PASTEUR and HUMANITY / PASTEUR và NHÂN LOẠI

P (2)

Abstract: Pasteur once said: “My philosophy comes from the heart and not from the intellect, and I adhere to that which is inspired by the natural eternal sentiments one feels at the sickbed of a beloved child breathing his last. Something deep in our soul tells us that the universe is more than an arrangement of certain compounds in a mechanical equilibrium,…”. That is a clear rejection of Darwinian evolutionism and shows that Pasteur was a man of compassion and love. In reality, all of us are indebted to Pasteur for his discoveries and he is actually the greatest benefactor of humanity!
Tóm tắt: Pasteur có lần nói: “Triết lý của tôi xuất phát từ trái tim chứ không phải từ trí tuệ, và tôi mãi mãi gắn bó với triết lý sống bắt nguồn từ tình cảm tự nhiên mà người ta cảm nhận được bên giường bệnh của một đứa con thân yêu đang trút hơi thở cuối cùng. Một cái gì đó sâu thẳm trong tâm hồn nói với chúng ta rằng vũ trụ không chỉ là một sự sắp xếp vật chất trong một hệ cân bằng cơ học…”. Đó là sự bác bỏ rõ ràng đối với tiến hóa luận Darwin và chứng tỏ Pasteur là con người của tình yêu thương. Thực tế, tất cả chúng ta đều mắc nợ Pasteur vì những khám phá của ông và quả thật ông là ân nhân vĩ đại nhất của nhân loại!

CHÚ Ý: Toàn bộ các bài viết về SINH HÓA (bao gồm Thuyết Tiến hóa) trên trang PVHg’s Home (viethungpham.com) đã được sắp xếp đày đủ theo thứ tự thời gian tại địa chỉ sau đây:

True Biology: Nền Sinh học chân chính

………………

Chúng ta sẽ thấu hiểu lời tâm sự nói trên của Pasteur nếu biết rằng hai vợ chồng ông có 5 người con, nhưng chỉ 2 sống được tới tuổi trưởng thành, còn 3 bị chết vì bệnh thương hàn từ khi còn nhỏ. Ông đã ba lần phải ngồi bên giường bệnh của đứa con thân yêu, bất lực chứng kiến nó trút hơi thở cuối cùng. Đau thương khiến ông thấu hiểu ý nghĩa cuộc sống hơn ai hết.

P (8)Bằng trải nghiệm cá nhân, ông muốn khuyên chúng ta hãy lắng tâm trí xuống để nhìn sâu vào bên trong sự sống, từ đó sẽ ngộ ra rằng sự sống không thể chỉ là những mối liên kết vật chất cơ học giữa các hợp chất, phân tử, nguyên tử,… mà ắt nó phải mang một ý nghĩa sâu xa hơn nhiều, nếu không thì tại sao con người lại phải chịu nhiều đau khổ đến thế khi mất mát những người thân yêu? Nỗi đau ấy dạy cho con người biết rằng sự sống không đơn thuần chỉ là sự biến hóa vật chất như thuyết tiến hóa mô tả, mà còn chứa đựng những ý nghĩa cao cả hơn những gì nhìn thấy. Đó là tình yêu thương – tư tưởng tôn giáo truyền thống trong gia đình Pasteur, mà ông đã thấm nhuần. Tư tưởng ấy là cội nguồn dẫn ông tới những khám phá vĩ đại vì nhân loại.
Nhưng Pasteur không dừng lại ở triết lý. Ông là con người của hành động. Tất cả mọi công trình nghiên cứu của ông vừa có ý nghĩa lý thuyết mang tầm vóc của những nguyên lý tổng quát về sự sống, vừa có ý nghĩa thực tế phục vụ trực tiếp đời sống của con người. Không thể tưởng tượng nổi một đời người có thể có nhiều khám phá lớn như Pasteur. Khám phá nào cũng tìm thấy ứng dụng trong đời sống ngay tức khắc, và toàn những ứng dụng lớn, mang lại sức khỏe và hạnh phúc cho nhân loai, tiêu biểu nhất là Lý thuyết vi trùng hay còn gọi là Lý thuyết về mầm bệnh (theory of germs). Phải nói rằng lý thuyết vi trùng là lý thuyết mang ý nghĩa sinh tử đối với con người. Bạn có thể không biết một công trình nào khác của Pasteur, nhưng bạn không thể không biết lý thuyết vi trùng là của ông. Lý thuyết vi trùng là nét tiêu biểu và đặc trưng nhất của bức chân dung Pasteur, vì thế Đài BBC London gọi Pasteur là “nhà lãnh đạo cuộc chiến chống lại vi trùng” (The man who led the fight against germs).

LÝ THUYẾT VI TRÙNG, MỘT LÝ THUYẾT SINH TỬ

Chỉ cần xem vài trang lịch sử y học hoặc xem một vài cuốn phim đề cập đến những bệnh truyền nhiễm dẫn tới cái chết hàng loạt trong thời trung cổ, chúng ta sẽ đủ ghê sợ để nhận ra rằng việc khám phá ra vi trùng là một trong thành tựu vĩ đại nhất trong nền văn minh nhân loại, nếu không muốn nói đó là thành tựu vĩ đại nhất. Ngày nay chúng ta được hưởng thành tựu đó mà không ý thức được ý nghĩa lịch sử và nhân văn của khám phá đó thì quả thật là một sự vô tình đáng trách, nếu không phải là “vô cảm”. Để triệt tiêu cái “vô cảm” ấy, phải nhấn mạnh rằng kiến thức về vi trùng mang ý nghĩa SINH TỬ. Ấy thế mà mãi cho tới giữa thế kỷ 19, sự thật về vi trùng mới được khám phá một cách ngoạn mục bởi Pasteur. Điều đó có nghĩa là chúng ta thuộc những thế hệ rất may mắn của nhân loại, vì chúng ta sống trong thế kỷ 21. Để thấy rõ cái may mắn của mình, nên nhìn vào cái thiếu may mắn của những thế hệ trước đây, khi chưa có những khám phá của Pasteur.

