GỐC CỦA ĐẠO

Plant a seed_Buddha quotes

Trải qua hàng ngàn năm, dân ta vốn đã có đạo tự nhiên là đạo thờ gia tiên, lại tiếp thu và chịu ảnh hưởng của 3 đạo lớn là Phật giáo, Nho giáo, Cơ đốc giáo. Nhưng gốc của tất cả các đạo là lương tâm. Không có lương tâm là vô đạo. Vô đạo thì con người không bằng con vật, khó tránh làm ác. Vậy phải học đạo, tu đạo, trau dồi lương tâm…
Đó là ý kiến của tác giả Nguyễn Hoàng Dương, 63 tuổi, từng dạy học ở vùng Sông Bé, gần xã Minh Hưng, nơi xẩy ra vụ án Bình Phước. PVHg’s Home xin trân trọng giới thiệu.
Tôi là người miền Bắc, nhưng từng được phân công công tác vào vùng Sông Bé để dạy học trong những năm sau 1975. Hồi ấy Sông Bé còn hoang sơ lắm, con người sống đơn giản mộc mạc lắm, chứ không phát triển như bây giờ, và cũng không phức tạp như bây giờ. Thật đáng buồn khi thấy xã hội phát triển lên về vật chất thì lại thụt lùi về mặt đạo đức. Điều này diễn ra ở khắp mọi nơi chứ không riêng Bình Phước. Nhưng ở những nơi mật độ dân số cao hơn, có điều kiện an ninh tốt hơn, thì tội phạm có thể ít hơn. Những nơi xa xôi vắng vẻ hơn, tội ác dễ bề hoạt động hơn, nguy cơ xẩy ra những tội ác tầy trời như vụ Bình Phước sẽ nhiều hơn. Nhưng chung quy cũng từ sự vô đạo mà ra. Vô đạo tức là không có lương tri gì cả. Lương tri một phần tự nhiên mà có, một phần là do được giáo dục, từ gia đình đến xã hội.

Một hiện tượng không chối cãi được là tình trạng tội ác trên thế giới ngày càng gia tăng. Ấn Độ là xứ có rất nhiều tôn giáo, đặc biệt là quê hương của Phật giáo. Vậy mà gần đây xẩy ra rất nhiều vụ hãm hiếp, mà hãm hiếp dã man, không còn nhân tính gì hết. Đổ tại phim ảnh bạo lực cũng đúng. Khi tôi còn trẻ, làm gì có những phim ảnh có những cảnh giết chóc dã man như bây giờ. Mà sao bây giờ tất cả các hãng truyền hình đua nhau chiếu những phim như thế. Đổ tại thiếu thốn cũng đúng. Nhưng thật là trớ trêu khi nhiều đối tượng gây án không phải là những kẻ bần cùng khố rây. Thậm chí có kẻ mặt mũi sáng sủa được ăn học đàng hoàng. Đổ tại cha mẹ cũng đúng, vì nhiều cha mẹ cũng có biết gì đâu mà dạy bảo con cái. Nhưng cứ nhìn cha mẹ của những bị can trong những vụ thảm án vừa qua thì thấy họ cũng đáng thương lắm, họ đâu muốn con cái họ như thế. Đổ tại ăn chơi, ma túy, cờ bạc, đĩ điếm cũng đúng. Nhưng những bị can vừa qua không thuộc những thành phần bất hảo đó. Chúng xuất hiện thật bất ngờ với lý lịch chưa từng phạm tội bao giờ, không hề có tiền án tiền sự. Đổ tại nhà trường cũng đúng, vì nhà trường bây giờ chỉ đua đòi thành tích chứ có lo lắng thật sự cho linh hồn trẻ em đâu. Nhưng tội nghiệp cho các thầy cô, vì thầy cô cũng làm hết phận sự rồi, mệt lắm rồi, cái gì phải làm cũng cố gắng làm rồi. Vậy thì đổ tại cho cái gì?

