Từ ENTROPY đến ĐẠO / From Entropy to the TAO

1

Abstract: Twelve years ago, when I coined the term “social entropy” on newspapers, I wondered whether the readers would agree with me. But today I joyfully recognize that the entropy concept has been used in modern society with many different meanings, including sociological implications. Finally, entropy leads me to the phylosophy of the TAO.
Tóm tắt: Mười hai năm trước, khi tôi gieo thuật ngữ “entropy xã hội” lên báo chí, tôi tự hỏi liệu độc giả có tán thành với mình hay không. Nhưng hôm nay tôi vui mừng nhận thấy khái niệm entropy đã được sử dụng rộng rãi trong xã hội hiện đại với nhiều ý nghĩa khác nhau, bao gồm cả ngụ ý xã hội học. Cuối cùng, entropy dẫn tôi tới những triết lý về ĐẠO.
Năm 2003, trong một bài báo đăng trên Văn Nghệ Trẻ Số Tết Quý Mùi, nhan đề “Từ chuyện chữ nghĩa, nghĩ về hai nền văn hóa”, lần đầu tiên tôi đã sử dụng thuật ngữ “entropy xã hội”, ám chỉ khái niệm entropy trong vật lý có thể dùng để mô tả những hỗn loạn ngày càng tăng trong xã hội loài người. Hồi ấy tôi chưa thấy ai “lạm dụng” khái niệm entropy một cách “phi vật lý” như thế, thậm chí tôi lo sẽ có người phản đối. Nhưng 12 năm sau, tôi ngạc nhiên khi thấy việc mở rộng khái niệm entropy sang lĩnh vực xã hội đã trở thành phổ biến, thậm chí entropy đã trở thành một thuật ngữ xã hội học, xuất hiện chính thức trên các từ điển uy tín. Chẳng hạn:
Từ điển Dictionary of the English Language do Houghton Mifflin Harcourt xuất bản tại Mỹ năm 2011, đưa ra 5 định nghĩa của entropy, trong đó có định nghĩa sau đây: “Entropy: Inevitable and steady deterioration of a system or society” (Entropy: Sự suy thoái chắc chắn và không thể tránh khỏi của một hệ thống hoặc một xã hội)
Từ điển Random House Kernerman Webster’s College đưa ra 4 định nghĩa, trong đó định nghĩa thứ 4 viết: “Entropy: a state of disorder, as in a social system, or a hypothetical tendency toward such a state” (Entropy: một trạng thái hỗn loạn, như trong một hệ thống xã hội, hoặc một xu thế được cho là hướng tới một trạng thái như thế) [1*]
Vậy thuật ngữ “entropy xã hội” không có gì là cường điệu, mà là một khái niệm phản ánh thực tế xã hội, đáng được xem xét thảo luận. Tuy nhiên, muốn hiểu khái niệm đó một cách đầy đủ, nên bắt đầu từ ý nghĩa nguyên thủy của nó – entropy trong nhiệt động lực học (thermodynamics).

[1] – ENTROPY LÀ GÌ?

Rất nhiều người thường nghĩ rằng Nguyên lý Bất định của Cơ học Lượng tử là lý thuyết đầu tiên đề cập đến bản chất BẤT ĐỊNH và NGẪU NHIÊN của Tự Nhiên. Điều đó không đúng. Lý thuyết đầu tiên là ENTROPY. Hãy quay ngược cuốn phim lịch sử của tư tưởng bất định trong khoa học để thấy rõ điều này. Năm 1927, Nguyên lý Bất định của Cơ học Lượng tử ra đời, gây nên một cú sốc lớn nhất thế kỷ 20, làm mọi người giật mình nhận ra rằng Tự Nhiên hóa ra bất định hơn ta tưởng! Thuật ngữ “bất định” (uncertainty) lan truyền từ đó, như một tiếng chuông cảnh báo nhân loại hãy chỉnh đốn lại cách nhận thức. Thế giới không phải Chiếc đồng hồ Newton!
Nhưng Nguyên lý Bất định không phải là lý thuyết đầu tiên đưa ra cảnh báo đó. Nếu cho cuốn phim chạy ngược về năm 1890, ta sẽ thấy lời giải Bài toán Ba Vật thể của Henri Poincaré trên tạp chí Acta Mathematica, trong đó khẳng định các hệ động lực học phức tạp có thể rơi vào tình trạng hỗn độn, không thể tiên đoán được. Nhưng nhân loại không hiểu những tư tưởng lạ lùng đó. Mãi đến năm 1963, khi Edward Lorenz công bố Hiệu ứng Con Bướm, người ta mới giật mình nhận ra rằng bản chất hỗn độn thực ra đã được Poincaré khám phá ra từ năm 1890 rồi. Hỗn độn thực ra là một biểu hiện của bất định nói chung.
Nhưng năm 1890 cũng không phải là lần đầu tiên khoa học đề cập đến bản chất bất định và ngẫu nhiên. Hãy cho cuốn phim tiếp tục chạy ngược về khoảng giữa thế kỷ 19, khi các nhà khoa học quan tâm đến chuyển động Brown. Đó chính là lúc khoa học bắt đầu tiếp xúc trực tiếp với các quá trình bất định, hỗn độn, bởi chuyển động Brown là chuyển động của các phân tử bên trong chất lỏng và chất khí – những chuyển động tự do, hỗn loạn, ngẫu nhiên, bất định.

Entropy (2)Vật chất càng loãng, các phân tử càng tự do hơn, hỗn loạn vô trật tự hơn, tức là phân tử chất khí chuyển động tự do và hỗn loạn hơn phân tử chất lỏng. Trái lại, phân tử của chất rắn không chuyển động tự do, mà dao động quanh những vị trí cân bằng, chúng liên kết với nhau theo một trật tự xác định, làm cho vật chất trở nên rắn chắc, có hình thù rõ ràng. Hình dạng của vật chất được xác định bởi mức độ tự do của các phân tử. Mức độ tự do càng cao thì hình dạng càng không rõ ràng. Một khối sắt hình lập phương bị nung chảy sẽ không còn hình dạng xác định nữa. Nếu tiếp tục nấu, nó sẽ bay hơi và hình thù hoàn toàn biến mất. Quá trình biến dạng ấy cũng là quá trình biến đổi trạng thái.
Vật chất có thể chuyển đổi từ trạng thái rắn sang trạng thái lỏng, rồi từ trạng thái lỏng sang trạng thái khí, và ngược lại. Động lực thúc đẩy sự chuyển đổi là NHIỆT. Nhiệt là nguyên nhân thúc đẩy các phân tử chuyển động. Nhiệt càng lớn, chuyển động càng mạnh. Quá trình nấu chảy kim loại thực chất là quá trình thúc đẩy các phân tử kim loại chuyển động mạnh đến nỗi nó phá tung sợi xích liên kết giữa các phân tử, đẩy các phân tử vào tình trạng tự do, chuyển động hỗn loạn, vô trật tự. Nếu quá trình này được thúc đẩy tiếp tục, mức độ hỗn loạn vô trật tự tiếp tục tăng lên, đến một lúc nào đó kim loại lỏng sẽ biến thành khí, và về lý thuyết, khí kim loại có thể tan loãng dần đến mức gần như hư không. Đảo ngược quá trình này, nếu liên tục giảm nhiệt, các phân tử sẽ dao động yếu dần, đến một lúc nào đó, dao động sẽ ngừng lại, ngừng tuyệt đối, vật chất trở nên “cứng tuyệt đối”, nhiệt độ xuống tới mức thấp nhất, đó là độ 0 tuyệt đối.
Tóm lại, mức độ hỗn loạn của các phân tử có thể thay đổi tùy theo trạng thái của vật chất, và chính xác hơn, tùy theo nhiệt độ của vật chất. Đại lượng đo mức độ hỗn loạn vô trật tự của các phân tử được gọi là entropy. Nếu coi tập hợp các phân tử cấu tạo nên một lượng vật chất cụ thể là một hệ vật lý thì entropi là đại lượng đo mức độ vô trật tự của hệ vật lý đó. Khái niệm hệ vật lý có thể mở rộng cho một tập hợp nhiều vật thể. Hệ vật lý vĩ đại nhất là toàn vũ trụ.
Có thể can thiệp từ bên ngoài vào một hệ vật lý để làm tăng hoặc giảm entropi của hệ đó. Chẳng hạn, đun nước sôi là một sự can thiệp từ bên ngoài làm tăng entropi của nước. Băng ở Bắc Cực hay Nam Cực tan chảy thành nước là một quá trình tăng entropi của nước, nhờ sự “can thiệp” của Mặt Trời. Ngược lại, tủ lạnh là một chiếc máy làm giảm entropi của nước trong ngăn đá.
Một hệ không có sự trao đổi năng lượng với bên ngoài được gọi là một hệ kín. Điều lạ lùng là mọi hệ kín có xu hướng tăng entropy một cách tự phát. Nói cách khác, mọi hệ vật lý đóng kín có xu hướng biến đổi từ trật tự đến vô trật tự và ngày càng vô trật tự hơn. Chiều biến thiên ấy là đặc trưng cố hữu của tự nhiên, không thể đảo ngược. Đó chính là định luật thứ hai của nhiệt động lực học.

[2] – ĐỊNH LUẬT THỨ HAI CỦA NHIỆT ĐỘNG LỰC HỌC

Có nhiều cách phát biểu định luật nói trên. Cách phát biểu của Stephen Hawking trong cuốn Lược sử Thời gian (A Brief History of Time) có lẽ là ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu nhất đối với tất cả mọi người. Ông nói: “Định luật đó nói rằng trong một hệ thống kín thì vô trật tự hay entropi, luôn tăng với thời gian. Nói cách khác, đó là một dạng của Định luật Murphy: mọi vật luôn tiến triển theo chiều xấu đi” [2*]
Entropy (3)Vũ trụ xét trên toàn thể là một hệ thống kín (vũ trụ không trao đổi năng lượng với bất kỳ một hệ thống nào khác bên ngoài vũ trụ). Vì thế entropi của toàn vũ trụ luôn tăng với thời gian. Nói cách khác, vũ trụ ngày càng vô trật tự. Điều này hoàn toàn phù hợp với lý thuyết vũ trụ giãn nở. Theo lý thuyết này, vũ trụ giãn nở với gia tốc, có nghĩa là giãn nở ngày càng nhanh, và đến một lúc nào đó sẽ tan loãng thành hư không. Quá trình này không thể đảo ngược. Hawking cho rằng chiều giãn nở của vũ trụ trùng với chiều tăng của entropy, và cũng là chiều của thời gian. Cả ba chiều này đều có tính không thể đảo ngược. Có thể lấy chiều này để xác định các chiều kia. Theo tôi, hiện tượng vũ trụ giãn nở chính là biểu hiện của tính vô trật tự ngày càng tăng của vũ trụ. Đó là biểu hiện của định luật thứ hai của nhiệt động học trên phạm vi toàn vũ trụ.
Entropy (4)Định luật ấy không chỉ đúng với toàn vũ trụ, mà đúng với tất cả các hệ thống kín bên trong vũ trụ. Mọi đồ vật xung quanh ta đều là những hệ thống kín của các phân tử cấu tạo nên chúng. Nếu để mặc chúng với thời gian, tức là không có sự can thiệp từ bên ngoài, tất cả các đồ vật rồi sẽ hư hỏng, cũ nát, hoen rỉ rồi tan biến. Sự sống cũng không nằm ngoài quy luật này – sinh vật già đi, rồi chết, thối rữa, tan hủy. Và quy luật ấy dường như cũng đúng trong các quá trình biến đổi xã hội và tinh thần của con người.
Tại sao có rất nhiều nền văn minh từng rực rỡ một thời, nay đều biến mất, chỉ còn để lại những di tích hoang phế? Chẳng hạn văn minh Angkor, văn minh Ai-cập, văn minh Maya, văn minh Atlantic, và cả nền văn minh gần với chúng ta nhất, đó là văn minh Nho giáo,…
Những ai đã đọc cuốn “Nho Giáo” của cụ Trần Trọng Kim, có lẽ đều khó cầm lòng khi đọc những dòng buồn da diết sau đây: “Một cái nhà rất đẹp, lâu ngày không ai sửa sang, để đến nỗi bị cơn gió bão đánh đổ bẹp xuống… Không gì nữa, thì ta cũng vẽ lấy cái bản đồ để người đời sau biết rằng cái nhà ấy khi xưa đẹp đẽ là thế” [3*]. Cái nhà ấy là văn hóa Nho giáo đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam đang lụi tàn trước sự xâm lấn của văn minh vật chất Tây phương.
Đó cũng chính là nỗi buồn của bài thơ “Ông Đồ” của cụ Vũ Đình Liên [4*] mà hầu hết chúng ta đều đã được học từ thủa nhỏ: “Mỗi năm hoa đào nở, Lại thấy ông đồ già, Bày mực Tàu giấy đỏ, Bên phố đông người qua…”. Lúc nhỏ tôi chỉ thấy vần điệu hay hay, chẳng hiểu bài thơ muốn nói gì. Vài chục tuổi đầu mới vỡ nhẽ ra rằng đó là nỗi đau lòng của cha ông mình khi phải chứng kiến sự suy tàn của những giá trị nhân bản từng được trân trọng, vun đắp, gìn giữ trong hàng ngàn năm trước đó.
Rồi đến lượt thế hệ tôi. Khi bắt đầu ngộ ra nghĩa lý của đời sống, tôi giật mình nhận ra sự dốt nát của thế hệ mình, một chữ của cha ông bẻ làm đôi không hề biết. Thế hệ trẻ bây giờ càng không biết. Đau nhất là họ thản nhiên không cần biết. Điều đó chứng tỏ di sản văn hóa của cha ông đã tan loãng thành hư không rồi. Nói cách khác, nền văn hóa của chúng ta đã bị gián đoạn, gãy đứt giữa đường rồi. Thậm chí ảnh hưởng tinh túy của văn hóa Pháp ở Việt Nam một thời nở rộ (1930 – 1945) nay cũng trở nên mờ nhạt gần như không còn nữa, nói gì đến văn hóa truyền thống xa xưa.
Nhìn sự suy tàn ấy bằng con mắt của nhà văn, nhà sử học, hay nhà xã hội học, thì đơn giản đó chỉ là chuyện thời thế đổi thay, xưa nay vẫn thế. Nhưng nhìn bằng con mắt của triết học thì đó là những biểu hiện của hiện tượng tăng “entropi xã hội”. Thật vậy, nền văn minh Tây phương xa xưa vốn tập trung ở Âu Châu, đến thế kỷ 17, 18, 19 nó phát tán mạnh ra toàn thế giới, lấn át và tiêu diệt nhiều nền văn minh bản địa khác. Đó là dấu hiệu của sự chuyển đổi từ trật tự sang vô trật tự trong các nền văn hóa. Sự suy tàn của các nền văn hóa từng rực rỡ một thời cũng đồng thời là sự suy tàn của các giá trị tinh thần và đạo đức. Điều đó trực tiếp gợi ý cho chúng ta suy ngẫm để đặt câu hỏi: Liệu định luật thứ hai của nhiệt động học, tức quy luật đi từ trật tự tới vô trật tự và ngày càng vô trật tự hơn có đúng với thế giới tinh thần của con người không? Tôi đã dằn vặt với câu hỏi đó từ những năm đầu của thập kỷ 2000.
Entropy (5)Stephen Hawking đã gián tiếp trả lời rằng ĐÚNG là như vậy, khi ông coi định luật thứ hai của nhiệt động học như một dạng của Định luật Murphy – định luật cho rằng mọi thứ ngày càng xấu đi.
Trong lúc băn khoăn tiếp tục suy nghĩ về câu hỏi trên, tôi bất ngờ tìm thấy câu trả lời rất thú vị trong cuốn “Dưới Ánh Sáng của Thiền” (In the Light of Meditation) của Mike George, do GS Minh Chi dịch, NXB Hồng Đức xuất bản tại Việt Nam năm 2012. Trong cuốn sách này, Định luật Entropy (The Law of Entropy), tức định luật thứ hai của nhiệt động học, đã được diễn giải một cách tài tình là “Quy luật Tàn lụi”, một cách diễn giải rất sáng tạo, lột tả được bản chất của định luật thứ hai của nhiệt động lực học dưới con mắt xã hội học.

[3] – QUY LUẬT TÀN LỤI

Mike George nhắc lại định luật thứ hai của nhiệt động lực học bằng một thứ ngôn ngữ rất trong sáng của ông: “Quy luật Tàn lụi mô tả sự vận động đi từ trật tự đến hỗn loạn khi năng lượng trong một hệ thống khép kín bị cạn kiệt và không được bổ sung từ một nguồn năng lượng mới nằm ngoài hệ thống”.
Entropy (6)Ngay lập tức, ông khẳng định rằng Quy luật Tàn lụi không chỉ chi phối thế giới tự nhiên, mà còn chi phối xã hội loài người.
Được biết cuốn sách này ra mắt lần đầu tiên tại Mỹ ngày 17/05/2004, gần như đồng thời với khái niệm “entropy xã hội” mà tôi đã đề cập đến trên báo chí Vietnam năm 2003. Sự chênh lệch về thời gian không đáng kể, nhưng tôi phải thừa nhận rằng Mike George đã đào xới vấn đề sâu sắc hơn nhiều. Đọc sách của ông, tôi học được rất nhiều điều mới mẻ. Tôi thích cách nói rất sáng sủa, mạch lạc và “rõ như ban ngày” của ông. Đây, ông nhận định:
Quy luật Tàn lụi “cho thấy sự xuống cấp ngày một trầm trọng ở những giá trị đạo đức, ở nhận thức và thái độ của con người”. Dấu hiệu rõ rệt của sự tàn lụi là trong xã hội ngày nay, nhiều người còn trẻ mà đã thấy “suy kiệt, mệt mỏi và già cỗi về tinh thần”.
Đáng thất vọng nhất là sự đảo lộn về thang bậc giá trị. Cái gì là có giá trị nhất, có ý nghĩa nhất trong cuộc sống? Đây là thước đo, là tiêu chuẩn để đánh giá xu hướng tư tưởng của mỗi cá nhân và của một xã hội. Hãy nói cho tôi biết bạn thích cái gì, tôi sẽ biết bạn là ai. Hãy nói cho tôi biết bạn thích cuốn phim nào, tôi sẽ biết bộ não của bạn hướng về cái gì. Hãy trả lời câu hỏi con người là gì, tôi sẽ đoán được cách sống của bạn, cách ứng xử của bạn. Chẳng hạn nếu bạn quan niệm con người đơn giản là hậu duệ của chimpanzee như Học thuyết Darwin nói, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu bạn coi vật chất là mục đích cuộc sống. Nếu bạn trả lời như Pascal, rằng con người là một cây sậy có tư tưởng, thì tôi đoán là bạn không thể không dằn vặt khi chứng kiến “entropy xã hội” tăng lên, tư tưởng con người ngày càng nghèo nàn đi, con người ngày càng xa lánh các giá trị tinh thần, tôn giáo, đạo đức hơn xưa. Vì thế Mike George chỉ ra rằng Quy luật Tàn lụi lộ rõ trong xã hội loài người thông qua sự đảo lộn về thang bậc giá trị . Thật vậy, nếu hỏi “cái gì được coi là có giá trị nhất và có ý nghĩa nhất trong đời sống loài người?” thì Mike George trả lời: “… … ta hiểu được vì sao những giá trị vật chất có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn những giá trị tinh thần, và vì sao thái độ tiêu cực lại chiếm ưu thế hơn thái độ tích cực. Trên thực tế, giá trị con người cũng bị cuốn theo sự tàn lụi của môi trường thế giới. Các giá trị hoàn toàn trở nên nông cạn, giả tạo, do dựa trên nền tảng vật chất, chứ không còn dựa trên nền tảng tinh thần…”.
Cái gì dẫn tới sự đảo lộn thang bậc giá trị đó? Câu trả lời của Mike George rất bất ngờ: “Nhìn lại vài trăm năm trước, chúng ta thấy hầu hết mọi cái được gọi là “nền văn minh” thường là bước khởi điểm cho sự suy thoái đạo đức”.
Viết như thế dường như chưa đủ. Mike George nói rõ hơn: “Ở các kỷ nguyên trước, có những giai đoạn cách mạng trong tư duy của con người. Có vẻ những cuộc cách mạng này đã cải thiện phần nào cuộc sống trên trái đất. Những triết lý sống sâu sắc, những khám phá khoa học vĩ đại, hàng ngàn phát minh thiết thực hay sự phát triển của hệ thống thông tin liên lạc toàn cầu, tất cả đều góp phần tạo ra ảo tưởng về sự tiến bộ...”
Các bạn trẻ có thể cảm thấy ý kiến của Mike George quá bi quan, và thậm chí vô lý, vì tại sao lại gán cho khoa học và công nghệ cái tội tạo ra ảo tưởng về sự tiến bộ. Hàng ngày chúng ta chứng kiến sự tôn vinh của xã hội đối với các thành tựu khoa học. Vậy chẳng phải khoa học và công nghệ là biểu hiện rõ ràng nhất của sự tiến bộ đó ư? Nào là Giải Nobel, nào là Giải Field, tất cả đều gây nên om sòm dư luận, các nhà khoa học đoạt Giải đều được cả thế giới kính trọng đó sao? Lẽ nào những người đó mắc tội tạo ra ảo tưởng về sự tiến bộ?
Quả là nói cho một bạn trẻ hiểu được ý kiến của Mike George thật là khó, bởi những bạn trẻ ấy, chủ yếu do tuổi tác và niềm hy vọng vào tương lai ở phía trước, chỉ mới được nhìn thấy mặt ngửa của “đồng xu khoa học”, chưa nhìn thấy mặt sấp của nó. Mặt ngửa là vinh quang của các giải thưởng. Mặt sấp là gì? Là bom hạt nhân chăng? Là những vũ khí ghê sợ đang và sẽ ra đời trong thế kỷ 21 này chăng? Đúng thế đấy, nhưng chưa đủ. Mặt sấp tối tăm nhất của “đồng xu khoa học”, hay “đồng xu trí tuệ”, là THÓI TỰ PHỤ của con người!
Càng nhiều thành tựu, con người càng tự phụ. Tự phụ là tấm màn che mắt con người. Nó làm cho người nhầm lẫn trong việc định giá các giá trị. Cái có giá trị bị hạ xuống. Cái kém giá trị hoặc vô giá trị được tôn vinh.
Nếu Giải Field, Giải Nobel,… được con người coi là vinh quang tột đỉnh thì nhà toán học Grigori Perelman đã dạy cho chúng ta biết cái gì là giá trị đích thực khi ông từ chối mọi vinh quang dành cho ông sau khi chứng minh được Giả thuyết Poincaré (2006). Ông cười vào mặt những kẻ khốn khổ vì tiền bạc và vinh quang bằng một cử chỉ làm cả thế giới phải ngạc nhiên: ông quay về sống cuộc sống đơn sơ đạm bạc với bà mẹ già trong một căn hộ nghèo hèn, không thèm tiếp lũ báo chí săn đuổi ông. Tôi ngờ rằng đằng sau bộ râu rậm và ánh mắt sảo như nhìn thấu mọi sự thật, bộ não của Perelman không chỉ có toán học, mà còn chứa đựng những suy tư sâu sắc về tâm linh và tôn giáo, về ĐẠO. Chỉ với một tinh thần như vậy ông mới có đủ sức mạnh để KHINH tiền bạc và danh vọng như thế. Kẻ tầm thường làm sao hiểu được những nghĩa cử của ông.