P (4)Thật vây, từ xa xưa, có lẽ từ khi loài người mới xuất hiện, con người đã khao khát tìm thấy thủ phạm của bệnh tật. Người nguyên thủy có thể tìm thấy những lá cây trong rừng chữa lành những bệnh tật nào đó, nhưng họ không biết vì sao. Đó chỉ là kinh nghiệm thuần túy. Trong thời buổi rực rỡ của nền văn minh Hy Lạp cổ đại, thầy thuốc nổi tiếng Hippocrates (460 – 370 trước CN), người được coi là cha đẻ của y học Tây phương, từng cho rằng nguồn gốc của bệnh tật là những “khí xấu” thoát ra từ những khu vực đầm lầy, ao tù nước đọng. Ý nghĩ ấy tồn tại trong suốt thời gian hơn 2000 năm, mãi cho tới thế kỷ 19 mới bắt đầu được xem xét lại, nhờ có kính hiển vi – sự phát triển của công nghệ kính hiển vi giúp cho các nhà khoa học nhìn thấy thế giới sinh vật vô cùng bé mà trước đó không thể nào nhìn thấy. Điều này dẫn tới một cuộc cách mạng trong sinh học, y học nói riêng và trong khoa hoc nói chung. Khái niệm vi sinh vật bắt đầu ra đời từ đó. Rất nhiều nhà khoa học lao vào lĩnh vực nghiên cứu mới mẻ này, từ đó xây dựng nên lý thuyết về vi trùng, nhưng công lao chủ yếu vẫn thuộc về Louis Pasteur.

Pasteur trước hết là một nhà hóa học. Công trình nghiên cứu đầu tiên của ông thuộc lĩnh vực tinh thể học. Nhưng khi được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Khoa học của Đại học Lille năm 1854, ông nhận được rất nhiều đề nghị khẩn khoản từ các nhà kinh doanh và sản xuất rượu ở địa phương – họ thiết tha nhờ ông nghiên cứu và xử lý vấn đề rượu bị hỏng vì lên men. Kết quả, Pasteur đã khám phá ra rằng quá trình lên men là do vi sinh vật gây ra, ông gọi chúng là “cái men” (ferment). Công trình nghiên cứu này tạo ra một bước ngoặt trong sự nghiệp của nhà hóa học trẻ 32 tuổi, và cũng là bước ngoặt trong lịch sử nhận thức tự nhiên của nhân loại, dẫn tới những hệ luận vô cùng quan trọng sau đây:

Một, nó làm dấy lên câu hỏi “vi sinh vật ấy từ đâu mà ra?”. Đó là câu hỏi về nguồn gốc sự sống – một trong những câu hỏi triết học lớn nhất của nhân loại từ ngàn xưa. Bằng thí nghiệm đơn giản nhưng kỳ diệu mang tên “Thí nghiệm bình cổ thiên nga”, Pasteur đã chứng minh rằng sự sống chỉ có thể ra đời từ sự sống, đập tan câu chuyện hoang đường về sự hình thành sự sống tự phát (spontaneous generation) – cơ sở của Tiến hóa luận Darwin (Darwinian Evolutionism). Độc giả nào cần tìm hiểu rõ vấn đề này, xin đọc bài “Pasteur và Chúa” trên PVHg’s Home ngày 05/07/2015.

Hai, nó dẫn tới lý thuyết vi trùng (hay lý thuyết về mầm bệnh), một lý thuyết mang ý nghĩa sinh tử đối với nhân loại, vì nhờ nó mà cuộc sống của con người được cải thiện rất lớn, sức khỏe được tăng cường, rất nhiều căn bệnh chết người được chữa trị. Lý thuyết về vi trùng ngày nay đã phát triển tới một trình độ rất cao, trở thành một tòa lâu đài tráng lệ của sinh học và y học, nhưng nền tảng của nó vẫn dựa trên những nguyên lý cơ bản do Pasteur nêu lên từ giữa thế kỷ 19, bao gồm những điểm chủ yếu sau đây:
■ Trong môi trường xung quanh chúng ta tồn tại rất nhiều vi sinh vật (vi khuẩn, virus). Mật độ vi sinh vật thay đổi tùy thuộc vào hoàn cảnh môi trường (nhiệt độ, áp suất, độ ẩm, mức ô nhiễm…)
■ Vi sinh vật gây nên các hiện tượng thối rữa, lên men, bệnh tật. Vì thế chúng được gọi là các mầm bệnh. Mầm bệnh hủy hoại thực phẩm, cây cối, động vật và con người.
■ Có thể tiêu diệt mầm bệnh bằng 3 cách: 1/ thanh lọc; 2/ đun nóng hoặc đốt nóng; 3/ dùng các chất hóa học thích hợp để diệt trùng.

Sự ra đời của thuốc kháng sinh (hoặc trụ sinh) nằm trong phương pháp diệt mầm bệnh thứ ba, tức là dùng chất hóa học để diệt trùng – lý thuyết vi trùng đã kích thích cuộc chạy đua khám phá thuốc kháng sinh và thúc đẩy công nghiệp sản xuất thuốc kháng sinh. Đó là một cuộc cách mạng trong dược phẩm.

Quả thật, khó có lý thuyết nào có thể sánh với lý thuyết vi trùng về mức độ ứng dụng, và cũng khó có thể nói ứng dụng nào là lớn nhất. Tất cả đều lớn, đều quan trọng, như chúng ta sẽ thấy sau đây.

PASTEURISATION, kỹ thuật diệt khuẩn để bảo vệ thực phẩm

Pasteurisation tức là “pasteur-hóa”, đó là kỹ thuật diệt mầm bệnh bằng phương pháp đun nóng, được Pasteur tìm ra và áp dụng lần đầu tiên trong quá trình xử lý rượu lên men. Rượu chỉ cần đun nóng tới 50-60 độ C là đủ để diệt khuẩn, sau đó giữ kín để không tiếp xúc với không khí, rượu sẽ không bị lên men nữa và giữ được rất lâu. Kỹ thuật này nhanh chóng được áp dụng cho tất cả các loại thực phẩm khác có nhu cầu bảo quản lâu dài.

Không thể tưởng tượng nổi cuộc sống ngày nay sẽ ra sao nếu không có “pasteurisation”. Không có nó, chúng ta sẽ thường xuyên phải lo lắng vì tình trạng thực phẩm thiu thối. Sau khi áp dụng kỹ thuật pasteur-hóa, kết hợp với kỹ thuật làm lạnh, thực phẩm ngày nay được bảo quản rất lâu dài, chúng ta được hưởng một đời sống tiện nghi hơn hẳn so với ngày xưa, sức khỏe được tăng cường, tuổi thọ tăng lên, đó là lý do để tất cả chúng ta phải chịu ơn Pasteur. Nền kinh tế cũng được hưởng lợi rất lớn từ khám phá của Pasteur. Nếu mỗi lợi nhuận kinh tế trong ngành công nghiệp thực phẩm phải trả cho Pasteur một khoản tiền bản quyền phát minh, ông sẽ trở thành đại tỷ phú. Nhưng Pasteur đã hiến dâng thành tựu khoa học của mình cho nhân loại một cách vô vụ lợi. Ông nói: “Khoa học không phân biệt quốc gia, vì tri thức thuộc về nhân loại, và là ngọn đuốc sáng soi thế giới” (Science knows no country because knowledge belongs to humanity, and is the torch which illuminates the world).