Khó thật, nhưng nghĩ mãi rồi tôi cũng tìm được lý do : vì vô đạo, con người bây giờ không học đạo, hoặc đạo mất rồi, đạo suy yếu rồi, nhiều người bây giờ coi đạo chỉ là hình thức, thậm chí có người coi là giả dối. Không trách được những người ấy khi họ chứng kiến nhiều người đi lễ đi bái chỉ để cầu lợi. Họ chứng kiến những người hàng ngày đối xử với cha mẹ không ra gì, chỉ mong cha mẹ chết sớm để hưởng gia tài, nhưng khi cha mẹ chết đi thì làm ma thật to, xây mộ thật to, ra vẻ thương cha mẹ, ra vẻ ta có hiếu. Rồi có những người đối xử với người khác không ra gì, lừa người này, gạt người khác, nhưng vẫn đi lễ xì xụp lạy thần linh, cầu xin thần linh phù hộ cho mình. Có những người buôn bán thì gian lận đủ kiểu, cắt xén đủ kiểu để bòn rút từng đồng lãi, nhưng sẵn sàng cúng vàng cho nhà chùa để cầu may. Có những công chức làm việc ở cơ quan thì mưu mẹo đủ thứ để dìm người này, hạ người kia, miễn là mình thì thăng quan tiến chức, nhưng cũng đi lễ đi bái để xin may mắn ở với mình suốt đời. Những kiểu lễ bái cầu đạo như thế thực ra là làm hại đạo, còn gì là đạo ở đấy nữa.

Vậy đạo là gì? Là lương tâm, cái gì lương tâm mách bảo. Lương tâm là gì? Là biết phân biệt việc gì là thiện, việc gì là ác. Trông thấy một người hoạn nạn, nghèo khó, đau yếu, cảm thấy xót xa, đó là lương tâm. Trông thấy một con chó bị giết để làm thịt, nghe tiếng kêu đau đớn của nó mà cảm thấy rùng mình, muốn ngăn cản việc giết hại đó, đó là lương tâm. Lương tâm có sẵn trong mọi người, nhưng có thể không bao giờ là đủ, hoặc nó bị thui chột đi bởi hoàn cảnh. Vì thế con người phải được giáo dục để đánh thức lương tâm, làm sao cho lương tâm không ngừng tỉnh thức. Xã hội bây giờ lãng phí quá nhiều thì giờ và tiền của vào việc giáo dục chuyên môn nghề nghiệp mà dành quá ít thì giờ cho giáo dục lương tâm. Đó là sai lầm lớn, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Giáo dục không chỉ để khuyến khích lương tâm, mà còn để ngăn ngừa cái xấu, bởi cái xấu cũng có sẵn trong bản năng. Mà bản năng thì gặp thuận lợi là phát triển, không cần học cũng có thể “giỏi”, như thủ phạm trong vụ Bình Phước chẳng hạn. Rất nhiều đứa trẻ sinh ra là vòi vĩnh đủ thứ. Không được là chúng khóc la, quấy nhiễu, đòi bằng được. Đứa trẻ hoàn toàn vô ý thức, nó đâu có biết nó hư. Ấy là bản năng. Câu “cha mẹ sinh con trời sinh tính” cũng đúng. Có đứa trẻ khó dạy, có đứa trẻ dễ dạy hơn. Đó là sự thật. Nhưng dễ hay khó đều phải được dạy mới tốt được. Mà riêng gì đứa trẻ, mọi con người dù lớn hay bé đều phải được uốn nắn thì mới tốt được. Đó là giáo dục. Vì thế xã hội mới cần có giáo dục. Nhưng giáo dục bây giờ chỉ thấy học sinh lao đi học thêm tối ngày toàn những môn để thi chứ không thấy ai đi học thêm về đạo. Cũng có vài người đi tìm thầy học đạo đấy, nhưng ít lắm. Không có phong trào học đạo. Chỉ là vài cá nhân lẻ loi thôi. Xã hội không hình thành cái đạo học đạo, hay đúng ra là cái đạo ấy đã mất rồi. Môn giáo dục công dân thì tốt đấy, nhưng nghèo nàn quá. Học đạo cao hơn nhiều.

