Darwin’s Theory of Evolution and its social consequences / Tiến hóa luận Darwin và những hệ quả xã hội của nó

placeholder_for_darwin

Abstract: In explaining the word evolve, the English-Vietnamese Dictionary by the Institute of Linguistics has given an interesting example: “Many Victorians were shocked by the notion that Man had evolved from lower forms of life”. Unintentionally, this example brings out two significant questions: Why were Victorian people shocked? Is that Man had really evolved? These historical and scientific questions require the answers.

Tóm tắt: Trong khi giải thích chữ tiến hóa, Từ điển Anh-Việt của Viện ngôn ngữ học đã đưa ra một thí dụ rất hay: “Nhiều người thời Victoria đã bị sốc bởi khái niệm con người tiến hóa từ sinh vật bậc thấp”. Vô tình thí dụ này nêu lên hai câu hỏi có ý nghĩa quan trọng: Tại sao dân chúng thời Victoria bị sốc? Con người có thực sự tiến hóa không? Những câu hỏi mang tính lịch sử và khoa học này cần phải được trả lời.

CHÚ Ý: Toàn bộ các bài viết về SINH HÓA (bao gồm Thuyết Tiến hóa) trên trang PVHg’s Home (viethungpham.com) đã được sắp xếp đày đủ theo thứ tự thời gian tại địa chỉ sau đây:

True Biology: Nền Sinh học chân chính

Vụ thảm sát ở Bình Phước thật ghê sợ, nhưng xem ra nó cũng chỉ là một cái gạch đầu dòng trong một bản liệt kê rất dài những tội ác ghê sợ diễn ra hàng ngày ở Việt Nam và trên khắp thế giới ngày nay. Hồi mới đến Úc cách đây ngót hai chục năm, tôi kinh hoàng trước một vụ thảm sát 11 nhân mạng ở Adelaide (thủ phủ tiểu bang Nam Úc). Mỗi nạn nhân bị giết tại một thời điểm khác nhau, nhưng tất cả đều bị chặt thành từng đoạn rồi bị ném vào thùng đựng a-xít để phi tang… Mới đây, một cô gái gốc Việt ở Canada đã thuê người giết cha mẹ…

Thú thực, tôi không có chút hứng thú nào để làm một bản thống kê các tội ác, nhưng từ lâu tôi đã đặt câu hỏi lớn: “Tại sao con người trong xã hội hiện đại vẫn có thể man rợ đến như vậy? Tiến hóa ở đâu?”. Câu hỏi ấy ám ảnh tôi trong nhiều năm, hối thúc tôi viết nhiều tiểu luận về bản chất CON NGƯỜI, mong làm dấy lên những suy tư về ĐẠO – cái phao duy nhất có thể cứu con thuyền nhân loại khỏi bị chìm đắm giữa đại dương như con tầu Tsimtsum trong cuốn tiểu thuyết bất hủ “Cuộc đời của Pi” (Life of Pi) của Yann Martel. Những tiểu luận đó đã lần lượt ra mắt trên các số báo của tạp chí Khoa học & Tổ quốc và trên các trang mạng Vietsciences và PVHg’s Home, như danh sách dưới đây:

● LỊCH SỬ ÍT ĐƯỢC BIẾT VỀ SWASTIKA
● Chiếc bè của chiến thuyền Méduse
● CHƯƠNG TRÌNH CHẾ TẠO BOM NGUYÊN TỬ CỦA HITLER
● LUẬN VỀ BẢN TÍNH THIỆN, ÁC (1): HỌC THUYẾT CỦA SIGMUND FREUD
● Luận về bản tính thiện, ác (2): HỌC THUYẾT TUÂN TỬ – HÀN PHI
● Luận về bản tính thiện, ác [3]: GENE TỘi PHẠM, một dấu hỏi lớn (?)
● Luận về bản tính thiện, ác (4): NỀN VĂN MINH SẼ ĐI VỀ ĐÂU?
● Đâu là nền văn minh đích thực?
● Bài toán đạo đức: đâu là lời giải?
● Tiểu luận về “Con Người” (Essay on “Human”)
● Nietzsche’s Madman / Gã điên của Nietzsche
● Sự điên rồ của con người / The Madness of Men
● Từ ENTROPY đến ĐẠO / From Entropy to the TAO

Vụ chiếc bè của chiến thuyền Méduse xẩy ra từ đầu thế kỷ 19, gây chấn động dư luận xã hội đương thời, làm cho nhiều bậc thức giả cảm thấy lo lắng và bất an trước tình trạng ngày càng vô đạo của con người. Nhà sử học Pháp Jules Michelet đã phải thốt lên lời cảnh báo: “Toàn bộ xã hội của chúng ta đang đi trên chiếc bè của chiến thuyền Méduse” (c’est la société tout entière qui se trouve sur le Radeau de La Méduse) [1].

Từ đó đến nay, hai thế kỷ đã trôi qua, lời cảnh báo của Michelet vẫn còn nguyên tính thời sự – loài người đang sống trong một tình trạng nguy hiểm, tính mạng bị đe dọa bởi đói nghèo, bệnh tật, bất công, tranh giành, cướp đoạt, tàn sát, hận thù, chiến tranh – con người đang tự đưa mình tới giới hạn của sự chịu đựng, nhân tính ngày càng suy giảm, nền văn minh có nguy cơ bị hủy diệt bởi chính chủ thể sáng tạo ra nó,…

Thật bi kịch và trớ trêu khi phần lớn nỗi đau khổ của con người đều do chính con người tạo ra. Không có một giống loài nào trên trái đất lại lao vào giết đồng loại của mình như loài người. Không có giống loài nào hành động phản tự nhiên như loài người, đến nỗi nhà nhân loại học André Bourguignon đã phải đau đớn kêu lên rằng loài người là một sinh vật điên rồ!

Sự điên rồ ấy biểu lộ rõ rệt nhất qua 2 cuộc Thế Chiến trong thế kỷ 20. Trong 70 năm tiếp theo, cuộc sống của con người luôn luôn nơm nớp trước tình trạng hỗn loạn ngày càng gia tăng trên mọi bình diện xã hội. Đó là dấu hiệu cho thấy nền văn minh hiện đại đã và đang đi chệch đường. Nói cách khác, nền văn hóa kỹ trị tôn sùng các giá trị vật chất đã làm suy giảm các giá trị của ĐẠO, do đó đẩy nhanh mức độ hỗn loạn xã hội, biến cuộc sống thành một đấu trường vô nghĩa. Tình hình này đã được Lý Tường Hải ở Trung Quốc mô tả một cách rõ nét trong cuốn “Khổng tử”, đã được xuất bản bằng tiếng Việt. Sau đây là những trích đoạn:

Thế kỷ XX là thời đại nhân loại thu được những thành tựu to lớn, đồng thời cũng là thời đại bộc lộ những tệ hại của nền văn minh hiện đại. Một mặt, nhu cầu vật chất của nhân loại được thoả mãn ở mức trước đây chưa từng có, nhưng mặt khác, tinh thần và tâm linh của nhân loại cũng bị tổn thương ở mức trước đây chưa từng có … Sự phân hoá lưỡng cực cao độ đưa ra trước mắt mọi người một bức tranh về tình trạng rất vô nhân đạo trong xã hội loài người. Sự phát triển cao độ của kỹ thuật … tạo ra những vũ khí sắc bén để nhân loại tàn hại lẫn nhau … Con người vốn là đứa con của tự nhiên, giờ đây lại muốn lấy trí thức và kỹ thuật làm chỗ dựa, hy vọng trở thành chủ nhân của tự nhiên. Thế rồi họ làm những việc lay trời chuyển đất,… kết quả là phá vỡ sự cân bằng sinh thái vốn có của tự nhiên, khiến cho nhân loại có nguy cơ mất đi chỗ dựa sinh tồn. Con người hiện đại sau khi thoát khỏi gông cùm của “chủ nghĩa cấm dục” truyền thống, lại đi đến chỗ phóng túng không biết kiêng kị là gì nữa, cuối cùng đau đớn nhận ra rằng cuộc sống chẳng còn gì đáng gọi là hứng thú nữa. Ngoài ra, tình trạng kỹ thuật trở thành chúa tể của con người, cùng với tác động vạn năng của đồng tiền, sự tha hoá nhân tính và sự lầm lẫn ngọn nguồn của giá trị… không thể không khiến người ta đau đớn cảm thấy sự chìm lấp ý nghĩa nhân sinh: Người ta ở đời, vội vã tất tưởi, cảm thấy không ít sự lạnh nhạt, phiền muộn, hèn kém, dối trá, thống khổ, kinh hãi… Vậy rốt cuộc ý nghĩa cuộc sống là ở đâu nhỉ?” [2].

