Darwin’s Inconsistency / Sự bất nhất của Darwin

1Paradoxically, Charles Darwin, the father of Evolutionism, had many times expressed his doubts about his own theory. Studying Darwin’s biography, we can realize that his inconsistency in scientific arguments had been the consequence of his inconsistency in religious faith. If he was inconsistent with himself, why do we believe in his theory?

Nghịch lý thay, Charles Darwin, cha đẻ Thuyết tiến hóa, đã nhiều lần thể hiện mối ngờ vực đối với lý thuyết của chính mình. Nghiên cứu tiểu sử Darwin sẽ nhận ra rằng sự bất nhất của ông trong lập luận khoa học là hệ quả của sự bất nhất trong đức tin tôn giáo. Nếu ông bất nhất với chính mình thì tại sao chúng ta lại tin vào lý thuyết của ông?

CHÚ Ý: Toàn bộ các bài viết về SINH HÓA và Thuyết Tiến hóa trên trang PVHg’s Home (viethungpham.com) đã được sắp xếp đầy đủ theo thứ tự thời gian tại địa chỉ sau đây:

True Biology: Nền Sinh học chân chính

 

Tính bất nhất của Darwin

Quả thật Darwin là con người bất nhất – bất nhất trong học thuật và bất nhất trong đức tin tôn giáo. Hai cái bất nhất này liên quan với nhau. Sự bất nhất trong đức tin tôn giáo dẫn tới sự bất nhất trong cách giải thích nguồn gốc sự sống. Đó là một sự thật mà bấy lâu nay giới tiến hóa cố gắng né tránh không nhắc đến, vì đó là điểm yếu chết người của Thuyết Tiến hóa. Những ai còn tin vào Thuyết Tiến hóa nên bình tâm tìm hiểu sự thật này, đừng vì cố chấp mà tự bịt mắt mình trước sự thật. Ngày nay, dưới ánh sáng của internet, mọi sự thật dần dần được vén mở. Sự thật là ban đầu Darwin chưa bác bỏ vai trò của Đấng Sáng tạo trong việc hình thành sự sống đầu tiên. Thậm chí ông còn thừa nhận tác động ban đầu của Chúa. Nhưng sau này, ông dần dần thay đổi quan điểm, đi tới chỗ bỏ ngỏ vấn đề này. Nhưng tiếc thay, chuỗi tiến hóa do ông vẽ ra tự nó đòi phải giải thích sự hình thành mắt xích đầu tiên – sự sống đầu tiên – nếu không, toàn bộ chuỗi tiến hóa sẽ trở thành vô nghĩa, giống như một lý thuyết toán học sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu hệ tiên đề của nó không đáng tin cậy. Đó là điểm yếu chết người của mọi hệ logic. Toán học thế kỷ 20 cũng từng lâm vào tình cảnh khủng hoảng vì không có một hệ tiên đề đầy đủ và chắc chắn cho toàn bộ toán học, huống chi một lý thuyết định tính kém chính xác hơn rất nhiều như lý thuyết của Darwin. Thực tế, ngay từ buổi đầu, lý thuyết của Darwin đã bị chất vấn vì không hề giải thích sự sống đầu tiên từ đâu mà ra. Darwin đã đáp trả rằng thật là điên rồ mà đi giải thích nguồn gốc sự sống. Nhưng chẳng bao lâu sau, có lẽ do băn khoăn lo lắng lý thuyết của mình sẽ sụp đổ nếu không có lời giải thích sự ra đời của mắt xích đầu tiên của chuỗi tiến hóa, nên ông đã làm cái mà chính ông gọi là điên rồ – sáng chế ra cái gọi là “cái ao ấm ấp”, nơi sự sống đầu tiên ngẫu nhiên ra đời mà không cần tới sự can thiệp của Chúa. Yếu tố cốt lõi trong câu chuyện hoang đường về “cái ao ấm áp” này là sự NGẪU NHIÊN kết hợp của các phân tử và nguyên tử vô cơ, dưới một điều kiện thích hợp của môi trường – một môi trường tự nhiên hoàn toàn khác lạ so với môi trường tự nhiên ngày nay, khác đến nỗi không có cách nào để kiểm tra xem môi trường đó có tồn tại thật sự trong quá khứ hàng tỷ năm trước hay không. Thừa nhận sự kết hợp ngẫu nhiên đó cũng đồng nghĩa với việc chính thức bác bỏ vai trò của Đấng Sáng tạo trong việc tạo dựng sự sống. Nói cách khác, với giả thuyết mơ hồ về “cái ao ấm áp”, Darwin đã chính thức trở thành một người vô thần, mặc dù ông đã được rửa tội từ lúc vài tháng tuổi, và từng tuyên bố mình không phải là người vô thần (có lúc ông tự nhận là người bất khả tri). Sự thay đổi thế giới quan và ý thức tôn giáo trong một đời người là chuyện bình thường. Nhưng sự thay đổi đức tin tôn giáo của Darwin là điều hệ trọng, vì nó liên quan tới cách giải thích của ông đối với nguồn gốc sự sống, và điều này có ảnh hưởng vô cùng lớn đến tư tưởng trong thời đại của ông và sau này. Nếu việc từ bỏ đức tin của đại văn hào Lev Tolstoy dẫn Tolstoy tới cuộc khủng hoảng tinh thần trầm trọng đến nỗi thấy cuộc đời thật vô nghĩa và định tự vẫn, để rồi cuối cùng “Tự Thú” rằng sự trở lại với đức tin đã cứu ông… (xem “Faith and Reason / Đức tin và Lý trí” https://viethungpham.com/2016/03/25/faith-and-reason-duc-tin-va-ly-tri/ trên PVHg’s Home 25/03/2016) thì sự từ bỏ đức tin của Charles Darwin dẫn ông tới Thuyết Tiến hóa – một câu chuyện hoang đường đóng vai một lý thuyết khoa học, làm hỏng nhận thức về thế giới của rất nhiều thế hệ trí thức từ giữa thế kỷ 19 tới nay, nhưng đang dần lộ ra dưới ánh sáng của khoa học hiện đại như một sai lầm tệ hại nhất trong lịch sử khoa học. .

Lẽ ra, “Trong khoa học chúng ta phải quan tâm tới các sự kiện, thay vì quan tâm tới các cá nhân” (In science we must be interested in things, not in persons), như bà Marie Curie từng khuyên bảo. Nhưng xét theo những tiêu chí cơ bản của khoa học là logic và thực chứng thì thuyết tiến hóa không phải là một lý thuyết khoa học. Đúng ra nó chỉ là một giả thuyết. Chính vì thế Darwin mới có những ý kiến bất nhất. Bản thân ông nhiều lúc ngờ vực chính những lý thuyết của ông. Điều này chỉ có thể lý giải được nếu ta hiểu rõ hơn về cá nhân Darwin, về tư tưởng và thế giới quan của Darwin, trong đó sự thay đổi trong đức tin tôn giáo của ông dẫn tới sự bất nhất của ông trong quan điểm về nguồn gốc sự sống.

Bất nhất trong đức tin tôn giáo

Charles Robert Darwin sinh ngày 12/02/1809 tại Shrewsbury, nước Anh, trong một gia đình giàu có, cha là Robert Darwin, một bác sĩ y khoa và chuyên gia tài chính, mẹ là Susannah Wedgwood. Ông nội của Darwin là Erasmus Darwin, một người đã từng có tư tưởng về tiến hóa, và đã có nhiều ảnh hưởng đối với cháu nội của ông.

Khi mới được 9 tháng tuổi, Darwin đã được cha mẹ cho làm lễ rửa tội tại Nhà thờ Thánh Chad, một nhà thờ Anh giáo (nhánh Thiên Chúa giáo tại Anh). Mẹ của Darwin là một người sùng đạo, bà thường đưa con cái đến nhà thờ dự thánh lễ. Lên 8 tuổi, mẹ chết, Darwin bắt đầu theo học tại một trường công lập Anh giáo ở địa phương, được giáo dục đầy đủ về giáo lý Thiên Chúa giáo. Tóm lại, Darwin là một người “Đạo gốc” (theo cách nói dân gian ở Việt Nam), tức một người có Đạo truyền thống.

