Peace with God / Bình An Trong Thượng Đế

Peace-With-God-The-Secret-Happiness-by-Billy-GrahamIn the very chaotic and risky life today, how can we find the peace? Many people asked themselves this question, but did not find the answer. PVHg’s Home is honored to introduce a special book, which contains the answers that can be very useful for many people: “Peace with God” by Billy Graham, the man who bears the name “God’s ambassador to World leaders”…
Trong cuộc sống rất hỗn loạn và đầy rủi ro ngày nay, làm sao ta có thể tìm thấy sự bình an? Rất nhiều người tự hỏi câu hỏi này, nhưng không tìm thấy câu trả lời. PVHg’s Home xin trân trong giới thiệu một cuốn sách đặc biệt, chứa đựng câu trả lời có thể rất hữu ích đối với nhiều người: “Bình an trong Thượng Đế” của Billy Graham, người được mệnh danh là “đại diện của Chúa gửi tới các nhà lãnh đạo trên thế giới”

LỜI GIỚI THIỆU CỦA HOÀNG LÂM:

Quyển sách nổi danh “Bình An Trong Thượng Đế” của Billy Graham, một nhà diễn thuyết tài ba nhất thế kỷ 20, mặc dù ra đời từ năm 1953 nhưng giá trị của nó vẫn không hề suy giảm theo thời gian. Đây có lẽ là quyển sách được nhiều người Châu Á đọc nhất. Suốt sự nghiệp truyền giảng của mình, Billy Graham đã đem đức tin nơi Chúa Jesus đến không chỉ hàng triệu người mà là hàng tỷ người trên khắp thế giới.

Ông là cố vấn tâm linh của nhiều đời tổng thống Hoa kỳ từ Harry Truman đến Dwight Eisenhower, John Kennedy, Richard Nixon, Lyndon B. Johnson, Gerald Ford, Jimmy Carter, Ronald Reagan, Bill Clinton và các thành viên thuộc gia tộc Bush. Ông là người kề cận và mục vụ cho các chính khách lúc họ thành công cũng như gặp khó khăn: Ông là khách mời của Ronald Reagan trong lễ nhậm chức tổng thống, ở bên cạnh G. W Bush trước lúc khởi phát chiến tranh vùng Vịnh, Nixon ngã vào vòng tay ông trong lễ tang của mẹ, Bill Clinton yêu cầu Billy Graham ngồi bên cạnh giường một người bạn hấp hối… Billy Graham là chỗ dựa tinh thần cho nhiều thế hệ lãnh đạo Hoa kỳ và trên thế giới. Ông liên tục có tên trong danh sách “Mười nhân vật được ngưỡng mộ nhất thế giới” do Viện Gallup thăm dò. Trong năm 2009 ông đứng thứ 6 trong danh sách ‘Mười nhân vật được kính trọng nhất trên thế giới’, trong số đó có tên tổng thống Barack Obama và Đức giáo hoàng Pope Benedict XVI.

Cuốn “Peace with God” (Bình an Trong Thượng Đế) là một quyển sách nhất thiết nên đọc, trong đó chứa đựng nhiều chân lý vĩnh cữu cho bất kỳ ai mong muốn tìm hiểu và giải quyết những bất an trong tâm hồn mình để tìm kiếm bình an thật trong một thế giới đầy tối tăm, băng hoại và đầy dẫy bạo hành trong thời kỳ sau rốt như bây giờ.

Bình An Trong Thượng Đế

Billy Graham

LỜI TỰA

Suốt ba thập kỷ từ sau ngày quyển ‘Bình An Trong Thượng Đế’ được viết ra, thế giới này vốn luôn dàn trận chờ tranh chiến với nhau dường như đã mất đi vĩnh viễn sự thanh thản mà nó vẫn nắm lỏng lẻo trong tay. Lần đầu tiên trong lịch sử, dưới hình thức một trận chiến tranh nguyên tử sẽ xảy ra có thể tiêu hủy mọi sự, cả một thế hệ thanh niên phải sống trong kinh hoàng trước khi họ kịp lớn lên, điều có thể lý giải phần nào con số thê thảm những người vừa đạt đến tuyệt đỉnh tuổi thanh xuân đầy hứa hẹn, lại tìm nhiều cách thức khác nhau để từ bỏ cuộc sống. Họ đã trở thành một thế hệ những nhà nghệ sĩ trốn đời. Trong lúc tôi viết mấy dòng này, thì nhiều cuộc xung đột vũ trang đang bùng nổ khắp nơi trên địa cầu, và tiếng súng đang vang rền trên nhiều đường phố của những đô thị lớn. Kể từ khi quyển sách này được viết ra, một vị tổng thống Hoa-kỳ, một ông bộ trưởng tư pháp, một lãnh tụ nhân quyền, một vị tổng thống của Ai-cập và một ngôi sao nhạc rock lừng danh đã bị ám sát. Một vị tổng thống khác đã bị mưu sát. Tại nhiều nơi, nhiều người đã bị bắt làm con tin, và một phi cơ phản lực chở hành khách của Triều-tiên đã bị bắn hạ. Nhiều cuộc chiến tranh đã xảy ra. Cả khi quay về dưới mái ấm gia đình, chúng ta cũng không tìm được sự bình an nội tâm, đơn giản chỉ vì phần nhiều mái ấm của chúng ta giờ đây không tồn tại nữa, và gần phân nửa tổng số những đôi tân hôn đã kết thúc bằng ly dị. Cuộc chiến cứ ngày càng lan tràn khắp thế giới nói chung đó vốn chỉ là phản ảnh của cuộc xung đột đang hoành hành trong lòng của từng cá nhân.

Billy-Graham_vigNhiều triệu người đã được đọc quyển sách này trong ấn bản đầu tiên. Nó được dịch ra hơn ba mươi thứ tiếng. Nhiều người viết thư kể lại chính cuộc đời của họ hay của một ai khác đó đã chịu ảnh hưởng của nó; đây là cuốn sách tôn giáo đã phổ biến và được nhiều người của thế giới Đông phương đọc nhất. Một viên chức hải quan gặp quyển ‘Bình An Trong Thượng Đế’ trong hành lý của một Cơ Đốc nhân đến thăm đất nước của ông ta. Người du khách bảo rằng mình rất vui lòng tặng cho ông ta, nhưng rất tiếc ông đã hứa tặng cho một bạn thân trong xứ ấy rồi. Viên chức nọ nói: “Thế ông có vui lòng đợi cho tôi đọc xong quyển sách này không?” Vậy là ông bạn của chúng ta ngồi chờ, nửa giờ, rồi một giờ, hai giờ. Cuối cùng, chẳng nói chẳng rằng, quyển sách được trả vào vali, và ông bạn của chúng ta được chào từ biệt. Khi đọc lại, tôi đã vô cùng kinh ngạc khi thấy nguyên tác quả rất thích hợp, tuy có vài chi tiết cần cập nhật hóa.’
Cũng như nguyên tác, quyển ‘Bình An Trong Thượng Đế’hiệu đính này chỉ ra con đường – con đường duy nhất – dẫn tới sự bình an cá nhân đích thực trong thế giới đang khủng hoảng này. Từ ngày được xuất bản ba mươi mốt năm trước đây, nhiều triệu độc giả trong và ngoài nước đã theo dõi các bước đi rõ ràng và đơn giản của nó để tự mình khám phá ra cuộc đời làm cách mạng mới mẻ từng được một người vô danh tại xứ Ga-li-lê đề nghị. Trong số đó có những người có tên trong danh sách các tử tội, và có cả một trong số các con rể của tôi nữa.

Có một nữ phóng viên đến tham dự Chiến dịch truyền giảng Phúc Âm của chúng tôi tại Bristol, Anh quốc, được hỏi chẳng hay cô có gia nhập một Hội Thánh nào trước khi đến Bristol không; cô trả lời: “Vâng, có. Tôi là một Cơ Đốc nhân. Tôi đã nhờ ông Billy Graham mà ăn năn quy đạo hồi năm 1954”. Bấy giờ, cô là một bé gái mười tuổi, học sinh nội trú. Một ngày nọ, cô bé đến một hàng bán sách cũ, trên bàn có một số sách, cô để ý đến quyển ‘Bình An Trong Thượng Đế,’ và tức khắc bị cuốn hút. Cô trả sáu xu để mua – là tất cả số tiền cô có lúc ấy – và khi về phòng học của mình trong trường, cô bắt đầu đọc nó suốt đêm bằng chiếc đèn bấm. Kết quả là cô đã tin nhận Chúa Cứu Thế sau khi đọc quyển sách ấy. Tuy từng lớn lên trong Hội Thánh, nhưng chưa hề có ai giải thích cho cô bức thông điệp đơn sơ của Phúc Âm, và bảo cô phải đáp lại tiếng kêu gọi của Chúa Cứu Thế như thế nào.