20th centuryNếu nhận định của Lý Tường Hải mang tính chất khái quát thì những nhận xét sau đây của Vương Sóc, một nhà văn Trung Quốc hiện đại, làm cho chúng ta rùng mình:

Ở Canberra (thủ đô Úc), người Trung Quốc đến đó xây không ít nhà thổ, cướp đi khá nhiều phi vụ buôn bán mãi dâm của người địa phương, bởi vì kỹ viện của người Trung Quốc giá rẻ hơn. Một người bạn đã dẫn tôi đến một nhà chứa do người Thượng Hải kinh doanh. Tôi định thử đi một chuyến xem nó thế nào. Điều khiến tôi hết sức sửng sốt là con trai của ông chủ nhà chứa đã chơi gái trong đó. Tôi hỏi ông, sao không tìm cho cậu ấm một con ở? Ông đáp con ở ở đây đắt lắm. Tôi bảo nghề này của ông chẳng phải hái ra tiền đó sao? Việc gì phải để thằng con sau khi đi học về sống trong môi trường này? Lúc ấy vợ ông chủ từ nhà trong đi ra, bà vừa hầu hạ một khách hàng. Ba người trong nhà họ đều ở trong nhà chứa, khi thiếu người thì bà vợ thay chân. Mẹ kiếp, muốn có tiền người ta đã phát điên lên mất rồi” [3].

Gia đình mà Vương Sóc nhắc đến ở trên ắt phải thuộc tầng lớp cặn bã – loại người chẳng hiểu đạo lý và nhân cách là gì. Còn tầng lớp trên thì sao? Hãy nghe Vương Sóc nhận xét: “… vấn đề của giới trí thức Trung Quốc là không biết thành thật là thế nào … Đối với loại trí thức này thì điểm mù lớn nhất của họ không phải là sự vô tri về tri thức, mà là sự vô tri về nhân cách, về làm người … sự vô tri về linh hồn là điểm mù lớn nhất ….. Sự tàn nhẫn vô liêm sỉ nhất thế giới này đều do trí lực gây nên. Con người có thể dùng trí tuệ đi làm những việc vô liêm sỉ. Đặc biệt là ở mặt đối xử với đồng loại. Sự tàn sát lẫn nhau giữa các con vật làm sao có thể tàn nhẫn hơn, vô liêm sỉ hơn sự tàn sát lẫn nhau giữa con người với con người”.

Ý kiến trên làm tôi liên tưởng ngay đến nhận định của André Bourguignon, rằng con người đã tự hạ mình xuống dưới động vật khi tiến hành những cuộc giết chóc trong loài của mình. Nhưng Vương Sóc nhìn vấn đề sâu sắc hơn, bởi lẽ Bourguignon không biết giải thích hành vi tàn ác của con người bằng cách nào khác hơn là gán cho con người bản tính điên rồ, trong khi Vương Sóc chỉ rõ đó là “điểm mù lớn nhất – sự vô tri về nhân cách, về làm người, sự vô tri về linh hồn”. Từng ấy chữ của Vương Sóc có thể tóm gọn trong hai chữ: VÔ ĐẠO!

Buồn thay, Trung Hoa vốn là cái nôi của hai trong số những Đạo lớn nhất trên trái đất: Lão giáo và Khổng giáo. Nhưng con cháu của Lão và Khổng ngày nay sống như thế nào để Vương Sóc phải viết ra những lời đau đớn đến như vậy? Một số tài liệu khác cho biết ở Trung Quốc trong những năm đói kém trước và trong cách mạng văn hóa, đã có hiện tượng những ông bố bà mẹ giết con nhỏ của mình để ăn thịt. Có lẽ không thể có một trang sử nào khác trên thế giới rùng rợn hơn thế nữa. Vậy mà khi đọc Vương Sóc, tôi vẫn giật mình vì không ngờ sự tha hóa đạo đức ở Trung Quốc hiện đại đã xuống tới mức tận cùng đến như vậy, như Vương Sóc mô tả. Lý do vì sao?

Theo Vương Sóc: “Có một sức mạnh dã man trong đời sống,… Bởi vì trong quá khứ, để có sự tiến bộ gì đó về chính trị, chúng ta đã bỏ cái ba-lô đạo đức xuống từ lâu, đã vứt bỏ lương tâm và sự thành thực đi từ đời nào rồi, chứ không phải bây giờ mới như vậy… Đời sống hình như đã nhổ tận gốc tính người … Tê dại trơ lỳ về nhân tính, tê dại trơ lỳ về linh hồn, cuối cùng mẹ kiếp, ngay đến thể xác cũng trơ lỳ theo … Qua thất bại của cuộc đại cách mạng văn hoá, mới thấy chúng ta đã làm những chuyện vô liêm sỉ vào bậc nhất rồi…Chúng ta làm gì có cao thượng? Ngay cả sự thành thực, giới hạn tối thiểu của việc làm người, cũng không có, thì sự cao thượng chẳng phải là xa sỉ quá hay sao?”.

blind pointTư cách của Vương Sóc buộc chúng ta phải suy ngẫm nghiêm túc về những lời ông nói. Trong một cuộc thăm dò dư luận ở Thượng Hải đầu những năm 1990, người dân Thượng Hải được quyền bình chọn những nhà văn yêu thích nhất, Vương Sóc được xếp thứ ba, sau Kim Dung và Lỗ Tấn. Đó là một sự thừa nhận của xã hội Trung Quốc hiện đại đối với những ý kiến của Vương Sóc. Nói cách khác, tình trạng VÔ ĐẠO là một sự thật không thể chối cãi được, và tình trạng ấy bắt đầu từ khi người ta “bỏ cái ba-lô đạo đức xuống”, và “vứt bỏ lương tâm và sự thành thực đi từ đời nào rồi”.

Cụ thể đó là thời điểm nào trong xã hội Trung Quốc? Phải chăng đó là thời kỳ cách mạng văn hóa? Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ lịch sử khoa học và tôn giáo thì có thể thấy kiểu sống vô đạo đã xuất hiện sớm hơn, ít nhất từ thời Victoria, tức là từ thế kỷ 19, khi nền văn minh kỹ thuật bắt đầu thắng thế, lấn át nền văn hóa tâm linh, con người bắt đầu từ bỏ những giá trị tâm linh từng tôn thờ trong hàng ngàn năm trước đó để quay sang tôn thờ vật chất.

Nhưng không phải bỗng nhiên con người thay lòng đổi dạ. Mọi thứ đều có nguyên do của nó. Một trong những tác nhân to lớn dẫn tới sự thay đổi đó là Học thuyết Tiến hóa của Darwin, nhân danh khoa học, ra đời năm 1859.

Đó là một bước ngoặt trong nhận thức của nhân loại, nhưng không phải một bước ngoặt tiến bộ, mà là một bước thụt lùi vĩ đại.

Darwinism_RacismĐó là một cột mốc đánh dấu sự chuyển hướng của con thuyền nhân loại từ chủ nghĩa duy linh sang chủ nghĩa duy vật, mở đầu cho một giai đoạn mới trong lịch sử loài người, trong đó con người từ bỏ đức tin tôn giáo – đức tin vốn đã tạo nên nền tảng đạo đức trong xã hội từ hàng ngàn năm trước – để quay sang tôn thờ những học thuyết và tư tưởng vô thần, rồi dần dần từng bước một tiến tới tình trạng vô đạo như ngày nay. Nói cách khác, có một sợi xích vô hình nối liền các sự kiện ở Trung Hoa trong thời đại của Vương Sóc với những sự kiện xẩy ra trong thời Victoria ở Anh – những sự kiện làm cho nhiều người trong thời đại này bị sốc khi được thông báo rằng họ thực ra chẳng có gì là cao quý cho lắm, vì tất cả đều chỉ là hậu duệ của loài vật bốn chân mà thôi (!).