Từ PASTEUR đến LISTER – Cuộc cách mạng tẩy trùng trong phẫu thuật

Joseph Lister là một nhà phẫu thuật nổi tiếng người Anh thế kỷ 19, được xem như cha đẻ của phẫu thuật học hiện đại vì đã tạo nên một cuộc cách mạng trong phẫu thuật học, cứu được rất nhiều mạng sống nhờ thực hiện một quy trình tẩy trùng nghiêm ngặt, dựa trên những hiểu biết về lý thuyết vi trùng.

Đối với nhiều người, việc tẩy trùng trong bệnh viện ngày nay là một thủ tục tất yếu, tự nhiên và bình thường đến nỗi không cần phải tìm hiểu xem tại sao phải làm như thế. Nhưng nếu chịu khó tìm hiểu nỗi đau đớn của những người bị thương tật mà không được tẩy trùng sẽ khổ sở như thế nào, thậm chí mạng sống nguy kịch như thế nào, hẳn sẽ thấy việc tẩy trùng quan trọng và có ý nghĩa nhân bản lớn đến chừng nào.

Lister copyLịch sử y khoa cho biết trước khi khoa học tẩy trùng ra đời, từ 80 đến 90% bệnh nhân được mổ bị chết, không phải vì bác sĩ phẫu thuật kém, mà vì vết mổ bị nhiễm trùng sau khi mổ, dẫn đến tử vong. Người đầu tiên nêu lên yêu cầu tẩy trùng trong phẫu thuật là Joseph Lister, giáo sư Đại học Glasgow ở Anh..

Mãi cho tới trước khi Lister nêu lên các quy tắc tẩy trùng, mọi người vẫn cho rằng việc thối rữa tại các vết thương là do vết thương tiếp xúc với “khí xấu”, tại đó xẩy ra những phản ứng hóa học hủy hoại vết thương. Vì thế, để bảo vệ vết thương khỏi thối rữa, đơn giản chỉ cần lùa “khí xấu” trong buồng bệnh ra bên ngoài, trong khi các bác sĩ y tá tham gia phẫu thuật không cần phải rửa tay, dụng cụ y tế không cần phải trải qua những thủ tục tẩy rửa vệ sinh gì hết. Thậm chí không thể tin được là các bác sĩ phẫu thuật thời ấy (khi chưa có yêu cầu tẩy trùng) còn lấy làm tự hào với những chiếc áo blouse họ mặc bị vấy bẩn vì mổ xẻ, không cần thay áo khi tiếp tục công việc, vì đó là bằng chứng đáng tự hào về trình độ và uy tín nghề nghiệp (!). Điều này có vẻ như một chuyện kỳ dị, nhưng đó là một sự thật trước khi có lý thuyết vi trùng.

Nhưng tình trạng đau đớn và tử vong của những bệnh nhân sau phẫu thuật làm bác sĩ Lister đau lòng. Ông để tâm suy nghĩ. Một hôm, ánh sáng đã đến với ông khi ông đọc một bài báo của nhà hóa học Louis Pasteur, chỉ ra rằng sự lên men và thối rữa thực phẩm có thể xẩy ra trong điều kiện yếm khí nếu có sự hiện diện của vi sinh vật. Lister lập tức nghĩ rằng sự thối rữa tại các vết thương cũng tương tự như sự lên men hoặc thối rữa thực phẩm, có nghĩa là cũng do vi sinh vật gây ra, và để chống lại sự thối rữa đó cũng phải áp dụng những phương pháp diệt khuẩn như Pasteur đã làm. Ông nhận thấy 2 phương pháp tẩy trùng đầu tiên do Pasteur nêu lên (thanh lọc và đốt nóng) không thể áp dụng với con người, vậy chỉ có thể áp dụng phương pháp thứ 3, tức là sử dụng các chất hóa học. Ông đã tiến hành các thí nghiệm để xác nhận kết luận của Pasteur và ông thấy hoàn toàn đúng. Ngay lập tức ông quyết định áp dụng những khám phá của mình vào việc điều trị cho bệnh nhân. Cụ thể, ông đã thử nghiệm một loạt động tác tẩy trùng bằng acid carbolic, cho acid đó tiếp xúc trực tiếp với vết thương, phun dung dịch acid này lên dụng cụ mổ xẻ, phun vào vết cắt mổ, phun lên quần áo của y bác sĩ tham gia mổ xẻ, đắp lên vết thương một miếng gạc thấm dung dịch acid này,… Kết quả thật kỳ diệu: Vết thương không bị thối rửa và mau lành. Một thắng lợi vĩ đại của y khoa!

Lịch sử y học ghi nhớ Tháng 08/1865, Lister đã đắp một miếng vải lint thấm acid carbolic lên vết thương của một bé trai 7 tuổi tại bệnh viện Glasgow, em gãy chân vì bị bánh xe của một xe ngưa chạy đè qua. Sau bốn ngày ông thay băng cho em bé và nhận thấy vết thương đã xe lại. Sau sáu tuần ông vui mừng khi thấy xương của em bé tự liền lại, không hề có hiện tượng mưng mủ. Ông công bố kết quả đó trên tờ The Lancet với một loạt 6 bài báo, từ Tháng 3 tới Tháng 7 năm 1867. Và đó là ngày đánh dấu sự ra đời của khoa tẩy trùng trong y học hiện đại.