Trở về với Mike George, tôi không rõ hiện nay ông bao nhiêu tuổi. Nhìn trong ảnh thì thấy ông vẫn còn trẻ (so với thế hệ tôi). Nhưng tôi khâm phục một người còn trẻ như ông mà đã nhìn thấu những căn bệnh trầm kha của xã hội hiện đại. Tôi càng khâm phục hơn khi thấy ông muốn đánh động cho mọi người biết vấn nạn trầm kha đó, để tìm con đường giải thoát cho bản thân và cho cộng đồng. Con đường ông vạch ra là Thiền, đi vào nội tâm, tìm lại những giá trị đích thực vốn sẵn có trong mỗi con người, nhằm đạt tới một mục tiêu nhân bản: tìm thấy HẠNH PHÚC THẬT, GIÁ TRỊ THẬT ngay trong cái thế giới ngày càng vô trật tự này!
Đôi khi tôi cũng tâm sự với một số bạn trẻ về sự hỗn loạn, xuống cấp về đạo đức và văn hóa trong xã hội ngày nay, tôi gặp những phản ứng đại loại như: “Chao ôi, mỗi thời một khác, ông không thể đòi hỏi thời đại bây giờ giống như ngày xưa được. Mỗi thời có cái đặc trưng của nó, làm sao giống nhau được”.
Ý kiến của bạn trẻ này thể hiện rất rõ lối sống của một tầng lớp rất đông đảo con người trong xã hội hiện đại – lối sống tưởng mình là khôn ngoan nhưng thực ra chỉ là hành động theo bản năng vô thức. Lối sống ấy đưa con người trôi nổi một cách hoàn toàn vô thức theo dòng chảy của thời đại, không biết và không cần biết nó sẽ đưa mình đến đâu. Viết đến đây, tôi bỗng nhớ tới một tên bố già trong cuốn phim “Bạch tuộc” của Ý. Khi bị chất vấn “tại sao mày có thể hành động bất lương đến thế?”, hắn thản nhiên trả lời: “Vì trước hết ta phải làm vua đã!”. Rất nhiều người ngày nay không tuyên bố, nhưng cũng thầm nghĩ: “Trước hết ta phải có tiền đã, ta phải ăn no, phải có nhà cao cửa rộng, có xe cộ láng bóng, phải lấy vợ, đẻ con, con ta phải hơn con thiên hạ… đó là tất cả, là mục đích cuộc sống của ta! Mọi thứ triết lý không phục vụ mục tiêu ấy đều vô nghĩa. Xã hội xuống cấp ư? Đó là việc của xã hội, đâu phải việc của ta!”.
Tôi thông cảm với những người như thế, vì những người ấy có thể đã không có điều kiện chứng kiến những cái tốt đẹp hơn để so sánh. Trong khi những người từng chứng kiến những giai đoạn xã hội êm đềm hơn, đạo đức hơn, giá trị tinh thần và văn hóa được đề cao hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn, xã hội giầu tình người hơn,… thì làm sao tránh khỏi sự so sánh luyến tiếc. Như cụ Trần Trọng Kim chẳng hạn. Trong khi cụ thể hiện một nỗi buồn da diết vì căn nhà đẹp bị hoang phế, đổ nát thì có những người trong thời đại ngày nay, trí thức chữ nghĩa hẳn hoi, phê phán Khổng tử là đã tạo ra một thứ Đạo kìm hãm sự phát triển của xã hội. Vậy chân lý ở đâu? Thật là buồn. Tại sao Nho giáo ngày xưa được tổ tiên ta trân trọng, bây giờ lại bị vứt bỏ? Tổ tiên chúng ta sai, hay chúng ta sai? Phải chăng chân lý là Quy luật Tàn lụi, vậy ta chấp nhận nó, sống theo quy luật tàn lụi, tự làm cho cuộc sống của mình ngày càng tàn lụi về các giá trị tinh thần và đạo đức, ngày càng vô nghĩa hơn? Đó là một cách lựa chọn.
Cách lựa chọn thứ hai là tự giải thoát ra khỏi quy luật đó, tự tìm cho mình một cuộc sống thanh bạch hơn, có ý nghĩa hơn, nhân bản hơn. Các bậc Thánh Nhân thời xưa đã chỉ cho chúng ta thấy rất nhiều con đường giải thoát.
Taoism (11)Lão tử chỉ ra con đường ĐẠO. Ngài nói: “Thất Đạo nhi hậu Đức; Thất Đức nhi hậu Nhân; Thất Nhân nhi hậu Nghĩa; Thất Nghĩa nhi hậu Lễ” (mất Đạo rồi mới có Đức; mất Đức rồi mới có Nhân; mất Nhân rồi mới có Nghĩa; mất Nghĩa rồi mới có Lễ). Vậy Đạo là cái gốc của Trời Đất. Con người muốn sống cùng Trời Đất thì phải sống theo ĐẠO. Thời đại ngày nay đang đánh mất cả Lễ, vậy còn nói gì đến Đạo, Đức, Nhân, Nghĩa? ĐẠO của Lão cao quá, khó quá, nhưng phải biết rằng Trời Đất có ĐẠO và đã là con người thì phải sống theo ĐẠO của Trời Đất.
Tại sao Lễ càng ngày càng mất? Hãy đọc cuốn “Nho Giáo” của cụ Trần Trọng Kim để tìm câu trả lời. Tôi chỉ xin nói vắn tắt: Nho giáo rất coi trọng Lễ. Nhưng Nho giáo suy tàn rồi ắt Lễ cũng mất theo. Trong khi tiếp thu nền văn minh vật chất Tây Phương, nhiều dân tộc Á Châu đã vứt bỏ những giá trị truyền thống quý giá của mình, bao gồm Nho giáo. Đó là căn nguyên của sự suy giảm về Lễ. Quốc gia nào biết kết hợp văn minh kỹ thuật Tây Phương với văn minh ĐẠO của Á Châu, quốc gia ấy sẽ phát triển một cách hài hòa, ổn định, cân bằng, ít nhất ở mức tương đối so với các quốc gia khác. Trong thực tế hiện nay, phải chăng đó là Singapore và Hàn Quốc?
Cùng thời với Lão tử và Khổng tử, Châu Á còn sản sinh ra một Thánh Nhân vĩ đại khác, đó là Đức Phật. Ngài đã từ bỏ vinh hoa phú quý để sống cuộc đời của ĐẠO, răn dạy người đời làm theo Ngài, ngõ hầu đạt tới sự giác ngộ, nhận ra đâu là con người thật của mình. Ngài chỉ cho chúng ta biết rằng những giá trị chúng ta đang tôn vinh chỉ là những giá trị ảo. Hãy học hỏi và suy niệm để tìm ra lẽ thật. Ngài từng dạy rằng sự hỗn loạn nằm ở ngay trong tâm thức của chúng ta, hãy cố gắng đấu tranh với nó, dẹp bỏ nó ra khỏi chính bản thân ta.
500 năm sau, Chúa Jesus ra đời trong nghèo hèn, nhưng mang một sứ mệnh vĩ đại là hy sinh mạng sống của mình để cứu chuộc nhân loại. Những người không hiểu hoặc không tin Thiên Chúa giáo sẽ không hiểu tại sao con người cần phải được cứu chuộc. Nhưng những người hiểu và tin thì biết rõ điều đó. Đơn giản vì con người vốn tội lỗi. Con người phải được thanh tẩy và phải được cứu chuộc. Trước khi chịu khổ hình, Chúa Jesus đã đi rao giảng để dạy con người phải biết kính sợ Thiên Chúa mà sống theo lẽ Đạo. Đạo cao nhất của Ngài là yêu thương, đối lập tuyệt đối với sự thù oán, đố kị, ghen ghét, sát hại lẫn nhau.
Nhưng con người, bị choáng váng lóa mắt bởi những thành tựu vật chất, càng ngày càng trở nên tối tăm trước các giá trị tinh thần, và do đó càng ngày càng xa lánh những lời dạy của cha ông, tổ tiên. Trong xã hội hiện đại, lời của Thánh Nhân không tác động mạnh đến tuổi trẻ bằng một kiểu Iphone hay Samsung mới ra đời. Triết học không có giá trị bằng một chiếc xe đời mới,… Những lý thuyết khoa học như Bất định, Bất toàn, Hỗn độn, Entropy,… không lay chuyển nổi cách tư duy tự phụ, thiển cận của đám đông, trong đó có cả những trí thức khoa bảng bậc nhất.
Trước chiều hướng xấu đi về đạo đức xã hội, ngay từ cuối thế kỷ 19, nhà triết học Friedrich Nietzsche đã lên tiếng báo động “Thượng đế đã chết”, để cảnh báo nhân loại hãy tỉnh thức, vì những giá trị kinh điển mà loài người hằng tôn thờ trong hàng ngàn năm trước đã sụp đổ, để lộ ra một khoảng trống tinh thần không có gì bù khuyết, đưa nhân loại đến tình trạng bơ vơ giữa ngã ba đường,… Nhưng nhân loại tiếp tục sống trong những giấc mơ vô thức, đinh ninh rằng Thương Đế đã chết thật rồi, vậy cứ việc ăn no ngủ kỹ, không cần bận tâm tới Thượng Đế nữa. Đó chính là quang cảnh của xã hội hiện đại!
Không có Thượng Đế thì gian trá một chút có sao đâu, miễn là che mắt được pháp luật. Mà pháp luật cũng do con người tạo ra. Có gì đảm bảo nó là một khuôn mẫu chắc chắn để giữ cho xã hội nằm trong thế quân bình trật tự đâu. Tóm lại, lương tri của con người trong xã hội hiện đại bị mất điểm tựa. Entropy xã hội tăng vọt!
Tình trạng xã hội loài người hiện nay, theo Mike George, đang ở giai đoạn tồi tệ nhất. Mike nhận định: “Giờ đây con người có thể giao tiếp với nhau từ khoảng cách rất xa vào bất cứ lúc nào, nguồn thông tin cũng dồi dào và đa dạng hơn, xe cộ chạy nhanh hơn; tuy nhiên mối quan hệ giữa con người với nhau lại lâm vào khủng hoảng”.
Khủng hoảng tội ác, khủng hoảng chiến tranh, khủng hoảng ý thức hệ, khủng hoảng giáo dục, khủng hoảng môi trường, khủng hoảng bệnh tật, khủng hoảng đói nghèo, … Nếu nền văn minh thực sự tiến bộ thì tại sao loài người lại lâm vào nhiều khủng hoảng như thế?
Mike kết luận: “Con người ngày càng thụ hưởng nhiều thành tựu từ sự tiến bộ công nghệ, nhưng không còn những mối quan hệ lành mạnh, yêu thương hài hòa với chính mình, với người khác, và với hành tinh…”.
Nhưng trớ trêu thay, Quy luật Tàn lụi không thể đảo ngược. Đó là một NGHỊCH LÝ, một thách thức vĩ đại của Tự Nhiên đối với con người. Làm thế nào để sống một cuộc sống nhân bản, có ý nghĩa, trong khi không thể chống lại Quy luật Tàn lụi? Phải chăng đó chính là ý nghĩa đích thực của cuộc sống, rằng hoa sen phải nở trên bùn, và con người càng phải học hỏi nhiều hơn, tu dưỡng nhiều hơn để trở thành con người đúng nghĩa hơn khi cạm bẫy vật chất và sự tha hóa bủa vây quanh mình dầy đặc hơn?
Nếu đúng như thế thì Quy luật Tàn lụi bản thân nó không xấu. Nó là cái lò tôi luyện để cho ra khỏi lò những sản phẩm khác nhau, hoặc vàng, hoặc bạc, hoặc đồng, hoặc sắt,… Làm thế nào để con người trở thành những sản phẩm quý giá của Tự Nhiên, bất chấp Quy luật Tàn lụi? Hoặc đặt câu hỏi chính xác hơn, làm thế nào để tìm thấy hạnh phúc đích thực ngay trong giai đoạn hiện nay, khi “entropy xã hội” đã đạt tới chỉ số dường như cực đại?
Theo tôi, đó là sự lựa chọn cách sống, hay nói một cách tổng quát: lựa cọn con đường giải thoát.

[4] – CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT

Khi đặt câu hỏi “Nhân loại hiện nay đang ở đâu?”, Mike George trả lời: “Xét trong bối cảnh lịch sử toàn bộ nhân loại, loài người chúng ta đang ở vào thời kỳ đen tối nhất trong mối quan hệ với nhau”. Thật vậy, theo dõi tin tức hàng ngày, chúng ta thấy những tin “hot” nhất thường là những cuộc đối đầu căng thẳng và nguy hiểm trên chính trường quốc tế. Các họng súng đều sẵn sàng nhả đạn. Bom hạt nhân lúc nào cũng như những bóng ma rập rình ngoài cửa sổ. Tổ chức khoa học hạt nhân thế giới phải cảnh báo nhân loại bằng hình ảnh chiếc đồng hồ chỉ vào lúc 7 phút trước “Midnight” – 12 giờ đêm được ví như đêm tối của thảm họa hạt nhân. Còn hàng trăm nguy cơ khác: chiến tranh khủng bố, khủng hoảng tội ác, khủng hoàng bất công, khủng hoàng đói nghèo, khủng hoảng dối trá,… Ôi, không thể kể hết những nỗi lo sợ do con người tạo ra. Con người thật đáng sợ. Rất nhiều lời cảnh báo đã xuất hiện. Nhưng cảnh báo sâu sắc nhất có lẽ là câu chuyện “Cuộc đời của Pi” (Life of Pi) của Yann Martel [5*].

Entropy (7)Truyện kể rằng ở trong vườn thú Pondicherry ở Ấn Độ, có một câu hỏi lớn được sơn bằng chữ đỏ trên một bức tường: “DO YOU KNOW WHICH IS THE MOST DANGEROUS ANIMAL IN THE ZOO? (Bạn có biết con thú nào nguy hiểm nhất trong vườn thú không?). Một mũi tên chỉ vào một bức rèm cửa nhỏ. Rất nhiều kẻ tò mò háo hức vội vén bức rèm ấy lên để nhìn vào trong. Chẳng thấy con thú nào ở đó, chỉ thấy một chiếc gương, và hình mình trong chiếc gương!
Yann Martel vẽ ra một khung cảnh nhân loại thu nhỏ thành đám hành khách trên chiếc tầu thủy Tsimtsum đi từ Ấn Độ sang Canada. Trên đó toàn những kẻ vô thần chỉ biết sống theo những bản năng tầm thường, không bận tâm tới cái gì khác ngoài những nhu cầu trực tiếp như miếng ăn miếng uống và những mối lợi làm ăn. Độc nhất chỉ có một mình Pi là tin vào Thượng Đế, một niềm tin trong sáng ngây thơ của cậu bé có tâm hồn trong trắng. Cậu sinh ra là để tôn thờ những cái thiêng liêng. Đối với cậu, Đấng Tối Cao có nhiều tên gọi khác nhau. Dù gọi thế nào cậu cũng tin rằng Đấng ấy là trên hết, có quyền năng vô biên.
Con tầu Tsimtsum gặp nạn trên biển Philipines, chìm nghỉm giữa đêm khi mọi người còn đang ngủ say, không kịp thoát. Pi thoát chết nhờ những cái ngẫu nhiên không thể nào tin nổi. Tất nhiên nhờ cả khả năng dày dạn với mặt nước của cậu – tài bơi lội cậu được huấn luyện từ nhỏ bởi ông chú. Nhưng đó chỉ là cái cớ tối thiểu để cậu được sống tiếp tục trên biển, rồi trải qua những thử thách khủng khiếp nhất, những tai họa rùng rợn nhất mà một đời người có thể trải qua. Chỗ không thể tin trong câu chuyện chính là chỗ khác nhau giữa người có đức tin tôn giáo với người vô thần.
Người vô thần chỉ tin vào những gì họ trông thấy, sờ thấy, những gì họ có thể chứng minh hoặc thực chứng. Điển hình là những người theo chủ nghĩa duy khoa học (scientism). Điều đáng sợ nhất ở những người này là thói tự phụ, không biết sợ Trời, sợ Đất. Họ tin rằng con người có thể trở thành siêu nhân, thống trị thiên nhiên. Vì thế họ sẵn sàng áp đặt ý chí của họ lên thế giới.
Người có đức tin tôn giáo thì khiêm tốn, nhưng tin tưởng tuyệt đối vào Thượng Đế của họ. Họ biết rằng con người thật bé nhỏ, tầm thường, nhưng Thượng Đế thì vĩ đại, quyền năng. “With man this is impossible, with God everything is possible” (Có những việc con người không thể làm được, nhưng Chúa có thể làm được mọi điều”.
Cuộc đời của Pi mang dáng dấp của một biến tấu tích truyện ông Noah trong Kinh Thánh: con người từ xa xưa đã hư đốn hỗn hào đến nỗi bị Chúa trừng phạt bằng nạn Đại Hồng Thủy, chỉ có ông Noah là người công chính biết kính sợ Chúa thì được cứu sống, từ đó lại sinh sôi nẩy nở thành nhân loại ngày nay. Cậu bé Pi chính là ông Noah trong thời đại ngày nay. Còn nhân loại ngày nay được Yann Martel ví như những hành khách trên con tầu Tsimtsum. Cha mẹ và anh ruột của Pi là những người tốt, cũng bị chìm trên tầu. Thật là bi đát! Họ chỉ khác Pi ở chỗ hoàn toàn vô thần. Phải chăng Yann Martel không thể chấp nhận con người không có đức tin tôn giáo? Dù là tôn giáo hay không tôn giáo, điều quan trọng là con người phải biết sợ Trời, sợ Đất. Nếu biết sợ Trời, sợ Đất thì đó chính là ý thức tôn giáo bẩm sinh rồi đó. Và đó chính là cánh cửa hé mở để tìm thấy con đường giải thoát.
Tôn giáo là một vấn đề rất tế nhị. Nhiều người không bao giờ tìm hiểu kỹ về tôn giáo hay thậm chí chẳng hiểu gì về tôn giáo nhưng phán xét tôn giáo rất khắt khe. Vì thế để tránh mọi hiểu lầm, tôi không nói đến con đường giải thoát bằng tôn giáo, nhưng bằng con đường ĐẠO (The TAO). Đó là Đạo của Trời Đất, hay đạo đức của con người, hay Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa,… hiểu thế nào cũng đúng.
Tùy theo vị trí và lập trường tư tưởng, mỗi người hãy lựa chọn cho mình một khái niệm ĐẠO thích hợp với mình, nhưng không thể không có. Xã hội loài người phải có ĐẠO làm chỗ dựa. ĐẠO là cái giúp cho chúng ta sống an nhiên tự tại ngay cả khi Quy luật Tàn lụi tạo nên những cơn giông bão khủng khiếp nhất như trong câu chuyện Cuộc đời của Pi. ĐẠO sẽ giúp cho chúng ta về tới đất liền bình an, hạnh phúc.

Có một sự thật “trớ trêu” là những người may mắn về tiền bạc, công danh sự nghiệp trí tuệ hơn người, nhiều khi lại khó tìm thấy ĐẠO hơn những người kém may mắn và đau khổ, như Chúa Jesus mô tả: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào được Nước Trời. Có lẽ các ông Bill Gates hay Warren Buffett hiểu rõ điều đó nên các ông đem gần hết của cải đóng góp cho từ thiện. Phải có tâm hồn thánh thiện mới có thể làm được những việc nhân đức to lớn như thế. Ngược lại với người đau khổ thì ĐẠO là cái phao cứu sinh của họ. Chỉ trong đau khổ con người mới tìm ra lẽ thật. Trước đây tôi từng day dứt với câu hỏi “tại sao con người phải sinh ra đời để chịu nhiều đau khổ đến thế?”. Mãi gần đây tôi mới gặp được một lời giải thích tuyệt vời: “God sends the storm to show He is the only shelter” (Chúa gửi bão tố xuống để chứng tỏ Ngài là chỗ trú ẩn duy nhất).

Storm copy

Thì ra Yann Martel đã thấm nhuần giáo huấn đó để sáng tạo nên tác phẩm bất hủ của ông, Cuộc đời của Pi. Trong tủ sách của tôi, Cuộc đời của Pi nằm trong ngăn trên cùng, nơi chứa những cuốn sách giúp tôi giải thoát.

