“Hành trình về Phương Đông” – một sứ mệnh thiêng liêng.

1 copy

Abstract: The Journey of 11 western scientists to the East, as narrated by Baird T. Spalding in the book “Journey to the East”, was a holy mission. The book sends out a strong message to today’s human society: the materialist civilization gets it wrong, God is not dead, and now is the time for man to return to true values in life – spiritual and religious alike – before it’s too late!

Cuộc hành trình của 11 nhà khoa học Tây phương về Phương Đông, mà Baird T. Spalding đã kể lại trong cuốn “Hành trình về Phương Đông” của ông, là một sứ mệnh thiêng liêng. Bản thân cuốn sách là một thông điệp gửi tới nhân loại ngày nay: nền văn minh duy vật đã sai lầm, Chúa không chết, đã đến lúc con người phải trở về với những giá trị đích thực của cuộc sống – những giá trị tâm linh và tôn giáo – trước khi quá muộn!

Chỉ trong đau khổ, nhục nhã ê chề, con người mới chịu học… Chỉ khi bị khổ sở, bị đàn áp, tự do bị chà đạp, con người mới quay về với niềm hy vọng cuối cùng là đức tin.” Lời nói ấy của Sadeih Babu trong “Hành trình về Phương Đông” đã đi vào lòng tôi như những lời an ủi của một người tri âm tri kỷ khi tôi gặp những nghịch cảnh cay đắng.

Đó là năm 1992, năm tôi phải trầm mình xuống để chịu đựng những mất mát to lớn cả về tài sản lẫn tinh thần, cắn răng im lặng để nhìn rõ khuôn mặt đê tiện của những kẻ phản bội mang danh trí thức. Trong sâu thẳm buồn phiền và thất vọng, tôi trở về với Đức tin Thiên Chúa giáo – một tôn giáo tôi được dạy dỗ từ thủa vỡ lòng (1) – như một con thuyền tơi tả vì giông bão phải tìm nơi trú ẩn.

Nói là trở về, nhưng thực ra đây là lần đầu trong đời tôi được mặc khải bởi ánh sáng Thiên Chúa, thông qua những bài giảng về Kinh Thánh tại một lớp học trong Tòa Giám mục Hànội (2). Chính trong giai đoạn này – giai đoạn say mê học hỏi và nghiên cứu tôn giáo – tôi bất ngờ gặp cuốn “Hành trình về Phương Đông” (Journey to the East) của Spalding, bản dịch của Nguyên Phong, như một cơ duyên kỳ lạ trong đời.

Vâng, đó là một cơ duyên kỳ lạ, dường như một sự sắp đặt của Chúa, vì nó đến với tôi đúng vào lúc tôi đang hướng mọi suy nghĩ vào việc trả lời một loạt câu hỏi dằn vặt bấy lâu nay: Tại sao cuộc sống có nhiều điều vô lý, bất công và xấu xa đến thế? Sự xấu xa nằm trong bản chất con người hay do hoàn cảnh môi trường tạo nên? Cuộc sống có ý nghĩa không? Nếu có thì ý nghĩa đó là gì? Con người nên hành động thế nào khi phải đối diện với cái xấu, cái ác?…

“Hành trình về Phương Đông” đã đánh trúng vào những thắc mắc đó. Tôi đọc liền một mạch trong một ngày, choáng váng vì thích thú, cảm thấy đất dưới chân mình rung chuyển, thế giới quan cũ sụp đổ tan tành, một thế giới mới rộng lớn hơn, cao cả hơn mở ra trước mắt…

Tại sao lại có một hành trình kỳ lạ của 11 nhà khoa học danh giá của Tây phương về Phương Đông đúng vào lúc nền văn minh kỹ trị Tây phương đạt đến tầm cao tột đỉnh? Tại sao lại phải tìm kiếm các Chân sư Đông phương đúng vào lúc nền văn minh khoa học Tây phương đang ngạo nghễ đắc thắng?

Linh tính nhắc bảo tôi rằng những sự kiện này diễn ra không phải ngẫu nhiên, kể cả việc cuốn sách đến với tôi đúng vào lúc tôi thất vọng nhất. Rõ ràng có một chủ ý nào đó của Thượng đế trong việc này. Dường như đây là sự khởi đầu cho một cuộc tái khởi động não trạng của chính mình và có lẽ của toàn nhân loại, chuẩn bị cho một cuộc hành trình trở về với Sự Thật.

Thật vậy, phải trở về với Sự Thật, bởi Sự Thật vẫn ở đó tự ngàn xưa. Sự Thật không rời bỏ chúng ta. Chính chúng ta đã vô minh và kiêu ngạo để chối bỏ nó, ruồng bỏ nó, bác bỏ nó, đánh mất nó – nền văn minh kỹ trị thay vì đưa chúng ta tới tiến bộ, đã biến chúng ta thành một lũ vô cảm và ngạo mạn như thế đấy.

Theo đuổi luồng suy nghĩ ấy, tôi bất giác nhận ra rằng không phải ngẫu nhiên “Hành trình về Phương Đông” xuất hiện. Nó ra đời với một sứ mệnh cao cả là lay động và đánh thức nhân loại: con người hãy tỉnh lại để nhận ra Sự Thật trước khi quá muộn!

Bạn chỉ có thể đồng ý với nhận định ở trên nếu bạn có cùng cảm nhận như tôi rằng não trạng của con người ngày nay đã đạt tới tình trạng điên rồ! Nhà nhân học người Pháp André Bourguignon đã cảnh báo điều đó trong một tác phẩm nổi tiếng của ông: “L’Homme Fou” (Con người điên rồ).

“Hành trình về Phương Đông” cảnh báo sớm hơn, ngay từ năm 1924, khi phiên bản đầu tiên của cuốn sách này ra đời tại Ấn Độ, bởi Nhà xuất bản Adyar.

Sẽ là kém may mắn nếu không đọc “Hành trình về Phương Đông”. Sẽ là vô cảm nếu không giật mình trước những gợi mở trong sách. Và sẽ là dại dột nếu không chia sẻ những nghĩa lý sâu sắc trong đó với người khác, bởi nghĩa lý ấy giúp chúng ta điều chỉnh lại chính bản thân mình và góp phần điều chỉnh lại toàn bộ xã hội loài người.

Tôi từng chia sẻ những suy nghĩ của bản thân về cuốn sách này với anh em, bạn bè, nhưng có lẽ bây giờ mới là thời điểm thích hợp nhất để làm công việc đó, vì NXB Văn hóa Thông tin vừa cho ra mắt ấn bản đặc biệt, phiên bản đầy đủ nhất của “Hành trình về Phương Đông”, một cuốn sách đồ sộ với 772 trang, trình bầy ấn loát rất trang trọng, đẹp mắt, đóng bìa cứng chắc chắn.

HTVPD copy

Hình thức sang trọng này hoàn toàn xứng đáng với nội dung sâu sắc bên trong. Đọc nhanh vài đoạn, vài chương, lướt qua toàn cục, tôi vui mừng ngạc nhiên khi thấy thần tượng của mình, Chúa Jesus, xuất hiện trong rất nhiều trang của cuốn sách như một Chân sư vĩ đại nhất trong các Chân sư.

Không vui mừng ngạc nhiên sao được nếu biết rằng 10 năm trước đây người ta còn e ngại như thế nào khi nhắc đến Chúa: Năm 2004, tôi gửi tới Nhà xuất bản Trẻ bản dịch cuốn “Phương trình của Chúa” (God’s Equation) của Amir Aczel. Nhà xuất bản nhanh chóng đồng ý, nhưng cho biết Cục xuất bản đòi phải thay đổi tiêu đề, vì họ e ngại chữ “Chúa”. Tôi rất thất vọng, nhưng vì muốn sách sớm đến tay độc giả nên đành chấp nhận làm một việc kém văn hóa – chữa lại tiêu đề sách thành “Câu chuyện về Phương trình thâu tóm cả vũ trụ” (3).

Vậy mà 10 năm sau, ấn bản đặc biệt và đầy đủ nhất của “Hành trình về Phương Đông” đã ra mắt, trong đó Chúa Jesus được nhắc đến hầu như trong toàn bộ cuốn sách với một lòng tôn kính đặc biệt. Đó chẳng phải một bước “đại nhảy vọt” về văn hóa của những người làm công tác xuất bản hay sao? Làm sao không vui mừng ngạc nhiên khi đọc những dòng sau đây ngay trong Lời Tựa:

Các bậc Chân sư thừa nhận rằng Đức Phật chỉ ra con đường Khai Sáng, nhưng họ lại tuyên bố một cách rõ ràng rằng Đấng Christ là sự Khai Sáng, hay một trạng thái nhận thức mà tất cả chúng ta đang tìm kiếm – ánh sáng Đấng Christ của mỗi cá nhân; chính vì vậy, cũng là ánh sáng của mỗi đứa trẻ được sinh ra trong thế giới này” (Baird T. Spalding).

Vì thế hôm nay, không phải với tư cách một tín đồ Thiên Chúa giáo, mà với tư cách một con người – một người bình thường biết rung động và tôn thờ vẻ đẹp của cái Thiện, của Đạo, của Chân lý – tôi muốn bày tỏ và chia sẻ những kỷ niệm, ấn tượng và suy nghĩ xung quanh cuốn sách kỳ lạ này: “Hành trình về Phương Đông” của Baird Spalding.

buddha_stone

Thật kỳ lạ, cuốn “Hành trình về Phương Đông” đầu tiên đến tay tôi lại là một cuốn sách được in lậu, kiểu in tipo, chữ to, không có tên nhà xuất bản, bà vợ tôi mua được ở Chùa Quán sứ Hànội. Vậy mà ngay lập tức, tôi coi đó là một cuốn sách gối đầu giường, một thứ nhập môn triết học Đông-Tây, nhập môn Thần học-Tâm linh, một thứ giáo khoa thư đánh đổ tất cả mọi hệ thống lý thuyết khoa học, triết học và bao nhiêu túi khôn khác mà tôi đã được nạp và bị nạp vào đầu trong bao nhiều năm trước đó. Xem thế đủ biết rằng mọi chuyện đều có cơ duyên. Mặc dù hiện nay “Hành trình về Phương Đông” đã chính thức được xuất bản ở Việt Nam, nhưng tôi quả quyết rằng không phải ai cũng có duyên hội ngộ với cuốn sách này.

Suốt từ đó đến nay, đã 22 năm trôi qua, nhưng chưa bao giờ tôi ngừng suy nghĩ về nó. Đơn giản vì nó là một trong những cuốn sách hay nhất về một chủ đề hấp dẫn nhất đối với con người. Tôi đã đem nó ra để trao đổi trò chuyện với rất nhiều người, thậm chí dùng nó như một phép thử để đánh giá xu hướng tư duy của người đối diện.

Khoảng 1993-1994, tôi gặp một anh bạn trên một phố Hànội, một đạo diễn điện ảnh khá nổi tiếng. Anh ta khoe với tôi vừa ký được một hợp đồng làm phim với một đài truyền hình ở Anh. Hợp đồng khá béo bở, nhưng anh ta chưa nghĩ ra được đề tài gì cho thích hợp. Như có thần linh xui khiến, tôi lập tức khuyên anh ta nên làm phim về chủ đề tâm linh, vì chủ đề này được cả thế giới quan tâm. Để thuyết phục, tôi cho anh ta mượn 2 cuốn sách quý: “Hành trình về Phương Đông” của Spalding và “Đức Chúa Trời có thật không” của một Cha trợ lý của Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng. Ngoài ra tôi còn viết một tiểu luận ngẫu hứng về chủ đề tâm linh và gửi cho anh ta như một tài liệu bổ sung. Anh ta thích những tài liệu đó đến mức bắt vợ con ngồi nghe anh ta đọc nhiều đoạn. Cuối cùng anh ta quyết định làm cuốn phim mới với tên gọi “Một cõi tâm linh”. Trong phim sử dụng khá nhiều tư tưởng trong các tài liệu của tôi. Đến nay anh ta vẫn chưa trả tôi 2 cuốn sách quý. Nếu gặp, tôi sẽ phải đòi lại, vì đó là một kỷ niệm không thể nào quên.

Vài năm sau, lúc vừa mới chân ướt chân ráo đến Úc, tôi lại mang “Hành trình về Phương Đông” ra để chia sẻ với anh em bạn bè ở đây như một chủ đề tâm đắc nhất. Một người nói vỗ vào mặt tôi: “Ồ, tưởng cái gì chứ cuốn sách ấy thì đã được thu vào băng cassette bán đầy ở ngoài chợ…”. Có nghĩa là đối với người này, cuốn sách ấy cũng chỉ như mấy thứ hàng tạp hóa mà thôi. Tôi thất vọng, và học được bài học rằng con người vốn đa tạp, nhiều chiều. Chiều kích của “Hành trình về Phương Đông” có lẽ chỉ thích hợp với những tâm hồn giàu tư tưởng, giàu cảm xúc tâm linh, không thích hợp với những đầu óc thực dụng, hưởng thụ cuộc đời theo cách cân đong đo đếm. Nước Úc rộng quá, dân số ít quá, người Việt lại càng ít, vì thế xác suất để gặp một người đồng cảm về “Hành trình về Phương Đông” lại càng thấp.