Nhưng lớn lên, tư tưởng tôn giáo của Darwin dần dần thay đổi, đức tin dần dần suy giảm, từ một người Thiên Chúa giáo biến thành một người “bất khả tri” (agnostic), rồi tiến một bước nữa tới vô thần. Mặc dù ông tuyên bố ông chưa bao giờ là người vô thần, nhưng quan điểm hạ thấp tôn giáo và thế giới quan duy vật chủ nghĩa của ông chứng tỏ điều đó. Thật vậy, Wikipedia nhận định:

  • Mặc dù ông nghĩ về tôn giáo như một tàn tích còn sót lại của các bộ lạc, Darwin vẫn tin rằng Chúa là người ban hành các đạo luật cơ bản… (Though he thought of religion as a tribal survival strategy, Darwin still believed that God was the ultimate lawgiver,…).

Có nghĩa là đến một thời điểm nào đó Darwin đã sớm có ý thức coi thường tôn giáo, coi tôn giáo như một sản phẩm văn hóa của con người trong thời kỳ mông muội, ăn lông ở lỗ, không còn có ý nghĩa trong thời đại của ông. Tuy nhiên ông chưa thể đoạn tuyệt với tôn giáo, vì ông chưa thể phủ nhận vai trò của Chúa như Đấng Sáng tạo ra vũ trụ và ban hành các định luật của vũ trụ. Điều này đã được phản ánh khá rõ trong cuốn “Sự sống xuất hiện thế nào? Bởi Tiến hóa hay Sáng tạo?” (Life, How Did It get Here? By Evolution or Creation?) do Watch Tower ở Mỹ xuất bản năm 1985. Cụ thể, sách này viết:

  • Thật thú vị để nhấn mạnh rằng ngay cả nhà biện hộ nổi tiếng nhất của thuyết tiến hóa là Charles Darwin cũng đã nhận thấy những hạn chế trong lý thuyết của ông. Trong phần kết luận của cuốn “Nguồn gốc các loài”, ông đã viết về sự cao quý của “quan điểm về sự sống, với những sức mạnh khác nhau của nó, lúc đầu đã được Đấng Sáng tạo thổi sinh khí vào một vài dạng sinh vật hoặc một sinh vật nào đó. (trang 9).
  • Khi Charles Darwin đề xuất thuyết tiến hóa, ông đã thừa nhận rằng sự sống lúc đầu đã được Đấng Sáng tạo thổi sinh khí vào một vài dạng sinh vật hoặc một sinh vật nào đó. (t.38).

Chú ý rằng cuốn “Nguồn gốc các loài” được ra mắt lần đầu tiên ngày 24/11/1859, tức là cho tới năm 1859 Darwin vẫn cần đến Chúa để giải thích sự ra đời của sự sống đầu tiên. Nói cách khác, đến 1859 Darwin vẫn chưa mất hẳn đức tin hoặc chưa đủ vô thần để sáng tác ra câu chuyện thần thoại về “cái ao ấm áp”.

Tuy nhiên, đức tin ấy thực ra đã lung lay từ trước đó rồi. Sự dao động của Darwin về đức tin đã diễn ra từ trước 1859 khá lâu rồi, như Wikipedia cho biết:

  • Từ khoảng 1849, mặc dù vẫn còn tham gia vào việc lãnh đạo trong công việc giáo xứ của nhà thờ ở địa phương, Darwin không cùng gia đình dự lễ Chủ Nhật trong nhà thờ nữa, mà đi tản bộ ở bên ngoài.

Đối với giáo dân sùng đạo thì việc bỏ lễ Chủ Nhật là một tội. Nhưng có lẽ Darwin không còn cái cảm xúc thiêng liêng của ngày lễ đó nữa. Tính dao động, bất nhất trong đức tin của Darwin biểu lộ ra khá phức tạp, lúc thế này lúc thế khác. Wikipedia phản ánh khá rõ điều đó:

  • Mặc dù tỏ ra dè dặt trong việc bầy tỏ quan điểm tôn giáo của mình, năm 1879 Darwin đáp rằng ông chưa bao giờ là một người vô thần theo nghĩa là phủ nhận sự tồn tại của Chúa, và nói chung “một người bất khả tri là một sự mô tả chính xác hơn về trạng thái tư duy của tôi”.

Thế đấy, ông tự cho mình là người bất khả tri (tức là ông không biết có Chúa hay không có), nhưng ông lại sợ nhận mình là người vô thần. Đối với người hữu thần (người tin vào Chúa) thì người vô thần hay người bất khả tri cũng gần như nhau mà thôi. Theo Wikipedia, Darwin đã đi quá xa khỏi đức tin truyền thống của ông khi nói rằng:

  • Khoa học chẳng có gì để làm với Chúa Kitô,… Đối với bản thân tôi, tôi không tin rằng có bất cứ một sự mặc khải nào cả…”.

Đó cũng là một lời “tự thú”, nhưng là một lời tự thú rõ rệt cho thấy ông không còn đức tin nữa. Cũng theo Wikipedia, trong tiểu sử tự thuật cá nhân sau này, Darwin đã viết về giai đoạn từ Tháng 10/1836 đến Tháng 01/1839 như sau:

  • Trong hai năm này tôi đã suy nghĩ rất nhiều về tôn giáo… Tôi đã dần dần đi tới chỗ cho rằng Cựu Ước… chẳng có gì đáng tin cậy hơn những cuốn sách thánh của Đạo Hin-đu, hoặc niềm tin của các bộ tộc man rợ”.

2Đọc ý kiến trên, tôi không ngạc nhiên khi thấy Darwin thể hiện thái độ kỳ thị đối với các dân tộc mà ông gọi là man rợ. Sự kỳ thị này thực ra đã đạt tới trình độ phản nhân loại, vì nó đã được sử dụng như cơ sở “khoa học” cho những tư tưởng chống nhân loại như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thuyết ưu sinh, lý thuyết chủng tộc thượng đẳng của chủ nghĩa quốc xã Đức trong thế kỷ 20 (xem “What Darwin taught Hitler? Darwin đã dạy Hitler điều gì?” trên PVHg’s Home 10/08/2015 https://viethungpham.com/2015/08/10/what-darwin-taught-hitler-darwin-da-day-hitler-dieu-gi/ ). Khó có thể tưởng tượng một lý thuyết mang mầu sắc phản nhân loại như thế lại có thể được coi là một lý thuyết khoa học (!). Không thể có lý giải nào khác rằng đây là một biểu hiện rõ rệt nhất của sự vô minh của con người.

Hôm nay, với tiểu sử tự thuật nói trên của Darwin, ta có thể nhận xét thêm rằng Darwin đã phủ nhận Kinh Thánh và thể hiện một sự đoạn tuyệt với đức tin Thiên Chúa giáo ít nhất từ 20 năm trước khi xuất bản lần đầu tiên cuốn “Nguồn gốc các loài”.

Vậy tại sao đến khi xuất bản cuốn “Nguồn gốc các loài” ông vẫn không thể hiện thái độ đoạn tuyệt đó? Thậm chí ông vẫn thừa nhận sự can thiệp ban đầu của Chúa?

Đó là sự bất nhất của Darwin, hậu quả của tình trạng giằng xé và xung đột diễn ra bên trong con người ông giữa một bên là truyền thống đức tin mà ông không dễ gì phản bội với một bên là những tư tưởng mới đang hấp dẫn ông – tư tưởng duy vật chủ nghĩa đề cao lý trí khoa học như thước đo của chân lý và trí tuệ. Vả lại, cho đến trước khi xuất bản cuốn “Nguồn gốc các loài”, ông chưa hề có uy tín gì trong xã hội. Có thể ông còn dè dặt chờ đợi phản ứng của xã hội đối với cuốn sách của ông. Vậy phản ứng đó ra sao?

Theo Wikipedia, cho đến trước năm 1859, Darwin vẫn né tránh mọi tranh luận công khai và ra sức tìm kiếm bằng chứng ủng hộ cho lý thuyết của mình. Nhưng đến năm 1858, tin tức cho biết Alfred Russel Wallace cũng đang nghiên cứu một lý thuyết tương tự như lý thuyết của ông, nên ông phải vội vã cho công bố nghiên cứu của mình. Do đó cuốn “Nguồn gốc các loài” đã ra mắt vào năm 1859. Ông lo lắng chờ đợi sự phê phán, nhưng phản ứng của độc giả im ắng hơn ông tưởng. Thậm chí cuốn sách của ông còn được Charles Kingsley, một người Thiên Chúa giáo, bình phẩm như một thành tựu ca tụng công trình sáng tạo của Thượng Đế:

  • Thật là một khái niệm cao quý về Thượng Đế khi tin rằng Ngài đã sáng tạo ra những hình thể sinh vật đầu tiên có khả năng tự nhân bản… cũng như tin rằng Ngài cần phải có những hành động can thiệp mới để bổ khuyết những thiếu sót mà chính Ngài đã tạo ra”.

