidity for everyone to ponder on…

Toàn bộ lịch sử nhân loại là cuộc đấu tranh giữa khôn ngoan và ngu xuẩn” (Philip Pullman). “Kẻ ngu nghĩ mình thông thái, nhưng người thông thái biết mình ngu” (William Shakespeare). Những phát biểu này đáng được xem như những bài học bổ ích về thông thái và ngu dốt để mọi người cùng suy ngẫm…

 

Phần I – Một cái nhìn toàn cảnh về sự thông thái và ngu dốt

Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy rẫy những điều vô lý, trớ trêu, ngược đời. Nhìn quanh có thể bắt gặp những điều vô lý ở khắp mọi nơi, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và trên các diễn đàn truyền thông. Trong giáo dục, chương trình học nhồi nhét vô tội vạ, học sinh phải học thêm lu bù tối mày tối mặt mà chất lượng ngày càng kém, đúng như Albert Einstein nhận xét: “Giáo dục nhồi nhét tất yếu dẫn tới nông cạn và vô văn hóa” [1]. Dường như các nhà giáo dục không đếm xỉa đến lời nhắc nhở của Einstein! Trong vật lý lý thuyết, toán học đã trở thành công cụ đắc lực để các nhà lý thuyết đua nhau xây dựng nên hàng đống những mô hình lý thuyết hư ảo không thể kiểm chứng được, nhưng vẫn tán tụng nhau, tâng bốc nhau như những Einstein của thời đại ngày nay. Trong công nghệ, các kỹ sư đua nhau chế tạo ra những cỗ máy giết người hàng loạt, từ bom hạt nhân đến bom khinh khí, robot chiến tranh, vũ khí hóa học, vũ khí vi trùng,… đến nỗi André Bourguingon, một nhà nhân loại học nổi tiếng người Pháp, phải kêu lên rằng loài người là một lũ điên rồ, vì nó là loài duy nhất tự hủy hoại giống loài của mình. Trong toán học, chủ nghĩa toán học hình thức mặc dù đã bị khai tử về mặt triết học từ năm 1931 bởi Định lý Bất toàn của Kurt Gödel, nhưng đến nay nó vẫn tiếp tục tác yêu tác quái trong hệ thống giảng dạy toán học, biến toán học thành một môn học khô cứng, chán ngấy, bị đa số học trò chán ghét. Trong sinh học, thuyết tiến hóa của Darwin mặc dù đã và đang bị bóc trần là một giả thuyết hoàn toàn tưởng tượng, tuyệt đối vô bằng chứng, từng sử dụng hàng loạt bằng chứng giả mạo để lừa đảo công chúng, nhưng vẫn ngang nhiên đóng vai một khoa học chính thống để tiếp tục nhồi nhét những kiến thức phản khoa học vào đầu trẻ em trên khắp thế giới… Còn rất nhiều điều trớ trêu khác không thể liệt kê hết ở đây.

Mỉa mai thay, những chuyện vô lý ngược đời ấy vẫn được truyền bá nhân danh khoa học. Ai cũng biết giáo dục và truyền thông là những công cụ đóng vai trò quyết định trong việc định hướng tư duy của con người, vì thế con người trong xã hội ngày nay, nếu không tỉnh táo, sẽ rất dễ sa vào mê cung của những lý thuyết nhảm nhí, sai lạc, để rồi trở thành những robot tư duy máy móc ngu xuẩn, thay vì những con người có trực giác sinh động có khả năng cảm ứng được với lẽ huyền vi trong trời đất. Trong bối cảnh này, một người có lương tri không thể không băn khoăn đặt câu hỏi: Tại sao những điều vô lý như thế lại có thể được chấp nhận?

Sau một thời gian dài suy ngẫm và nghiên cứu, đặc biệt, thông qua sự học hỏi từ những bậc cao minh tiền bối, tôi thấy câu trả lời chung cuộc quy về một mối: cái NGU của con người ─ cái tình trạng mà Phật giáo gọi là vô minh, Thiên Chúa giáo gọi là không hoặc chưa được mặc khải!

2_shakespeareCái NGU, chao ôi, mới ghê gớm làm sao. Nó có sức mạnh của đám đông, đến nỗi Einstein phải thất vọng than lên: “Tính đa số của những người ngu xuẩn là vô địch và thiên thu trường tại” [2]. Chỉ khi nào thấm nhuần lời than thở đó thì may ra mới hiểu được tại sao những điều vô lý cứ nghiễm nhiên tồn tại, thậm chí còn đóng vai trò định hướng tư duy của cả xã hội. Những người kém bản lĩnh, không có tư duy độc lập, quen bắt chước đám đông, tất nhiên sẽ rơi vào cạm bẫy của cái ngu đó. Chỉ có những người biết ĐẶT CÂU HỎI may ra mới có thể thoát ra khỏi cạm bẫy đó.

Để đặt câu hỏi, hãy học cách mở mang trí tuệ, học cách quan sát thế giới. Một trong những cách học quan sát thế giới là đọc và suy ngẫm về tư tưởng của các bậc cao minh tiền bối, những bậc thầy của nhân loại.

Triết học Đông phương truyền thống cho rằng con người sinh ra vốn có cái sáng suốt tự nhiên. Học giả Trần Trọng Kim đã trình bày rất rõ điều này trong cuốn NHO GIÁO: “Người là cái đức của trời đất, sự giao hợp của âm dương, sự tụ hội của quỷ thần, cái khí tinh tú của ngũ hành… Cái sáng suốt tự nhiên có sẵn trong người ta là minh đức hay là lương tri, có thể gọi là trực giác, tức cái khiếu tri giác mẫn tiệp, xem xét cái gì có thể đạt ngay đến cái tinh thần và chân lý của các sự vật. Cái khiếu tri giác ấy do ở trong tâm người ta. Chữ tâm của Nho giáo phải hiểu nghĩa rộng là cái thần minh làm chủ tể cả sự tư tưởng cùng sự hành vi của người ta. Hễ ta giữ được cái tâm hư tĩnh, không để cho vật dục che tối mất cái sáng suốt tự nhiên, thì khi có vật gì cảm đến là ứng ngay được, và biết rõ ngay các lẽ. Tâm người ta mà tĩnh bao nhiêu thì cái trực giác lại càng mẫn nhuệ bấy nhiêu” [3].

