Challenging the Meaning of Life / Chất vấn Ý nghĩa Cuộc sống

Van-Gogh (80) copy

Viktor Frankl, an Austrian neurologist and psychiatrist as well as a Holocaust survivor in World War II, once said: “Challenging the meaning of life is the truest expression of the state of being human”. So, what is the meaning of life?
Viktor Frankl, một nhà thần kinh học và bác sĩ tâm thần người Áo sống sót qua trại tập trung của Đức quốc xã trong Thế Chiến II, từng nói: “Chất vấn ý nghĩa cuộc sống là biểu hiện rõ nhất của trạng thái làm người”. Vậy ý nghĩa cuộc sống là gì?

Cách đây hai năm, trong dịp gặp gỡ một nhóm trí thức trẻ, tôi bắt chuyện làm quà: “Theo các bạn, cuộc sống có cần phải có một ý nghĩa không?”. Tôi tưởng đó là một câu hỏi dễ, sẽ được hưởng ứng ngay, nào ngờ, tôi nhận được sự im lặng. Im lặng kéo dài đến nỗi tôi sốt ruột, phải quay sang hỏi từng người. Bạn thứ nhất, thứ hai, rồi thứ ba,… đều trả lời một cách dè dặt, thận trọng, đắn đo, tính toán câu chữ. Tôi ngạc nhiên, không hiểu tại sao một vấn đề tưởng là đơn giản và rõ ràng như thế mà hóa ra cũng… phức tạp. Mãi đến bạn thứ mười, lúc ấy vừa mới từ bên ngoài bước chân vào, nghe tôi hỏi, bạn ấy hồn nhiên trả lời ngay: “Có chứ, tất nhiên phải có ý nghĩa chứ,…”. Tôi thở phào, nói: “Tôi thích bạn, tôi thích những người hồn nhiên như thế”, rồi quay sang nói với tất cả: “Này các bạn, sự hồn nhiên và trung thực là một phẩm chất đáng quý của con người. Hãy học để cho bộ não lạnh đi, nhưng trái tim thì phải giữ cho nồng ấm mãi mãi”. Rồi tôi bắt đầu câu chuyện về ý nghĩa cuộc sống…

Hôm nay tôi cũng bắt đầu câu chuyện này trên PVHg’s Home.

Trong mọi câu chuyện, tôi luôn để ý xem người đời nghĩ gì về điều tôi muốn tìm hiểu. Tôi thích câu nói của Viktor Frankl ở trên, vì nó định rõ bản chất người, mà dường như chỉ những ai đã từng trải qua đau khổ mới thực sự thấm thía hết ý nghĩa của nó.

Quả thật, đau khổ mới thật sự dạy ta nên người. Một người chỉ gặp may mắn và thắng lợi rất dễ trở thành kẻ lố bịch. Ngược lại, đau khổ, mất mát làm ta thấm thía thế nào là hạnh phúc. Một người bệnh tật khao khát có được cái hạnh phúc rất bình thường của những ngày tháng khỏe mạnh. Một người mất tự do khao khát những ngày tháng tự do. Một người đang bị lâm nguy bởi những mối đe dọa sẽ hiểu rõ cái hạnh phúc của hai chữ bình an…

Nhưng không phải chỉ những người đau khổ mới tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Bất kỳ người nào giầu tính người, như Viktor Frankl ngụ ý, đều bận tâm tới ý nghĩa cuộc sống.

Tiếng Anh có câu “The meaning of life is to give life a meaning” (Ý nghĩa cuộc sống là cho cuộc sống một ý nghĩa). Rất hay. Rất đúng. Nhưng cho cuộc sống ý nghĩa gì? Đó là vấn đề của mỗi người. Nhưng dường như càng nhiều tính người càng bận tâm đến vấn đề này. Càng giàu bản chất nhân văn trong tâm hồn càng trăn trở với câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống. Nói cách khác, một con người đích thực, một bộ não biết suy tư, một trí thức thực sự, không thể không bận tâm tới vấn đề ý nghĩa cuộc sống.