Ông ra lệnh cho các bác sĩ phẫu thuật dưới quyền ông phải rửa tay bằng dung dịch acid carbolic 5% trước khi mổ, đeo găng sạch trong khi mổ và lại rửa tay bằng dung dịch acid đó sau khi mổ. Dụng cụ mổ cũng được tẩy trùng bằng dung dịch acid đó. Toàn bộ đội ngũ phụ mổ, y sĩ, y tá tham gia ca mổ cũng đều được phun dung dịch acid đó lên quần áo. Khi lý thuyết về mầm bệnh được công nhận rộng rãi trên toàn Âu Chấu thì phương pháp tẩy trùng trong phẫu thuật cũng chính thức được thừa nhận. Năm 2012 vừa qua, trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của Joseph Lister, ông đã được thừa nhận như “người cha của phẫu thuật hiện đại”. Nhưng chính Joseph Lister, người đưa lý thuyết về vi trùng vào bệnh viện, đã phát biểu: “Chính Pasteur là người đã vén bức màn che đậy các bệnh truyền nhiễm từ bao thế kỷ nay”.

Mối quan hệ giữa Pasteur và Lister là một biểu hiện sớm sủa của tinh thần hợp tác quốc tế cao đẹp trong khoa học. Từ 1864 đến 1896, Lister nhiều lần giới thiệu, trình bầy tỉ mỉ, nhắc đi nhắc lại các khám phá của Pasteur với công chúng Anh, phân tích ý nghĩa của các công trình đó cho cộng đồng y khoa Anh. Ngược lại, Pasteur cũng nhiệt liệt ủng hộ và giới thiệu những ứng dụng khoa học của Lister trong phẫu thuật cho cộng đồng y khoa Pháp, không kể những ủng hộ cá nhân đối với Lister trong mọi trường hợp.

Nếu câu chuyện về Lister và khoa phẫu thuật chưa đủ để tôn vinh Pasteur như một bác sĩ y khoa thì những sự thật sau đây buộc người đời phải gán cho ông danh hiệu đó.

Từ BỆNH THAN đến SỰ RA ĐỜI CỦA VACCINE và MIỄN DỊCH HỌC

Bệnh Than (Anthrax) là một loại bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng ở cừu và bỏ, có thể lây sang người, gây ra những lở loét trên da hoặc viêm phổi nặng. Trong thế kỷ 19, bệnh này từng gieo rắc nỗi đau thê thảm cho súc vật và các chủ trại chăn nuôi. Khi đàn súc vật của họ nhiễm bệnh, các chủ trại chỉ biết buồn bã bất lực đứng nhìn những con vật của mình yếu dần rồi chết, không có cách gì cứu chữa và cũng không hiểu nguyên nhân vì sao. Trớ trêu thay, mọi bác sĩ đều bó tay, trong khi nhà hóa học Pasteur lại được cầu cứu, cứ như một thần y vậy. Một lần nữa, Pasteur lại nghĩ đến những thủ phạm vi sinh vât. Ông nhanh chóng cách ly được những vi khuẩn gây ra bệnh than. Nhưng làm thế nào để cứu súc vật nếu chúng bị loài vi khuẩn này tấn công? Chúng không phải là rượu để ông có thể diệt khuẩn bằng cách đun nóng. Pasteur ngày đêm suy nghĩ, ông phải giải một bài toán quá khó!

Nhưng… trong một tia chớp của trực giác lóe lên, ông nghĩ ra một lời giải thần kỳ: nếu những vi khuẩn này bị làm yếu đi rồi cho xâm nhập vào cơ thể súc vật, chúng sẽ kích thích cơ thể súc vật tạo ra một lượng miễn dịch đủ sức tiêu diệt chúng, trong khi chúng không đủ sức giết chết con vật. Nói cách khác, dường như thiên thần mách bảo Pasteur rằng loại vi khuẩn đã bị làm yếu này sẽ “dạy” cho cơ thể súc vật học được cách chống lại loại vi khuẩn đó, ngay cả khi bị vi khuẩn khỏe mạnh xâm nhập. Sau khi suy nghĩ kỹ và tin chắc vào lý thuyết của mình, Pasteur dám tổ chức một cuộc thí nghiệm công khai để chứng minh giả thuyết của mình là đúng.

Ông lấy ra 50 con cừu và tiêm một loại vi khuẩn anthrax đã bị làm yếu vào 25 con. Sau một thời gian đủ để 25 con được tiêm ấy “làm quen” với vi khuẩn, ông lại cho cả 50 con ấy vào trong một tình trạng nhiễm vi khuẩn anthrax bình thường, rồi chờ đợi diễn biến. Dư luận bắt đầu xì xào bàn tán, nhiều người nghi ngờ cho rằng ông sẽ thất bại, thậm chí đã có nhiều kẻ nguyền rủa ông là thằng điên! Nhưng trước sự chứng kiến của đám đông dân chúng ở nông thôn, Pasteur dám quả quyết tuyên bố chỉ khi nào 100% các con vật đã được tiêm vẫn mạnh khỏe thì lý thuyết của ông mới đúng. Nghĩa là nếu có một con vật đã được tiêm mà chết thì lý thuyết vẫn chưa đủ tin cậy. Bản thân ông cũng có một chút lo lắng. Đêm hôm ấy ông thức trắng để chờ đợi kết quả. Sáng hôm sau, một bức điện gửi tới: “Thắng lợi kỳ diệu!”. Tất cả 25 con vật được tiêm đều mạnh khỏe; tất cả 25 con không được tiêm đều chết. Những người chỉ trích ông vây quanh ông như những kẻ tội lỗi ăn năn hối hận, những người ủng hộ ông thì reo mừng vỡ trời đất. Các chủ trại là những người biết ơn Pasteur nhiều nhất; rốt cuộc bệnh than quái ác đã có cách vô hiệu hóa!

Với phương pháp mới này, Pasteur không chỉ được xem như một thần y đã vô hiệu hóa bệnh than, mà còn là một thần y sáng tạo ra một phương pháp ngăn ngừa bệnh tật hoàn toàn mới, được gọi là “vaccination” – tức là tiêm chủng / tiêm phòng / trích ngừa!

Nguyên lý cơ bản của phương pháp này bao gồm mấy bước chủ yếu sau đây: 1/ Nhận dạng vi khuẩn gây bệnh; 2/ Làm yếu chúng; 3/ Tiêm vi khuẩn đã bị làm yếu vào những đối tượng cần phòng bệnh.

