Gödel’s Proof of God’s Existence / Gödel chứng minh sự hiện hữu của Chúa

The Creation of Adam

Abstract: In a lecture on Godel’s Incompleteness Theorem at The University of Sydney, professor Mark Colyvan described Kurt Gödel as “the world’s most incredible mind”. Perhaps, anyone would immediately agree with Mark if knowing the last work of Gödel: a proof of God’s existence! Gödel himself declared: “There is a scientific (exact) philosophy and theology, which deals with concepts of the highest abstractness; and this is also most highly fruitful for science”. Gödel’s Proof of God’s Existence is the very prototype for this kind of philosophy and theology.
Tóm tắt: Trong một bài giảng về Định lý Bất toàn của Gödel tại Đại học Sydney, giáo sư Mark Colyvan mô tả Kurt Gödel như “một trí tuệ lạ thường nhất thế giới”. Có lẽ ai cũng lập tức đồng ý với Mark nếu biết công trình cuối cùng của Gödel: một chứng minh về sự hiện hữu của Chúa! Bản thân Gödel tuyên bố: “Có một triết học và thần học mang tính khoa học chính xác để giải quyết những vấn đề liên quan đến các khái niệm trừu tượng cao cấp nhất; và triết học và thần học ấy cũng mang lại hiệu quả cao nhất đối với khoa học”. Chứng minh của Gödel về sự hiện hữu của Chúa chính là hình mẫu đầu tiên cho loại triết học và thần học này.

TỰ ĐỘNG HÓA CHỨNG MINH CỦA GÖDEL

VỀ SỰ HIỆN HỮU CỦA CHÚA

 

Quả thật, rất khó để tin rằng một vấn đề triết học và thần học trừu tượng như vấn đề Chúa có tồn tại hay không lại có thể trở thành một định lý toán học. Gödel là nhận vật quá lạ thường để biến một vấn đề thuần túy triết học và tâm linh như thế thành một bài toán cụ thể của khoa học, chính xác hơn, một bài toán của khoa học logic hình thức – cánh cửa để bước vào khoa học computer.

Vì thế, không có gì để ngạc nhiên khi các nhà khoa học computer ngày nay rất thích các định lý của Gödel, vốn đã được hình thức hóa tới cấp cao nhất của toán học. Họ muốn dùng các định lý của Gödel để thử sức các chương trình computer mới nhất. Đặc biệt, họ muốn thử dùng các chương trình mạnh nhất của computer để tự động hóa việc chứng minh các định lý toán học. Nếu thành công, điều này sẽ mở ra một viễn cảnh vô cùng sáng lạn cho toán học: con người có thể tập trung vào việc sáng tạo những tư tưởng mới và nhường công việc chứng minh nặng nhọc cho computer. Một ngày nào đó, Giải Fields chủ yếu sẽ dành cho những tư tưởng mới đáng giá, thay vì cho những công trình chứng minh như hiện nay

Trong bối cảnh ấy, Định lý của Gödel về sự hiện hữu của Chúa trở thành bài toán hấp dẫn nhất đối với Christoph Benzmüller, thuộc Đại học Tự do ở Berlin (Free University of Berlin) và Bruno Woltzenlogel Paleo thuộc Đại học Kỹ thuật Vienna.

Đầu năm 2013 hai nhà khoa học computer đó bắt tay vào việc “computer hóa” định lý này, và không đầy một năm, đến Tháng 10, kết quả được công bố trong một công trình mang tên: “Formalization, Mechanization and Automation of Gödel’s Proof of God’s Existence” (Hình thức hóa, Cơ giới hóa và Tự động hóa chứng minh của Gödel về sự hiện hữu của Chúa), trong đó cho biết:

Đây là lần đầu tiên Chứng minh của Gödel về sự hiện hữu của Chúa được phân tích ở một mức độ chưa từng có về chi tiết và hình thức bằng những công cụ chứng minh cao cấp. Những việc sau đây đã được thực hiện theo trình tự:

● Một chứng minh chi tiết bao gồm những suy diễn logic tất yếu.
● Hình thức hóa các tiên đề, định nghĩa và định lý bằng cú pháp TPTP THF.
● Tự động kiểm tra tính nhất quán (phi mâu thuẫn) của các tiên đề và định nghĩa bằng chương trình Nitpick.
● Tự động chứng minh các định lý bằng những chương trình chứng minh LEO-II và Satallax.
● Từng bước hình thức hóa bằng cách sử dụng công cụ trợ giúp chứng minh Coq.
● Hình thức hóa sử dụng công cụ trợ giúp chứng minh Isabelle, tại những chỗ mà các định lý (và một số bổ đề bổ sung) đã được tự động hóa nhờ các chương trình Sledgehammer và Metis.

Phải nói ngay rằng công trình của Benzmüller và Paleo trước hết và chủ yếu là một thành tựu lớn của khoa học computer. Mục đích chính của các tác giả là thử nghiệm khả năng chứng minh các định lý toán học bằng computer. Thành tựu này chỉ ra rằng computer có thể giúp đỡ hoặc sẽ hoàn toàn thay thế con người trong việc tự động chứng minh bất kỳ định lý toán học nào, nếu định lý ấy có thể thuật toán hóa và hình thức hóa. Nhận định về việc này, trang mạng CNET ở Mỹ viết:
“Một ngày nào đó, có lẽ, computer có thể hoàn toàn dỡ bỏ gánh nặng chứng minh khỏi con người, sao cho con người có thể tập trung vào những vấn đề nhận thức cao cấp hơn” .

Nhận thức cao cấp hơn là gì?

Là suy ngẫm về những giá trị văn hóa, tinh thần, tư tưởng và nhân văn mà computer không bao giờ có thể có như con người. Nhận thức cao cấp nhất là đặt những câu hỏi suy tư về ý nghĩa cuộc sống, những câu hỏi triết học, thần học, tôn giáo,…

Sẽ chẳng bao giờ có một chiếc computer nào có thể nói lên “đức tin” của nó đối với một vấn đề gì. Computer không thể chịu trách nhiệm với câu hỏi có Chúa hay không có Chúa. Trách nhiệm ấy thuộc về nhận thức cao cấp của con người. Công trình của Benzmüller và Paleo không kết luận có Chúa hay không có Chúa. Nó chỉ khẳng định lập luận logic của Gödel là hoàn toàn chính xác. Nói cách khác, kết luận của Gödel rằng Chúa hiện hữu là hoàn toàn đúng, nếu hệ tiên đề của ông là đúng.

Đến đây, không thể không chiêm ngưỡng chứng minh của Gödel. Không kể những thảo luận bên lề, toàn bộ chứng minh chỉ gói gọn trong 12 dòng, bao gồm 5 tiên đề (ký hiệu là Ax), 3 định nghĩa (Df) và 4 định lý (Th):

Godel's God Theorem is correct

Nếu bạn thừa nhận hệ 5 tiên đề nói trên của Gödel thì ắt bạn phải nhất trí với Gödel rằng Chúa tồn tại, vì lập luận logic của Gödel là hoàn toàn chính xác, như công trình của Benzmüller và Paleo đã khẳng định. Vậy vấn đề quy về hệ tiên đề – bạn có thừa nhận hệ tiên đề của Gödel hay không?

Công trình của Benzmüller và Paleo chỉ chứng minh hệ tiên đề này là nhất quán (consistent), tức là phi mâu thuẫn, thay vì chịu trách nhiệm về tính chân lý của từng tiên đề. Tính chân lý của từng tiên đề là cái không thể chứng minh, chỉ có thể thừa nhận hoặc phủ nhận, điều này phụ thuộc vào trực giác.