Một trong những người như thế, một nhân vật đáng để người đời học hỏi, suy ngẫm, đó là Albert Einstein. Mở đầu cuốn “Thế giới như tôi thấy” (NXB Tri Thức 2005), ông tâm sự:

“Tình cảnh những đứa con Trái Đất chúng ta mời kỳ lạ làm sao! Mỗi chúng ta đến đây như một chuyến viếng thăm ngắn ngủi. Ta không biết để làm gì,…”.

Một người thành công như Einstein mà phải tự hỏi như vậy, huống chi chúng ta. Và ông trả lời một cách chân thành, khiêm tốn, như nói với người thân, bạn bè:

“… nhưng đôi khi ta tin rằng ta cảm nhận được điều đó. Song, nhìn từ cuộc sống thường nhật mà không đi sâu hơn, ta biết rằng: ta đến đây vì người khác…”.

Xin nhắc lại: “Ta đến đây vì người khác…”

Dù bạn có đồng ý với Einstein hay không, tôi muốn nói rằng tôi ngưỡng mộ câu trả lời ấy. Nói cho đúng, tôi đặc biệt trân trọng những suy nghĩ đầy ắp tính nhân văn của ông. Đó là chưa nói đến quan điểm sống của ông mà tôi tán thành tuyệt đối, cứ như ông nói thay cho mình. Chẳng hạn, ông nói về của cải vật chất và danh vọng:

“Những mục đích tầm thường mà người đời theo đuổi như của cải, thành đạt bề ngoài, sự xa xỉ, với tôi từ thời trẻ đã luôn đáng khinh”. Ông không ngần ngại sử dụng những từ ngữ nặng lời để khẳng định thước đo giá trị trong đời: “… sự thỏa mãn và yên ấm chưa bao giờ là mục đích tự thân của tôi (tôi gọi nền tảng luân lý này là lý tưởng của bầy lợn)”.

Tâm sự của Einstein tự nó đã gợi ý cho người đời hiểu ý nghĩa cuộc sống là gì, ý nghĩa nằm ở đâu, để suy ngẫm và điều chỉnh bản thân mình. Liệu có bao nhiêu người đọc những tâm sự ấy mà động tâm suy nghĩ? Tôi không biết, nhưng những lời ấy có ý nghĩa rất lớn đối với bản thân tôi. Và tôi lại đem những tâm sự ấy để nói với con cháu tôi, người thân của tôi, bạn bè tôi (bạn bè đích thực), và đôi khi cả với học trò của tôi nữa. Trong đời ai chẳng lo kiếm ăn, nhưng tôi chưa bao giờ coi việc kiếm ăn quan trọng hơn việc thảo luận những vấn đề có ý nghĩa làm người. Kiếm ăn để tồn tại, nhưng tiếng Anh có câu: “Do more than just exist” (Hãy làm nhiều hơn là chỉ tồn tại). Sai lầm lớn nhất của nền giáo dục hiện đại là chạy đua nhồi nhét kỹ năng kiếm sống, xem nhẹ hoặc thậm chí vô trách nhiệm với việc giáo dục nghĩa lý làm người. Tại sao một đại bác học như Einstein phải trăn trở với câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống? Bởi bí mật của cuộc sống vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng, hoặc có rồi mà loài người vẫn không chịu học chăng?

Ngạn ngữ Pháp có câu: “Cuộc sống chỉ sống một nửa trước khi bạn hiểu cuộc sống là gì” (Life is half spent before one knows what life is).

Albert Camus, nhà văn Pháp từng đoạt Giải Nobel văn chương, cũng nói một câu tương tự: “Bạn sẽ chưa bao giờ sống nếu như bạn đang tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống” (You will never live if you are looking for the meaning of life.) Có nghĩa là nếu bạn đang còn mất thì giờ tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống thì bạn vẫn chưa thực sự sống, bởi vì cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi ta đã hiểu ý nghĩa của nó và ta sống theo ý nghĩa đó.

Camus không chỉ hối thúc chúng ta phải tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, mà còn gợi ý cho chúng ta thấy ý nghĩa đó nằm ở đâu. Đây, hãy nghe ông tâm sự:

“Thà tôi sống với niềm tin có Chúa để khi chết đi mới nhận ra không có, còn hơn là sống không tin có Chúa, để rồi chết đi mới nhận ra có Chúa” (I would rather live my life as if there is a God and die to find out there isn’t, than live as if there isn’t and to die to find out that there is).