Cần nói rõ thêm: Thời Victoria là thời đại thế kỷ 19, khi nữ hoàng Victoria của vương quốc Anh không chỉ trị vì nước Anh, mà trị vì cả một đế quốc rộng lớn – đế quốc lớn nhất thế giới đương thời, từng được mệnh danh là đất nước có mặt trời không bao giờ lặn, vì nó trải dài khắp từ Đông sang Tây bán cầu. Đó là thời hoàng kim thịnh trị nhất của nước Anh. Trong giai đoạn đó, ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo vẫn còn rất mạnh, tạo nên nền tảng đạo đức trong xã hội Tây Phương, tương tự như Khổng giáo từng có một thời gian rất dài tạo nên nền tảng đạo đức cho các quốc gia Đông Á.

Thật vậy, từ thế kỷ 19 về trước, người Anh nói riêng và người Tây Phương nói chung đều tin vào Kinh Thánh, trong đó Kinh Sáng Thế kể lại công trình Chúa sáng tạo ra thế giới, sáng tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài – con người là một sản phẩm cao quý, thiêng liêng do Chúa tạo ra…

Nay bỗng nhiên con người bị hạ bệ – con người thực ra chỉ là hậu duệ của con vật mà thôi!

Đó là kết luận của Học thuyết Tiến hóa của Darwin, ra đời năm 1859, với tác phẩm nổi tiếng “On the Origine of Species” (Về nguồn gốc các loài). Thực ra trong cuốn này, Darwin chưa đả động tới sự tiến hóa của con người, mà chỉ nêu lên một sơ đồ tiến hóa của loài vật nói chung từ đơn giản đến phức tạp. Mãi đến năm 1871, khi công bố tác phảm “The Descent of Man” (Nguồn gốc loài người), Darwin mới nói rõ: “con người xuất thân từ một loài động vật bốn chân lông lá có đuôi – một cư dân trong thế giới cổ đại… tổ tiên của… loài khỉ trong thế giới sau này” (man is descended from a hairy tailed quadruped – an inhabitant of the old world…..the progenitors of the ….new world monkeys) [4].

Những người tin vào tôn giáo truyền thống làm sao tránh khỏi sửng sốt, sững sờ trước một lý thuyết được coi là khoa học như thế – một lý thuyết xóa bỏ hình ảnh con người như một sản phẩm cao quý do Chúa sáng tạo ra từ đất rồi thổi LINH HỒN vào, để bây giờ bị hạ xuống ngang hàng với loài vật!

Thật vậy, Kinh Sáng Thế kể rằng Chúa sáng tạo ra vũ trụ, rồi sáng tạo ra tất cả mọi sinh vật, nhưng chỉ có con người mới được Chúa thổi linh hồn vào. Điều đó ngụ ý con người có một phẩm giá cao trọng mà các loài vật không có. Linh hồn ấy giúp cho loài người nhận thức được sự hiện hữu của Chúa, của vũ trụ, và của chính bản thân mình. Những sinh vật còn lại tuy rất thông minh, trong một số công việc cụ thể chúng có thể còn thông minh hơn con người, nhưng chúng không ý thức được sự hiện hữu của Chúa, của vũ trụ, và của chính bản thân chúng. Chúng sống hoàn toàn theo bản năng, trong khi con người hơn hẳn ở chỗ có ý thức, và ý thức giúp con người với tới được những thế giới huyền diệu không thể nhìn thấy. Ranh giới giữa con người với động vật chính là ở chỗ đó, chứ không phải ở chỗ có 4 chân hay 2 chân, có đuôi hay chỉ có cái xương cụt. Học thuyết Darwin đã tảng lờ sự khác biệt căn bản này giữa con người với con vật, hay chính xác hơn, Học thuyết Darwin bất lực trước việc giải thích sự hình thành của ý thức, và do đó nó chỉ bám lấy những yếu tố vật chất bề ngoài để phỏng đoán và bịa đặt ra sự tiến hóa.

Khoa học có 2 phương pháp cơ bản, đó là logic và thực chứng. Học thuyết Darwin vừa không logic vừa không có thực chứng. Vì thế nó không phải là một lý thuyết khoa học, nó chỉ là một hệ tư tưởng, một sự tưởng tượng, một giả thuyết, một hệ thống lý thuyết ngụy khoa học (pseudo-scientific ideology) mà thôi.

Nhưng tại sao một hệ thống ngụy khoa học như thế lại được rất nhiều nhà khoa học tin tưởng, để rồi nó thắng thế trên diễn đàn khoa học từ 1859 đến nay?

Vâng, đó là một câu hỏi rất thú vị và rất đáng thảo luận. Tôi sẽ tiếp tục thảo luận câu hỏi đó trong một bài viết tiếp theo, nhưng ngay bây giờ có thể đưa ra một trong nhiều câu trả lời:

Đó là sự vô minh của con người.

michelangelo+-+god+creates+man+--+darwin+reincarnation+karmaChúa sáng tạo ra Adam, tranh của Michelangelo

Được biết, Phật giáo dạy chúng ta phải HỌC để tiến tới GIÁC NGỘ. Thiên Chúa giáo cũng dạy con người phải học KHÔN NGOAN. Thế nào là khôn ngoan? Phải chăng đoạt Giải Nobel hay Giải Fields là khôn ngoan? Vâng, nhưng đó mới chỉ là cái khôn ngoan logic, khôn ngoan lý lẽ. Nhà toán học vĩ đại Blaise Pascal từng nói cho chúng ta biết rằng “Bước cuối cùng của lý lẽ là nhận ra rằng còn vô số thứ ở phía bên kia tầm với”. Có nghĩa là đừng vội tự phụ với cái khôn ngoan lý lẽ đó, mà phải học nhận thức bằng trái tim, bằng cảm thụ, bằng trực giác, bằng thiền định, bằng suy tưởng, bằng im lặng. Để tiến tới sự giác ngộ như Phật dạy, để có được cái ánh sáng mặc khải của Chúa, để vỡ ra những nguyên lý khái quát của vũ trụ mà Lão tử đã dạy, con người phải vượt qua cái vô minh mới có hy vọng thành người thực sự. Có lẽ cái linh hồn Chúa thổi vào chúng ta là cái năng lượng giúp ta học hỏi tu luyện để thành người thực sự. Nếu nhận thức được điều này để tận dụng cái năng lượng đó, chúng ta sẽ có cơ may vượt ra khỏi cõi vô minh. Nếu không, sẽ suốt đời bị chìm lấp trong cõi vô minh đó. Albert Einstein là người thấy rõ cái vô minh ấy hơn ai hết khi ông nói “Chỉ có 2 thứ vô hạn: vũ trụ và sự ngu dốt của con người; tôi không dám chắc về cái thứ nhất”. Tức là ông dám chắc về cái thứ hai: sự ngu dốt của con người là vô hạn!

Tôi cho rằng sự tán thưởng Học thuyết Darwin là một trong những biểu hiện rõ rệt nhất của sự vô minh của con người!

50% trường học ở Mỹ bỏ môn học về Thuyết Tiến hóa Darwin ra khỏi chương trình giảng dạy. Sách báo chống Học thuyết Darwin ngày càng nhiều. Nhà khoa học Francis Collins, một trong 2 đồng tác giả khám phá ra Bản đồ Gene Người năm 2000, một lần than phiền rằng trong một seminar ông đang thuyết trình, thính giả bỗng đứng dậy bỏ ra ngoài không thèm nghe, chỉ vì ông nhắc tới Thuyết Tiến hóa Darwin.

Thực lòng tôi không hiểu tại sao học thuyết ngụy khoa học này đến nay vẫn được nhiều người tin, mặc dù tất cả mọi sự kiện nó nêu lên đều không thể chứng minh được. Trong khi đó, năm 1964, Peter Higgs nêu lên giả thuyết về sự tồn tại của hạt Higgs với những chứng minh logic khổng lồ mà vẫn chưa thể nào thuyết phục nổi cộng đồng vật lý, phải chờ mãi đến năm 2012, nhờ máy gia tốc LHC của CERN xác nhận thì lý thuyết của Higgs mới thực sự được công nhận. Higgs phải chờ đợi 48 năm mới được tin tưởng hoàn toàn. Vậy cớ gì người ta có thể dễ dàng tin vào một học thuyết không hề có một chứng minh thực tế nào như Học thuyết Darwin? Tại sao cách ứng xử của cộng đồng khoa học trong vật lý và trong sinh vật học lại khác nhau quá đáng như vậy?