Tôi khẩn nguyện rằng ấn bản được hiệu đính này sẽ đến với những bàn tay và những tấm lòng đang lạc lõng trong thế giới điên đảo nhưng có rất nhiều người đang trông tìm một lối thoát này, vì tôi ý thức rằng hiện nay – hơn cả lúc sách này mới được viết ra – đang có rất nhiều người cả nam lẫn nữ và nhiều thanh thiếu niên ở khắp mọi nơi, đang khao khát tìm cầu sự bình an trong Thượng Đế.

Tôi tri ân sâu xa tất cả những ai đã góp ý với tôi khi chuẩn bị ấn bản mới này. Nhất là tôi xin cảm ơn nhà tôi – bà Ruth – đã dành nhiều thì giờ để sửa chữa; trưởng nữ của tôi là GiGi Tchividjian; và cô thư ký Stephanie Wills. Nguyện Thượng Đế dùng quyển sách này để chạm đến tấm lòng của triệu triệu người thuộc thế hệ mới hiện nay.
BILLY GRAHAM

TÌM KIẾM

Các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng (Gie Gr 29:13.)

NGAY từ khi mới sanh ra bạn đã bắt đầu Công Cuộc Tìm Kiếm Lớn Lao. Có lẽ phải mất nhiều năm bạn mới ý thức được điều đó, mới thấy rõ rằng bạn đang luôn luôn tìm kiếm – tìm kiếm điều bạn chưa từng có – tìm kiếm một điều quan trọng hơn bất cứ điều gì khác trong đời. Đôi khi bạn cố quên điều này và chỉ nghĩ đến những việc khác, dành thì giờ và tâm trí vào công việc hiện tại mà thôi. Cũng có lúc bạn tưởng mình được giải thoát khỏi nhu cầu tìm kiếm điều không tên đó. Đôi lúc bạn hầu như quên lãng cuộc tìm kiếm này để rồi phải nhớ lại – bạn phải luôn luôn quay về với công cuộc tìm kiếm của mình.

Trong những phút cô đơn nhất của cuộc đời, bạn để ý quan sát những người xung quanh và tự hỏi không biết họ có tìm kiếm gì không? – Tìm điều họ không thể diễn tả nhưng biết là rất cần. Vài người tỏ ra sung sướng và không nặng gánh lo âu như bạn. Một số khác dường như đã toại nguyện trong hôn nhân gia đình. Lại có người đã đi khắp đó đây để tìm tiền tài và danh vọng. Có người cứ ở quê nhà mà vẫn thành đạt và khi nhìn họ, có thể bạn nghĩ: “Những người này không cần bận tâm gì về cuộc Tìm Kiếm Lớn Lao. Họ đã tìm thấy đường đi của họ rồi. Họ biết họ muốn gì và đã đạt tới đích. Chỉ có ta mới theo một con đường chẳng đưa tới đâu. Chỉ có ta mới thắc mắc, mới tìm kiếm và vấp ngã bên con đường tối tăm và tuyệt vọng không một lối thoát”.

Tiếng kêu của nhân loại.

Nhưng bạn không cô độc đâu. Toàn thể nhân loại đang cùng đi với bạn vì cũng đang tìm kiếm như bạn. Toàn thể nhân loại đang tìm một lời giải đáp cho tình trạng hỗn loạn, đạo đức suy đồi và thuộc linh trống rỗng đang đè nén thế giới. Toàn thể nhân loại đang kêu gào một sự hướng dẫn, an ủi và bình an.

Có người nói là chúng ta đang sống trong “kỷ nguyên lo âu”. Các sử gia đã chứng minh rằng trong suốt lịch sử nhân loại, không lúc nào con người có nhiều sợ hãi và bất an như ngày nay. Tất cả những gì chúng ta thường nương cậy dường như đã bị cuốn đi. Chúng ta nói chuyện về hòa bình nhưng phải đương đầu với chiến tranh. Chúng ta phác họa những kế hoạch an ninh chu đáo nhưng không thấy an ninh đâu cả. Chúng ta cố bám víu vào bèo bọt trôi qua, nhưng cho dù nắm được, bọt bèo cũng biến mất.

Từ bao thế hệ, chúng ta đã chạy như bị ma đuổi từ ngõ cụt này qua ngõ cụt khác. Mỗi lần, chúng ta đều tự nhủ: “Đường này đúng đây, chắc sẽ đưa chúng ta đến nơi đến chốn”. Nhưng lần nào chúng ta cũng lầm.

Nẻo đường tự do của chính trị.

Một trong những đường lối trước tiên chúng ta chọn ấy là “tự do chính trị”. Chúng ta nghĩ nếu con người được tự do chính trị thì thế giới sẽ hạnh phúc. Chúng ta chọn lấy những nhà lãnh đạo chính phủ, rồi chúng ta sẽ có một chính phủ làm cho cuộc đời đáng sống. Kết quả là chúng ta đã đạt được tự do chính trị nhưng không sao thực hiện được một thế giới tốt đẹp hơn. Hằng ngày báo chí tường thuật những vụ tham nhũng ở cấp bậc lãnh đạo, sự thiên vị, lợi dụng và giả nhân giả nghĩa chẳng những không kém đi, mà đôi khi còn vượt xa sự chuyên chế của vua chúa ngày xưa. Tự do chính trị là một điều quý báu và quan trọng nhưng không đủ đem lại cho chúng ta thế giới mà chúng ta ao ước.

2/5/1981 President Reagan Nancy Reagan and Billy Graham at the National Prayer Breakfast held at the Washington Hilton Hotel

2/5/1981 President Reagan Nancy Reagan and Billy Graham at the National Prayer Breakfast held at the Washington Hilton Hotel

Ảnh bên: Vợ chồng Tổng thống Reagan chào đón Billy Graham

Có một đường lối khác đầy hứa hẹn được nhiều người hoàn toàn tin tưởng có tên là con đường “giáo dục”. Họ cho rằng tự do chính trị đi đôi với một nền giáo dục sẽ giải quyết được vấn đề, và tất cả chúng ta, chạy như điên trên con đường giáo dục. Trong một thời gian dài, con đường này có vẻ sáng sủa, và chúng ta hăm hở bước đi đầy hi vọng; nhưng nó đã đưa chúng ta đến đâu? Quý vị đã thừa biết câu trả lời. Chúng ta là những người hiểu biết nhất trong lịch sử văn minh – và cũng là những người khốn khổ nhất. Các học sinh trung học của chúng ta biết nhiều về những định luật vật lý của vũ trụ hơn cả nhà khoa học tài ba nhất trong thời Aristotle. Nhưng dù đầu óc chúng ta đầy ắp kiến thức, con tim chúng ta vẫn trống rỗng.

Đường lối sáng sủa và hấp dẫn nhất là con đường mang tên “mức sống cao hơn”. Hầu hết mọi người đều cho rằng có thể trông mong con đường này đưa mình vào thế giới tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Con đường được xem như chắc chắn nhất. Đó là con đường “nhấn nút thì có ngay”, đầy những quảng cáo lộng lẫy màu sắc trong các tạp chí, những xe hơi đời mới bóng nhoáng, những hàng dài tủ lạnh và máy giặt tự động, những con gà giò ngon lành trong những lò nướng tối tân. Lần này thì nhất định chúng ta trúng số độc đắc. Những con đường kia có thể sai lầm, nhưng con đường này thì chắc đúng rồi!

Vâng, quý vị hãy nhìn quanh xem sao. Ngay chính giờ phút này của lịch sử, tại một vài quốc gia, tự do chính trị đã tiến đến một trình độ mà các quốc gia khác của thế giới văn minh chưa thể hiện được. Một vài quốc gia đã có một hệ thống giáo dục phổ cập tiến bộ nhất, và các quốc gia đó được trong và ngoài nước ca ngợi về mức sống cao của họ. Chúng ta dùng từ “lối sống văn minh” để chỉ một nền kinh tế hào nhoáng tận dụng điện lực và máy tự động. Lối sống ấy có thực sự làm chúng ta sung sướng không? Có đem đến cho chúng ta niềm vui và lẽ sống chúng ta đang tìm kiếm không?