Trực giác không phải là một hằng số, mà là một hàm số biến thiên theo thời gian và phụ thuộc vào nhiều tham số khác nhau, trong đó có tham số hiểu biết. Để hiểu chứng minh của Gödel, nhất thiết phải có hiểu biết sâu sắc về logic toán học hình thức và logic triết học, đặc biệt là “modal logic” – một ngành logic nghiên cứu những khái niệm triết học như tính tất yếu (necessity), khả tính (possibility), tính ngẫu nhiên (contingency),…

Nếu không có những tri thức đó, chúng ta không thể có bất cứ trực giác nào để tán thành hoặc phủ nhận các tiên đề của Gödel.
Nhưng ngay cả trong trường hợp có đủ tri thức toán học và triết học để tán thành hệ tiên đề của Gödel, chúng ta cũng không có đủ cơ sở để kết luận Gödel có thực sự là một người hữu thần hay không, vì nhiều lý do:

● Xuất phát từ những hệ tiên đề khác nhau có thể có những kết luận khác nhau. Phương pháp tiên đề dựa trên logic hình thức vừa là một công cụ sắc bén để xây dựng các lý thuyết, vừa có thể là một trò chơi thuần túy mục đích: một chuyên gia giỏi về logic hình thức có thể làm điều ngược lại với Gödel – khéo léo lựa chọn những tiên đề sao cho có thể đi tới kết luận Chúa không tồn tại.
● Nhiều nhà khoa học tin vào Chúa, nhưng thực chất vẫn là vô thần. Vấn đề là ở chỗ Chúa của họ như thế nào (điều này sẽ được trình bày rõ hơn ở phần dưới).

Đó là những lý do để tôi đặt câu hỏi:
● Liệu Gödel có thực sự tin vào Chúa hay không? Chúa của ông như thế nào?

CHÚA CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC

Nếu bạn đã đọc bài “Định lý Bất toàn của Gödel – Khám phá Toán học số 1 của thế kỷ 20” của Perry Marshall, hẳn bạn đã thấy từ định lý này có thể suy diễn một cách triết học để đi đến kết luận rằng niềm tin vào sự hiện hữu của Chúa là cần thiết và hợp lý hơn là không có Chúa. Tuy nhiên đó không phải là suy diễn của chính bản thân Gödel.

Vậy thực chất Gödel nghĩ gì?
Tôi muốn biết tư tưởng thực sự của Gödel về Chúa, như tôi đã biết về Einstein.

Einstein rất hay nhắc đến Chúa, nhưng đức tin của ông dựa trên logic chứ không phải là cảm xúc trực giác. Nói cách khác, ông không có cảm xúc tâm linh. Ông không có trải nghiệm về những hiện tượng siêu nhiên. Thật vậy, Einstein tin có Chúa, nhưng Chúa của ông không phải là Chúa của Do Thái giáo hay Thiên Chúa giáo. Chúa của Einstein đơn giản chỉ là tác giả sáng tạo ra vũ trụ với những định luật vật lý cố định mà ông là một trong những người có khả năng “biết được ý Chúa”. Vì thế Chúa không can thiệp vào tác phẩm sáng tạo của Ngài, mà để cho nó tự vận hành theo những quy luật mà Ngài đã cài đặt. Tương tự, Chúa của Einstein cũng không can thiệp vào đời sống của con người – việc bạn cầu nguyện hay đi lễ nhà thờ không liên quan gì đến những định luật vật lý mà Ngài đã ban hành. Nói cách khác, việc bạn cầu nguyện không liên quan gì đến Chúa.

Tóm lại, Chúa của Einstein không phải là Chúa quan phòng, không phải Chúa với hình ảnh con người và thương yêu loài người. Chúa của Einstein không có trái tim. Đó không phải là Chúa của Abraham, Moses, Jesus. Vậy nếu lấy tiêu chuẩn của Do Thái giáo hay Thiên Chúa giáo để xác định một người là hữu thần hay vô thần thì Einstein là một người vô thần, mặc dù ông là một trong những nhà khoa học nhắc đến Chúa nhiều nhất, thậm chí ông coi niềm tin vào Chúa theo cách của ông mới là tôn giáo đích thực.

Einstein tin vào Chúa của ông mạnh mẽ đến nỗi cho rằng một ngày nào đó các nhà thông thái như ông sẽ “biết được ý Chúa”. Stephen Hawking cũng là một người vô thần, cũng từng nhắc lại điệp ngữ ấy của Einstein, mặc dù gần đây, sau khi thấm nhuần Định lý Bất toàn, đã ngộ ra rằng sẽ chẳng bao giờ biết được ý Chúa .

Thực ra Chúa của Einstein chính là Vũ trụ, là thế giới Tự Nhiên với những định luật vật lý chi phối mọi thành phần của nó. Các nhà triết học gọi đó là Chúa của Spinoza, bởi Baruch Spinoza, nhà triết học Hà Lan thế kỷ 17, là người đầu tiên nêu lên chủ thuyết về một vị Chúa là Tự Nhiên hoàn toàn độc lập với tư tưởng và tình cảm của con người, lãnh đạm với con người, mặc dù con người là một thành phần của Tự Nhiên – một thành phần của Chúa.

Thật vậy, với chủ thuyết Spinoza, Tự Nhiên là mọi thứ, bao gồm khối lượng, năng lượng, nguyên tử, phân tử, cuộc sống, tư tưởng, con người, xã hội, thiên hà, thậm chí cả đa vũ trụ (nếu có). Chẳng có cái gì bên ngoài tự nhiên, kể cả tinh thần và những hiện tượng ta chưa hiểu được bản chất, nhưng nếu có thì chúng cũng là một bộ phận của Tự Nhiên. Vậy Tự Nhiên chính LÀ Chúa và Chúa LÀ Tự Nhiên. Nói cách khác, Tự Nhiên chính là biểu hiện của Chúa. Chúa không đứng ngoài Tự Nhiên để phán xử Tự Nhiên, bởi vì Chúa chính là Tự Nhiên, Chúa không phải là thần thánh. Vì thế, dưới con mắt Thiên Chúa giáo, chủ thuyết của Spinoza thực chất là vô thần, Chúa của Spinoza thực chất là “Chúa vô thần” (atheist God).

Nhưng Chúa của Spinoza lại có sức hút mạnh mẽ đối với Einstein. Trong một bức điện tín gửi cho Rabbi Goldstein ở Đức ngày 24/04/1929, ông viết: “Tôi tin vào Chúa của Spinoza, Ngài tỏ lộ ra trong sự hài hòa của mọi vật tồn tại, chứ tôi không tin vào một vị Chúa bận tâm với số phận và những việc làm của con người”. Trong một thư khác gửi cho Beatrice Frohlich ngày 17/12/1952, ông nói: “Đối với tôi, quan niệm về một vị Chúa có hình ảnh con người thật là xa lạ và dường như quá ngây thơ”. Trong thư gửi cho Eric Gutkind năm 1954, Einstein phủ nhận niềm tin Thiên Chúa giáo một cách rõ rệt: “Từ ngữ Chúa đối với tôi chẳng có gì khác hơn là một sản phẩm biểu hiện sự yếu đuối của con người, Kinh Thánh là một tuyển tập các huyền thoại được trân trọng nhưng vẫn còn nguyên sơ” .

Vậy Chúa của Gödel thì sao? Liệu Chúa của Gödel có giống Chúa của Einstein không?

Câu hỏi này rất đáng hỏi, bởi lẽ Gödel và Einstein vốn là một cặp bạn bè thân thiết khi hai ông cùng là giáo sư tại Đại học Princeton. Mặc dù chênh lệch tuổi tác (Einstein hơn Gödel 27 tuổi), nhưng họ ngưỡng mộ nhau đến mức tri kỷ. Dường như Einstein không tìm thấy ai hiểu mình hơn Gödel, đến nỗi có lần ông nói với mọi người rằng ông đến văn phòng của ông trong Đại học Princeton “chỉ để có cái đặc ân được cùng đi bộ với Gödel về nhà” .

Ngược lại Gödel chịu ảnh hưởng của Einstein là điều có thể thấy rõ qua một công trình của ông về “vũ trụ quay tròn” (rotating universe), được xây dựng trên nền tảng của Thuyết Tương đối Tổng quát. Vũ trụ này chứa đựng những nghịch lý, chẳng hạn thời gian có thể trôi ngược, mặc dù đến nay chưa ai tìm thấy một sai sót nào trong lập luận và tính toán của Gödel. Einstein rất hài lòng với công trình này của Gödel, và đó là lý do để năm 1951 Gödel trở thành một trong hai người đầu tiên đoạt Giải thưởng Einstein (Albert Einstein Award), một giải thưởng dành cho những công trình về vật lý lý thuyết, được thiết lập ngay từ khi Einstein đang còn sống.

Vì thế câu hỏi tất yếu nẩy sinh trong đầu bất cứ ai yêu mến Einstein và Gödel là: Chúa của Gödel có giống Chúa của Einstein không?