Thực ra ngay từ thời Darwin đã không thiếu những người chống đối học thuyết đó (điều này sẽ được nói rõ trong một bài viết tiếp theo), nhưng sự vô minh và điên rồ trong thế kỷ 19 đã thắng thế, đưa Học thuyết Tiến hóa của Darwin chính thức bước lên vũ đài lịch sử!

Đó là lúc tinh thần tôn giáo bắt đầu bị sói mòn. Đầu óc vật chất và thực dụng lấn tới, đẩy tôn giáo ra khỏi linh hồn con người. ĐẠO bắt đầu suy yếu và đang có nguy cơ biến mất!

Chú ý rằng song song với sự suy yếu của Thiên Chúa giáo ở Tây Phương trong thế kỷ 19 thì Nho giáo ở Đông Phương cũng bắt đầu bị tấn công bởi những cuộc xâm lăng của chủ nghĩa thực dân Tây Phương. Sang đến thế kỷ 20 Nho giáo ở Đông Phương suy yếu hẳn, đến mức biến khỏi diễn đàn lịch sử. Vậy không hẹn mà gặp, cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, ĐẠO cùng suy yếu trên khắp thế giới. Điều này có lẽ chỉ có thể giải thích bởi Định luật Entropy.

Đó là lúc con thuyền nhân loại bắt đầu rẽ ngoặt sang một ngả khác – ngả đấu tranh sinh tồn! Đó là cái mà Học thuyết Darwin coi là động lực của tiến hóa (!).

Đó là lúc con tầu Tsimtsum của nhân loại bắt đầu rời khỏi Ấn Độ, rồi vượt qua eo biển Malacca để từ từ tiến tới biển Philipines, nơi có nhiều xoáy ốc nhất – hố tử thần của mọi thuyền bè trên đại dương [5].

Toàn bộ diễn biến xã hội và tinh thần này được phản ánh rõ nét nhất qua những thảo luận triết học của Friedrich Nietzsche, một con người đầy mâu thuẫn xuất hiện ở cuối thế kỷ 19: Nietzsche vừa là người tham gia tích cực vào việc hạ bệ Thượng Đế, đề cao sức mạnh của con người, mô tả con người như những siêu nhân, nhưng cũng vừa là người cảnh báo nhân loại rằng “Thượng Đế đã chết” (1882), để xác nhận một thực tại rằng Thượng Đế không còn tồn tại trong niềm tin của nhân loại nữa, đồng thời để cảnh báo với nhân loại rằng một khoảng trống về đạo đức đã lộ ra sau cái chết của Thượng Đế, đưa con người tới ngã ba đường bơ vơ, bất định, nguy hiểm [6].

Vậy là từ Darwin tới Nietzsche, trong khoảng 10 năm trong thập kỷ 1870 của thế kỷ 19, những biểu tượng của ĐẠO đã bị các ông lật đổ, nhân loại bắt đầu đi vào một giai đoạn sống với một tương lai bất định, không có điểm tựa đạo đức, không có chỗ thả neo cho linh hồn!

Đó là giai đoạn khởi nguồn cho cuộc khủng hoảng tội ác, từ những khủng hoảng toàn cầu cho tới khủng hoảng trong từng khu vực nhỏ bé của xã hội – từng gia đình, từng khu phố, từng làng quê… mà vụ án Bình Phước chỉ là một trong vô số những vụ tương tự.

Khủng hoảng tội ác lớn nhất, dễ thấy nhất là 2 cuộc Thế Chiến trong thế kỷ 20. Đặc biệt, cuộc Thế Chiến II do nhà nước quốc xã Đức phát động, dưới ngọn cờ chủng tộc thượng đẳng, chính là hệ quả trực tiếp của Học thuyết Darwin, thông qua cái gọi là Học thuyết Darwin xã hội (Social Darwinism) mà thực chất cũng là con đẻ của Học thuyết Darwin mà thôi.

Hiện nay, Học thuyết Darwin càng ngày càng mất uy tín, vì trong gần 2 thế kỷ trôi qua nó không cung cấp nổi một bằng chứng nào đủ tin cậy cho bức tranh tiến hóa do nó vẽ ra. Bài viết hôm nay xin khép lại bằng việc nhấn mạnh một lần nữa rằng Học thuyết Darwin cùng với triết học của Nietzsche đã trở thành cơ sở tư tưởng cho chủ nghĩa vô thần mà hệ quả tất yếu của nó là con người xa rời ĐẠO, lý do cơ bản dẫn tới những hỗn loạn như ta chứng kiến hiện nay.

Bản án dành cho những thủ phạm trong vụ án Bình Phước chỉ giải quyết được một bài toán nhỏ của Bình Phước. Chừng nào tư tưởng của Darwin, rằng con người xuất thân từ loài thú 4 chân lông lá có đuôi còn thống trị trong tư tưởng của khoa học thì chừng ấy vấn đề khủng hoảng đạo lý sẽ không thể giải quyết nổi.

Con người phải có ĐẠO, phải có đức tin vào những giá trị tâm linh cao quý, khi ấy con người may ra mới bớt tội lỗi.

Nếu đầu óc tràn ngập những bài toán kiếm sống, đua chen, tất tưởi, vội vã,… nhằm giành phần hơn trong cuộc sống hưởng thụ, thì dù có giỏi đến mấy, tinh ranh đến mấy, đoạt bằng này cấp nọ đến mấy, danh hiệu to lớn đến mấy,… rốt cuộc cũng chẳng hơn gì những toan tính của những kẻ đã gây ra vụ án ghê sợ ở Bình Phước. Những kẻ này trước khi khởi sự hành vi độc ác, có lẽ chúng nghĩ rằng chúng sẽ che đậy được hành vi đó mãi mãi. Đó là cái ngu mà người có TÂM ĐẠO sẽ không phạm phải, đơn giản vì họ tin rằng không có gì che mắt được quỷ thần, như Đức Phật đã dạy: “Có ba thứ không thể che đậy mãi được. Đó là mặt trời, mặt trăng và sự thật”. Mặt trời khuất vào ban đêm, nhưng sẽ hiện ra lúc bình minh. Mặt trăng không nhìn thấy vào ban ngày, nhưng sẽ hiện ra vào ban đêm. Sự thật cũng vậy. Vậy chỉ có vô Đạo mới làm điều ác, vì vô Đạo không tin có quỷ thần, không tin vào lời Phật, không tin vào lời Chúa, không tin vào lời dạy của Thánh Hiền, không tin vào lời dạy của tổ tiên cha ông. Vô Đạo là nguồn gốc của mọi tội lỗi!

PVHg, Sydney ngày 30/07/2015

GHI CHÚ:
[1] Le Radeau de La Méduse, Wikipédia
https://fr.wikipedia.org/wiki/Le_Radeau_de_La_M%C3%A9duse
[2] Khổng tử, Lý Tường Hải, bản dịch của Nguyễn Quốc Thái, NXB Văn hóa Thông tin, Hanoi, xuất bản năm 2002, trang 6-7.
[3] “Đối thoại văn học: Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê”, Vương Sóc, Bản dịch tiếng Việt của Vũ Công Hoan, NXB Văn Hoá Dân Tộc xuất bản năm 2000.
[4] DARWIN’S DAWNING http://www.creationresearch.net/PDF_files/sftool%20-%2016.pdf
[5] Xem “Cuộc đời của Pi” của Yann Martel, bản dịch của Trịnh Lữ, NXB Văn học 2013.
[6] Xem “Gã điên của Nietzsche” của PVHg trên PVHg’s Home.