Xem thế đủ biết người Đông phương từ xa xưa đã có những hiểu biết vô cùng sâu sắc về sự nhận thức, vượt xa trình độ tư duy của các nhà giáo dục thời nay. Thật vậy, cứ như Trần Trọng Kim nói thì sự nhận thức cốt ở cái khiếu trực giác mẫn tiệp có sẵn nơi người ta, vì thế nhiệm vụ chính của giáo dục là gợi mở, kích thích cho cái trực giác ấy hoạt động, sao cho con người tỉnh thức để hợp nhất với trời đất, khi ấy con người sẽ tự khai mở các kênh thông tin nhận biết, thay vì nhồi nhét hàng đống chữ nghĩa hàn lâm sáo rỗng vào đầu người học như nền giáo dục hiện nay. Với cách dạy và học “ào ào như sôi” hiện nay, cái tâm con người không bao giờ đạt tới trạng thái tĩnh lặng, người học không có lúc nào có cơ hội trầm tư, vì thế cái trực giác không có lúc nào được đánh thức, đầu óc con người trở nên mụ mẫm, chỉ biết nhắc lại như cái máy, và khi đó sự ngu dốt thống trị. Ngày nay bằng cấp ngày càng nhiều, danh hiệu ngày càng lòe loẹt, nhưng thực chất đầu óc ngày càng nghèo nàn, rỗng tuếch. Không ai lên án tình trạng này một cách gay gắt như Einstein: “Giáo dục nhồi nhét tất yếu dẫn tới sự nông cạn và vô văn hóa”. Lời nói thẳng dễ mất lòng này vẫn còn nguyên tính thời sự, thậm chí ngày càng thời sự hơn. Thật là trớ trêu, ngó vào sách vở, báo chí, truyền hình, lúc nào cũng thấy nói đến “tiến hóa”, “tiến hóa”, ở đâu cũng thấy tiến hóa, tiến hóa khắp nơi, cái gì cũng tiến hóa, cứ như một cái mốt thời đại, nhưng giáo dục thì xuống cấp rõ rệt, dư luận phàn nàn về giáo dục lan tràn khắp nơi. Tình trạng này không riêng ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới. Rốt cuộc tôi “khám phá” ra rằng sự thoái hóa về nhận thức của con người chính là một trong những dấu hiệu cho thấy Quy luật Tàn úa, tức Định luật Entropy, không chỉ đúng trong thế giới vật chất, mà đúng trong cả xã hội loài người.

Trong điều kiện thiếu thông tin hoặc lười cập nhật thông tin, nhiều người nghĩ rằng tình trạng thoái hóa này mới xảy ra gần đây. Nhưng thực ra nó đã bộc lộ rõ ngay từ thế kỷ 19 rồi. Thật vậy, hãy nghe ý kiến của Henri George, nhà kinh tế chính trị học nổi tiếng người Mỹ, trong cuốn “Progress & Poverty” (Tiến bộ & Nghèo đói), xuất bản năm 1879:

51ienl9z2yl-_sx331_bo1204203200_Mọi nền văn minh trước đây đều sụp đổ vì của cải và quyền lực không được phân chia đều. Nền văn minh của chúng ta đang tiến nhanh hơn bao giờ hết, nhưng càng tiến nhanh thì mâu thuẫn xã hội càng căng thẳng hơn… thực tế ngày nay cho thấy tính trung thực trở thành một “khiếm khuyết”, trong khi thiếu trung thực lại thành công. Cái tốt chìm xuống, cái xấu nổi lên. Trong bức tranh toàn cảnh của lịch sử, ngày càng thấy rõ sự tranh giành quyền lực đã biến những người tự do thành nô lệ, và khi con người trở nên tham nhũng thì không thể có sự hồi sinh… Sau một thời gian tiến lên, nền văn minh thụt lùi từng tí một nên nhiều người không nhận thấy. Có những hiện tượng thụt lùi bị nhầm tưởng là tiến bộ… Công nghiệp hiện đại, với rác rưởi thải ra môi trường và những khổ sở gây ra chẳng khác gì chiến tranh hay nạn đói, tạo nên một áp lực nhức nhối như những cú sốc xẩy ra trước tình trạng bại liệt. Cuộc đấu tranh để tồn tại ngày càng gia tăng về cường độ… Tại các nước văn minh, nghèo đói, tội ác, điên rồ, và tự tử đang gia tăng… Giống như các quá trình tự nhiên biến đổi dần dần từng bước, nền văn minh của chúng ta cũng bắt đầu suy thoái. Mặc dù sáng chế phát minh vẫn tiếp tục ra đời, các thành phố vẫn tiếp tục được mở rộng, nhưng nền văn minh đã bắt đầu suy yếu dần. Biểu hiện rõ nhất, tính theo tỷ lệ dân số, là  ngày càng có nhiều nhà tù hơn, nhiều bệnh nhân tâm thần hơn,… Xã hội không chết từ trên xuống, mà chết từ dưới lên. [4]

Thực tế ấy nói lên cái gì? Nó nói lên rằng trong khi nền văn minh tự vỗ ngực là tiến hóa, là khôn ngoan sáng suốt, thực tế nó đã phạm phải những lỗi ngu xuẩn mà nó không ý thức được. Cái ngu xuẩn lớn nhất của nền văn minh hiện đại là cho rằng khoa học là chúa! Để hiểu rằng đây là một sự ngu xuẩn, một lần nữa tôi phải nhắc đến cảnh báo của Einstein, người hiểu rõ khoa học hơn ai hết: “Đừng coi trí tuệ là chúa của chúng ta; tất nhiên nó có sức mạnh cơ bắp, nhưng phi nhân tính” (We should take care not to make the intellect our god; it has, of course, powerful muscles, but no personality).

Vâng, khoa học vô cũng ích lợi, nhưng nếu tôn khoa học lên thành chúa thì sẽ là một sai lầm vô cùng tai hại, vì như Einstein nói, nó PHI NHÂN TÍNH ─ khoa học không dạy chúng ta biết lẽ phải, biết yêu thương, biết kính sợ Trời Đất, nói cách khác, khoa học không dạy chúng ta hiểu biết ĐẠO. Không hiểu gì về ĐẠO hoặc VÔ ĐẠO chính là vô minh, chính là ngu dốt, vì không được mặc khải.

Thật thú vị khi thấy chính tại chỗ này, các tư tưởng lớn gặp nhau ─ trước Einstein 3 thế kỷ, Blaise Pascal cũng đã từng nhắc nhở người đời về “hư danh của khoa học” (vanité des sciences), rằng “Những lúc ưu phiền, sự hiểu biết về khoa học vật chất không an ủi được tôi vì sự dốt nát về đạo lý, nhưng những hiểu biết về đạo lý an ủi được tôi vì sự dốt nát về khoa học vật chất” (La science des choses extérieures ne me consolera pas de l’ignorance de la morale au temps d’affliction, mais la science des mœurs me consolera toujours de l’ignorance des sciences extérieures) [5].

Vì thế, nếu tôn khoa học lên thành chúa thì sẽ có nguy cơ gạt bỏ hoặc coi thường tất cả những gì làm cho chúng ta trở nên người. Tất nhiên bản thân khoa học không có lỗi gì cả. Lỗi là ở con người. Nói chính xác hơn, lỗi là ở cái NGU của con người ─ cái ngu tôn khoa học lên thành chúa. Không ai nhắc nhở giới khoa học về điều này rõ hơn Einstein: “Ở thời đại chúng ta, các đại diện của khoa học tự nhiên và giới kỹ sư phải chịu trách nhiệm đạo lý đặc biệt lớn, bởi sự phát triển các công cụ quân sự giết người hàng loạt thuộc lĩnh vực hoạt động của họ” [6]

3Nhưng bất chấp Pascal, bất chấp Einstein, bất chấp truyền thống trọng ĐẠO của tổ tiên, con người ngày nay đã và đang trở thành nô lệ của vật chất, nô lệ của khoa học vật chất. Nói cách khác, nền văn minh hiện đại có xu hướng phản lại truyền thống của tổ tiên.

Ở Phương Đông từ xa xưa, con người coi sự khôn ngoan đầu tiên là biết kính sợ Trời, học giả Trần Trọng Kim viết trong cuốn Nho giáo: “Kinh Thi nói rằng Đức Thượng đế rất lớn, soi xuống dưới rất rõ ràng, xem xét bốn phương để tìm sự khốn khổ của dân mà cứu giúp. Vậy nên người bao giờ cũng phải kính và sợ Trời. Kính Trời và sợ Trời là cơ bản của đạo đức… Trời là bản nguyên của muôn vật” [7].