Ý kiến của Camus làm tôi nhớ đến “trò đánh cược” của Blaise Pascal. Đối với Pascal:

“Đức tin (vào Chúa) là một trò đánh cược khôn ngoan… Nếu bạn thắng, bạn được tất cả; nếu bạn thua, bạn chẳng mất gì cả. Vậy còn chần chừ gì nữa, hãy đánh cược rằng Chúa tồn tại” (Belief is a wise wager… If you gain, you gain all; if you lose, you lose nothing. Wager, then, without hesitation, that He exists).

Có thể ai đó thắc mắc, tại sao đang thảo luận về vấn đề ý nghĩa cuộc sống lại chuyển sang vấn đề đức tin?

Đơn giản vì đức tin sẽ quyết định cách sống. Tin thế nào, sống thế ấy. Đức tin nằm trong phần cốt lõi của ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa làm người. Như Pascal nói, nếu bạn có đức tin, bạn sẽ có tất cả. Đức tin mà Camus và Pascal đề cập ở đây là đức tin Thiên Chúa giáo, nhưng nếu bạn không có đức tin Thiên Chúa giáo, bạn có thể tin vào Trời, vào Đấng Sáng tạo, Đấng Tạo Hóa,… hay tin vào Chân, Thiện, Mỹ. Đó là đức tin khởi đầu của đức tin Thiên Chúa giáo.

Từ khi Thuyết tiến hóa Darwin ra đời, chủ nghĩa duy vật bác bỏ đức tin, và nhất là từ khi Friedrich Nietzsche tuyên bố “Thượng đế đã chết!”, đức tin sòi mòn, nhiều bộ phận nhân loại sống không có đức tin, con người lao vào tranh đấu, giành giật dữ dội hơn bao giờ hết, xã hội hỗn loạn và bất an hơn bao giờ hết, thuyết “entropi xã hội” tỏ ra đúng hơn bao giờ hết…

Nếu khái niệm đức tin xa lạ với bạn, bạn hãy nghĩ đến TÂM. Đức Phật dạy mọi điều ta làm đều xuất phát từ tâm. Triết học Trung Hoa thì nói đến ĐẠO. Có Đạo Trời và Đạo Người. Đạo Người phải theo Đạo Trời. Con người vô Đạo không phải là người. Điều này được nói rõ trong cuốn “Nho giáo” của Trần Trọng Kim:

“…Đạo Trời là chí thiện, chí mỹ, đạo người là phải cố gắng làm được những điều chí thiện, chí mỹ… Đạo là cái lý tự nhiên của trời đất, là con đường rộng ai cũng phải theo mà đi, tức là cái công lệ trung chính để làm quy tắc cho sự hành động của người đời. Khổng tử theo lẽ điều hòa của trời đất và đem những tư tưởng và sự hành vi của các đế vương đời trước mà lập thành đạo để dạy thiên hạ. Ai theo được đạo ấy mà ăn ở là hay, là người quân tử; không theo được đạo ấy là dở, là kẻ tiểu nhân, cho nên mới gọi là “quân tử chi đạo” – đạo của người quân tử. Đạo ấy gồm hết tất cả cái phải, cái hay, tổng hợp các đức tính tốt để gây thành cái nhân cách hoàn toàn của người ta” (Nho giáo, Trần Trọng Kim, NXB Văn hóa Thông tin 2001, trang 101).

Đó là Khổng giáo, hay Nho giáo, đã tồn tại ở Trung Hoa và các nước lân cận trong hàng ngàn năm trước đây, giữ cho các quốc gia ở khu vực này có được một đời sống xã hội tương đối ổn định, nền nếp. Đó là một tài sản tinh thần vô giá, nhưng tiếc thay đạo ấy đã bắt đầu suy tàn và đến nay đã gần như chết hẳn, trước sự tấn công của nền văn minh vật chất hiện đại. Không có gì đáng ngạc nhiên khi ta thấy ngày nay đạo đức suy đồi. Ấy là vì mất Đạo, con người không có điểm tựa tinh thần làm chỗ dựa, không có lý tưởng cao cả để noi theo, không có cái đích để hướng thiện, không có tiêu chuẩn đạo lý làm thước đo giá trị để phấn đấu.