Trải qua hàng ngàn năm, người Việt chúng ta đã tiếp thu và chịu ảnh hưởng của 3 tôn giáo lớn: Phật giáo, Nho giáo, Kitô giáo. Lão giáo tuy có trình độ rất cao, nhưng ảnh hưởng không rộng, có lẽ bởi nó triết lý quá, mà triết lý khó áp dụng quá. Người Việt ưa thực tế, dễ hiểu, nên Lão giáo hầu như không có ở Việt Nam. Một vài người nghiên cứu chưa tạo thành đạo được. Đó là chưa kể cái đạo tự nhiên của người mình, cái đạo phổ biến nhất, đạo thờ gia tiên. Ngoài ra còn các đạo khác, nhưng xét ra cũng đều là chi nhánh hoặc có quan hệ mật thiết với các đạo nói trên. Tất cả các đạo này đều dạy con người ăn hiền ở lành. Con người nếu không có một đạo nào trong các đạo nói trên để tự răn bảo mình thì sẽ là vô đạo. Vô đạo thì còn biết gì nữa. Lúc ấy con người không bằng con vật, làm điều ác là chuyện hiển nhiên…

Là người Việt có lẽ tối thiểu phải có đạo gia tiên. Phải tin rằng chết không phải là hết, mà tổ tiên mình vẫn còn đó, vẫn theo dõi mình đấy. Mình làm điều gì xấu thì vong linh tổ tiên đau xót lắm, không thể siêu thoát được. Vậy đừng làm điều xấu, điều ác. Chỉ cần như thế cũng đã có thẻ xem như người có đạo rồi, mặc dù còn ở mức thấp, vì đạo lớn hơn nhiều.

Nếu trình độ được nâng cao hơn để tiếp thu những lời dạy của Thánh hiền nữa thì còn gì quý bằng. Thế hệ tôi, năm nay 63 tuổi rồi, được tiếp thu đạo trước hết thông qua truyền thống gia đình. Cha mẹ tôi dạy tôi nhiều điều mà hồi nhỏ tôi cứ nghĩ đó là những lẽ phải tự nhiên, sau này lớn lên đọc sách mới biết à thì ra đó là đạo của thánh hiền. Khi xã hội càng xuống cấp về đạo đức thì theo phản ứng tự nhiên, tôi càng quan tâm tới đạo hơn, vì lương tri mách bảo tôi rằng tội ác ngày càng nhiều chẳng qua vì đạo ngày càng suy yếu.

Tôi thấy ngay cả những người có học, có đạo, cũng mắc phải cái lỗi làm cho đạo suy yếu, vậy còn trách gì những người không được học hành. Ấy là cái thói hay chê bai, dè bỉu, chỉ trích, chống báng lẫn nhau. Đề cao đạo của mình, chê đạo của người khác. Có lẽ con người từ trong thâm căn đã có cái tính thích chê bai, chia rẽ hơn là đoàn kết, tương hỗ lẫn nhau. Người có đạo thật sự phải là người biết tôn trọng và nâng đỡ tất cả những cái gì là tốt đẹp, là thiện, bất kẻ cái đó thuộc đạo nào.

Có lần Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ vào ngực mình mà nói đền thờ của tôi là ở đây. Ngài là một đại diện của Phật giáo Tây Tạng, một tông phái gốc của Phật giáo, vậy mà ngài không biểu dương cái riêng của Ngài, mà biểu dương cái tâm đạo. Đó mới là đạo thật.

Phải có cái tâm đạo ấy mới tiếp thu được đạo thật. Lý sự về đạo có uyên bác đến mấy cũng có nghĩa lý gì nếu thiếu cái tâm đạo? Những kẻ làm điều ác đều xuất phát từ chỗ vô đạo, không có cái tâm đạo. Tâm đạo mới là cái gốc của xã hội, chứ không phải pháp luật, cũng không phải những môn khoa học lỹ thuật, càng không phải tài buôn bán làm ăn. Chỉ khi nào cái tâm đạo trở thành nhu cầu tự nhiên như miếng ăn hàng ngày thì khi ấy xã hội mới có bình an được.