Ở Phương Tây từ hàng ngàn đời nay, Kinh Thánh cũng dạy rằng Thượng đế sáng tạo ra Vũ trụ, sáng tạo ra muôn loài và sáng tạo ra con người. Đó là một Tiên đề của mọi nhận thức và là nền tảng của mọi đạo đức. Kinh Thánh chứa đựng một sách được gọi là Sách Khôn ngoan (Book of Wisdom), nhưng toàn bộ Kinh Thánh có thể xem như một cuốn sách vĩ đại dạy điều khôn ngoan.

Giỏi khoa học là một thứ khôn ngoan. Giỏi nghệ thuật là một thứ khôn ngoan. Giỏi công nghệ là một thứ khôn ngoan. Tất cả những thứ khôn ngoan này đều đáng quý, nếu nó phục vụ lợi ích của con người. Nhưng nó sẽ trở thành nguy hiểm nếu bị lợi dụng để chống lại con người. Đó là bị kịch của Alfred Nobel khi ông khám phá ra thuốc nổ. Ông ý thức rõ điều đó nên đã tự an ủi lương tâm bằng cách cống hiến hết tài sản để thành lập Giải Nobel trao tặng cho những công trình khoa học phục vụ hạnh phúc của nhân loại. Nói cách khác, Nobel ý thức được rằng ĐẠO phải hướng dẫn khoa học! Hơn bao giờ hết, lời của Francois Rabelais, nhà văn kiệt xuất của nước Pháp thời Phục Hưng, lại vang lên trong tâm khảm những người có lương tri ngày nay: “Khoa học vô lương chỉ là sự hư nát của linh hồn!” (Science sans conscience n’est que ruine de l’âme!).

Tóm lại, có hàng ngàn thứ khôn ngoan, nhưng cái khôn ngoan lớn nhất là biết rằng có Thượng đế, tức là Đấng Sáng tạo, Đấng Khôn Ngoan, và Đấng Quyền năng vô hạn. Lý thuyết Big Bang buộc các nhà vật lý phải thừa nhận có sự khởi đầu của vũ trụ và sự khởi đầu ấy là “cú hích” ban đầu của Thượng đế, như Isaac Newton từng mô tả khi ông giải thích chuyển động quán tính. Lý thuyết DNA cũng buộc các nhà sinh học phải thừa nhận rằng sự sống đã được lập trình, và do đó buộc phải thừa nhận sự hiện hữu của Nhà Lập trình Vĩ đại của sự sống. Đó là nhận thức khôn ngoan. Thừa nhận Đấng Sáng tạo chính là sự khôn ngoan đầu tiên và cũng là điều khôn ngoan căn bản nhất. Những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của mọi thời đại như Blaise Pascal, Godfried Liebniz, Isaac Newton, Galileo Galilei, Johann Sebastian Bach, Louis Pasteur, Gregor Mendel, Lord Kelvin, Leo Tolstoy, Albert Einstein, Werner Heisenberg, Kurt Godel,… đều có cái khôn ngoan ấy.

Vậy mà ngày nay có những người muốn vượt mặt các vĩ nhân nói trên để văn vẹo logic: “Nếu Thượng đế sáng tạo ra vũ trụ thì ai sáng tạo ra Thượng đế?”. Trong những sự dốt nát của con người có lẽ không có cái dốt nào tệ hại hơn cái logic vặn vẹo đó. Cái logic ấy chắc mẩm mình thông minh lắm, hóa ra nó mắc bẫy bởi chính logic, vì nó không hiểu rằng bất kỳ một hệ logic nào cũng phải dựa trên một hệ tiên đề ─ hệ mệnh đề dựa trên một niềm tin nào đó, thay vì chứng minh. Sự hiện hữu của Thượng đế là một TIÊN ĐỀ, chứ không phải một định lý. Vì thế, hỏi vặn một tiên đề chính là một biểu hiện của sự dốt nát. Đó chính là cái dốt nát của Chủ nghĩa Toán học Hình thức mà tôi sẽ đề cập sau trong tiểu luận này. Sự dốt nát này đã được khai sáng bởi Định lý Bất toàn của Kurt Gödel. Ai dám chất vấn về sự hiện hữu của Thượng đế thì chỉ chứng tỏ người ấy không hiểu gì Định lý Gödel.

Thực ra, sự chất vấn về sự hiện hữu của Đấng Sáng tạo là câu hỏi cơ bản của chủ nghĩa duy vật ─ chủ nghĩa cho rằng toàn bộ vũ trụ là vật chất và chỉ có vật chất mà thôi, không tồn tại bất cứ thứ gì là phi vật chất, không tồn tại bất cứ thứ gì mà ta không thể kiểm chứng bằng 5 giác quan. Với chủ nghĩa này, tư tưởng, tình cảm cũng là vật chất. Nhưng Lý thuyết Thông tin ra đời đã đập tan nền tảng của chủ nghĩa duy vật khi lý thuyết này tuyên bố rằng thông tin không phải là vật chất và mọi thông tin đều có nguồn trí tuệ thông minh. Nói cách khác, vũ trụ biểu lộ ở 3 dạng thức tồn tại: 1/ vật chất có khối lượng, 2/ năng lượng, và 3/ thông tin. Vì thông tin của vũ trụ tồn tại, suy ra sự hiện hữu của nguồn thông tin đó, tức Đấng Sáng tạo, Nhà lập trình vĩ đại. Đó là kết luận của chính khoa học. Nói cách khác, Lý thuyết Thông tin chứng minh rằng “Chủ nghĩa duy vật là sai lầm” (Materialsim is false!), đúng như tuyên bố của Kurt Gödel.

einstein-big-idea-merl-copy

Sai lầm ấy dẫn con người tới hàng loạt sai lầm khác trong sự nhận thức thế giới. Khi đó, sự khôn ngoan biến mất, nhường chỗ cho sự ngu xuẩn, và tiến trình này bắt đầu trỗi dạy mạnh mẽ từ đầu thế kỷ 19, với sự hạ bệ đức tin tôn giáo và đề cao tư duy vật chất cơ giới trần trụi [Theo cuốn “Tự thú” của Leo Tolstoy, có thể xác định tiến trình ấy bắt đầu từ những năm 1830].

Năm 1882, thông qua cửa miệng của gã điên trong chuyện ngụ ngôn “Gã điên” của mình, Friedrich Nietzsche tuyên bố: “Thượng đế đã chết”. Mặc dù tuyên bố của Nietzsche ngụ ý cảnh báo rằng sự lật đổ vai trò của Chúa trong xã hội Tây phương ─ xã hội thờ Chúa của Thiên Chúa giáo trong mấy ngàn năm trước đó ─ đã tạo ra một khoảng trống đạo lý nguy hiểm, trong khi không có một cơ sở đạo lý nào khác thay thế. Nhưng trào lưu duy vật vô thần không cần hiểu biết sâu xa, họ đua nhau nhắc lại tuyên bố của Nietzsche như một kết luận dứt khoát về sự sụp đổ của đức tin tôn giáo, mở đầu cho một giai đoạn mới trong lịch sử loài người, giai đoạn con người không cần Chúa, không cần đức tin, ngoài một đức tin cho rằng chỉ có vật chất mới là cái có thật. Đó là lý do sâu xa của những khủng hoảng toàn diện trong thế kỷ 20 và hiện nay ─ khủng hoàng tội ác, khủng hoảng đạo đức, khủng hoảng giáo dục, khủng hoảng chiến tranh, khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng môi trường, khủng hoảng bệnh tật, khủng hoảng giàu nghèo… Sự vô minh đã leo lên tới cực điểm. Richard Dawkins, một lãnh tụ tư tưởng của thuyết tiến hóa hiện nay, nhắc lại tuyên bố của Nietzsche dưới một dị bản quyết liệt hơn: “Thượng đế không chết, vì Thượng đế chưa bao giờ sống!”.