13 thoughts on “Darwin’s Theory of Evolution and its social consequences / Tiến hóa luận Darwin và những hệ quả xã hội của nó

  1. Loài người đã từng lầm lẫn nhiều lắm, nhưng bởi chúng ta không ngừng học hỏi, dám chấp nhận và vượt qua sai lầm vì vậy mà tri thức nhân loại không ngừng được nâng lên. Cũng có những bài học mà người ta phải học đi học lại không chỉ một lần, chẳng hạn việc tin/ không tin vào Thượng Đế.
    Hàng nghìn năm trước, khi ngắm mặt trời và mặt trăng bằng con mắt bình thường thì ai lại không tin rằng trái đất đứng yên ?. Sự nhầm lẫn của Darwin hay thái độ cực đoan của Nietzsche cũng rất dễ thông cảm, họ quan sát thấy vậy, cảm thấy vậy và đã tin chắc như vậy.
    Darwin quan sát sự giống và khác nhau giữa các giống loài, phân chia chúng thành các lớp, các họ, liệt kê những đặc tính chung và riêng, đặt tên cho chúng. Ông thấy các loài có vẻ cùng chung một nguồn gốc, y hệt như là những cành, những nhánh trên một cái cây vậy. Sự tiến hoá rõ ràng theo chiều hướng từ thấp đến cao, từ đơn đến đa, từ đơn giản đến phức tạp, rõ ràng và logic. Cấu tạo của cơ thể con người cũng có nhiều bộ phận chẳng khác gì cây, con. Sau này các nhà sinh vật học cũng thấy cấu trúc của tế bào thực vật, động vật và con người hình như cũng sử dụng chung một bản thiết kế nào đó. Tất cả những thực tế đó là minh chứng củng cố niềm tin trong Darwin rằng con người phải là … sản phẩm cuối cùng của chuỗi tiến hoá!.
    Tôi thì tin rằng Thượng Đế là Nhà lập trình vĩ đại và vô cùng sáng tạo nên Ngài đã thiết kế và vận hành Chương trình Tạo hoá và sáng tạo ra vạn vật, trong đó có sự sống và con người. Các “sản phẩm” của Thượng Đế chắn hẳn cũng không phải đều là “toàn bích” ngay từ đầu, có những thử nghiệm, sai – sửa – điều chỉnh, có những “phiên bản” khác nhau, có những “tuỳ biến” linh hoạt theo điều kiện, hoàn cảnh, và dĩ nhiên có những sản phẩm đạt mức “siêu phẩm”, chẳng hạn là con người chúng ta!. Những quy luật của tự nhiên đảm bảo cho sự tối ưu và hoàn hảo trong cấu trúc của vạn vật. Bằng trực giác hết sức nhạy cảm, từ hàng nghìn năm qua các nhà hiền triết phương Đông đã nói rằng “Thiên địa vạn vật đồng nhất thể”, tức là mọi vật đều có những điểm chung nhau, giống nhau ẩn sâu bên trong cái vẻ ngoài muôn hình vạn trạng.
    Nhìn lại lịch sử phát triển của ngành Công nghệ thông tin chúng ta thấy rằng các sản phẩm phần cứng và phần mềm cũng “tiến hoá” theo con đường từ thô đến tinh, từ đơn giản đến phức tạp, từ đơn lẻ đến “nối mạng”. Sự phát triển liên tục tạo ra các tiêu chuẩn để dùng chung, các “kho các hàm thư viện” để dùng lại trong các phần mềm khác nhau, người sau học của người trước, người trước tạo nền tảng phát triển cho người sau,… cứ như vậy, kho tri thức và bộ công cụ của đám kỹ sư IT ngày càng lớn và phong phú.
    Rõ ràng, con người đã học tập và làm theo Thượng Đế trong việc “lập trình” để bước vào kỷ nguyên của máy tính và Internet – kỷ nguyên số. Như vậy, khác với Darwin, tôi thấy rằng sự “tiến hoá” của các giống, loài là có “chủ đích”, theo một chiều hướng nhất định và tuân thủ theo những nguyên tắc, quy luật nền tảng chứ không phải chỉ là “đột biến” vô thường, được chăng hay chớ, sống chết mặc bay!. Nhà Lập trình cần mẫn sửa chữa, thay đổi, sáng tạo ra những thuật toán, những công thức, những hàm toán học, điều chỉnh những tham số, đưa vào những biến số,… rồi quan sát xem sản phẩm đầu ra Output có gì thay đổi. Chính sự thay đổi lớn / nhỏ (trong bản thiết kế giống loài hoặc chỉnh sửa bộ mã di truyền ADN một cách có chủ đích) sẽ tạo ra những giống, loài khác nhau hết sức phong phú và đa dạng.
    Như vậy, “ý chí của Thượng Đế” mới là nguyên nhân chính cho sự tiến hoá của muôn loài. Công trình tạo dựng Vũ trụ là sản phẩm của Thượng Đế, không phải xuất hiện một sớm một chiều, một cách tuỳ hứng mà đã trải qua “vô lượng” phiên bản khác nhau. Cũng có thể là vô số phiên bản khác nhau đang cùng tồn tại. Sự sống trên trái đất cũng vậy, hết sức phong phú, có thể gọi mỗi giống mỗi loài, mỗi cá thể là những phiên bản nhất định nào đó.
    Con người quả là một “cậu học trò” xuất sắc của Thượng Đế trong việc tạo ra Internet. Tôi cho rằng đó cũng có thể coi là một “sáng thế” – tạo ra một thế giới với đầy đủ không gian, thời gian và vô số loại sản phẩm khác nhau, kể cả những loài nhỏ nhất như “virus” đã có ngay rất sớm, rồi đủ các loại “phần mềm” hết sức mạnh mẽ và thông minh hết mực như ngày nay.
    Tôi có viết bài “PHẦN MỀM TIN HỌC – MỘT THẾ GIỚI ẢO TRONG THẾ GIỚI THỰC”, đăng trên tạp chí Thế giới vi tính – B, số tháng 6/2008.
    Trong thế giới thực, hạn chế của các loài thực vật là không di chuyển được, còn của người hoặc động vật thì di chuyển được nhưng bị giới hạn bởi tốc độ và không gian. Trong thế giới ảo, các hạn chế đó đều được khắc phục triệt để, có những “thực thể” không cần phải di chuyển bởi đứng yên một chỗ nhưng “tay, chân, tai, mắt,…” có thể vươn xa khắp hang cùng ngõ hẻm, thậm chí vươn tới đến tận … Hoả tinh.
    Tôi chợt nghĩ rằng, sau khi tạo ra thế giới, Thượng Đế dự định sẽ tạo ra con người, rồi Ngài lấy luôn cái mẫu hình đẹp nhất trong “kho thư viện” của mình rồi “copy” và “cài đặt” cái software – linh hồn vào đó, và gọi đó là … “con người”. Chính những đoạn “mã lệnh” trong cái software linh hồn này, Thượng Đế đã cho loài người có trí tuệ, có ý chí tự do để tự thể hiện mình và ý thức được nguồn gốc, vai trò hết sức sang cả của mình trên con đường tiến hoá.
    Đáp án cho câu hỏi muôn thuở: Ta là ai? Ta từ đâu tớn ? Ta sinh ra để làm gì ? chắc chắn phải đã được ghi tạc trong chính cơ thể của chúng ta chứ không thể chỉ ở trong những đền đài hoặc trong những cuốn kinh sách nào đó, bởi “God Eternal Within the Body“ – Chúa vĩnh hằng luôn ngự trị trong ta!.
    HM
    P/s: Chiếc thang xoắn ADN trong nhân mỗi tế bào sống phải chăng chính là những “chương trình phần mềm” chứa những đoạn mã lệnh – CODE / Command và là thứ “Ngôn ngữ lập trình” mà Thượng Đế sử dụng để tạo nên sự sống kỳ diệu./.

    Thích

  2. Rất trân trọng suy nghĩ của tác giả bài viết này, tuy nhiên tôi nhận thấy:

    1. Thuyết tiến hóa có thể sai, có thể không hoàn chỉnh nhưng nó đã giải thoát con người ra khỏi những ràng buộc u tối, giả tạo, hà khắc và tàn nhẫn của tôn giáo, đưa những chức sắc tôn giáo về một vị trí khiêm tốn hơn, đúng với bản chất của họ.

    2. Những thứ được gọi là “tôn giáo” ngày nay, theo tôi chỉ là một loại công cụ. Khi mà số phận, mồ hôi, công sức của khoảng 75% nhân loại và toàn bộ các loài động thực vật trên hành tinh này đang phải phục vụ cho lợi ích của khoảng 25% còn lại. TÔN GIÁO và QUÂN ĐỘI CẢNH SÁT chỉ là 2 thanh kiếm mà 25% này dùng để trấn áp và lừa phỉnh số còn lại.

    3. Nguồn gốc, mục đích và số phận nhân loại, các loài động thực vật và toàn bộ những hình thái khác của sự sống trên hành tinh này; nếu muốn tìm hiểu nó; chỉ với trí tuệ và sự hiểu biết của con người ngày nay, e là không thể. Ít nhất theo tôi cần một dạng sống cấp bậc cao hơn con người mới có thể giải thích một cách rõ ràng và tường tận.