PVHg, Sydney 08/06/2015

CHÚ THÍCH:
[1*]: Xem trang mạng http://www.thefreedictionary.com/entropy
[2*]: Lược sử Thời gian, Stephen Hawking, bản dịch của Cao Chi và Phạm Văn Thiều, NXB Trẻ, 2005, trang 209.
[3*]: Nho Giáo, Trần Trọng Kim, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2001, trang 7.
[4*]: Cụ Vũ Đình Liên là bác ruột của tôi (Thân mẫu của bác Liên là chị ruột của Ông nội tôi).
[5*]: Đã được dịch ra tiếng Việt bởi Trịnh Lữ, NXB Văn học, 2013. Xem bình luận về cuốn sách này, nhan đề “Tiểu luận về con người” của Phạm Việt Hưng trên PVHg’s Home, ngày 05/11/2013

GHI CHÚ:

Bài viết này là một phần trong Bài thuyết trình của tôi (PVHg) tại một Viện Nghiên Cứu và Phát Triển thuộc một cơ quan cấp Bộ tại Hanoi ngày 16/04/2015. Các phần tiếp theo, bao gồm cả videos, sẽ lần lượt được công bố trên PVHg’s Home. Sau đây là những phần đã công bố:
17/05/2015   Những tư tưởng định hình khoa học hiện đại
23/05/2015   Từ bất định lượng tử đến Nguyên lý Bổ sung của Bohr và Thái Cực Đồ
28/05/2015   Về tính bất toàn: từ Pascal đến Godel
04/06/2015   Poincaré và Một Thế kỷ của Hỗn độn
09/06/2015   Từ ENTROPY đến ĐẠO

 

28 thoughts on “Từ ENTROPY đến ĐẠO / From Entropy to the TAO

  1. Chào chú Hưng,
    Dẫu biết so sánh là khập khiễng, nhưng Entropy luôn nằm trong cháu, cũng như định lý Kurl Godel luôn nằm trong chú.
    Đó là vào năm 1996, trong những buổi học đầu tiên về vật lý đại cương tại trường KHTN, tp HCM, thầy Thọ, người đứng lớp có giảng về khái niệm Entropy như sau: Entropy là đại lượng về sự hỗn độn, các em có thấy rằng, đầu tuần mình bỏ công sức ra dọn dẹp phòng sạch sẽ ngăn nắp, cuối tuần mọi thứ lại bụi bặm, ngổn ngang, đó chính là dấu hiệu của Entropy. Và hình như đó là điều còn lại của 4 năm học Hóa lý.
    Khoảng năm 2003 tình cờ đọc được quyển sách “con đường chẳng mấy ai đi” của bác sỹ M. Scot Peck. có một chương nói về Entropy…..và kể từ đó khi thấy chữ entropy xuất hiện ở đâu là cháu tìm đến.
    Năm ngoái, có dịp ghé lại trường, tình cờ gặp thầy Thọ đang cầm bọc xốp trong đó có vài quyển sách đi trong khuôn viên, cháu có chào thầy và nói rằng: Thầy là người em ấn tượng nhất của thời đại học…thầy tỏ vẻ không tin (cũng có thể nghĩ rằng thằng này đang giở trò lừa đảo gì đây…hehe). nhắc lại chuyện Entropy thầy tỏ vẻ rất vui….sau đó thầy lại thoáng buồn và nói: hôm nay thầy nghỉ dạy rồi, nghỉ hưu sớm một năm, vì mình không đủ bằng cấp và lại phải nhường chỗ cho những người trẻ…

    Thanks chú về bài viết!

    Thích

  2. Câu hỏi Đạo là gì?. Lão tử viết “Đạo khả đạo, phi thường đạo. Danh khả danh, phi thường danh. Vô danh thiên địa chi thuỷ. Hữu danh vạn vật chi mẫu” (Đạo mà có thể gọi ra được thì không phải là Đạo thường hằng cửu. Tên mà có thể gọi lên được, không còn là tên thường hằng cửu. Không tên là gốc của trời đất, có tên là mẹ của muôn vật, Chương 1, DDK). Nhưng nếu chỉ có vậy thì thật khó, do đó, ở chương 25, DDK, Lão tử viết về Đại Đạo như sau:
    “Có một Đấng an nhiên tự hữu,
    Trước đất trời, vĩnh cửu tự thành.
    Tịch liêu, vắng ngắt, vắng tanh,
    Một mình mình biết, một mình mình hay.
    Muôn vàn chẳng chút đổi thay,
    Đó đây quanh quất, đó đây chẳng chồn,
    Sinh muôn vật, mẹ muôn thiên hạ.
    Tính danh người ta há biết sao,
    Tên Ngài phải gọi thế nào,
    Gọi liều là Đạo, xưng ào là To”.

    Trong cuốn sách nổi tiếng “Hành trình về phương Đông” của Baird T. Spalding, có kể về việc người ta tìm ra được những tấm tài liệu cổ vô cùng quý giá, một trong những tấm đó viết rằng:
    “Có một Tinh thần toàn trí sáng suốt, rằng trí tuệ này là Thiêng liêng và vô tận, thấm nhuần vào tất cả mọi thứ, không thể phủ nhận được. Bởi vì trí tuệ này thấm nhuần tất cả mọi thứ nên nó vô tận và là nguồn gốc của tất cả. Nó Thiêng liêng và sự Thiêng liêng của nó đã tạo ra thể xác có thể suy nghĩ hay thể xác hữu hình, tạo ra thực tế hay chân lý của tất cả mọi thứ.
    Các bạn có thể đặt tên cho Tinh thần toàn trí, thông thái này là Thượng Đế hay sự tốt lành hoặc bất cứ cái tên nào các bạn muốn, vì con người phải đặt tên cho mọi thứ. Khi con người đặt tên cho một thứ nào đó, anh ta có quyền cho nó tồn tại. Nếu con người đặt tên cho bất cứ thứ gì thông qua sự tôn kính, tôn thờ và tán dương thực sự, họ có thể và đã trở thành thứ mà họ đặt tên.
    … Trí tuệ này luôn là nơi lĩnh hội và chỉ huy kế hoạch lý tưởng thiêng liêng hoàn hảo của nó”.
    Những trang tài liệu được chế tác tinh xảo trên những tấm đá quý giát vàng, được giữ gìn, bảo quản, bị thất lạc và được tìm thấy một cách đầy bí ẩn, hiện lưu trữ trong cung điện của Đức Lạt Ma vĩ đại tại Shamballa (Tây Tạng) được chứng minh là những bản sao của những ghi chép từ xa xưa, được tạo ra để bảo vệ những tấm tài liệu gốc.

    Có một sự trùng hợp kỳ lạ về “Đấng an nhiên tự hữu” của Lão Tử và “Tinh thần toàn trí sáng suốt” được ghi tạc trong các tấm tài liệu nói trên, cho dù cả hai xuất hiện ở những thời gian và địa điểm hoàn toàn khác nhau, cả hai đều thể hiện rằng Thiên địa vạn vật đồng nhất thể và đó cũng là quan điểm chủ đạo của thuyết Phiếm Thần. Phiếm Thần coi Thượng Đế là chính vũ trụ này, hay nói đúng hơn, Thượng Đế là Đại Ngã, là Chân Tâm vũ trụ. Phiếm Thần không bao giờ coi Thượng Đế là vũ trụ hình danh, sắc tướng bên ngoài mà chỉ coi Ngài là Chân tâm vũ trụ. Tại sao?. Vì Vũ trụ hình danh sắc tướng bên ngoài là cái gì biến thiên, còn Chân tâm mới là cái gì vĩnh cửu, bất biến. Phiếm thần dạy chúng ta muốn tìm Thượng Đế phải tìm Ngài trong thâm tâm ta, vì Ngài chính là Bản Thể ta. Chúng ta là hình hiện của Ngài.

    Và giờ đây, đến thời đại của máy tính và Internet, với tư duy “lập trình”, chúng ta có thể hình dung, tưởng tượng rằng Tinh thần toàn trí sáng suốt chính là “Chương trình Tạo hoá”, là Đạo, Thiên Đạo. Khái niệm “Chương trình” được hiểu như là một phần mềm tin học (software), một khái niệm không xa lạ gì trong thời đại Công nghệ Thông tin ngày nay. Đạo rõ ràng phải có tính xuyên suốt, nhất quán từ thuở khai thiên lập địa tới nay, và phải là nguyên lý đúng đắn nhất cho dù ở bất kỳ đâu, ở thời điểm nào trong vũ trụ này. Chúng tôi tin rằng, chỉ có thể hình dung về Ông Trời, Thượng Đế như là Nhà Lập trình vĩ đại nhất, là tác giả của Chương trình Tạo hoá – Chương trình tạo dựng vũ trụ đã và đang “chạy” ổn định, bền bỉ một cách “Vô vi” hàng chục tỉ năm qua mới có thể giải thích về một vũ trụ biết tự sinh, tự phát triển, biết tự điều chỉnh để tồn tại.

    Cái mà Lão Tử gọi là Đạo chính là Chương trình Tạo hoá – cái có trước đất trời, cái được thiết kế, lập trình , “thử nghiệm” để hoàn thiện ở một thời điểm nào đó trước Bigbang và ở đâu đó trong một thế giới khác, trước vũ trụ của chúng ta. “Trời có nói gì đâu mà bốn mùa cứ tiếp nối, vạn vật cứ sinh hoá. Trời có nói gì đâu?”(lời Khổng Tử), là hình ảnh của Vô vi. Khi Chương trình Tạo hoá “chạy” thì mọi thứ cứ thế mà vận hành một cách tự động thì cần chi phải nói, phải hét. Vô vi mà Lão Tử nói đến chính là việc không được tuỳ tiện can thiệp một cách thô bạo, bị động vào các tiến trình diễn ra, vào Chương trình Tạo hoá cho dù người đó có quyền năng tối thượng. Cũng bởi Vô vi là nguyên tắc tối thượng nên nhiều khi chúng sinh oán thán, trách móc Trời còn nhiều hơn việc xướng danh, ca tụng Ngài!.
    ———
    Kinh dịch là một loại “ngôn ngữ” đặc biệt của người xưa dùng để mô tả và ghi lại sự vận động (biến dịch) của vạn vật “Nguyên – Hanh – Lợi – Trinh” hoặc “Sinh – Lão – Bệnh – Tử” là các công đoạn trong 1 chu trình (vòng đời) tiến hoá. Với nhiều loài, như virus, vi khuẩn 1 cuộc đời tính bằng giây, phút, con sâu cái kiến sống được mấy ngày,.. một đời người quãng 2×50,.. một triều đại, một đế chế có thể vài trăm năm. Tuổi của một hành tinh hay một dải ngân hà là hàng tỉ, thậm chí cả chục tỉ năm. Cũng không hẳn là vật càng lớn thì tuổi thọ càng dài, nhưng thông thường, một “công trình” – sản phẩm của Tạo hoá càng lớn, càng phức tạp thì từ lúc sinh ra, trưởng thành, suy yếu rồi chết đi thì vòng đời càng lớn. Những “công trình” sản phẩm quy mô nhỏ cho chúng ta thấy sự “Luân hồi” của vòng đời lặp lại “Sinh – lão – bệnh – tử”, giống như các vòng lặp (Do … While …), hoặc For Begin EndFor trong các chương trình máy tính vậy.
    Như vậy cái gọi là Entropy phải chăng là một hoặc nhiều tham số được sử dụng để kiểm soát vòng đời của một hệ thống, một đối tượng. Chương trình Tạo hoá dùng những tham số này để kiểm soát, giám sát sự vận động, phát triển, đặc biệt là sự khởi đầu cũng như kết thúc vòng đời của bất kỳ đối tượng nào. Cả vũ trụ cũng là một hệ thống, không tránh khỏi kết cục bệnh – tử, nhưng bởi vũ trụ quá to lớn, quá quan trọng nên vòng đời của vũ trụ phải tính hàng chục tỷ năm tuổi. Mọi thứ đã được “Đấng an nhiên tự hữu” hoặc “Một trí tuệ thiêng liêng” mà chúng ta vẫn gọi là Thượng Đế toàn năng kiểm soát bằng một cái Software vi diệu, mà gọi bằng Đạo (Thiên Đạo, Đạo Trời, Cơ Trời) nghe cũng rất ổn.
    Theo HM, chúng ta có thể “học tập, làm theo” cách làm của Thượng Đế là viết ra những phần mềm để quản trị xã hội, điều hành đất nước cho thật hiện đại. Lập ra hệ quản trị thông tin số liệu của mỗi quốc gia và kết nối toàn cầu để không một người dân nào bị bỏ sót, mọi con số, thông tin, sự kiện, … đều được cập nhật đầy đủ và nhanh chóng. Rồi bật những chiếc đồng hồ hiển thị real time về dân số, về nợ công, thậm chí cả về Entropy của Trái đất nữa để mọi người biết và tự điều chỉnh hành vi của mình nhằm chung sống hạnh phúc với vạn vật trên trái đất này./.

    Thích

    • Các bậc thánh nhân đã nói: hữu hình tất hữu hoại.Xem ra, các bậc thánh hiền đã biết đến entropy rất rõ là đằng khác. Và cái tối quan trọng mà ta cần học hỏi và ngộ được là rốt cục Đạo mà các ngài tiệm cận được vượt ra khỏi cái quy luật en tropy ra sao, muốn thủ đắc phải làm sao.

      Thích

  3. Trong bài viết của bác PVHg có đoạn: “Vũ trụ xét trên toàn thể là một hệ thống kín (vũ trụ không trao đổi năng lượng với bất kỳ một hệ thống nào khác bên ngoài vũ trụ). Vì thế entropi của toàn vũ trụ luôn tăng với thời gian. Nói cách khác, vũ trụ ngày càng vô trật tự. Điều này hoàn toàn phù hợp với lý thuyết vũ trụ giãn nở. Theo lý thuyết này, vũ trụ giãn nở với gia tốc, có nghĩa là giãn nở ngày càng nhanh, và đến một lúc nào đó sẽ tan loãng thành hư không. Quá trình này không thể đảo ngược”.

    HM thì lại nhìn nhận vũ trụ như một “sinh thể” dạng CÂY, bigbang là thời điểm nảy mầm của hạt giống vũ trụ, trong hạt giống này đã chứa những nguyên liệu và nhất là bản thiết kế vũ trụ được mã hoá bằng các bits thông tin, các định luật vật lý, sinh, hoá, toán,… cơ bản cũng đều được chuẩn bị một cách chu đáo và đầy đủ. Bởi ít nhất luật vạn vật hấp dẫn phải có trước bigbang, chứ chẳng lẽ sau khi “nổ” vũ trụ hỗn độn quá mới thấy cần phải có “luật hấp dẫn” và các luật khác để các hạt và vật chất liên kết với nhau chắc ?. Vũ trụ không thể được chăng hay chớ, hành xử một cách thụ động, giản đơn như vậy được.

    Chính vì vậy, việc vũ trụ giãn nở giống sự lớn lên của một sinh thể (cây đời) chứ không hề hỗn độn, vô trật tự. Bác xem nhé, những thiên hà “trẻ” thì tròn chĩnh, sáng láng như trái bóng, những thiên hà “vị thành niên” bắt đầu mọc ra 2 tay xoắn, còn thiên hà “già hơn” có 4 tay,…, các tay đầu tiên ngắn ngủi, sau đó ngày càng dài ra, dài mãi, dài tới cả tỉ năm ánh sáng!. Trong vũ trụ liên tục có những ngôi sao trẻ, già và chết kiểu “Sinh – Lão – Bệnh – Tử”. CÂY là hình ảnh điển hình cho mô hình fractal (đệ quy) nên đảm bảo cho sự nhất quán của các hệ lồng nhau, và tạo nên sự đa dạng phong phú trong vũ trụ.
    Vũ trụ quá lớn, không rõ đã đi được một vòng đời chưa, nếu chưa hết một vòng thì không rõ đang ở đâu trong 4 giai đoạn “Hanh – Nguyên – Lợi – Trinh” mà Dịch kinh nói đến.

    Lão tử viết: “Cố Đạo đại, thiên đại, địa đại, vương diệc đại. Vực trung hữu tứ đại, nhi vương cư kỳ nhất yên. Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên”. (Cho nên Đạo lớn, Trời lớn, Đất lớn. Người cũng lớn. Trong đời có bốn thứ lớn, mà Người là một. Người bắt chước Đất, Đất bắt chước Trời; Trời bắt chước Đạo; Đạo bắt chước tự nhiên). Tự nhiên Đạo cứ thảnh thơi./.
    HM

    Thích

  4. Không cần phải phức tạp, những gì của Chúa làm thì luôn Đơn giản, rõ ràng và công khai.
    Chữ “ Đạo” có nghĩa là “đường đi” ( Độc đạo- một con đường duy nhất, Địa đạo- Là con đường dưới đất..Ví dụ: Địa đạo Củ Chi )
    Trong tiếng Do Thái, từ “đường đi” hay “lối đi” cũng có nghĩa là “cách sống” “lối sống”, trong tiếng Anh là từ Way- Đường đi ,Cũng có nghĩ tương tự, lối sống, là cá tính, là lề thói sống ở đời, là triết lý sống, và thậm chí trong Tiếng Việt cũng vậy.
    Hãy xem Chúa Jesus nói gì, Ngài nói rất rõ ràng:
    John 14 – Sách Phúc Âm John đoạn 14:
    6 … “Ta là đường đi, chân lý, và sự sống. Ta là Con đường duy nhất dẫn đến Cha. 7 Nếu các con biết ta, các con cũng biết Cha ta nữa. Nhưng bây giờ các con đã biết và thấy Ngài.”

    6., “I am the way, and the truth, and the life. No one comes to the Father except through me. 7 If you had known me, you would have known my Father also.[d] From now on you do know him and have seen him.”

    Trong lịch sử loài người, chưa có một ai dám nói như vậy cả, Đức Phật cũng không nói rằng mình là đường đi, là chân lý mà chỉ là người chỉ đường đi, Lão Tử cũng không nói mình là Đạo, là đường đi, Khổng Tủ thì nói rằng “Ta không phải là thánh nhân”.
    Chúa Jesus thì độc nhất vô nhị, chỉ mình Ngài khẳng định cho mọi người biết rằng Ngài chính là Đạo- là đường đi, là chân lý, là sự sống. Và chỉ bởi Ngài thì mới có sụ sống thôi, không có con đường thứ hai- Có phải rất đơn giản và rõ ràng không?

    Chúa Jesus đã khẳng định rõ điều này trước đó, được thuật lại trong Phúc Âm John đoạn 10

    John 10

    10 Chúa Giê-xu dạy, “Ta bảo thật, kẻ nào không vào chuồng chiên bằng cổng chính mà trèo vào bằng ngả khác, là phường trộm cướp.

    10 “Truly, truly, I say to you, he who does not enter the sheepfold by the door but climbs in by another way, that man is a thief and a robber

    7 Chúa Giê-xu lại dạy dỗ nữa, “Ta bảo thật: Ta là cửa của chiên. 8 Tất cả những kẻ đến trước ta đều là quân trộm cướp nhưng chiên không nghe chúng nó. 9 Ta là cái cửa. Ai đi vào qua cửa của ta sẽ được cứu. Người ấy vào ra và gặp đồng cỏ xanh. 10 Kẻ trộm chỉ đến để đánh cắp, chém giết và hủy diệt. Nhưng ta đến để cho chiên được sống sung túc.

    7 So Jesus again said to them, “Truly, truly, I say to you, I am the door of the sheep. 8 All who came before me are thieves and robbers, but the sheep did not listen to them. 9 I am the door. If anyone enters by me, he will be saved and will go in and out and find pasture. 10 The thief comes only to steal and kill and destroy. I came that they may have life and have it abundantly.
    —–
    Chuồng chiên thì chỉ có một cái cửa để vào thôi, không có cái thứ hai, muốn vào thì phải đi qua cửa này, và Chúa Jesus chính là cái cửa đó, bất kỳ một ai tìm vào bằng một Đạo-Way nào khác, đều là phường trộm cướp, tất cả các Way đó sẽ dấn đến sự cuối cùng là sự hư mất về linh hồn.

    Đây là câu nhật tùng hằng ngày của người Do Thái : Thượng Đế là Đấng Chân Thần duy nhất có một không hai.
    Và đối với một người tín hữu có Đức tin thật nơi chúa Jesus, câu nhật tụng hằng ngày của họ là: Chúa Jesus là con đường duy nhất có một không hai dẫn đến sự sống.

    Đức tin là một điều rất huyền nhiệm, Chúa đã tạo ra thế gian này chỉ bằng Lời của Ngài, nhưng để đem đức tin đến cho con người Ngài đã phải xuống thế, sống đến 33 năm, làm rất nhiều phép lạ, chịu đủ thứ khổ hình, và cuối cùng là chịu chết, thế mà lúc đó chỉ có vài trăm người tin Ngài.- Còn lại tất đều vẫn cứng lòng. Những người được xem Chúa làm phép lạ, những người ăn bánh khi Chúa lam phép hóa bánh cũng chính là những người hò reo đòi đóng đinh Chúa đấy thôi , họ thấy phép lạ, họ thích thú, thế thôi, chứ không phải họ thấy rồi họ có đức đin.Con người ngày nay cũng không khác gì con người thời Chúa Jesus, nhưng những ai có được Đức tin thật là những người rất được phước.
    Đức tin là một sự mầu nhiệm.