Với phương pháp mới này, hàng loạt bệnh tật chết người do vi khuẩn gây ra đều được ngăn ngừa. Đó là một cuộc cách mạng vĩ đại trong y học, chỉ ra một con đường mới vô cùng sáng lạn cho các thầy thuốc thực hiện sứ mệnh cứu người. Bản thân Pasteur tìm ra vi khuẩn dịch tả (cholera), một loại vi khuẩn từng gây nên cái chết hàng loạt đối với con người trong quá khứ. Không có một khám phá nào khác trong lịch sử y khoa có thể cứu được một số người nhiều như lý thuyết về vi trùng, một lý thuyết dẫn tới khoa học về miễn dịch. Vì thế, mặc dù là một nhà hóa học, Pasteur hoàn toàn xứng đáng được xem như nhà sáng lập của y học hiện đại. Trong những năm tiếp theo, ông lại gặp một thách thức lớn hơn nhiều, đó là bệnh dại!

BỆNH DẠI (RABIES) và SỰ KHÁM PHÁ RA VIRUS

Bệnh dại là một bệnh do virus gây nên. Virus cũng là vi sinh vật, nhưng nhỏ hơn vi khuẩn rất nhiều – nhỏ đến nỗi những kính hiển vi trong thời Pasteur không thể nhìn thấy. Sự thiếu vắng bắng chứng hiển thị đã trở thành một mối đe dọa làm sụp đổ lý thuyết vi trùng. Đó là một thách thức lớn đối với Pasteur. Nhưng ông vẫn tin rằng nguyên nhân gây bệnh ắt phải là một dạng vi sinh vật nhỏ bé. Do đó ông vẫn tiến hành quy trình làm yếu nó. Đó là một công việc cực kỳ khó khăn, với nhiều khởi đầu thất bại và kết thúc không thành công. Nhưng dường như có một sự tiếp sức thần kỳ để ông tiếp tục công việc một cách hào hứng say mê. Đối với ông, “Điều duy nhất có thể mang đến niềm vui là công việc” (The only thing that can bring joy is work). Vì thế, cuối cùng ông vẫn thành công trong việc điều trị bệnh dại đối với chó.

Nhưng một hôm bỗng có tiếng gõ cửa. Một bà mẹ với vẻ mặt lo lắng thất thần xuất hiện với đứa con là Joseph Meister bị chó dại cắn. Bà mẹ khẩn cầu Pasteur cứu con mình. Ông nói ông chưa sẵn sàng chữa bệnh này cho con người, ông mới chỉ thành công với súc vật. Nhưng bà mẹ và các bác sĩ khác đều vật nài ông rằng nếu không làm gì thì Joseph sẽ chết. Bệnh dại là bệnh làm chết người! Chẳng còn gì để mất, Joseph đồng ý làm một bệnh nhân thí nghiêm, và nhà bác học nhân từ Louis Pasteur nhận ra rằng chỉ có một cơ hội duy nhất này để đánh cược với sứ mạng cứu người. Một lần nữa ông lại treo uy tín và thanh danh của ông trên sợi tóc. Ông tiêm một loạt vaccine phòng dại (đã thử nghiệm thành công với chó) vào bệnh nhân không hẹn trước này. Ông xót xa chứng kiến tình trạng tuyệt vọng của hai mẹ con Joseph và lo lắng thí nghiệm của mình thất bại. Bệnh dại thường không biểu lộ ngay, mà phải sau một thời gian. Thường là một tháng. Vậy phải chờ đợi kết quả. Chao ôi, mỗi ngày trong khoảng thời gian chờ đợi đó là mỗi ngày hành hạ cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân. Nhưng rồi cái gì đến phải đến, một tháng đã trôi qua, Joseph Meister vẫn khỏe mạnh, không có một triệu chứng gì của bệnh dại, và cậu trở thành người đầu tiên trong lịch sử được cứu khỏi bệnh dại. Tin tức lan truyền rất nhanh, bệnh nhân bị chó dại cắn lũ lượt kéo đến phòng thí nghiệm của Pasteur, lần đầu tiên những người không may mắn đó có hy vọng thoát khỏi một cái chết chắc chắn khổ sở và đau đớn. Pasteur một lần nữa trở thành một anh hùng của nước Pháp và thế giới!

KHỦNG HOẢNG TƠ TẰM

Cuối thế kỷ 19, Pháp là một cường quốc sản xuất lụa tơ tằm, ngành công nghiệp này mang lại một nguồn thu nhập đáng kể cho đất nước. Nhưng năm 1865, công nghiệp tơ tằm của Pháp lâm vào khủng hoảng nặng nề vì một căn bệnh tấn công vào những con tằm, hoặc giết chúng hoặc vô hiệu hóa khả năng sản xuất lụa của chúng. Những con tằm mắc bệnh xuất hiện với nhiều đốm đen nhỏ, vì thế bệnh này được gọi là bệnh “pebrine” (hạt tiêu, pebrine là một biến âm của pepper). Không phải các bác sĩ, mà nhà hóa học Louis Pasteur lại được cầu cứu.

Ban đầu ông đề nghị hủy bỏ toàn bộ những con tằm đã bị nhiễm bệnh với hy vọng căn bệnh chúng mang theo cũng sẽ bị loại bỏ. Nhưng giải pháp này không thành công. Những con tằm trông bề ngoài khỏe mạnh cuối cùng vẫn đẻ ra những con tằm con mắc bệnh. Điều đó có nghĩa là việc xác định triệu chứng bệnh rất khó khăn, và bài toán trở thành một thách thức lớn. Tuy nhiên, sau ba năm kiên trì nghiên cứu, Pasteur và các học trò của ông cuối cùng đã khám phá ra rằng tằm không chỉ bị một loại vi khuẩn tấn công mà hóa ra bị hai loại vi khuẩn tấn công. Những con tằm khỏe mạnh sẽ bị nhiễm bệnh nếu chúng ăn những chiếc lá có phân của những con mắc bệnh. Bệnh này được gọi là “flacherie” sẽ gây nhiễm trùng đường ruột của con tằm, một dạng của bệnh tiêu chẩy chết người.

Một khi tác nhân gây bệnh của vi khuẩn đã được xác định, Pasteur và các đồng nghiệp của ông có thể loại bỏ chính xác tất cả những con tằm nhiễm bệnh, chỉ để lại những con hoàn toàn khỏe mạnh. Từ đó chúng sinh sôi nẩy nở thành những thế hệ mới khỏe mạnh. Pasteur và các học trò của ông đã cứu được nền công nghiệp tơ tằm của Pháp. Nhà nước Pháp chính thức công nhận thành tựu khoa học này và trao tặng nhóm nghiên cứu của Pasteur một phần thưởng rất lớn.
…………………..