    Thích

    • Cám ơn bạn Huỳnh vì sự chia sẻ.
      Tôi là một người có tôn giáo. Nhưng tôi không hề khó chịu hoặc có phản ứng gì với bạn về những nhận xét của bạn về tôn giáo. Quả thật về tôn giáo, có rất nhiều cách nhìn, cách hiểu, cách tiếp cận. Sự khác biệt, thậm chí đối lập về quan điểm dẫn tới mâu thuẫn, xung đột giữa các tôn giáo và giữa người có tôn giáo và không tôn giáo là chuyện đã từng xẩy ra và đang xẩy ra trong lịch sử. Đó là những trang rất buồn của lịch sử loài người, nó nằm trong cái vô minh và điên rồ nói chung của con người, mà cả triết học lẫn tâm lý học đều đã thừa nhận. Nó giống như bóng tối và ánh sáng cứ thay nhau bao phủ trái đất. Khi tôi nói ra điều này có nghĩa là tôi không chống những người đứng ở trong một thế giới khác với mình, bởi vì tôn giáo của tôi dạy rằng phải yêu thương cả kẻ thù. Đó là một đạo rất cao, ít người làm được. Nhưng tôi có cái may mắn là đã thấy có người làm được. Tôi ngưỡng mộ những người như thế. Tôi không coi những người chiến thắng trong chiến tranh hay trong những cuộc tranh đoạt là giỏi. Tôi không ngưỡng mộ những vị đoạt Giải Nobel hay Giải Fields bằng những bà, những cô, những chị không sợ người hủi, mà yêu thương chăm sóc họ, cho họ ăn, họ uống, không sợ bẩn, không sợ lây bệnh. Tôi ngưỡng mộ những bác sĩ, y sĩ, y tá lao vào những khu vực bệnh tật nguy hiểm để cứu bệnh nhân. Tôi không cần biết họ có theo đạo nào hay không, nhưng đối với tôi, hành vi của họ chính là những gì tôn giáo của tôi dạy tôi, vì thế tôi coi họ là những người có tôn giáo. Tôn giáo của họ có thể cao hơn mọi thuyết giảng. Vì thế tôi nghĩ rằng có thể bạn đang nhìn tôn giáo theo một hướng khác, tôi nhìn theo một hướng khác. Hướng của tôi nhìn rất đơn giản: tôn giáo là sự tôn thờ những Cái Đẹp, Cái Thiêng Liêng mà lương tri mình mách bảo. Như Đức Đạt Lai Lạt Ma nói trong khi ông chỉ tay vào ngực ông: “Đền thờ của tôi ở đây!”. Chúa Jesus của tôi cũng dạy tôi rằng “nếu các con không như trẻ thơ thì các con không vào được nước Trời”, có nghĩa là bao nhiêu lý sự chẳng có ý nghĩa gì cả, chỉ có những trái tim trong sáng, hồn nhiên, biết cảm xúc với Cái Đẹp, Cái Thiện một cách tự nhiên thì mới có thể tiếp cận tới chân lý được. Vâng, tôi không lý luận tôn giáo, mà CẢM NHẬN tôn giáo, vì thế tôi không ngạc nhiên khi thấy cách nhìn tôn giáo của bạn khác tôi. Nhưng sự khác biệt ấy không dẫn tới mâu thuẫn, vì tôi lắng nghe mọi ý kiến. PVHg

      Thích

    • Chúng ta thấy rõ ràng rằng, con người có nhiều loại, trình độ hiểu biết, nghề nghiệp, nhận thức khác nhau. Thời nào cũng có những cá nhân xuất chúng, hơn người, nổi bật trong một lĩnh vực nào đó để góp chung vào kho tàng tri thức của nhân loại, các bậc “Giáo chủ” của một tôn giáo hoặc những nhà tư tưởng, triết gia cũng đóng góp công sức, trí tuệ không nhỏ cho sự tiến hoá chúng, và cả những người bình thường nhất cũng có những đóng góp đáng ghi nhận. Những cá nhân xuất chúng là những người đóng góp lớn, chia sẻ nhiều cho người đời những thành quả trong sự nghiệp của họ dưới nhiều dạng khác nhau, cấp độ khác nhau.
      Về mặt ngữ nghĩa “tôn giáo” và “đạo” có thể được hiểu tương tự như nhau, tuy nhiên bởi có nhiều trường phái, cá nhân, lạm dụng, lợi dụng tôn giáo/ đạo để truyền bá tư tưởng độc hại hoặc phục vụ những mưu đồ cá nhân nên những mục đích tốt đẹp ban đầu bị tha hoá, xuyên tạc và lạm dụng.

      Thời nay, đúng là cần phải có một trí tuệ đặc biệt để tiếp nối tư tưởng Minh triết và tinh hoa nhân loại để nhìn thế giới với cái nhìn “sáng trong” hơn.
      ——–
      Tôi xin dẫn ra dưới đây một chương rất hay trong cuốn Đạo Đức kinh của Lão Tử:

      CHƯƠNG 77: THIÊN ĐẠO

      1. Thiên chi Đạo, kỳ do trương cung dư? Cao giả ức chi, hạ giả cử chi, hữu dư giả tổn chi, bất túc giả bổ chi. Thiên chi Đạo, tổn hữu dư nhi bổ bất túc.
      2. Nhân chi đạo tắc bất nhiên, tổn bất túc nhi phụng hữu dư. Thục năng hữu dư dĩ phụng thiên hạ? Duy hữu đạo giả.
      3. Thị dĩ thánh nhân, vi nhi bất thị. Công thành nhi bất xử, kỳ bất dục kiến hiền.
      Dịch xuôi:
      1. Đạo Trời như dương cung. Cao thì ép xuống, thấp thì nâng lên. Thừa thì bớt đi, không đủ thì bù vào. Đạo Trời bớt dư bù thiếu.
      2. Đạo người chẳng vậy, bớt thiếu bù dư. Ai đem chỗ dư bù đắp cho thiên hạ? Phải chăng chỉ có người có Đạo?
      3. Cho nên thánh nhân làm mà không cậy công. Công thành không ở lại; không muốn ai thấy tài mình.

      Nhân tử Nguyễn Văn Thọ bình và dịch thành thơ như sau:

      1. Đạo Trời như thể dương cung,
      Làm căng chỗ thấp, làm chùng chỗ cao.
      Bớt thừa bù thiếu khéo sao,
      Chỗ thêm chỗ bớt tơ hào chẳng sai.

      2. Lối người ngược lại lối Trời,
      Luôn bòn chỗ thiếu mang bồi chỗ dư.
      Ấy ai biết lấy chỗ thừa,
      Làm cho thiên hạ ấm no vẹn toàn.
      Của thừa đem giúp thế gian,
      Họa là đắc đạo siêu phàm mấy ai.

      3. Cho nên hiền thánh trên đời,
      Tuy làm mà chẳng có đòi công lao.
      Công thành dạ chẳng tơ hào,
      Chẳng mong tiếng cả ngôi cao cho mình./.

      BÌNH GIẢNG:
      Đường lối của Trời đất là: «Tổn hữu dư. Bổ bất túc.»
      Chủ trương của Đạo Đức kinh cũng tương tự như chủ trương của kinh Dịch. Dịch kinh viết nơi Thoán truyện quẻ Khiêm:
      «Trời làm vơi chốn dồi dào,
      Mà thêm vào những chỗ nào khiêm cung.
      Đất soi mòn bớt cao phong,
      Mà cho lòng biển lòng sông thêm dầy.
      Quỉ thần hại kẻ no đầy,
      Mà đem phúc lại cho người khiêm cung.»
      Thoán truyện quẻ Ích cũng viết:
      «Ích là thêm dưới bớt trên,
      Nhân dân vui vẻ, phỉ nguyền đòi nơi.
      Hạ mình để phục vụ người,
      Lối đường thế ấy, rạng ngời quang minh.»

      Cho nên thánh nhân phải bắt chước trời bớt chỗ thừa thêm chỗ thiếu, như vậy muôn dân sẽ an lạc.

      Thích

  3. Các tôn giáo lớn đều có một điểm chung là hướng thiện. Cần phân biệt giữa những người có tôn giáo và những kẻ lợi dụng tôn giáo hoặc nhân danh tôn giáo để làm những việc xấu xa và độc ác.