    Thích

  5. Chữ “Đạo” trong các kinh điển Trung Hoa:
    a) Trong các kinh điển cổ:
    Trong Kinh Thi, tập kinh cố cựu nhất của văn học Trung Hoa, chữ Đạo được dùng độ 20 lần. Hầu hết đều có nghĩa là đường đi, là hành trình. Hai lần có nghĩa là nói, trình thuật (Bài 46/1), và chỉ một lần với nghĩa bản chất, diễn tiến của sự vật (Bài 245/5).
    Kinh Thư có chừng 25 lần dùng chữ Đạo; 16 lần có nghĩa là con đường nghĩa vụ và hành thiện hoặc là con đường thiên thượng: thiên đạo; 3 lần có nghĩa là đường trôi chảy của dòng sông. Trong đoạn III Yue Ming II có nói Đạo được tàng trử trong con người như là một tinh chất, một sinh lực từ trời. E.V. Zenker nói đây là nghĩa đầu tiên, nghĩa sơ thủy và cổ thời nhất cùa từ Đạo (E.V. Zenker, Der Taoismus der Fruehzeit, Wien 1941, 8). LT trong ĐĐK (chương 35) cũng dùng từ Đạo trong nghĩa nầy.
    b) Trong Tứ Thư:
    Chữ Đạo hầu hết có một nghĩa luân lý; ngoài ý nghĩa Đạo là đường, Đạo còn có những nghĩa: phương tiện để đạt một chủ đích, con đường phải đi theo, con đường đức hạnh, cơ sở của không ngoan trí huệ, ý lực ngay thẳng đúng đắn, giáo lý, nguyên tắc, luật lệ, ý nghĩa của hiện hữu hay của một sự vật, tác động, ảnh hưởng, nói, giải thích, lèo lái, dẫn dắt.
    Sách Trung Dung nói: Noi giữ luật thiên nhiên, đó là Đạo (đoạn 1); hoàn thiện sự chân thực, đó là Đạo Trời; chiếu sáng sự hoàn thiện, đó là Đạo Người (đoạn 20); Đạo Trời Đất là một, do đó mà sức sáng tạo của Đạo là vô lượng (đoạn 26). Lời trích dẫn cổ điển trong Luận Ngữ là câu: “Sớm nghe Đạo, chiều chết cũng yên lòng”: “Triêu văn Đạo, tịch tử khả hỹ” (LN IV:8). Trong câu nói rất đẹp nầy, từ Đạo có nghĩa là ý nghĩa của cuộc sống và hiện hữu, lý tưởng đáng cho ta sinh, sống và chết.
    Mạnh tử dùng chữ Đạo trong nghĩa con đường, tiêu chuẩn, giáo lý. Cũng thường có nghĩa là lẽ sống, trật tự, cơ bản, khôn ngoan, ý nghĩa thiên nhiên. Hoặc cũng có nghĩa là cách thức, đặc tính, thuận theo: “Lấy nết thuận tùng làm phép chính, đó là đạo làm vợ”: “Dĩ thuận vi chính giả, thiếp phụ chi đạo dã” (MT III,b.2).
    c) Các nghĩa từ vật chất đến luân lý và siêu hình:
    Chữ Đạo có rất nhiều nghĩa, tương tự như từ logos trong tiếng hilạp. Nhưng với thời gian, ý nghĩa luân lý đã chiếm ưu thế, nhất là vì ảnh hưởng của Khổng giáo. Có một Đạo Trời và một Đạo Người: thiên đạo và nhân đạo. Khổng giáo đã nói nhiều đến nghĩa thứ hai, vì Khổng giáo chính yếu là giáo lý về đạo làm người. Cao điểm của giáo lý nầy là câu Luận Ngữ của KT nói về “Sớm nghe đạo…” vừa trích dẫn ở trên. Dĩ nhiên, rất có thể chữ Đạo đã được dùng trước LT và đôi khi với một âm hưởng siêu hình; về điều nầy ta chỉ cần đọc những chương (như 5; 65) mà LT nhắc đến “người đắc đạo thời xưa” (“cổ chi thiện vi đạo giả”). Nhưng khái quát thì ta có thể xác quyết rằng, LT là người đầu tiên đã dùng từ Đạo trong một nghĩa siêu hình đích thực.
    d) Kinh Dịch
    Kinh Dịch ít dùng đến chữ Đạo, hơn kém chỉ 5 lần mà thôi, và với một nghĩa luân lý, không bao giờ có nghĩa vật chất. Ngược lại, trong bản chú giải đầu tiên của Kinh Dịch gọi là Thập Dực (mười cánh) hay Thập Truyện, thì từ Đạo được dùng để chỉ Đạo Trời, Đạo Đất và Đạo Người: Thiên Địa Nhân Đạo. Đạo đôi khi cũng được kết hợp với từ và nghĩa “biến dịch”. Trong phần chú giải Thập Dực, từ Đạo được quảng diễn rộng lớn ra như trong những câu nổi tiếng sau đây (Hệ Từ Truyện, Thiên Thượng):
    Nhất âm nhất dương chi vị đạo: Một âm một dương gọi là đạo (V:1);
    Âm dương bất trắc chi vị thần: Điều không lường được trong âm dương gọi là thần (V:9);
    Hình nhi thượng giả vị chi đạo, hình nhi hạ giả vị chi khí:
    Cái ở trên hình tượng gọi là đạo, cái ở trong hình tượng gọi là khí, là dụng (XII:4).
    Xem thêm các đoạn: V: 2,4,6,7: IX: 9,10).
    Diễn tả cách khác:
    Đạo hiện thân trong âm và dương; đạo là thể của âm và dương, của trời và đất; đạo còn là thực tại ở phía sau và ở phía trên hình tượng; thực tại không lường được ở trong âm và dương đó là thần. R. Wilhelm đã giải thích rất thâm sâu rằng: âm dương, trời đất, hình tượng ta có thể nhìn thấy; chúng có thể giải thích những biển đổi trong không gian và thời gian. Nhưng còn một “cái còn lại ” ở phía sau các hiện tượng biến đổi kia không sao cắt nghĩa được, đó là cái “tại sao cuối cùng “. Cái còn lại sâu thẳm nầy là “Đạo”, là “Thần”, là “Linh Thánh” (= là Chúa: das Goettliche), là “Bất khả tư nghị”, là “Đấng đáng tôn bái” trong trầm lặng (R. Wilhelm, Kinh Dịch: I Ging, Koeln 1960, 279).
    Còn J. Legge thì giải thích những câu Hệ Từ Thượng trên đây như sau: “Điều mà không lường được… ta gọi là thần, là sự hiện diện của tác động linh thánh. Những gì thuộc về Dịch không nhất thiết phải thể hiện ra hình tượng trong trời đất; còn một cái gì không lường được, cái không lường được nầy ta có thể cùng với tác giả chú giải đầu tiên trong Thập Dực nhìn ra là sự hiện diện và tác động của Đấng Tối Cao ” (J. Legge, The Religions of China: Confucianism and Taoism described and compared with Christianity; London 1880, 43).
    Những ý tưởng trên đây trong Kinh Dịch làm ta liên tưởng đến ĐĐK. Trong ĐĐK (chương 42), Đạo cũng được diễn tả qua âm và dương; Đạo cũng đóng vai trò “không lường được” trong thế giới hiện tượng; LT cũng nói về thế giới hình tượng, trong đó có cái gì mập mờ, thấp thoáng, thâm viễn, tinh túy, cái đó là Đạo. Đạo là thiện, là sáng tạo mọi vật, đồng thời là đón nhận, là huyền vi, là âm tính mềm dịu. Với ĐĐK và với Thập Dực của Kinh Dịch, quả thật chúng ta đang ở giữa thế giới siêu hình của Đạo. Thập Dực chỉ mới bắt đầu suy luận về Đạo, ĐĐK trái lại quảng diễn thông suốt và thâm viễn về Đạo trong mọi hình tượng và biến dịch của trời đất và lịch sử.

    Thích

  6. ĐẠO
    “Đạo” là một danh từ Việt phổ quát thường được dùng thay thế cho chữ “tôn giáo”. Khi nói đến “đạo Chúa”, “đạo Phật”, “đạo ông bà”, người Việt ám chỉ Thiên Chúa giáo, Phật giáo, và tôn giáo thờ lạy ông bà, tổ tiên. Tuy nhiên chữ “Đạo” (Tao) theo nguyên văn tiếng Hán Việt còn có nghĩa là đường đi, lẽ thật (the Way). Nói rộng hơn trong văn hóa Trung quốc và khái niệm triết học Đông phương, chữ “Đạo” được dùng để diễn tả ý niệm về cội nguồn, nguyên lý của vạn vật trên thế gian. Như thế “Đạo” theo nghĩa sau này không thể dùng lẫn lộn đồng nghĩa với “tôn giáo”, nhưng chỉ để ám chỉ căn nguyên của thế giới vật chất.
    Có thể nói các nền triết học và tôn giáo lớn trên thế giới, đa số xuất phát từ Đông phương:
    Ấn Độ giáo (Hinduism), Phật giáo (Buddhism), Khổng giáo (Confucianism), và Lão giáo (Taoism), là nổ lực của con người đi tìm kiếm “Đạo”, tức căn nguyên của vũ trụ. Riêng Cơ đốc giáo (Christianity) là tôn giáo duy nhất cho rằng Chúa Cứu thế Giê xu là “Đạo”, là Thượng đế, đã tìm đến và nối kết với con người. Trong Thánh kinh, Chúa Giê xu tuyên bố Ngài là đường đi, lẽ thật, và sự sống (Gi 14:6). Sách Tin lành Giăng mở đầu với lời giới thiệu về thân vị của Chúa Giê xu là cội nguồn của thế gian: “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài” (Gi 1:1-3). Chữ “Ngôi Lời”, nguyên văn tiếng Hy lạp là “Logos”, theo nghĩa siêu hình diễn tả một quyền lực siêu phàm tạo dựng và điều khiển vũ trụ. Như vậy Thánh kinh khẳng định Chúa Giê xu là “Đạo”, là căn nguyên của vạn vật. Triết học Đông phương và Cơ Đốc Giáo đều đem “Đạo” làm trọng tâm, nhưng trong triết học Đông phương “Đạo” được tìm kiếm, ngược lại trong Cơ Đốc giáo, “Đạo” là câu giải đáp.
    Các nền tôn giáo và triết học Đông phương tìm kiếm “Đạo” qua tín lý (doctrine) và qua thiền định (meditation). Hầu hết các giáo chủ của các tôn giáo Đông phương là những người dốc lòng tìm kiếm “Đạo” qua phương pháp tu thiền để được giải thoát (liberation), và đã sáng lập những phương pháp tu thiền cùng với giáo nghi hoặc kết hợp các tín lý đương thời để giúp người đi sau đạt đến kinh nghiệm giải thoát tương tự. Các tôn giáo Đông phương xuất phát từ bốn tôn giáo lớn sau đây:

    1. Ấn Độ giáo (Hinduism): một trong những tôn giáo Đông phương lâu đời nhất bắt nguồn từ Ấn Độ cách đây khoảng 3500 năm. Căn bản của Ấn Độ giáo dựa vào bốn bộ kinh Vệ Đà (Vedas), nghĩa là “kiến thức”, do nhiều triết gia và tu sĩ viết lại bằng tiếng Phạn (Sanskrit) trong khoảng 1500-500 năm trước công nguyên. Quan trọng nhất trong kinh Vệ Đà là kinh Upanishads, gồm những triết lý, thơ văn, và tín lý tu thiền. Theo Ấn Độ giáo, cả thế gian được mô tả như là một quả cầu vĩ đại bao gồm nhiều tầng lớp – biển cả, lục địa, thiên đàng, và địa ngục. Căn nguyên của thế giới và con người là Brahman, là một quyền lực siêu nhiên bao trùm không gian vũ trụ và không thể diễn tả được. Thế giới và con người là một phần biểu lộ của vị thần Brahman. Vị thần thứ nhì là Vishnu, Đấng bảo tồn thế giới (preserver), có liên hệ mật thiết với con người và cũng là biểu hiện của tình yêu. Vishnu khi nhập thể làm người được gọi là Krishna. Sau Brahman và Vishnu, là hai Đấng thần linh tối cao, còn có Shiva là vị thần của sáng tạo và hủy phá (creation and destruction), cũng là biểu hiện của nguồn năng lực trong vũ trụ. Ngoài ba vị thần chính, tín hữu Ấn Độ giáo còn thờ hàng ngàn vị thần thánh khác.
    Theo Ấn Độ giáo, cuộc sống con người là một chuỗi tuần hoàn. Sau khi chết đi, tùy theo nghiệp chướng (karma) của kiếp trước, linh hồn được chuyển tiếp (đầu thai) qua một thân xác mới của loài người hoặc loài vật (reincarnation). Nghiệp chướng gây ra do vô minh (ignorance), bởi vì loài người quên đi thân vị của mình là một phần của Brahman, tẻ ra đi theo ý riêng và bị rơi vào vòng nghiệp chướng không thể hòa hợp làm một với Brahman. Để được giải thoát khỏi nghiệp chướng (enlightenment), người ta cần thấu hiểu và tuân hành theo giáo nghi thờ phượng (ritual) và tập luyện tu thiền (meditation) theo phương pháp yoga (joining with Brahman). Tín hữu Ấn Độ giáo thường ăn chay và tuyệt đối không ăn thịt bò bởi vì bò là biểu hiện của vũ trụ và là tặng phẩm cho loài người, chỉ được dùng trong sinh tế và thờ phượng. Mục đích tối thượng của Ấn Độ giáo là hòa hợp làm một (unity) với Brahman, có nghĩa là “Đạo”, tức căn nguyên của vạn vật trong thế gian.

    2. Phật giáo (Buddhism): sáng lập tại Ấn Độ vào thế kỷ thứ sáu trước công nguyên bởi Phật Thích Ca, tên thật là Cỗ Đàm Tất Đạt Đa (Siddharth Gautama). Theo truyền thuyết, cha của hoàng tử Tất Đạt Đa là một vương công (rajah), vì nghe lời tiên tri cho rằng con mình sau này có thể trở thành một nhà lãnh đạo đại tài hay trở nên một người vô gia cư, đã cấm không cho hoàng tử giao tiếp với thế giới bên ngoài cung điện. Một ngày nọ Tất Đạt Đa rời cung điện và chứng kiến đủ mọi thứ đau khổ trên đời ở ngoài xã hội, đã quyết định rời bỏ cung đình để đi tìm hiểu nguồn gốc và tìm cách cất bỏ khổ đau. Ban đầu Tất Đạt Đa luyện tập thiền yoga và khổ tu trên núi Bắc Ấn độ trong vòng sáu năm nhưng không thành công. Sau đó hoàng tử Tất Đạt Đa quay sang tu thiền. Tại thành phố Gaya dưới gốc cây Bồ đề, hoàng tử quyết định sẽ không rời cho đến khi được giác ngộ (enlightenment). Sau một thời gian Tất Đạt Đa được giác ngộ và trở thành Phật (Buddha). Giáo lý Phật giáo được tóm gọn trong Tứ Diệu Đế (noble truths). Đệ nhất đế cho rằng đau khổ là tình trạng căn bản của con người do nghiệp chướng gây nên. Đệ nhị đế giải thích nguyên nhân của đau khổ là do lòng tham muốn bám víu vào một thế giới vật chất tạm bợ, thay đổi không ngừng. Vì bám víu vào thế giới luôn thay đổi, con người cứ bị rơi vào vòng sanh lão bệnh tử của kiếp luân hồi do nghiệp chướng định đoạt. Trong đệ tam đế, đau khổ có thể được loại bỏ bằng diệt dục. Đệ tứ đế đưa ra phương pháp diệt dục để loại trừ đau khổ qua Đạo Bát Chánh (noble eightfold path). Đạo Bát Chánh gồm có chính kiến (knowledge), chính tư duy (thought), chính ngữ (speech), chính nghiệp (action), chính mệnh (livelihood), chính tịnh tiến (effort), chính niệm (awareness), và chính định (mediation). Mục đích cao cả nhất của Phật giáo là được thoát khỏi đau khổ và được vào cõi Niết bàn (nirvana). Theo Phật giáo, qua tu thiền con người có thể được giác ngộ và kinh nghiệm được Niết bàn trước khi qua đời.

    3. Khổng giáo (Confucianism): thiết lập tại Trung hoa vào thế kỷ thứ sáu trước công nguyên bởi Khổng Phu Tử (Confucius). Khổng Tử chủ trương phát huy nền Nho học của thánh hiền đời trước để lại trong những sách: Dịch, Thư, Thi, Lễ, Nhạc. Sau khi tra cứu Nho học, Khổng Tử minh giải và xếp đặt lại thành một học thuyết có hệ thống phân minh, tông chỉ rõ ràng qua bộ lục Kinh: Dịch, Thư, Thi, Lễ, Nhạc, và Xuân thu, trong đó Kinh Dịch (I Ching) là bộ sách quan trọng nhất đặt nền tảng cho Khổng giáo và triết học của Trung hoa sau này.
    Theo Kinh Dịch, vũ trụ và tất cả mọi sự trên đời được bắt nguồn từ một thực thể vô hình tuyệt đối gọi là Thái cực (Tai chi). Thái cực còn được mệnh danh là Sinh Hóa Độc Tôn (One Life), Tự Hữu (One Self-Existence), Hằng Hữu (Eternal and Infinite), Tuyệt Đối (Absolute All-in-All). Từ Thái cực sinh ra vạn vật, và vạn vật chung kết trở về với Thái cực. Thái cực có hai lực lượng Âm và Dương (Yin and Yang), luôn biến hóa không ngừng, kết hợp tạo nên sự vận chuyển của vũ trụ. Âm và Dương thường được so sánh với tĩnh và động, sáng và tối, nam và nữ, trời và đất, vật chất và tinh thần, lành và dữ. Khi dương đạt đến cực điểm thì âm đã tìm ẩn trong dương sẽ bắt đầu xuất hiện, và ngược lại, khi âm phát triển đầy trọn thì dương bắt đầu hình thành, và một chu kỳ mới được tiếp diễn. Nguyên lý âm dương được áp dụng vào mọi lĩnh vực trong cuộc sống và ảnh hưởng sâu đậm trong nền văn hóa Trung hoa, từ canh nông cho đến y khoa, dưỡng sinh, nghệ thuật, khoa học, chính trị. Một ví dụ điển hình là khoa châm cứu Trung hoa dựa trên nền tảng quân bình Âm Dương và điều hòa khí huyết trong thân thể con người. Những bộ phận trong cơ thể được chia ra hai loại Âm Dương, gắn liền với các huyệt đạo (meridians, acupuncture points). Khi luồng chân khí (chi) chạy trong các huyệt đạo bị tắc nghẽn, cơ thể sẽ sinh bệnh. Y sĩ có thể chữa bệnh bằng cách châm kim kích thích các huyệt đạo và điều hòa chân khí trong cơ thể bệnh nhân.
    Theo Khổng học, con người có một địa vị rất quan trọng trong vũ trụ, bởi vì loài người sinh ra do sự giao hợp của Âm Dương, ơn đức của Trời Đất, hội tụ của Thần Thánh, và nguyên khí của vũ trụ. Chỉ có con người mới hấp thụ được tinh thần và khí chất của Trời Đất nên là loài linh diệu hơn tất cả vạn vật trong vũ trụ. Sự sáng suốt trong tâm con người gọi là minh đức, lương tri, hoặc trực giác. Nhờ có thần minh trong tâm do Trời ban, con người mới nhận thức được sự hiện hữu của mình và của Trời, từ đó con người cần phải cố gắng theo đạo Trời mà đạt đến Chân, Thiện, Mỹ. Đạo Trời có bốn đức: nguyên (thiện), hanh (lễ, mỹ), lợi (nghĩa), trinh (trí), từ đó ra bốn đức của đạo người: nhân, nghĩa, lễ, trí. Khi chết, thể xác con người tan nát, nhưng tinh anh trở về Trời, là nguồn của sự sáng. Mục đích quan hệ nhất của con người là đạt được sự hòa hợp trọn vẹn, thống nhất với Trời và với người.

    4. Lão giáo (Taoism): Lão giáo, còn gọi là Đạo giáo, được sáng lập tại Trung hoa bởi Lão Tử (Lao Tzu) vào thế kỷ thứ sáu trước công nguyên, đồng thời với Khổng giáo và Phật giáo. Lão Tử viết Đạo Đức Kinh (Tao Te Ching) để truyền bá Đạo Giáo, sau được Liệt Tử và Trang Tử phát huy và quảng bá rộng rãi. Khác với Khổng giáo thiên về luân thường đạo lý xã hội và cấu trúc văn hóa, giáo dục, Lão giáo chú trọng vào việc quan sát diễn biến trong thế giới tự nhiên để khám phá Đạo (Tao), tức Đường Đi (the Way). Con người chỉ thỏa mãn khi vâng theo trật tự thiên nhiên, hành động tự phát không gò bó, và tin tưởng vào trực giác.
    Theo quan điểm của Lão giáo, “Đạo”, tức “Đường Đi”, là một thực thể tuyệt đối thống nhất và làm nền tảng cho vạn vật trong vũ trụ. “Đạo” của Lão giáo có nghĩa tương tự như “Brahman” của Ấn Độ giáo, hoặc quan niệm “Trời” của Khổng giáo và “Thái cực” của triết học cổ Trung hoa. “Đạo” là căn nguyên của vũ trụ, là một thể thống nhất (the whole), trọn vẹn, bao trùm vạn vật (all-embracing), và là một thực tại duy nhất (the One). Do “Đạo” vũ trụ được nảy sinh và biến đổi không ngừng. Tuy nhiên sự dịch chuyển và thay đổi của vũ trụ có hình thái nhất định có thể quan sát được bằng trực giác. Một khi khám phá được những khuôn mẫu trong tự nhiên và hành động hòa hợp với khuôn mẫu này, con người có thể hiệp nhất với “Đạo” (one with Tao). Theo Lão giáo, khi tâm trí hoàn toàn yên tịnh, không còn bị chi phối bởi ảnh hưởng và cuốn hút của thế giới vật chất bên ngoài, con người có thể phát hiện nguyên lý “Đạo” trong vũ trụ, và có thể hòa hợp làm một với “Đạo”. Vì vậy Lão giáo không chú trọng vào đời sống thực tế hay giải quyết những nan đề trong xã hội, nhưng tập trung mọi nổ lực tìm kiếm những phương pháp có thể làm cho tâm trí được trống vắng, tĩnh mịch, để khám phá, liên lạc và hòa hợp với “Đạo”. Những phương pháp tĩnh tâm của Lão giáo kết hợp giữa tâm lý, sinh lý và vật lý như thiền định, thể dục, luyện thở, vệ sinh, ngay cả giao hợp luyến ái và xử dụng thuốc kích thích. Giáo lý của Lão giáo chú trọng vào tính cách cao siêu huyền bí của thế giới tự nhiên, do đó trong giới bình dân theo Lão giáo ngày nay đã nảy sinh nhiều tệ nạn trong xã hội và đã để lại nhiều tập tục mê tín dị đoan như bói toán, thuật số, bùa chú, phù thủy, đồng cốt.