Viết đến đây, tôi đã thấm mệt, vì bài viết đã quá dài. Nếu tiếp tục thảo luận về những đóng góp của Pasteur cho khoa học, e rằng câu chuyện sẽ kéo rất dài,… Vì thế, phải tìm một cái kết cho câu chuyện. Nhưng phải là một cái kết xứng đáng với tầm vóc khổng lồ của ông.

PASTEUR, MỘT NGƯỜI KHỔNG LỒ YÊU NHÂN LOẠI

Với ý tưởng tìm một cái kết tương xứng với một nhân vật khổng lồ như Pasteur, tôi nghĩ tới cuốn sách “On Giants’ Shoulder” (Trên vai những người khổng lồ) của Melvyn Bragg, một ký giả khoa học nổi tiếng người Anh. Bragg trình bầy tiểu sử của 12 nhà khoa học khổng lồ trong nền văn minh nhân loại từ cổ đại tới hiện đại, tức 12 nhà khoa học vĩ đại nhất của mọi thời đại, nhưng… cuốn sách quý hóa đó không có tên Pasteur, mặc dù trong bài viết về Henri Poincaré, Bragg có nhắc đến một sự kiện sau đây: trong một cuộc thăm dò dư luận ở Pháp, người ta đặt ra một câu hỏi để phỏng vấn trẻ em (những đối tượng được coi là ngây thơ trong sáng và chân thật nhất) rằng “ai là người Pháp nổi tiếng nhất?”. Kết quả: 70% trả lời ngay “Louis Pasteur”.

Điều ấy nói lên cái gì? Nó nói lên rằng bản danh sách của Bragg mang tính chủ quan, không đại diện cho mọi người. Cách nhìn thế giới của mỗi người mỗi khác. Quan điểm của con người luôn luôn mang tính chủ quan. Đó là điều bình thường, không có gì đáng ngạc nhiên. Ngay cả các giải thưởng lớn như Giải Nobel cũng còn chủ quan và sai lầm, huống chi một danh sách do một cá nhân nêu lên. Vậy Bragg sai hay đúng?

Theo tôi, vừa sai vừa đúng. Sai vì một người khổng lồ như Pasteur mà bỏ quên thì toàn bộ cuốn sách của ông trở nên thiếu khách quan và kém giá trị. Đúng vì ông nói theo cảm xúc của chính ông. Đọc cuốn đó, tôi thấy ông có phần thiên vị khoa vật lý và toán học. Nhân vật khổng lồ trong toán học và vật lý chiếm tỷ lệ 7/12, trong khi hóa học 1/12, tâm lý học 1/12, sinh học 3/12. Tôi thông cảm với Bragg, vì thực ra tôi cũng từng có xu hướng suy nghĩ tương tự.

Tóm lại không thể có một danh sách tuyệt đối dành cho mọi người. Mỗi danh sách đều có một xu hướng thiên vị, vì những lý do nhất định nào đó. Vấn đề là thiên vị cái gì? Sự thiên vị ấy có ý nghĩa gì không?
Trong tay tôi hiện có 4 bản danh sách những nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại, bao gồm cả danh sách của Melvyn Bragg, trong đó có 3 danh sách nhắc đến Louis Pasteur. Tuy nhiên không có danh sách nào thực sự làm tôi hài lòng, vì tiêu chí đánh giá nói chung đều phiến diện.

Vậy tôi xin nêu lên một tiêu chí: nhà khoa học vĩ đạt nhất của mọi thời đại phải là người có những công trình khoa học vĩ đại mang tầm vóc những nguyên lý phổ quát của vũ trụ, đồng thời những nguyên lý ấy phải mang lại những ứng dụng thực tiễn vĩ đại, phục vụ trực tiếp lợi ích của nhân loại, nâng cao đời sống của con người, cứu được nhiều mạng sống, được mọi người yêu mến, tôn kính và biết ơn.

Với tiêu chí ấy, Louis Pasteur phải đứng đầu mọi danh sách!

■ Định luật bất đối xứng của sự sống và Định luật sự sống chỉ nẩy sinh từ sự sống là những nguyên lý phổ quát trong vũ trụ, chẳng khác gì Định luật vạn vật hấp dẫn hoặc Thuyết Tương đối tổng quát,…

■ Lý thuyết vi trùng là lý thuyết mang lại những ứng dụng khổng lồ, tạo nên một cuộc cách mạng trong y học và đem lại những hiệu quả kinh tế và đời sống không sao kể hết.

Bản thân tôi, trước đây từng yêu mến Pasteur, nhưng còn hiểu biết rất ít về ông. Nhưng chỉ cần dành một chút công sức để tìm hiểu, nghiên cứu về ông, tôi giật mình kinh hãi, không thể tưởng tượng nổi một đời người có thể làm được bấy nhiêu việc vĩ đại đến như thế. Nhiều lúc tôi buộc phải nghĩ rằng ông là sứ giả của Chúa phái xuống để cứu nhân loại nên mới có thể có khả năng trí tuệ và nghị lực phi thường đến như vậy. Khi vỡ nhẽ mọi chuyện, tôi ân hận rằng nhiều năm qua tôi đã quá vô tình với ân nhân của mình.

Vâng, tôi từng được tiêm chủng để ngừa bệnh tật, từng được thưởng thức rượu ngon, thực phẩm ngon, không bị thiu thối, tôi không thể không biết ơn ông. Đặc biệt ngày 12/06/2015 vừa qua, tôi trải qua một cuộc phẫu thuật dạ dầy, cắt bỏ một khối u. Cuộc phẫu thuật diễn ra tốt đẹp, nay tôi đã bình phục, khỏe mạnh trở lại. Tôi biết ơn các bác sĩ, y tá đã cứu chữa cho tôi. Tôi biết ơn gia đình đã chăm sóc tôi chu đáo. Tôi biết ơn bạn bè đã hỏi thăm động viên tôi. Trên hết, tôi biết ơn Chúa, và tôi thực sự biết ơn Louis Pasteur và Joseph Lister rất rất nhiều vì các công trình khoa học của các ông về tẩy trùng trong phẫu thuật. Không có các ông, bệnh nhân phẫu thuật sẽ phải đối mặt với tử thần! Tất cả nhân loại phải biết ơn lý thuyết về vi trùng. Không có nó, chúng ta không thể có sự bình an như hôm nay.