Những xứ sở khéo kết hợp nền văn hóa truyền thống Khổng giáo với nền văn minh vật chất Tây phương hiện đại như Singapore, Đài Loan, Hàn quốc, Nhật Bản đều là những quốc gia phát triển văn minh, xã hội tương đối ổn định, đáng để cho người đời suy ngẫm.

Tóm lại, triết học và thực tiễn Đông phương dạy rằng con người phải có ĐẠO. Triết học và thực tiễn Tây phương dạy rằng con người phải có Đức tin. Triết học và thực tiễn cả Đông lẫn Tây đều dạy rằng cuộc sống phải có ý nghĩa và con người phải hiểu rõ ý nghĩa đó. Nhà văn Mark Twain cho rằng “Hai ngày trọng đại nhất trong đời người là ngày ta sinh ra trên đời và ngày ta khám phá ra lý do ta sinh ra để làm gì” (The two most important days in your life are the day you are born and the day you find out why).

Để hiểu rõ thêm lý do vì sao ta sinh ra trên đời, xin bạn dành thì giờ đọc câu chuyện sau đây, trích từ cuốn “Có một Đấng Tạo Hóa quan tâm đến bạn không?”, do Watchtower Bible and Tract Society of New York Inc. xuất bản tại Brooklyn, New York, Mỹ, năm 1998.

56789

PVHg, Sydney 19/01/2016

8 thoughts on “Challenging the Meaning of Life / Chất vấn Ý nghĩa Cuộc sống

  1. Cháu đọc chương 10 : “Nếu Đấng Tạo Hóa quan tâm, tại sao lại có quá nhiều đau khổ”
    trong cuốn sách đó. Quả thực, đọc xong chương đó, cháu vẫn thấy khó hiểu và không tìm được câu trả lời là nếu Đấng Tạo Hóa quan tâm, tại sao lại có quá nhiều đau khổ. Mong Bác viết tiếp về chủ đề này và giải đáp cho cháu.

    Thích

  2. Các bạn thân mến,

    Chủ đề về mục đích và ý nghĩa của cuộc sống con người và sự tồn tại của xã hội loài người chắc sẽ là một chủ đề không thể làm rõ được trong một sớm một chiều, Có lẽ chúng ta phải tìm một phương pháp tiếp cận tổng hợp thì may ra mới có thể dần dần tiệm cận tới câu trả lời cuối cùng. Nhưng trong sâu thẳm trái tim mình, tôi tin rằng cuộc sống thật sự có một ý nghĩa lớn lao.

    Hôm nay, tôi xin chia sẻ với các bạn những cảm xúc của mình khi xem một trích đoạn bộ phim “Bản danh sách của Schindler”, đặc biệt qua tiếng đàn của Itzhak Perlman trong trích đoạn phim này. Địa chỉ trên YouTube: Itzhak Perlman en Chile – La Lista de Schindler.

    Bộ phim này nói về tấm lòng nhân đạo cao cả của một người Đức có tên là Schindler đã cứu sống hàng ngàn người Do thái trong cuộc tàn sát chưa từng có trong lịch sử loài người của Hitler và đồng bọn đối với dân tộc Do thái trên phạm vi toàn thế giới. Ông Schindler đã giúp cho hàng ngàn người Do thái đào thoát khỏi sự truy lùng của những tên lính SS bằng cách âm thầm cấp cho họ những tấm hộ chiếu để họ có thể vượt qua biên giới của nước Đức quốc xã để đến được nơi an toàn hơn. Tên của họ có trong BẢN DANH SÁCH CỦA SCHINDLER.

    Xem phim và nghe tiếng đàn, tôi chắc những bạn giàu cảm xúc sẽ thấy cay cay nơi sống mũi. Nhân đây tôi xin nhấn mạnh lại một lần nữa hiệu quả thật lớn lao của nghệ thuật nói chung, điện ảnh và âm nhạc nói riêng trong việc góp phần hình thành nên nhân cách con người.
    Tại sao lại có thể có những cuộc tàn sát đẫm máu như vậy ?