Để trả lời, phải ngược dòng lịch sử trở về quá khứ năm 1077-1078, khi Đức Tổng giám mục Anselm ở Canterbury công bố Proslogium (luận văn) – luận văn đầu tiên trong lịch sử nhận thức cố gắng chứng minh sự hiện hữu của Chúa bằng logic.

9 THẾ KỶ TỪ ANSELM QUA LEIBNIZ ĐẾN GÖDEL

Lập luận chủ yếu trong Proslogium của Anselm có thể tóm tắt một cách giản lược bằng ngôn ngữ thời nay như sau:

1/ Định nghĩa: Chúa là thực thể lớn nhất có thể hình dung được, không có thực thể nào có thể hình dung được mà lớn hơn Chúa. Ký hiệu G là Chúa, x là một thực thể bất kỳ, thì G ≥ x với mọi x.
2/ Tiên đề: Một thực thể vừa tồn tại trong tư tưởng vừa tồn tại trong thực tế ắt phải lớn hơn thực thể ấy khi nó chỉ tồn tại trong tư tưởng. Ký hiệu x(m,r) là thực thể x vừa tồn tại trong tư tưởng vừa tồn tại trong thực tế và x(m) là thực thể ấy chỉ tồn tại trong tư tưởng, ta có: x(m,r) > x(m)
3/ Hệ quả: Nếu G(m,r) là thực thể lớn nhất tồn tại cả trong tư tưởng lẫn trong thực tế và G(m) là thực thể lớn nhất chỉ tồn tại trong tư tưởng, theo Tiên đề ở mục 2, ta phải có: G(m,r) > G(m)
4/ Biện luận: Giả sử Chúa chỉ tồn tại trong tư tưởng, tức là G = G(m). Theo định nghĩa của G ta có: G = G(m) > G(m,r). Nhưng điều này mâu thuẫn với Hệ quả ở mục 3.
5/ Kết luận: Vậy Chúa không thể chỉ tồn tại trong tư tưởng. Chúa ắt phải tồn tại cả trong tư tưởng lẫn trong thực tế, G = G(m,r), tức là Chúa tồn tại.

Tư tưởng của Anselm có ảnh hưởng rất lớn đến triết học, thần học và tôn giáo thời trung cổ. Vì thế năm 1163 (54 năm sau khi mất) ngài đã được phong thánh. Đến thế kỷ 17, luận văn của Thánh Anselm được một trong những nhà toán học, logic học và triết học lớn nhất thời đó là Gottfried Leibniz (1646–1716) phát triển lên thành một công trình triết học và thần học tỷ mỉ, sâu sắc, đầy sức thuyết phục.

Ba thế kỷ sau, dựa vào công trình của Leibniz, nhà toán học và logic học trứ danh Kurt Gödel đã sáng tạo nên định lý có một không hai của ông về sự hiện hữu của Chúa, như chúng ta đã thấy trong hình ở trên.

Thực chất công việc của Gödel là hình thức hóa những lập luận của các bậc tiền bối, áp dụng các phép toán của logic hình thức cho những lập luận ấy, tạo nên một định lý hoàn hảo về mặt logic không thể tranh cãi, làm chỗ dựa vững chắc cho tất cả những ai thừa nhận hệ tiên đề của ông.

Phải nói rằng Gödel là một thiên tài trong việc hình thức hóa các mệnh đề logic. Nói cách khác, ông là một thiên tài trong việc tạo dựng cấu trúc hình thức cho những bài toán logic.

Định lý Bất toàn (Theorem of Incompleteness) của ông có thể nói là một thành tựu vĩ đại của logic toán lấy cảm hứng từ 2 nguồn mạch tư tưởng sau đây:

Nguồn 1: Chương trình Hilbert (Hibert’s program) đầu thế kỷ 20 hòng tìm ra “Chiếc Chén Thánh Toán học” – một phương pháp toán học tổng quát cho phép chứng minh hoặc bác bỏ bất kỳ một mệnh đề toán học nào. Nói cách khác, chương trình Hilbert với tham vọng khám phá ra một quyết định luận cho phép xác định dứt khoát tính trắng/đen (đúng/sai) của bất kỳ một bài toán toán học nào. Trong khi các nhà khoa học khác tin tưởng Hilbert đến mức hiến dâng cả cuộc đời cho chương trình này thì… Gödel lại nghi ngờ tính khả thi của nó. Trực giác mách bảo ông rằng có khúc xương nhọn trong bữa tiệc logic do Hilbert sắp đặt bày biện mời thực khách. Gödel âm thầm một mình một lối đi tìm miếng xương đó, và ông đã tìm thấy.

Nguồn 2: Nghịch lý kẻ nói dối (Liar’s Paradoxe). Đây là câu chuyện của logic ngôn ngữ. Nó chính là vật liệu để Gödel chế biến bữa tiệc mới của mình, thay thế cho bữa tiệc của Hilbert.

Một số người quá yêu mến Hilbert nên đến nay vẫn ngậm ngùi thương cảm ông vì sự thất bại thảm hại của chương trình mang tên ông. Tôi nói với họ: “Tại sao bạn phải ngậm ngùi như thế? Hilbert mãi mãi vĩ đại, vì ngay cả trong thất bại, ông vẫn có công lớn là tạo cảm hứng cho Gödel khám phá ra một trong những định lý vĩ đại nhất của loài người. Đó là lý do để Gregory Chaitin, nhà toán học lớn của IBM, phải thốt lên ca ngợi thất bại của Hilbert là “một thất bại vinh quang” (a glorious failure). Vậy có gì mà phải ngậm ngùi? Chỉ tiếc là Hilbert cho đến lúc rời khỏi thế gian vẫn không dám thừa nhận thất bại, vẫn không chịu thừa nhận Định lý Gödel. Giá như ông thừa nhận, ông sẽ vĩ đại hơn”.

Tương tự như Định lý Bất toàn, Chứng minh của Gödel về sự hiện hữu của Chúa là một thành tựu tuyệt vời của logic toán, lấy cảm hứng từ những công trình nghiên cứu của Anselm ở Canterburry và của Gottfried Leibniz.

Leibniz cho rằng chân lý thần học (tôn giáo) và triết học không thể mâu thuẫn với nhau, vì đức tin và lý lẽ cả hai đều là quà tặng của Chúa. Nếu chân lý thuộc hai phạm trù này mâu thuẫn thì hóa ra Chúa chống lại bản thân mình?
Là một nhà toán học và logic học bậc nhất, Leibniz rất coi trọng lý lẽ. Vì thế ông đòi hỏi đức tin phải được bênh vực bởi lý lẽ, và bất kỳ giáo lý nào về đức tin mà không thể bênh vực được bằng lý lẽ thì phải từ bỏ. Với tinh thần đó, ông dám đối đầu với một trong những bài toán khó nhất của thần học Thiên Chúa giáo:

Đó là câu hỏi chất vấn rằng nếu Chúa là toàn thiện, toàn trí và toàn năng thì tại sao cái ác vẫn hoành hành trên thế gian?

Câu trả lời, theo Leibniz, là vì trong khi Chúa thực sự có trí tuệ và sức mạnh vô hạn thì loài người bị giới hạn cả về trí tuệ lẫn khát vọng (sức mạnh để hành động). Điều này dẫn con người đến những niềm tin sai lạc, những quyết định sai lầm và những hành động không có hiệu quả trong việc sử dụng ý chí tự do của mình. Chúa không gây đau khổ cho con người, nhưng Ngài cho phép đau khổ đóng vai trò như hậu quả cần thiết của cái ác, như một phương tiện để con người có thể nhận ra sự thật mà học hỏi và sửa chữa sai lầm.
Tóm lại, Leibniz không chỉ là một người có đức tin Thiên Chúa giáo thuần thành, mà còn là một người bảo vệ đức tin mạnh mẽ, dựa trên những lập luận triết học và thần học sắc bén.

Đến lượt Gödel, ông biến niềm tin ấy thành những định lý toán học. Chứng minh của ông về sự hiện hữu của Chúa thực ra là một cách bày tỏ đức tin của mình thông qua ngôn ngữ ký hiệu logic.

TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC VÀ TÔN GIÁO CỦA GÖDEL

Phiên bản đầu tiên của định lý Gödel về sự hiện hữu của Chúa xuất hiện vào khoảng năm 1941. Nhưng trong một thời gian dài gần ba chục năm Gödel không tiết lộ với bất cứ ai về công trình này. Mãi tới năm 1970, khi sức khỏe yếu dần và dường như ông cảm thấy mình đang chuẩn bị rời khỏi thế gian, ông mới bắt đầu tiết lộ với bạn bè.