Nhưng càng hiếm càng quý. Rốt cuộc tôi cũng gặp được một người như thế: anh Vũ Quang Cảnh, một nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng ở Sydney. Anh có những tác phẩm được triển lãm buộc người xem phải đăm chiêu suy nghĩ. Tôi thích nhất bức “con sói ngửa mặt lên trời hú lên tiếng hú vọng về cội nguồn”. Con sói là biểu tượng của hoang dã, tự do, tự nhiên. Xa xa là thành phố Sydney với những cao ốc chọc trời, biểu tượng của con người với những bó buộc chặt hẹp, phản tự nhiên. Cái gì thuộc về tự nhiên phải trả về tự nhiên… Tôi hiểu tâm tư của tác giả và rất trân trọng cảm xúc sâu xa của anh. Còn anh, thấy tôi mê “Hành trình về Phương Đông” quá, anh liền tặng tôi cuốn sách đó do nhà xuất bản Người Việt tái bản năm 1989. Từ đó đến nay dễ thường tôi đã đọc đi đọc lại cuốn này tới gần chục lần, đánh dấu, ghi chép bên lề chi chít, và xếp nó vào tủ sách bên cạnh những cuốn thần học, triết học và Đạo học thiêng liêng nhất.

Năm 2003, con rể tôi sang Úc chữa bệnh, một ca bệnh khá hiểm nghèo. Trong lúc lo lắng, bi quan, tôi không biết làm gì hơn là đưa cuốn sách mà tôi cho là đáng đọc nhất cho con tôi đọc, vừa để lấp thì giờ trống trải, vừa hy vọng biết đâu đấy, tư tưởng và những phép lạ trong sách có thể giúp con tôi chữa lành bệnh. Tôi mừng rỡ khi thấy con tôi cũng say mê cuốn sách y như tôi, thậm chí còn hơn tôi, vì đến nay anh chàng thuộc vanh vách nhiều đoạn trong đó. Phải mê lắm, thấm lắm mới thuộc được như thế. Tôi nghĩ đó là điềm lành, rất lành. Còn gì lành hơn đức tin – niềm tin mạnh mẽ vào sự hiện hữu của Đấng Toàn Thiện, Toàn Trí, Toàn Năng luôn luôn thương xót và cứu độ loài người. Chẳng phải Chúa Jesus từng nói với những người được Chúa chữa lành bệnh rằng “đức tin của con đã cứu con” đó ư? Chẳng phải Chúa Jesus đã nhắc chúng ta rằng “Điều này con người không làm nổi, nhưng Chúa có thể làm mọi sự” đó ư?

“Nếu bạn tin vào Chúa mà Chúa không tồn tại thì bạn cũng chẳng mất gì. Nhưng nếu bạn tin vào Chúa mà Chúa tồn tại thì bạn sẽ được tất cả”, đó là canh bạc mà Blaise Pascal, một trong những nhà hiền triết sâu sắc nhất, cha đẻ của Lý thuyết Xác suất, đánh cược với người đời. Chẳng phải Pascal là người khôn ngoan nhất đó sao?

Ván bài đánh cược của Pascal tỏ ra đặc biệt hiệu nghiệm trong việc chữa bệnh, nhất là những ca bệnh hiểm nghèo, những ca bệnh được can thiệp bởi các phép lạ. Thật vậy, y khoa là mảnh đất chứng kiến nhiều phép lạ nhất.

Bản thân tôi được chứng kiến ít nhất hai trường hợp bệnh nhân được chữa lành nhờ phép lạ. Đó là hai trường hợp bệnh nhân của cụ “Trưởng Cần” ở Ngọc Hà. Có một thời những người nghiên cứu việc chữa bệnh của cụ “Trưởng Cần” bị khép vào tội mê tín dị đoan. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Đằng sau những kẻ lường gạt, vẫn có những vị thánh làm phép lạ. Những vị thánh này có sứ mạng gì với nhân thế, chỉ có Chúa biết. Ngay từ hồi ấy, khoảng 1974, khi biết chuyện cụ Trưởng Cần, tôi đã suy ngẫm rất nhiều về một câu nói chí lý của Pierre Simon Laplace: “Cái ta biết thì quá ít ỏi, cái ta không biết thì mênh mông”. Tôi bắt đầu vỡ ra rằng thói tự phụ khoa học là một trong những biểu hiện vô minh nhất và lố bịch nhất của con người. Chỉ có sự khiêm tốn mới mong học hỏi được những điều tốt đẹp. Hơn bất cứ cuốn sách nào khác, “Hành trình về Phương Đông” liên tục nhắc nhở ta điều đó. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những ai mắc bệnh “hoang tưởng trí thức”, “hoang tưởng giáo sư”, “hoang tưởng tiến sĩ”, “hoang tưởng nhà nghiên cứu”, “hoang tưởng học giả”,… Những người mắc bệnh đáng thương này có thể chẳng thèm đếm xỉa đến ngay cả Einstein khi ông nhắc nhở: “Đừng coi trí tuệ là chúa; nó có sức mạnh cơ bắp, nhưng phi nhân tính”. Trong khi đó, 11 nhà khoa học trong đoàn hành trình về Phương Đông là những nhà khoa học chân chính đáng kính, bởi họ đã bất chấp phẩm tước khoa học danh giá để lắng nghe bài học đầu tiên quan trọng nhất – bài học khiêm tốn, điều kiện tiên quyết để học những bài học khác.

“Đúng thế, tôi đã học hỏi rất nhiều và điều đầu tiên tôi học được là sự khiêm tốn. Chỉ có sự khiêm tốn mới giúp ta học hỏi thêm những điều mới lạ. Các bạn hãy nhìn ly nước trên tay tôi đây, nếu tôi tiếp tục rót thêm thì nước sẽ tràn ra ngoài. Trừ khi tôi đổ bớt nước trong ly đi thì tôi mới rót thêm nước vào được. Kiến thức cũng thế, chỉ khi ta khiêm tốn gạt bỏ những thành kiến có sẵn ta mới tiếp nhận thêm được những điều mới lạ” (Lawrence Keymakers)

“Này các bạn, cái lý trí tự cao tự đại của con người không có ích gì cả. Chỉ khi nào họ đạt đến trạng thái tĩnh lặng của tâm hồn họ mới ý thức được các luật huyền bí của vũ trụ và sự nhỏ bé của con người. Khi tách khỏi trạng thái u mê của lý trí họ mới ý thức được sự an lạc tuyệt vời khi hòa nhập với Thượng đế” (Sudeih Babu).

Ôi, con người có biết mình tầm thường nhỏ bé không nhỉ?

Trong Thiên Chúa giáo, đức khiêm tốn là đòi hỏi đầu tiên để tiếp thu lời Chúa. Bản thân Chúa Jesus là hình ảnh tiêu biểu của đức khiêm tốn. Ngài xuất thân trong một gia đình nghèo hèn, Cha nuôi là một thợ mộc, bản thân Ngài trước khi đi rao giảng cũng là một thợ mộc. Ngài từng cầu nguyện với Chúa Cha trên trời, trong đó tự nhận mình là kẻ bé mọn: “Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho kẻ khôn ngoan và kẻ thông thái biết, mà đã tỏ ra cho kẻ bé mọn” (Mt 11:25).

Nhưng người đời không mấy ai chịu làm kẻ bé mọn. Họ thích mình to lớn, vĩ đại, oai phong, quan trọng, danh giá. Tôi đã chứng kiến những “nhà khoa học” đau đớn vì không được phong “giáo sư”, những nghệ sĩ đau đớn vì không được phong “nghệ sĩ ưu tú”. Sao họ khổ như vậy nhỉ? Sao họ chịu nhục như vậy nhỉ? Những người này chắc chắn không bao giờ đọc “Hành trình về Phương Đông”, và nếu đọc cũng chẳng hiểu gì. Đối với họ, làm gì có Thượng đế, chỉ có con người bằng xương bằng thịt thôi. Và xương thịt ấy hơn kém nhau ở danh lợi, bổng lộc, địa vị, phẩm tước, phẩm hàm. Nếu họ hơn người, họ đắc chí – đắc chí tiểu nhân. Nếu họ kém người, họ đau khổ, buồn bã, thất vọng. Họ rất đáng thương, bởi họ không có cái may mắn lớn nhất ở đời là sự giác ngộ. Họ không hiểu con người là gì.

Ngược lại, bác sĩ Bandyo trong “Hành trình về Phương Đông” là một hình ảnh tiêu biểu của người trí thức chân chính. Câu chuyện của ông thật cảm động. Ông là cựu giám đốc bệnh viện Calcutta, một giáo sư đại học nổi tiếng về khoa giải phẫu, một trong những bác học Ấn Độ được đề nghị trao Giải Nobel Y học. Ông vốn là một nhà khoa học thuần túy, không tin vào bất cứ cái gì mang tính huyền bí, phi khoa học, nhưng là một nhà khoa học giàu lòng nhân từ, không chịu bó tay trước bất cứ một ca bệnh hiểm nghèo nào mà ông có trách nhiệm cứu chữa. Dường như Chúa muốn ông trở thành một biểu tượng của đức tin nên đã đẩy ông tới chỗ phải đối mặt với một ca bệnh lạ lùng chưa từng biết. Ông bất lực, đau khổ, bế tắc,… nhưng đúng vào lúc tuyệt vọng nhất thì Đức Mẹ Maria xuất hiện. Trong con mắt của tác giả “Hành trình về Phương Đông”, Đức Mẹ cũng có thể là Đức Quan Thế Âm Bồ Tát của Phật giáo, hoặc Đức Avalokiteshvara của Ấn giáo. Nhưng dù gọi Ngài bằng tên gọi gì, Ngài vẫn là “biểu hiện cho lòng Từ bi, Bác ái, luôn luôn đáp lại những lời cầu xin của chúng sanh”.

Một giáo sư sốt ruột muốn biết số phận của bệnh nhân đó ra sao, bác sĩ Bandyo trả lời một cách dứt khoát: “Còn sao nữa khi Đức Mẹ hành động thì có bệnh gì mà không khỏi…”.

Đó là điều những người không có đức tin sẽ không bao giờ hiểu. Nhưng tôi hiểu, vì ít nhiều tôi cũng đã có những trải nghiệm cá nhân về những phép lạ mà khoa học không thể giải thích, và nhất là vì tôi tin Chúa. Đối với tôi, Chúa Jesus giống như một người Cha thương con, chỉ muốn cho con cái khôn ngoan, vì thế Người chỉ nói sự thật, sự thật, và sự thật. Dại dột thay những đứa con không biết nghe lời. May mắn thay những đứa con biết lắng nghe những lời dạy bảo chí tình. Trường hợp của bác sĩ Bandyo rất dễ hiểu đối với những ai đã thấm nhuần lời Chúa: “Việc ấy con người không làm nổi, nhưng Chúa có thể làm mọi sự” (Mt 19:26).

Sau biến cố ấy, bác sĩ Bandyo đã từ chức, lui về ẩn cư tại một làng nhỏ ở Rishikesh để săn sóc sức khỏe cho dân chúng tại đây. Ông biến thành một người hoàn toàn khác, một người xa lánh với bả vinh hoa và hiến dâng trọn vẹn cho sự nghiệp cứu đời. Đó là ý Chúa.

Tôi muốn kể ra đây nhiều chuyện hay khác, nhiều triết lý quý giá khác trong “Hành trình về Phương Đông”, nhưng như thế thì có lẽ phải chép cả quyển sách ra đây, bởi gần như trang nào, chương mục nào cũng có ý hay. Hiếm có một cuốn sách nào như thế.

Vì thế, khi gấp sách lại, tôi bắt đầu đặt câu hỏi: Baird Spalding thực ra là ai? Dịch giả Nguyên Phong thực ra là ai? Linh tính bảo tôi rằng không chỉ tác giả là một nhân vật lạ lùng, mà dịch giả Nguyên Phong cũng lạ lùng. Cả hai nhân vật này ắt hẳn phải có những kinh nghiệm lạ lùng về tâm linh đáng để cho chúng ta học hỏi.

Ấn bản đặc biệt và đầy đủ nhất của “Hành trình về Phương Đông” do NXB Văn hóa Thông tin vừa xuất bản đã cung cấp cho chúng ta câu trả lời về Spalding. Xin chân thành cảm ơn NXB Văn hóa Thông tin và dịch giả AnleBooks vì cuốn sách bổ ích này.

Còn Nguyên Phong ?

NP

Thú thật, tôi đặc biệt muốn biết Nguyên Phong là ai, như thế nào, làm sao anh có thể viết ra những câu chữ hay đến thế, sâu sắc đến thế, mặc dù anh đóng vai trò khiêm tốn của một dịch giả. Tôi nói với mọi người: Nguyên Phong quá giỏi, chắc chắn phải là một người xuất sắc, có hiểu biết văn hóa cao, đặc biệt là hiểu biết thần học – tâm linh. Trông thấy cái đẹp mà không xúc động, trông thấy người tài mà không biết nghiêng mình kính cẩn, ấy là đồ vứt đi. Nguyên Phong là một người tài để tôi phải nghiêng mình kính nể, khâm phục.