Có nghĩa là cuốn “Nguồn gốc các loài” lúc đầu không những không bị xem là vô thần, ngược lại, còn được ca tụng như một công trình tôn vinh vai trò sáng tạo của Thượng Đế. Darwin không hề khó chịu với sự tán thưởng này, thậm chí trong lần xuất bản sách lần thứ hai, ông còn đưa những lời tán thưởng này vào chương cuối cùng.

Tóm lại, với tất cả những gì như chúng ta đã thấy ở trên, không thể có kết luận nào khác rằng Darwin là một người bất nhất về tư tưởng. Ông xuất thân là người có Đạo, nhưng trong thâm tâm đã từ bỏ đức tin. Tuy nhiên, ông sợ bị kết tội là vô thần nên tự nhận mình là người bất khả tri. Ông không tin Kinh Thánh, và cuối cùng trở thành vô thần 100% khi nêu lên lý thuyết về “cái ao ấm áp” – một giả thuyết về nguồn gốc sự sống hoàn toàn loại bỏ vai trò sáng tạo của Chúa. Thực chất là ông đã tiếp tục phát triển lý thuyết “sự sống hình thành tự phát” (spontaneous generation) đã bị Louis Pasteur bác bỏ từ những năm 1860. Sự bất nhất về tư tưởng của Darwin kéo theo sự bất nhất của ông trong lập luận khoa học. Bài báo “Charles Darwin nghi ngờ lý thuyết của chính mình” (Charles Darwin doubts about his theory) trên trang mạng x.evolutionist.com https://x-evolutionist.com/charles-darwin-described-the-problems-with-his-theory-in-his-book-origin-of-species/ cho chúng ta thấy rõ điều đó.

Bất nhất trong lập luận khoa học

Một trong những tiêu chí cơ bản của khoa học là tính trung thực và khách quan, nhưng thuyết tiến hóa lại nổi tiếng với một loạt bằng chứng giả mạo. Không sao có thể nói hết tác hại của những bằng chứng giả mạo này, bởi rất nhiều người đã tin vào những bằng chứng đó mà không hề biết đó là giả mạo, để suốt đời tin chắc rằng tiến hóa là một sự thật đã diễn ra trong lịch sử hình thành và phát triển của sự sống. Trang mạng x.evolutionist.com đã nêu lên một câu hỏi lớn: “Nếu thuyết tiến hóa là đúng thì tại sao lại phải làm bằng chứng giả?”. Không nhà tiến hóa nào dám trả lời câu hỏi này. Họ chỉ có một lựa chọn duy nhất là né tránh! Nếu tôi được hỏi, tôi sẽ trả lời như sau: Thuyết tiến hóa không hề có bằng chứng, vì thế nó phải tạo ra bằng chứng giả, và đó là chỗ yếu nhất và kém nhất của thuyết tiến hóa mà chính ông tổ thuyết tiến hóa là Charles Darwin đã từng tỏ ra băn khoăn lo lắng. Bài báo “Charles Darwin nghi ngờ lý thuyết của chính mình” trên x.evolutionist.com viết về vấn đề này như sau:

  • Darwin đề xuất thuyết tiến hóa và liệt kê những bằng chứng cần thiết cho lý thuyết đó.
  • Nhưng Darwin thừa nhận những bằng chứng đó không tồn tại.
  • Darwin thừa nhận những bộ phận phức tạp và tinh vi như con mắt không thể hình thành nhờ chọn lọc tự nhiên. Thậm chí ông nhận định rằng sẽ là thậm vô lý nếu cho rằng con mắt hình thành bởi chọn lọc tự nhiên.
  • Theo quan điểm tiến hóa thì phải có vô số dạng sinh vật chuyển tiếp từ loài này sang loài khác, nhưng Darwin vô cùng lo lắng khi khảo cổ học và địa chất học không tìm thấy bất cứ một hóa thạch nào chứng tỏ sự tồn tại của những sinh vật chuyển tiếp đó.
  • Darwin thừa nhận rằng những hiện tượng như Vụ nổ Cambri là một đòn giáng chết người đối với lý thuyết của ông, vì vụ nổ này chứng tỏ hầu hết sinh vật đã ra đời gần như cùng một lúc trên Trái Đất, thay vì xuất hiện dần dần qua quá trình tiến hóa từng tí một trong một thời gian kéo dài hàng trăm triệu hoặc hàng tỷ năm.
  • Darwin cho rằng những bằng chứng cần thiết cho lý thuyết của ông đã bị mất tích. Nói cách khác, Thuyết Tiến hóa không có bằng chứng. Ông hy vọng trong tương lai sẽ tìm thấy bằng chứng. Nhưng sau ông 150 năm, khảo cổ học vẫn không tìm thấy bất cứ một bằng chứng nào, ngoài một số bằng chứng giả mạo đánh lừa được rất nhiều người.
  • Vấn đề thiếu bằng chứng trầm trọng đến nỗi Darwin phải dành hẳn 2 chương trong cuốn “Nguồn gốc các loài” để thảo luận về việc bằng chứng bị mất tích. Đó là: Chương 6 – Những khó khăn đối với Lý thuyết; và Chương 9 – Về sự bất toàn của Hồ sơ Hóa thạch

Bài báo viết tiếp:

  • Hiện nay đã là năm 2010 (thời điểm bài báo này lên mạng), hơn 150 năm đã trôi qua kể từ khi Darwin bầy tỏ mối lo lắng đó. Nếu bằng chứng ủng hộ lý thuyết của Darwin được tìm thấy, thì nó đã được tìm thấy rồi. Các nhà tiến hóa luôn luôn tìm kiếm bằng chứng để ủng hộ niềm tin của họ vào thuyết tiến hóa. Một số nhà tiến hóa thậm chí còn đi quá xa bằng cách tạo ra bằng chứng giả về tiến hóa. Hãy xem trang mạng “Những vụ lừa đảo về tiến hóa” trên x.evolutionist.com https://x-evolutionist.com/why-are-there-evolution-frauds-if-evolution-is-a-proven-fact/ , trong đó nói rằng “nếu có bằng chứng thật sự, thì bằng chứng giả mạo là không cần thiết”.
  • Cuốn “Nguồn gốc các loài” được suy tôn như kinh thánh đối với thuyết tiến hóa nhưng thực ra theo tôi, nó là bằng chứng chống lại thuyết tiến hóa.
  • Darwin ngờ vực về khả năng chọn lọc tự nhiên có thể dẫn tới sự hình thành một bộ máy tinh vi và phức tạp như con mắt: “Tôi phải thú nhận một cách rộng rãi rằng việc cho rằng con mắt, với tất cả những kỹ xảo khéo léo không thể bắt chước được của nó trong việc điều chỉnh tiêu cự đối với những khoảng cách khác nhau, để thu nhận những lượng ánh sáng khác nhau, và để sửa chữa quang sai cầu và mầu sắc, mà có thể được tạo ra bởi chọn lọc tự nhiên thì dường như là điều vô lý ở mức cao nhất có thể”.
  • Darwin ngờ vực về sự tiến hóa diễn ra dần dần từng tí một để biến một loài này thành một loài khác: “Nếu các loài sinh ra từ những loài khác thông qua những biến đổi dần dần từng tí một mà không thể nhận thấy, thì tại sao chúng ta lại không tìm thấy những dạng sinh vật chuyển tiếp với số lượng lớn ở bất kỷ nơi nào”.
  • Darwin thừa nhận rằng Vụ nổ Cambri là là bằng chứng mạnh nhất để bác bỏ thuyết tiến hóa và làm cho ông buồn phiền nhất. Ông nói: “Tôi kết luận rằng nhóm lớn sinh vật này đã được hình thành đột ngột vào lúc bắt đầu kỷ thứ ba. Đây là một nỗi phiền toái đau đớn đối với tôi…”. Ở một chỗ khác trong sách, ông lại nói: “Kết quả là, nếu lý thuyết của tôi đúng, thì không nghi ngờ gì nữa, trước khi những tầng vỉa Silua thấp nhất được hình thành, thì một thời gian dài đã trôi qua, dài bằng hoặc dài hơn toàn bộ khoảng thời gian từ kỷ Silua cho tới ngày nay; và trong khoảng thời gian rất dài này, thế giới phải đầy ắp sinh vật. Nhưng tại sao chúng ta không tìm thấy hồ sơ hóa thạch nào trong giai đoạn nguyên thủy kéo dài này thì tôi không thể đưa ra một câu trả lời thỏa mãn”. Darwin biết rằng những lỗ hổng lý thuyết này sẽ là lý do chôn vùi lý thuyết của ông. Ông nói: “Tình thế này (sự tuyệt đối vắng mặt các bằng chứng cần thiết) cho đến nay vẫn không thể giải thích được; và điều đó có thể thực sự thúc đẩy những lập luận có giá trị chống lại những quan điểm trong lý thuyết của tôi”. “Việc cho tới nay hầu như hoàn toàn vắng mặt các hồ sơ hóa thạch bên dưới tầng vỉa Silua không nghi ngờ gì nữa đó là thực tế nghiêm trọng nhất”.