Một nhân vật vĩ đại như Pasteur hiển nhiên phải được tôn vinh ngay từ khi còn đang sống. Cuối đời, ông sống trong những cơn mưa rào của các giải thưởng và những tôn vinh rực rỡ ánh hào quang. Hồi đó chưa có Giải Nobel. Nếu có, không biết ông sẽ đoạt giải bao nhiêu lần?

■ Khám phá về tính bất đối xứng của sự sống có đáng Giải Nobel không? Nó chỉ ra ranh giới giữa thế giới sống và thế giới không sống đấy!
■ Khám phá ra nguyên lý cơ bản rằng sự sống chỉ có thể nẩy sinh từ sự sống có đáng Giải Nobel không? Nó chỉ ra một nguyên lý đụng cham đến nguồn gốc sự sống đấy!
■ Lý thuyết về mầm bệnh với hàng loạt ứng dụng to lớn, cứu được hàng triệu người (tính đến nay phải hàng tỷ người) đáng bao nhiêu Giải Nobel y khoa?
■ Có đáng tặng một Giải Nobel y khoa cho 2 người là Louis Pasteur và Joseph Lister vì tìm ra quy trình tẩy trùng trong phẫu thuật, giảm thiểu tới 80% bệnh nhận chết sau phẫu thuật không?

Cá nhân tôi, tôi nghĩ Pasteur không đứng trong bất cứ một danh sách xếp hạng nào của các danh nhân khoa học, vì… ông vượt lên trên mọi danh sách đó. Thực ra ông đạt tới bậc Thánh rồi.

Khi ông mất, Nhà nước Pháp đã tổ chức lễ quốc tang. Nhưng thay vì được chôn cất tại Điện Panthéon, nơi chôn cất các danh nhân của nước Pháp, người ta đã chôn cất ông trong hầm đại thánh đường Notre Dame de Paris. Ôi, còn nơi nào mát mẻ hơn cho linh hồn của người đã khuất bằng khuôn viên Nhà Thờ?

P (10)Tôi chưa rõ vì sao có quyết định này. Nhưng tôi biết rõ Pasteur là một người công giáo có đức tin nhiệt thành. Ông giữ Đạo của tổ tiên, của cha mẹ không chỉ theo truyền thống “Đạo gốc”, mà còn bằng Đức tin sâu sắc của chính ông. Khoa học không làm ông xa rời Đạo, mà ngược lại, càng tin vào Đạo nhiều hơn. Những người có đầu óc ngây thơ hoặc tự phụ sẽ không hiểu được điều đó, nhưng Pasteur đã giải thích:
Ít khoa học thì xa rời Chúa, nhiều khoa học sẽ quay về với Chúa” (Un peu de science éloigne de Dieu, mais beaucoup y ramène).

Ông lấy làm tự hào khi thấy những công trình nghiên cứu của mình ủng hộ sự hiện hữu của Chúa và điều đó làm cho những người vô thần phải bối rối.

■ Thật thế, Định luật bất đối xứng của sự sống do ông khám phá là một thách đố đối với tư tưởng vô thần. Khám phá ấy ra đời từ năm 1848, đến nay đã trải qua 167 năm, nhưng không ai giải thích nổi tại sao sự sống lại chỉ thuận tay trái, trong khi xác suất hai tay là như nhau [ để hiểu rõ, xem “Pasteur và Chúa” trên PVHg’s Home]. Điều này buộc phải cho rằng có một Thiết kế Thông minh để sự sống phải như thế. Thiết kế ấy phải có tác giả, và tác giả chỉ có thể là một Đấng Siêu Việt. Đối với Pasteur, nhà thiết kế vĩ đại ấy là Chúa, mà tổ tiên cha ông của ông và chính bản thân ông hàng ngày cầu nguyện.

■ Định luật về sự sống chỉ ra đời từ sự sống cũng đẩy các nhà khoa học theo thuyết tiến hóa đến chỗ bế tắc, vì họ không thể nào giải thích nổi sự hình thành của sinh vật đầu tiên, để từ đó tiến hóa thành những sinh vật cao cấp hơn như mô hình họ vẽ ra. Pasteur không cần che đậy vẻ đắc thắng đối với họ. Ông nói: “Thật khốn cho những người mà triết học của họ bị những khám phá của tôi làm cho bối rối” (Tant pis pour ceux dont les idées philosophiques sont gênées par mes études).

P (5)Tôi e rằng những bộ óc xuất sắc thời nay như Stephen Hawking cũng không hiểu gì về Pasteur nên mới có thể phát biểu nhiều ý kiến tự phụ vô thần như ông từng phát biểu. Hawking đang ngồi trên chiếc ghế của Paul Dirac ngày xưa, xa hơn nữa đó là chiếc ghế của Isaac Newton, nhưng Hawking khác hẳn những vị tiền nhiệm của mình. Dirac từng phát biểu rằng Chúa thiết kế ra vũ trụ theo những định luật toán học. Còn Newton là một tín đồ Thiên Chúa giáo nhiệt thành. Ông tìm ra Định luật vạn vật hấp dẫn, cho phép giải thích chuyển động của các hành tinh xung quanh Mặt Trời, nhưng khi bị chất vấn tại sao các hành tinh ấy có chuyển động quán tính ban đầu, nếu không chúng sẽ bị dính chặt vào Mặt Trời, Newton đáp ngay: “Đó là cú hích của Chúa!”. Xem thế đủ biết Newton, Dirac có nhiều khoa học hơn Hawking!

Tôi không rõ Hawking có bao giờ đọc về Pasteur hay không? Nếu đọc, ông có thán phục Pasteur hay không? Nếu thán phục, ông sẽ nghĩ gì về phát biểu của Pasteur sau đây:
Càng nghiên cứu tự nhiên, tôi càng sững sờ thán phục công trình của Đấng Sáng Tạo” (Plus j’étudie la nature et plus je suis émerveillé par les travaux de Notre Créateur).

Với Pasteur, không có Chúa trong lòng sẽ là một thiệt thòi lớn. Ông nói: “Phúc cho ai có Chúa ở trong lòng, như một lý tưởng, và vâng theo lý tưởng đó” (Blessed is he who carries out within himself a God, an ideal, and obeys it). Lời bất hủ này làm tôi nhớ tới lời của Chúa Jesus: “Phúc cho ai không thấy mà tin”.

P (11)Chính vì tuyệt đối vâng theo lý tưởng của mình, Pasteur đã hướng mọi nghiên cứu của ông vào việc phụng sự nhân loại, bởi vì nội dung cốt lõi của Đức tin Thiên Chúa giáo là yêu thương tha nhân. Số lượng khổng lồ của các khám phá của ông, cùng với ý nghĩa nhân bản của các khám phá ấy chính là tuyên ngôn yêu thương nhân loại của ông.