    Tóm lại, mặc dầu có nhiều nguồn gốc tín lý và giáo điều khác nhau, các tôn giáo và nền triết học Đông phương đều tập trung vào một nỗ lực duy nhất: tìm kiếm, thấu hiểu và tìm cách nối kết hòa hợp với “Đạo”, căn nguyên của vạn vật trên thế gian, để được thực sự giải thoát và đạt được chân hạnh phúc. Qua thiền định trong tĩnh mịch, người theo triết học Đông phương tin tưởng có thể hiểu được thực tại của vũ trụ và tự do thoát khỏi sự ràng buộc của vòng nghiệp chướng. Tuy nhiên, ngay cả những giáo chủ và các nhà hiền triết đều không khẳng định hiệu quả của thiền định để được thật sự giải thoát và hiệp nhất tương thông với
    “Đạo”. Ngược lại, nhiều tu sĩ, tăng lữ đã khuyến cáo về những tác hại nguy hiểm nếu bị chi phối trong lúc luyện tập tu thiền. Hơn nữa, khi người tu thiền đạt vào cõi linh giới rất dễ bị lôi cuốn đi theo sự mời gọi và chịu sự sai khiến của tà linh.

    Trong bài viết của tiến sĩ Thomas In-Sing Leung trong tập san Radix magazine, volume 24, Number 1, tác giả đã thuật lại kinh nghiệm tu thiền theo phương pháp của Phật giáo và Lão giáo để được giải thoát và thấu hiểu những lẽ mầu nhiệm trong vũ trụ. Theo tiến sĩ Leung, thiền định có thể được chia ra làm sáu giai đoạn (trùng cảnh giới). Trong giai đoạn thứ nhất, người thiền sẽ phát hiện một luồng hơi nóng chạy xung quan cơ thể. Luồng hơi này (chi) tùy theo sự hướng dẫn của tâm trí mà chạy thông kinh mạch (meridian). Khi hơi xuất ra, thì người ngồi thiền sẽ thấy khỏe hơn và khí lực được tăng cường. Nếu thiền lâu hơn và lạm dụng khí công, có thể có nhiều phiền phức xảy ra. Linh hồn của người thiền sẽ xuất ra và dễ gặp phải tà linh trong linh giới. Khi tinh thần và linh giới gặp nhau, người luyện thiền sẽ thấy đủ mọi hình ảnh xuất hiện trước mặt mình, nhất là ánh sáng.
    Trong giai đoạn thứ hai, người thiền được mở mắt tâm linh (heavenly eye) và cảm thấy như bay bổng trên không trung, thấy được những cảnh vật sông núi từ xa đến, hay những cảnh thiên nhiên. Vào giai đoạn thứ ba, người luyện thiền có thể thấy được những không gian trong vũ trụ mà tứ chi cảm nhận được hoặc không cảm nhận được. Trong những không gian mà mắt trần không nhìn thấy được có những sinh linh tồn tại gọi là linh giới. Người ngồi thiền có thể phân biệt được những sinh linh đó là ảo giác hay thật bằng cách trò chuyện với những tà linh này. Nếu nó trả lời thì đó là thật.
    Sang giai đoạn thứ tư, người thiền bước vào một thế giới không linh mà Phật học thường nhắc đến. Trong thế giới này mọi vật thay đổi không ngừng và liên lạc chặt chẽ với nhau. Người thiền sẽ nhận được cảm giác bình an và dường như thật sự được giải thoát (enlightenment). Vào giai đoạn này người ngồi thiền sẽ phát hiện trong cơ thể một luồng thông đạo để đi đến thế giới vô hạn. Tuy nhiên thông đạo này chỉ đi xuống mà không đi lên. Đến lúc này người luyện thiền có thể bước vào giai đoạn thứ năm. Sang giai đoạn này, người luyện thiền sẽ có cảm giác “thiên nhân hiệp nhất”, giống như vũ trụ và con người hiệp thành một thể, thường được mô tả trong Lão giáo. Người thiền có thể phát hiện được sau lưng vũ trụ dường như có một lực lượng sáng tạo vĩ đại tồn tại. Lúc này người tu thiền sẽ cư xử không còn như một người bình thường, nhưng như một tu sĩ, và luôn muốn tập thiền để kinh nghiệm nhiều hơn.
    Qua giai đoạn thứ sáu, thiền sư sẽ gặp nhiều linh vật xuất hiện giống như thiên sứ hoặc bồ tát kêu gọi thiền sư đi vào thế giới của họ. Những linh vật này có thể ban cho thiền sư nhiều quyền phép biết được quá khứ và tương lai, và nếu chịu sự sai khiến của những linh vật này, thiền sư có thể ảnh hưởng người khác và thu hồi nhiều đệ tử. Nhưng thiền sư cũng có thể từ khước những quyền lực này nếu muốn được giải phóng (liberated). Đặc biệt trong giai đoạn này thiền sư có thể chiêm nghiệm được sự hiện diện của một Đấng Sáng Tạo, là nguồn ánh sáng vĩ đại, nguồn của mọi sự tốt lành, và là căn nguyên của vũ trụ. Tuy nhiên có một khoảng cách khổng lồ không cho phép thiền sư đến gần với nguồn ánh sáng này. Và không có một chiếc cầu nào có thể bắc ngang vực thẳm để đem thiền sư đến được với nguồn sáng tạo vô song. Theo tiến sĩ Leung, nguồn sáng này chính là “Đạo”, mà các tôn giáo nhắc đến và luôn tìm kiếm.

    Thánh kinh cho biết Chúa Cứu thế Giê xu chính là “Đạo” mà các tôn giáo đang tìm kiếm. Giữa loài người và Thượng đế thánh khiết có một sự ngăn cách khổng lồ tạo ra bởi tội lỗi. Chính Chúa Giê xu, là “Đạo”, đã trở thành người, chết trên thập giá, sống lại từ trong cõi chết, và trở nên chiếc cầu duy nhất để đem loài người nối kết lại với Thượng đế. Chúa Giê xu phán rằng không nhờ Ngài thì không ai có thể đến gần Thượng đế (Gi 14:6). Thánh kinh xác nhận rằng chỉ có một Thượng đế, và chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Thượng đế và loài người, tức là Chúa Giê xu, là hiện thân của “Đạo” ở giữa loài người (ITi 2:6). Như vậy ngay cả thiền định và sống khắc khổ, tu thân tích đức, cũng không đem loài người đến gần hòa hợp với Thượng đế. Phương pháp tu thiền chỉ tạm thời đem loài người đến tiếp xúc với thế giới tâm linh, nhưng không thực sự giải quyết được bản chất tội lỗi ngăn cách loài người và Thượng đế. Chỉ qua sự tiếp nhận Chúa Giê xu, con người mới thông công được với Thượng đế, hưởng được bình an, hạnh phúc thật, và sự sống vĩnh cữu. Những phương pháp ngoài Chúa Giê xu chỉ dẫn con người vào ngõ cụt (dead end) nguy hiểm. Nhận thức được Chúa Giê xu là “Đạo”, căn nguyên của vũ trụ, đã trở thành người và hy sinh mạng sống để chuộc tội cho loài người là giải pháp duy nhất và cần thiết nhất để đem con người hòa hợp với Thượng đế và với nhau, cũng là mục đích tối hậu của mọi tôn giáo trên đời.
    (NLAD)

    Thích

  7. 1. Thuyết “Big Bang” về vụ nổ lớn hình thành Vũ trụ hiện được chấp nhận bởi đa số các nhà khoa học. Sau Big Bang, không gian, thời gian, năng lượng các loại, vật chất các loại… được tạo ra. Năm 1926, Huble – Nhà thiên văn học người Anh dựa vào sự dịch chuyển về phía đỏ của phổ ánh sáng của các thiên hà đã phát hiện ra sự giãn nở của Vũ trụ. Có ba kịch bản về sự giãn nở này liên quan đến khái niệm về mật độ vật chất của Vũ trụ:
    – Vũ trụ giãn nở mãi nhưng tiệm cận đến một giới hạn nhất định.
    – Vũ trụ giãn nở đến một lúc nào đó thì bắt đầu co lại thành một điểm để hình thành một vụ Big Bang mới…
    – Vũ trụ giãn nở mãi có gia tốc (tốc độ giãn nở ngày càng lớn).

    Vào khoảng năm 1998 thì các nhà khoa học phát hiện ra một điều bất ngờ: đó là kịch bản thứ ba sẽ xảy đến cho Vũ trụ của chúng ta. Để giải thích cho sự giãn nở có gia tốc dương này, các nhà khoa học phải đưa ra một số khái niệm như: Năng lượng tối, vật chất tối.

    2. Mật độ vật chất của Vũ trụ, xét trên thang vĩ mô, là đẳng hướng (là như nhau cho mọi miền, mọi hướng). Nhưng trong quá trình phát triển, các “thăng, giáng” đã hình thành. Đây là các mầm để hình thành các cụm thiên hà, các thiên hà nhờ lực hấp dẫn.

    Entropi của Vũ trụ tăng mãi, nhưng có thể tồn tại những định xứ (local) mà Entropi giảm, nơi mà trật tự sẽ được hình thành và phát triển. Có thể nêu lên một thí dụ đắt giá, đó là Ngân hà (Milk Way – Con đường Sữa vắtt ngang bầu trời đêm hè) trong đó có hệ mặt trời và trái đất của chúng ta. Gia đình của các bạn (local) thì yên ấm (entropi giảm) trong khi nhiều gia đình khác (local khác) thì lộn tùng phèo (entropi tăng). Nên chăng là tăng Entropi trong nhà các bạn để giảm Entropi cho các gia đình khác ?

    3. Entropi có vai trò như thế nào trong sự kết liễu đời sống của bạn ? Tại sao tuổi thọ của con người chỉ khoảng 100 năm, của con muỗi là khoảng 21 ngày, của một số cây có thể là hàng ngàn năm, mà không phải là một con số khác ?

    Xã hội và cuộc sống là các không gian đa chiều, trong đó mỗi chiều đều có khái niệm Entropi của nó.

    4. Càng bàn luận thì chúng ta càng nhận thấy rằng: sự hiểu biết của con người quá hạn hẹp như một giọt nước so với một đại dương vô hạn của những bí ẩn. Nhưng như Pascal nói: con người là cây sậy có tư tưởng. Thể chất chúng ta có thể còn yếu đuối (như cây sậy), nhưng chúng ta có sức mạnh của tư duy và nhận thức, do đó chúng ta đang là chúa tể trên hành tinh này. Nhưng làm sao để các Chúa tể này đừng có cắn xé nhau như các con sư tử – Chúa tể của sơn lâm trong chốn núi rừng? Khoa học là không thiện, không ác. Thiện và ác là do con người sử dụng khoa học vào mục đích gì mà thôi.

    5. Mặc dù khung cảnh thế giới hiện nay thật u ám, nhưng tôi vẫn là người theo chủ nghĩa lạc quan: Cho dù có nhiều thăng trầm, nhưng xu hướng tiến bộ vẫn là phác đồ chung cho nền văn minh của xã hội loài người.