Không. Trong khi chúng ta tự mãn tự kiêu là đã thực hiện được rất nhiều điều mà những thế hệ trước chỉ mơ tưởng; trong khi chúng ta vượt qua các đại dương chỉ mất vài giờ thay vì hàng tháng; trong khi chúng ta đã tìm ra những phương thuốc thần diệu diệt trừ một số bệnh nan y; trong khi chúng ta xây dựng những tòa nhà chọc trời khiến tháp Ba-bên trở thành như một ổ mối; trong khi ngày càng hiểu biết nhiều hơn về những bí mật kỳ diệu dưới đáy biển và thám hiểm không gian càng lúc càng xa, chúng ta có làm vơi đi cảm giác trống rỗng trong lòng chúng ta được mảy may nào không? Tất cả những tiến bộ tối tân kỳ diệu đó có đem lại cho chúng ta một cảm giác mãn nguyện nào không? Có giúp chúng ta giải thích tại sao chúng ta có mặt trên thế gian này; có chỉ cho chúng ta biết những gì chúng ta cần phải học hỏi không?

Hay là cái cảm giác trống rỗng ghê gớm kia vẫn cứ tồn tại? Mọi khám phá mới về sự bao la của vũ trụ có an ủi được bạn không hay chỉ làm cho bạn cảm thấy cô độc và bơ vơ hơn bao giờ hết? Đâu là liều thuốc giải độc đối với sự sợ hãi, thù ghét và hư hoại của con người? Ở ống nghiệm hay viễn vọng kính?

Sự quyến rũ của khoa học.

Chúng ta không chối cãi khoa học đã đem lại nhiều điều mà con người cho rằng mình đang cần. Nhưng cũng chính khoa học đã tặng cho chúng ta món quà kinh khiếp nhất. Đời sống và tương lai của mỗi sinh vật trên hành tinh này đều bị đe dọa bởi món quà khoa học đó. Nó sừng sững như bóng tối đằng sau những tư tưởng cảnh giác của chúng ta, lù lù như con ma ghê gớm ám ảnh giấc mơ con em chúng ta. Không muốn nghĩ đến nó, chúng ta cố cho rằng chúng ta chưa hề nhận được món quà đó, rằng đó chỉ là chuyện bịa, và một buổi sáng kia khi thức dậy chúng ta thấy rằng bom khinh khí thật sự chưa được phát minh và bom nguyên tử không bao giờ có. Nhưng các nhật báo cho chúng ta biết ngược lại.

Lẽ dĩ nhiên nhiều người đang theo đuổi những con đường khác. Có những con đường của danh vọng và phú quý, lạc thú và quyền uy. Nhưng không có con đường nào đưa chúng ta thoát khỏi sự sa lầy. Chúng ta bị sa vào mạng lưới của chính tư tưởng chúng ta, một cách quá khéo léo, quá trọn vẹn đến nỗi không còn trông thấy căn nguyên hay phương thuốc chữa trị chứng bệnh đã làm chúng ta thống khổ.

Nếu quả thật bệnh nào thuốc ấy thì chúng ta phải mau mau tìm thuốc. Thì giờ như tên bay và nếu có con đường nào đưa đến ánh sáng, nếu có lối nào tìm về đời sống thuộc linh lành mạnh, chúng ta không được phép chậm trễ một phút giây.

Đi tìm các giải pháp.

Trong cơn khủng hoảng này, có nhiều người đang vùng vẫy, nhưng càng giãy giụa, họ càng thấy các cố gắng không nâng họ lên mà chỉ dìm họ chìm sâu xuống. Trong những năm 80 tỷ lệ tự sát đã theo tốc độ của hỏa tiễn. Với trẻ em từ 10-14 tuổi, mỗi năm mức độ tự sát đã tăng gấp ba lần. Tạp chí ‘Lãnh đạo’ (Leadership) ước lượng hằng năm khoảng nửa triệu người muốn tự tử – và 50.000 người đã thành công. Trong năm 1981, số người chết vì tự tử nhiều hơn số người bị giết.

Năm ngoái, hàng ngàn người Mỹ – mà phần đông là thanh thiếu niên – vì không tìm được cả những câu giải đáp sai lầm, nên đành chọn việc đi lang thang vào sâu hơn trong khu rừng nhân tạo mà chúng ta gọi là nền văn minh. Trong hơn hai thập kỷ qua tốc độ ly dị đã leo thang, cứ hai hôn lễ được kết thúc bằng một vụ ly dị. Từ năm 1900 đến nay, tỷ lệ ly dị đã tăng 100 phần trăm! Chúng ta thì tiêu cả gia tài để “nhận nuôi” những búp bê bằng vải nhồi bông, trong khi con cái chúng ta lại sa vào tệ nạn lạm dụng trẻ con hay chịu đựng sự tàn nhẫn khủng khiếp của việc dùng con nít cho các phim ảnh khiêu dâm. Chúng ta nghe nói về chuyện phá thai, thuê người làm mẹ, ngân hàng tinh dịch và vân vân. Các gia đình của chúng ta đang gặp những câu đố nát óc thuộc đủ loại lạm dụng và thác loạn.

Vậy bạn sẽ hỏi: “Chúng ta đang ở đâu? Bây giờ chúng ta đang ở trong tình trạng nào và đang đi về đâu?” Tôi xin nói để bạn biết chúng ta ở đâu và chúng ta là ai. Chúng ta là những người đầu óc đầy ắp kiến thức, nhưng tâm hồn trống rỗng.
Chúng ta than phiền thanh niên ngày nay đã lạc hướng, mất hào hứng, thiếu thiện chí làm việc và tiến bộ. Mỗi ngày, tôi nghe phụ huynh than van không biết con em họ làm sao ấy! Chúng không muốn cố gắng mà chỉ muốn cái gì có sẵn. Phụ huynh không ý thức rằng con cái mình được giáo dục đầy đủ và được nuôi dưỡng chu đáo nhưng thật sự tâm hồn chúng trống rỗng. Chúng không được thấm nhuần tinh thần xem công việc là một niềm vui. Chúng không có quyết tâm xem tiến bộ là một lạc thú. Tại sao chúng lại trống rỗng như vậy? Chính vì chúng không biết mình từ đâu đến, tại sao ở đây hoặc đang đi về đâu?

Thanh niên ngày nay cần được hướng dẫn để có một cái nhìn thông suốt vào tương lai. Họ đang tìm những mẫu người để noi theo, tìm những khuôn mẫu nhằm vào một chủ đích. Chúng giống như những chiếc xe hơi mới mẻ lộng lẫy, chế tạo tinh vi, nhưng trong bình không có xăng, bề ngoài hào nhoáng nhưng bên trong chẳng có năng lực và chúng ở không như thế cho đến lúc bị rỉ sét vì buồn chán.

Bầu không khí buồn chán.

Số người buồn chán hiện nay trên thế giới có lẽ nhiều hơn bất cứ lúc nào khác. Chúng ta biết thế và chúng ta có quá nhiều trò vui. Dân chúng trống rỗng đến nỗi không thể tự giải khuây. Họ phải mướn người khác làm cho họ vui, chọc cho họ cười, gây cho họ cảm giác được ấm cúng, hạnh phúc và dễ chịu trong giây phút để quên đi cảm giác trống rỗng ghê rợn của sự lạc lõng và cô độc.

Bạn có thể cho rằng buồn chán là một vấn đề nhỏ nhặt. Ai cũng có lúc buồn chán và đó là điều tự nhiên. Nhưng tôi xin kể lại bạn nghe vài điều về sự buồn chán. Một sự kiện nguy hiểm đang xâm chiếm tâm trí mọi người. Trong số các tạo phẩm của Thượng Đế, con người là vật thọ tạo duy nhất biết buồn chán mặc dù trong sở thú chúng ta từng thấy những con vật trông có vẻ rất buồn! Ngoài con người, không có sinh vật nào biết buồn chán với chính mình hoặc với ngoại cảnh. Điều này rất quan trọng vì Tạo Hóa chẳng bao giờ làm việc gì không có mục đích và nếu Ngài làm cho con người biết buồn chán cũng chính vì có một mục đích.