Ông không chỉ yêu nhân loại chung chung. Ông yêu cả những con người cụ thể. Phải là người rất yêu trẻ em mới có thể cất lên lời sau đây: “Khi tới tới cạnh một em bé, em gây ra ở tôi hai tình cảm: sự dịu dàng thương mến vì những gì em đang có, sự nể trọng vì những gì em sẽ trở thành trong tương lai”. Ông thương những em bé bị chó dại cắn, ông thương những chủ trại chăn nuôi gia súc khốn khổ với bệnh dịch của suc vât. Ông quyết tâm cứu họ, và đã cứu được.

P (7)Nhưng sẽ là thiếu sót lớn khi ca ngợi tình yêu nhân loại của ông mà quên không nhắc đến tình yêu của ông đối với gia đình. Ông đau đớn vì những đứa con bị mất đến nỗi quyết tâm tìm cách chữa trị những bệnh truyền nhiễm. Với người vợ tận tụy của ông, bà Marie, ông suốt đời yêu thương và trung thành. Bà không chỉ là người nội trợ chu đáo, mà thực sự là một người bạn đời của ông theo nghĩa cao quý nhất. Bà vừa là người bạn, vừa là người thư ký giúp việc cho ông trong công việc nghiên cứu viết lách. Lúc ông lên cơn đột quỵ để rời khỏi thế gian, một tay ông nắm tay vợ, tay kia cầm một chuỗi tràng hạt (Ông đọc kinh lần tràng hạt đều đặn như bất cứ một con chiên ngoan đạo nào).

Trên đời chẳng có gì là hoàn thiện, không có ai hoàn thiện. Nhưng trong con mắt của tôi, Louis Pasteur là một người hoàn thiện. Ông là một bậc Thánh, có lẽ vì thế Nhà Thờ ở Pháp đã dành cho ông một căn hầm đẻ gìn giữ thi hài ông. Tôi đã đến thăm Nhà Thờ đó, nhưng khi ấy tôi không biết có mộ Pasteur ở đó. Tôi ân hận vô cùng. Giá như tôi được chạm vào mộ ông để cầu nguyện cho ông, và để xin ông làm phép lạ, tiếp tục giúp đỡ nhân loại tìm ra những phương pháp chữa bệnh mới, như khi ông còn sống, thì thật là diễm phúc cho nhân loại.

J.PVHg, Sydney ngày 14/07/2015

 

7 thoughts on “PASTEUR and HUMANITY / PASTEUR và NHÂN LOẠI

  1. 1. Pasteur là một nhà khoa học thiên tài trong lĩnh vực Hóa- Sinh- Y. Ông là một vị Thánh theo nghĩa Công giáo và là một vị Bồ tát theo nghĩa Phật giáo. Ngoài Ông ra, có lẽ tôi chưa thấy một nhà khoa học nào đạt được những danh hiệu cao cả đó. Cảm ơn nước Pháp đã sản sinh ra những con người vĩ đại như vậy.

    2. Một học trò xuất sắc của Pasteur có duyên với Việt Nam đó là Yersin, người phát hiện ra trực khuẩn bệnh dịch hạch tại Hongkong. Ông là người sáng lập Đại học Y đầu tiên tại Hà Nội. Suốt đời Yersin gắn bó với Nha Trang. Ông sống độc thân và nghiên cứu khoa học, chữa bệnh cho dân chúng quanh vùng. Ông cũng được dân tôn vinh như một vị Thánh và một vị Bồ tát.

    3. Chúng ta cũng cần tôn vinh Alexander Fleming (giải Nobel 1945), người đã tìm ra kháng sinh từ chủng nấm có tên là Penecillinum. Kháng sinh này đã cứu sống nhiều triệu sinh mạng trong Đại chiến thế giới II và mở ra “kỷ nguyên kháng sinh” góp phần nâng cao tuổi thọ và sức khỏe thể chất con người.

    4. Ngày nay, phòng mổ, dụng cụ phẫu thuật…phải được khử trùng cẩn thận. Tuy nhiên sau phẫu thuật thì việc dùng kháng sinh là bắt buộc để chống nhiễm trùng hậu phẫu.

    5. Virut nhỏ hơn vi khuẩn (vi trùng) nhiều. Virut không có cấu trúc tế bào như vi khuẩn. Virut muốn nhân bản phải thâm nhập vào tế bào vật chủ và sử dụng vật chất có trong tế bào để nhân bản, sau đó phá vỡ tế bào vật chủ và tiếp tục thâm nhập gây bệnh cho các tế bào khác. Kháng sinh không có tác dụng với Virut. Với Virut thì có một giải pháp mà Pasteur đã tìm ra: đó là Vacin phòng bệnh. Cứu nhân độ thế của Pasteur chính là ở điểm này.

    6. Chúc anh Hưng sớm bình phục sau ca phẫu thuật.

    Thích

  2. Thưa anh, hình như mộ của Louis Pasteur nằm trong khuôn viên của viện Pasteur Paris, trong một nhà thờ ở đó chứ không phải nhà thờ Đức bà Paris anh ạ

    Thích

    • Cám ơn gợi ý của anh. Tôi sẽ tìm hiểu kỹ lại việc này xem sao. Nhưng theo tài liệu tôi đọc thì mộ ở Notre Dame de Paris. Nếu gợi ý của anh đúng thì rất có thể có việc di dời mộ chăng? Nhưng tôi không dám chắc. Tôi sẽ tìm hiểu lại việc này, và tôi cầu xin Chúa cho tôi có dịp đến tận nơi để tham mộ của ông – nhà khoa học mà theo tôi là vĩ đại nhất của mọi thời đại, ân nhân của nhân loại. PVHg

      Thích

    • Trả lời bạn Tò Mò,
      Xã hội ngày nay có độ ô nhiễm cao. Cháu hãy dùng trí tuệ của cháu để phân biệt cái đúng/ cái sai , cái hay/cái dở , cái THẬT/ cái GIẢ. Trong thời buổi ngày nay, kẻ xấu sống lẫn lộn với người tử tế. Mỗi người phải tự học cách sống để tạo ra cho mình một môi trường càng ít ô nhiễm càng tốt. PVHg

      Thích

Bình luận về bài viết này