Độc giả của trang x.evolutionist.com đã có những ý kiến bình luận rất thú vị. Xin lược dịch vài ý kiến có ý nghĩa nhất:

  • Dan, ngày 01/11/2012 lúc 11:55 giờ sáng, bình luận: Trong 150 năm qua đúng là đã tìm được rất nhiều hóa thạch nhưng chẳng có hóa thạch nào đáp ứng mong mỏi của Darwin để giúp ông giải thích Vụ nổ Cambri… Sau 150 năm chúng ta vẫn chẳng dạy ở nhà trường cái gì khác ngoài lý thuyết của Darwin, những lý thuyết lố bịch!…
  • Rafael, 14/12/2011, 11:51 tối, bình luận: Darwin chưa bao giờ tìm cách chứng minh Chúa không tồn tại, thực ra ông chỉ tìm cách giải thích quá trình hình thành sự sống. Và khoa học chưa hề tiến tới chứng minh được bất kỳ điều gì trong lý thuyết của ông. Thực ra khoa học chỉ tiếp tục chứng minh định luật sinh vật thích nghi với môi trường (thay vì chứng minh sinh vật tiến hóa).
  • Matt B, 05/06/2012, 2:10 chiều, bình luận: Để tạo ra chẳng hạn một cái nhà đòi hỏi một “nhà thiết kế thông minh”, do đó để tạo ra một cái gì đó phức tạp hơn rất nhiều, chẳng hạn như bộ não của chúng ta, hoặc phân tử DNA, hoặc một con chim, một bông hoa,v.v. thì chắc chắc cũng đòi hỏi một “nhà thiết kế thông minh”…
  • Ursula, 13/08/2012, 9:19 tối, bình luận: Thí dụ đầu tiên của Darwin về sự tiến hóa là chim sẻ ở Galapagos. Nhưng đó là thí dụ tuyệt vời về sự thích nghi của sinh vật với môi trường chứ không nói lên tiến hóa gì cả. Tất cả lũ chim sẻ ấy vẫn chỉ là chim sẻ. Chúng chẳng hề biến thành một loài khác, hay thậm chí một loài chim khác,… chúng vẫn chỉ là chim sẻ.
  • Ttechsan, 17/08/2012, 11:58 tối, bình luận: Ở đâu có chứng minh những biến đổi nhỏ dẫn tới tiến hóa? Trớ trêu thay chim sẻ vẫn là chim sẻ và KHÔNG BAO GIỜ tiến hóa thành một loài cao cấp hơn. Khả năng thích nghi của chúng đã được Chúa lập trình trong DNA và chúng đã có bao giờ tiến hóa thành một loài nào khác không?

Nhưng sự bất nhất của Darwin trong khoa học thể hiện RÕ NHẤT trong việc giải thích nguồn gốc sự sống. Tôi đã trình bày điều này khá rõ trong bài “If Darwin were alive / Nếu Darwin còn sống” https://viethungpham.com/2015/09/29/if-darwin-were-alive-neu-darwin-con-song/ trên PVHg’s Home ngày 29/09/2015. Xin nhắc lại một đoạn:

  • Bài báo “Charles Darwin và vấn đề nguồn gốc sự sống” ngày 25/07/2009 trên trang mạng NCBI của Thư viện Y học Quốc gia và Viện Quốc gia về Sức khỏe ở Mỹ nhận định: “Khi xuất bản cuốn Về nguồn gốc các loài năm 1859, Darwin đã né tránh một cách có ý thức việc thảo luận về nguồn gốc sự sống”. Bài báo viết tiếp: “Darwin nghĩ gì về nguồn gốc sự sống? Ý kiến của ông dường như đã thay đổi qua thời gian kể từ nhận định đầu tiên năm 1861 trong cuốn “Về nguồn gốc các loài” xuất bản lần thứ 3, rằng …thật là vô căn cứ khi phản đối khoa học không rọi ánh sáng vào vấn đề vô cùng phức tạp về bản chất cốt lõi hoặc nguồn gốc sự sống. Ông đã nhắc lại điều này trong một thư gửi tới bạn thân của ông là Joseph Dalton Hooker ngày 29/03/1863, rằng… vào thời điểm hiện tại, thật là nhảm nhí khi nghĩ về nguồn gốc sự sống; cũng như nghĩ về nguồn gốc vật chất”. Nhưng chẳng bao lâu sau chính ông lại bàn tới chuyện mà ông coi là “nhảm nhí” đó. Thật vậy, theo Wikipedia, thì 8 năm sau, ngày 01/02/1871, ông lại gửi thư cho Hooker, trong đó phỏng đoán “tia lóe đầu tiên của sự sống CÓ THỂ đã bắt đầu từ một cái ao nhỏ ấm áp, với tất cả các loại ammonia và muối phosphoric, hiện diện ánh sáng, nhiệt, điện,… để một hợp chất protein được tạo ra bằng kết hợp hóa học rồi sẵn sàng trải qua những biến đổi phức tạp hơn nữa”. Phỏng đoán trên sẽ lâm nguy nếu bị chất vấn: vậy tại sao ngày nay không thấy những “cái ao nhỏ ấm ấp” ấy ở đâu cả, chẳng thấy những phản ứng hóa học nào trong tự nhiên đẻ ra sự sống cả? Như đã nói ở trên, Darwin rất giỏi ngụy biện sửa chữa mô hình – một lần nữa ông lại bịa ra giả thuyết rằng CÓ THỂ vì những lý do nào đó, những điều kiện môi trường giống như điều kiện của “cái ao nhỏ ấm áp” xa xưa ấy nay đã bị biến mất. Do đó, vấn đề tìm hiểu nguồn gốc sự sống phụ thuộc vào những thí nghiệm nhân tạo – làm sao tái tạo “cái ao nhỏ ấm áp” trong phòng thí nghiệm để tổng hợp ra sự sống. Sự thật này nói lên điều gì? Nó nói lên rằng thực ra Darwin chẳng có một tư tưởng gì rõ ràng và chắc chắn về nguồn gốc sự sống. Ông mò mẫm, loay hoay tìm giả thuyết, và giả thuyết chỉ là tưởng tượng ngẫu hứng, không dựa trên cơ sở khoa học hay thực tế nào cả. Tất nhiên, các môn đệ của Darwin phải cố biến cái “ao nhỏ ấm áp” của ông thầy thành hiện thực. Họ gọi nó bằng cái tên mới: “nồi súp nguyên thủy” (primordial soup) – “nồi súp” từ xa xưa chứa đựng những “điều kiện thiết yếu” để các nguyên tử, phân tử ngẫu nhiên kết hợp lại với nhau thành ra sự sống đầu tiên. Toàn bộ vấn đề nguồn gốc sự sống trong đầu Darwin cũng chỉ có thế mà thôi. Phần còn lại là do hậu duệ bổ sung thêm thắt, biến nó thành một dự án nghiên cứu lớn, đóng vai trò quan trọng bậc nhất của thuyết tiến hóa. Dự án này được gọi là “thuyết tiến hóa hóa học” (chemical evolution), vì nội dung cơ bản của nó là tạo dựng lại những điều kiện của “nồi súp nguyên thủy” sao cho có thể tổng hợp được sự sống từ các chất hóa học không sống. Cho đến hôm nay dự án này tiêu rất nhiều tiền nhưng kết quả vẫn là số 0. Tại sao vậy? Vì sự sống chỉ có thể đẻ ra từ sự sống, đó là định luật về sự sống do Louis Pasteur nêu lên và chứng minh bằng thực nghiệm không thể chối cãi từ những năm 1860. Thuyết tiến hóa cố tình làm sống lại giả thuyết của Darwin mà thực chất chỉ là sự tiếp tục lý thuyết “sự sống hình thành tự phát” (spontaneous generation) đã có từ thời cổ đại và đã bị đập tan bởi thí nghiệm của Pasteur. Qua đó có thể thấy thực chất thuyết tiến hóa là một lý thuyết chống lại khoa học, nó tự bác bỏ nó bằng hàng loạt bằng chứng giả mạo, bằng sự vô bằng chứng hóa thạch, bằng việc phản lại sự kiện Vụ nổ Cambri, và bằng việc chống lại định luật về nguồn gốc sinh học của sự sống (biogenesis) do Pasteur khám phá.