Rốt cuộc, thông tin về con người đặc biệt này đến với tôi qua bài báo “Một làn gió tinh khôi” của nhà văn Phan Lạc Tiếp, trên trang mạng Thiên lý Bửu Tòa.

Tôi rất cảm động khi đọc bài báo này. Xin nhấn mạnh rằng bài báo rất hay, không những nó vẽ lại quang cảnh sinh hoạt của người Việt ở Mỹ sau biến cố 1975 một cách rất sinh động, mà còn mô tả chân dung Nguyên Phong một cách rõ nét, giúp tôi giải mã được những gì tôi thắc mắc về anh, và thậm chí còn làm tôi quý trọng và khâm phục anh hơn. Tôi rất mừng vì ấn tượng của tôi về Nguyên Phong là hoàn toàn chính xác. Xin chân thành cảm ơn nhà văn Phan Lạc Tiếp.

Tôi định trích vài đoạn về Nguyên Phong từ bài báo đó vào đây, nhưng cảm thấy không ổn, vì như thế sẽ làm hỏng bài báo của tác giả. Tôi hiểu những gì tác giả bài báo muốn nói. Các phần của bài báo có liên kết hữu cơ với nhau. Trích đoạn này bỏ đoạn khác sẽ làm hỏng ý của tác giả. Vậy tốt nhất là giới thiệu bài báo đó với mọi người. Vâng, nếu bạn là một người say mê “Hành trình về Phương Đông” như tôi, nếu bạn có ấn tượng mạnh về Nguyên Phong như tôi, xin bạn bấm vào link dưới đây. Biết đâu, đó là cơ duyên để những tư tưởng đẹp gặp nhau?

http://www.thienlybuutoa.org/Misc/MotLanGioTinhKhoi.htm

Tôi chỉ nói thêm chút xíu thay cho lời kết (một chút xíu quan trọng):

Nếu bạn đọc bài báo của tác giả Phan Lạc Tiếp, xin bạn chú ý đến chi tiết Nguyên Phong gặp cuốn sách “Journey to the East” như thế nào. Ba lần gặp, ba lần cuốn sách đó rơi xuống đất, ba lần Nguyên Phong phải nhặt cuốn sách đó lên để cất nó vào giá sách của thư viện. Rõ ràng có một phép lạ nào đó đã tác động buộc Nguyên Phong phải để mắt đến cuốn sách đó, để bị cuốn sách đó hút hồn, để dịch nó ra cho độc giả Việt Nam, để an ủi những người đang đau khổ, để thắp lên ánh sáng cho những người đang tìm đường dấn bước về tương lai, và để làm được rất nhiều việc khác nữa mà chính Nguyên Phong không lường trước được …

Sự kiện kỳ lạ nói trên củng cố cho nhận định của tôi trong bài viết này, rằng “Hành trình về Phương Đông” là một cuốn sách có sứ mệnh đặc biệt, một sứ mệnh cao cả, thiêng liêng – dường như một thông điệp của Chúa gửi đến con người trong xã hội hiện đại.

Sydney 22/10/2014

PVHg

Chú thích:

(1): Từ 1950 đến 1954, tôi học cấp I tại các trường công giáo ở Hànội: Institution Sainte Marie (phố Hai Bà Trưng), Institution Puginier (phố Lý Thường Kiệt). Thầy cô giáo là các Soeurs, các Frères. Học sinh được học Kinh Bổn, dự kễ Nhà thờ trong trường.

(2): Lớp học do Soeur Anna Tâm thuộc Tu Viên Dòng Mến Thánh Giá Hànội giảng dạy, trong một căn phòng bên trong Tòa Giám mục. Lớp học có 12 học viên, tôi được cử làm lớp trưởng, thường phải thay mặt học viên trả lời những câu hỏi khó do giảng viên đặt ra.

(3): Đã công bố trên PVHg’s Home dưới tiêu đề “Phương trình của Chúa”.

49 thoughts on ““Hành trình về Phương Đông” – một sứ mệnh thiêng liêng.

  1. Anh PVH thân mến!
    Em đọc “Hành trình về phương Đông” lần đầu tiên năm 1989.
    Em nhớ ấn tượng lớn nhất là khi em đọc một đoạn đại loại nói là vào năm 1975 thế giới sẽ thay đổi, chủ nghĩa duy vật sẽ bị sụp đổ, chủ nghĩa duy tâm quay lại vị trí của nó.
    Lời tiên tri này lúc đó làm em hết sức kinh ngạc, bởi vì cả thế hệ em sinh ra và lớn lên trong thời kỳ”thịnh” nhất của chủ nghĩa duy vật. Từ ấn tượng này, em bắt đầu hiểu ra những mơ hồ, mông lung, hoang mang trong thứ nhận thức không đầu không đuôi của mình, của thế hệ mình.

    Em bắt đầu đọc về đạo Phật, về lịch sử Giáo hội và chúa Jezus từ những năm đầu tiên của thập kỷ 90. Tất nhiên, vì còn phải kiếm ăn, vì đời sống, và hoàn toàn không ai hướng dẫn, em chỉ đọc rải rác, đọc đấy, nghĩ đấy nhưng để tinh thần chuyển biến còn phải đợi những cái mốc khác sâu sắc hơn trong đời ập đến…

    Giờ đây, em nghĩ rằng em đã có những bước đi khá dài trên con đường tâm linh, ngày mỗi ngày em biết đến nhiều hơn các tác giả, tác phẩm đã giúp em đi tiếp trên con đường này, và không chỉ nhận thức, em đã bắt đầu hiện thực hóa từng ngày sống đầy ắp nội dung tâm linh của mình.

    Truyền lửa cho nhau trên con đường vô tận thành người, anh Hưng ạ, đấy là mục đích của những tác phẩm như Hành Trình Về Phương Đông.
    Chúc anh giữ mãi bầu nhiệt huyết của đức tin để viết những bài giới thiệu sách hoặc về các công trình nghiên cứu của anh lúc nào cũng hay, như những bài em đã đọc trên web của anh
    Chào anh nhé
    Nguyễn Hồng Nhung (Budapest-Hungary)

    Đã thích bởi 1 người

  2. Qua những bài viết của anh về sự hiện hữu của chúa, tôi khẳng định có người thích ứng và cũng có người không thích ứng, tôi nghỉ điều đó là lẽ tự nhiên thường tình, không có sự ràng buộc phải thế này hoặc thế khia trong khuôn khổ qui luật tự nhiên của cuộc sống. Chỉ tội cho những con người chịu dưới sự phục tùng của triết lý hung thần để biện minh là có chúa hiện hữu, trong khi đó họ lại không đi để tìm giải pháp cứu vãn cho nhân loại, mà ngược lại họ lại đồng cảm với cái hệ thống giáo điều của tư tưởng phi nhân bản mang tính cách của những tần lớp tư bản quí phái và nặng nề tư tưởng định kiến trong một xã hội thật quá bất công. Tôi tin chỉ có Trời Đất là tất cả. Ngoài ra tôi tin không có chúa hiện hửu mà chỉ có những con người thật độc ác nằm trong sự hiện hữu bao che của luật pháp bạo quyền muốn giết hoặc xát hại ai thì họ sẻ mặt nhiên thực hiện một cách thông minh tuyệt để từ ngoài dô trong. Bởi thế, cái đề tài thiện và ác của anh nói lên một cái nhìn đầy kinh nghiệm về đời sống khốn khổ trên cả hai mặt tinh thần và thể xác…Có những con người có ảnh hưởng trong xã hội cũng không có được tiếng nói thì cái ác cứ lộng hành lan tràn khắp nơi khiến người vô tội trở nên có tội, và cái hố đen càng ngày càng bự ra và sẻ chôn vùi hết tất cả niềm tin sống đẹp của nhân loại. Thật phũ phàn và bất công. Có những con người lấy cớ này cớ khia để làm nên một phán xét và chịu làm việc dưới một hệ thống của chủ nghĩa hung bạo, và vô thần. Thế giới ngày nay con người mất dần đi sự tự do phát biểu tư tưởng, và ngược lại cái ác được lên ngôi để che chở những kẻ độc ác muốn ám hại dân lành. Cá nhân tôi không tin có chúa, và cũng không tin có thượng đế…chỉ có những con người độc ác hiện hữu.

    Thích

  3. Từ đó đến giờ, quyền tự do tín ngưỡng là điều vô cùng trọng hệ nhất được con người tôn trọng. Có người tin vào Phật, người khia tin vào Chúa, và cũng có người tin vào thần thánh v.v…Tất nhiên, mỗi người đều có một đức tin riêng cho mình. Tôi thật lòng không có ý tứ để phê bình xấu về tôn giáo nào cả, và mỗi tôn giáo đều có tính đặc thù riêng biệt của nó. Nhưng ở mặt trái của đời sống xã hội cũng có thể có nhiều điều mâu thuẫn giữa tôn giáo này và tôn giáo nọ. Có muôn thứ đưa đến sự bất đồng chánh kiến giữa con người với con người trên nhiều phương diện khác nhau.

    Trong bối cảnh này, tôi tôn trọng sự khác biệt, và sự khác biệt này đã thay đổi tầm nhìn của tôi có ý tưởng lạc quan hơn. Cộng với tư tưởng trung lập tôi nhìn đời bằng một trái tim biết rung động trước vẽ đẹp của thiên nhiên mà trời đất đã tạo dựng lên tất cả. Tôi yêu thích những gì mình có thể làm được. Vui lòng xoá cái trước. Cám ơn.

    Thích

  4. Cháu cảm ơn chú đã chia sẻ những suy nghĩ chân thật.
    Mỗi lần đọc một bài viết mới của chú, cháu cảm thấy rất xúc động. Cháu như được gặp một ông già làng hay kể chuyện cổ tích cho con cháu nghe, những câu chuyện cao cả.
    Và, từ nhỏ tới giờ cháu luôn tin là những chuyện cổ tích là có thật…
    Hai năm trước cháu có may mắn được trực tiếp chứng kiến cảnh tượng linh hồn cụ trưởng Cần chữa bệnh cho một bác nữ…
    Cháu không cần ai tin những câu chuyện cổ tích đó cả…Cháu luôn tin là ông tiên ông Bụt có thật, giống như những gì mẹ cháu đã kể chuyện cổ tích khi ru cháu ngủ ngày bé…
    Cháu cảm ơn chú rất nhiều, cháu rất mong những bài viết mới của chú ạ.

    Trịnh Nhật Vũ.

    Thích

  5. Tìm thấy được một người có niềm tin vào Phật, Đạo,Thần trong cuộc sống hiện đại bận rộn ngày nay thật chẳng dễ, huống chi là những người có một đời sống tâm linh phong phú như bác. Cháu xin giới thiệu đến bác cuốn “Chuyển Pháp Luân” một cuốn sách mà cháu cảm nhận cũng rất là hay, cuốn sách này đã mở ra một thế giới quan hoàn toàn mới cho cháu. Không biết bác đã từng đọc chưa, cháu hi vọng bác sẽ dành chút thời gian đọc thử.

    Click to access zfl_v.pdf

    Nếu bác cảm thấy hứng thú thì có thể đặt mua sách tại đây : http://khaitam.org/

    Chúc bác luôn viên mãn trên con đường Đạo.

    Đã thích bởi 1 người

  6. Đây là một tác phẩm hay, đã cho tôi thỏa mãn qua các câu chuyền về các bậc hiền giả, và cũng thức tỉnh thôi thấy lại mình. Đừng tự hào về những gì đã có, hãy luôn khát khao và tiến bước mạnh mẽ trên đường đạo. Vì như cuốn sách đã nói: khi ta giác ngộ cao thì sẽ hiểu ở mỗi nấc thang tiến hóa của nhân loại, đều đã có kẻ đạt đến. Cuốn sáng phản ánh một phương diện nào đó trình độ tinh thần của tôi, dù khi đó mới là một tràng trai 23 tuổi.

    Có lên núi mới biết núi cao, và mới thấy còn nhiều núi cao hơn nữa. Nhưng đỉnh núi mà tôi đạt tới năm 23 tuổi là đỉnh núi, chỉ còn duy nhất một ngọn núi cao hơn. Tôi hiểu rằng mình sẽ phải từ bỏ tất cả thành quả và bắt đầu lại từ đầu để leo lên đỉnh núi cao nhất đó. Tôi cũng hiểu định mệnh của nhân loại tất yếu sẽ dẫn tới ngày tận thế trong thời gian tới. Tôi cũng thấy được định mệnh cuối đời của người là cha là mẹ của mình trong kiếp này. Và cũng thấy được cái linh ảnh xa xôi, mà vì sao một người như tôi, vốn không tham bận tới các công việc lớn lao, lại nghe lời Phật Thích Ca sinh ra vào một gia đình với số phận đầy thử thách tại nước Việt Nam này.

    Giờ đây, lý do duy nhất tôi giữ lại thể xác này là vì con trai bé nhỏ. Con người có khi nào xứng đáng được giúp đỡ khi họ lãng quên bản chất chân thật của mình, hoặc tìm lại nó không triệt để, trong sự phóng túng giác quan và trí tưởng tượng, trong sự tò mò thích thú các thú vui của giác quan và trí óc.