Tháng 2 năm ấy, ông cho phép Dana Scott, một nhà khoa học logic xuất sắc, sao chép lại một phiên bản của chứng minh, nhưng bản sao ấy cũng chỉ được lưu truyền trong đám bạn đồng nghiệp thân cận riêng tư.

Tháng 8/1970, Gödel nói với Oskar Morgenstern, một nhà kinh tế học và đồng tác giả của Lý thuyết Trò chơi, rằng ông thấy “thỏa mãn” với chứng minh của ông, nhưng Morgenstern ghi trong nhật ký của mình ngày 29/08/1970 rằng “Gödel sẽ không công bố công trình của ông vì sợ người khác có thể nghĩ ông thực sự tin vào Chúa, trong khi ông chỉ định thực hiện một nghiên cứu về logic để chứng tỏ rằng một chứng minh dựa trên phương pháp tiên đề là khả thi”.

Gödel mất ngày 14 Tháng 1 năm 1978. Trong đống hồ sơ giấy tờ ông để lại, người ta tìm thấy một phiên bản khác của công trình chứng minh sự hiện hữu của Chúa, khác một chút so với bản mà Scott đã sao chép năm 1970. Cuối cùng, cả hai phiên bản này cùng được công bố trong năm 1987, tức là 9 năm sau khi Gödel mất.

Nhật ký của Morgenstern là một nguồn dữ liệu quan trọng và xác thực để cho chúng ta biết về Gödel trong những năm tháng cuối đời, nhưng nhận định ghi trong nhật ký ngày 29/08/1970 – đại ý rằng Gödel không thực sự tin vào Chúa – là không chính xác, vì nó mâu thuẫn với những bằng chứng khác.

Chẳng hạn trong những thư gửi cho mẹ – một người mẹ không mấy khi đi lễ nhà thờ và để cho con cái lớn lên với tư tưởng tự do – Gödel thường trình bày dài dòng về niềm tin của ông đối với một cuộc sống sau cái chết. Một người như thế ắt không thể là một người theo chủ nghĩa duy vật thô thiển.

Ông cũng thể hiện những quan điểm tương tự khi trò chuyện với Vương Hạo (Hao Wang), một nhà toán học logic người Mỹ gốc Hoa vốn hay hoài nghi. Vương Hạo kể lại: “Trong khi Gödel nói, tôi thể hiện những ngờ vực của mình… Gödel mỉm cười khi nhắc lại những câu hỏi của tôi, biết rõ rằng những câu trả lời của ông không thuyết phục được tôi”.
Gödel nói gì mà Vương Hạo không tin? Phải chăng Gödel nói về niềm tin của ông đối với thế giới tâm linh? Tôi nghĩ như vậy, và độc giả cũng có thể nghĩ như vậy nếu biết tư tưởng triết học và thần học của Gödel mà tôi sẽ trình bày ở phần dưới.
Tuy nhiên Vương Hạo đã vẽ ra bức chân dung rất chân thực của Gödel khi kể rằng hai ngày sau khi Gödel mất, vợ Gödel là Adele nói với Vương Hạo rằng: “Gödel, mặc dù không đi lễ nhà thờ, nhưng là một người đầy ắp tinh thần tôn giáo và mọi sáng chủ nhật thường nằm trên giường đọc Kinh Thánh”.

Bản thân Gödel nói rõ đức tin của ông trong một lá thư trả lời phỏng vấn nhưng không được gửi đi như sau: “Tôi là một người theo Đạo Lutheran (nhưng không thuộc một cộng đoàn giáo hội nào cả). Niềm tin của tôi là hữu thần, không phiếm thần, theo tư tưởng của Leinbiz chứ không theo Spinoza”.

Điều rất thú vị là Gödel đã công khai phát biểu quan điểm triết học, thần học của ông một cách rõ ràng dưới dạng một bảng liệt kê gồm 14 điểm. Tôi xin chép lại ở đây những quan điểm độc đáo nhất, theo đúng số thứ tự trong bảng liệt kê của ông. Tôi cũng mạo muội bày tỏ suy nghĩ của mình ngay sau mỗi ý kiến của Gödel. Ý kiến của Gödel được tô đậm trong ngoặc kép, kèm theo nguyên văn tiếng Anh trong ngoặc đơn. Sau đó là ý kiến bình luận của tôi.

1/ “Thế giới là hợp lý” (The world is rational). Nếu vậy thì phải có Chúa. Nếu không có Chúa, thế giới sẽ bất hợp lý đến mức hỗn loạn, và có lẽ đã tan rã từ lâu.

4/ “Có những thế giới khác và những thực thể có lý trí thuộc loại khác và cao hơn (chúng ta)” (There are other worlds and rational beings of a different and higher kind). Đây là một niềm tin, không phải một lý lẽ, nhưng tôi cũng tin như vậy. Tôi tin có thế giới tâm linh, thế giới siêu vật chất, thế giới phi vật chất. Những thế giới này tồn tại cùng với chúng ta, nhưng không thể xác nhận bằng các phương tiện vật lý, bởi vì nó phi vật lý. Con người chỉ có thể đoán nhận thế giới ấy thông qua các kênh tâm linh. Kênh tâm linh là cầu nối ý thức của con người với các thế giới khác.

5/ “Thế giới trong đó chúng ta đang sống không phải là thế giới duy nhất mà trong đó chúng ta sẽ sống hoặc đã sống” (The world in which we live is not the only one in which we shall live or have lived). Có nghĩa là tồn tại một thế giới sau cái chết, và một thế giới trước khi chúng ta sinh ra. Điều này phù hợp với thuyết luân hồi của Phật giáo và phù hợp với tín ngưỡng của nhiều dân tộc.

8/ “Lý lẽ trong loài người sẽ được phát triển theo mọi hướng” (Reason in mankind will be developed in every direction). Nhìn lại lịch sử nhận thức, ta thấy nhận định này đúng. Tư tưởng xác định đã được thay thế bởi tư tưởng bất định và hỗn độn. Toán học cũng không còn xác định nữa, mà bất toàn, thiếu chắc chắn. Không có mô hình nào của con người là tuyệt đối nữa. Tính tuyệt đối thuộc về Chúa.

10/ “Chủ nghĩa duy vật là sai lầm” (Materialism is false). Lý thuyết Thông tin ngày nay thừa nhận thông tin là một thực tại phi vật chất. Nhiều bằng chứng của khoa học thần kinh hiện đại cũng cho thấy ý thức là một thực tại phi vật chất. Con người phải là một thực thể vật chất + ý thức. Thể xác vật chất là hữu hạn cả về không gian lẫn thời gian, trong khi đó ý thức là phi không gian (spaceless) và phi thời gian (timeless). Ý thức chỉ mượn thể xác để biểu lộ trong thế giới vật lý. Khi thể xác ngừng hoạt động, ý thức sẽ rời thể xác, như Descartes giục giã linh hồn của ông trước lúc nhắm mắt: “Nào, hãy lên đường, linh hồn ta hỡi!”.

13/ “Có một triết học và thần học khoa học (chính xác), giải quyết những khái niệm về cái trừu tượng cao nhất; và đây cũng là thành tựu cao nhất của khoa học” (There is a scientific (exact) philosophy and theology, which deals with concepts of the highest abstractness; and this is also most highly fruitful for science). Chứng minh của Gödel về sự hiện hữu của Chúa chính là một thành tựu của loại triết học và thần học này.

14/ “Các tôn giáo phần lớn là dở, nhưng (tinh thần) tôn giáo thì không” (Religions are, for the most part, bad – but religion is not). Dường như Gödel coi các hoạt động nghĩ lễ và lề luật tôn giáo nói chung là dở, nhưng tư tưởng và tinh thần tôn giáo thì đúng và cần thiết. Tôi không hoàn toàn tán thành vế đầu, nhưng hoàn toàn tán thành vế sau. Theo tôi, Đức tin là tối cần thiết, nhưng sinh hoạt tôn giáo cũng cần thiết, vì đó là phương tiện nhắc nhở con người giữ gìn đạo đức, giữ gìn đức tin.