Đã từng có những xã hội như thế, những thời như thế. Ngày nay ta thấy bất an ấy chẳng qua vì đạo suy yếu. Cá nhân tôi tự biết mình tài hèn sức mọn chẳng làm được công cán gì lớn cho đời, nên tôi cố gắng làm những việc nhỏ bé như dạy con cái trong nhà, nhắc nhở con cháu trong họ hàng thân thích, đôi khi nhắc nhở học trò mà tôi gặp.

Tôi thường vào mạng, tìm kiếm lời Phật, lời Chúa, lời các Thánh Nhân, trước hết để suy ngẫm, đối chiếu với tình hình xã hội, rồi để tự răn bảo mình, răn bảo con cháu mình. Vì đã về hưu, chẳng bận bịu nhiều, tôi lấy việc đọc lời dạy của thánh hiền làm vui. Càng đọc càng thấy con người ngày nay càng ngày càng xa rời những lời dạy đó. Nhiều người, đặc biệt thế hệ trẻ, thậm chí chẳng hay biết hoặc chẳng quan tâm gì đến những lời dạy đó. Cả xã hội chạy ngược chạy xuôi tất tưởi để kiếm miếng ăn, đua tranh, giành giật, đua đòi. Cái tất tưởi này giống y như thời Xuân Thu bên Tầu, nghĩa là cách đây khoảng 2500 năm.

Chuyện kể rằng Mặc tử là một người nước Lỗ hay làm việc nghĩa. Một lần ông sang nước Tề, đến thăm một người bạn cũ. Người này khuyên Mặc tử: “Bây giờ thiên hạ có ai thiết đến việc nghĩa nữa đâu, một mình ông cứ tự khổ thân để làm việc nghĩa thì thấm vào đâu! Chẳng thà thôi đi có hơn không?”. Mặc tử nói: “Trộm nghe một nhà kia có mười đứa con, chín đứa ăn không, đứa ăn cướp, đứa ăn cắp, đứa cho vay nặng lãi,…chỉ có một đứa con út chịu đi cày. Hỏi tại sao, đứa con út bảo tại chín người kia đã như thế thì tôi phải đi cày, chẳng nhẽ thiên hạ chẳng còn ai tử tế nữa ư”. Rồi Mặc tử nói tiếp: “Tại đứa ăn không nhiều, đứa đi cày ít. Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa, thì ông phải biết khuyên tôi càng phải làm nhiều việc nghĩa hơn mới phải chứ, có đâu lại ngăn cản tôi như thế”.

Không biết chuyện có thật hay không. Cứ cho là truyện ngụ ngôn đi. Thật hay không thật làm sao mà biết được. Nhưng ta học được ở đây hai điều.

Một là cách đây 2500 năm con người đã hư hỏng lắm rồi. Thảo nào ở Trung Hoa Khổng tử phải đi khắp thiên hạ để răn dạy từ vua quan đến dân thường cách sống nhân đức. Thảo nào ở Ấn Độ Đức Phật đã phải từ bỏ ngai vàng xa hoa phú quý để chỉ ra con đường giải thoát cho nhân loại. Thảo nào 500 năm sau Chúa Giê-xu cũng phải đi rao giảng để loài người tỉnh thức về tội lỗi của mình mà tu sửa, và chính Ngài đã hy sinh mạng sống của mình để cứu chuộc cho tội lỗi ấy. Nhưng sau 2500 năm, loài người tiến bộ hơn rất nhiều về sự khôn ranh làm ra của cải vật chất, nhưng đạo thì suy đồi, sự hư hỏng thì tăng lên gấp bội.

Hai, thời ấy, 2500 năm trước, lý lẽ của Mặc tử còn có người nghe, được viết thành sách để răn đời. Ngày nay có bao nhiêu Mặc tử? Nếu có, có ai thèm nghe không? Xem thế thì biết đạo suy đồi thế nào.