    Tôi nghĩ là tác giả trang này biết tôi là ai chứ: một thằng điên, một kẻ ảo tưởng, một kẻ dưới ít tuổi, một ….

    Tôi không là ai cả, tôi chỉ từng là một trong những người thân cận nhất bên thầy Thích Ca của mình.

    Số phận của người thời nay sẽ bi thảm, nhưng họ may mắn vì tôi cùng chung định mệnh với họ. Lẽ ra tôi có thể rời bỏ họ, nhưng con trai bé nhỏ của tôi là sợi dây giữ tôi ở lại.

    Mọi tôn giáo đều ẩn trong chân lý mà tự lực tôi đã khám phá không qua một vị thầy nào, nhưng tôi không thích lắm khi người ta cứ dùng danh từ Chúa một cách quá nhiều. Nếu họ hàm ý Chua cha, hay Thượng Đế thì tôi vui lòng. Còn Chúa Jesus cũng như Đức Phật hay Osiris đã lĩnh hội và hiểu được tinh túy của con đường đạo mà thôi.

    Thích

  7. Xin hỏi bác Hưng. có những thông tin nói rằng quyển sách “Hành trình đi về phương Đông ” là một tiểu thuyết giả tưởng và tác giả chưa hề đến Ân độ. Xin bác cho ý kiến. Cảm ơn bác.

    Đã thích bởi 1 người

  8. Cảm ơn bác Hưng đã chia sẻ về một trong những quyển sách hay nhất mọi thời đại này (theo cảm nhận chủ quan của cháu) và tạo cầu nối cho những người “đồng thanh tương ứng” cùng chia sẻ và giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Thật là “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” !
    Chương III của quyển sách này đã chữa lành con mắt tâm linh của cháu, giúp cháu nhìn thấy Đấng Tạo Hóa bằng các phép chứng minh toán học, vật lý, sinh học. Các chương khác giúp cháu nhìn thấy ý nghĩa cuộc đời, thậm chí đã cứu cháu thoát chết vào cuối 2009, trong hoàn cảnh mà cháu không còn cảm thấy ý nghĩa gì để sống nữa, trong một xã hội vô thần, vô cảm đang vây quanh cháu… Từ đó đến nay, cháu đã ra sức dành thời gian để tìm hiểu các tôn giáo (đặc biệt là Cơ Đốc giáo) để mong tìm cho mình một con đường phù hợp nhất, nhưng rốt cuộc bây giờ cháu đang bơ vơ mất phương hướng, nhưng vẫn giữ vững một niềm tin vào Thượng Đế.
    Cháu có một số thắc mắc mà cháu tha thiết mong nhận được câu trả lời từ bác và các anh em:
    – Nếu các tôn giáo đều là các con đường dẫn đưa con người đến đích, tức ít nhiều đều chứa đựng những sự thật căn bản thì tại sao các tôn giáo ấy lại mâu thuẫn với nhau, thậm chí phủ nhận lẫn nhau một cách vô cùng nghiêm trọng về các niềm tin cốt yếu ? (Chẳng hạn: Cơ Đốc giáo chỉ tin có một con đường đúng đắn duy nhất là tin theo Jesus (các đạo khác bị xem là tà giáo hết), ngược lại Phật Giáo tin có 48000 pháp môn giúp con người giải thoát; Phật Giáo không tin vào Thượng Đế và linh hồn, ngược lại hầu hết các tôn giáo khác đều tin và đặc biệt chú trọng; Cơ Đốc giáo lên án việc thờ lạy người chết và các thần khác, ngược lại Ấn Độ giáo và Phật Giáo lại cho phép; Cơ Đốc giáo không tin luân hồi chuyển kiếp-điều mà hầu hết các tôn giáo khác đều thừa nhận; Phật Giáo tin vũ trụ thường hằng, Cơ Đốc giáo tin vũ trụ có khởi đầu; …)
    Cháu không đòi hỏi sự đúng đắn tuyệt đối ở một tôn giáo nào, nhưng ít ra thì những niềm tin căn bản, những nền tảng trụ cột của một tôn giáo chân chính không thể sai trệch được. Nếu một bài toán chỉ có một đáp án đúng mà có 10 học sinh đưa ra 10 kết quả khác nhau thì rõ ràng chỉ có tối đa 1 em đúng mà thôi. Rốt cuộc, tôn giáo nào đáng tin cậy ?
    – Nếu trở thành một tín đồ tôn giáo thì bác chọn theo tôn giáo nào, hay là tin một cách có chọn lọc từ nhiều tôn giáo ?

    Đã thích bởi 1 người

    • Cháu Tuyết Minh thân mến,
      Trang PVHg’s Home từ trước tới nay vẫn nhận được nhiều ý kiến hay, nhưng phải nói rằng ý kiến của cháu là MỘT TRONG NHỮNG Ý KIẾN HAY NHẤT, vì CHÂN THÀNH NHẤT !
      Nói thực là bác rất xúc động khi đọc ý kiến của cháu. Bác thường “đo” con người qua phản ứng của người đó đối với “Hành trình về Phương Đông”, và bác đã gặp cháu ở sự thấu cảm với tư tưởng của cuốn sách này.
      Câu hỏi cháu đặt ra là câu hỏi RẤT LỚN về nhận thức. Bác không thể trả lời cháu ngay một lúc, trong một vài dòng ngắn ngủi, mặc dù bác có thể làm điều đó một cách thiếu trách nhiệm. Bác sẽ trao đổi thêm với cháu về câu hỏi đó thông qua email. Ngay bây giờ bác chỉ nói đôi lời gọi là “tạm thời” thôi nhé:
      1/ Hãy tin vào những gì cháu cảm thấy, bởi tôn giáo chính xác nhất là những gì cháu cảm thấy rung động trong trái tim. Bản thân bác là người công giáo, bác rất yêu Chúa của bác, nhưng bác cũng vô cùng kính trọng Đức Phật. Tóm lại là bác yêu Cái Đẹp, Cái Thiện, bác luôn hướng tới nơi có Ánh sáng.
      2/ Cháu đừng quá bận tâm đến những khác biệt giữa các tôn giáo, hãy quan tâm tới những giá trị cao quý mà các tôn giáo cùng hướng tới. Chẳng hạn tình yêu thương và tha thứ là điểm nhấn mạnh nhất của Công giáo, nhưng đồng thời Phật giáo cũng dạy ta như thế. Hãy chú ý rằng đã là con người thì không thể tránh khỏi sai lầm và tội lỗi. Các tổ chức tôn giáo là tổ chức của con người, nên không tránh khỏi sai lầm. Vậy hãy hướng tới tinh thần tôn giáo mà các tôn giáo hướng tới. Hãy bám vào những lời dạy cụ thể. Đừng sa vào những thắc mắc của người đời, đừng để người đời ảnh hưởng tới mình.
      3/ Cháu đã mê Hành trình về Phương Đông, bác tin rằng cháu sẽ mê “Cuộc đời của Pi” của Yann Martel. Bác đã có bài giới thiệu về cuốn này đấy: “Tiểu luận về con người” trên PVHg’s Home.
      4/ Hai trong số những lời dạy tuyệt vời nhất về tôn giáo là lời sau đây của Chúa Jesus:
      “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Cháu là người rất may mắn đấy.
      “Với con người thì việc này là bất khả, nhưng với Chúa thì mọi điều đều có thể”.
      Cháu ơi, 2 câu trên chỉ có thể hiểu bằng trái tim và bằng sự trải nghiệm của chính bản thân cháu mà thôi. Không ai có thể lý luận thuyết giảng để cháu hiểu và tin đâu.
      Bác Hưng

      Đã thích bởi 2 người

      • Cảm ơn Bác Hưng và chị Tuyết Minh đã viết ra những suy nghĩ, hiểu biết của mình, đã giúp cháu hiểu thêm nhiều điều hay ạ.

        Thích

    • Bạn Tuyết Minh có thể tìm cầu trả lời trong đoạn dưới đây nhé:
      ———–
      Mọi người, mọi tổ chức đạo giáo, chính trị, xã hội đều mong muốn nhào nặn con người theo ý mình, duy Lão tử dạy ta không nên nuôi hoài bão cải tạo con người theo chiều hướng của mình.
      Lão tử vốn chủ trương thiên chân thiên tính là hoàn hảo, cho nên nếu ta có dụng tâm muốn thay đổi con người thì chỉ làm cho con người trở nên sa đọa mà thôi.
      Chính vì từ trước tới nay con người đã bị nhồi sọ bằng mọi chủ nghĩa, chủ thuyết, nên ngày nay con người thực y như đang bị ngây ngất, vật vờ vì những cần sa ma túy tư tưởng.
      Krisnamurti cho rằng con người cần được hoàn toàn giải độc thì mới có thể đi đến chỗ khinh khoát tự do. Ta có thể nói Krishnamurti là một con người ở thế kỷ 20 này, không ngờ mà đã thực hiện chủ trương trên đây của Lão tử. Krishnamurti từ tấm bé đã được bà Annie Besant, đồ đệ của bà Blavatsky, đem về Âu châu giáo dục vì bà có linh giác rằng Krishnamurti này sẽ thành vị «chân sư của thế giới».
      Krishnamurti được giáo dục rất kỹ càng ở Oxford, Pháp, California. Ông được tặng một tòa lâu đài ở Eerde với 2000 mẫu tây rừng (Hòa Lan). Tất cả tín hữu phái Thông Thiên học đều hồi hộp chờ ngày ông sẽ chính thức đăng quang làm giáo chủ Thông Thiên học. Thì đùng một cái, năm 1928 ông Krishnamurti trả lại hết mọi chức tước, tài sản mà Thông thiên học đã tặng ông đồng thời từ chối không chịu đăng quang và tuyên bố: Nhân loại đã có nhiều lồng rồi, ông không muốn tạo thêm lồng mới nữa.
      Krishnamurti cho rằng: các tôn giáo không giải thoát được con người vì lẽ chúng khống chế con người, làm mất tự do con người, và gây ra những mâu thuẫn trong thâm tâm con người. Những duyên do đó làm cho con người không thể chuyển hóa để nhận ra được Chân đạo.
      Ông cho rằng: «Chỉ có ta mới cứu nổi ta.»
      (đó là trích đoạn phần bình giải Chương 29 Vô vi, Đạo Đức Kinh, Lão Tử).
      ———-
      Đọc Hành trình về phương Đông nếu để ý, chúng ta thấy các nhà khoa học rất muốn dùng “lý trí khoa học” của mình để “kiểm định” thực hư và tìm hiểu những thứ được xem là bí ẩn, huyền bí, họ luôn tỉnh táo và tự tin. Thậm chí nhiều lần họ còn hỏi dò các vị “chân sư” xem họ được nghe Chúa nói gì, Phật dạy gì khi được diện kiến Chúa, Phật, để xem các Ngài có điều gì mới, “cập nhật” hơn so với Kinh thánh hay Phật pháp mà con người đã được biết. Tôi cũng để ý đến điều đó, song quả thực cũng không phát hiện được điều gì mới mẻ cả, các Ngài chủ yếu nhắc lại những điều đã dạy con người từ trước đó, đều không ngoài tình thương yêu và sự tu tập, hướng thiện. Nhà văn T.Spalding cũng không thể tuỳ tiện đem những tri thức của thời mình để cập nhật/ update vào tư tưởng của Chúa, Phật. Có lẽ đó là nguyên tắc bao trùm của Tạo hoá, các Ngài đã hoàn thành sứ mệnh của mình và trao lại cho hậu thế những công việc tiếp theo. Thời Lão tử cũng vậy, dù Lão tử rõ là bậc Thánh nhân, song trong cuốn Đạo Đức kinh, ông vẫn nhắc đến những vị Thánh trong tương lai, bởi mỗi lần “xuống trần công tác”, các vị đó chỉ có thể hoàn thành được một số công việc nhất định mà thôi. (Thực ra, nếu chỉ một trong các vị đó thành công thì loài người đã có thể xây Thiên đường hoặc cõi Niết bàn trên chính trái đất này rồi).
      Đời người tuy rất ngắn ngủi, nhưng do tốc độ phát triển của Internet và IT làm cho “entropy” tăng lên do đó mà chúng ta được chứng kiến nhiều sự đổi thay nhanh chóng, hy vọng rằng chúng ta sẽ được chứng kiến “… những điều kỳ diệu. Chúng đến trong những dịp lớn, đó là những tâm điểm lớn của lịch sử – không phải là lịch sử chính trị hay xã hội mà là lịch sử tâm linh mà con người chưa biết hết. Nếu bạn không sống gần với một trong những thời điểm lớn này, làm thế nào bạn có thể kỳ vọng nhìn thấy điều kỳ diệu?” (C.S. Lewis).

      Đã thích bởi 1 người

  9. Chào bác Hưng,

    Cháu rất say mê những bài phản biện của bác về thuyết tiến hóa của Darwin, mong bác cũng có một “approach” như vậy đối với cuốn sách ” Hành Trình về Phương Đông” này và các vấn đề về tâm linh.