Kết luận

3Trong bài “Faith and Reason / Đức tin và Lý trí” trên PVHg’s Home ngày 25/03/2016 vừa qua https://viethungpham.com/2016/03/25/faith-and-reason-duc-tin-va-ly-tri/ tôi đã đề cập đến thời điểm lên ngôi của chủ nghĩa duy vật, và chỉ ra rằng đó là nửa đầu thế kỷ 19. Từ đó có thể giải thích vì sao một học thuyết phi khoa học như thuyết tiến hóa của Darwin lại được ủng hộ nhiệt liệt. Nguyên nhân chính là học thuyết này đã loại bỏ vai trò của “nhà thiết kế vũ trụ”, cũng tức là “nhà thiết kế sự sống”. Bản thân hai tác phẩm chủ yếu của Darwin, “Nguồn gốc các loài” và “Nguồn gốc loài người”, không có một chỗ nào lên tiếng bác bỏ Chúa, nhưng sự vắng mặt tuyệt đối của Đấng Sáng tạo trong lý thuyết của ông về sự hình thành sự sống và hình thành loài người là bằng chứng gián tiếp nói lên sự từ bỏ đức tin của Darwin. Nhưng như độc giả đã thấy, bằng chứng rõ nhất về sự từ bỏ đức tin của Darwin là tuyên bố, rằng “Khoa học chẳng có gì để làm với Đấng Christ cả…”.

Hai nhân vật lớn của lịch sử thế kỷ 19, hai người đương thời cùng sinh ra trong cái nôi của đức tin, nhưng cùng lớn lên trong bầu sữa của chủ nghĩa duy vật vô thần, cùng thấm nhuần và chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng “không có Thượng Đế”, hoặc “Thượng Đế đã chết”, để dần dần từ bỏ đức tin, đó là Charles Darwin ở Anh và Lev Tolstoy ở Nga. Nhưng một người rơi vào khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng và định tự vẫn vì thấy cuộc sống quá vô nghĩa, để rồi sám hối và viết lời “Tự Thú” (Confession). Còn người kia, Charles Darwin, sản xuất ra một học thuyết phi khoa học, phản khoa học, ngụy khoa học, mà tác hại của nó đến hôm nay vẫn chưa chấm dứt, mặc dù ảnh hưởng của nó đã suy yếu đi rất nhiều.

Hy vọng rằng sự bất nhất của Darwin, một khi được phơi bày, sẽ là bài học tích cực cho bất kỳ ai muốn biết sự thật – sự thật của khoa học và sự thật của thuyết tiến hóa.

 

PVHg, 09/04/2016

 

 

7 thoughts on “Darwin’s Inconsistency / Sự bất nhất của Darwin

  1. Chào bác Phạm Việt Hưng,

    Con là một độc giả đã hâm mộ các bài viết của bác từ lâu về đề tài vũ trụ, vật lý. Qủa thật, vũ trụ và nhân thể vẫn luôn là một bí ẩn với giống loài tò mò như chúng ta.

    Nhân bài viết này, con xin đề cập rằng thuyết tiến hóa của Darwin hiện nay là lý thuyết cơ bản của sinh học hiện đại và được chấp nhận rộng rãi bởi giới học thuật trên thế giới. Trường phái luận “creation evolution” cho giới tự nhiên vẫn tồn tại nhưng là một số ít các nhà học thuật và đây đươc coi là sự tồn tại không chính thống.

    Học thuyết tiến hóa của Darwin cũng không phải là là giả thuyết (hypothesis) mà nó được chấp nhận rộng rãi là học thuyết (theory). Thực ra, người làm khoa học nên công tâm và suy xét từ mọi khía cạnh của vấn đề để đạt được cái nhìn khách quan. Con nghĩ rằng những câu hỏi còn bỏ ngỏ của Darwin là sự “bất nhất” của ông ta như đã đề cập trong bài viết là một điểm rất thú vị, cho thấy tính trung thực của ông. Thực ra, hiện nay các tiến bộ về mặt khoa học di truyền (genetic), khảo cổ, và sinh thái học vẫn đang làm dày thêm cho luận điểm khoa học của Darwin. Bác có thể tham khảo thêm những cuốn sách như “the selfish gene của Charles Darkin” hoặc các sách về tiến hóa của các tác giả Graham Bell. Trong đó có lẽ sẽ có nhưng lập luận trả lời cho những câu hỏi như “sự tiến hóa của con mắt”, “nguồn gốc của sự sống”. Ngoài ra, còn có những chứng cứ cho thấy tại sao thuyết sáng tạo lại bị phủ nhân trong giới khoa học ngày nay. Và hầu như các lập luận nhằm phản đối thuyết tiến hóa của Darwin đều nằm trên những hiểu lầm đối với thuyết của ông.

    Bài viết có trích lời của Darwin “Trong hai năm này tôi đã suy nghĩ rất nhiều về tôn giáo… Tôi đã dần dần đi tới chỗ cho rằng Cựu Ước… chẳng có gì đáng tin cậy hơn những cuốn sách thánh của Đạo Hin-đu, hoặc niềm tin của các bộ tộc man rợ”. Thật ra thì Darwin ở đây cũng đã có một cái nhìn rất mở đối với tôn giáo và văn hóa, ông có thể thấy được sự bình đẳng trong triết lý giữa ki-tô giáo và các tôn giáo của các dân tộc khác. Ông dùng từ “man rợ” vì đó là từ mà người da trắng thế kỉ 18 vẫn dùng để hình dung về các chủng người khác. Vì thời đó, hầu hết người da trắng đều tin rằng tôn giáo của họ là thượng đẳng, và hầu hết người da trắng thời đó (thế kỉ 18) đều tin rằng mình là chủng tộc thượng đẳng. Nếu nói “phản nhân loại” thì hầu hết người da trắng thời đó cũng như cả người Trung Hoa và nhiều chủng người khác (vốn tự cho rằng mình là thượng đẳng-gọi các chủng tộc khác là man di) đều là phản nhân loại? Hiện nay, sự bình đẳng mà ta có ngày nay là hệ quả của một chuỗi đấu tranh dài, và mãi đến tận năm 1965 người Mỹ gốc Phi mới có quyền được bầu cử cơ mà. Do đó, tư duy của Darwin cũng không hề “phản nhân loại”.

    Hầu hết những người theo thuyết sáng tạo đều dựa trên những quan niệm về tôn giáo
    và những suy diễn từ xã hội để hình thành nên cơ sở lý luận của mình mà không quan tâm tìm tòi những điều diễn ra trong giới tự nhiên, do đó cái nhìn của họ cũng phần nhiều mang màu sắc phiến diện. Thực ra, sự tiến hóa của xã hội con người cũng rất đặc biệt, nó hầu như đã độc lập khỏi giới tự nhiên và bị chi phối bới văn hóa và tôn giáo. Đây là một chủ đề rất hay.

    Kết thư, hi vọng bác sẽ tìm tòi thêm những luận điểm của “Darwinian fellow” để củng cố sâu sắc thêm các luận cứ của mình trong các bài viết tiếp sau.