Buồn chán là một trong những phương cách chắc chắn nhất để đo lường sự trống rỗng nội tâm của bạn! Nó đo thực trạng trống rỗng ấy chính xác như một hàn thử biểu. Người chán nản sinh hoạt trong một khoảng chân không. Nội tâm họ là một khoảng chân không và thiên nhiên luôn luôn chống lại chân không. Một trong những định luật bất dịch của vũ trụ là tất cả những khoảng chân không phải được lấp đầy và lấp đầy ngay.

Những con người trống rỗng.

Chúng ta không cần trở lại thời xưa mới biết được những gì đã xảy ra cho một quốc gia của những người có tâm hồn trống rỗng. Chúng ta không cần nhìn xa hơn lịch sử cận đại của các nước Đức, Ý và Nga mới thấy được tốc độ kinh khủng của thiên nhiên lấp bằng những khoảng chân không nội tâm đó. Những chủ nghĩa chính trị sai lầm tràn ngập cách dễ dàng tâm trí những người có trạng thái trống rỗng. Nhưng những chủ nghĩa đó không có chỗ đứng trong tâm hồn một người đầy dẫy Thánh Linh của Thượng Đế. Thiên nhiên ghét sự trống không, nhưng chính cá nhân chúng ta phải tự định đoạt xem nên lấy gì lấp đầy khoảng chân không trong nội tâm chúng ta.

Ngày nay chúng ta đang sống trong tình trạng của những người có tâm hồn trống rỗng. Chúng ta tưởng mình sống đầy đủ bằng các tiện nghi khoa học và giáo dục, với một đời sống cao đẹp, nhiều lạc thú hơn nhiều điều cần thiết khác nữa, nhưng rốt cuộc tâm hồn của chúng ta vẫn trống rỗng. Tại sao tâm hồn chúng ta trống rỗng như thế? Vì Đấng Sáng Tạo đã dựng nên chúng ta cho chính Ngài; chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy sự trọn vẹn và đầy đủ nếu cứ ở ngoài Ngài.

Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây trên tờ Nhật báo ‘Trưởng lão’(Presbyterian Journal, số ngày 2 tháng 11, 1983), nhà báo Công giáo lừng danh Michael Novak nói về tình trạng của chúng ta như sau: “Xã hội chủ nghĩa là một hệ thống dành cho các thánh nhơn… Chủ nghĩa dân chủ tư bản… là một hệ thống dành cho các tội nhơn”. Chính vì lý do ấy mà ông nhận thấy rằng xã hội chủ nghĩa chẳng làm gì được cho thế giới này.

Chúa Giê-xu phán: “Người ta sống không phải chỉ nhờ cơm, nhờ bánh!” (LuLc 4:4), nhưng chúng ta không lưu tâm đến Lời Ngài. Chúng ta cứ tiếp tục ngấu nghiến đủ các loại thức ăn cho thỏa thích đến nỗi mang bệnh.

Chúng ta không thể chịu đựng sự trống rỗng ghê gớm của chính chúng ta, cũng không thể nhìn con đường vắng vẻ điêu tàn trước mặt. Chúng ta mệt mỏi tuyệt vọng vì hờn ghét, tham muốn, đam mê mà chúng ta biết nó đầy dẫy trong chúng ta, nhưng không có cách nào loại bỏ để thay vào những thứ tốt hơn.

Thời gian là trọng yếu. Các công cụ hủy diệt toàn cầu nằm trong tầm tay chúng ta. Chúng ta không thể tiếp tục đi mãi trên những con đường lầm lạc nữa, không thể mạo hiểm trong những con đường xa lạ nữa, và cũng không thể đi lạc vào những ngõ cụt nào khác. Chúng ta không còn có thì giờ để làm điều đó! Vì thế hệ chúng ta đã thực hiện xong những gì các thế hệ trước chỉ mới cố gắng hoặc mơ ước thực hiện trong những lúc cuồng nhiệt của bạo quyền. Chúng ta đã hoàn thành một vũ khí hủy diệt toàn thể. Chúng ta đang chứng kiến sự điên cuồng cực điểm của con người. Trận chiến tranh hạt nhân thiêu hủy tất cả đang lơ lửng trên đầu chúng ta!

Ma quỉ hẳn thích thú cười khi một số người thông minh nhất trên thế giới này đã say mê làm việc trong nhiều năm đặng hoàn thành điều kinh khiếp đó! Phá vỡ nguyên tử! Phân chia và chinh phục! Tách rời, phá hủy, đập nát, chà đạp, nghiền vụn! Ma quỉ đã làm xong công việc của nó với bàn tay hăm hở của con người. Chúng ta thấy trước mắt kiệt tác của Sa-tan; sự quỷ quyệt của nó khi bắt chước những lưỡi lửa thiên thượng. Nhưng hai đàng vô cùng khác biệt! Đó là sự khác biệt giữa Thiên đàng và Địa ngục!

Một thế giới nghịch thường và hỗn độn.

Chúng ta đang sống trong một thế giới nghịch thường và hỗn độn. Nhưng điều chắc chắn là sự hỗn độn này là một sự hỗn độn có kế hoạch – kế hoạch của Sa-tan. Kinh Thánh nói rằng Sa-tan là kẻ đại bịp, là nguyên nhân của sự tự lừa dối và cũng là nguồn gốc của bao lường gạt giữa các quốc gia. Nó đã làm chúng ta tin rằng mọi sự đều tốt đẹp hơn trong khi thật ra mọi sự đều tồi tệ.

Tất cả chúng ta đều nhìn nhận rằng thế giới đã hoàn toàn thay đổi từ đầu thế kỷ này. Chúng ta nhận thức được nhịp độ gia tăng của những thay đổi đó, của tinh thần cách mạng đang quét sạch những tập tục, của tốc độ xáo trộn và thay đổi ngôn ngữ, thời trang, phong tục, gia cư cùng những lề lối sinh hoạt và những cảm nghĩ của chúng ta.

Chỉ mới vài năm gần đây, trẻ con vẫn còn thích ra bến cảng xem tàu cập bến. Ngày nay chúng đã chán phi cơ trực thăng và máy bay phản lực. Ngày xưa chúng ta từng ngạc nhiên về phát minh máy điện báo, thì nay lại cho vô tuyến truyền hình là điều tự nhiên. Cách đây không lâu, nhiều bệnh tật của con người bị coi là nan y, ngày nay chúng ta có nhiều thứ thuốc công hiệu chữa được nhiều căn bệnh ngặt nghèo. Không ai còn nghi ngờ gì về những điều chúng ta đã thực hiện.

Nhưng với tất cả những tiến bộ đó, con người vẫn chưa giải quyết được nan đề căn bản của mình. Chúng ta có thể xây những tòa nhà cao nhất, đóng những con tàu chạy nhanh nhất, dựng những cây cầu dài nhất – nhưng vẫn không thể tự cai trị hay cùng chung sống trong bình đẳng và hòa hợp.

Chúng ta có thể thiết lập những trường phái lớn về nghệ thuật và âm nhạc, có thể tìm ra những sinh tố mới và bổ hơn nhưng những âu lo của chúng ta vẫn còn đó. Những khốn khổ này vẫn là các âu lo cố hữu của con người, càng ngày càng lớn hơn và nhiều hơn. Mối ưu tư ấy có thể xuất hiện dưới nhiều hình thái mới. Chúng có thể làm cho chúng ta đau đớn và lo buồn nhiều hơn; nhưng tựu trung chúng ta vẫn đang đối diện với những sự cám dỗ và thử thách mà loài người luôn phải đương đầu.

Sau phút bi thảm trong vườn Ê-đen (còn gọi là Vườn Địa – đàng, chỗ ở ban đầu của thủy tổ loài người) khi đã chối bỏ ý Chúa để hành động theo ý riêng, con người bị ray rứt bởi những âu lo tương tự. Nguyên nhân của những vấn đề này đã được trình bày trong các chương đầu của sách Sáng-Thế Ký (sách đầu tiên trong Kinh Thánh) . Những hoàn cảnh ghê gớm tạo ra các vấn đề này đã được trình bày trong chương đầu của sách La-mã (thư tín của Phao-lô gởi cho người La-mã) . Và Phúc Âm của Chúa Cứu Thế Giê-xu ban cho chúng ta phương cách trị liệu.