Vì thế khi đọc nhiều bài trên trang mạng này, https://viethungpham.com/ , tôi lấy làm cảm kích, nên cũng cố gắng phát biểu đôi lời, mong bắt chước Mặc tử mà góp được một việc nhỏ vào cái nghĩa lớn là làm cho nhiều người quan tâm tới đạo hơn, mong cho xã hội bình an hơn.

Trở lại với việc lên án sự độc ác trong những vụ án gần đây, tôi muốn lên án lòng hận thù, vì đó là điều ác đáng sợ nhất.

Đức Phật dạy: “Hận thù không bao giờ chấm dứt bởi hận thù, mà bởi tình yêu thương”. Một kẻ đem lòng hận thù là kẻ vô cùng nguy hiểm cho xã hội. Đức Phật nói: “Một người không thiện chí và bụng dạ xấu xa còn đáng sợ hơn thú dữ; vì thú dữ chỉ có thể gây thương tích đối với thể xác ta, còn kẻ xấu gây thương tích đối với tinh thần của ta”. Đối với Ngài, tinh thần mới là phần cốt lõi của con người. Ngài rất nhiều lần nhấn mạnh rằng ta suy nghĩ thế nào thì ta nên thế ấy. Suy nghĩ lành mạnh thì làm điều tốt. Suy nghĩ bệnh hoạn thì làm điều ác.

Chúa Giê-xu cũng dạy ta phải biết tha thứ, và Ngài coi đó là cách để con người tự cứu chuộc cho mình. Ngài dạy các môn đệ cầu nguyện rằng: “Xin Cha (Thượng Đế) tha tội cho con, như con cũng tha tội cho những kẻ có tội với con”. Thậm chí Chúa còn dạy nếu kẻ thù tát mình vào má trái, hãy chìa má phải cho nó tát. Khó quá, nhưng vì thế mới gọi là đạo, vì thế mới phải tu luyện. Ít ra ta có thể tiếp thu lời dạy đó ở mức ta không trả thù, vì kẻ gây oán thù là kẻ vô minh, vô đạo, và nó không biết nó vô minh, vô đạo. Ta hãy tha thứ cho nó.

Đạo của Khổng tử là Đạo Nhân. Ngài khuyến khích con người phát huy cái Nhân vón có trong bản tính của mình. Nhưng cũng có lúc Ngài đề cập đến tư tâm tư ý xấu làm mờ tối đi cái khả năng nhận biết lẽ phải, và khi đó con người trở nên xấu xa. Cụ Trần Trọng Kim giảng nghĩa điều này trong cuốn Nho Giáo như sau: “Phàm khi đã lấy tư tâm tư ý chú về việc lợi hại, hơn thiệt riêng, thì cái trực giác mờ tối đi, khiến mình không trông rõ cái thiên lý lưu hành ở trong thiên hạ nữa…”. Cái trực giác ở đây tức là cái khả năng sáng suốt nhận ra lẽ phải, khả năng phân biệt xấu/tốt. Cái thiên lý ở đây là cái lòng nhân, lòng yêu thương đùm bọc mà thiếu nó thì xã hội loài người chẳng thể tồn tại được nữa. Vì thế kẻ bất nhân là kẻ vô đạo. Cụ Trần Trọng Kim giảng: “…kẻ bất nhân thì đầy những trí thuật, rất khôn khéo, rất linh lợi, mà tình cảm đơn bạc, không chân thực, cho nên thành ra gian ác, tàn nhẫn”.

Cứ lấy những lời dạy ở trên mà xoi xét thì thấy con người phải được giáo huấn về đạo mới ra con người được. Sự học ngày nay dạy cho con người nhiều trí thuật, nhiều sự khôn khéo, nhiều sự linh lợi, nhưng rất thiếu về đạo, về lòng nhân.
Nhưng mỗi cá nhân, mỗi gia đình có thể tự khắc phục được điều này, bằng cách tự học, tự răn dạy mình. Con người không bao giờ hoàn thiện, nhưng phải gắng học để hoàn thiện hơn, đó chính là người.