THAY LỜI KẾT

Bảng liệt kê 14 điểm nói trên của Gödel thực ra là một “hệ tiên đề” của toàn bộ hệ thống tư tưởng của ông. Nếu bạn không tán thành hệ tiên đề đó, điều đó chẳng hề gì, bởi thực ra đức tin vào Chúa không phụ thuộc vào một định lý nào cả. Lời của Thánh Thomas d’Aquin thật chí lý:

Thomas-Aquinas-Picture-Quote-e1394104417378
“Đối với người có đức tin, không cần có sự giải thích nào cả. Đối với người không có đức tin, chẳng có lời giải thích nào là đủ” (To one who has faith, no explanation is necessary. To one without faith, no explanation is possible).

Vậy Định lý của Gödel về sự hiện hữu của Chúa có ý nghĩa gì?

Với người có đức tin, nó củng cố đức tin Nó bác bỏ quan điểm của Einstein cho rằng niềm tin Thiên Chúa giáo chỉ là biểu lộ của sự yếu đuối. Nó ủng hộ quan điểm của Perry Marshall cho rằng đức tin và khoa học không phải là kẻ thù của nhau, mà hỗ trợ cho nhau, cái này cần cái kia để tồn tại.

Với người không có đức tin, nó như một lời mời gọi bạn suy ngẫm.

Vì thấm nhuần lời của Thánh Thomas, tôi vui mừng khi gặp một người có đức tin, nhưng cũng rất thông cảm với một người không có đức tin. Chúng ta đôi khi giống nhau hoặc khác nhau chỉ ở một tiên đề nào đó mà thôi.

Chẳng hạn, bài viết “Mi và Thượng đế” của Wass Albert, bản dịch của Nguyễn Hồng Nhung, đăng trên PhamVietHung’s Home, đã nhận được một bình luận của quý độc giả (ĐG) Nam Sơn như sau:

ĐG Nam Sơn 01/08/2014 lúc 05:04 viết: Đã biết rằng không thể sao còn cứ kiếm tìm. Dùng cái thường tồn để nói về cái vô hạn được chăng?! Thượng đế ở đâu khi có Auschwitz, Thiên An Môn, Kosovo,…?! Đừng đánh đồng tạo hóa và Thượng Đế của người thiên chúa giáo, đừng dùng lối uyển ngữ để đánh lừa người khác. ” Thượng Đế đã chết.” và “Chỉ có sự im lặng vô cùng mới không xúc phạm tới chân lý.” Hơi buồn vì người dịch bài viết trên cũng là người đã dịch H.Bela sang tiếng Việt. Hơi Buồn.

Ý kiến của ĐG Nam Sơn không hề làm tôi buồn. Ngược lại tôi trân trọng ý kiến đó, vì nó chân thành. Sự chân thành bao giờ cũng đáng quý. Nếu cần trao đổi với ĐG Nam Sơn, tôi sẽ nói: Wass Albert không đánh lừa, ông cũng nói lời chân thành như quý vị mà thôi.

Ngay sau ý kiến của ĐG Nam Sơn, bài viết nói trên lại nhận được bình luận của quý độc giả Khánh Linh:

ĐG Khánh Linh 10/09/2014 lúc 04:24 viết: Cháu xin cảm ơn cô Hồng Nhung và bác Hưng, bài viết hay quá! Thượng Đế luôn tuyệt vời trong đúng vai trò của Ngài, chỉ có con người ngày càng ti tiện và kiêu ngạo.

Thực ra ĐG Khánh Linh đã biểu lộ mối quan tâm tới Thượng đế trong một bình luận trước đó, dành cho bài “Tin hay không tin vào Thượng đế”.

ĐG Khánh Linh 19/08/2014 lúc 15:56 viết: … Cháu thích nhất là bài viết về “Life of Pi”, cháu đã rất tiếc nuối vì tìm đọc cuốn sách ấy quá muộn, họ không còn xuất bản nữa, mà phim thì không truyền tải hết ý nghĩa cũng như nội dung. Cháu rất quý và biết ơn việc bác chia sẽ kiến thức và những hiểu biết của mình một cách cởi mở, chân thành qua các bài viết của mình cho cháu cũng như mọi người có cái nhìn mới và đúng đắn hơn về cuộc sống. Một lần nữa, cháu cảm ơn bác, nhờ bác cháu đã nhìn thấy Người, Thượng Đế của chúng ta, Người Cha Nhân Từ.

Tôi thấy giọng văn trẻ trung, hồn nhiên quá, nên đoán ĐG Khánh Linh còn trẻ. Nếu đúng như vậy thì đây là một bằng chứng cho thấy đức tin thuộc về trái tim nhiều hơn lý luận, đúng như Pascal nói: “C’est le Coeur qui sent Dieu et non la raison” (Chính trái tim nhận biết Chúa chứ không phải lý lẽ).

Tôi liền viết thư hỏi thăm ĐG Khánh Linh và được bạn ấy cho biết năm nay mới 20 tuổi, có những sở thích như hầu hết các bạn trẻ khác, đặc biệt thích nấu ăn và đọc sách. Vậy là tôi đoán đúng.

khanh-linh (1)BBạn Khánh Linh nhận biết Thượng đế trước hết bằng trái tim. Bạn ấy chỉ mới đọc giới thiệu cuốn “Cuộc đời của Pi” mà đã thích. Nếu đọc trực tiếp sẽ còn thích hơn nhiều.

Anh chàng Pi của chúng ta cũng không cần nhiều lý luận. Có người xem xong phim và truyện, kết luận Pi chẳng qua gặp may mà thôi. Kể cũng lạ. Nếu không tin có Chúa thì cuộc đời đơn giản là một chuỗi may rủi bất định. Có những người không tin Chúa nhưng lúc gặp rủi ro cũng thầm cầu xin thần thánh cứu giúp. Thậm chí cầu xin ông bà tổ tiên phù hộ độ trì.

Vậy cứ cho là Pi trúng độc đắc, và còn hơn độc đắc nữa. Xác suất để anh ta sống có lẽ chỉ bằng 1 phần tỷ mũ 1 tỷ,  nghĩa là thấp hơn rất rất nhiều so với xác suất trúng độc đắc. Vậy mà anh ta sống! Có lẽ phải nói như Chúa Jesus từng nói mới đúng: đức tin của Pi cứu Pi!

Những người không có cảm xúc tâm linh không thể hiểu được điều này. Nhưng có lẽ Pi hiểu. Và có lẽ đó cũng là một trong những thông điệp Yann Martel muốn gửi tới chúng ta.

Xin kết bài này ở đây, ở nơi đức tin của Pi. Số phận của Pi có lẽ đã được tiên đoán trong câu nói bất hủ của Chúa Jesus:

Phúc cho ai không thấy mà tin”.

Ngày 17 tháng 09 năm 2014
PVHg

Tài liệu tham khảo:

● Gödel’s Ontological Proof, Wikipedia
● How Modal Logic Proved Gödel was right, and God Exists (decodesciences.com)
● Proslogion, Wikipedia
● Anselm: Ontological Argument for the God Existence, by KE Himma
● Religious Views of Albert Einstein, Wikipedia
● Pensées, Wikipédia

22 thoughts on “Gödel’s Proof of God’s Existence / Gödel chứng minh sự hiện hữu của Chúa

    • Bạn Tùng thân mến,

      Thank you bạn vì câu hỏi.
      Chúa của Godel là Chúa của Leibniz (như chính Godel đã viết), và Chúa của Leibniz là Chúa của Thiên Chúa giáo – Chúa Cha + Chúa Con + Chúa Thánh Thần – Đó là Chúa yêu thương con người, Chúa quan phòng đến cuộc sống của con người, Chúa lắng nghe con người cầu nguyện,…

      PVHg

      Thích

      • Cháu cám ơn Chú Hưng!
        Theo cháu, trong Phật giáo và cũng như theo ý kiến của Godel, “Có những thế giới khác và những thực thể có lý trí thuộc loại khác và cao hơn (chúng ta)”. Có những vị có thể gọi tên là ”Thần”, ”Thánh”, ”Chư Thiên”,… họ ”yêu thương con người, quan phòng đến cuộc sống của con người, lắng nghe con người cầu nguyện”, Cháu tin vào điều đó. Nhưng nếu nói có vị nào đó quyết định, định đoạt số phận, tạo ra Vũ Trụ nói chung và con người nói riêng thì cháu không tin. Không biết quan điểm của Chú về vấn đề này như thế nào ạ!?