Vì thế không có gì để ngạc nhiên khi ta thấy Einstein phải chua chát nhận xét rằng “Chỉ có hai thứ vô hạn: vũ trụ và sự ngu xuẩn của con người, và tôi không chắc lắm về vũ trụ” (Only two things are infinite: the universe and human stupidity, and I am not sure about the former).

Ta cũng hiểu vì sao từ vài thế kỷ trước William Shakespaeare đã phải lột trần cái ngu của con người chính ở chỗ nó không biết nó ngu: “Kẻ ngu nghĩ mình thông thái…”. Còn Philip Pullman, một trong 50 nhà văn lớn nhất của nước Anh kể từ năm 1945, tổng kết rằng lịch sử của loài người chính là lịch sử tranh đấu của sự sáng suốt chống lại cái ngu xuẩn.

Trong cuộc đấu tranh ấy, “Chỉ những cá nhân mới vượt lên tạo dựng được những giá trị chân quý và cao cả, trong khi bầy đàn, xét như bầy đàn, cứ mãi mãi trì độn trong tư duy và trì độn trong cảm xúc” [8], đó là nhận định của Albert Einstein, nhà thông thái số 1 của thế kỷ 20, người đã đóng góp tích cực không chỉ cho khoa học, mà còn cho sự nhận thức nói chung của con người chống lại cái đám đông mà ông mô tả là trì độn cả về tư duy lẫn trong cảm xúc!

Và để thấy cuộc đấu tranh ấy một cách cụ thể hơn, tôi sẽ đề cập đến hai lý thuyết lớn trong khoa học: Chương trình Hilbert trong toán học và Thuyết tiến hóa Darwin trong sinh học. Nhưng bài viết đã dài, xin để dành việc thảo luận về cái vô minh trong hai lý thuyết đó cho bài kỳ sau.

PVHg, Sydney 16/09/2016

CHÚ THÍCH:

[1] Thế giới như tôi thấy, Albert Einstein, NXB Tri Thức, 2005, trang 49.

[2] Thế giới như tôi thấy, Albert Einstein, NXB Tri Thức, 2005, trang 210

[3] NHO GIÁO, Lệ thần Trần Trọng Kim, NXB Văn hóa Thông tin, Hanoi, 2001, trang 78

[4] Xem “Luận về bản tính thiện / ác (4): Nền văn minh sẽ đi về đâu?”, trên Khoa học & Tổ quốc Tháng 1/2012

Và trên Vietsciences http://vietsciences.free.fr/timhieu/trietly-giaoduc/luanvethienac04.htm và trên PVHg’s

Home ngày 28/12/2011.

[5] Les Pensées de Blaise Pascal: http://www.penseesdepascal.fr/Vanite/Vanite11-moderne.php

Xem thêm: Vanity of science: Knowledge of physical science will not console me for ignorance of morality in time of affliction, but knowledge of morality will always console me for ignorance of physical science

http://www.brainyquote.com/quotes/quotes/b/blaisepasc159868.html

[6] Thế giới như tôi thấy, Albert Einstein, NXB Tri Thức, 2005, trang 28

[7] NHO GIÁO, Lệ thần Trần Trọng Kim, NXB Văn hóa Thông tin, Hanoi, 2001, trang 42-43

[8] Thế giới như tôi thấy, Albert Einstein, NXB Tri Thức, 2005, trang 19

Nguồn trích ý kiến:

Philip Pullman

http://www.goodreads.com/quotes/53673-all-the-history-of-human-life-has-been-a-struggle

William Shakespeare

http://www.brainyquote.com/quotes/quotes/w/williamsha109517.html

Albert Einstein

http://www.brainyquote.com/quotes/quotes/a/alberteins100659.html

Blaise Pascal

http://www.brainyquote.com/quotes/quotes/b/blaisepasc159868.html

9 thoughts on “WISDOM and STUPIDITY / THÔNG TUỆ và NGU DỐT [1]

  1. Bài viết có tính tư tưởng và triết học sâu sắc. Tôi chỉ nghĩ đơn thuần là những sự việc diễn ra hàng ngày chúng ta chứng kiến chính con người tự giết chết bản thân mình và đồng loại của mình dần dần bằng cách trồng rau thì phun thuốc hóa học để có rau ngon mắt mà bán cho mọi người, chăn nuôi thì cho gà, vịt, lợn… ăn thức ăn tăng trọng để có thịt siêu nạc và mau lớn mang bao bệnh tật cho người khác, nhưng không cảm thấy động tâm, tất cả vì “vật chất quyết định ý thức”, đầu độc đồng loại không cần phải áy náy miễn làm sao kiếm được nhiều tiền cho đầy túi tham. Ra đường thì đi như ăn cướp, tranh giành đường chẳng cần nhường già trẻ, lớn bé. Chưa kể những việc tàn phá môi trường phá rừng lấy gỗ, xây nhà máy hóa chất thải chất độc ra môi trường để lại bao nhiêu cảnh lũ lụt, bão tố, phá hoại điêu tàn, tan thương suốt dọc biển Miền Trung những năm tháng qua…Học sinh đi học thì nặng về nhồi nhét, đi thi thì tất cả cùng quay cóp, mỗi lần thi xong phao rơi trắng xóa cả lớp, các thầy cô có biết không, tại sao biết mà vẫn cứ để cho việc xấu tồn tại, trường học bây giờ khác gì cái chợ đâu? Đó là xã hội còn trong từng gia đình thì chuyện con cái hiếu thảo để cha mẹ vui lòng thật quả là khó khăn, hiếm hoi. Bởi vì nếp nhà xưa truyền thống Nho giáo đã bị mất từ lâu rồi, tuổi trẻ ngày nay biết chút kiến thức ở mấy thứ tiếng Anh, Pháp và công nghệ thì cứ nghĩ là khôn ngoan, thông minh hơn cha mẹ chúng, nên chúng coi thường chính các bậc sinh thành, làm cho cha mẹ luôn cảm thấy lo lắng, bất an. Ôi! Đạo đức suy đồi biết bao giờ trở lại ngày xưa? Thời con người còn nghèo mà đối với nhau tử tế. “Hãy nghe Khổng Minh khuyên:
    1- Hạnh của người quân tử là giữ lòng thanh tịnh để sửa mình, giữ tính cần kiệm để dưỡng đức.
    2- Không đạm bạc thì không thể sáng cái chí, không yên lặng thì không thể nghĩ được xa.
    3- Muốn học thì cần phải thanh tĩnh, muốn có tài năng thì cần phải học.
    4- Không học thì không thể mở rộng cái tài, không thanh tĩnh thì học không có thành quả, khinh thường chú giải là không thể nghiên cứu cho tinh thông được…”
    Biết đến bao giờ con người mới thấu hiểu được đúng nghĩa của sự học, để trau dồi tài năng thực sự? Đến bao giờ con người mới tỉnh thức để sống có Đạo lý, biết tôn thờ Chúa, Thần, Phật? Do vậy tôi rất ủng hộ bài viết này, bài viết hấp dẫn mang tính thời sự, cảnh tỉnh, kêu gọi mọi người tỉnh thức hướng tâm về Chân, Thiện, Mỹ. Mong sao có được nhiều những tấm lòng và những đầu óc sáng suốt, trí tuệ để cùng lên tiếng, để con người biết sống khôn ngoan bớt ngu dại.