    Thích

  8. Có hai loại dân chúng là những người cho rằng mọi tôn giáo đều giống nhau. Nhóm thứ nhất gồm những người có lòng tin, tuy không phải là loại rất nhiệt thành về đức tin. Những người này cả quyết rằng mọi tôn giáo đều giống nhau trên con đường đến thiên đàng—một lập trường mà chỉ có một tôn giáo lớn, Ấn Giáo, thực sự tán thành.
    Nhóm thứ hai coi mọi tôn giáo đều giống nhau là nhóm người vô thần. Nhóm này coi mọi tôn giáo đều lầm lạc như nhau, và một số người không có đức tin còn cho rằng các tôn giáo thì nguy hại.
    Nhưng trái với điều những người này nói, mọi tôn giáo không giống nhau. Ở mức độ nào đó, mọi người đều biết điều này. Hầu hết các tôn giáo thừa nhận một cách độc đáo và kiên quyết về Thượng Đế và tình trạng con người. Vì các thừa nhận này thường xung khắc nhau, do đó không cách chi mọi tôn giáo đều là chân lý. Chắc chắn có thể là một số tôn giáo có các yếu tố chân lý. Tuy nhiên, nếu một tôn giáo hoàn toàn đúng, điều tiếp theo là các tôn giáo còn lại thì sai lạc.
    Ngay cả vậy, người có thiện chí thường tránh sự xung đột chung khi nhấn mạnh rằng mọi tôn giáo thì khác biệt ở kiểu cách hiểu biết về cùng một chân lý. Đây là một quan điểm sai lầm, tuy nó chứa đựng một yếu tố chân lý. Như đã từng thấy, có một luân lý chung mà các tôn giáo lớn trên thế giới đều chia sẻ. Cũng thế, các tôn giáo độc thần cố gắng thờ một Thượng Đế và bởi đó cùng chung một Thượng Đế. Tuy nhiên các tôn giáo này khác nhau trong sự hiểu biết lý do tại sao con người cần đến Thượng Đế và làm thế nào con người có thể tìm ra Thượng Đế.
    Trong bảng so sánh các tôn giáo lớn, Huston Smith kể ra các khác biệt quan trọng giữa các tôn giáo. Phật Giáo không có ý niệm về đời sau hoặc Thượng Đế. Chỉ có một tôn giáo khác mà Cơ Đốc Giáo hoàn toàn chấp nhận như sự mặc khải của Thiên Chúa: Do Thái Giáo. Cơ Đốc Giáo tự coi mình là thay thế cho Do Thái Giáo, Hồi Giáo tự coi mình là thay thế cho Do Thái Giáo và Cơ Đốc Giáo. Hồi Giáo coi ông Môsê và Đức Giêsu là ngôn sứ, nhưng ngay cả người Hồi Giáo cũng tán thành sự sinh hạ đồng trinh của Chúa Jesus, nhưng họ không xem Chúa Jesus là Đấng Thiên Sai, và họ không tin là Người đã chịu đóng đinh và đã sống lại lên trời.
    Mọi tôn giáo đều toan tính giải quyết nan đề mà Pascal đã vạch ra trong cuốn Pensées. Pascal nhận xét rằng đã bao lâu con người dùng rất nhiều tri thức và nỗ lực để giải quyết một vài khó khăn căn bản. Chúng ta muốn thế giới có hòa bình. Chúng ta muốn sống hài hòa với người khác. Chúng ta muốn chăm sóc con cái tốt đẹp. Chúng ta muốn đời sống không có vấn đề. Pascal nói rằng chúng ta ở tình trạng này đã lâu, vậy tại sao chúng ta chưa giải quyết được gì cả? Tại sao sự theo đuổi hạnh phúc vẫn còn là một theo đuổi? Với các nhà vô thần nổi tiếng , câu trả lời đơn giản là vì con người ngu dốt, và khoa học là phương cách để xóa tan sự ngu dốt đó. Người có tôn giáo biết rằng đây mới chỉ là nửa sự thật. Sự ngu dốt chỉ là một nửa vấn đề; nửa kia là vấn đề sự thiện và sự dữ. Hơn thế nữa, khoa học là phương cách duy nhất để có kiến thức, và đó chỉ là một loại kiến thức. Khoa học không đem lại câu trả lời cho các câu hỏi nêu trên. Nếu thu gọn mọi kiến thức chỉ còn là kiến thức khoa học, đó là kết án con người ngu dốt về những điều quan trọng nhất trong cuộc đời.
    Vậy, chúng ta có thể hiểu thế nào về vấn đề thiện và ác mà nó từng cản trở hạnh phúc của chúng ta? Pascal nhận xét rằng con người thì vừa anh hùng và vừa độc ác. Nó có thể suy nghĩa và hành động cao thượng cũng như tuyệt diệu, tuy nhiên nó cũng mưu tính và thi hành các hành động khủng khiếp không xứng đáng với ngay cả con vật thấp hèn nhất. Thật vậy, một phần vĩ đại của con người là nó có thể dùng khả năng lý lẽ của mình để nhận biết sự thấp hèn của nó.
    Tình trạng này có thể diễn tả theo cách khác. Con người có tiêu chuẩn rất cao, nhưng nó thường không đạt được. Nó biết điều gì tốt, nhưng nó không làm. Nó bị trói buộc trong sự ích kỷ và đam mê xấu xa, và nó chịu thua các đam mê đó vì ý chí yếu ớt. Tất cả mọi tôn giáo dường như đồng ý với sự chẩn đoán vấn đề theo phương cách này. Và hầu như mọi tôn giáo đều đồng ý rằng giải pháp là ban cho con người các quy luật, điều răn, và hướng dẫn để làm sao nâng mình lên trên các xu hướng để có thể đến với Thượng Đế. Nói chung tôn giáo là cẩm nang chiến thuật của con người về kiểu cách đến với Thượng Đế.
    Nhưng Cơ Đốc Giáo không phải là tôn giáo trong ý nghĩa này. Cơ Đốc Giáo cho rằng con người không thể nào đến với Thiên Chúa, dù cố gắng thế nào đi nữa. Con người không thể lên đến mức độ Thiên Chúa bởi vì mức độ Thiên Chúa thì quá cao. Do đó chỉ có một giải pháp: Thiên Chúa phải hạ xuống mức con người. Tuy có vẻ khiếm nhã, thật vậy, Thiên Chúa phải trở nên con người để gánh lấy tội lỗi của loài người. Người tín hữu tin rằng đây là sự hy sinh lớn lao của Chúa Jesus. Nếu chúng ta chấp nhận sự hy sinh của Chúa Jesus trên căn bản đức tin, chúng ta sẽ thừa hưởng món quà cứu độ của Thiên Chúa. Chỉ có vậy. Đó là cốt yếu của Cơ Đốc Giáo. Với một số người, nó có vẻ nực cười. Tuy nhiên, trong sự đơn giản này có một chiều kích đáng kể và phong phú. Chúng ta có thể hiểu rõ giá trị của tất cả các điều này nếu từ từ và tỉ mỉ khảo sát từng khía cạnh của nó.
    Giả thuyết thứ nhất là xu hướng phạm tội thì có trong bản tính con người. Nói cách khác, ích kỷ, tham lam, dâm ô, và hám lợi là một phần của con người chúng ta. Darwin có lẽ sẽ đồng ý với điều này. Thật vậy chân dung con người theo Darwin là một chứng thực quan trọng cho học thuyết Cơ Đốc Giáo về tội nguyên tổ. Quan điểm không bợ đỡ của Darwin về con người thì thực tế và chính xác hơn quan điểm ngây thơ của Russeau cho rằng con người thì tốt tự bản chất và xã hội phải chịu trách nhiệm cho các vấn đề của con người. Darwin hiểu rằng con người thì gần với con vật hơn với thiên thần. Trong một số phương cách, con người thì tệ hơn thú vật bởi vì chúng chỉ thi hành những gì xảy đến tự nhiên, trong khi con người phạm tội một cách cốt ý và tự do.
    Bởi đó con người phải trả giá cho tội lỗi, và giá của tội lỗi là sự chết. Đây là giả thuyết thứ hai của Cơ Đốc Giáo. Kinh Thánh coi sự chết trong lãnh vực sinh vật học thì cũng ngang bằng với tội lỗi trong lãnh vực luân lý. Một số người sẽ thấy điều này thì quá khắc nghiệt, nhưng nó là sự khắc nghiệt chính đáng. Tội lỗi làm nên cá tính chúng ta và xác định tư tưởng cũng như lối đối xử của chúng ta. Tội lỗi có trong thói quen chúng ta đến độ sự phạm tội trở nên thông thường, hầu như không suy nghĩ. Tội lỗi thì không ở ngoài phạm vi con người, là điều thỉnh thoảng chúng ta làm, nhưng nó ở bên trong căn tính của chúng ta. Như vậy tội lỗi đáng được phần thưởng thiên đàng sao? Thiên Chúa, đấng công bằng và thánh thiện đời đời, phải tương nhượng sự công bằng và thánh thiện để ban cho chúng ta ơn cứu độ bất kể chúng ta có ghét bỏ Người và phàm tục hóa lề luật của Người sao? Dường như điều công bằng là chúng ta phải trả một giá cho tội lỗi đối với Thiên Chúa và đối với con người. Điều này có nghĩa người tội lỗi không thể vào vương quốc Thiên Chúa.
    Vậy làm thế nào để chúng ta có ơn cứu độ? Với hầu hết tôn giáo, con người phải đóng vai trò tích cực. Ấn Giáo và Phật Giáo đưa ra giải pháp rất giống nhau: Qua sự thiền định chúng ta đối diện với những đam mê ích kỷ và nhận biết rằng “cái tôi” là cốt lõi của vấn đề. Do đó chúng ta cố gắng, trong nhiều phương cách, để loại trừ cái tôi này và đạt được sự hủy diệt của nó. Kết quả là chúng ta tìm cách trở nên hư không. Chúng ta có thể tiến đến mục tiêu này không chỉ qua sự thiền định nhưng còn qua sự từ bỏ mình: từ bỏ của cải, từ bỏ thú vui nhục dục, và vân vân. Đây là chương trình vô cùng khó khăn. Trong những người Phật Tử, chỉ có các nhà sư cho rằng họ đạt đến niết bàn. Chính ý thức về sự cách biệt lớn lao giữa sự thánh thiện và sự yếu đuối con người đã tạo nên thuyết luân hồi đặc biệt trong các văn hóa Ấn Giáo và Phật Giáo. Nhiều người Ấn Giáo tin rằng luân hồi sẽ qui định là họ sẽ tái xuất hiện như một hoàng tử, một con chó, hay một con bọ chét trong kiếp tới hay không.
    Do Thái Giáo và Hồi Giáo đưa ra một công thức khác biệt, tuy cả hai dẫn các tín đồ đến cùng một con đường. Do Thái Giáo và Hồi Giáo là tôn giáo của lề luật. Cả hai đều tỉ mỉ về những nghi thức và lề luật: Cầu nguyện năm lần trong một ngày. Khăn gói lên đường đến Mecca. Hiến tế một con chiên hay một con dê. Mang râu dài. Giữ chay. Luật gia vĩ đại của Do Thái Giáo là Maimonides còn lập luận rằng việc cắt bì là yếu tố cần thiết để được cứu độ: “Bất cứ ai quên đi giao ước của tổ phụ Abraham và vẫn giữ da quy đầu… sẽ không có phần trong thế giới sẽ đến.” Sự khắc nghiệt của các quy luật này khiến nhiều người Do Thái và Hồi Giáo bỏ qua nhiều luật lệ và chỉ tuân theo một số quy định được chọn lựa để họ có thể sống. Đây là những người Do Thái và Hồi giáo “cải cách”, dường như họ không cố gắng sống trọn vẹn sự khắc nghiệt của luật lệ. Một cách căn bản, họ sống với hy vọng rằng Thiên Chúa thì không phải là một người quá khắt khe về chi tiết.
    Nhưng Thiên Chúa không phải là một chủ nhân khoan dung sẵn sàng chấp nhận 30 phần trăm tiền nộp; sự công bằng của Người đòi phải hoàn trả đầy đủ. Mặc dù vậy, không thể không thông cảm với người chểnh mảng. Họ nói đúng, quả thật rất khó khăn để đền bù tội lỗi đầy đủ cho Thiên Chúa. Cơ Đốc Giáo nói rằng các tiêu chuẩn này không chỉ có khó khăn; mà là chúng không thể thực hiện được. Không chỉ không thể chấm dứt phạm tội—ngay cả tín hữu Cơ Đốc đạo đức nhất cũng không thể ngưng phạm tội—nhưng còn không thể đền bù tội lỗi trong quá khứ của một người. Làm thế nào để bạn đền bù tội lỗi của mình? Có thể nào bạn biết chỗ của từng người mà bạn đã lỗi phạm và xin lỗi họ? Phải, bạn có thể quyết tâm sống một cuộc đời tốt lành sau đó, nhưng điều này thì không đền bù tội lỗi; dẫu sao bạn sẽ phải thi hành điều ấy.
    Cơ Đốc Giáo nâng cao tiêu chuẩn hơn các tôn giáo khác khi nhấn mạnh rằng để vào vương quốc Thiên Chúa thì chúng ta phải toàn hảo. Không chỉ tốt, nhưng phải hoàn hảo. Tốt lành là chưa tốt đủ. Vì không ai hoàn hảo, Người tín hữu có lời nói rằng, “mặt đất thì ngang bằng ở dưới chân thập giá.” Anh tôi có thể là người tốt hơn tôi, và bạn có thể là người tốt hơn anh tôi, nhưng nói cho cùng không có gì đáng kể bởi vì không ai trong chúng ta thực hiện được điều đó với chính sức lực của mình. Giải pháp duy nhất là chúng ta phải “chết đi chính mình” và trở nên một người hoàn toàn khác biệt, tinh tuyền luân lý trong ánh mắt Thiên Chúa: “vì nếu hạt lúa không chết đi, nó sẽ không sinh kết quả.” Bởi đó Cơ Đốc Giáo đồng ý với Ấn Giáo và Phật Giáo về nhu cầu phải hủy diệt cái tôi cũ kỹ của mình. Nhưng nó khác biệt ở điểm nói trước rằng chương trình này thì không thể thực hiện được.
    Bởi thế làm thế nào ơn cứu độ phù hợp được với sự thánh thiện và công bằng của Thiên Chúa? Điều này đặt ra câu hỏi theo phương cách xứng hợp. Câu trả lời của Người tín hữu là Thiên Chúa quyết định rằng chính Người trả giá này cho tội lỗi của con người. Không chỉ tội này hay tội kia, nhưng tất cả mọi tội. Thiên Chúa thi hành điều này bằng cách trở nên một con người và chết trên thập tự. Đây là sự hy sinh không thể tưởng của Thiên Chúa. Ở đây không nói đến cái chết trên thập giá của Chúa Jesus mà nói đến quyết định của Thiên Chúa khi trở nên một con người. Không tôn giáo nào có thể hiểu được điều này. Các thần của người Hy Lạp và La Mã thời xưa thường giả dạng như con người, nhưng họ không thực sự trở nên con người. Tác giả Carlos Fuentes người Mễ viết rằng khi các nhà truyền giáo Cơ Đốc lần đầu tiên trình bầy giáo lý cho người Aztec, người Aztec hoàn toàn không thể hiểu được. Fuentes viết, “Trong một thế giới quen với việc hiến tế con người cho thần thánh, không có gì làm người thổ dân bàng hoàng hơn là một thần thánh đã hy sinh chính mình cho con người.” Tuy nhiên điều mà các tôn giáo khác cho là ngu xuẩn và khiếm nhã, Cơ Đốc Giáo lại cho là sự thật.
    Richard Dawkins viết “sự đền tội, học thuyết chính của Cơ Đốc Giáo, thì độc ác, có tính cách khoái khổ, và ghê tởm.” Sự chỉ trích này chỉ có ý nghĩa nếu bạn cho rằng Người tín hữu bịa đặt toàn thể câu chuyện, mà nó sẽ là điều xấu xa cho họ thi hành đối với Thiên Chúa. Người tín hữu coi việc đền tội của Chúa Cơ Đốc là một sự hy sinh mỹ miều. Bằng cách nào đó, Thiên Chúa không chỉ trở nên một con người nhưng còn gánh lấy mọi tội lỗi và gánh nặng để giúp loài người có thể đi vào vương quốc thiên đàng. Như một mục sư ở San Diego nói, “Chúa Jesus trả món nợ mà Người không nợ chỉ vì chúng ta có món nợ mà không thể trả.” Thật vậy, Chúa Jesus trên thập giá đã gánh lấy mọi tăm tối, cô đơn, và tội lỗi của thế gian. Vì vậy, qua sự cùng cực trên Gôngôtha, Chúa Jesus đã hóa giải sự công bằng của Thiên Chúa và lòng thương xót của Thiên Chúa và ban cho loài người giấy thông hành lên thiên đàng. Cây cầu mà loài người không thể xây để đi lên Thiên Chúa thì Thiên Chúa đã xây cho loài người.
    C. S. Lewis viết, “Chúa Jesus cung cấp cho chúng ta điều gì đó một cách nhưng không. Ngay cả Người ban phát cho chúng ta tất cả mọi thứ mà không vì lý do gì cả. Trong một ý nghĩa, toàn thể cuộc đời Người tín hữu hệ tại ở việc chấp nhận sự ban phát vô cùng đặc biệt đó.” Như vậy đâu là sự khó khăn? Sự khó khăn là nhận biết rằng chúng ta có tội và chúng ta không thể làm gì để giải quyết sự khó khăn này. Một trở ngại có liên hệ là chấp nhận quyền bính của Thiên Chúa và chương trình của Người cho cuộc đời chúng ta. Nói các khác, những trở ngại là sự kiêu ngạo của con người. Một trong những con quỷ của Milton ngỗ ngược xác nhận, sự khó khăn để có được tự do thì vẫn tốt hơn “gánh nhẹ nhàng của sự phù hoa nô lệ.” Sự cám dỗ của con rắn trong Vườn Địa Đàng cũng hướng đến sự kiêu ngạo: Sao các ngươi phải phục vụ? Sao không tự chọn tương lai cho mình, mà có lẽ nó tốt hơn tương lai của Thiên Chúa dành cho ngươi? Sao phải vâng lời Thiên Chúa khi các ngươi có thể là thần thánh, đặt luật lệ cho chính ngươi?
    Sự kháng cự xấc xược của nhiều người đối với thẩm quyền của Thiên Chúa được diễn đạt một cách hùng hồn bởi Hitchens: “Sẽ là điều kinh tởm nếu đó là sự thật rằng chúng ta được hoạch định và sau đó được tạo dựng và sau đó được kiểm soát liên tục trong suốt cuộc đời khi đi đứng, ăn ngủ và rồi lại tiếp tục kiểm soát sau khi chết—nếu đó là sự thật, sẽ là điều kinh tởm… Nó giống như sống ở thiên đàng Bắc Hàn. Bạn không thể đào tẩu ra khỏi Bắc Hàn cho tới khi chết. Với thuyết độc thần họ không để bạn chết và thoát khỏi họ. Ai muốn điều đó là sự thật?” Hitchens giúp chúng ta hiểu tâm lý của thuyết vô thần, nó thường không dựa trên sự thiếu khả năng tin tưởng nhưng vì họ không sẵn lòng tin tưởng. Đó là lý do người vô thần ôm lấy khoa học như phương cách hiểu biết duy nhất, không phải vì đây là sự cần thiết để điều khiển máy điện thoại cầm tay hay iPod, nhưng vì đây là phương cách để họ có thể từ chối siêu nhiên, trên nền tảng là nó không xuất hiện trong các thử nghiệm ở phòng thí nghiệm.
    Căn bản, người vô thần muốn tách rời khỏi Thiên Chúa, và điều này giúp chúng ta hiểu tại sao thiên đàng không khép kín đối với người vô thần. Hỏa ngục cũng không phải là lò lửa mà trong đó người vô thần bị treo lên vì các hành động sai lầm. Thiên đàng là lĩnh vực của Thiên Chúa, là nơi Người hiện diện mãi mãi. Hỏa ngục là nơi Thiên Chúa vĩnh viễn không có mặt. Thiên Chúa không muốn hắt hủi người vô thần; người vô thần hắt hủi Thiên Chúa. Thiên Chúa không gửi người vô thần xuống hỏa ngục; người vô thần muốn đóng con tim và đôi mắt đối với Thiên Chúa và Người do dự ban cho họ điều họ mong ước. Trong một ý nghĩa, cửa hỏa ngục bị đóng ở bên trong.
    Kinh Thánh nói rằng ơn cứu độ là một món quà của Thiên Chúa. Nhiều người—ngay cả Người tín hữu—hiểu điều này có nghĩa Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn cứu độ như một món quà. Nhưng Kinh Thánh không nói ơn cứu độ là một quà tặng từ Thiên Chúa. Đúng hơn, Kinh Thánh nói ơn cứu độ là món quà Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là món quà ấy. Tốt nhất đừng hiểu thiên đàng là một nơi chốn nhưng là một diễn tả sự kiện khi được ở với Thiên Chúa. Được ở với Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải muốn ở với Người, chúng ta đón nhận sự hiện diện của Người. Trong một cuốn sách về đức tin, J. Gresham Machen viết rằng trở nên Người tín hữu không bởi chấp nhận rằng Chúa Jesus đã chết để cứu người khác hoặc Người chết để cứu nhân loại nhưng Người đã chết để cứu chính tôi. Đây là ý nghĩa của điều Người tín hữu “tái sinh.”
    Với một số người, quan niệm của Cơ Đốc Giáo về “cánh buồm thứ hai” hoặc “đời sống mới” sẽ tiếp tục có vẻ vô lý và sỉ nhục. Bất cứ phần thưởng hứa hẹn nào của Cơ Đốc Giáo, đó là sự sỉ nhục khi phải thú nhận rằng chúng ta là kẻ tội lỗi và bất lực để giải quyết vấn đề của con người bằng chính nỗ lực của chúng ta. Aristotle sẽ thấy đó là điều không thể hiểu là một con người hoàn toàn suy đồi có thể biến đổi cuộc đời. Tuy vậy, Cơ Đốc Giáo không chỉ nói là điều này có thể xảy ra, nhưng nó phải xảy ra cho mỗi một người trong chúng ta, nếu chúng ta muốn ở với Thiên Chúa. Nhà truyền giáo D. James Kennedy nói điều quan trọng là Chúa Jesus nói rõ điều kiện để được tái sinh cho ông Nicôđêmô, là một người có học và chính trực chứ không phải tên trộm cướp hay đĩ điếm. Điểm Kennedy muốn nói là ngay cả sự chính trực vẫn chưa đủ. Người duy nhất mà chúng ta biết đã được lên thiên đàng là tên trộm sám hối khi treo trên thập giá bên cạnh Chúa Jesus. Ông ta nói, “Lậy Chúa xin giúp tôi, vì tôi là kẻ tội lỗi.” Và Chúa Jesus trả lời, “Hôm nay bạn sẽ ở với tôi trên thiên đàng.”
    Điều khích lệ này là cho chúng ta, bởi vì một khi chúng ta đối chiếu với sự kiêu ngạo của mình, chúng ta nhận thức rằng chúng ta không phải làm gì cả để giành được phần thưởng thiên đàng. Thật vậy, không có gì mà chúng ta thực hiện để có thể giành được điều đó. Điều chúng ta bị từ chối qua nỗ lực thì được ban cho chúng ta qua ơn sủng. Bởi thế khi chúng ta thấy sự suy đồi của đời sống ở chung quanh, khi mọi hy vọng cứu độ ở trần gian đã thất bại, khi những người thân yêu của chúng ta không thể giúp đỡ gì được, khi chúng ta thử mọi cách và không còn gì khác để cố gắng, khi chúng ta ném thanh củi cuối cùng vào đống lửa và mọi đám than đang dần tàn, chính vào thời điểm ấy là cánh tay Thiên Chúa vươn ra cho chúng ta, một cách vững chắc. Tất cả những gì chúng ta thi hành là hãy nắm lấy. Đây là yếu tố độc đáo có một không hai của Chúa Jesus. “..Không bởi ta thì chẳng ai có thể đến được cùng Cha”.

    Đã thích bởi 1 người

  9. Kính chào bác. Kể từ khi xem các video bác giảng về Định lý bất toàn và các hệ quả triết học, cháu thường xuyên vào trang nhà của bác để đọc bài viết. Những bài viết đó cảnh tỉnh cháu rất nhiều điều. Cháu xin cảm ơn bác.

    Thích

  10. 1. Tôi thấy vấn đề Ảnh toàn ký (Hologram – Denis Gabor – Giải Nobel 1971) liên quan nhiều đến TAO và triết học Phật giáo cũng như nhiều tôn giáo khác. Mong các bạn bớt chút thời gian tìm hiểu về vấn đề này.

    2. Lâu nay, chúng ta thường tách bạch giữa khoa học với triết học và tôn giáo. Các nhà khoa học, khi bị ảnh hưởng bởi các giác quan hạn hẹp của con người và tư duy theo kiểu cơ học cổ điển Newton, thường xem xét vật chất như là những “thực tại khách quan” nằm bên ngoài và “độc lập” người quan sát mà quên rằng kết quả của các quan sát thực chất là kết quả của sự “tương tác” giữa người quan sát và thế giới vật chất. Kết quả này lại phụ thuộc vào trình độ kiến thức của người quan sát và các câu hỏi mà người quan sát dùng để tra vấn thực tại.

    Có thể nêu vô số thí dụ: Với những người có thị giác bình thường thì thế giới hiện ra với đầy đủ các mầu sắc, nhưng đối với người mù màu thì thế giới chỉ gồm hai màu đen và trắng. Đối với máy ảnh thì một chiếc quạt điện quay nhanh cũng chỉ gồm 3 cái cánh quạt, nhưng đối với chúng ta thì đó là một cái đĩa tròn (ba cánh không có) do có hiện tượng lưu ảnh trên võng mạc (vì có hiện tượng này mà điện ảnh mới tồn tại: các chuyển động liên tục của các ảnh tĩnh với tốc độ 24 hình/ giây sẽ tạo nên chuyển động liên tục như thực tế).

    Vấn đề này rất rõ khi đi xuống lĩnh vực vi mô: Ánh sáng sẽ hiện ra lúc là Sóng, lúc là Hạt tùy theo cách tra vấn và dụng cụ dùng để phát hiện của người quan sát. Ánh sáng vừa là Sóng, vừa là Hạt (lưỡng tính sóng-hạt), nó sẽ hiện ra hoặc chỉ là Sóng hoặc chỉ là Hạt phụ thuộc vào dụng cụ thí nghiệm được dùng bởi người quan sát.

    3. Thuyết tương đối hẹp và rộng cũng như Cơ học lượng tử thật ra cũng được xây dựng dựa trên một hệ tiên đề nhất định: Hàm sóng của Cơ học lượng tử thực chất là một tiên đề. Mệnh đề: Vận tốc của ánh sáng là giới hạn trên của mọi vận tốc trong thuyết tương đối hẹp và Phương trình của Chúa trong Thuyết tương đối rộng thực chất cũng là những tiên đề. Tiên đề phải dựa vào niềm tin, vào sự khái quát hóa của trực giác và không thể chứng minh được. Như chúng ta biết, nếu có một hệ tiên đề thì khi đó Định lý Bất toàn có hiệu lực.

    Chúng ta thấy rõ niềm tin của Euclid vào tiên đề số 5 trong hình học phẳng: Qua một điểm ở ngoài một đường thẳng, có thể kẻ một và chỉ một đường thẳng song song với đường thẳng đã cho. Nhưng chúng ta cũng thấy niềm tin của Gauss, Lobachevsky, Bolyai: Có thể kẻ vô số đường thẳng song song với một đường thẳng cho trước qua một điểm ở ngoài nó trong hình học Phi Euclid. Thuyết tương đối rộng phải dựa trên ý tưởng của Hình học Riemann (một loại hình học Phi Euclid), trong đó mỗi điểm của Vũ trụ có một độ cong khác nhau (dương, âm hoặc bằng không). Có nghĩa rằng: Người quan sát Vũ trụ dùng hệ tiên đề nào thì Vũ trụ sẽ hiện ra trước mắt anh ta theo hệ tiên đề đó. Ở đây có một sự tương tác thật sự giữa người quan sát và đối tượng quan sát.

    Trong xã hội học tình hình xảy ra tương tự: Khi ta quan sát vận động của xã hội thì mặc định là phải dựa trên một học thuyết nào đó. Khi đó xã hội sẽ hiện ra theo góc nhìn của học thuyết đó. Nhưng có thể nói rằng có vô số học thuyết khác nhau về xã hội, đôi khi ta cũng không thể biết rằng một học thuyết là đúng hay sai, hay lúc này thì đúng lúc khác thì sai, hoặc ở nơi này thì đúng nhưng nơi khác thì lại sai v.v…Vì thế Goethe (tôi dùng oe thay cho o có hai chấm ở trên trong tiếng Đức) mới nói một câu đại ý: Mọi lý thuyết chỉ là màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi, là như vậy.

    Thiền Phật giáo có triết lý “Vô sở trụ”: khi nhận thức thực tại thì tuyệt đối không bám víu vào bất cứ thứ gì, định kiến gì. Tâm trực nhận thực tại như nó là.

    Vậy thì chúng ta cứ yên tâm mà sống và thích thú nhâm nhi tách cà phê mỗi sáng trong khi thảo luận với nhau về khoa học, về Vũ trụ và cuộc sống con – người. Pascal có nói đại ý: Nếu anh có một căn phòng với tủ sách nhìn ra một khoảng sân đẹp thì anh còn đòi hỏi gì hơn ? Ngày nay chúng ta vừa có tủ sách, lại vừa có Internet thì còn yêu cầu gì hơn ? Hawking có nói rằng Vũ trụ chúng ta đang ở trong thời hoàng kim đó.

    4. Trong nghiên cứu khoa học, chúng ta thường quên đi sự tương tác giũa cái gọi là “thực tại khách quan” và người nghiên cứu

    Thích

  11. Chào Anh Hưng,

    Quy luật tàn lụi của con người là hiển nhiên, không ai trên trần gian này có thể thay đổi được quy luật này bất chấp ở mọi cấp độ nào của nhận thức. Trong xã hội sự hỗn độn luôn là mối hiểm hoại không ngừng, là một bản chất bất định như là nhiệt động lực làm chi phối mọi thứ trên đời sống con người trầm trọng. Cảm xúc thăng trầm không đánh mất đi bật thang giá trị tinh thần, không làm suy kiệt ý nghĩa của lẽ sống.

    Một nhà toán lỗi lạc đã nhiều lần thót lên “tôi muốn biết, và tôi phải biết.” Cho đến bây giờ những ai đã biết tới ông và nghỉ ông ta đã biết được điều gì? Là một con người ở cấp độ cao mà còn chưa hiểu hết đầy đủ của phép tính thuật số toán lý huống hồ gì là những con người tầm thường. Phải chăng, bắt thang lên hỏi ông trời lấy nghĩa vung đắp có tội tình không?

    Rất hiếm có những câu chuyện tương tự về cuộc đời của Pi. Thiên nhiên đối với con người là một địa đàng đẹp tuyệt vời nhưng có lúc là những cơn giông bão khủng khiếp nhất chôn vùi đi một linh hồn hay là một thử thách to tác để cứu một linh hồn. Đó là thiên chốt ván cờ của số mệnh mà không ai biết trước được.

    Thích

  12. Chú Hưng ơi! Chú giới thiệu những trang WordPress có nội dung kết hợp tôn giáo và khoa học giống trang của chú giúp cháu với, đặc biệt là Thiên Chúa giáo nhé chú! Cháu muốn có nhiều tài liệu để tham khảo, mong chú giúp cháu! Chân thành cảm ơn chú!