    Kính thư,
    Nguyễn Ngọc Tuấn

    Đã thích bởi 1 người

    • Trả lời bạn Nguyễn Ngọc Tuấn,
      1/ Cám ơn bạn vì nhận xét tốt đẹp của bạn đối với các bài viết của tôi về vật lý và vũ trụ, đặc biệt vì sự trao đổi nhiệt tình và thẳng thắn của bạn về Học thuyết Darwin. Bạn đã nêu một tấm gương của một người trí thức, rằng chúng ta có thể khác nhau trong quan điểm học thuật nhưng vẫn có thể trao đổi với nhau một cách bình đẳng và thiện chí.
      2/ Trong những bài viết của tôi phê phán Học thuyết Darwin, quả thật là tôi đã thể hiện quan điểm ủng hộ Thuyết Sáng tạo (Creationism) và Thuyết Thiết kế thông minh (Theory of Intelligent Design). Tuy nhiên, chúng ta có thể tạm gác việc thảo luận Thuyết Sáng tạo và Thuyết Thiết kế thông minh sang một bên, vì nếu bạn không đồng ý với hai lý thuyết đó thì tôi chẳng hề thắc mắc. Điều chủ yếu tôi muốn bàn là tính phi khoa học của Học thuyết Darwin. Quan điểm của tôi đã thể hiện rõ qua toàn bộ những bài viết trong mục Sinh Hóa trên PVHg’s Home. Nay tôi không nhắc lại. Đó là những thông tin và quan điểm xưa nay rất ít người biết. Tôi chỉ là một trong số những người muốn bạch hóa sự thật, để mọi người được biết. Tôi không có tham vọng làm cho tất cả mọi người suy nghĩ và nhận thức giống tôi. Tôi chỉ hy vọng mọi người dùng trực giác của mình để xử lý những thông tin nhận được. Cái đích cuối cùng mà người ấy đạt tới không phải do tôi, mà do chính người ấy, do trực giác của người ấy quyết định.
      3/ Bạn có nhắc đến Richard Dawkins. Tôi phải thú thực rằng tôi không tín nhiệm ông Dawkins về tư cách khoa học, bởi ông thiếu trung thực. Điển hình là trường hợp ông bị phỏng vấn: “Ông có thể cung cấp bất cứ một bằng chứng nào cho thuyết tiến hóa không?”, ông đã im lặng rất lâu, không trả lời, khi trả lời thì vong vo tam quốc, không trả lời thẳng vào câu hỏi. Tôi đã upload video này lên PVHg’s Home, bạn có thể xem.
      4/ Bạn nói: “thuyết tiến hóa của Darwin hiện nay là lý thuyết cơ bản của sinh học hiện đại và được chấp nhận rộng rãi bởi giới học thuật trên thế giới”. Vâng, bạn nói đúng. Nhưng thật đáng tiếc, cái đa số chấp nhận Học thuyết Darwin không đại diện cho sự thật, không đại diện cho khoa học. Trong trường hợp này, câu nói của Galileo Galilei vẫn có ý nghĩa: “Trong khoa học, 1000 ý kiến của số đông không có giá trị bằng 1 ý kiến có lý lẽ”. Không chỉ có 1 ý kiến có lý lẽ chống Học thuyết Darwin, mà có RẤT NHIỀU.
      5/ Bạn nói: “Học thuyết tiến hóa của Darwin cũng không phải là là giả thuyết (hypothesis) mà nó được chấp nhận rộng rãi là học thuyết (theory)”. Quả thật tình hình thực tế diễn ra đúng như bạn nói, nhưng những người thấy rõ Darwin sai lầm đang muốn cảnh tỉnh thế giới rằng đó là một nhầm lẫn tệ hại nhất của khoa học. Khoa học có rất nhiều sai lầm tệ hại, nhưng sự thừa nhận Học thuyết Darwin là sai lầm tệ hại nhất, vì lý thuyết này hoàn toàn vô bằng chứng thực tế. Tuyệt đối không có bằng chứng loài này biến thành loài khác. Rất nhiều bằng chứng giả mạo vẫn còn tồn tại trong các sách giáo khoa và ở viện bảo tàng. Đó là lý do ông Dawkins im lặng rất lâu khi được đề nghị trưng ra bằng chứng.
      6/ Bạn nói: “Thực ra, hiện nay các tiến bộ về mặt khoa học di truyền (genetic), khảo cổ, và sinh thái học vẫn đang làm dày thêm cho luận điểm khoa học của Darwin”. Bạn nói sai. Điều ngược lại mới đúng. Mã gene chỉ ra rằng sinh vật hình thành theo chương trình định trước, và nếu chương trình bị lỗi thì sẽ sinh ra bệnh tật và cái chết, thay vì dẫn tới biến dị di truyền để biến thành loài mới. Chương trình có cơ chế tự sửa lỗi, như công trình Sinh Hóa đoạt Giải Nobel 2015 đã chỉ rõ. Bạn nên tìm hiểu sự thật đó. Việc lai tạo dẫn tới sự trao đổi gene tạo ra những thay đổi TRONG LOÀI, mà giới tiến hóa mô tả là “vi tiến hóa” (micro-evolution). Đó là việc dùng từ ngữ học thuật để đánh lận con đen. Sự thật đó chỉ là những biến đổi trong loài, không hề có tiến hóa gì ở đó cả.
      7/ Tôi muốn viết thêm, nhưng chợt nghĩ rằng bao nhiêu điều cần nói tôi đã nói trong các bài viết rồi, vậy nói thêm cũng không có điều gì mới. Rất nhiều độc giả đã ủng hộ quan điểm phê phán học thuyết Darwin, như bạn có thể thấy trên PVHg’s Home và trên nhiều trang mạng khác. Vậy để tránh cho việc trao đổi giữa tôi và bạn mất thì giờ, ta tạm kết luận như sau nhé:
      Tôi đồng ý với đề nghị của bạn rằng sẽ tìm hiểu thêm những luận điểm của các “Darwinian fellow”, ngược lại tôi cũng hy vọng bạn sẽ chịu khó tìm hiểu các luận điểm của các “Anti-Darwinian fellow”, thế nhé. Chúc bạn may mắn. PVHg

      Thích

      • Gửi bác Hưng,

        Cảm ơn bác đã dành thời gian trả lời phản hồi. Con rất vui vì có dịp trao đổi với bác về chủ đề thú vị này. Dù theo những quan điểm khác nhau nhưng con vẫn rất thích cách lập luận và hiểu biết sâu rộng của bác.

        Chúc bác sức khỏe và hi vọng được đọc những bài viết tiếp sau của bác.

        Kính thư,
        Nguyễn Ngọc Tuấn.

        Thích

  2. 1. Trang mạng sau đây cung cấp thêm thông tin về nguồn gốc sự sống và Đấng Tạo Hóa, và sự vô lý của thuyết tiến hóa: http://ufo-connguoi-thuongde.blogspot.com/2012/12/loi-noi-au.html?m=1
    2. Cần phân biệt 3 khái niệm: giả thuyết ( hypothesis), lý thuyết ( theory) và định luật ( law): Trước hết, một nhà khoa học tìm thấy một thay đổi lạ, một liên hệ lạ giữa các vật chất, ông ta sắp xếp các liên hệ hay sự tìm thấy mới lạ đó thành một hệ thống và gọi hệ thống lý luận mới đó là một Giả Thuyết. Nhà khoa học đó trình bầy giả thuyết của mình cho các nhà khoa học khác để cùng nghiên cứu. Sau khi lập đi lập lại giả thuyết đó và đa số tìm được một lập luận tương đối vững chắc, giả thuyết ấy được các khoa học gia gọi là Lý Thuyết. Nếu lý thuyết ấy đứng vững trước mọi thử thách qua mọi thời đại, hoặc có thể được chứng minh bất cứ lúc nào cũng đúng, không còn ai phê bình, chỉ trích nữa, lúc ấy Lý Thuyết mới biến thành Luật và mọi người phải tuân theo. Chẳng hạn như Luật Bảo Tồn Năng Lượng hay Luật Quán Tính của vật lý và các định luật toán học. Còn lý thuyết của Darwin, cho đến nay, vẫn còn là Lý Thuyết, chưa phải là Luật. Chưa có ai dám gọi là Luật tiến hóa hay gì cả, và nó cũng sẽ vĩnh viễn không bao giờ thành Luật, dù cho đến ngày Tận Thế.
    3. Thuyết tiến hóa thực sự có vô số lỗ hổng và rất nhiều sơ hở không sao kể hết được. Theo như cháu đã tìm hiểu và cháu xin trích lại một chút như sau, qua đây ai là người cố chấp nhất cũng sẽ không thể chối cãi được sự thật:

    a. Về sự Chết: Nếu không có một lực nào tác động trên mọi sinh vật, trong khi các sinh vật cứ “tự” tiến hóa để sinh tồn, thì sự tiến hóa đó sẽ tiếp tục đến muôn triệu năm, và không bao giờ có sự Chết! Nhưng thực tế cho thấy là thời gian tồn tại trên mặt đất của các sinh vật khác nhau. Con rùa sống dai nhất được khoảng 100 năm, còn các giống vật khác thì có sinh mệnh ngắn hơn, tùy loại. Thuyết Tiến Hóa cũng không giải thích được sự có mặt của “Bệnh Tật”. Tại sao lại mắc bệnh, khi “nhu cầu thay đổi để tồn tại” lúc nào cũng có? Nhất là với con người thì nhu cầu được sống rất cao, hầu như không có ai muốn chết cả, và vào bất cứ thời điểm nào, con người cũng chiến đấu để được tồn tại, nhưng cuộc chiến này hoàn toàn vô vọng! Nhân loại vẫn chết, chết trẻ, chết bệnh, chết vì già… Darwin cũng đã chết mà chưa giải thích được việc này!