    Thích

  2. Nhiều lúc cháu cũng đã thấy đời có nhiều thứ thật là phi lý. Nhưng không hiểu sao những điều phi lý, giả dối ấy vẫn thường trực và vẫn thống trị. Đạo đức và văn hóa xã hội càng lúc càng xuống dốc một cách trầm trọng. Đó là nói chung về toàn thể. Còn nói riêng tại việt nam thì thôi rồi. Quá khủng khiếp, không thể tả được. Nó khủng đến mức mà hàng ngày cứ mở báo chí ra đọc thì đều có vụ nọ vụ kia, không hề thiếu. Nó nhiều đến mức mà chán chẳng muốn đọc vì đã quá quen rồi, muốn khi nào đọc cũng được, không cần theo dõi thường xuyên vì càng theo dõi càng thấy ngao ngán. Cái tình trạng này đã lên đến đỉnh điểm khi gần đây đã có một bài báo với đầu đề: ” Làm người Việt phải chăng là một định mệnh ” :
    http://tinhhoa.net/lam-nguoi-viet-phai-chang-la-mot-dinh-menh.html

    Giáo dục việt nam cũng tệ hại không kém. Người ta gần như chỉ cố nhồi nhét hàng tấn chữ nghĩa, kiến thức vô thưởng vô phạt vào đầu học sinh. Học thêm học nếm đủ kiểu mà thấy chỉ càng ngu dốt thêm chứ chẳng lợi ích gì. Bộ giáo dục cũng liên tục cải biến đủ các hình thức thi cử, gây hoang mang cho học sinh. Việc học hành, thi cử giờ đây cứ như là đánh vật vậy, để xem học sinh nào thần kinh thép thì vượt qua được. Tóm lại, những người làm công tác giáo dục, các thầy cô giáo mà biết đánh thức, khai mở tâm hồn, trực giác cho học trò thì bây giờ hiếm hoi lắm, hiếm như vàng và kim cương vậy.
    Món quà vô giá nhất cần ban phát cho học sinh chính là Đạo, chính là Lẽ Thật, là Chân Lý. Thế nhưng hầu như không thầy cô nào làm điều ấy. Thật đáng tiếc. Vấn đề bằng cấp thì việt nam mình cũng tôn cái đó lên hàng đầu. Trong khi ở nước ngoài thì sao. Hãy xem một bài sau đây:
    http://tinhhoa.net/thi-ra-day-la-cach-truong-tieu-hoc-anh-day-hoc-sinh-gia-tri-cua-diem-so.html
    Và đây cũng là một bài nữa rất đáng chú ý về cách giáo dục trẻ nhỏ ngay từ bé:
    http://www.blogkhoahoc.net/su-khac-biet-ve-tu-duy-giao-duc-the-hien-qua-2-bai-chep-phat-d8824.html

    Qua câu nói của Shakespeare, cháu lại cũng nghĩ ngay đến bài này:
    http://tinhhoa.net/thong-minh-va-tri-tue-ban-muon-tro-thanh-nguoi-nao.html
    Như đã cho thấy người thông minh thì sẽ cố chiếm phần lợi về mình, họ kiêu ngạo, dùng mọi thủ đoạn để đoạt lấy danh lợi, lấy mạnh đè yếu. Còn với một bậc trí giả thì họ tự biết bản thân không nên làm gì, không khoe khoang, không vụ lợi, học cách nhẫn nại, biết mình còn thiếu sót ở đâu

    Có một điều cháu cũng muốn chia sẻ với mọi người. Thực ra cháu là đứa rất trầm tính, ít giao tiếp với những người xung quanh, có ít bạn bè. Kỹ năng giao tiếp của cháu chỉ ở mức trung bình. Cháu là người sống nội tâm, rất ít đi đâu chơi và cũng hay ái ngại, rụt rè trước đám đông. Những người thân xung quanh cũng không mấy ai hiểu cháu lắm. Nhiều người họ cứ sống như cái máy vậy. Dường như chỉ mình cháu là hiểu cháu nhất. Còn nhiều vấn đề tế nhị cháu cũng không muốn nói ra ở đây. Cháu chỉ thấy rằng vì như vậy mà cháu mới có những phút giây tĩnh lặng, trầm tư suy nghĩ, để rồi từ đó mà thấu hiểu mọi sự tình trên thế gian, hiểu được Lẽ Thật và biết được đâu là những sự sai trái, tầm thường, vô lý. Có lẽ đó chính là đặc ân mà Chúa đã ban cho cháu, chính Chúa đã kéo cháu về phía Ngài, và Ngài đã an bài tất cả. Càng lúc cháu càng hiểu vì sao thế giới lại thật bất công khi Lẽ Thật thì chôn vùi, còn sự giả dối thì được tôn vinh, nhất là cái Thuyết tiến hóa, không hiểu sao nó lại được giảng dạy như là sự thật hiển nhiên vậy. Hồi cấp 2, khi học lịch sử được dạy rằng con người bởi khỉ vượn mà ra, cháu đã thấy hồ nghi rồi. Thuyết tiến hóa theo chủ nghĩa duy vật, dạy rằng loài vượn nhờ vật chất, nhờ săn bắn, hái lượm, chế tạo công cụ lao động, leo trèo, mà dần dần hình thành nên ý thức, hình thành trí tuệ, tôn giáo và tiến hóa thành người như ngày nay. Thế là từ đó người ta cho rằng đấy, con người giờ đây càng tiến hóa hơn, phát minh, chế tạo ra bao thứ, đạt được rất nhiều thành tựu, chiến tích đấy. Nhưng còn vấn đề đạo đức và văn hóa suy đồi thì không hề đếm xỉa tới. Nếu con người chỉ bởi động vật mà ra thì có thể coi sự suy đồi về đạo đức, văn hóa là do vẫn còn bản tính loài thú trong đó, chứ không có khái niệm Thiện và Ác ở đây vì loài thú vốn là hành động theo bản năng rồi. Vậy thì đâu cần phải kết tội những kẻ thủ ác, kẻ cuồng dâm, kẻ sát nhân vì con người vốn là động vật cơ mà, nên bản chất vẫn là động vật chứ ! Thế mới thấy thuyết tiến hóa lố bịch đến mức nào.

    Cháu cũng nhiệt thành ủng hộ bài viết trên của bác. Bài viết đã giúp thức tỉnh mọi người. Cháu mong bác sẽ có thêm thật nhiều bài viết có ý nghĩa nữa
    Nếu ai quan tâm thì hãy ghé thêm trang blog này nhé. Trang này nói về thực trạng xã hội hiện nay, và những điều phi lý của đời người:
    http://tuhieuminh.blogspot.com/?m=0

    Thích

  3. Gửi chú Hưng,

    Con gần đây có một trăn trở rất lạ. Đó là con suy nghĩ về việc trước khi tổ tiên Edam và Eva phạm tội, thì ông bà có biết đau khổ, biết buồn thương, biết hối hận.. hay không? Ý con là liệu có phải sau khi phạm tội, con người mới có đầy đủ những xúc cảm hơn phải không?