Chính bản chất hư hoại và tội lỗi của con người đã khiến con người tràn đầy hận thù, đố kỵ, tham lam và ghen ghét. Sự rủa sả tội lỗi giáng trên thể xác nên con người luôn luôn bị sự chết ám ảnh. Tài năng của con người có thể biến đổi tất cả, ngoại trừ chính mính. Dù lớn tiếng cho mình là văn minh tiến bộ, con người vẫn ở trong trạng thái ban sơ.

Tội lỗi vẫn y nguyên.

Chính tội lỗi không thay đổi, dù con người có cố gắng hết sức để biến cải nó. Chúng ta đã cố khoác cho nó những danh từ mỹ miều. Chúng ta đã dán những nhãn hiệu mới lên chai thuốc độc cũ. Chúng ta đã cố quét vôi trắng lên ngôi nhà cũ và cho đó là nhà mới.

Chúng ta đã tìm cách gọi tội lỗi là “sai lầm”, là “vấp váp” hay “thiếu nhận xét”. Nhưng tội lỗi vẫn là tội lỗi. Dù cố xoa dịu lương tâm, chúng ta vẫn biết con người là tội nhân; và hậu quả của tội lỗi vẫn là bệnh tật, chán chường, bất mãn, tuyệt vọng và chết chóc.

Sự buồn rầu cũng chẳng thay đổi. Sự buồn rầu bắt đầu từ khi A-đam và Ê-va (tổ loài người) nhìn cái xác không hồn của con mình là A-bên bị giết cách thê thảm. Từ đó sự buồn rầu đã trở thành từ ngữ phổ thông của con người. Không ai thoát khỏi nó, và mọi người đều biết nó. Đến nỗi các bạn đến an ủi Gióp (người được Kinh Thánh mô tả là rất trọn vẹn và ngay thẳng) đã coi sự buồn rầu như là một mục đích của đời sống. Họ đã nói: “Nhưng loài người sinh ra để bị khốn khó, như lằn lửa bay chớp lên không” (Giop G 5:7).

Sự chết vẫn thế. Con người đã cố gắng thay đổi bộ mặt của nó. Chúng ta đã thay đổi danh từ “phu chôn xác” bằng “đạo tỳ”. Chúng ta để xác chết vào “quan tài” thay vì cho vào “hòm”. Chúng ta có “nhà vĩnh biệt” thay vì “nhà xác” và “nghĩa trang” thay vì “gò mả”. Chúng ta cố giảm bớt sự đau buồn của tang lễ. Nhưng cho dù chúng ta có thay đổi danh từ hoặc bày đặt nghi thức đi nữa, thực tế lạnh lùng và tàn nhẫn của sự chết vẫn không thay đổi trong suốt lịch sử loài người. Một người bạn đang chiến đấu với bịnh ung thư vào thời kỳ cuối cùng, gần đây đã thư cho tôi: “Tôi chợt hiểu không phải là giai đoạn cuối cùng bệnh ung thư nhưng là giai đoạn cuối cùng của đời sống!”

Đời sống thực sự của con người gồm ba sự kiện: quá khứ đầy dẫy tội lỗi; hiện tại tràn ngập khổ đau và tương lai sự chết đang chờ đợi.

Kinh Thánh dạy: “Như đã định, mỗi người chỉ chết một lần” (HeDt 9:27), đối với người thường, tư tưởng này dường như sống sượng và tuyệt vọng. Trong nỗ lực tránh né Lời Chúa, con người đã xây dựng hàng chục hàng trăm triết lý và tôn giáo. Nhiều nhà triết học và tâm lý học ngày nay vẫn còn cố tìm cách tạo ra cảm tưởng cho rằng con đường của Chúa Giê-xu không phải là con đường duy nhất. Nhưng hễ ai đã thử đi tất cả những con đường khác đều thấy chúng không đưa đến đâu cả mà chỉ dẫn tới vực sâu.

Chúa Cứu Thế đến để đem lại cho chúng ta lời giải đáp đối với ba vấn đề: tội lỗi, buồn rầu và chết chóc. Chính Chúa Cứu Thế Giê-xu và chỉ một mình Ngài là Đấng thủy chung không hề thay đổi “hôm qua, ngày nay và cho đến muôn đời” (13:8). Như Henry F. Lyte, tác giả một bài thánh ca, đã viết: “Tôi thấy sự đổi thay và hư nát vây quanh; còn Ngài, Đấng bất biến vẫn ở với tôi.”

Tất cả mọi sự đều có thể thay đổi, nhưng Chúa Cứu Thế không hề thay đổi. Chúa Cứu Thế đứng vững và bình tĩnh trong biển cả đam mê cuồng loạn của con người. Ngài vẫn sẵn sàng đón nhận, ban phước hạnh cùng bình an cho những ai sớm quay về với Ngài. Chúng ta đang sống trong thời ân điển tức thời kỳ Thượng Đế hứa là bất cứ ai muốn cũng có thể đến đón nhận Con Ngài. Nhưng thời kỳ này sẽ không tiếp diễn mãi mãi. Chính lúc này chúng ta cũng đang sống tạm bợ mà thôi.

KINH THÁNH

Trời đất sẽ tiêu tan, nhưng Lời ta vẫn còn mãi mãi. (Mat Mt 24:35 )

THỜI GIỜ gần hết. Phút giây sẽ điểm vào nửa đêm. Nhân loại sắp lao mình vào chỗ chết. Chúng ta sẽ quay về đường nào đây? Còn có uy quyền nào không? Có đường lối nào chúng ta có thể theo không? Có ánh sáng nào xuyên thấu bóng tối địa phủ không? Liệu chúng ta có thể tìm ra chìa khóa mật mã cho những vấn đề nan giải của chúng ta chăng? Có nguồn uy quyền nào để chúng ta nương tựa? Có phải Tạo hóa hay năng lực vô danh nào đó chỉ đặt để chúng ta nơi đây mà không mảy may cho biết chúng ta từ đâu đến, tại sao ở đây, và sẽ về đâu?

Open_BibleCâu trả lời là không. Chúng ta có một cuốn mật mã. Chúng ta có một chìa khóa. Chúng ta có nguồn tài liệu căn cội đầy quyền uy. Chúng ta tìm thấy những điều đó trong cuốn sách lịch sử cổ xưa gọi là Kinh Thánh. Sách này lưu truyền đến chúng ta qua các thời đại, qua tay nhiều người, xuất hiện dưới nhiều hình thức – và sống còn qua bao cuộc tấn công. Sự phá hoại man rợ hay sự thông thái văn minh chẳng động đến Kinh Thánh được. Lửa thiêu đốt hay tiếng cười của chủ nghĩa hoài nghi cũng chẳng hủy diệt được Kinh Thánh. Qua nhiều thời đại đen tối của con người, những lời hứa vinh hiển của Kinh Thánh vẫn còn tồn tại, bất biến.

Trụ sở Thánh Kinh Hội Anh quốc và Hải ngoại vốn tọa lạc trên phố Giê-ru-sa-lem, là một trong những đường phố chính của thủ đô Ba-lan hồi Đệ nhị thế chiến. Lúc người Đức bắt đầu ném bom thành phố ấy, vợ của ông giám đốc vào kho sách, đem khoảng 2000 quyển Kinh Thánh xuống gian nhà hầm. Bà bị kẹt trong trận ném bom ấy và về sau bị người Đức bắt đưa vào một trại tù binh. Bà tìm cách vượt ngục, sau khi chiến tranh kết thúc, bà đã tìm lại được 2000 quyển Kinh Thánh ấy và đem phân phát cho người có cần. Thủ đô Warsaw bị san bằng, nhưng trên phố Giê-ru-sa-lem, bức tường của trụ sở Thánh Kinh Hội và Hải ngoại vẫn còn đứng sừng sững. Trên đó có câu Kinh Thánh được sơn bằng chữ thật to: “TRỜI ĐẤT SẼ TIÊU TAN, NHƯNG LỜI TA VẪN CÒN MÃI MÃI”.

Giờ đây, khi chúng ta đang tiến đến gần thời gian được coi như là giờ quyết định mới mẻ của lịch sử thế giới, chúng ta nên xem xét lại quyển sách bất diệt của sự khôn ngoan và lời tiên tri. Chúng ta hãy tìm hiểu tại sao quyển sách đặc biệt này đã đứng vững trước mọi thử thách và là nguồn gốc vững vàng của đức tin và sức mạnh thiêng liêng cho con người.