    b. Về sự tiêu hóa: Ăn vào thì phải thải ra, nếu không thì nhất định con người chết liền ngay sau khi sanh. Tại sao vậy? Lực nào bắt buộc bao tử phải co bóp, và các mô ở thành bao tử phải hấp thụ các chất bổ, rồi lực nào buộc các chất bổ phải chuyển đi các bắp thịt, các mô khác, còn lại chất bã thì tống ra ngoài? Luật Tiến hóa hiện diện dưới hình thức nào khiến các thức ăn ngon miệng, nhìn thấy thì thèm thuồng kia bỗng biến thành chất dơ, thối tha, khi thải ra, ai cũng sợ? Thức uống ngon ngọt như thế bỗng thành nước tiểu khai lòm, không thể chịu đựng được?

    c. Về sự sinh dục: Luật tiến hóa nào buộc các hình thức sinh dục của cây cỏ, thực vật khác với sinh hoạt tình dục của động vật, của con người? Tại sao lại có hoa lưỡng tính, có cả nhị đực, nhị cái để chúng va chạm vào nhau, biến thành quả? Tại sao lại có hoa đơn tính, cần các lực khác mới kết quả? Tại sao hoa dưa tây cần bàn tay người chạm nhị đực vào nhị cái thì mới thành trái? Các loại bông khác cần chân của con ong, cần sự mò mẫm của côn trùng? Cây thông lại thải phấn bay khắp không trung, để phấn đậu xuống hoa cái? Tại sao các bộ phận sinh dục của động vật đều thích ứng với nhau, giống đực bốn chân phải cần bộ phận sinh dục vừa dài vừa to mới có thể khắng khít với bộ phận cái? Tại sao giống hai chân như chim, gà lại có bộ phận sinh dục ngay phía dưới đuôi mà không bên trên? Sao con vịt xiêm đực lại có cơ phận vừa dài vừa xoắn khoảng gần hai gang tay, kéo lê trên đất mà không bị đứt, bị xơ? Sao con thỏ đực lại chỉ cần nhẩy lên có một hai giây rồi lăn đùng ra mà cũng có thỏ con? Sao con người lại linh hoạt hơn con vật khác trong vấn đề sinh hoạt tình dục? Tại sao hình dáng bộ phận sinh dục của con người cũng toàn vẹn, khít khao, chỗ này bảo vệ chỗ kia, tạo ra cảm giác sảng khoái lạ lùng mà thuyết Tiến Hóa chưa bao giờ dám đụng tới?Tại sao và tại sao?

    Cả ngàn vạn câu hỏi cho Darwin mà chắc chắn rằng, những người không tin vào một sự sắp đặt của một Đấng Toàn Năng (omnipotence), bên ngoài loài người, thông suốt mọi sự, vẫn hàng điều hành vũ trụ với muôn triệu sinh vật, thực vật một cách toàn hảo thì vĩnh viễn không thể nào trả lời nổi! Đấng Toàn Năng này, có thể là Ông Trời, là Thượng Đế, là Thần, hay là Chúa, tùy theo con người tin tưởng và đặt tên. Đấng Toàn Năng này đã đặt ra Sự Chết để giới hạn sự phung phí của con người, cũng như để bảo toàn trái đất. Nếu không có sự chết, không có bệnh tật, con người cứ thế mà sản sinh, nẩy nở, thì chỉ trong vài thế kỷ là trái đất đã tràn ngập, lúc nhúc con người và tất cả đều tự diệt vì thiếu thực phẩm, thiếu nước uống, và không có chỗ để thở! Tất cả mọi sinh hoạt của vi sinh vật, vi khuẩn, côn trùng, thú dữ, gió chướng, bão giông, sóng thần, núi lửa… cũng đều có mục đích “phục vụ” cho con người, vì nếu không có những yếu tố giết người ấy, nạan nhân mãn sẽ xẩy ra và kết quả còn tai hại hơn gấp ngàn lần sự sống! Vì thế, mà những nhà khoa học chân chính mới khâm phục sự tính toán tinh vi của Thượng Đế hay Thiên Chúa. Chỉ những kẻ vô thần, đầu óc sơ cứng mới không chấp nhận sự hiện diện của Thiên Chúa mà thôi. Pascal, nhà khoa học lỗi lạc của nhân loại đã từng nói: “Khoa học nông cạn làm cho người ta xa Thiên Chúa. Khoa học tinh vi làm cho người ta gần Thiên Chúa.”

    Bởi thế, hàng ngày, con người có tín ngưỡng vẫn thắp nhang cầu Trời, khấn Phật hay đọc kinh thầm thĩ, xin Đấng Tối Cao chuyện này, chuyện nọ. Họ tin tưởng vững chắc rằng lời cầu xin đó, ý tưởng thầm thĩ đó, chỉ là hư vô, nếu không có một Đấng biết lắng nghe, biết nhìn tư tưởng trong óc não của con người như là nhìn vào một màn hình Computer tinh vi, vĩ đại, để thấu hiểu hết sự tốt, sự xấu của con người đối với Trời, với Thượng Đế, hay với Thiên Chúa và với nhau, từ đó mới có thể thi ơn hay giáng họa cho họ. Còn những kẻ vô thần mà lại mang tính kiêu ngạo mới chế diễu ông Trời, mạ lị Thiên Chúa. Họ sống một đời vô định, không tin tưởng vào ai ngoài chính mình, nên lúc nào cũng cô đơn khủng khiếp, mỗi ngày mỗi tăng. Nỗi cô đơn của họ thì không ai, không yếu tố nào có thể lấp đầy ngoài việc suy nghĩ và tin tưởng ở một Đấng Toàn Năng thấu hiểu họ hơn họ hiểu chính họ, vì Đấng ấy đã tác tạo nên họ

    Thích

    • Cám ơn bạn Nguyễn Tiến Nam vì những tài liệu cung cấp và vì những thảo luận nhiệt tình và xác đáng. Tôi hoàn toàn tán thành quan điểm của bạn.
      Tôi đã đọc trang mạng bạn cung cấp. Nội dung rất tốt. Tôi sẽ trích đăng trên PVHg’s Home.
      Riêng câu nói sau đây:
      “Khoa học nông cạn làm cho người ta xa Thiên Chúa. Khoa học tinh vi làm cho người ta gần Thiên Chúa.”
      thì không phải của Pascal, mà của Pasteur, nguyên văn là:
      “Một ít khoa học làm cho người ta xa rời Thiên Chúa. Nhiều khoa học làm cho người ta trở về với Thiên Chúa”.
      Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta cùng tán thưởng câu nói sâu sắc giàu ý nghĩa đó. Tôi hiểu câu nói đó như sau:
      Loại người có chút ít kiến thức thì tưởng là mình đã giỏi, và thế là tự đắc, phủ nhận Chúa. Loại người này rất nhiều, đặc biệt trong đám trí thức nửa mùa. Ngược lại, những người giầu trí tuệ, sâu sắc thì thường thán phục những công trình của Tạo Hóa, từ đó nghĩ rằng phải có Đấng Sáng tạo vĩ đại sáng tạo ra những công trình kỳ diệu đó. Theo tôi, nếu không có cái cảm xúc thán phục này thì suy ra là tâm hồn nghèo nàn, rỗng tuếch.
      Trước một công trình kỳ diệu như DNA mà giới tiến hóa vô thần còn gân cổ lên để cãi thì theo tôi, đó là cái bản chất ngoan cố xuất phát từ sự dốt nát mà thôi.
      PVHg