NHD, 20/07/2015

4 thoughts on “GỐC CỦA ĐẠO

  1. Bài viết thật tuyệt. Và cũng thật tuyệt khi nhận thấy trong xã hội ở nơi nào cũng vẫn còn những người thầm lặng tải đạo cho đời. Cảm ơn bác Nguyễn Hoàng Dương vì những giây phút thật ý nghĩa khi đọc bài của bác….

    Thích

  2. Bài viết của chú rất chân thật, gần gũi, dễ hiểu….có lẽ nó xuất phát từ trái tim luôn đập theo nhịp trôi của xã hội và thao thức với nó.
    Cháu rất tâm đắc với bài viết này.
    Thanks!

    Thích

  3. Thời nào cũng vậy thôi, tội ác lúc nào cũng xảy ra,… thiên hạ mà càng vô đạo đức thì thánh nhân cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn, cũng như anh hùng hay lộ hình thời loạn vậy 🙂

    Ra đường thì vẫn gặp tại nạn, đọc báo thì chỉ xoay quanh tình tiền tù tội,… xã hội lúc nào cũng như vậy. Có chăng thì nên xét bản thân có xét nét quá nhiều không, vì người càng có học mà ít hành thì càng nô nệ kiến thức, càng phán xét nhiều hơn?

    Bác có thể tới những trung tâm tu phật, bác sẽ thấy giới trẻ ở đó như thế nào, và chắc bác cũng sẽ an ủi phần nào trong xã hội đông đúc thế này, và bác cũng có thể dẫn con cháu mình theo, điều này có vẻ bất khả thi :).

    Hy vọng là tác giả không nhân danh ông phật, ông khổng… đê dạy dỗ con cháu mình thì tội mấy ông lắm. Chính cái bác học được áp dụng được như là một tấm gương phản ánh những lời dạy của phật và tổ để con cháu noi theo được, thì sự truyền thừa sẽ nối mãi. Cũng như truyền thống tốt đẹp thờ cúng tổ tiên của người Việt ta, rằng tôi được nhìn lên bàn thờ dù là ai đi nữa cũng sẽ là người mà tôi tin rằng họ những người thân sẽ bảo về tôi, như một người ông luôn bảo vệ cháu con mình, và tôi cũng được bố mẹ mình kể về ông cố, ông nội mình là ai, là người như thế nào, có những tật xấu gì,… và lâu thật lâu có dịp lại được bố mình dẫn gặp mặt những con cháu của anh em của ông nội mình, điều đó thật thiêng liêng và tuyệt vời. và đương nhiên cháu cũng sẽ làm vậy với con cháu của mình.

    Cháu cảm thấy rằng bác sự học chắc đã rất nhiều, nhưng lại có cảm giác sự tu nó lại không tương xứng lắm, vì những danh từ những lời dạy bác đề cập dường dành những bậc kiểm soát tâm lâu năm may ra mới nắm bắt được. kiểm soát tâm giữ giới thực rất khó chưa nói đến định, để có thể kiến giải được những khái niệm cao hơn như vậy trong nhà phật. Ví dụ như bác đề cập “Thậm chí Chúa còn dạy nếu kẻ thù tát mình vào má trái, hãy chìa má phải cho nó tát.”, như vậy có thể nếu giết 1 người, thì đưa thêm 1 người đê giết có được không? Theo chủ quan cháu nghĩ trong trường hợp này phải như đức phật dạy là áp dụng phải đúng ngữ cảnh, đúng thời cơ hay đúng người, đúng trình độ và đúng lúc (khế lý và khế cơ), nó phải giúp ích đc gì cho đối tượng đang tác ý? chứ cứ lúc nào tát 1 bên thì cứ đưa bên kia cho tát thì chẳng biết nói sao.

    qua bài viết của bác quả thật là một nhà giáo ưu tú và luôn quan tâm nhiều cho những học trò và con cháu mình dù lúc này bác đã về hưu, chân thành kính trọng bác. cháu có 1 ít lời tương đối chủ quan mong đừng trách những lời con trẻ còn nhiều dại dột.

    Đã thích bởi 1 người

Bình luận về bài viết này