    Cảm ơn bác

    Thích

  10. Cháu cũng là 1 người có cơ duyên đọc được cuốn sách này và những điều chú chia sẽ cũng đã nói lên những cảm giác của cháu. Cuốn sách này đúng là có sứ mệnh rất quan trọng, kêu gọi con người trở về cội nguồn tâm linh phương Đông. Những điều trong cuốn sách này không chỉ là những đạo lý, khoa học cao siêu mà còn có cả những lời tiên tri. Cho đến hiện nay thì cháu thấy những lời tiên tri đó đã trở thành sự thật. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của “khoa học hiện tượng”, sự thóai hóa của tâm linh trong thế kỷ 20, sự trở lại của các âm binh và mãnh lực hung ác thời Ai Cập cổ đại trong thời hiện đại, xuất hiện dưới dạng đội lốt tôn giáo, kích động chiến tranh, khiến thế giới hỗn loạn và tang tóc, và cả những dấu hiệu nhận biết chúng cũng khẳng định tính chính xác của tiên tri.
    Ngoài ra, trong sách còn nhắc đến sự kiện quan trọng là sự giáng lâm của một vị có danh xưng chính xác là Di Lặc Bồ tát. Điều này trùng hợp với nhiều tiên tri dự ngôn ở các nguồn thông tin khác mà cháu nghiên cứu. Thật sự cuốn Hành trình về phương Đông đã đưa cháu trở lại phương Đông và tìm thấy con đường tu luyện chân chính và thực hiện sứ mệnh của mình. Cũng giống như những vị giáo sư trong hành trình đã trở lại phương Đông để tiếp tục hành trình của mình.
    Cuốn hành trình về phương Đông như một hành trình dẫn dắt cháu tìm thấy một cuốn sách siêu phàm hơn, đó là cuốn Chuyển Pháp Luân. Cuốn sách đặc biệt đã giúp cháu lĩnh hội được những điều cao thâm hơn nữa. Đó cũng là con đường tu luyện mà cháu và hàng trăm triệu người trên thế giới đang theo. Hành trình trở về cội nguồn bắt đầu từ phương Đông.

    Đã thích bởi 1 người

    • Chào bạn, mình đã nghe rất nhiều lần 9 bài giảng chuyển pháp luân, và giờ lại nhận thấy sách Hành trình về phương Đông thật tuyệt vời, hiện tại mình đang tham khảo nhiều giáo lý, và theo con đường: tự mình đi và tiến hóa trên con đường tâm linh.

      Thích

  11. Chào chú Hưng!
    Cháu cũng rất súc động khi được nghe đọc cuốn sách này trên youtube (2 năm trước) : https://www.youtube.com/watch?v=s173JnRSkg4 quả thật bằng trực giác cháu hoàn toàn tin tưởng đây là cuốn tư liệu có thật, nhưng nó chẳng có tác dụng gì lớn đối với cháu cả. Không hiểu chú sẽ có cảm xúc gì khi chú đọc cuốn “Chuyển Pháp Luân” : http://phapluan.org/book/zfl_v.pdf
    Cuốn sách này đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời của cháu! Cháu rất hy vọng chú cũng sẽ có những cảm xúc mới nếu chú đọc cuốn sách nói trên!

    Thích

  12. Pingback: “Hành trình về Phương Đông” – một sứ mệnh thiêng liêng. | Khoa học và Tu luyện

  13. Cháu là một người theo Chúa Jesus. Cháu đã đọc quyển sách này trước khi đến với Chúa.
    Sau khi học về Kinh Thánh thì cháu nhận ra một thứ đó là những gì cháu đọc trong cuốn sách này không đúng.
    Cháu đã xem Bible có authority với cuộc đời cháu, một cuốn sách lich sử của nhân loại (a true history of mankind) và là lời nhắn nhủ của Đấng Tạo Hóa cho loai người ( a message from God, the Bible is God inspiration). “hành trình về phương Đông” đưa con người lên ngang tầm với Đấng Tạo Hóa, khiến con người lầm tưởng mình có thể điều khiển được vạn vật ngay cả định mệnh của mình. Cháu thì nghĩ, creation không thể đem so sánh với creator được ạ. Chúa Jesus nói chỉ có một con đường đến với Chúa là qua Ngài mà thoi
    “I am the way and the truth and the life. No one comes to the Father except through me.

    Thích

    • Chào bạn Mai Hall, Chúa Jesus nói chỉ có một con đường đến với Chúa Cha là qua Ngài mà thôi. Theo tôi hiểu thì con đường đó chính là con đường yêu thương như chính Ngài đã yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù( không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu dám hi sinh cả mạng sống cho người mình yêu). Do đó tôi có suy nghĩ như thế này nếu một người chưa biết Chúa Jesus mà họ vẫn sống đúng con đường yêu thương của Ngài thì họ vẫn đến được với Chúa Cha, còn như chúng ta biết Chúa Jesus mà chúng ta không sống đúng con đường yêu thương của Ngài thì chúng ta không bao giờ đến được với Chúa Cha.
      Trân trọng chào bạn.

      Thích

    • Mến chào bạn Mail Hall, mình hoàn toàn đồng ý với bạn. Mình đã từng rất mê “Hành trình và phương Đông” của Nguyên Phong nhưng cũng đủ tỉnh táo để nhận ra sự đánh đồng các tôn giáo của tác giả. Sau đó mình tìm hiểu Kinh Thánh với đức tin tuyệt đối vào Tạo Hóa, tấm lòng khiêm tốn học hỏi, và sự tẩy uế tâm hồn, xưng tội, cùng cầu nguyện trong 3 năm liền vì mình rất sợ tội lỗi khiến mình không được Ngài mặc khải sự thật. Và mình học được rất nhiều điều từ Kinh Thánh, và hiểu được sự ban phước của Thiên Chúa dành cho những dân tộc thờ phượng Ngài, hiểu được sự ưu việt của nền văn minh phương Tây so với phần còn lại của thế giới…, và cũng nhận ra rằng Kinh Thánh không hoàn toàn vô ngộ như người Tin Lành quan niệm vì nó được viết bởi bàn tay con người bất toàn. Cái phương tiện không hoàn hảo (vì ý Chúa không muốn con người không tôn sùng nó quá mức) nhưng là phương tiện vô cùng tốt lành để con người đến với Chúa, và cũng không một hệ phái tôn giáo nào mang danh đạo Chúa hoàn hảo cả, nhưng rất đáng quý. Nếu các bạn không đồng ý với mình thì chúng ta hãy thảo luận qua email trên tinh thần học hỏi cùng đức tin haidangprof@gmail.com

      Thích

  14. Chào chú Hưng và các độc giả của trang. Con có một số chia sẽ muốn gửi đến mọi người.

    Con được may mắn sinh ra trong gia đình gọi là “đạo gốc”. Niềm tin vào Đức Chúa của con là một niềm tin ăn sâu vào tâm khảm từ thưở mới lọt lòng. Và không những vậy, con có một sợi dây vô hình tâm linh với Chúa Jesus. Nhưng có một thời gian, nhất là khi bước chân vào trường đại học của Việt Nam, con say mê đọc các học thuyết về triết học (gọi là đọc chưa tới). Cũng chính lúc đó, cái học thuyết triết học khiến niềm tin của con lung lay, chấn động.

    Khi ra trường, con va vấp với cuộc đời. Có những lúc cảm thấy như cả thế giới phản trắc lại mình vậy. Lòng con bất an dữ dội. COn đi nhà thờ mà chẳng thấy bình an nữa. Con đâm ra trách móc Chúa. Con tự mâu thuẫn và đấu tranh với bản thân mình một cách dữ dội. Một mặt thì yêu Ngài tha thiết, một mặt thì những chất vất cùa lý trí đè nặng… THời gian đó, có nhiều tuần liền, con chẳng đi Nhà thờ. Con cầu nguyện với Jesus rằng Lạy Cha, xin cho con thời gian, con biết rằng Cha đang buồn, nhưng hãy cứ chia gia tài cho con như đứa con hoang đàng vậy, vì con cần ra đi, ra đi để trở lại với tình yêu lớn hơn, rộng mở hơn với Ngài. Chẳng phải Cha cũng cần một tình yêu tự nguyện và chân thành sao. Nên lúc này, hãy để con ra đi…

    Khi tâm con bình an trở lại, con lại đâm ra thích tìm hiểu về đạo Phật. COn đọc và tập thiền tịnh..

    Cũng như một số bạn đã bình luận về sự mâu thuẫn trong chính các triết lý của tôn giáo, hay nói đúng hơn, đó chính là sự mâu thuẫn trong nhận thức tâm linh của mỗi người – thì con cũng vấp phải như vậy..

    Nhưng giờ đây, chú Hưng à.
    Con tìm thấy nét đẹp trong đạo Phật và tất cả nét đẹp ẩn mình khác. Tuy nhiên, lòng con bây giờ clear hơn bao giờ hết. Con chọn Jesus là Đường, là Sự Thật và Sự Sống của mình…

    Khi đọc lại Kinh Thánh, có 04 điều mà con cực kỳ lưu tâm như điều rất mới với con (con đi Nhà thờ và nghe Cha giảng từ nhỏ, nên đa phần các đoạn Kinh Thánh có biết rồi..).

    1.
    Ông Gioan nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” (Theo thánh MC)

    2.
    Ngài lại bồng những đứa trẻ ấy, đặt tay trên chúng nó mà chúc phước cho. 17 Ngài đang ra đi, có một người chạy lại, quì trước mặt Ngài, mà hỏi rằng: Thưa thầy nhân lành, tôi phải làm chi cho được hưởng sự sống đời đời? 18 Đức Chúa Jesus phán rằng: Sao ngươi gọi ta là nhân lành? Chỉ có một Đấng nhân lành, là Đức Chúa Trời. (Theo thánh Mc)

    –> Đọc tới đoạn này, lòng con chùng xuống. Jesus luôn hướng về Thiên Chúa Cha, không tự nhận mình… Mọi lời người nói như đã sẵn có một tâm ý vậy. Bởi vậy, Jesus mới nói rằng, Thầy đến để làm trung gian, làm con đường để các con đi đến với Chúa Cha..

    3. Con không nhớ rõ Tin mừng theo Thánh nào, nhưng đại ý Chúa Jesus phán “Con người thường say mê vinh quang của người đời hơn là vinh quang của Thiên Chúa..”

    –> Đọc tới đây, con như giác ngộ hẳn. Nếu người ta tin vào Thiên Chúa, thì chẳng cần xem video phân tích gì cả, chẳng cần bài lập luận gì cả, nhưng đôi khi nhìn một bông hoa thôi, nhìn mây và sao trên trời thôi… cũng đã thỏa lòng tin rồi.
    Điều này, cũng khi con tranh luận với bạn trai của mình, anh đã luôn băn khoăn ” Nếu một người nông dân tin vào Chúa mà không đọc, không xem những điều anh thấy đây thì sao họ thỏa mãn và biết chiêm ngắm kỳ công của Chúa được chứ, anh thực sự băn khoăn và tò mò về nét đẹp đức tin của họ…”

    Phải rồi, vì như Chúa có rằng “con người lòng chai dạ đá” quá chừng…

    4. Kinh Thánh Tân Ước trước hết cho ta thấy trường hợp anh mù từ khi mới sinh ra, Người Do Thái hỏi Chúa Giêsu xem có phải tại tội của anh hay tội của cha mẹ anh khiến anh phải mù mắt như vậy, Chúa đã trả lời như sau:

    “Không phải anh ta. Cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng việc đó đã xẩy ra để công việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.” ((Ga 9: 3)

    –> Điều này cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về sự đau khổ chúng ta đang gặp phải. Vì một số người vẫn quan điểm thật “lạnh tâm” rằng sự đau khổ người khác gặp phải là do nghiệp, do báo, là đáng đời… Không nên như vậy..

    Và cuối cùng, mặc dù là một người thuần Công giáo , nhưng chưa bao giờ con cực đoan về các tôn giáo khác. Vì với con, có duy nhất một Chân lý thôi. Giống như Mẹ Teresa Calcutta có nói, đại ý Có nhiều con đường, nhưng tôi chọn theo Chúa Jesus.

    Và một câu nói con rất hay đọc lại ” Lương tâm là cuốn sách tuyệt hảo về luân lý mà chúng ta sẵn có, đấy là cuốn sách cần tham khảo nhiều nhất – B.Pascal

    Lương tâm – luật của Chúa đặt sẵn trong mỗi người.

    Chúc chú Hưng và readers nhiều niềm vui và bình an.