      Thích

      • Cháu rất hoan nghênh sự tán thành của bác Hưng. Quả thật là
        thuyết tiến hóa chỉ căn cứ vào sự hơi giống nhau mà đưa ra chứng cớ để kết luận về sự tiến hóa. Nhưng căn cứ vào sự hơi giống nhau của các sinh vật mà kết luận là chúng cùng gốc, là một kết luận thiếu căn cứ và thiếu lôgic
        1. Đức Chúa Trời đã dựng nên những sinh vật có hình dáng hơi giống nhau cùng một lượt và riêng rẽ, là vì thế giới mà Ngài dựng nên phải là thế giới rất phong phú, phản ảnh sự giàu có và quyền năng vô cùng của Ngài. Bước vào bàn ăn chúng ta sẽ thấy hình dáng bàn tròn hơi giống với ghế đẩu, tô hơi giống với chén, muỗng hơi giống với vá. Ra phòng khách chúng ta thấy ghế love-seat hơi giống với sofa. Như thế, tuy rằng các vật đó trông hơi giống nhau, nhưng không phải vì cái này tiến hóa thành cái kia, mà thực sự là chúng đã được làm ra theo cách riêng rẽ. Cũng vậy, sự hơi giống nhau về khung xương, tức là bộ xương của sinh vật, cũng tương tự như sự hơi giống nhau về khung sườn của nhà ở, nhà trường, nhà kho, nhà thương, nhà xác…sẽ không bênh vực cho sự tiến hóa mà bênh vực cho sự sáng tạo. Đức Chúa Trời đã có lần hỏi qua miệng Phao-lô: “Người thợ gốm há chẳng có quyền trên đất sét, cùng trong một đống mà làm ra hạng bình để dùng việc sang trọng, lại hạng bình khác để dùng việc hèn hạ sao?” Rô-ma 9:21.
        2. Sự gần giống nhau về sinh hóa lại càng bên vực cho Thuyết Sáng-tạo, vì Kinh Thánh có chép:
        “Giê-hô-va Ðức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sinh khí vào lỗ mũi;” Lại cũng có chép: “Giê-hô-va Ðức Chúa Trời lấy đất nắn nên các loài thú đồng, các loài chim trời,…” Sáng 2: 7,19. Loài người và loài thú đã được làm nên bởi cùng một vật liệu, vậy sinh hóa chúng gần giống nhau là tự nhiên. Còn về sinh lý sự gần giống nhau là một điều cần thiết. Đức Chúa Trời đã dựng nên loài người và các loài thú là để sống chung với nhau trên cùng một địa cầu. Nếu đời sống và phản ứng sinh lý của chúng khác nhau, thí dụ con thú này khi giận thì tấn công, con thú kia khi giận thì âu yếm, thì làm sao có thể cùng tồn tại được.
        3. Có một thí nghiệm khoa học thú vị:
        Người ta đem đặt vào chuồng khỉ và chuồng quạ, mỗi chuồng một ống nghiệm, bên trong có đựng đồ ăn. Bên cạnh mỗi ống nghiệm người ta đặt mấy cây que làm bằng những sợi thép nhỏ. Con khỉ cố sức thò tay vào ống nghiệm lấy đồ ăn ra, nhưng vì miệng ống nghiệm quá nhỏ, khỉ không lấy được, bèn la hét một hồi lâu, rồi đành nhịn đói. Trong khi đó con quạ, thấy ống nghiệm sâu, nhìn quanh một hồi rồi ngậm một đầu que thép, đầu kia đặt vào hai cây song của chuồng, dùng thế đòn bẩy uốn cong que thép, rồi dùng que thép móc đồ ăn ra. Qua đó ta thấy khỉ gần người về hình dáng, nhưng lại xa người về trí thông minh. Quạ gần người về trí thông minh nhưng lại xa người về hình dáng. Vậy con nào mới là anh em họ hàng của con người chúng ta ?
        4. Phái tiến hóa sẽ giải thích sao về những con vật như lươn điện, đom đóm, đỉa, thạch sùng… Luật tiến hóa hay cơ chế chọn lọc tự nhiên nào mà đem lại những khả năng đặc biệt cho các con vật ấy? Ai hay cái gì đã cài vào con lươn nguồn điện cực mạnh đến nghìn vôn, rồi có thể phóng điện bằng một lực rất mạnh và nhanh ngang với một khẩu súng điện? Ai ban cho đom đóm nguồn năng lượng phát sáng từ trong cơ thể, có thể đủ sáng để đọc sách? Rồi ai cài vào cơ thể, vào tế bào của con đỉa một chương trình siêu tinh xảo để nó có thể mọc lại cơ thể, phân thân ra làm nhiều khi bị chặt đứt? Hay tại sao một số con vật có thể chế ngự được rắn độc, trong khi đa số đều thành nạn nhân của nó? Chẳng lẽ sinh vật mà chỉ cần muốn thích nghi với môi trường để tồn tại, thì sau hàng triệu năm nó sẽ tiến hóa và cuối cùng tự nhiên có được mấy khả năng đặc biệt ấy mà không cần ai can thiệp sao?
        5. Ta phải nhớ một điều: Cái gì có thể khẳng định mà không cần bằng chứng thì cũng có thể bị bác bỏ mà không cần bằng chứng. Thuyết tiến hóa hoàn toàn vô bằng chứng. Trong khi như đã thấy, thuyết sáng tạo và thiết kế thông minh vẫn có thể chứng minh bằng khoa học, chẳng hạn như: sự đa dạng loài, sự phức tạp của tế bào cơ thể, của DNA, của gen, ý thức, tư tưởng, tình cảm, lương tâm của người từ đâu mà ra….
        Kết luận: Thuyết tiến hóa chỉ đáng được dạy ở nhà trường để tham khảo mà thôi, vì nó không phải định luật khoa học để bắt mọi người tin theo. Nếu ai đó nói thuyết sáng tạo và thiết kế thông minh chỉ là thần thoại thì thuyết tiến hóa còn thần thoại hơn khi vẽ ra câu truyện: Từ một cái ao Bất Nhị ( có 1 không 2) mà mọc ra một đơn bào, rồi thành con cá. Rồi không biết con cá đắc tội gì với Long Vương mà bị đuổi lên cạn, tự mọc bốn chân, phân thân ra làm hai, một biến thành bò sát – thấy trời đẹp quá muốn bay là mọc lông cánh liền. Một biến thành thú có vú, rồi thế nào lại thành khỉ, trèo lên cây sống, chán quá lại xuống đất, thông minh đột xuất, cởi bộ lông ra không sợ rét nữa, quên hết leo trèo, muốn đẹp trai, xinh gái là được liền, dần dần sinh ra đủ thứ Edison, Pasteur, Einstein, Pascal, Godel, Marie Curie, Hawking, Mendel,… Phải nói là nên tặng Darwin chiếc cúp vàng, giải nhất về sáng tác văn học, và cuốn sách “Sự Tích Các Loài”, “Sự Tích ông Adam bà Eva từ con cá dưới ao ” là 2 cuốn sách danh giá nhất chưa từng thấy.

        Thích

  3. Thưa bác Hưng, cháu muốn hỏi bác điều này. Có 1 bài bênh vực tiến hóa ở trang genk.vn, có 1 đoạn họ bảo như sau:
    ” Một lập luận phổ biến của những người ủng hộ thuyết Sáng tạo: mắt của chúng ta quá hoàn hảo, nó có các bộ phận được sắp xếp một cách hoàn hảo để giúp con người và động vật có thể nhìn. Họ cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy mắt đã được tiến hóa, nó phải được “ai đó” tạo ra. Tuy nhiên, ngay khi lập luận được đưa ra, Darwin đã có lời giải thích. Ông cho rằng mắt có nguồn gốc từ các cơ quan trước đó. Chúng có thể chỉ là các bộ phận phát hiện ánh sáng mà không cung cấp tầm nhìn cho sinh vật.”
    Theo bác biết thì Darwin có nói như vậy không, vì chính ông đã thừa nhận rằng:” Việc cho rằng con mắt, với tất cả những kỹ xảo khéo léo không thể bắt chước được của nó trong việc điều chỉnh tiêu cự đối với những khoảng cách khác nhau, để thu nhận những lượng ánh sáng khác nhau, và để sửa chữa quang sai cầu và mầu sắc, mà có thể được tạo ra bởi chọn lọc tự nhiên thì dường như là điều vô lý ở mức cao nhất có thể”.

    Thích

Bình luận về bài viết này