    Và con suy tư về con người hiện tại. Con nghĩ, Để trả lời cho câu hỏi con đặt ra như trên, thì con tự trả lời là Chúa đã tạo ra con người với tất cả sự đầy đủ được đặt trong nó rồi. Nhưng con đang nghĩ, con người (sau khi phạm tội) có lẽ đã sử dụng sai hoàn toàn chức năng của tất cả các bộ phận và cảm xúc mà Chúa đã tạo nên với mục đích ban đầu của nó.

    Nỗi buồn là có. Nhưng chúng ta đã buồn vì những điều ích kỷ của bản thân, buốn vì những mất mát/những điều bản thân mình không có… đầy ích kỷ.

    Niềm vui là có, nhưng chúng ta vui với niềm vui của những điều ma quỷ.

    Lý trí là tốt, nhưng thay vì chúng ta dùng nó để chiến đấu với những điều ma quỷ, thì chúng ta lại dùng nó để đối chất/nghi ngờ Chúa.

    Trái tim là để dẫn dắt tình yêu, dẫn hướng cho sự ngay thẳng, chân thật.. nhưng chúng ta đã dùng nó để ngụy biện, để bi lụy đầy mụ mị.

    v..v…
    Đó là con chỉ dẫn dụ đơn thuần một số điểm thôi. Như mắt để nhìn ngắm, chân để đi, tay để cầm nắm, tai để nghe… Mỗi bộ phận ẩn chứa trong đó những chức năng diễn đạt hữu hình và những cảm nhận vô hình.

    Tới đây, con nghĩ. Giả như Adam và Eva không phạm tội đi, thì có lẽ ông bà cũng sẽ rất buồn thì trong vườn địa đàng một con vật bé nhỏ bị một con vật lớn hơn ăn thịt, hay một chú chim con bị lạc mất tổ chim mẹ… tất cả những rung cảm đều đẹp đẽ vô cùng.

    &&&

    Theo cảm nhận của con (vì con không cặn kẻ trong tìm hiểu đạo Phật), thì sự an nhiên của đạo Phật hướng tới, dường như là sự vô cảm, vô ưu (cho phép con được nói như vậy), mọi điều được gọi là vô thường, mọi xúc cảm của con người đều không được đánh giá đúng vị trí của nó.
    Không, cuộc đời là “có thường” chứ không vô thường chút nào cả.

    Và con cảm nhận được rằng, con người của/bước theo Chúa Jessus là một con người sống động, một con người với đầy đủ những cảm xúc vẹn nguyên của chính nó.

    Và vì vậy, con nghĩ, khi hướng về Chúa Jessus, là ta hướng sự điều chỉnh mọi bộ phận của cơ thể con người về đúng chức năng và vị trí ban đầu (sáng tạo) của chính nó. Những gì của Thiên Chúa hãy trả về cho Thiên Chúa..

    Con cũng cảm nhận được rằng, vì sao Mẹ Theresa (Calcuta) lại có một trái tim sống động khi đặt tất cả công việc, nỗi buồn, niềm vui, tình yêu thương…một cách trọn vẹn đến thế trong Chúa.

    &&&

    Con có nhớ, một bình luận của chú Hưng trả lời một bàn gần đây làm con rất suy tư. Đó là “khả năng phân biệt đúng/sai một cách chính xác nhất”. Cụm từ “chính xác” khiến con suy nghĩ rất nhiều..

    Con cảm nhận được ranh giới vô cùng mong manh giữa đúng sai trong cuộc sống xung quanh con, (chứ không phải như trước đây con (làm như) có thể cảm nhận được chúng rất rõ ràng). Dường như ma quỉ đã quá tinh vi, chúng thực tinh vi hơn chúng ta tưởng nhiều…

    Con cảm ơn chú Hưng,

    Thích

    • Đúng đấy, bạn Anna Đỗ.
      Ban đầu Chúa đã tạo ra thế giới, con người, sự sống. Tất cả đều hoàn hảo, không có khổ đau, bệnh tật, chết chóc gì, kể cả loài khủng long cũng chỉ ăn thực vật chứ không ăn thịt.
      Chúa tạo ra con người, nhưng không muốn con người vâng phục Ngài như cái máy, mà Chúa cho con người ý chí tự do. Bởi thế, mình nghĩ ban đầu con người đã có sẵn bản chất tham lam, muốn bằng như Chúa Trời nên đã bị Satan dụ dỗ, ăn trái cấm, thế là liền đánh mất sự hoàn hảo do Chúa ban tặng ấy. Thế là từ đó con người mới hiểu biết điều thiện và ác

      Nguồn gốc của sự khổ đau chính là tội lỗi, tội tổ tông mà Adam và Eva đã để lại. Nhưng Chúa cũng đã hứa sẽ khôi phục lại sự hoàn hảo ban đầu ấy trong Ngày Phán Xét, khôi phục lại vườn địa đàng mà Ngài đã từng muốn làm cho con người

      Đúng là cuộc đời ” có thường ” chứ không hề ” vô thường “. Theo thiết nghĩ của mình thì mình cũng xin mạn phép nói rằng Đạo Phật đưa con người tới sự vô vọng. Ví dụ như thuyết luân hồi, nghiệp ( karma). Nếu theo luân hồi thì chúng ta sẽ không biết mình đã từng làm gì sai ở kiếp trước, mình còn phải tu bao nhiêu kiếp nữa thì mới được giải thoát, không biết đi đâu về đâu khi đang vướng mắc trong vòng luân hồi. Vấn đề nghiệp ( karma) cũng khá mơ hồ, vì con người đã vốn là giống loài tội lỗi rồi, nên dù có tu bao nhiêu cũng sẽ chẳng chuộc hết tội được, không bao giờ là đủ cả. Chúa đã phán rằng không một ai có thể tự cứu. Giống như một người không biết bơi mà rơi xuống nước, không thể nào người ấy học bơi để tự cứu mình được mà phải nhờ một người khác cứu mình.
      Ngược lại, tin nơi Chúa thì chúng ta sẽ có rất nhiều niềm hy vọng. Chúa chỉ cho chúng ta sống 1 lần duy nhất, nên chúng ta hãy sống sao cho đúng, sống sao cho khỏi uổng phí, và hãy làm những việc có ích để phục vụ cộng đồng, xã hội. Sau khi chết, ta sẽ được thưởng phạt công bình, sẽ được lên thiên đàng cùng với Chúa đời đời. Hơn nữa, Chúa Jesus ( Ngôi Hai ) cũng đã xả thân, chịu chết để chuộc tội cho nhân loại. Nếu giả sử Nghiệp ( Karma ) là có thật thì chẳng phải Chúa Jesus đã gánh hết cho mọi người cái Nghiệp đó rồi sao

      Quỷ Satan thực sự rất mưu mô, xảo quyệt. Hắn ta là ông vua của những trò dối trá. Từ thuyết tiến hóa, cho đến các hiện tượng UFO, người ngoài hành tinh, thuyết vô thần, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa tương đối ( Relativism) chủ nghĩa khoa học vạn năng ( scientism ),… và rất nhiều thứ khác mà hắn đã thành công trong việc dối gạt con người, làm con người xa Chúa

      Đạo đức con người đang băng hoại trầm trọng rồi. Ngày Phán Xét rồi sẽ tới thôi. Từ giờ phút này, chúng ta hãy cầu nguyện để Chúa soi dẫn, che chở cho chúng ta, hãy đặt trọn niềm tin nơi Ngài. Ta có thể cầu nguyện như sau: ” “Lạy Chúa Cứu Thế Jesus, con muốn được sự sống đời đời trong Ngài. Con xin đặt niềm tin nơi sự hi sinh cao cả của Ngài trên thập tự giá. Con muốn sống một cuộc đời có ý nghĩa. Xin tiếp nhận con làm con của Ngài để con được vào nước thiên đàng của Ngài. Nhân danh Cứu Chúa Jesus, A-men.”