    Đã thích bởi 2 người

    • Thân gửi Anna Đỗ,

      Một ý kiến rất CHÂN THÀNH, rất CẢM ĐỘNG. Thank you a lot! You are totally right when saying that the CONSCIENCE IS GOD’S LAW.
      Vâng, LƯƠNG TÂM TRONG CHÚNG TA CHÍNH LÀ MÁU VÀ XƯƠNG THỊT CHÚA Ở TRONG CHÚNG TA.
      PVHg

      Thích

    • Bổ sung ý kiến chia sẻ với Anna Đỗ,
      Nhà văn Nga-Kyrghizistan Chyngyz Aitmatov, tác giả của nhiều tiểu thuyết nổi tiếng, trong đó có “Một ngày dài hơn thế kỷ”,…
      Đã cải đạo từ Hồi giáo sang Thiên Chúa giáo.
      Khi được hỏi tại sao?
      Ông trả lời đại ý như sau (tôi đọc từ khi còn ở VN, nay tài liệu không có trong tay, nên chỉ còn nhớ ý):
      Vì ông cảm động trước Cái Chết vĩ đại của Jesus Christ. Cái Chết Đau Đớn và Khủng Khiếp. Cái Chết có một không hai trong lịch sử nhân loại. Cái chết vì chúng ta, vì chính bản thân Tôi. Ngài vì Tôi. Và tôi yêu Ngài. Tôi không tìm thấy sự hy sinh nào khác lớn lao như thế…

      Dường như Chúa đã mặc khải cho Anna Đỗ, nên chú thấy ý kiến của cháu thật XUẤT SẮC, THÔNG MINH, và rất CHÂN THẬT!
      PVHg

      Thích

  15. Bạn Anna Đỗ thân mến!
    Đọc comment của bạn trên trang nhà của chú Hưng tôi rất xúc động! Tôi xin chia sẻ với bạn về Đạo một chút. Tôi chỉ mới may mắn được vào Đạo cách đây 6 năm thôi, nhưng tôi nghĩ nếu không may mắn được vào Đạo thì cuộc đời tôi thật là hết sức vô ý nghĩa, đối với tôi đó là thiếu hụt lớn lao nhất trong cuộc đời này! Bởi vì, trước khi gặp được Chúa tôi thường rơi vào trạng thái buồn phiền, chán nản trong lòng, rất nhiều lần tôi có ý nghĩ về cuộc sống này đối với tôi thật là chán chường. Tôi không thể hiểu tại sao con người cứ suốt ngày phải lo cơm áo gạo tiền theo vòng xoáy của đồng tiền, khi mà mọi người xung quanh coi đồng tiền là giá trị của cuộc sống, tôi không cho đó là giá trị, nhưng tôi không biết làm cách nào để thoát ra nổi cuộc sống vô nghĩa ấy. Thế rồi, Chúa đã yêu thương và chọn lựa tôi, tôi may mắn được một người có Đạo tốt bụng giúp cho tôi vào Đạo, từ đó mỗi khi tôi buồn đau, gặp thử thách, khó khăn tôi đều chạy đến bên Chúa, bên Đức Mẹ, tôi có thể thoải mái tuôn trào nước mắt mà chia sẻ, cầu xin với Người, cả những lúc tôi vui sướng, hạnh phúc trong cuộc đời, tôi cũng có thể chạy đến bên Người để Tạ ơn! Từ khi gặp Chúa tôi đã hiểu tôi cần phải sống và đối xử với mọi người bằng tình yêu thương, bằng sự khiêm tốn. Từ nay tôi không còn cảm thấy cô đơn nữa bởi vì tôi biết có Chúa luôn dõi theo tôi từng bước chân tôi đi, Chúa nâng đỡ dẫn dắt tâm hồn tôi!
    Bạn may mắn hơn tôi là sinh ra trong một gia đình Đạo gốc, nhưng vì học Đại Học khiến bạn có thời gian bị khủng hoảng niềm tin và xa rời Chúa, tôi hoàn toàn thông cảm với bạn. Trong cuộc đời, có lúc không chỉ bạn mà nhiều người khác cũng bị mất niềm tin vào Chúa. Bạn thì bị những thứ lý thuyết này nọ làm lung lay. Nhiều người khác thì rơi vào tình trạng đau khổ, thử thách một thời gian dài, họ cũng bị mất niềm tin vào Chúa. Nhưng tôi luôn luôn tin tưởng rằng nếu ai tỉnh ngộ để quay về với Chúa, thì nhất định Chúa sẽ hết long giúp đỡ, vì Kinh Thánh nói Chúa quan tâm tới con chiên lạc hơn những con chiên trong đàn, và “Điều gì con người không làm được, với Chúa thì mọi điều đều sẽ làm được”.
    Chúc bạn luôn được may mắn, bình an, sống trong vòng tay yêu thương của Chúa!
    Cảm ơn trang mạng của chú Hưng đã có những bài viết và comment sâu sắc, đặc biệt có nhiều ý nghĩa về tâm linh, thức tỉnh, lay động tâm hồn con người hướng về Đạo nói chung và nhất là Đạo của Chúa. .

    Đã thích bởi 1 người

  16. Cảm ơn chú Hưng và bạn Hữu Ái rất nhiều.

    Cũng tiện đây, con xin được gửi thêm 02 điều:

    1. Thực ra con nghĩ, có rất nhiều tôn giáo khác nhau, nhiều triết lý thiện lành khác nhau. Nhưng theo con, thực lòng mà nói, chỉ với con đường của Chúa Jesus là con đường tối ưu nhất, hoàn hảo nhất (con không kiếm ra từ ngữ nào diễn tả hết được) và Kinh Thánh là nơi có thể thỏa mãn được mọi câu hỏi và tìm tòi của chúng ta về tất cả đời sống tinh thần cũng như vật chất trong vũ trụ này. Bạn có thể follow ai đó, theo con đường (thiện lành) nào đó – tùy bạn. Nhưng quy về Jesus và Kinh Thánh sẽ thỏa mãn bạn tất cả…

    Và theo con, Jesus và Kinh Thánh là nghiệm (x) duy nhất, tối ưu nhất cho hàm số (f) đời sống (gồm nhiều biến) của con người dưới vòm vũ trụ này.

    2. Con xin chia sẽ một đoạn văn con viết với đầy nước mắt – như một lời cầu nguyện của con dâng lên Jesus trong giờ phút con thấy hụt hẫng nhất..
    Trong đoạn này, con xưng đại từ “anh” (chỉ là ngôn từ thôi) để hợp lòng với người Cha hơn…Xin chia sẽ cùng.

    Anh trở về căn phòng. Anh ôm mặt khóc nức nở trong vòng tay của Cha mình như một đứa trẻ.

    Đã không một ai tận tụy với anh như Cha. Anh nhìn sâu vào đôi mắt ấy, đôi mắt của ông vẫn bình thản đầy trìu mến, cứ như đã sẵn như vậy để chờ anh có thể trở về bất cứ lúc nào, khịu ngã trước ông và chỉ để khóc..

    Anh khóc vì anh thương hại cho anh, gần nửa phần đời trôi qua đi vẫn không tìm thấy được con đường của chính mình. Bất giác, anh chợt nhận ra rằng, anh đang không khóc cho nỗi đau thắt lòng trong anh như lúc nảy nữa, mà là khóc cho ông – một người Cha mà chỉ đến khi trái tim anh vỡ vụn bởi những kẻ khác, anh mới nhận thấy rằng anh có ông trong nỗi đau ấy..

    Anh vội thốt lên, Cha ơi, Cha đã đau lắm phải không? Cha đừng khóc nữa. Chao ôi, nỗi đau mà con đang mang đây nào có đáng giá chi với nỗi đau của Cha. Những giọt nước mắt và lời an ủi của con nào đủ tư cách để xoa dịu một hạt cát trong sa mạc của sự cô độc và đau đớn đến tận cùng mà Cha đã chịu?

    Và anh ngất đi trong sự im lặng..

    ..

    – From “Những chìm khuất”

    Đã thích bởi 1 người

    • Chia sẻ với Anna Đỗ,
      1/ Phần thưởng vô giá của đau khổ là sự mặc khải của Chúa. Mọi trí khôn không được mặc khải đều chỉ là sự tinh ranh. Có những người rất tinh ranh nhưng không hiểu biết gì cả. “Phúc cho ai sầu khổ, vì sẽ được ủi an” (Mat 5:4)
      2/ Ý tưởng so sánh Chúa như nghiệm duy nhất tối ưu của hàm số cuộc đời nhiều biến là một ý tưởng lạ lùng chưa từng có, nhưng rất thú vị. Chưa có giáo sư toán học nào, chưa có nhà văn nào, chưa có một linh mục nào có ý tưởng như thế. Đây là một đặc trưng rất Anna Đỗ.
      3/ Phúc cho ai có Chúa ở trong lòng (Louis Pasteur).
      Thank you Anna Đỗ
      PVHg

      Thích

      • Gửi chú Hưng,

        Trong phần comment trên, Anna có diễn giải một ý niệm của Mẹ Teresa về các tôn giáo khác.

        “..Giống như Mẹ Teresa Calcutta có nói, đại ý Có nhiều con đường, nhưng tôi chọn theo Chúa Jesus…”

        Cháu có dùng từ “con đường” – cháu nghĩ đây là một từ khá “nhạy cảm”. Và ý diễn giải của cháu cũng chưa thực sự sát nghĩa với câu từ của Mother Teresa. (Mặc dầu, đó chỉ là do cách tiếp cận ý niệm một cách “cởi mở” của riêng cháu).

        Nay, cháu thấy có trách nhiệm phản hồi lại điều này và gửi đến chú đoạn thoại có ý trên của Mẹ.


        Time: What do you think of Hinduism?

        Mother Teresa: I love all religions, but I am in love with my own. No discussion. That’s what we have to prove to them. Seeing what I do, they realize that I am in love with Jesus.

        http://www.servelec.net/mothertheresa.htm

        Cảm ơn chú Hưng,

        Đã thích bởi 1 người

      • Dear Anna,
        Lời Mẹ Theresa Calcutta có thể xem như một câu trả lời mẫu mực về tôn giáo. Ý kiến của Anna cũng rất thông minh. Chú và có lẽ mọi người khác không hiểu sai ý của cháu khi sử dụng chữ “đường” trong trường hợp này. Ý kiến anh Hoàng Lâm cũng đúng, nhưng thường có sự nhấn rất mạnh đến tiêu chí của Đức tin, thí dụ anh ấy rất mến anh chàng Pi trong “Cuộc đời của Pi”, nhưng muốn Pi phải có một cam kết dứt khoát với Thượng đế về lựa chọn của mình. Mẹ Theresa, và cháu, và chú,… đều có tình cảm giống Pi, nhưng đều có cam kết dứt khoát với Thượng đế. We are the same, and we are one. PVHg

        Thích

  17. Chào chú Phạm Việt Hưng
    Thật là xúc động khi trên con đường tìm về với bản ngã cháu có cơ duyên đọc được cuốn “Hành trình về phương Đông” và bài viết này của chú. Không hiểu sao cháu rất thích văn phong của dịch giả, cháu càng đọc càng thấy lôi cuốn, và càng sáng tỏ những câu hỏi về cuộc đời mà cháu đi tìm. Khi trầm mình với những biến cố, đau khổ hơn thua lừa lọc ở đời cháu đã nghĩ khoa học hay thuốc men và những tiến bộ của con người sẽ giúp người ta sống khỏe mạnh hơn. Nhưng càng hướng ngoại mà cầu cháu càng chẳng thấy gì, cho đến khi cháu có được cơ duyên đi trên đường Đạo. Cháu đọc cuốn “Chuyển pháp luân” lần đầu tiên cháu thấy hạnh phúc vì giữa xã hội vô thần vô cảm này vẫn còn những con người hy sinh cả cuộc đời để tìm chân lý, mang Chân Thiện Nhẫn cứu khổ con người. Đến khi tiếp xúc với cuốn “Hành trình về phương Đông” thì mọi thứ càng sáng tỏ bởi vì vũ trụ này có chung 1 ngôn ngữ và các bậc Giác giả, Hiền giả đều muốn con người hướng đến Chân Thiện Mỹ, tìm về với nội tâm sống thánh thiện biết ơn thì với đức tin đó bất kể phương pháp nào Yoga hay Thiền …bất kể tôn giáo nào con người cũng sẽ hòa hợp với vũ trụ và cũng sẽ giải thoát khỏi mê lầm.
    Vài lời chia sẻ cảm nghĩ của cháu, và thật vui khi ở đây gặp được những tâm hồn thánh thiện giàu cảm xúc. Cháu hy vọng sẽ còn nhiều điều thú vị về tâm linh để mọi người cùng nhau bàn luận.

    Thích

  18. bác Phạm Việt Hưng đã đưa cháu đến với cuốn sách này, cháu vừa đọc xong chương cuối của cuốn sách, cháu không còn gì để nói nữa vì bài viết của bác đã nói hết tâm trạng của cháu lúc này rồi, cháu đọc mà người cháu cứ run lên theo từng trang sách, quá xúc động! Cảm tưởng cứ như mình đã tìm thấy chân lý rồi ấy (mặc dù còn lâu mới thấy)! Ngàn lần cảm ơn bác!