Kinh Thánh vượt xa một áng văn hay.

Có người cho rằng Kinh Thánh chính là lịch sử của Israel (Do-thái). Nhiều người khác công nhận Kinh Thánh nêu lên những nguyên tắc đạo đức chánh đáng chưa từng có. Những điều này tuy quan trọng nhưng chỉ có tính cách phụ thuộc đối với chủ đề thật của Kinh Thánh là công trình cứu chuộc của Thượng Đế thể hiện trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Tờ ‘Diễn Đàn Quốc tế ‘(International Herald Tribune) số ra ngày 30 tháng sáu 1983, giới thiệu nên đọc Kinh Thánh như đọc một tác phẩm văn chương, bởi vì “Bản Kinh Thánh Anh văn là một áng văn hay”. Những ai đọc Kinh Thánh như đọc một áng văn tuyệt tác, một tập thơ hay, hoặc một đoạn sử hấp dẫn mà bỏ qua chuyện cứu rỗi, tức là bỏ sót ý nghĩa và sứ điệp thật sự của Kinh Thánh.

Thượng Đế khiến Kinh Thánh được viết ra chính là để bày tỏ kế hoạch cứu chuộc của Ngài dành cho con người. Thượng Đế cũng khiến Kinh Thánh được viết ra để làm sáng tỏ những luật pháp vĩnh cửu của Ngài, hầu cho các con cái Ngài nhận được sự khôn ngoan tối thượng của Ngài làm chỉ nam và tình yêu cao cả của Ngài làm nguồn an ủi trong lúc bước đi trên đường đời. Vì không có Kinh Thánh, thế giới này hẳn sẽ thành một nơi tối tăm kinh khiếp, không có bảng chỉ đường hay một ánh đèn soi lối.

Ta có thể thấy ngay Kinh Thánh là sách duy nhất chứa đựng mặc khải của Thượng Đế. Có nhiều kinh của các tôn giáo khác nhau: kinh Koran của Hồi giáo, kinh Phật của Phật giáo, kinh Zendavosta của Bái hỏa giáo và kinh Vệ-đà của Bà-la-môn. Nhờ bản dịch đáng tin cậy chúng ta có thể đọc và phân định giá trị của những kinh sách này, và biết ngay tất cả những kinh sách đó đều được khai triển theo chiều hướng sai lầm. Tất cả đều mở đầu với vài tia sáng chân thật rồi kết thúc trong tối tăm mờ mịt. Thoạt nhìn ai ai cũng thấy Kinh Thánh có sự khác biệt hoàn toàn. Đó là cuốn sách duy nhất cống hiến sự cứu chuộc cho con người và chỉ lối cho họ thoát khỏi những hoàn cảnh khó khăn.

Phải mất một ngàn sáu trăm năm mới hoàn tất việc biên soạn Kinh Thánh. Đó là công trình của hơn ba mươi người được Thượng Đế chọn để chép Lời Ngài. Đa số những người này sống trong nhiều thế hệ khác nhau và họ không ghi lại những điều họ nghĩ hay kỳ vọng. Họ đã hành động như một phương tiện của Thượng Đế, để viết theo điều Ngài phán dạy. Bởi sự soi dẫn thiên thượng, họ nhận thức được những chân lý cao cả không dời đổi và ghi lại cho những người khác cũng có thể biết và hiểu như họ.

Trong khoảng một ngàn sáu trăm năm đó, nhiều nhân vật thuộc các thời đại khác nhau, nói những ngôn ngữ khác nhau và sống trong những quốc gia khác nhau đã chép nên sáu mươi sáu sách trong Kinh Thánh về các vấn đề khác nhau, nhưng nội dung chỉ có một sứ điệp. Thượng Đế đã phán với từng người bằng chính ngôn ngữ của họ, ngay trong thời đại của họ, nhưng trong mọi trường hợp sứ điệp của Ngài vẫn giống nhau. Khi những nhà học giả uyên thâm sưu tập những bản thảo xưa bằng tiếng Do-thái, Ai Cập và Hy-lạp rồi dịch ra bằng ngôn ngữ hiện đại, họ thấy những lời hứa của Thượng Đế vẫn không thay đổi. Sứ điệp cao cả của Ngài gởi cho con người vẫn bất biến. Ngày nay, khi đọc những giòng chữ vượt thời gian này, chúng ta thấy rằng những quy luật xử thế mới mẻ và đầy ý nghĩa cho thế hệ này, cũng giống như cho thế hệ của Chúa Giê-xu. John Prokin nói: “Kinh Thánh là quyển sách đáp ứng những nan đề của đời sống, của định mệnh cho những ai chịu suy nghĩ; là lời giải đáp của Thượng Đế cho lòng tìm kiếm chân thành”.

Quyển sách bán chạy nhất thế giới.

Vì vậy Kinh Thánh luôn luôn là sách bán chạy nhất thế giới. Không sách nào có thể sánh kịp sự khôn ngoan sâu sắc, vẻ đẹp thơ mộng và sự chính xác của sử liệu hay lời tiên tri trong Kinh Thánh. Những người bài bác Kinh Thánh cho rằng Kinh Thánh đầy dẫy ngụy tạo, giả tưởng và những lời hứa suông, chỉ tìm thấy khó khăn trong chính họ chứ không ở trong Kinh Thánh. Các công cuộc nghiên cứu uyên bác và công phu cho thấy sở dĩ có những mâu thuẫn bề ngoài là do dịch thuật không đúng chứ không do sự bất nhất thiên thượng. Cần sửa đổi chính con người chứ không phải Kinh Thánh. Có người đã nói: “Kinh Thánh không cần phải viết lại nhưng cần đọc lại”.

Tuy nhiên nhiều gia đình và nhiều người được gọi là có học thường hay chế giễu Kinh Thánh và cho đó là một vật vô dụng chứ không phải là lời sống động của Thượng Đế. Khi được mục sư hỏi trong Kinh Thánh có gì, một bé gái đã hãnh diện trả lời là bé biết mọi điều ở trong đó và liệt kê: “Có hình bạn trai của chị, có phiếu mua dầu thơm của mẹ, có nhúm tóc của đứa em trai, có giấy mua đồng hồ của bố!” Nhiều gia đình dùng Kinh Thánh làm chỗ cất giấu thư cũ và hoa ép, và hoàn toàn quên lãng sự giúp đỡ và bảo đảm mà Thượng Đế muốn Kinh Thánh mang lại cho họ.

Ngày nay thái độ này đã thay đổi và đang thay đổi nhanh chóng! Những sự giả tạo và tô điểm vô nghĩa của đời sống đang bị lột bỏ. Những lời hứa hão mà người ta đã lập với nhau bây giờ chỉ còn là những sai lầm sờ sờ trước mắt. Nếu chúng ta lo sợ nhìn quanh để tìm xem cái gì thật, đúng và vững bền thì một lần nữa chúng ta lại phải quay về với Kinh Thánh, quyển sách cổ xưa đã từng ban sự an ủi, khích lệ và sự cứu rỗi cho hàng triệu người trong những thế kỷ qua. Có lần nhà tôi bảo: “Nếu con cái chúng ta lớn lên trong một gia đình tin kính và hạnh phúc luôn vững tin Kinh Thánh là Lời của Thượng Đế chắc chắn không lực lượng hỏa ngục nào có thể lay chuyển chúng được”. Tôi tạ ơn Chúa vì lòng tin kính của bà đã ảnh hưởng trên cuộc đời các con chúng tôi.

Thật vậy, người ta đang “tái khám phá” Kinh Thánh. Người ta đang đi tìm các bản Kinh Thánh cũ hoặc mua những quyển mới, và nhận thấy rằng những từ quen thuộc suýt bị mai một mang một ý nghĩa mới mẻ khiến họ có cảm tưởng Kinh Thánh chỉ mới viết ngày hôm qua. Điều này xảy ra là vì Kinh Thánh bao hàm tất cả những tri thức mà con người cần có để thỏa mãn sự khao khát của tâm hồn và giải quyết những vấn đề của mình. Đó là bản họa đồ xây cất của vị Kiến Trúc Sư Lỗi Lạc, và chỉ bằng cách theo đúng chỉ dẫn của họa đồ đó chúng ta mới có thể xây đắp được đời sống mà chúng ta đang tìm kiếm.

Chân lý sẽ giải phóng chúng ta.