    Thích

  13. Có một vị “đắc đạo” – Cố Bs Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ viết:
    “Đạo chẳng xa người, vì thực ra đạo đã lồng ngay trong lòng vạn vật, vũ trụ.
    Vì lồng trong vạn vật nên ẩn áo huyền vi, vì ứng vạn sự nên công dụng và biểu dương, phát lộ thì lại man mác, phổ cập khắp nơi. Bất kỳ một động tác nào dù là diều bay trên trời hay cá lội dưới nước, hoặc là người lao tác hoạt động, cũng không thể nào ở ngoài vòng ảnh hưởng của Đạo được”.
    Ông bình dịch chương 12 (Trung dung tân khảo) bằng lối thơ phú rất tuyệt như sau:
    Đạo Trời ẩn áo lại mênh mông:

    “Đạo người quân tử mênh mông,
    Lại còn ẩn áo mông lung khôn dò.
    Cho dầu đôi vợ chồng ngu,
    Cũng thường lõm bõm hiểu sơ đôi phần.
    Cho dầu những bậc thánh nhân,
    Cũng còn có chỗ biện phân chẳng rành.
    Cho dầu đôi vợ chồng đần,
    Cũng thường có chỗ dự phần đua chen.
    Cho dầu những bậc thánh hiền,
    Cũng thường có chỗ khó đem thi hành.
    Trời đất lớn, đã đành rằng lớn,
    Lớn nhưng chưa vừa trọn ý người.
    Vì lời quân tử chơi vơi,
    Tung ra bát ngát đất trời khôn mang.
    Thâu tóm lại, nói năng gọn lại,
    Cả đất trời phá hoại không đang.
    “Diều tung cánh sát tầng mây biếc,
    Cá dương vây lặn miết đáy sâu.”
    Dưới trên trông rõ thấp cao,
    Hay điều ẩn áo, rõ điều mênh mông.
    Đạo quân tử từ vòng chồng vợ,
    Tung mãi ra tở mở đất trời”.

    Tôi thì cho rằng Đạo phải là vừa ở bên trong vừa bên ngoài vạn vật, bên trong thì “thấm đẫm”, bên ngoài thì “bao bọc”. Lấy ví dụ, mỗi tế bào của cơ thể chúng ta là một “hệ thống nhỏ”, cơ thể ta là hệ thống lớn. Trong mỗi tế bào tự nó có một cơ chế hoạt động được điều khiển bằng một “đoạn mã lệnh – Codes của 1 software” được lập trình, mỗi tế bào lại chịu sự quản lý của một chương trình phần mềm (software) khác. Tất cả đều có thể quy về việc lưu trữ và xử lý thông tin dữ liệu. Do vậy cách hiểu Đạo theo nghĩa giống như một chương trình phần mềm – software là phù hợp hơn cả: vừa là “con đường”, là cách thức, cơ chế, quy luật, có mục tiêu, đích đến, rõ ràng và vi diệu. Tự nhiên cũng dùng các “hàm thư viện”, các mẫu thiết kế (được chuẩn hoá, được tối ưu) để cấu thành vạn vật, chẳng hạn các hạt lượng tử là như nhau trong mọi nguyên tử (như những viên gạch cơ bản vậy). Ngay trong sự sống, tế bào của thực vật và động vật cũng cơ bản giống nhau trong thiết kế và vận hành. Chúng ta chỉ khác cây sậy ở chỗ biết tư duy, nhưng sao cây sậy thì luôn tin tưởng nơi Chúa, còn chúng ta lại “Nửa quên, nửa nhớ, ra điều lửng lơ”, vậy ?.

    Thích

  14. 1. Từ vấn đề quan hệ giữa khoa học và tôn giáo, chúng ta có thể mở rộng vùng nghiên cứu sang lĩnh vực Nhân văn – Văn hóa, những chiều kích chỉ có ở loài người và xã hội con người. Theo chỗ tôi biết, hiện có khoảng vài trăm định nghĩa về Văn hóa. Phải chăng Văn hóa bao gồm một hệ thống các Giá trị (ta lại phải định nghĩa thế nào là giá trị (!)) có tính nhân bản cao, được xây dựng và thừa nhận trong một vùng lãnh thổ nhất định hoặc trong một cộng đồng nhất định, tồn tại bền vững trong một khoảng thời gian nhất định.

    2. Văn hóa rõ ràng có mối quan hệ qua lại với khoa học và tôn giáo. Các tôn giáo khác nhau có thể có những nền văn hóa khác nhau. Khoa học – công nghệ phát triển cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho văn hóa và giúp cho sự giao lưu gữa các nền văn hóa. Trong chiều ngược lại, văn hóa định hướng thiện cho hoạt động của con người, cho xã hội loài người.

    3. Chúng ta có thể kể ra nhiều thí dụ: Văn hóa Phật giáo, văn hóa Thiên chúa giáo, văn hóa Hồi giáo …Trong lịch sử phát triển của con người và xã hội loài người, các nền văn hóa đã góp phần to lớn trong sự định hình và tiến triển của các nền văn minh loài người.

    4. Có tác giả coi khái niệm văn hóa bao hàm trong đó cả Khoa học và Tôn giáo. Cũng có nhiều tác giả chỉ coi văn hóa như một phạm trù tồn tại song song với khái niệm khoa học và tôn giáo. Chắc chắn vấn đề này còn có những ý kiến khác nhau. Dù sao thì trong những thập niên gần đây, khái niệm văn hóa được đặt ra như một vấn đề sống còn của loài người và xã hội con người trên hành tinh bé nhỏ nhưng kỳ diệu của chúng ta.

    5. Bạn đã nghe bản Ave Maria của Franz Schubert bao giờ chưa ? Nếu chưa thì thử nghe xem, bạn cố tìm ra các giá trị mà bạn cảm nhận được nhé. Văn hóa phát triển các cảm xúc của bạn, thứ mà chẳng có một máy tính dù hiện đại đến mấy, có được. Tiếp theo, các cảm xúc nhân bản góp phần xây dựng nên nhân cách của bạn, rộng hơn là góp phần xây dựng nên nền văn minh loài người. Hiện có nhiều ý tưởng nhằm “Robot hóa con người”, đó thực sự là những tư tưởng phi nhân văn nhất. Einstein có nói đại ý: Cần phải tôn vinh các nghệ sĩ trước khi tôn vinh các nhà khoa học. Câu nói này ẩn chứa nhiều ý nghĩa nhân bản. Một nhà khoa học giỏi chỉ là một nhà chuyên môn giỏi, nhưng chưa chắc là một nhà văn hóa lớn, thậm chí còn thấp kém về văn hóa. Cứ nhìn xung quanh bạn mà xem, có vô số thí dụ.

    Vậy văn hóa là một khái niệm sống còn của thời đại của chúng ta.

    6. Còn một khái niệm nữa cũng được UNESCO phát triển, đó là “Hạnh phúc”. Nội hàm của khái niệm này chắc là phải bao gồm các yếu tố vật chất, tinh thần, thể chất, văn hóa- xã hội, bảo vệ môi trường… Đất nước Bhutan nhỏ bé (Phật giáo là quốc giáo) từ lâu đã từ bỏ khái niệm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để thay thế bằng khái niệm “Tổng hạnh phúc quốc gia” rồi (Gross National Happiness – GNH). Thế mới biết có khi những nước nhỏ bé, khiêm tốn về mọi mặt lại minh triết hơn nhiều. Tại sao vậy ? Yếu tố tôn giáo và văn hóa đã tác động như thế nào ở đây ?

    Vậy chúng ta cần hạnh phúc nhất hay cần thứ gì nhất đây ?
    Nghe nói, năm 2015 thì Thụy Sỹ đứng đầu bảng về “chỉ số hạnh phúc”, theo liền sau là một vài nước ở Bắc Mỹ và Bắc Âu.
    Tôi cho rằng “hạnh phúc” phải là mục tiêu phấn đấu quan trọng nhất cho mỗi một con người, mỗi gia đình và mỗi quốc gia. Hạnh phúc là số đo “sự mãn nguyện” của một con người trong không gian sống đa chiều của anh ta. Có thể đưa ra con số về số người “có hạnh phúc” không ? Có thể, nhưng tôi tin là rất nhỏ. Hơn nữa Hạnh phúc là một khái niệm có tính địa phương (local), hạnh phúc của một người, một quốc gia này… đôi khi lại gây ra nỗi đau khổ của một người khác, quốc gia khác.

    7. Chúng ta là những cây sậy có tư tưởng, khoa học giúp chúng ta phát triển sức mạnh cơ bắp hơn các loài sinh vật khác. Tuy nhiên khoa học cũng trang bị cho các quốc gia đủ các loại súng ống, các loại tên lửa hành trình, các trang thiết bị quân sự tối tân…luôn chĩa vào nhau hăm dọa. Ví có khoa học, chúng ta đứng đầu chuỗi thức ăn trên hành tinh này. Chúng ta bắt nạt các loài sinh vật khác. Chúng ta sử dụng khoa học kỹ thuật để khai thác tận diệt mọi tài nguyên của môi trường và tạo ra một sự ô nhiễm khủng khiếp trên quy mô toàn cầu.
    Rõ ràng loài người cần thức tỉnh trước khi quá muộn. Ngày trước ông Nôi-ê còn có cái thuyền để thoát khỏi cơn đại hồng thủy. Bây giờ làm gì có hành tinh nào khác (ít ra là cho đến bây giờ, trong bán kính nhiều triệu năm ánh sáng) để các bạn có thể dùng tên lửa để thoát ra khỏi sự hủy diệt trái đất của do chính loài người gây ra.

    8. Cám ơn các bạn đã bớt chút thời gian đọc.

    Thích

  15. Hiện tại chúng ta, các con em, các bạn trẻ đang bị tấn công bởi hai chủ thuyết: Chủ thuyết đa nguyên và chủ thuyết tương đối. Chủ thuyết đa nguyên thì nói rằng đạo nào cũng cũng đúng, đạo nào cũng dẫn đến chân lý, đây là một quan điểm sai lầm được trình bày bên trên, còn chủ thuyết tương đối thì cho rằng mọi thứ đều tương đối, chẳng có đạo nào là đúng tuyệt đối cả, và luân lý, đạo đức cũng chỉ tương đối, phụ thuộc vào hoàn cảnh văn hóa và vào từng giai đoạn, khi con người phát triển đến một giai đoạn nào đó thì đạo đức truyền thống phải được viết lại như Stephen Hawking đề cập đến trong quyển “Vũ trụ trong một vỏ hạt”. Đây cũng là một quan điểm sai lầm.
    Kinh Thánh bày tỏ như sau: Rôma, 2:14

    14 Vì khi các dân ngoại, những người không có Luật Pháp ( Tức là Luật Môi se), theo bản năng tự nhiên đã làm những điều Luật Pháp dạy bảo thì chính những người đó, dù không có Luật Pháp, là luật pháp cho họ rồi. 15 Họ đã chứng tỏ rằng những gì Luật Pháp đòi hỏi đã được khắc ghi trong tâm hồn họ, và lương tâm họ cũng làm chứng cho điều đó, vì những tư tưởng của họ cứ xung đột nhau bên trong, khi thì cáo trách, khi thì binh vực họ. 16 Ðiều ấy sẽ thể hiện rõ trong ngày Ðức Chúa Trời, qua Ðức Chúa Jesus Christ, phán xét mọi tư tưởng thầm kín của con người.

    14 For when Gentiles, who do not have the law,by nature do what the law requires, they are a law to themselves, even though they do not have the law. 15 They show that the work of the law iswritten on their hearts, while their conscience also bears witness, and their conflicting thoughts accuse or even excuse them 16 on that day when,according to my gospel, God judges the secrets of men by Christ Jesus.

    Kinh Thánh bày tỏ thật là rõ ràng, lương tâm của con người chính là luật pháp của Chúa đã khắc ghi trong tâm hồn mỗi người, cho dù họ là vô thần hay hữu thần, họ có đạo hay không có đạo đi nữa, lương tâm chính là tiếng gọi của Thượng Đế trong linh hồn của mỗi người, bất kể họ là ai.
    Do đó đến ngày phán xét cuối cùng thì không ai có thể cãi được một lời nào nữa, không ai có thể bão chữa là vì tôi không biết nên tôi không có tội, không ai có thể nói là “không biết” , khi làm một điều gì họ luôn là người đầu tiên biết điều đó là tốt hay xấu, là thiện hay ác, lương tâm là vị thẩm phán đã phán xét và kết tội và cho họ biết rồi.