    Thích

  4. 1. Nếu coi một tôn giáo là một hệ thống các quan niệm, tư tưởng… về vũ trụ quan và nhân sinh quan của một cộng đồng người nhất định thì chủ nghĩa ‘vô thần” cũng chính là một tôn giáo, tạm gọi là “tôn giáo vô thần”. Con người luôn luôn là “Con người – Tôn giáo”. Trong mọi tôn giáo, đều tồn tại những loại người chân chính (hướng Chân, Thiện, Mỹ) và những loại người xấu xa, độc ác, đê tiện… bất kể trình độ chuyên môn, địa vị xã hội… của họ là như thế nào: một người làm vườn có thể hành thiện nhiều hơn một nhà khoa học nổi tiếng nhưng vị kỷ. Cái Thiện và cái Ác cũng luôn tồn tại trong mỗi con người, dù người đó theo bất cứ một tôn giáo nào. Buổi sáng hôm nay ta hành thiện, nhưng có thể buổi tối cùng ngày ta có những suy nghĩ và hành động không thiện, thậm chí có thể là ác. Bạn cứ theo dõi tư tưởng và ý nghĩ của bạn trong vòng 24 giờ đồng hồ thì bạn sẽ thấy rõ điều đó. Chúng ta có thể biện minh cho điều này bằng lý luận: chúng ta cũng chỉ là những sinh vật tầm thường, mà mọi sinh vật thì luôn hành động sao cho có lợi cho mình nhiều nhất (vị kỷ). Hãy nhìn các con thú tranh giành nhau miếng ăn thì bạn sẽ chột dạ khi liên tưởng tới con người. Chỉ có điều trong thời đại ngày nay, người ta tranh dành miếng ăn (cùng nhiều lợi ích khác) một cách “văn minh” hơn, với trình độ khoa học kỹ thuật “cao hơn”, với những “mưu mẹo” hợp pháp cao thủ hơn mà thôi. Chúng ta khác các sinh vật bậc thấp ở chữ “người” (trong chữ con- người). Mọi tôn giáo đều nhằm thức tỉnh và phát triển phần “người” trong mỗi con người. Con người là tế bào của xã hội, nếu mỗi con người phát triển theo hướng Chân, Thiện, Mỹ thì con người và xã hội loài người mới thực sự được gọi là “tiến hóa” theo đúng nội hàm của khái niệm này.

    2. Nhân diễn đàn này, tôi xin đề nghị đã đến lúc chúng ta phải trả lời cho câu hỏi: thế nào là “tiến hóa” ? Giả thuyết của Darwin có thể gọi là học thuyết tiến hóa không, hay chỉ nên gọi là “giả thuyết về nguồn gốc các loài” mà thôi ? Sơ đồ hình cây về nguồn gốc các loài có những ý nghĩa gì ? Sau đây xin mạo muội nêu ra một số câu hỏi ban đầu:

    – Tiến hóa, từ trước cho tới nay, phải chăng chỉ nói đến sự hoàn thiện về chức năng tổng thể của các loài mà quên đi trình độ phát triển trí tuệ của các loài ? Một xã hội Robot (nếu có) có thể gọi là tiến hóa hay không ?

    – Sự so sánh trong một nhánh thì may ra còn có ý nghĩa, nhưng sự so sánh giữa các nhánh là vô nghĩa và khập khiễng. Thí dụ làm sao có thể so sánh giữa thực vật và động vật, giữa một cây tùng với một loài cá ở biển chẳng hạn.

    – Thực chất sự đa dạng sinh học là điều vô cùng quan trọng, các loài cần đến nhau trong một hệ sinh thái. Các bạn thử tưởng tượng xem nếu xã hội chúng ta chỉ toàn các nhà toán học thì nó có thể tồn tại được không ?

    – Hiện tại con người có tiếp tục tiến hóa hay không ? Hay loài người đang “lùi hóa” ? Một mặt có vẻ như chúng ta đang tiến hóa về khoa học kỹ thuật, về sản xuất ra của cải vật chất, nâng cao tuổi thọ con người…nhưng chúng ta lại đang xuống cấp về vấn đề đạo lý, đạo đức. Các con thú tranh dành miếng ăn với hàm răng của chúng thì chúng ta tranh dành quyền lợi bằng súng đạn và đủ thứ mưu mẹo khác ? Và với vũ khí hạt nhân trong tay các “thằng điên” thì sự hủy diệt loài người là một kịch bản phải cân nhắc đến. Vậy có thể gọi đó là “tiến hóa” được không ?

    – Quan hệ của “Đạo” với “Tiến hóa” như thế nào ?

    Thích

    • Các nhà hiền triết thường chỉ ra rằng đích cuối cùng của “tiến hoá” là để trở thành MỘT với Thượng Đế, với Vũ trụ. Sự tu luyện tinh tiến của con người là để vươn lên, Đạo Cao Đài cho rằng: “Học là để học làm Trời/ Chứ đâu mãi mãi làm người thế gian”!. Các sách Thánh hiền được viết ra cũng đều nói đến “mẫu người quân tử” hoặc các tấm gương về Thánh, thần, tiên phật,… để người ta học theo, noi theo. Khổng Tử cũng nói rằng “Đường đi khác nhau mà đích đến là một. Tư lự trăm điều mà chân lý không hai”.

      Cố triết gia Lương Kim Định trong cuốn “Nhân chủ” có viết “Con người trên bảy (7) nấc thang tiến hoá” như sau:

      1) Đợt đầu là vật chất bất tri. Trong con người có thể là xác thân biểu thị bằng 64 quẻ, nghĩa là chia ra nhỏ hẹp chi li quá nên ý thức chưa xuất hiện (tiềm long vật dụng). Đây là đợt bất phân, có thể là phách. Đợt này cũng có thể chỉ ảnh hưởng của khu vực…

      2) Đợt hai thảo mộc có thể là vía, thay vì 64 thì đây số kiểu (cái ngăn lắp) đã rút xuống một nửa là 32, có thể tương đương với khí prana bên triết An, nhằm mục đích ràng buộc ngừơi với Vũ trụ. Nó cũng chỉ ảnh hưởng phong tục xã hội của môi trường.

      3) Đợt ba là Hồn tương đương hồn súc vật làm bằng chất tinh vi hơn vía nên được biểu thị bằng 16 kiểu, có thể nói là kết bởi cái tinh tuý, cũng gọi là “âm dương chi tú khí” tức là tinh tuý của âm dương. Đây chính là cơ sở cho những hiện tượng thần thông cách cảm, cho hồn vật sống sót sau xác thân ít lâu rồi tan (survie).

      4) Đợt bốn là Trí, cốt cán cho cái tôi tiểu ngã, của lý trí ý thức, nên bớt dầy đặc hơn vía một nửa. Nhờ đợt này con người củng cố cai tôi bằng phân biệt, bằng tư duy để lập thành những hệ tư tưởng. Nó là cái đặc trưng của con người, nhưng chưa múc cạn khả năng con người.

      5) Đợt Tâm bước vào tâm linh của tuệ trí sáng láng thêm nhiều. Nhờ vậy chốn hội thông vạn vật đã ở trong tầm với của tay người.

      6) Đợt sáu là Tính, là đợt của thánh nhơn của con trời làm trung tâm điểm tụ họp cho những con người bé nhỏ đang sống trong xã hội để có được cái làm nền tảng thống nhất. Đấy mới là đợt nói được câu “Tính tương cận”: tính làm cho người ta gần nhau. Còn những đợt dưới từ bốn trở xuống thì tư riêng nên chỉ làm cho con người lìa nhau (tập tương viễn).

      7) Đợt cuối cùng là Thiên là “thái cực nhi vô cực”, vô thanh vô xú.
      ———–
      Như vậy, có thể thấy rằng nếu chúng ta chịu tìm tòi, học hỏi với một nỗi khát khao hướng thiện và cởi mở thì sẽ tìm thấy rất nhiều những cuốn sách quý với những lời răn dạy bổ ích của các bậc tiền bối xưa. Chúng ta đừng nghĩ rằng trí tuệ của họ lạc hậu, duy tâm do ở thời kỳ xã hội yếu kém lạc hậu, đừng nghĩ rằng con người văn minh không cần đến những tri thức cổ xưa. Nhân loại có được thành tựu như ngày nay là kết quả cả một hành trình tiến hoá nhọc nhằn, là sự nỗ lực không ngừng để khẳng định và tồn tại. Không phải để độc quyền làm chủ thiên nhiên là để trở thành một và hoà hợp với thiên nhiên.
      Do đó, tôi cho rằng con người vẫn tiếp tục tiến hoá để đi đến đích cuối cùng là trở thành MỘT với Thượng Đế, đó cũng là Thiên mệnh và Ông Trời đã “lập” trong Chương trình Tạo hoá!.