Mỗi quốc gia đều có một bản hiến pháp. Bản hiến pháp này được quốc hội soạn thảo và phê chuẩn theo nguyện vọng nhân dân. Những người đã soạn thảo hiến pháp đều biết họ đã viết ra một tài liệu căn bản cho chính phủ dân chủ; họ nhận thức rằng con người chỉ có thể sống tự do và độc lập nếu mỗi người đều biết luật pháp. Người dân phải biết những quyền lợi, đặc ân và giới hạn của mình. Họ được bình đẳng trước tòa án, trước sự xét xử công minh của các vị thẩm phán là những người tôn trọng luật pháp trong mọi trường hợp.

Người ta nhận thấy rằng nếu người dân biết luật pháp và sống theo luật pháp, họ có thể hiểu biết đúng vai trò của mình. Người dân có những quyền hạn và trách nhiệm hiến định. Nếu một người vi phạm hiến pháp, người khác sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều cử tri đã nhận thấy rằng chỉ vì sử dụng lá phiếu không thận trọng, họ đã đưa những người họ không thích vào trong các cơ sở chính quyền cũng như cơ quan dân cử.

Quốc gia chúng ta càng trưởng thành và thịnh vượng trong khuôn khổ của hiến pháp thể nào thì Cơ Đốc giáo cũng đã nẩy nở và bành trướng theo những luật định trong Kinh Thánh thể ấy. Nếu hiến pháp được áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi người thể nào thì Kinh Thánh cũng là Hiến pháp tối cao cho toàn thể nhân loại thể ấy. Các luật lệ của Kinh Thánh được áp dụng bình đẳng cho tất cả những ai sống trong ảnh hưởng Kinh Thánh, không có ngoại lệ hoặc sự phân biệt nào.

Hiến pháp là luật pháp tối cao của quốc gia thể nào thì Kinh Thánh là luật pháp tối cao của Thượng Đế thể ấy. Chính trong Kinh Thánh, Thượng Đế trình bày những luật lệ thiêng liêng của Ngài. Chính trong Kinh Thánh Thượng Đế đã lập những lời hứa vĩnh cửu. Chính trong Kinh Thánh Thượng Đế đã khải thị kế hoạch cứu chuộc nhân loại của Ngài.

Trong tất cả những kỳ quan của thiên nhiên, chúng ta đều thấy định luật của Thượng Đế. Ai đã từng ngắm nhìn các vì sao trong một đêm thanh vắng mà không thầm kinh ngạc trước sự vinh quang trong công trình tuyệt diệu của Thượng Đế? Ai đã không cảm thấy tim mình rào rạt niềm vui khi thấy tất cả mọi tạo vật bừng lên sức sống và sinh lực mới trong mùa xuân? Chúng ta thấy rõ quyền năng của Thượng Đế và kế hoạch chi tiết vô tận của Ngài trong thiên nhiên, nhưng thiên nhiên không cho chúng ta biết gì về tình yêu thương và ân điển của Ngài. Chúng ta không tìm ra lời hứa cho sự cứu chuộc cá nhân chúng ta trong thiên nhiên.

Trong thâm tâm, chúng ta cảm biết sự hiện diện của Thượng Đế và sự khác biệt giữa điều thiện và điều ác; nhưng đó chỉ là một sứ điệp gián đoạn, không rõ ràng và bao quát như những bài học trong Kinh Thánh. Chỉ trong Kinh Thánh chúng ta mới tìm được sứ điệp rõ ràng không nhầm lẫn mà Cơ Đốc giáo chân chính dùng làm căn bản.

jesus-in-rio-de-janeiro

Tất cả những giáo lý Cơ Đốc (do chữ Chúa Cứu Thế, Christian, Christianity, có nghĩa là của Chúa Cứu Thế Giê-xu hay là thuộc về Cứu Chúa Giê-xu) đều được trình bày trong Kinh Thánh và người Cơ Đốc chân chính không phủ nhận phần nào cũng không cố thêm điều gì vào Lời Thượng Đế. Trong khi hiến pháp có thể bị tu chính, thì Kinh Thánh không cần sửa đổi bao giờ. Chúng tôi tin quyết rằng những nhà soạn thảo Kinh Thánh đã được Thánh Linh hướng dẫn cả trong tư tưởng lẫn ngôn từ. Một môn đồ của Chúa Giê-xu là Phê-rơ đã nói: “Vì không có lời tiên tri nào trong Thánh Kinh do các tiên tri tự nghĩ ra, nhưng chính Chúa Thánh Linh đã cảm ứng họ nói ra lời của Thượng Đế” (IIPhi 2Pr 1:21).

Sứ đồ Phao-lô (khi trước có tên là Sau-lơ, là một người sùng đạo Do-thái thường hay bắt bớ các Cơ Đốc nhân. Sau đó ông được Chúa kêu gọi và trở nên nhà truyền giáo danh tiếng nhất) cũng đã viết: “Cả Kinh Thánh đều được Thượng Đế cảm ứng, có ích cho việc dạy dỗ, khiển trách, sửa trị, đào luyện con người theo sự công chính. Nhờ đó, người của Thượng Đế được thành thục, có khả năng làm mọi việc lành” (IITi 2Tm 3:16, 17).

Khi viết ra những sứ điệp chân chính các trước giả Kinh Thánh không bao giờ cố ý thêm bớt các thực tại của cuộc đời. Tội lỗi của người lớn kẻ nhỏ được phô bày, những sự yếu đuối của bản tính con người được nhìn nhận và đời sống vào thời Kinh Thánh đã được tường trình một cách trung thực. Điều lạ lùng là những nét sinh hoạt và nguyên do hành động của những người đã sống trong thời quá xa xôi như vậy vẫn có một phong vị vô cùng mới mẻ! Khi chúng ta đọc, các trang Kinh Thánh giống như những tấm gương đặt trước tâm trí chúng ta, phản chiếu những sự kiêu hãnh và thành kiến, thất bại và tủi nhục, tội lỗi và đau khổ của chính chúng ta.

Chân lý vượt thời gian. Từ thời đại này qua thời đại khác, từ dân tộc này đến dân tộc khác, từ địa phương này đến địa phương khác. Chân lý vẫn không biến đổi. Tư tưởng con người có thể khác nhau, tập quán con người có thể thay đổi, các tiêu chuẩn đạo đức có thể biến thiên, nhưng chân lý siêu việt lớn lao vẫn tồn tại vĩnh viễn với thời gian.

Sứ điệp của Chúa Cứu Thế Giê-xu là Kinh Thánh, truyện tích về sự cứu rỗi. Những học giả Kinh Thánh uyên thâm đã tìm thấy truyện Chúa Cứu Thế Giê-xu ngay từ lúc khởi đầu Cựu Ước vì Ngài là chủ đề đích thực của Cựu Ước lẫn Tân Ước.

Chúa Giê-xu là sứ điệp đời đời của Kinh Thánh, là câu chuyện về sự sống, sự bình an, sự vĩnh cửu và Thiên đàng. Kinh Thánh không có một mục đích ẩn giấu nào cả. Kinh Thánh không cần phải giải thích một cách đặc biệt. Kinh Thánh có một sứ điệp duy nhất, trong sáng và mạnh mẽ cho mọi người, sứ điệp của Chúa Cứu Thế đề nghị hòa thuận với Thượng Đế.

Một ngày kia, Chúa Giê-xu và các môn đồ quây quần cùng nhau trên một ngọn núi gần Ca-bê-nam (một thành phố nhỏ phía Tây Bắc hồ Ga-li-lê) . Có lẽ Phê-rơ ngồi một bên và Giăng (một môn đồ của Chúa Giê-xu, là người đã viết sách Phúc Âm thứ tư, ba thơ tín và sách Khải-thị) ngồi bên kia. Chắc hẳn Chúa Giê-xu đã im lặng và trìu mến nhìn các môn đồ trung tín của Ngài, như một người cha nhìn con cái trong gia đình – yêu thương từng đứa con một, mỗi đứa vì một lý do đặc biệt, khiến ai nấy đều cảm thấy mình được biệt riêng trong sự âu yếm. Chắc chắn đó là cách Chúa Giê-xu yêu thương các môn đồ Ngài.