      Thích

    • Dear Anna Đỗ,
      Trăn trở của con thật đáng quý, vì rất chân thành, gợi nhiều ý tứ sâu xa về thân phận con người, về bản chất của nhận thức, về khả năng nhận thức chân lý, và về ý nghĩa thực sự của đời người….
      Chú nghĩ Adam và Eva trước khi phạm tội là những con người thanh khiết và trong sáng như trẻ thơ, ông bà không có gì để phải đau khổ, buồn thương, hối hận, bởi thế giới của ông bà lúc đó là Vườn Eden. Ở đó mọi sự đều hoàn hảo – hoàn hảo tới mức sự trần truồng thể xác cũng không gây nên ý nghĩ xấu hổ. Ở đó không có khổ đau, không có sự chết,…
      Nhưng tội lỗi đã làm thay đổi thân phận con người kể từ khi Adam và Eva lạm dụng một quà tặng của Thiên Chúa, đó là mòn quà tự do. Chúa cho chúng ta 3 đặc ân: tình yêu, trí tuệ và tự do lựa chọn. Thay vì lựa chọn sự tôn thờ Chúa để chuộc tội, con người đã lựa chọn sự hạ bệ Chúa để thỏa mãn dục vọng thấp hèn. Tất nhiên không phải ai cũng như vậy, nhưng đám đông như vậy, cái đám đông mà Einstein nhận xét là mãi mãi trì độn trong tư duy và trì độn trong cảm xúc.
      Những suy nghĩ trên của chú có lẽ cũng tương tự như con nghĩ, rằng “Chúa đã tạo ra con người với tất cả sự đầy đủ được đặt trong nó rồi. Nhưng… con người (sau khi phạm tội) có lẽ đã sử dụng sai hoàn toàn chức năng của tất cả các bộ phận và cảm xúc mà Chúa đã tạo nên với mục đích ban đầu của nó”.
      Con hoàn toàn đúng khi viết rằng “chúng ta đã buồn vì những điều ích kỷ của bản thân”. Chú từng nói với người thân rằng buồn là biểu hiện của sự ích kỷ và không biết ơn Chúa. Người ta sẽ không còn buồn nữa khi ý thức được rằng ý nghĩa của cuộc sống là sống vì người khác và phụng sự Chúa. Tuy nhiên cũng có những nỗi buồn đáng trân trọng, chẳng hạn nỗi buồn melancholy, nỗi buồn vì sự vô đạo của con người, nỗi buồn thương nhớ một kỷ niệm đẹp đã ra đi,…
      Chú đồng ý rằng có một bộ phận rất lớn trong nhân loại “vui với niềm vui của những điều ma quỷ”, nhưng cũng có không ít người vui với niềm vui của những điều thánh thiện, bởi vì Đức Chúa Thánh Thần vẫn hiện diện trong đời sống của chúng ta, Ngài vẫn tỏ mình thông qua những con người được chọn, và bằng những công trình sáng tạo kỳ diệu hoặc những hành động hy sinh vô bờ bến…
      Quả thật “Lý trí là tốt, nhưng thay vì chúng ta dùng nó để chiến đấu với những điều ma quỷ, thì chúng ta lại dùng nó để đối chất/nghi ngờ Chúa”. Nhưng chú muốn nói rõ hơn một chút, chữ “chúng ta” ở đây phải hiểu là “chủ nghĩa vô thần”. Đại diện của chủ nghĩa này là cái đám đông ngu dốt mà Einstein đã nói rõ, chứ không phải những người tài cao đức cả như Louis Pasteur, hay Gregor Mendel, Lord Kelvin,… Đôi khi chú cũng thấy buồn vì tại sao những người tài cao đức cả lại chiếm số ít, nhưng rồi chú khám phá ra rằng cái có ít là mới là của hiếm, của quý. Trong cơn đại hồng thủy, chỉ có một số rất ít người được cứu, đó là gia đình ông Noah. Đến Ngày Sau Rốt cũng sẽ như vậy thôi, số người được cứu sẽ ít, không nhiều đâu, bởi vì số đông là một lũ điên rồ, đúng như André Bourguignon đã kết luận. Họ bất chấp mọi lời cảnh báo, vì họ cho rằng chết là hết. Đó là cái ngu thật đáng thương, nhưng biết làm sao được nếu trái tim họ không biết rung động đối với lời hay ý đẹp? Lương tri họ không biết xúc động trước những nghĩa cử cao đẹp. Chẳng hạn như vừa rồi, trong sự kiện phong thánh cho Mẹ Teresa Calcutta, một số “quý ông làm khoa học” vẫn lớn tiếng chỉ trích chỉ vì họ không tin vào những phép mầu liên quan đến Mẹ. Chú thấy mấy “quý ông” này quá tầm thường so với cô ca sĩ Madonna. Chú vốn không thích âm nhạc kích động của cô này, nhưng có 2 sự kiện buộc chú thay đổi ấn tượng về cô. Một, cô là một diễn viên xuất sắc và ca sĩ xuất sắc trong cuốn phim Evita. Không ai hát bài “Don’t Cry For Me, Argentina” hay như cô. Cô hát đến mức chú cảm động muốn khóc. Hai, cách đây lâu lắm rồi, khi phóng viên hỏi cô, ai là người làm cô kính phục. Cô trả lời ngay: Mẹ Teresa! Đấy, cháu thấy không, cứ xem cách người ta nói về Mẹ Teresa như thế nào thì biết người ta suy nghĩ như thế nào. Vì thế, những “quý ông” chỉ trích việc phong thánh cho Mẹ Teresa là những “quý ông” hoặc không có trái tim, hoặc không có não. Loại “quý ông” như thế nhiều lắm lắm. Trước mặt người đời, họ là những “quý ông” đấy. Vì thế ta phải thông cảm rất nhiều với Einstein khi ông phải thốt lên rằng tính đa số của những kẻ ngu xuẩn là vô địch và thiên thu trường tại! Dù ta có rơi vào cái đám đông ấy ta cũng phải thừa nhận Einstein đúng con ạ. Biết như thế để làm gì? Để biết rằng đó là tội lỗi của con người mà Kinh Thánh đã nói từ xa xưa rồi. Và để làm tất cả những gì có thể để chuộc lỗi, để thanh tẩy mình, trước khi về trình diện trước Chúa.
      Về cái vô thường và hữu thường mà con đề cập đến, ý kiến của chú như sau: Quả thật đối với quảng đại chúng sinh thì cuộc đời là vô thường (uncertain, bất định), nhưng với những bậc thánh thì cuộc đời là hữu thường (certain, xác định). Vượt lên trên được cái vô thường để có cái hữu thường thì đó là bậc thánh. Mẹ Teresa Calcutta là một mẫu mực điển hình. Louis Pasteur cũng là mẫu mực điển hình. Ông vượt qua những đau khổ khủng khiếp vì mấy đứa con lần lượt ra đi khỏi cuộc sống, và đó là một trong những lý do ông lao vào nghiên cứu tìm ra những phương pháp cứu con người khỏi những đau khổ bệnh tật. Những người có niềm tin sắt đá đi theo Chúa Jesus để tận tâm hy sinh cho đồng lại cũng là những vị thánh âm thầm vượt lên trên cái vô thường để hướng tới cái hữu thường. Có lẽ đó cũng là điều con nói: “con người của/bước theo Chúa Jessus là một con người sống động, một con người với đầy đủ những cảm xúc vẹn nguyên của chính nó.”
      Bác cũng giống như con, cảm nhận được rằng,” vì sao Mẹ Teresa (Calcutta) lại có một trái tim sống động khi đặt tất cả công việc, nỗi buồn, niềm vui, tình yêu thương…một cách trọn vẹn đến thế trong Chúa”. Có tờ báo viết, Mẹ từ một nơi khác trong vũ trụ ghé thăm trái đất chúng ta. Sự hy sinh phi thường của Mẹ làm chứng cho Kinh Thánh nói rằng chúng ta được Chúa tạo ra theo hình ảnh của Ngài. Bao giờ nhân loại biết kính trọng và tôn vinh những người như Mẹ Teresa cao hơn hẳn những “ông Nobel” “bà Field” thì khi ấy mới khá được. Chúng ta tuy còn phàm hèn, nhưng ít nhất chúng ta biết được cái gì là đáng trân quý, cái gì đáng bị xem thường, như thế vẫn còn hơn là bị kéo vào cái dòng nước lũ vẩn đục đầy rác rưởi đang cuốn phăng mọi thứ trên thế gian này.
      Con có nhắc lại một bình luận nào đó của chú về cái “khả năng phân biệt đúng/sai một cách chính xác nhất”. Chú không nhớ rõ chuyện này. Nhưng chú đồng ý với con rằng ranh giới đung/sai rất mong manh, vì thế rất cần xác định một cách chính xác ranh giới đó. Ngày xưa còn trẻ chú còn bị lẫn nhiều. Bây giờ chú thấy rõ hơn. Không phải như con nói là “dường như ma quỉ quá tinh vi, chúng thực tinh vi hơn chúng ta tưởng nhiều”, mà phải nói một cách surely rằng “ma quỷ rất tinh vi, chúng tinh vi hơn chúng ta tưởng rất nhiều”. Nhưng con yên tâm, chúng không qua mặt được những người tỉnh thức đâu, nhất là những người đã được Chúa mặc khải. Thuyết tiến hóa là một thứ ma quỷ đấy, nó tinh vi đến mức đánh lừa được giới trí thức khoa bảng trên khắp thế giới, đặc biệt ở nước Đức thời Hitler và đảng quốc xã. Trước những bi kịch đau thương của 2 cuộc Thế Chiến trong thế kỷ 20, nhân loại có thông minh gì hơn mấy đâu. Vẫn có rất nhiều trí thức đang tụng niệm học thuyết Darwin đấy, cái học thuyết đã làm cho Hitler tin chắc nó đúng đấy. Thế mới biết con người ngu và rồ dại như thế nào, và việc phân biệt đúng/sai một cách chính xác là khó như thế nào. Nhưng chú tin là những người được Chúa mặc khải sẽ không bị lú lẫn như thế.
      Cám ơn con vì sự chia sẻ. Chú PVHg