    Thích

  19. Chào bác cháu chưa đọc cuốn sách này bằng giấy cháu chỉ mới nghe qua Youtube cháu có điều thắc mắc là không biết cuốn gốc có kể về hành trình của 3 vị thành viên trong đoàn khảo sát sau khi từ bỏ tất cả theo học đạo không ạ vì trên Youtube chỉ kể đến lúc mọi người từ bỏ tất cả cuộc hành trình về phương đông bắt đầu

    Thích

    • Chào bạn Nhan nguyen. Mình xin mạn phép được trả lời câu hỏi của bạn. Cuốn sách gốc có tên là “Life and Teaching of the Masters of the Far East”, được Nguyễn Hữu Kiệt dịch với tên gọi “Hành trình về Phương Đông”. Cuốn này rất dày, mình đang có, đọc thấy rất khó hiểu và rối, không dễ tiếp nhận như bản phóng tác của Nguyên Phong đâu, hầu hết các độc giả người Việt đều có ý kiến giống mình như vậy. Nếu bạn muốn đọc mình tặng luôn. Cuốn gốc có sự khác biệt về ngày tháng các thành viên so với cuốn của tác giả. Nhiều độc giả đã khám phá ra rằng không có một cuốn nào viết đúng sự thật về những nhân vật kia cả (thậm chí có những vị chưa từng gặp nhau), chỉ là mượn tên những nhân vật có thật rồi phóng tác thêm thôi. Phiên bản phóng tác của Nguyên Phong thật ra không phải là “hồi ký” như NXB ban đầu gán cho cái mác như vậy, nhưng thôi, dù sao đó cũng là một tác phẩm rất hay, giúp nhiều người từ bỏ tư tưởng vô thần để bắt đầu hướng về con đường Đạo, và con đường Đạo này còn phải tiếp tục dài dài…
      Riêng mình đã đọc đi đọc lại bản của Nguyên Phong rất nhiều lần, mình đã nhận ra một sai lầm rất lớn của tác giả: ông cho rằng tất cả các tôn giáo đều là các con đường chân lý khác nhau đưa con người về một đích. Mình đã tìm hiểu nhiều tôn giáo và nhận thấy điều này rất vô lý, nếu đức tin cơ bản của các tôn giáo phủ nhận lẫn nhau quyết liệt thì làm sao tất cả đều đúng được ? Ví dụ như Phật Giáo kinh điển phủ nhận bản ngã, linh hồn, phủ nhận Thương Đế, nhưng Cơ Đốc Giáo thì lại tin cả, vậy thì ắt phải có bên sai chứ không thể cả hai đều đúng được. Đó chỉ là một ví dụ cơ bản thôi, còn hàng ngàn những sự khác biệt khác nữa, chưa kể những tôn giáo xứng đáng được gọi là “tà giáo” như đạo Hindu thờ bò, đạo thờ rác ở An Giang, đạo giết người tế thần của những dân tộc hạ đẳng thời xưa… Nếu có thắc mắc gì thêm, bạn có thể trao đổi với mình qua email: haidangprof@gmail.com

      Đã thích bởi 2 người

      • Thế giới được tạo thành và vận hành bởi bí mật mà như Einstein từng thốt ra là”thượng đế tạo ra thế giới và việc của ngài là làm nó phức tạp lên mà”
        Không ai gải thích cho ta hết mà phải tự tìm hiểu thôi “gõ cửa cửa sẽ mở” right!

        Đã thích bởi 1 người

  20. Hành trình về phương Đông là một tác phẩm do tác giả Nguyên Phong hư cấu (fictional)?
    ————————————————————————-
    Hành trình về phương Đông (HTVPD) là một quyển sách nổi tiếng trong tủ sách Huyền bí học ở Việt Nam và cũng thường được bao gồm luôn trong tủ sách Phật giáo vì những lý luận xúc tích và dễ hiểu theo Ấn Độ giáo rất gần với giáo lý Phật giáo.

    Cuốn Hành trình về phương Đông lâu nay lưu hành với tên tác giả Baird T Spalding, dịch thuật: Nguyên Phong bị trang bairdtspalding.org phân tích và nhận định chỉ là một phóng tác. Và đây là những căn cứ:

    Tác giả của bài viết cho rằng Spalding không hề đến Ấn Độ vào năm 1894 như đã đề cập trong cuốn Life and teaching. Cho nên theo logic thì tất cả những sách dựa trên sự kiện này đều là hư cấu.

    Không có chứng cứ nào chứng minh Spalding có viết cuốn Journey to the East xuất bản ở Ấn Độ. Bốn tập của bộ Life and teaching là tất cả những sách do Spalding xuất bản trước khi ông mất năm 1953. Tập 1 được xuất bản như một chuỗi bài báo lần đầu tiên năm 1922 ở San Francisco và sau đó tái bản thành sách năm 1924 do California Press.

    Do HTVPD không ghi niên biểu cụ thể nên có thể giả thiết rằng cuộc lữ hành này là vào năm 1894 như ghi trong Life and teaching. Spalding sinh năm 1872, tức là khi thực hiện chuyến du khảo, ông chỉ mới 21 tuổi, một độ tuổi quá trẻ cho chức danh Giáo sư và là người trưởng đoàn uy tín.

    Trong lời giới thiệu đề cập Spalding sinh năm 1857 và sinh ở Anh, đây được cho là một câu chuyện lan truyền do Spalding và nhà xuất bản DeVorss đưa ra khi xuất bản sách năm 1935. Các chứng cứ đều chứng minh Spalding sinh năm 1872 tại New York. Nhưng điều này chắc là Nguyên Phong ở thời điểm 1975 chưa biết đến.

    Trong tập sách đề cập đến giáo sư Walter Evans-Wentz thuộc đại học Stanford cùng đi chung đoàn (Chương 9: Cõi vô hình), ông sinh năm 1878 tại New Jersey, tốt nghiệp cấp 2 năm 1892. Ông làm ký giả trước khi gia nhập Stanford năm 1901. Và chuyến đi Ấn Độ sớm nhất của ông được ghi nhận là 1910, không có chứng cứ nào chứng minh ông tham gia chuyến đi của Spalding.

    Và một dẫn chứng khác, đó là trong Chương 1, tuyên ngôn “Thượng đế đã chết” (God is Dead) là tựa một bài báo trên tạp chí Time xuất bản tháng 4 năm 1966, tức là sau khi Spalding mất 13 năm. Dĩ nhiên là không thể xuất hiện trong bất cứ cuốn sách nào của Spalding viết năm 1922 hay trước khi ông mất 1953.

    Thích

  21. Đây là bài viết trên trang http://www.bairdtspalding.org/  chỉ ra những hư cấu trong cuốn Hành trình về phương đông
    Hanh trinh ve phuong dong – a vietnamese prelude to spalding’s life and teachings? (Published by todd on September 15th, 2009 in General)
    A recent comment on the blog by commenter Jean Luc highlighted that there is a Vietnamese book that claims to be a previously unknown prelude to Spalding’s Life and Teaching of the Masters of the Far East.
    Hanh Trinh Ve Phuong Dong is listed in Google Books, and can be found in libraries via Worldcat.  Jean Luc reports it was translated in Vietnamese in 1975 from a 1924 Indian book titled Journey to the East. The first publication date shown online is 1987, with Spalding listed as author and Nguyên Phong as the translator into Vietnamese. According to Google Books, Nguyên Phong has translated similar books in the mystic and occult genre, including works by Lobsang Rampa, Myodo Satomi and Mika Waltari.
    Most of this book is available online, and despite the imperfect translation of Google Translate it is quite fascinating. All of the facts point to this book being a derivative fictional work written by Phong, rather than a translation of Spalding.
    As visitors to this blog may have guessed, the key item that indicates this is a work of fiction is that my research has established beyond a doubt that Spalding never visited India in 1894 as he claimed in Life and Teaching. I’ll be publishing more on this topic later, including evidence which shows where Spalding spent most of the 1890’s. Logic would suggest that any prelude or sequel to the fictional 1894 visit is also fictional.
    There are no references to Spalding ever having written a book titled Journey to the East published in India. The four volumes of Life and Teaching were Spalding’s only books published prior to his death in 1953.  Life and Teaching volume one was first published in San Francisco in serial form in 1922, then as a book in 1924 by the California Press.
    The translation of Hanh Trinh Ve Phuong Dong contains no mention of dates on which this journey occurred. As a reasonably detailed timeline exists for Spalding’s life from 1898 onwards, as Jean Luc suggested and the text hints, we must assume that Hanh Trinh Ve Phuong Dong took place prior to the 1894 India mission described in Life and Teaching. Given that Spalding was born in 1872, he would have been barely 21 years old at best. It is unlikely a 21 year old would be a University professor leading a mission to India.
    Hanh Trinh Ve Phuong Dong states that Spalding was born in 1857 in England, and indicates that the mission to India departed from England. As outlined in previous posts on Spalding’s biography, this was simply a story propagated by Spalding and DeVorss, and not factual. Spalding was born in 1872 in upstate New York, but an author working in 1975 is unlikely to have known this fact, and would have assumed the 1857 date was correct.
    Hanh Trinh Ve Phuong Dong mentions many universities and professors. There are many similar claims in promotional material surrounding Spalding but these are simply not accurate. Spalding was not a professor or a doctor and according to University registrars there is no record of Spalding studying at Cornell, Stanford or Berkeley. Regardless, granting a 21 year old Spalding the title of Professor is clearly a literary invention. If there had been a mission to India funded by these universities as described in Hanh Trinh Ve Phuong Dong, records of it would still exist today.
    There are a number of errors and anachronisms in Hanh Trinh Ve Phuong Dong which confirm that it is fictional. The most obvious error is that at least two of the people mentioned in the text either could not have accompanied Spalding on this trip, or were not alive at the time indicated.
    Paul Brunton, author of A Search in Secret India, is mentioned in the book. Brunton did travel to India, but not with Spalding, and he dismissed Spalding in his notebooks which are widely available today. Most importantly, Brunton was born in 1898, and did not meet Spalding until early 1936 during Spalding’s India tour.
    Another person that appears repeatedly in Hanh Trinh Ve Phuong Dong is Professor Walter Evans-Wentz, a Stanford professor world famous for his expertise on Buddhism. According to his biography, Evans-Wentz was born in 1878 in New Jersey, and completed elementary school in June, 1892. He worked as a journalist before enrolling at Stanford in 1901. The earliest record of Evans-Wentz visiting India is 1910. Evans-Wentz’s papers are available at Oxford, Stanford and there is a published biography  (Pilgrim of the clear light, by Ken Winkler). There are no references to Spalding in Evans-Wentz’s biography at Google Books and no record of the claimed trip described in Hanh Trinh Ve Phuong Dong.
    Finally, Chapter 1 of Hanh Trinh Ve Phuong Dong makes reference to an infamous Time magazine cover proclaiming God is Dead, which was published in April 1966. This would be impossible for a book written in 1924, or indeed any book written by Spalding, who died in 1953.
    The 1970’s was a time of broad excitement in the New Age and a renewal of interest in Baird T Spalding. Several other mystics claimed a connection with Spalding around this time, and many of their claims have since proven to be inspired more by the desire for publicity rather than accuracy. Since Hanh Trinh Ve Phuong Dong was published in Vietnamese only, it probably flew under the radar of Spalding’s publisher DeVorss & Co. A long article in a Vietnamese online forum gives some background to the book, and claims that Nguyên Phong is the alias of a Boeing software engineer who wrote the book after emigrating from Vietnam to the US. It would be interesting to find out from Nguyên Phong what inspired him to write this book and expand on the Spalding mythos.
    ============================================================

    Xem những trao đổi, phản biện về tác phẩm HTVPD tại đây:
    http://www.bairdtspalding.org/2009/09/hanh-trinh-ve-phuong-dong-a-vietnamese-prelude-to-spaldings-life-and-teachings/