Các môn đồ chắc đã vô cùng kính cẩn trước cái nhìn bình tĩnh và yêu thương của Chúa. Chắc họ đã ý thức được một sự êm đềm trong tâm tư, một linh cảm về vấn đề trọng đại sẽ được bày tỏ, vấn đề họ phải ghi nhớ, phải truyền rao cho những người khác trên khắp thế gian chưa được hưởng đặc ân trực tiếp nghe Lời Ngài phán như họ đã hưởng.

Vì chính trên ngọn núi này, đứng dưới những cây ô-li-ve xanh, Chúa Giê-xu đã rao truyền một bài giảng vĩ đại nhất mà tai người chưa từng nghe, Ngài đã giải thích về tinh hoa của đời sống Cơ Đốc. Khi Ngài phán xong, một sự im lặng thiêng liêng đã giáng trên các thính giả, họ “ngạc nhiên về lời dạy của Chúa. Vì Ngài giảng dạy đầy uy quyền, khác hẳn các thầy dạy luật Do-thái” (Mat Mt 7:28, 29).

Thật vậy, Ngài đã dạy với quyền uy, quyền uy của chính Thượng Đế. Những luật lệ Ngài trình bày chính là luật lệ của Thượng Đế, những luật lệ mà mỗi Cơ Đốc nhân có lòng mong mỏi được cứu phải noi theo.

Bạn và Kinh Thánh.

Nếu bạn chưa có Kinh Thánh, hãy mua ngay một quyển – quyển nào thích hợp với bạn nhất, vừa cầm tay nhất, cỡ chữ dễ đọc nhất, và tự tìm lấy lý do tại sao quyển sách duy nhất ấy đã sống mãi với thời gian. Hãy tự tìm hiểu tại sao Kinh Thánh lại đáp ứng mọi nhu cầu của con người, tại sao Kinh Thánh lại giúp cho nhân loại đức tin và sức mạnh để tiến bộ.

Nếu bạn chưa hề đọc Kinh Thánh, có lẽ bạn nên làm quen với Kinh Thánh bằng cách đọc sách Phúc Âm Giăng. Sách này được coi là một trong những sách uyên thâm nhất của Kinh Thánh mà cũng là sách rõ ràng nhất. Sách được viết ra với mục đích khẳng định là bày tỏ phương cách và lý do của sự cứu rỗi nhân loại, hầu thỏa mãn những vấn đề của lý trí cũng như những sự ao ước của con tim.

Sau khi đọc xong sách Giăng, bạn có thể làm quen với Phúc Âm do Mác, (tác giả sách Phúc Âm thứ hai trong Kinh Thánh) Lưu-ca (Bác sĩ, đã từng đi truyền giáo với Phao-lô, là tác giả sách Phúc Âm thứ ba trong Kinh Thánh) và Mã-thi (trước là người thâu thuế, sau là môn đồ Chúa Giê-xu, là tác giả sách Phúc Âm thứ nhất trong Kinh Thánh) xem các tác giả có các đức tính và lối hành văn rất khác nhau này đã trình bày cùng một câu chuyện về sự cứu chuộc qua Chúa Giê-xu như thế nào. Bạn sẽ ý thức được chân lý đầy quyền lực và phổ cập nằm trong giáo lý Phúc Âm và sẽ cảm xúc được điều mà Phao-lô muốn bày tỏ khi ông nói: “Hôm qua, ngày nay và cho đến muôn đời, Chúa Cứu Thế Giê-xu không bao giờ thay đổi” (HeDt 13:8).’

Khi đã đọc xong các sách Phúc Âm, bạn hãy đọc Tân Ước một mạch từ đầu chí cuối theo thứ tự các sách. Thực hiện được điều đó, bạn sẽ cảm thấy một sự vui thích lạ lùng trong việc đọc Kinh Thánh và có thể nhận rằng Kinh Thánh là một nguồn cảm xúc, là sự chỉ bảo, dẫn dắt thực tiễn, là kho tàng quý báu các lời khuyến cáo hợp lý, và việc đọc Kinh Thánh sẽ trở thành một phần trong đời sống hằng ngày của bạn.

6a00d8341c570e53ef01b7c7e8f670970bHiểu biết Kinh Thánh là điều thiết yếu để đạt được một đời sống dồi dào và ý nghĩa. Vì lời lẽ của sách này có thể lấp bằng những khiếm khuyết, nối lại những sự gián đoạn, làm cho những màu sắc nhạt phai của đời sống chúng ta trở thành sáng chói như ngọc ngà châu báu. Hãy tập thói quen giải quyết mọi vấn đề của bạn theo Kinh Thánh. Trong những trang Kinh Thánh bạn sẽ tìm thấy lời giải đáp chính xác.

Nhưng trên hết, Kinh Thánh là sự bày tỏ về phẩm tính của Thượng Đế. Các triết gia của mọi thời đại đã thắc mắc về vấn đề Đấng Tối Cao. Đấng đó là ai? Đấng đó là gì? Ngài ở đâu? Nếu có, làm thể nào tôi biết được Đấng ấy? Những câu hỏi này và hàng ngàn câu hỏi khác nữa về Thượng Đế đã được bày tỏ trong quyển sách thiêng liêng mà chúng ta gọi là Kinh Thánh.

Có lần một Cơ Đốc nhân hỏi: “Ông có biết một quyển sách nào để ông có thể gối đầu khi hấp hối không?” Joseph Cook đáp: “Có chứ, đó là quyển Kinh Thánh mà ông cần đọc khi còn sống. Trên đời này, chỉ có duy nhất một Quyển Sách như thế mà thôi”.

(Còn nữa)

PVHg biên tập, Sydney 16/12/2015

5 thoughts on “Peace with God / Bình An Trong Thượng Đế

  1. Bây giờ đang là thì thuận tiện để tiếp nhận Chúa Jesus, Thượng Đế đã đến thế gian để ban cho con người con đường của sự sống và Ngài cũng ban cho con người ý chí tự do để toàn quyền lựa chọn hay khước từ con đường đó, nhưng đừng dùng sự tự do này để đùa giỡn với cuộc đời của chính mình là điều mà trong lịch sử con người vẫn thường hay làm .Bài học duy nhất mà con người học được từ lịch sử đó là con người chẳng học được gì từ lịch sử cả và bất kỳ người nào đùa giỡn với cuộc đời đều sẽ thấy rằng nó bắt đầu bằng một vở hài kịch và kết thúc bằng một tấn bi kịch.

    Thích

  2. Từ hôm đọc được bài này của Chú. Bạn con có download cuốn Peace with God về trên Kindle, nhưng là bản English. Có có đọc tiếp hai chương sau đó. Nhưng những hạn chế về ngôn ngữ, nên phần nào làm việc đọc chững lại, và đôi khi hiểu không sâu sắc lời của sách. Con kỳ thực, mong được đọc bản này bằng Tiếng Việt một cách đầy đủ quá, bác Hưng à. Phải chi có bản dịch được xuất bản ha chú?

    Con mong chờ,

    Thích

  3. Tiến sĩ Billy Graham thật là một nhà diễn thuyết tài ba – nhà giảng Tin Lành vĩ đại của thế kỷ 20. Trong những năm phục vụ Chúa, ông đã ảnh hưởng 12 vị Tổng Thống Hoa Kỳ. Ông cũng đã từng đến Việt Nam thăm Hội Thánh Chúa tại đó. Ông ta là anh hùng đức tin của tôi. Tôi không bao giờ quên khi ông đến Sydney vào 1979 giảng Tin Mừng cho người Úc. Lúc đó tôi chỉ là một thanh niên trẻ khát khao tìm kiếm chân lý về Chúa Jesus Christ. Nay đã tìm thấy Ngài, nói đúng hơn Ngài đã tìm thấy tôi và cứu tôi khỏi tội. Tôi cảm thấy vô cùng vui sướng vì biết tội mình được Ngài tha, linh hồn mình được Ngài cứu, và tên mình được Ngài ghi trên trời trong Sách sự sống của Ngài. Tôi luôn biết ơn Chúa đã cứu tôi và ban cho tôi sự sống đời đời Cuốn sách “Bình An trong Thượng Đế” là nguồn truyền cảm hứng cho tâm hồn tôi. Cám ơn Thiên Chúa đã mở mắt tâm linh tôi và biết rằng Chúa Jesus Christ chính là Con đường, Chân lý và Sự sống, chẳng bởi Ngài thì không ai đến cùng Chúa Cha được (Giăng 14:6).

    Thích

Bình luận về bài viết này