    Thích

  3. Kính gửi anh Hưng,
    Tôi tình cờ phát hiện thêm một danh cầm nữa của Xứ Hàn, đó là một Soloist sinh năm 1987 tại Đức với cha mẹ là người Hàn Quốc: cô Clara-Jumi Kang. Mời anh nghe một bản Violin Concerto của Beethoven có địa chỉ sau: Beethoven Violin Concerto in D Major Op.61:클라라주미 강 & Seoul Phil Orchestra. Tôi lưu ý anh rằng: nhìn vào dàn nhạc Seoul Phil Orchestra thì không thấy có “nhạc công ngoại binh” nào, có nghĩa là đây là một dàn nhạc giao hưởng “thuần South Korea”, đó là điều cũng hiếm thấy.
    Tôi tự đặt một câu hỏi: Tại sao âm nhạc cổ điển Châu Âu lại có sức hút ghê ghớm như vậy đối với giới tinh hoa người Á Đông, nhưng ngược lại âm nhạc Á Đông lại không được ưu ái lắm đối với người Âu- Mỹ. ? Chắc phải có một đề tài nghiên cứu sâu mới trả lời được câu hỏi này.
    Anh đã nghe CA TRÙ của Việt Nam chưa ? Tôi thấy hàm lượng triết học/ triết lí trong ca trù cũng khá cao. Nghe nhiều cũng có thể “nghiện” được. Cảm giác này cũng tương tự như khi ta nghe các tác phẩm của J. S. Bach vậy. UNESCO đánh giá ca trù của Việt Nam thuộc dòng âm nhạc bác học đó. Tôi cho đó là một đánh giá xác đáng.

    Khi nhìn sâu vào các tác phẩm của TẤT CẢ CÁC LOẠI HÌNH NGHỆ THUẬT chúng ta đều nhận thấy có sự phảng phất của những suy tư về Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG.

    Thích

  4. Seong-Jin Cho (Korean: 조성진; born 28 May 1994) is a South Korean pianist.
    He won the XVII International Chopin Piano Competition 2015:
    I would like to introduce to all of you the final stage of the Chopin Competition 2015:
    Seong-Jin Cho – Piano Concerto in E minor Op. 11 (Final stage of the Chopin Competition 2015) – (YouTube)

    Thích

  5. Cuộc đời của Phật bí ẩn, cuộc đời của chúa Giê-su bí ẩn, cuộc đời của Einstein cũng bí ẩn, và cuộc đời của mỗi con người đều bí ẩn.

    Triết lý Phật đã nghiệm ra được một phần ý nghĩa của cuộc sống sau khi trãi qua nhiều ngày ngồi thiền ở dưới gốc cây, và những tháng năm sống cơ cực cùng cảnh ngộ với dân làng đó đây. Phật nhận thấy cuộc sống chính yếu không phải của cải vật chất mà xuất phát bằng nội tâm, tâm thức và lý triết giải.

    Triết lý của Giê-su là rao giản phúc âm cứu rỗi cho mọi người, nhưng thời đó người dân chỉ tin nếu họ tận mắt nhìn thấy phép lạ. Cho nên chúa Giê-su xin Cha trên trời hãy ban thực phẩm xuống cho những người đang đói. Sau đó cá và bánh mì ồ ạt rơi xuống giúp người theo chúa thoát được cơn nạn đói trầm kha. Ý của Trời khác với ý của con người ở nhiều thứ. Con người sống theo bản năng nhiều hơn là bản ngã. Có thể ý Trời muốn con người không nên trông chờ vào những phép lạ. Đáng lý Trời ban nhiều phép lạ hơn thế nữa mà tại sao chỉ có bánh mì và cá? Điều khác lạ là ở chổ con người sẻ hiểu và nghỉ như thế nào về ý Trời.

    Miệt mài vào công việc khám phá những lý thuyết về vũ trụ, nhà bác học Einstein ví như là một thiên tài xuất chúng cho thời đại mới của chúng ta. Thuyết tổng quát cơ bản, thuyết tương đối rộng và hẹp, và thuyết về năng lượng vận hành tốc độ bằng ánh sáng. Tất cả những gì ông ta thực hiện, hoặc những gì ông ta tin đều có thể nằm trong bộ chân kinh siêu mật. Tri thức vượt bựt của con người đã chạm tới phía bên rìa hằng hà xa số của vũ trụ vô hình đang hiện hữu. Đó là một thách đố lớn cho cuộc đời của ông ta để tiến xa vào cổng trời mênh mang. Phật đã từng nói trí khôn là vô biên.