      Thích

  4. Thân gửi bạn Anna Đỗ
    Không rõ bạn bao nhiêu tuổi, có lẽ bạn còn trẻ, nhưng tư duy của bạn thật sâu sắc. Bạn đã thể hiện tinh thần hướng tâm vào Đạo thật mạnh mẽ, bạn trăn trở về tội lỗi của con người, thật đáng quý. Trang mạng này đã cổ vũ các bạn trẻ hướng tâm hồn theo Đạo, theo Chân, Thiện, Mỹ. Đó là những giá trị đích thực trong cuộc đời. Chắc là Chúa sẽ rất vui vì các bạn. Mỗi người đóng góp một phần, nếu ai cũng biết làm những công việc có ích như thế thì xã hội sẽ tốt dần lên,
    Phải phân biệt đúng sai. Việc đó nhiều khi không phải là dễ. Ranh giới đung sai nhiều khi rất khó phân biệt. Vì thế bạn Anna Đỗ suy nghĩ là con người sống không đúng với những gì ban đầu Chúa ban cho chúng ta, theo tôi là đúng. Phần lớn cuộc đời con người sống theo bản năng, vô thức, chẳng suy nghĩ kỹ càng trước khi làm, để mọi việc sai lầm rồi mới cảm thấy ân hận. Kể cả như việc đau khổ cũng luôn nghĩ là mình bao giờ cũng đau khổ hơn người khác, giống như câu tục ngữ: Con ngựa nào cũng nghĩ mình đang vác trên lưng gánh hàng nặng nề nhất. Bản thân tôi đã từng nghĩ tôi là kẻ bất hạnh nhất trên đời! Nhưng rồi một Sơ ở tu viện dạy cho tôi biết còn nhiều người đau khổ, bất hạnh hơn tôi rất nhiều. Tôi dần tỉnh ngộ ra. Rồi tôi vào Đạo, nghe Cha khuyên bảo rằng: Khi con gặp thử thách, khổ đau trong đời là lúc con đang vác Thập giá trên vai cùng Chúa, con được chia sẻ những khổ đau cùng Chúa, hãy nghĩ như vậy con sẽ không còn cảm thấy buồn và đau khổ nữa!
    Đọc truyện Cuộc đời của Pi, tôi nhận ra rằng tác giả muốn nhắn nhủ một thông điệp: xã hội loài người đang tiến đến bến bờ vực thẳm, riêng câu bé Pi hồn nhiên ngây thơ và biết kính trọng, tôn thờ Thượng đế thì trong cơn bão tố khủng khiếp nhất cậu ta được Chúa cứu, còn những kẻ sống ham vật chất như bố cậu Pi và nhiều kẻ khác thì bị cơn “Đại Hồng Thủy” cuốn trôi và xóa sạch không còn một chút dấu vết nào. Trong truyện còn nhấn mạnh đến tên đầu bếp đại diện cho kẻ vô thần, sống đầy vật chất, có thể ăn thịt đồng loại mà không cảm thấy ghê sợ, nó chính là hiện thân của Quỷ, cuối cùng cũng bị giết chết. Những tâm hồn yếu đuối dễ bị Quỷ dụ dỗ, ngay cả Chúa cũng đã từng bị Quỷ dụ trong hoang địa nhưng chúng không thể lay chuyển được ý chí của Người. Nên tôi nghĩ suy luận của Anna Đỗ là đúng đắn, nếu chúng ta không sống có ý thức, có nghị lực để vượt qua nhiều cạm bẫy trong đời thì rồi sẽ bị quỷ dụ dỗ, mà sống trên đời sẽ có những lúc yếu đuối, cho nên sống gần những bậc cao nhân, trí tuệ hơn người thì sẽ may mắn, vì nhờ đó mà nâng cao được tinh thần, hướng tâm vào Đạo.
    Chúc Anna Đỗ vững vàng tiến bước. Tôi rất thích ý kiến của bạn và luôn ủng hộ những tinh thần như bạn.

    Thích

Bình luận về bài viết này