        Thích

      • Bạn Tùng thân mến,

        Cám ơn bạn đã chia sẻ.
        Niềm tin hay Đức tin một phần thuộc về tính cách con người ngay từ khi sinh ra, phần khác là kết quả của những trải nghiệm trong đời sống.
        Tôi có những trải nghiệm riêng để tin rằng có thần thánh, ma quỷ,… và trên hết có một Đấng tối cao.
        Như bạn thấy, Einstein và Godel là đôi bạn tri kỷ và ngưỡng mộ lẫn nhau như thế nào. Nhưng Einstein không tin vào Chúa của tôn giáo, trong khi Godel thi tin. Ai đúng? Ai sai? Khó trả lời lắm, vì cả 2 vị đều giỏi nhất thiên hạ.
        Vậy chỉ có câu trả lời từ sâu thẳm con tim của chúng ta mới đúng. Câu trả lời ấy phải xuất phát từ những gì chính bản than mình cảm nhận được, thong qua trải nghiệm cá nhân + sự học hỏi từ những người đáng kính mà minh tin tưởng.
        Tôi ngưỡng mộ Blaise Pascal, Kurt Godel cả về toán học lẫn triết học, thần học. Tôi cho đó là 2 nhân vật sâu sắc nhất trong lịch sử khoa học cận đại và hiện đại.
        PVHg

        Thích

  1. Cháu cám ơn chú Hưng đã cho cháu biết nhiều điều!
    Cháu thì tin có thần thánh, ma quỷ,…Cháu thì tin tất cả đều do Nhân Duyên và Luật Nhân Quả. Tất cả mọi sự vật, mọi định luật vật lý đều vận hành theo một chiều hướng nào đó để con người, sinh vật hay những tâm linh được tạo thành và sống những đời sống của chúng, tác động lẫn nhau tuỳ thuộc vào những gì mà chúng đã có ở các đời sống trước đó. Cháu thấy David Bohm cũng có những tư tưởng khá mới. Lý thuyết toàn ảnh của ông đưa ra một số lý giải về thực tại rất hay.

    Thích

  2. Bác Hưng làm ơn gỡ tất cả comment của cháu xuống.

    Bởi vì với những lời lẽ cuồng ngôn loạn trí nói về Thượng Đế thì cháu sẽ bị xuống Địa Ngục mất nếu như Thượng Đế tồn tại.

    Thích

  3. Bạn Tùng thân mến.
    Tôi có một số ý kiến muốn chia sẻ với bạn. Tôi có thể đồng ý với bạn luật nhân quả chi phối vũ trụ .Tuy nhiên, tôi không muốn dừng lại ở đây, tôi muốn kéo bạn đi xa hơn và câu hỏi là : Đâu là nguyên nhân của luật nhân quả? Có bạn sẽ nói rằng : Luật nhân quả là luật của vũ trụ, không ai tạo ra nó cả, nhưng như vậy thì giải thích sao được khi nói rằng mọi vật đều phải có một nguyên nhân ?Thật khó có thể chấp nhận được rằng khi nói rằng mọi việc là kết quả của một nguyên nhân nhưng đến phiên luật nhân quả lại không có nguyên nhân.
    Thật ra, có thể xem luật nhân quả và các quy tắc vật lý giống như một loại văn phạm để giải thích thứ tự và sự tương giao của các từ ngữ, xác định ý nghĩa của câu. Cũng như quy tắc văn phạm không thể hiện diện ở bên ngoài các từ và câu mà nó xác định, thì luật nhân quả và các quy tắc vật lý chi phối vũ trụ cũng không thể hiện hiện bên ngoài vũ trụ của các vật thể mà nó mô tả sự tương giao. Quy tắc văn phạm không thể giải thích cho chính sự tồn tại của chính nó, và đương nhiên ta biết rằng nó được sáng tạo ra bởi chủ thể khác bên ngoài nó, đó là con người.
    Có thể xem vũ trụ vật chất là phần cứng, các quy tắc vật lý là phần mềm để điều khiển phần cứng, cả hai đều phải được tạo ra bởi một chủ thể bên ngoài nó.
    Đến đây nếu vẫn tiếp tục chấp nhận luật nhân quả không có nguyên nhân thì có nghĩa là đã chấp nhận một vũ trụ tất định, vĩnh viễn của Spinoza, một vũ trụ bao gồm tất cả mọi thứ mà không có gì có thể ở bên ngoài nó cả.- Và đây là khái niệm Thượng Đế cơ giới của Spinoza, và do Thượng Đế là cơ giới , mà cơ giới thì không có cảm xúc ,nên theo Spinoza Thượng Đế phải vô cảm, .- Đây là con đường mà Einstein đi theo, mà theo cá nhân tôi, đây mới là sai lầm lớn nhất của đời Einstein, vì nghĩ về một Thượng Đế cơ giới, nên ông tin quy tắc cơ giới đó sẽ có ngày được ông tìm ra, và ông đã phí 30 năm cuối đời để tìm kiếm bất thành.
    Trong một phương cách nào đó, tư tưởng của Spinoza được xây dựng trên một nền tảng rất xưa cũ xuất phát từ nền văn hóa Ấn Âu. Ý niệm về một vũ trụ vĩnh viễn từng xuất hiện từ thời cổ Hy Lạp. Các triết gia và nhà khoa học tự nhiên của Hy Lạp có nhiều quan điểm về nguồn gốc của thế giới nhưng tổng quát tất cả đều đồng ý một nguyên tắc rằng không có gì được tạo thành từ hư vô: ex nihilo, nihil. Cần có vật thể để đem lại hình dạng cho vật thể. Do đó, vì vũ trụ vật chất không thể xuất hiện từ “không khí”, nó phải luôn luôn có ở đó. Vật thể thì vĩnh viễn.- điều này hàm ý tính cách vô thần vì nếu vũ trụ luôn luôn hiện hữu thì không có ai dựng nên nó cả, mà vũ trụ thì vĩnh viễn nên vũ trụ chính là Thượng Đế theo tư tưởng này, họ không thoát ra khỏi thuộc tính thời gian được, từ “vĩnh viễn” đối với họ có nghĩa là tồn tại mãi mãi với thời gian.
    Người Hy Lạp khi đề cập đến Thượng Đế, Các ý niệm đầu tiên và căn bản nhất, là ý niệm về sự yên tĩnh thanh thản tuyệt đối , một sự yên tĩnh thanh thản mà chẳng có gì ở dưới đất hay trên trời có thể đụng chạm đến để gây ảnh hưởng được..Người Hy lạp dùng hai từ ngữ để chỉ về Thượng Đế: Ataraxia là không chút lo âu xao xuyến, Nó là sự bình thản bất khả xâm phạm ,và Apatheia là vô cảm, không thể có cảm xúc.. Người Khắc kỷ (Stoics) đề cập sự apatheia của Thượng Đế bởi đó họ ngụ ý bảo rằng ,Thượng Đế không thể có cảm xúc. Hễ có cảm xúc có tình cảm, là có âu lo xao xuyến. Nếu bạn có thể đã yêu, thì bạn có thể có âu lo buồn bực và bối rối về người mà bạn yêu. người Hy Lạp cảm nhận rằng điều thiết yếu liên hệ với Thượng Đế, là sự bình thản, yên tĩnh, thanh thản, không có gì quấy rầy được, tuyệt đối và chẳng có gì đụng chạm đến được đó. Họ bảo rằng muốn có được sự bình an đó, Thượng Đế phải vô cảm. Trong một số trường hợp nào đó, họ sẽ dùng các phương pháp tu tập để tìm cách đạt đến Thượng Đế theo ý nghĩa này.

    Thượng Đế của Thiên Chúa giáo thì khác hẳn. Chúa Jesus đã đến để bảo cho loài người biết về một Thượng Đế hết sức quan tâm lo lắng, một Thượng Đế đã dấn thân vào hoàn cảnh con người, một Thượng Đế mà Cựu ước đã viết là rất âu lo (khốn khổ), bối rối khi chúng ta lo âu (bị khốn khổ) bối rối, là một Thượng Đế hết sức quan tâm chú ý đến loài người. Một thái độ thanh thản tách biệt chính là một ý niệm đối lập với ý niệm của Thiên Chúa giáo về Thượng Đế-trái ngược hẳn với một Thượng Đế cô lập, vô cảm. tiêu chuẩn của việc phán xét loài người lần cuối cùng trong Kinh Thánh rất đơn giản: đó là việc họ có bận tâm đến số người đang gặp khó khăn bối rối hay không.