    Thích

  6. Thưa các bạn.
    Hôm nay vnexpress.net đưa tin: Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất có BỘ HẠNH PHÚC. Tin đưa: Thủ tướng của quốc gia này hôm qua chính thức bổ nhiệm Bộ trưởng “phụ trách Hạnh phúc” trong nội các mới.

    Thích

  7. Tôi đồng ý với hầu hết với những điều của Tác Giả đã viết.
    Suy nghĩ của riêng tôi:
    Con người chúng ta chẳng tự nhiên mà có. ( những vật chất con người sử dụng hằng ngày, cũng tự nhiên mà có chăng?).

    Tôi dùng Ánh Sáng Đức Tin của tôi vào Đạo Công Giáo mà chia sẻ ( tất nhiên theo cách hiểu của cá nhân. Không dám nhân Danh Chúa tôi, hay đại diện cho ai cả).
    Theo tôi: Tất cả chúng ta đều đến từ 1 nguồn ( xuất phát từ 1 người Cha. ” tùy cách hiểu của mỗi người theo từng Tín Ngưỡng”). Chúng ta được gửi tới quả đất này để Sống Tạm. Với ý nghĩa: Thử thách, Yêu Thương, và Học hỏi.

    Thử thách: Dám chấp nhận đau khổ, buồn lòng, trái ý. Dùng ý chí thắng danh, lợi, dục.. . Nói tắt: Càng chiến thắng được bản thân, ta càng trưởng thành thật.

    Yêu thương: Can đảm tha thứ lỗi lầm cho chính mình khi đã can đảm hối hận. Can đảm chấp nhận, tha thứ những sự hạn hẹp của người khác. Chán ghét tội lỗi của người khác, nhưng không bao giờ được ghét hay bỏ rơi họ. Đối xử với Họ như chính bản thân Mình.
    Nói tắt: Càng yêu thương nhiều, bao dung nhiều con người càng trở nên Đẹp hơn. Vì nét Đẹp này có “Thần”. Gọi hoa mỹ 1 chút là: Son phấn của Tinh Yêu. Son phấn thế gian dù cao cấp mấy cũng không cho ta được vẻ Đẹp này.

    Học hỏi: Người ta thường liên tưởng đến ngôi trường khi nói đến từ Học. Tôi không nghĩ người ta chỉ đến trường mới học được hay mới giỏi được. Học hỏi thực ra là đi tìm Khôn Ngoan. Khôn Ngoan thật mới là chìa khóa mở được những điều bí nhiệm về vũ trụ (vật chất) và Đức Tin (tâm linh).
    Với tôi: Tri Thức cũng chỉ là trò đùa so với Khôn Ngoan. Thế hệ trước để lại cho thế hệ sau kế thừa. Chung quy cũng chỉ là tác phẩm hay sản phẩm của loài người mà thôi. (Bất toàn và không đầy đủ, có lúc lại sai sự thật).
    Khôn Ngoan Thật thì đến từ Đấng Sáng Tạo, bởi chỉ Người mới thật sự biết Người đã làm gì. Đặc tính và quy luật vận hành của vũ trụ cùng những gì chứa trong nó. Ai phủ nhận hay bác bỏ những điều đó thì tự nhận mình là Tôn Ngộ Không. Không Cha, không Mẹ. Thật đáng thương hại thay.
    Nói tắt: Học hỏi là đi tìm Sự Thật (sự thật cho cái nhìn thật và kết quả thật); học hỏi cho ta chìa khóa để mở hay giải mã những điều ẩn kín trong thế giới tự nhiên lẫn siêu nhiên.
    Từ đó tìm ra cội nguồn, chân lý( Rất cần cho những người sống thật và khát khao chân lý). Kế đến là để con người say mê sáng tạo, biết cách cảm ơn, thán phục và chân nhận có 1 Đấng Sáng Tạo. (Rất cần cho những kẻ vô thần, cứng lòng, học hỏi ít nhưng ưa tranh luận).