    Tôn giáo và luân lý dường như là hai điều khác biệt, và tuy vậy, nhiều sự chống đối Cơ Đốc Giáo dường như xuất phát từ sự chống đối với luân lý Cơ Đốc Giáo. Với nhiều người, luân lý này dường như bó buộc, độc đoán, nhà vô thần Dawkins cho thấy rằng ông không chỉ không tin vào Thiên Chúa của Cơ Đốc Giáo, ông còn ghê tởm Người. Vậy, có phải luân lý là một bộ luật phổ quát được ban hành bởi một bù nhìn thần thánh có râu dài và ngón tay ve vẩy? Hoặc có phải tốt hơn nên hiểu luân lý theo các danh từ tự nhiên và thế tục, là tương đối, là văn hóa, như các quy tắc thích ứng mà chúng ta đưa ra trong đời sống để phục vụ các mục đích của con người, tỉ như hòa bình và cùng hiện diện?
    Luân lý thì vừa tự nhiên và vừa có tính cách phổ quát. Nó có thể khám phá mà không cần tôn giáo, tuy nhiên nguồn gốc của nó thì hoàn toàn bởi Thiên Chúa. Thuyết Darwin thử giải thích luân lý theo cách thuần túy thế tục nhưng đó là một thất bại, và mỗi người chúng ta đều biết—dù chúng ta từ chối điều đó một cách gian xảo đến đâu đi nữa—có những tiêu chuẩn tuyệt đối đúng và sai, và đây chính là các tiêu chuẩn mà chúng ta dùng để phán đoán cách đối xử của người khác. Không phải luân lý Cơ Đốc Giáo cản trở sự tự do luân lý của chúng ta; chính là lương tâm, sự phán đoán bên trong.
    Các người vô thần nổi tiếng đổ lỗi cho tôn giáo—và đặc biệt là Cơ Đốc Giáo—vì áp đặt luân lý khắc nghiệt lên con người và vì vậy ngăn cản sự tự do của họ. Tiêu biểu là Christopher Hitchens, ông kết án Cơ Đốc Giáo là một “phong trào ghê sợ áp đặt sự chính thống lên một giới tự do và đa nguyên và thế tục.” Đồng thời Hitchens và các người vô thần khác nhấn mạnh rằng họ không chống đối luân lý. Họ đảm bảo với chúng ta rằng họ cũng có luân lý như các tín hữu, nếu không muốn nói là nhiều hơn thế, và luân lý đó là điều có thể xảy ra mà không phải nhìn nhận Thiên Chúa hay tôn giáo. Daniel Dennett nhận xét rằng “có nhiều người vô thần và bất khả tri khôn ngoan, tận tụy, có luân lý” và những người không có đức tin ấy dường như không hành động tệ hơn hay tốt hơn Kitô Hữu. Richard Dawkins viết ” nếu niềm tin nơi Thiên Chúa bỗng dưng biến mất khỏi thế giới, nó đòi hỏi một tự trọng thật thấp để nghĩ rằng tất cả chúng ta sẽ trở nên nhẫn tâm và khoái lạc cách ích kỷ, không còn tử tế, không còn bác ái, không còn độ lượng, không còn bất cứ gì xứng đáng với danh từ thiện hảo.” Sự phản đối của người vô thần không phải đối với luân lý nhưng đối với luân lý tuyệt đối. Thay vì luân lý xuất phát từ các điều răn Thiên Chúa ở bên ngoài, người vô thần nghĩ về luân lý như do con người tạo ra, là nền văn hóa, là điều gì đó được khuôn đúc qua cảm nghiệm cá nhân và tập thể.
    Có nhiều điều mà người vô thần nói ở đây, nhưng sau cùng đã họ quên điểm chính. Trước hết, không rõ làm thế nào để thẩm định lý luận của Darwin về tính cách luân lý của thuyết vô thần, bởi vì một xã hội tôn giáo bỗng dưng bị mất đi Thiên Chúa có lẽ sẽ vẫn giữ được nhiều kiểu cách suy tư và hành động của Kitô Hữu.
    Có ba vấn đề chính ở đây: Có luân lý phổ quát hoặc khách quan không? Nó có nền tảng tôn giáo không? Làm thế nào để biết? Chúng ta quen nói về các quy tắc khoa học của thiên nhiên. Thật có giá trị để hỏi có các quy tắc luân lý về bản tính con người hay không. Nhiều người trong chúng ta là các thừa kế bất đắc dĩ của một triết lý mà nó từ chối luân lý khách quan. Chúng ta cho rằng khoa học thì khách quan, nhưng các giá trị thì chủ quan. Chúng ta tin là có thể biết được các điều khoa học nhưng luân lý là một vấn đề quan điểm. Trên căn bản này, chúng ta nói những điều như “đừng áp đặt niềm tin của bạn lên tôi” trong khi không bao giờ chúng ta nói “đừng áp đặt cách làm toán của bạn lên tôi.” Tuy vậy có bao giờ chúng ta nghĩ rằng có thể có những quy tắc luân lý trong thiên nhiên mà chúng không kém đáng tin cậy và có thể lĩnh hội được như các quy tắc khoa học hay không?
    Con người thì độc đáo về nhiều phương diện, nhưng đặc biệt nhất: chúng ta là các sinh vật có luân lý. Hơn cả ngôn ngữ, hơn cả tính cách hợp lý, chính bản tính luân lý của chúng ta đã phân biệt con người khác với ngay cả các thú vật có liên quan với chúng ta nhất. Nhà động vật linh trưởng học (primatologist) Frans de Waal, người nghiên cứu các con tinh tinh (chimpanzee) và đã thi hành nhiều điều để nhấn mạnh đến tính chất gần gũi của chúng với con người, ông thú nhận rằng luân lý là một điều mà các con tinh tinh không có. “Thật khó để tin rằng các thú vật biết cân nhắc giữa tư lợi đối với ích lợi của các con thú khác, hoặc chúng có một quan điểm để có lợi ích hơn cho xã hội, hoặc chúng cảm thấy có tội về điều gì đó mà chúng không nên làm.” Chúng ta có thể nói với con Bonzo, “Mày không được làm như thế” và “Mày là con tinh tinh xấu xa!” nhưng đó là cách nói của chính chúng ta. Chúng ta không có cách chi biết rằng các con tinh tinh đó cũng cảm thấy như vậy.
    Sự phân biệt giữa con tinh tinh và con người đưa đến một ngăn cách sâu xa hơn khiến con người tách biệt với toàn thể vũ trụ. Tất cả các vật thể khác, sống động hay không, hoạt động theo các quy luật về vật lý hay khoa học. Treo lủng lẳng một khúc xương trước miệng con chó, dù rằng nó mới ăn no, nó sẽ đi theo khúc xương. Phản ứng của nó là một sản phẩm của một bản năng dường như không thể kiểm soát được. Đặt một tảng đá lớn trên một dốc nghiêng, tự động nó sẽ lăn xuống. Trong vật thể không có sự lựa chọn. Nó chỉ tuân theo các quy tắc vật lý.
    Nhưng con người không giống như vậy. Con người sống trong hai thế giới, lãnh vực vật lý và lãnh vực luân lý. Nếu ai đó nhục mạ mẹ của bạn, bạn sẽ phản ứng, “Ông không nên làm như vậy.” Khi một người cho bạn biết họ mới lừa dối gia đình, bạn sẽ nói với họ là đừng nên nói dối. Những câu nói thông thường này thì hiển nhiên khác biệt với các quy tắc vật lý. Nó không có nghĩa gì cả khi nói rằng trái đất phải xoay chung quanh mặt trời hoặc sẽ là điều không đúng nếu nó không làm như vậy. Một quy luật tự nhiên thì có thể đúng hoặc sai, nhưng nó không thể bị phá vỡ. Như Carl Sagan có viết, “Thiên nhiên… sắp đặt sự vật để sự cấm cản của nó không thể bị vi phạm.”
    Có những bộ phận của bản tính con người hoạt động theo các quy luật sống động tự nhiên. Nếu bạn cù chân tôi, tôi sẽ cười. Nếu bất cứ ai trong chúng ta ăn thực phẩm bị hư, nó sẽ làm bao tử cồn cào. Nếu chúng ta rơi từ một tháp cao, chúng ta sẽ đâm xuống đất. Đây là các quy tắc vật lý và hóa học đang hoạt động trên chúng ta, và chúng ta không có sự lựa chọn. Ngược lại, có một phần của bản tính con người không có tính cách sống động nhưng theo phong tục. Chứng minh đơn giản của điều này là các quy tắc luân lý và giới răn, không giống như luật tự nhiên, chúng có thể bị vi phạm.
    Hãy thảo kính cha mẹ. Chớ giết người. Chớ lấy của người.- Điều răn của Thiên Chúa về mối quan hệ của con người với con người trong mười điều răn. Không có điều răn nào vừa kể có ý nghĩa nếu chúng ta không có sự lựa chọn. Nhưng không chỉ có vậy. Khi loài người chúng ta dùng đến ngôn ngữ luân lý—ca ngợi và trách mắng, chấp thuận và không chấp thuận, tán thưởng và khinh thường—chúng ta cầu viện đến tiêu chuẩn phán đoán chung ở bên ngoài chúng ta. Hãy gọi tiêu chuẩn này là luật tự nhiên hay luật luân lý. Nó khác với các quy tắc khoa học tự nhiên vì nó không nói chúng ta làm gì nhưng những gì phải làm. Hậu quả là chúng ta có tự do để phá vỡ các quy luật này theo một phương cách mà chúng ta không được tự do vi phạm các quy tắc về trọng lực.
    Bởi chính bản chất của nó, các quy tắc luân lý thì vừa phổ quát và vừa khách quan. Điều này dường như không rõ ràng khi thoạt nhìn qua. Không phải là các thực hành luân lý của các văn hóa khác nhau trên thế giới thay đổi rất nhiều sao? Trong xã hội của chính chúng ta, không có sự đa dạng luân lý sao? Dường như không có luân lý phổ quát, khách quan. Tuy nhiên, một kết luận như thế phát sinh từ sự sai lầm về sự kiện và sai lầm về sự hợp lý. Chắc chắn rằng lối đối xử luân lý của các văn hóa thế giới cho thấy rất nhiều thay đổi. Carl Sagan viết rằng có các văn hóa như người Ik ở Uganda , “là nơi tất cả Mười Điều Răn dường như bị bỏ quên một cách có hệ thống, có tổ chức.” Nó chứng tỏ điều gì? Có phải người Ik rất khác biệt với chúng ta? Nhưng chúng ta cũng sống trong một nền văn hóa mà Mười Điều Răn cũng bị bỏ qua một cách có hệ thống, có tổ chức. Thí dụ của Sagan dường như xác nhận một thói quen không phải đa dạng nhưng đồng nhất.
    Nhưng ngay cả các thí dụ tốt hơn cũng không minh chứng điểm của Sagan. Hãy nói rằng cuộc điều tra về nhân chủng học cho thấy người Ik thường xuyên đánh vợ. Nhưng có phải điều này chứng minh rằng đánh vợ là điều đúng để thi hành? Dĩ nhiên không. Sự kiện có bất đồng luân lý không có nghĩa là thiếu sót luân lý phổ quát. Làm thế nào một sự kiện về lối đối xử, dù quái gở và thay đổi, làm mất hiệu lực của những gì đúng?
    Sẽ là điều thú vị khi thực hiện một cuộc thăm dò toàn cầu để biết xem mọi nền văn hóa trên thế giới có chấp nhận thuyết tâm mặt trời hay không. Giả sử rằng cuộc thăm dò ấy cho thấy có những người ở Nam Mỹ và Đông Nam Á, dù được biết về lý lẽ của Copernicus, được hỗ trợ bằng các hình ảnh từ các phi thuyền không gian, nhưng họ vẫn dứt khoát từ chối không cho rằng trái đất xoay chung quanh mặt trời. Những người này vui thích khi thấy có một người tên là Ptolemy chủ trương quan điểm trái ngược, và họ quyết định đi theo Ptolemy. Từ câu chuyện này, liệu có ai kết luận rằng thuyết tâm mặt trời đã bị bác bẻ? Đề nghị này thật vô lý. Như vậy, chứng cớ của hàng trăm bộ lạc và những quan điểm khác biệt rộng rãi về luân lý thì không thể làm suy yếu nhận thức về luân lý phổ quát.
    Trong vài thập niên qua, các nhà nhân chủng học đã so sánh giữa các quy tắc và thói quen của vài nền văn hóa trên thế giới. Trong những kết quả tìm thấy, có hai điều quan trọng cho mục đích của chúng ta. Thứ nhất, luân lý có tính cách phổ quát. Các học giả biết rằng không có nền văn hóa nào, quá khứ hay hiện tại, mà không có một hệ thống luân lý. Tuy các tiêu chuẩn luân lý có thể thay đổi từ văn hóa này sang văn hóa kia, hoặc ngay cả trong một nền văn hóa đặc biệt, mọi nền văn hóa đều phân biệt “điều gì đó” khác với “điều phải là.” Thật không thể nào một nền văn hóa có thể vượt lên trên luân lý hoặc tránh khỏi luân lý.
    Thứ hai, tính cách đa dạng của luân lý mà chúng ta thường nghe thì thật sự được thổi phồng quá đáng. Đặc biệt là các tôn giáo chính trên thế giới, đại diện cho phần lớn nhân loại trên địa cầu, bất đồng nhiều về Thiên Chúa nhưng lại đồng ý nhiều về luân lý. Mọi tôn giáo lớn đều có hình thức nào đó về Quy Luật Vàng: hãy làm cho người khác những gì bạn muốn họ làm cho bạn. Năm 1993, thần học gia Hans Kung thành lập một “quốc hội” gồm đại diện của các tôn giáo lớn trên thế giới, kể cả người Do Thái, Kitô Hữu, Hồi Giáo, Ấn Giáo, và Phật Giáo. Nhóm này cho công bố bản tuyên ngôn về tín điều chung, bao gồm cả một chuỗi các giá trị luân lý nằm trong phạm vi tôn giáo.
    Luân lý thống nhất này thì không bị giới hạn trong độc thần giáo hoặc ngay cả các văn hóa tôn giáo. Người Hy Lạp và Rôma có nhiều giảng dậy về luân lý giống như Do Thái Giáo và Cơ Đốc Giáo, tuy Athens và Rôma đã từng là các đế quốc đa thần. Trong cuốn Analect, Khổng Tử nói lưu loát về các giáo huấn cùng một loại, tuy giáo huấn của ông là một loại luân lý không có nền tảng thần học. Các nhà nhân chủng học cũng khám phá nhiều quy tắc luân lý tương tự trong các nền văn hóa có tính cách duy linh hoặc không có các tín điều chính thức. Vào đầu thế kỷ hai mươi, các học giả như Margaret Mead đi vào những vùng xa xôi và vội vàng cho biết, “Thật tình, ở đây họ không làm những điều giống như vậy.” Nhưng thực chất của sự nghiên cứu này đã được duyệt lại dưới ánh sáng của những cuộc nghiên cứu cẩn thận hơn sau này.
    Phải, có sự đa dạng về thói quen luân lý, nhưng rất ít thay đổi về tiêu chuẩn luân lý. Nhóm này có thể cho phép một vợ và nhóm kia ba bốn vợ, nhưng mọi nhóm đều đồng ý về tính cách cần thiết của gia đình và bổn phận luân lý phải cấp dưỡng cho con cái. Trong cuốn The Moral Sense, James Q. Wilson cho rằng có một văn phạm luân lý ăn sâu trong bản năng loài người. Sách nghiên cứu Human Universals của Donald Brown tiết lộ trên ba trăm kiểu cách đối xử không thay đổi, kể cả một loạt những tin tưởng luân lý mà tất cả nền văn hóa lớn đều có chung. Hãy lấy hai thí dụ của ông, nhiều nền văn hóa có thể đặt ra các hoàn cảnh mà trong đó được phép nói dối hay hành động hèn nhát, nhưng không một nền văn hóa nào coi sự thiếu thành thật và hèn nhát là những đức tính.
    Vậy, chúng ta nói gì về tính cách tương đối—một học thuyết có ảnh hưởng nói rằng luân lý thì tương đối? đồng ý rằng thuyết tương đối có một vài giá trị của nó, trong đó ngay cả những người trong cùng một xã hội cũng bất đồng ý về nội dung của luân lý. Có những cuộc tranh luận về tính cách ưu tiên của quy tắc luân lý này đối với quy tắc kia. Các cá nhân và ngay cả các xã hội cũng bất đồng ý về cách áp dụng một nguyên tắc luân lý vào một trường hợp rõ rệt. Nhưng về sự hiện hữu của các quy tắc luân lý thì không có sự bất đồng. Hậu quả là tính cách tương đối của thói quen và niềm tin luân lý thì không cách chi phá vỡ tính cách tuyệt đối của luân lý. Thật vậy tôi lập luận rằng luân lý không chỉ tuyệt đối, nhưng mọi người, kể cả những người tự nhận là theo chủ thuyết tương đối, biết rằng luân lý thì tuyệt đối. Thuyết tương đối trong ý nghĩa thuần túy của nó thì đơn giản không hiện diện.
    Nếu bạn bị chất vất bởi một người theo thuyết tương đối, là người cả quyết rằng mọi luân lý thì tương đối, bạn hãy tự nhiên đấm vào mặt họ. Nếu họ không phản ứng, đấm nữa. Vào lúc nào đó họ sẽ phản đối, “Điều đó không đúng. Bạn không được làm như vậy.” Và rồi bạn có thể giải thích cho họ là hành động của bạn thì thuần túy có giáo dục. Bạn chỉ chứng minh cho họ rằng ngay cả họ cũng không tin thuyết tương đối. Sự chống đối của họ không phải là “Tôi không thích bị đánh” nhưng là “bạn không được thi hành điều đó.” Họ đã cầu viện đến một tiêu chuẩn không thay đổi mà họ mong muốn được bạn chia sẻ, đó là điều mà bạn đang thi hành thì sai lầm.
    Một cách khác để bày tỏ quan điểm, khi bạn nghe ai đó long trọng hóa các giá trị tương đối, thì hãy tìm một giá trị mà họ trân quý và chỉ trích giá trị ấy. Đây là một phương cách hữu dụng bởi vì hầu hết khi người ta từ chối tính cách tuyệt đối của luân lý, họ dùng chiến thuật hùng biện để tấn công một luân lý nào đó mà bạn chủ trương. Thí dụ, một số người phóng khoáng thường thảo luận về các đề tài như cần sa ma túy, hình ảnh khiêu dâm, và đĩ điếm bằng cách nói rằng “Làm thế nào bạn lại áp đặt lên tôi những điều bạn tin tưởng? Ai có thể nói điều đó đúng?” Dường như họ từ chối tính cách tuyệt đối của luân lý. Nếu họ không ý thức, có thể họ tin tưởng như vậy.
    Do đó phương cách để cho thấy họ chỉ lừa gạt và thuyết tương đối mà họ đưa ra chỉ là chiến thuật là hãy sỉ nhục các giá trị luân lý mà họ ưa chuộng. Thí dụ, bạn có thể nói, “Tôi không biết tại sao chúng ta lại có các luật cấm kỳ thị chủng tộc và tấn công người đồng tính luyến ái. Làm sao người ta dám hợp pháp hóa luân lý?” Hoặc “Tôi ngạc nhiên khi thấy người ta chống đối mạnh mẽ với lá cờ Liên Hiệp. Tôi không nghiêng về phe này hay phe kia, nhưng vì luân lý thì tương đối, có ai đó thực sự dám nói rằng chính nghĩa của miền Nam thì sai lầm không?” Hoặc “Vấn đề môi sinh đâu có gì quan trọng? Tại sao tôi lại phải gìn giữ địa cầu cho thế hệ tương lai? Thế hệ tương lai có làm gì cho tôi đâu?” Hãy nói những điều này như thể bạn rất tin tưởng, dù bạn không tin như thế.
    Trước khi bạn chấm dứt, tôi nghĩ bạn sẽ thấy người ấy xăn tay áo lên, cả quyết rằng sự thành kiến và kỳ thị chủng tộc thì vô luân lý và bất công, và rồi chúng ta phải đặt ra lề luật để giới hạn chúng và bảo vệ môi sinh. Khi xác nhận các học thuyết này người ấy không có ý nói rằng quan điểm của họ về sự cố chấp và môi sinh thì đơn giản là vấn đề sở thích cá nhân. Họ ám chỉ rằng mọi người sẽ phải cảm thấy như vậy, và không một người đứng đắn nào lại đối xử theo kiểu cách trái với các quy tắc của họ. Có thể họ bỏ quên luật luân lý theo kiểu cách mà họ phản ứng với bạn, nhưng họ mau mắn nêu lên điều đó như một tiêu chuẩn mà họ mong đợi bạn hành động đối với họ. Nói tóm, hành động của họ xác nhận rằng tuy họ lớn tiếng từ chối, họ cũng coi luân lý là một điều tuyệt đối.
    Ý niệm luân lý tuyệt đối rất phù hợp với tôn giáo bởi vì sự sống đời sau trở nên nơi gặp gỡ mà trong đó có phần thưởng và hình phạt. Nếu không có thiên đàng và hỏa ngục, đời sống trên mặt đất sẽ trở nên rất bất công. Nhiều người vi phạm luật luân lý và họ giầu có, và nhiều người tuân giữ luân lý phải đau khổ. Câu chuyện có thực sự chấm dứt như vậy không? Theo Ấn Giáo, bạn bị trừng phạt qua sự đầu thai. Nếu bạn sống tệ hại ở đời này, bạn có thể là con dán ở kiếp sau. Trong Do Thái Giáo, Cơ Đốc Giáo, và Hồi Giáo thì không có đầu thai nhưng có sự Phán Xét Sau Cùng, trong đó mọi công việc khi ở trần thế được giải quyết và sự công chính được thể hiện. Trong khung cảnh tôn giáo, những vi phạm luật luân lý chung cũng được coi như các vi phạm luật Chúa, và được đặt cho một tên mới: tội lỗi
    Các quy tắc luân lý không chỉ dễ dàng hòa nhập vào khung cảnh tôn giáo, nhưng sự hiện diện của một luân lý phổ quát, tuyệt đối còn là một lý do mạnh mẽ bào chữa cho sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nếu có các quy tắc luân lý mà nó hoạt động bên ngoài lãnh vực luật tự nhiên, những quy tắc này xuất phát từ đâu? Có quy tắc luân lý có nghĩa có người ban hành các quy tắc này. Nói cách khác, Thiên Chúa là tiêu chuẩn sau cùng của sự tốt lành. Thiên Chúa chịu trách nhiệm cho sự phân biệt giữa tốt và xấu mà nói chung chúng ta coi đó như sự bó buộc hành động của con người. Các tiêu chuẩn này thì đặc biệt đối với loài người, điều này ám chỉ rằng có điều gì đó đặc biệt về chúng ta, và Thiên Chúa để ý đến lối sống của chúng ta.

    Thích

  16. Entropy là một đại lượng chỉ thị cho mức độ vô trật tự (hoặc ngược lại, trật tự) của một hệ vật lý, thì ngày nay người ta cũng dùng khái niệm này cho thời gian (Xem định nghĩa về thời gian của Wikipedia) để chỉ cho dòng chảy một chiều của nó. Thế giới cũng đang trôi theo một chiều không trở lại. Những giá trị hoài niệm của một thời cố quận luôn thao thức trong lòng thế hệ của những người lớn tuổi. Ký ức thời gian ẩn náu đầy tiếc nuối khỏa đầy trong tâm trí làm cho con người khó thể hòa nhịp với sự sôi động của tiến trình thay đổi mạnh mẽ thời đương đại. Nó phát sinh sự mâu thuẩn ngấm ngầm trong nhận thức của các thế hệ nối tiếp. Và đấy cũng được tạm gọi là entropy nhận thức. Trong vật lý sự vô trật tự không phải là sự sự xuống cấp của trật tự mà chỉ là diển tiến của quá trình tự nhiên của vật chất. Nhiều người than thở ngày nay cuộc sống xuống cấp trầm trọng hoặc theo giáo lý, thời mạt pháp! Có lẽ đây là quá trình tất yếu và sôi động hơn (entrpy cao hơn) chứ không phải là chất lượng sống hay cả tinh thần thoái hóa. Lạc quan cho tương lai của nhân loại dựa vào sự thăng tiến về tri thức vẫn là dấu hiệu thấy rõ thay vì bi quan trước những biểu hiện sự bế tắc đôi khi xảy ra về tinh thần do áp lực cuộc sống. ‘Các lý thuyết đều xám, còn cây đời thì mãi xanh tươi’! Cuối cùng người ta vẫn sống, vẫn phấn đấu cho cuộc đời này hạnh phúc hơn vì ngoài kia…mặt trời vẫn còn đó.

    Thích

  17. Cách đây trên một năm, tôi đã đọc bài này. Hôm nay đọc lại, một cảm xúc khác.

    Điều đau khổ nhất, là phải chứng kiến người thân, và những con vật, cây cỏ, đồ vật xung quanh mình từ từ tàn lụi, cả về vật chất lẫn tinh thần; và một số trong số họ, thật đáng buồn là không biết và cũng không thể cảm nhận được số phận của mình đang nằm trong tay của Quy Luật Tàn Lụi này.

    Kẻ thù lớn nhất trong đời của tôi, chính là cái Quy Luật Tàn Lụi này. Ngày ngày trôi qua, cha mẹ ngày càng lớn tuổi, da càng nhăn, tóc càng bạc, ăn uống càng ít, sức sống càng giảm đi mà không cách nào ngăn được, thật sự là một sự căm giận vô cùng. Biết sao được, ngay cả tôi, vài chục năm nữa, e rằng cũng phải chịu cùng chung số phận trước cái Quy Luật nghiệt ngã này.

    Tại sao lại phải là Quy Luật Tàn Lụi, mà không phải là một quy luật nào đó nhẹ nhàng, thanh thản, ít đau khổ hơn? tại sạo?

    Thích

    • Trao đổi với bạn Huỳnh,
      Thiệt sự bạn đang bi quan, và cổ súy cho sự tiêu cực trong xã hội, chính quy luật này đang cổ súy cho sự suy đồi về giá trị con người

      Thích

  18. Tôi đã đọc bài viết của anh. Cảm ơn anh đã cung cấp nhiều thông tin quý giá, thể hiện một phong cách tư duy rất thông tuệ. Tiện đây tối mạn phép có thêm mấy ý kiến. Như anh viết, trong cái hỗn độn xã hôi, người ta luôn tìm tới một sự ổn định. Đạo là một trong những lói thoát đó. Theo tôi, vô hình chung, đó là cách đưa mình vào một mối liên kết mới. Có nghĩa là đã xảy ra sự “Tự tổ chức lại”. Quá trình này dẫn đến giảm entropy của hệ. Điều này chỉ có thể xảy ra trong hệ hở. Xã hội là một kiểu hệ đó. Xã hội luôn luôn luôn nảy sinh ra hỗn độn, chúng ta hướng tới một mối liên kết mới, chính là sự làm cân băng entropy. Xét trên phương diện tổng thể cũng thế. Tốc độ tiến hóa của một xã hội được quyết định bởi KHẢ NĂNG TỰ TỔ CHỨC LẠI. Sự tiêu vong của nhiều xã hội trong quá khứ (như anh đã nhắc tới), một trong những lý do cơ bản, là họ sống cách biệt với thế giới bên ngoài. Xã hội đó là một hệ kín (về mặt thông tin). Bởi thế chúng đi đến diệt vong là đương nhiên. Cái ảo tưởng “hệ thống XHCN” do Liên xô bày ra cũng rơi vào hoàn cảnh đó. Trươc đây tôi cũng đã có đọc một số bài viết của Kenneth D. Bailey về lý thuyết entropy xã hội. Tình cờ tìm thấy bài báo của anh và rất tâm đắc. Hy vọng còn được trao đổi với anh trong lĩnh vực này. Chúc anh luôn luôn mạnh khỏe.

    Thích

  19. Có lẽ đây là bài viết của thầy PVH làm cho tôi cảm xúc nhiều. Những người lớn tuổi thường dành nhiều tâm tư cho hoài niệm, ký ức thời gian. Cảnh êm đềm vô lo vô nghĩ của tuổi mới lớn là kỷ niệm đẹp nhất của đời người. Chung quanh ta có tất cả, gia đình họ hàng,bạn bè và cái ta ghét nhất và cũng thương nhất là trường học. Nhà tôi thích nghe nhạc và có nhiều đĩa dân ca của ta cũng như của tây, ngoài cái máy Akai recorder M7 cổ lổ chạy bằng đèn với các băng nhạc của Shotgun, Phạm Mạnh Cương. Một trong các đĩa hay là đĩa ‘Boht sides now’, loại 33 tua. Do Joni Michel hát. Ngoài bìa là một bức tranh sơn dầu với khuôn mặt một cô gái đầy tàn nhang và hình ảnh một thành phố xa xa, bên kia bờ sông trong một buổi chiều ráng đỏ gần về đêm. Tôi có copy bức tranh này và được điểm cao trong lớp…(!) Bài hát không có nhạc đệm, chỉ có âm thanh rơi rớt của một cây đàn ghita với điệu slow chậm rãi, ray rứt. Kỳ quái là mổi khi (thỉnh thoảng) tôi mở bài này thì con chó nhỏ của tôi ở ngoài lại chạy vào nằm sát máy để…thưởng thức?!

    Đất nước sau 1975 thì cuộc sống có khó khăn, nhiều lo toan nhưng kỷ niệm cũng sâu sắc. Người Việt chúng ta hình như sống nhiều tình hơn nhiều lý. Tuy giới trẽ ngày nay có lẽ đã hiện đại hóa tinh thần hơn thế hệ cha ông. Tôi cũng tin rằng một nhà trí thức như thầy cũng dành nhiều cho nghệ thuật, âm nhạc. Thầy chắc cũng không thể quên các bản nhạc xuân của Phạm Đình Chương, tết của Anh Bằng, Minh Kỳ Dạ Cầm. Thu vàng của Cung Tiến và Mùa Đông Paris Phạm Duy phổ nhạc. Chúng ta có lẽ cùng một thế hệ và cũng chẳng còn nhiều thời gian. Thầy đang nổ lực để mang lại tri thức kiến thức cho lớp sau còn tôi thì đang đi tìm về cố quận. Cám ơn bài viết này của thầy. Một đoạn trong đó cho tôi thấy được một phần tâm hồn của một con người trí thức. Tôi hiểu nó!

    Thích

  20. Cháu rất tâm đắc với cách ví von của bác ” Băng ở Bắc Cực hay Nam Cực tan chảy thành nước là một quá trình tăng entropi của nước, nhờ sự “can thiệp” của Mặt Trời. Ngược lại, tủ lạnh là một chiếc máy làm giảm entropi của nước trong ngăn đá. ”
    Nó là một cách ví dụ cực kỳ dễ hiểu, giống như Einstein nói ” Nếu bạn không thể trình bầy một vấn đề sao cho đơn giản, thì chứng tỏ bạn chưa hiểu nó ”
    Vậy bác cho cháu hỏi thêm luôn về Enthalpy đi ạ, cháu không biết lấy ví dụ sao cho dễ hiểu như bác ?

    Thích

    • Cám ơn bạn Ngo Chinh,
      Enthalpy là một hàm nhiệt động học của một vật thể hoặc một hệ thống, tương đương với tổng của năng lượng nội tại của hệ thống cộng với tích của thể tích của nó nhân với áp lực gây ra trên hệ thống bởi môi trường xung quanh nó. Khái niệm này khá phức tạp và mang tính kỹ thuật nhiều hơn, bác cũng chưa tìm ra cách diễn đạt nào dễ hiểu hơn. Sự diễn đạt dễ hiểu thường nẩy sinh trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy, bắt buộc ta phải mô tả khái niệm đó một cách đơn giản nhất. PVHg

      Thích

  21. Khái niệm entropy xã hội (Social Entropy) đã được Tait, Peter đề xuất năm 1874: Tait, Peter. (1874). “Commencement Ceremony Talk on capping the graduates in arts of Edinburgh University” (Ѻ), Apr 22; in: Nature (pg. 502-03), Apr 30.

    Thích

Bình luận về bài viết này