    Có nhiều điểm giống nhau giữa ý tưởng về Thượng Đế của người Hy Lạp, tư tương của Spinoza và thuyết Tình trạng cố định (steady state) về một vũ trụ vĩnh hằng, không có khởi đầu không có kết thúc của các nhà khoa học đầu thế kỷ 20.
    Thuyết này cho rằng vũ trụ thì vô tận về tuổi. thời gian là một chiều kích kéo dài đến vô cực về hai đầu quá khứ và tương lai. Một cách căn bản, họ đưa ra giả thuyết rằng khi năng lượng bị dùng hết theo thời gian, năng lượng mới và vật thể mới được tạo thành một cách nào đó trong không gian. Như vậy, bất kể mức độ “entropy” và quy luật thứ hai của nhiệt động lực, mọi thứ vẫn giữ được quân bình và không lay chuyển, và như vậy vũ trụ có thể hiện hữu mãi. Không gian và thời gian cũng vĩnh viễn. Thuyết vũ trụ vĩnh hằng này mau chóng trở nên phổ thông và là sự giải thích được ưa thích nhất về vũ trụ trong giới khoa học gia ở Âu Châu và Mỹ Châu.,có tác dụng là nhiều khoa học gia bỏ qua giả thuyết về Thiên Chúa.
    Cũng theo quan niệm triết học Đông phương, đặc biệt là triết lý Lão giáo (Taoism) và Phật giáo (Budhism), thì thế giới này không nhất thiết phải có buổi ban đầu. Theo nguyên lý Đạo của Lão giáo, Đạo sinh ra âm dương, khí, trời, đất, và muôn vật; muôn vật phồn thịnh sẽ trở về Đạo.Cứ như vậy muôn vật biến chuyển theo một chu kỳ tuần hoàn biến cải thiên nhiên,không có khởi thủy cũng không có chung kết. Quan điểm này làm nền tảng cho triềt lý thời đại mới (New Age) của Tây phương trong những thập niên gần đây. Lý thuyết này cho rằng con người là một phần của vũ trụ, và ngược lại. Cả hai có thể kết hiệp làm một tạo nên một thể hòa hợp thống nhất (the ‘One’), tồn tại mãi mãi.Lý thuyết của Phật giáo cũng phủ nhận buổi ban đầu của vũ trụ. Theo quan điểm của Phật giáo, thế giới là một thể sinh động, thay đổi không ngừng, không có buổi đầu,cũng không có kết thúc. Mọi sự xảy ra trên đời luân chuyển theo những chu kỳ nối tiếp (luân hồi). Sống chết của vạn vật xảy ra trong khoảng lục đạo xoay vần, từ Thiên đạo (cõi trời), đến Nhân đạo (cõi người), Atula đạo (cõi Thần Phật), Quỷ đạo (cõi quỷ), súc sinh đạo (cõi loài vật), và địa ngục đạo (cõi địa ngục). Nếu vượt qua được vòng luân hồi nhờ tu luyện, sẽ trở thành Phật trong cõi niết bàn,tức cõi hư vô, nơi mà mọi hoạt động kể cả đau khổ và sự chết đều sẽ chấm dứt vĩnh viễn

    Tuy nhiên một số khám phá quan trọng trong ngành thiên văn từ năm 1913 đến nay cho thấy rằng vũ trụ phải có khởi đầu. Năm 1913, Vesto Slipher khám phá các thiên hà dịch chuyển xa khỏi trái đất với tốc độ khoảng hai triệu dặm một giờ. Những khám phá sau đó của Edwin Hubble cho thấy rằng các thiên hà càng xa nhau càng dịch chuyển với tốc độ càng lớn, chứng tỏ cả vũ trụ bị bắn tung ra trong quá khứ vào một thời điểm nào đó cách đây không lâu. Từ đó các nhà khoa học có thể đi ngược dòng thời gian để tìm hiểu cấu trúc của vũ trụ lúc ban đầu.
    Trong thập niên 1960, Thuyết vũ trụ vĩnh hằng lại bị một cú tàn phá dữ dội khi hai kỹ sư vô tuyến làm việc tại Bell Labs, Arno Penzias và Robert Wilson, khám phá ra một số phóng xạ bí ẩn đến từ không gian. Phóng xạ này không đến từ một hướng nhất định mà từ đủ mọi phía như nhau. Thật vậy, dường như nó xuất phát từ chính vũ trụ. Không lâu sau đó, Penzias và Wilson mới biết là các khoa học gia từng phỏng đoán rằng, nếu vũ trụ khởi đầu từ một vụ nổ nguyên thủy khoảng mười bốn tỷ năm trước, thì một số phóng xạ từ vụ nổ kinh hoàng đó vẫn sẽ còn lởn vởn, và họ bàng hoàng khi biết rằng họ đã gặp được tiếng thì thào ma quái từ giây phút tạo dựng nguyên thủy. Hóa ra thời gian có khởi đầu, thời gian và không gian chỉ xuất hiện cách đây 14 tỷ năm, “ ngày xửa ngày xưa” thì phi không gian và phi thời gian.
    Rất nhiều khám phá khác–kể cả các dữ kiện từ vệ tinh “Cosmic Background Explorer” (COBE) của NASA–giờ đây xác nhận sự hiện hữu của phóng xạ nguyên thủy này. Dựa trên thuyết Big-Bang, các khoa học gia có thể tiên đoán số lượng khí hydrogen, lithium, deuterium, và helium phải có trong vũ trụ. Các tiên đoán này thật kinh ngạc vì phù hợp với số lượng thực sự mà chúng ta tìm thấy ngày nay. Năm 1970 nhà vật lý Stephen Hawking và nhà toán học Roger Penrose viết một bài nổi tiếng chứng minh rằng vũ trụ phải có một khởi đầu, căn cứ vào thuyết tương đối và số lượng vật thể có trong vũ trụ. Như Hawking khẳng định trong cuốn A Brief History of Time, “Phải có một vụ nổ lớn độc nhất.” Nhà thiên văn Martin Rees nhận xét rằng hàng loạt dữ kiện cùng lúc hiện nay đã bác bỏ thuyết vũ trụ vĩnh hằng và xác nhận thuyết Big-Bang- Giây phút tạo dựng diệu kỳ, điều mà bằng suy tưởng Thần Học, Thánh Augustino đã khẳng định, Thiên Chúa đã tạo ra thời gian cùng lúc với vũ trụ, mà 15 thế kỷ sau, bằng máy móc hiện đại và các kính viễn vọng tối tân, các nhà khoa học đã xác nhận điều Augustion nói là đúng, Big-Bang đã tạo ra thời gian cùng lúc với vũ trụ.

    Thích

    • Vậy theo lamhoangau điều gì hay cái gì tạo nên một vị Thiên Chúa, và ngài có những đặc trưng gì?
      Phật giáo không phản đối và mâu thuẫn với thuyết Big Bang. Việc khám phá ra bức xạ phông vũ trụ củng cố cho thuyết Big Bang. Nhưng thuyết Big Bang không giải thích được nguồn gốc của nó, các lý thuyết vật lý như thuyết tương đối và thuyết lượng tử đều sụp đổ ở thời điểm Planck( vụ trụ có tuổi 10 mũ -44 giây). Điều đó cũng có nghĩa nó k giải thích được nguyên nhân của vụ nổ Big Bang sinh ra vũ trụ của chúng ta. Một số lý thuyết cho rằng vụ nố lớn Big Bang sinh ra do va chạm của các màng nhiều chiều (thuyết dây) hoặc do lạm phát của các bọt lượng tử trong chân không lượng tử….Con người không thể kiểm chứng được các lý thuyết này, một phần do vũ trụ quan sát được của con người là hữu hạn.
      Phật giáo (chính thống) không bàn luận về Vũ trụ và số phận của Vũ trụ ( trong các kinh điển không ghi Đức Phật giảng về điều này). Theo Phật giáo, có 4 điều gọi là ”Bất khả tư nghị” ( 4 điều không thể nào suy nghĩ hay bàn luận được, hay có nghĩa là không bằng tư duy thuần tuý được), đó là: Năng lực của một vị Phật, Trạng thái Thiền, Đường đi của Nghiệp, và suy ngẫm tìm hiều về thế giới, như điểm khởi đầu hay kết thúc của Vũ trụ.
      Luật nhân quả là từ Bản thể của Vũ trụ hiển hiện ra, Bản thể là cái không có cái gì sinh ra, và cũng không bị huỷ diệt đi. Luật nhân quả không có nghĩa là định mệnh, là tất định. Từ việc làm A của ta gây ra cho người khác thì trong Bản thể đã hiện lên kết quả B, nhưng tuỳ theo quá trình từ A đến B gặp các nguyên nhân phụ thêm C1, C2, …mà kết quả B sẽ thay đổi ít hay nhiều, tốt lên hay xấu đi, hoặc không thay đổi. Do đó trong Phật giáo không có định mệnh. Như người xưa có câu: ” xưa nay nhân định thắng Thiên cũng nhiều”.