    Con người không tự nhiên mà có. Chúng ta được Đấng Sáng Tạo tạm gửi đến thế gian. Với những ký ức bị xóa sạch, rồi được mặc cho những chiếc áo thân xác, chẳng ai giống ai. Chúng ta chỉ biết được có những người gọi là Cha, Mẹ đã sinh ra ta và ta bắt đầu đi tìm ý nghĩa cuộc sống.
    Sự Thật là tất cả chúng ta đều là anh em của cùng 1 Người Cha nhân lành và phúc hậu vô cùng. Vì có những thứ gọi là gia đình, xã hội, màu da, sắc tộc, ngôn ngữ.. Nó là tấm ngăn cách tạm thời, là trật tự công minh của Đấng Sáng Tạo, nên con người chưa nhận ra được mọi người khác chính là anh em thật của mình. Chúng ta là huyết nhục của nhau. Tại sao thế?
    Thật ra là 2 loại huyết nhục: Huyết Nhục Trần Thế và Huyết Nhục Thiêng Liêng.

    Vd: Tôi là con của Cha, Mẹ tôi. Anh 2, chị 3 cũng là con của Cha, Mẹ tôi. Suy ra: Tôi và anh 2, chị 3 là anh em ruột. Đây gọi là huyết nhục trần thế.

    Bạn Dương là con của Cha, Mẹ bạn ấy. Và anh, chị, em ruột của bạn ấy. Gọi là huyết nhục trần thế.

    Vậy tôi và Dương theo tự nhiên thì không có huyết nhục gì. Có chăng là bạn, đồng nghiệp hay anh em kết nghĩa… là cùng. Nhưng thật sự thì chúng tôi là huyết nhục thiêng liêng. 2 chúng tôi là anh em, là con của Đấng Sáng Tạo. Từ đó cho thấy tất cả chúng ta dù có quan hệ thế nào trong cuộc sống, cũng không quan trọng trong mắt Đấng Sáng Tạo. Ngài chỉ muốn biết những đứa con của Ngài đã đối xử với nhau thế nào mà thôi.

    Trên đời tôi không biết chắc điều gì, chỉ biết chắc 1 điều là con người rồi ai cũng phải chết. Cũng có nghĩa là đến lúc phải cởi bỏ lớp áo thân xác. cũng theo tự nhiên, chẳng 1 sinh linh nào muốn mình chết cả, dù có hay không toại nguyện với cuộc sống hiện tại. Nhưng người Kitô hữu Công Giáo thật sự thì không sợ cái chết. Chính vì Đức Tin mà họ can đảm chờ đón cái chết. Họ Xác Tín sau cái chết đó, mới là sự sống thật. Gặp được Cha (Đấng Tạo Hóa), diện đối diện, không còn bức màn nào che phủ. Xem như con người đã tìm đến Đích cuộc sống. Đức Tin lúc này không còn cần thiết nữa. Vì có không Tin cũng không được.

    Như tôi đã cho rằng: Ý nghĩa cuộc sống là vượt qua những thử thách, là để yêu thương và học hỏi trong môi trường thế gian đầy những cám dỗ, đam mê, thị phi, thật giả lẫn lộn và những tranh luận ồn ào.
    Nhưng khi ai đến được đích, thì không còn những thử thách nữa. Chỉ còn biết Cảm tạ Cha (Đấng Sáng Tạo), Yêu Thương Cha thật và những người anh em thật của mình. Học hỏi nốt những gì mà ở thế gian chúng ta chưa hề biết và chưa khám phá ra được.

    Nói tóm lại Ý Nghĩa thật và tối hậu của cuộc sống là con người phải đi tìm Đấng đã tạo dựng nên mình.

    Tôi xin được chia sẻ những cảm nghĩ của riêng mình về ý nghĩa cuộc sống. Nếu có lạc đề hay có lố bịch, xin mọi người lượng thứ.

    Tôi rất cảm kích trước sự ham học hòi và Sống Thật của Tác Giả Việt Hưng. Bác là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ chúng tôi. 1 tấm gương sống tốt Đạo đẹp đời. Kính chúc Bác luôn mạnh khỏe và có thêm thật nhiều những bài viết mới.

    Chân Thành!

    Thích

Bình luận về bài viết này