    Thích

  22. Xin chào anh Hưng và các bạn. Thật cảm đông khi đọc những dòng tâm huyết của các bạn trong hành trình về phương đông.
    Xin chia sẻ với tác giả và các bạn những thao thức tìm kiếm Chân lý trong thực hành.
    Với các bạn Công giáo. Xin mời các bạn đọc thêm sách cua cha Anthony de Mello. Cuốn Tiếp xúc với Thiên Chúa…. SADHANA một nẻo đường dẫn tới Thiên Chúa… Tin mừng ( như đã mặc khải cho tôi ) cuôn1… hoặc thay thế bằng Bản tình ca Thiên Chúa làm người cuốn 1….tuwf đây Thần khí sẽ dẫn dắt các bạn khám phá thêm khi đối chiếu với Thánh kinh.
    Luật dòng Chúa Cứu Thế bắt buộc mọi tu sĩ phải dành ít nhất 1 giờ để suy gẫm về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Rất hay nen tôi đã theo bằng cách lân hạt 5 sự thương kèm với suy niệm về cuộc thương khó cua Đức Giêsu Kito. Trên thập giá.. câu thứ 3 Chúa Giêsu đã trao toàn thể chúng ta để Mẹ Maria dậy dỗ và yêu thương với ngắm thứ 3 mùa thương theo gương Đức Mẹ tập chấp nhận mọi sự sỉ nhục từ trong gia đình đến xã hội khi thực thi câu nói của Chúa Giêsu… các con hãy bỏ hết mọi sự vác thánh giá mà theo ta. Trong đây quan trọng là từ bỏ bản ngã… và yêu thương kẻ thù… không yêu thương được thì phải không có ý riêng… nghĩa là xét đoán… phê bình.. và thù ghét…
    Kinh Mân côi rất diệu kỳ bằng phương pháp thê này. Các bạn tâp chia cái đầu của mình làm 2 phần. 1 phần miệng đọc kinh kính mừng để lần chuỗi. 1 phần các bạn suy gẫm về mầu nhiệm đang đoc.
    Dĩ nhiên đòi hỏi các bạn ngoài sự khát khao đi tìm Chân lý các bạn phải hội được những căn bản cần thiết trong Tân Ước.
    Phần này cũng dễ giải quyết. Hàng ngày các bạn vào trang suyniemloichua. Trong tgpsaigon và hdgmvietnam hay dongten.net chỉ cần vài phút 1 ngày với Lời Chúa và suy niệm hàng ngày của lm dòng Tên VN Nguyễn cao Siêu. Các bạn sẽ được Thần khí dẫn dắt….
    Căn bản là từ Kinh Mân Côi và suy gẫm vê Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Theo thời gian các bạn sẽ có thể bán hết những điều mình đang có để mua cho bằng đươc viên ngọc quí là Nước Trời. Khi này… bạn sẽ được cho thêm tràn đầy và thêm mãi…khoong sợ bị lấy đi những gì mình đang có..
    Nguyên xin Tình Yêu và Thần Khí soi sáng và đãn dắt chúng ta được vuwngx vàng và can đảm đi trên đường lối của Chúa….
    Với các bạn Phật tử vá ngay cả các bạn Công giáo muôn tìm hiểu về Thiền.
    Xin mời tất cả chúng ta bỏ qua 1 bên những thành kiến và định kiến trên mọi sư để bước vào học hỏi và nhận ra nguyên lý Thiền.
    Mời các bạn vào trang thuvienhoasen. Một rừng sách không giữ bản quyền và tự do trích lục. Thiền trong cuộc sống hiện đại mời các bạn đọc những sách của Thầy Nhất Hạnh.
    Để đi sâu vào nguồn Thiền. Mời các bạn đọc Kinh Pháp Bảo Đàn của Lục tổ Huệ Năng..tieeps theo là Kinh Bát nhã trực giải…Kinh Kim Cang…kinh Viên Giác… nếu khó tiếp thu mời các bạn đọc Lục tặc lục thông… Am mây ngủ… Tuệ trung thượng sĩ ngữ lục… Hương Hải thiền sư… rồi đọc trở lại bản kinh. Xin nói với các bạn là không thể đọc 1 lần là hội được ý kinh.
    Vì đã có câu : Thánh nhân vì ý mà truyền lời, kẻ hậu học vì lời mà quên ý
    Những gì trải nghiêm đã trình bày với tất cả các bạn. Mọi khó khăn sẽ không còn nếu thật sự con tim chúng ta khát khao Chân Lý và phải bền đỗ đến cùng trong sự tỉnh thức… mà cầu nguyện… kẻo sa chước cám dỗ (đường tà).
    Nguyện xin Ân sủng và Tình Yêu xuống tràn đấy cho tất cả chúng ta và dẫn dát chúng ta đến Suối nguồn Yêu thương và Chân lý.

    Thích

  23. Tôi chưa đọc “Hành trình về Phương đông” nên không có nhận xét riêng về cuốn sách này. Nhưng từ sự nghi ngờ về cuốn sách khác cũng của Nguyên Phong (tôi sẽ nói ở dưới) nên tôi đã tìm được trang http://www.bairdtspalding.org/. Đọc bài viết và một số comment ở trang trên, tôi đồng ý và chia sẻ với comment của “nguoiphattucanbiet” trong trang này.

    Chắc nhiều người đã đọc cuốn “Dấu chân trên cát (DCTC), được xuất bản cả ở Việt Nam và nước ngoài, cả dưới dạng sách in lẫn sách nói. Phần lớn đều ghi Nguyên Phong phóng tác từ “The Egyptian” của Mika Waltari, trừ sách do NXB Hồng Đức xuất bản năm 2016 ghi “dịch giả Nguyên Phong” (https://www.sachkhaitam.com/tu-sach-1/nguyen-phong/dau-chan-tren-cat).

    “The Egyptian” là bản tiếng Anh của Naomi Walford, dịch từ tiểu thuyết bằng tiếng Phần Lan “Sinuhe-Egyptiläinen” của Mika Waltari. Song trong DCTC, Nguyên Phong không đưa tên dịch giả tiếng Anh. Điều đáng nói hơn là trong lời nói đầu của DCTC, Nguyên Phong giới thiệu về tác giả Mika Waltari một cách hết sức sơ lược và không chính xác.

    Nguyên Phong viết rất sai rằng: “Mika Waltari (1908-1979) là một nhà soạn kịch nổi tiếng, đã viết hơn tám mươi kịch bản cho sân khấu kịch nghệ Broadway.” Và “Cho đến nay, dù đã soạn hơn tám mươi vở kịch nổi tiếng nhưng The Egyptian vẫn là cuốn tiểu thuyết đầu tay và duy nhất của ông” Trong khi đó Mika Waltari là một trong số những nhà văn nổi tiếng nhất trên thế giới của Phần Lan, đã sáng tác rất nhiều thể loại khác nhau từ tiểu thuyết (22 tác phẩm), truyện vừa (15), kịch (26 vở), thơ (6 tập), truyện ngắn (4 tuyển tập), đến truyện trinh thám (7 tập)!

    Về sự ra đời của “The Egyptian” Nguyên Phong viết như thật rằng: “Trong chuyến du lịch Hy Lạp, ông nghe kể về Sinuhe, một giai thoại phổ thông vẫn được lưu truyền trong dân gian xứ này. Ông đã tìm hiểu, tiếp xúc với các bô lão để ghi chép, thâu tập chi tiết về nhân vật lạ lùng này rồi thêm vào đó một vài tình tiết với ý định sẽ dựng một vở kịch lớn nhưng nửa chừng, ông bỏ ý định và soạn thành cuốn tiểu thuyết “The Egyptian”. Trong khi đó trên thực tế Mika Waltari viết “Sinuhe-Egyptiläinen” khi chưa hề đến Hy Lạp hay Ai Cập. Ông chỉ dựa vào những tư liệu sưu tầm được trong tủ sách của gia đình và từ các thư viện ở Phần Lan.

    Khi được biết Nguyên Phong là bút danh của một nhà khoa học nổi tiếng, được rất nhiều bài viết ngợi ca, tôi không thể hiểu được vì sao ông lại làm việc một cách dễ dãi (thiếu khoa học) như vậy với DCTC? Phải chăng ông nghĩ văn chương không cần sự chính xác, trung thực?

    Về nội dung, ông đã lược bỏ nhiều chi tiết trong “The Egyptian” và thêm vào nhiều điều do ông nghĩ ra hoặc lấy từ bộ phim cùng tên do Michael Curtiz đạo diễn, 20th Century Fox sản xuất năm 1954 và phóng tác nên DCTC, vì tôi không nghĩ ông phóng tác dựa trên bản gốc tiếng Phần Lan. Liệu làm như vậy, ông có nghĩ đến vấn đề bản quyền không?

    Từ cách làm của cuốn DCTC, tôi nghi ngờ điều ông kể về sự “kỳ lạ” khi bắt gặp cuốn “Journey to the East” trong thư viện ở Mỹ và sự tồn tại của cuốn sách này.

    Thích

  24. Chú ơi chú có biết phần tiếp theo có tựa gì không ạ? Phần kết lại là một câu bắt đầu hành trình về phương đông làm con hoang mang quá!

    Thích

  25. Hanh Trinh Ve Phuong Dong – A Vietnamese prelude to Spalding’s Life and Teachings? “there is a Vietnamese book that claims to be a previously unknown prelude to Spalding’s Life and Teaching of the Masters of the Far East [… purportedly] translated in[to] Vietnamese in 1975 from a 1924 Indian book titled Journey to the East. The first publication date shown online is 1987, with Spalding listed as author and Nguyên Phong as the translator into Vietnamese. According to Google Books, Nguyên Phong has translated similar books in the mystic and occult genre, including works by Lobsang Rampa, Myodo Satomi and Mika Waltari. Most of this book is available online, and despite the imperfect translation of Google Translate it is quite fascinating. All of the facts point to this book being a derivative fictional work written by Phong, rather than a translation of Spalding.”

    Thích

  26. Giáo sư John Vũ đã làm cho sự việc trở nên lầm lẫn bởi tài năng của ông. “Journey to the East” là dịch từ bản tiếng Việt “Hành trình về phương đông” mà ông chỉ mượn tác giả nguời Anh để lấy uy tín cho câu chuyện của ông có phần thuyết phục.
    Bản Hành Trình Về Phương Đông in trước giải phóng không thấy Jesus Christ nhiều như bản dịch Journey to the East dịch sang tiếng Việt. Quả là một sự tréo ngoe. Dịch từ Việt sang Anh rồi lại lôi bản dịch tiếng Anh dịch lại sang Việt. Đưa thêm Chúa Jesus vào.
    https://laodong.vn/van-hoa/bi-an-dang-sau-hai-cuon-hanh-trinh-ve-phuong-dong-377636.bld

    Thích

  27. Thưa chú Phạm Việt Hưng. Cháu là người theo Thiên Chúa giáo từ thuở mới lọt lòng.
    Hiện trong mắt người khác cháu chỉ là một người thất bại trong có vẻ tích cực (vì cháu không có gì trong tay).

    Cháu chỉ muốn nói, cháu rất cảm kích vì chú đã giải mã ít nhiều những việc mà cháu còn mù mờ chưa thể tìm ra câu trả lời.

    Trước khi đọc (đúng hơn là nghe sách nói – tình cờ thôi) cuốn Hành Trình Về Phương Đông, cháu luôn có ý nghĩ (mà xuất hiện và ám ảnh cháu rất nhiều lần) là con người phải có ý nghĩa gì đó trong thế giới này. Và vì luôn tin vào Chúa, cháu cũng tin luôn là có những thế giới khác tồn tại, có những loại vật chất khác nhau tồn tại. Cháu rất thích khoa học tâm linh và luôn muốn tìm hiểu về nó, vì cháu – từ lâu rồi- đã rất muốn tìm về ý nghĩa cuộc sống, về chân ngã của con người mình.

    Khi đọc cuốn sách này, cháu biết cháu đã đi đúng hướng. Vì đã từ rất lâu, cháu cứ suy nghĩ mãi, thực sự thì sau kiếp sống này, con người sẽ đi về đâu. Có thật là sẽ được đưa đến Thiên Đàng (một nơi nào đó tuyệt vời cùng với Chúa) hay bị đẩy xuống Hỏa Ngục (nơi lửa thiêu đốt ngày đêm cùng bọn quỷ sứ tra tấn con người). Và sau khi biết đến cuốn sách này, cháu đã được giải đáp.

    Cháu cũng đọc cả kinh thánh và tìm hiểu những triết lý tâm linh khác ( tư chất cháu ngu dốt và không hiểu được nhiều), nhưng khi so sánh cuốn này và kinh thánh, cháu tìm thấy những điều mà cháu tin tưởng (Cháu luôn tin Chúa Jesus là người Cha, người Thầy, người Anh Cả và là người Bạn của cháu).

    Cháu thực sự mừng vui vì điều cháu tìm thấy.
    Cháu vẫn cố gắng để có thể trở về chân ngã của mình. Cháu cố gắng tu thân (có thể chưa tốt lắm) và tu tính (cháu đang hoàn thiện từng ngày).

    Cháu rất nghèo cũng vì cháu cố gắng bám theo lý tưởng của cháu, lý tưởng về Chân Thiện Mỹ (dù cháu biết có đi thêm vài chục năm nữa, có lẽ cháu cũng chưa chạm vào được đủ một ngón tay). Nhiều lần cháu nghĩ bỏ cuộc, nhưng rồi lúc đó lại là khi cháu tình cờ tìm được cuốn sách. Chú có thể tưởng tượng được nỗi vui mừng khi được cứu vớt.

    Giờ cháu vẫn vậy, vẫn nghèo và vẫn theo lý tưởng của mình, chỉ khác là, đức tin của cháu lại càng thêm phần vững chắc.

    Khi biết chú cũng tâm đắc về cuốn sách này, cháu thật mong được bắt tay chú và cũng chia sẻ với chú.
    Có lẽ một thời điểm nào đó, cháu sẽ khởi hành đi tìm chân ngã của mình, ở tại đây hoặc dãy Tuyết Sơn chẳng hạn, cháu mong là cháu có đủ can đảm và đức tin.

    Thân chào chú.

    Thích

  28. Chào chú Hưng, cháu rất thích các bài viết của chú. Nhưng cháu không có đức tin vào tôn giáo như chú. Cháu chỉ muốn giới thiệu với chú về Sadhguru, một yogi và nhà huyền bí đến từ Ấn Độ. Ông ấy sắp xuất bản cuốn sách về Karma vào cuối tháng 4 này. Hy vọng chú sẽ có duyên tiếp cận một khái niệm tâm linh mới 🙏😊

    Thích

Bình luận về bài viết này