      Thích

  5. Thưa g/s PVHg,

    Thứ “tôn giáo” mà tôi sử dụng trong phản hồi ở trên bao gồm toàn bộ những hệ thống nhà thờ, chùa chiền, đền đài, giáo hội, giáo lý…đang được lưu truyền đến ngày nay. Những giáo lý này tuy đa dạng, nhiều chủng loại, nhiều “tông phái”…tuy nhiên vấn đề hạch tâm mà những giáo lý này hướng con người chốt lại vẫn là sự “thành thật”, sự phục tùng vào một vị quyền năng nào đó và trông chờ vào sự cứu vớt, gia hộ của vị đó để đi đến một thế giới nào đó được mô tả là tốt hơn, rộng hơn, “dễ sống” hơn thế giới hiện tại.
    Thế giới nhân loại, từ xưa đến nay, tồn tại hai loại người: loại cai trị ( lãnh chúa, vua, quan, chủ tịch, thủ tướng…) và loại bị cai trị ( nông dân, ngư dân, người làm công…). trong đó tầng lớp cai trị LUÔN LUÔN dùng mọi biện pháp tàn nhẫn nhất để giữ vững vị thế, đồng thời khai thác nhiều hơn từ tầng lớp bị cai trị. Ngược lại, ở tầng lớp bị cai trị là sự dẫm đạp lên nhau để tồn tại và để chen chân vào tầng lớp cai trị.
    Thiết nghĩ, ” dân ngu dễ khiến, dân thiện dễ sai”, xã hội yên bình thì dễ trị. Sự tồn tại của một đầng quyền năng nào đó sẵn sàng trừng phạt những hành động “trái giáo lý” gây nên sự KINH SỢ; sự tồn tại của một thiên đàng nào đó đợi chờ những tín đồ ngoan đạo đánh thẳng vào lòng THAM của con người, khiến họ tạm quên đi nỗi cơ cằn, bất công trong cuộc sống hiện tại và ngồi CHỜ ĐỢI vào một sự phán xét nào đó; mà quên rằng, sự bất công, sự tàn nhẫn mà họ đang phải gánh chịu là do ai tạo ra, vì mục đích gì? hàng triệu người đã ngã xuống vì sự đấu đá giữa Hitler và Stalin, vì một lý thuyết nào đó, vì lòng “yêu nước” nào đó, vì mục “chính nghĩa” nào đó????? giẻ rách! lừa đảo!độc ác!tàn nhẫn!

    Cái gì sẽ giải thoát nhân loại khỏi sự ràng buộc về thể xác và tinh thần? cái gì sẽ trả lại sự công bằng cho hàng lớp người đã ngã xuống từ sự ngông cuồng của Thành Cát Tư Hãn cho tới Hitler, cái gì sẽ giải thoát sự đau đớn của hàng triệu con thú trong lò giết mổ, cái gì sẽ làm xoa dịu sự thảm khốc khi những cánh rừng bị đốn hạ.

    Tôn giáo, phải là những lý thuyết dùng để vẽ ra con đường giải thoát, giúp cho những sinh mệnh có được sự công bằng và NẮM ĐƯỢC VẬN MỆNH CỦA CHÍNH MÌNH. Nếu không, nó phải được thay thế bằng những loại tư duy, ý chí, tinh thần cao hơn.

    Thích

    • Bạn Huỳnh thên mến,
      Cám ơn sự nhiệt thành trong ý kiến của bạn. Khi bạn đặt câu hỏi:
      Cái gì sẽ giải thoát nhân loại khỏi sự ràng buộc về thể xác và tinh thần? cái gì sẽ trả lại sự công bằng cho hàng lớp người đã ngã xuống từ sự ngông cuồng của Thành Cát Tư Hãn cho tới Hitler, cái gì sẽ giải thoát sự đau đớn của hàng triệu con thú trong lò giết mổ, cái gì sẽ làm xoa dịu sự thảm khốc khi những cánh rừng bị đốn hạ….
      Như vậy là bạn đã có tôn giáo rồi đó, hoặc ít ra là tôn giáo đã nẩy mầm từ những câu hỏi của bạn rồi đó.
      Cái cây ấy có lớn lên tươi tốt hay không tùy thuộc ở công chăm sóc của bạn.
      Chúc bạn may mắn. PVHg

      Thích

    • Bạn Huỳnh mến,
      Tôi đọc được phản hồi này của bạn hơi muộn, nhưng tôi cũng xin nêu ra quan điểm của mình để mong được góp ý.

      1.
      Tôi đồng ý với bạn, bất kỳ tôn giáo nào, nếu được sử dụng để áp chế con người, hạ thấp nhân phẩm, chống lại tự do và các quyền tự thân của con người đều là “giẻ rách! lừa đảo!độc ác!tàn nhẫn!” như nguyên văn của bạn.

      Nhưng khi bạn cho rằng “Thứ “tôn giáo” mà tôi sử dụng trong phản hồi ở trên bao gồm toàn bộ những hệ thống nhà thờ, chùa chiền, đền đài, giáo hội, giáo lý…đang được lưu truyền đến ngày nay” thì có lẽ là bất công, chụp mũ. Để giữ tính liêm khiết cho trí tuệ, tôi nghĩ rằng, bạn cần định nghĩa lại cho rõ rành các khái niệm mà tôi tạm gọi là “tôn giáo thoái hóa”, “tôn giáo thực tế” và “tôn giáo”. Không nên sử dụng một cách lẫn lộn để rồi tạo ra các hiểu lầm đáng tiếc.

      2.
      Mong bạn đưa ra gợi ý giải pháp cho vấn đề mà bạn nêu ra:

      “Cái gì sẽ giải thoát nhân loại khỏi sự ràng buộc về thể xác và tinh thần? cái gì sẽ trả lại sự công bằng cho hàng lớp người đã ngã xuống từ sự ngông cuồng của Thành Cát Tư Hãn cho tới Hitler, cái gì sẽ giải thoát sự đau đớn của hàng triệu con thú trong lò giết mổ, cái gì sẽ làm xoa dịu sự thảm khốc khi những cánh rừng bị đốn hạ.

      Tôn giáo, phải là những lý thuyết dùng để vẽ ra con đường giải thoát, giúp cho những sinh mệnh có được sự công bằng và NẮM ĐƯỢC VẬN MỆNH CỦA CHÍNH MÌNH. Nếu không, nó phải được thay thế bằng những loại tư duy, ý chí, tinh thần cao hơn.”

      Nếu đó không phải là TÔN GIÁO thì cái gì? Chủ nghĩa gì???

      Thích

  6. Đọc bài viết này của bác, cháu thấy quả đúng là:
    CÁI VÔ MINH + CÁI VÔ ĐẠO = KHỎI PHẢI NÓI
    Quả thật là càng lúc văn hóa xã hội và đạo đức con người càng hỗn loạn. Nếu không có bất cứ cái gì tác động vào, không có gì giúp con người tỉnh ngộ, nhận ra sai lầm, sửa chữa tội lỗi thì sự hỗn loạn ấy vẫn sẽ tiếp tục không ngừng. Đúng như định luật Entropy.

    Một số người còn cho rằng, bản tính bạo lực, man rợ, tàn nhẫn của con người là do vẫn còn phần con ( vượn) trong phần người đó. Nói như vậy là do chịu ảnh hưởng của học thuyết Darwin. Chỉ khi nào con người ý thức được phẩm giá cao trọng của mình thì con người mới có thể tốt đẹp được.

    Thích

  7. Pingback: Thuyết tiến hóa đã định hình xã hội nước Đức dưới thời Hitler như thế nào ? - Kinh Tế Tuấn Minh

  8. Pingback: Consciousness: The Key of Life / Ý thức: Chìa khóa của Sự Sống – Personal & Business Development Enthusiasts

Bình luận về bài viết này