      Thích

    • Trích dẫn cũng khá nhiều nhưng không có tác dụng mấy bởi vì, bạn vốn chả có niềm tin vào những gì bạn trích dẫn.
      Bạn cần sự hài lòng, sự an ủi, sự giải thích, có ham muốn nhưng bất lực, bởi nên viện dẫn quá nhiều thứ để thuyết phục bản thân. Vốn bản thân đã tự có câu trả lời nhưng lại đi dò xét người khác.
      Vậy nên tóm lại là bạn muốn chứng tỏ gì ?
      A. Kenny trong ” The Metaphysics of Mind” có nhắc đi nhắc lại rằng ” tin rồi mới hiểu”, đã không có niềm tin thì đừng cố gắng hiểu.
      Trích dẫn kinh thánh làm gì khi mà chẳng bao giờ cầu nguyện những điều tích cực, trích dẫn đạo giáo làm gì khi mà dịch kinh còn chả biết, trích dẫn Phật học làm chi khi mà bát chánh đạo tứ diệu đế còn không nhớ, trích dẫn khoa học gia thiên văn học nhưng tự hỏi có bao giờ nhìn ngắm sao trời ?
      Như Trang Tử đã nói, càng bảo rằng mình hiểu thì thật ra càng chả hiểu gì.
      Bồ đề vốn chẳng cây, gương sáng cũng chẳng đài, lòng đã không vướng mắc, muộn phiền để chi đâu ?

      Thích

  4. Chào bạn, Thuyết Big bang không giải thích cho nguồn gốc của nó, nhưng Kinh Thánh lại giải thích cho nguồn gốc của Big bang , nên vì vậy mà Các khoa học gia vô thần rất ghét ý niệm Big bang, họ luôn tìm mọi cách và cố nghĩ ra các lý thuyết mới để bác bỏ Big bang, vì trong Kinh Thánh có đề cập đến biến cố này, nếu Kinh Thánh mà không ghi lạ, thì những nhà khoa học duy lý này đã không khó chịu như vậy. Robert Jastrow kể ra nhiều thí dụ trong cuốn “God and the Astronomer.” Nhà thiên văn Arthur Eddington gọi ý niệm này là “phi lý… không thể tin cậy… mâu thuẫn.” Nhà vật lý Philip Morrison của MIT thú nhận, “Tôi thấy khó để chấp nhận thuyết Big bang. Tôi muốn tẩy chay nó.” Allan Sandage của Phòng Thí Nghiệm Carnegie nói ý tưởng này là “một kết luận lạ lùng” mà “nó không thể nào đúng sự thật.”
    Khi Albert Einstein công bố các công thức của thuyết tương đối và nhà thiên văn người Hòa Lan, Willem de Sitter, tìm thấy một ứng dụng cho các công thức ấy khi tiên đoán vũ trụ đang nở rộng, do đó nó phải có một khởi đầu trong quá khứ, Einstein không biết rằng các công thức của ông lại đưa đến giả thuyết như vậy nên ông đau khổ khi nghe biết về ứng dụng này. Khi nhà toán học Nga Alexander Friedmann tìm cách thuyết phục ông, Einstein lại tìm cách chứng minh là Friedmann sai. Thực sự Einstein sai. Theo lời của chính ông, nhà vật lý vĩ đại này thật “ngứa ngáy” “bực bội” “khó chịu” về ý tưởng vũ trụ nở rộng. Ông đã đi quá xa khi sáng chế ra một lực mới, “phản trọng lực” (antigravity), cũng như đưa ra một con số được gọi là “hằng số vũ trụ” (cosmological constant), cố để bác bỏ ý niệm về một khởi đầu, để cho vũ trụ nó cứ nằm yên đó mãi mãi. Sau này, Einstein thú nhận những sai lầm của mình và coi hằng số vũ trụ của ông là một sai lầm lớn nhất trong đời.

    Cũng như Einstein, các khoa học gia nổi tiếng bắt đầu đưa ra các giả thuyết nhằm loại trừ nhu cầu của một sự khởi đầu. Họ làm việc chăm chỉ để tìm ra một phương cách đáng tin cậy về khoa học để chứng minh là vũ trụ hiện hữu mãi mãi.

    Jastrow lý luận rằng, ý niệm Big bang đã ngụ ý có “giây phút tạo dựng” mà trong đó mọi sự–vũ trụ và các quy luật của nó–bắt đầu hiện hữu. Thật quan trọng để biết rằng trước khi có biến cố Big bang, không hề có các quy tắc vật lý. Thật vậy, các quy tắc vật lý không thể dùng để giải thích Big bang bởi vì chính Big bang tạo ra các quy tắc vật lý.

    Các khoa học gia gọi gây phút khởi sự của vũ trụ là “độc nhất vô nhị”, một điểm nguyên thủy mà không bị ảnh hưởng bởi không gian, thời gian và các quy tắc khoa học. Trước thời điểm đó, khoa học không biết gì cả. Thật vậy, chữ “trước” không có ý nghĩa vì chính thời gian cũng không hiện diện “trước” điểm độc nhất.. Jastrow muốn nói rằng các ý niệm như vậy, tiếp giáp với siêu hình, làm cho các khoa học gia cảm thấy nôn nao. Nếu vũ trụ được tạo dựng bên ngoài các quy tắc vật lý, thì nguồn gốc của vũ trụ minh chứng cho định nghĩa căn bản của “phép lạ”. Chữ này làm cho các khoa học gia bất an.

    Trong sự thừa nhận sách Sáng Thế một cách ngạc nhiên, các khoa học gia hiện đại khám phá ra rằng vũ trụ được tạo thành qua sự bùng nổ nguyên thủy về năng lực và ánh sáng. Vũ trụ không chỉ bắt đầu “trong” thời gian và không gian, nhưng nguồn gốc của vũ trụ còn khởi đầu “với” thời gian và không gian. Trước khi có vũ trụ thì chưa có thời gian và không gian. Nếu bạn chấp nhận rằng mọi sự có một khởi đầu thì đều có một động lực, vậy vũ trụ vật chất phải có một động lực tinh thần hay phi vật chất. Động lực tinh thần này đưa vũ trụ vào sự hiện hữu mà không dùng đến bất cứ nguyên tắc vật lý nào. Sự tạo dựng vũ trụ là một phép lạ, hiểu đúng với nghĩa đen. Đấng tạo nên vũ trụ được biết là một đấng thiêng liêng, một bản thể vô cùng về khả năng và sự sáng tạo vượt quá mọi giới hạn có thể tưởng tượng được. Ngay từ khởi thủy có tinh thần, chứ không phải vật chất. Với sự giúp đỡ của khoa học và lý luận, tất cả những điều này có thể chứng minh một cách hữu lý.

    Trong các tài liệu lịch sử xa xưa, Chỉ có Kinh Thánh là độc đáo duy nhất khi thừa nhận một khởi đầu tuyệt đối. Sáng Thế Ký, Kinh Thánh viết, “Từ nguyên thủy, Thiên Chúa dựng nên các tầng trời và trái đất.” Trong Phật Giáo, Dalai Lama nói “có nhiều hệ thống vũ trụ… trong tình trạng liên tục xuất hiện và qua đi.” Kinh Thánh cũng hiển nhiên khẳng định là thời gian thì giới hạn. Ngược lại, Ấn Giáo và Phật Giáo thừa nhận các chu kỳ vô tận của thời gian kéo dài vào quá khứ vô cùng. Người Hy Lạp và La Mã, Ai Cập, cũng như các văn hóa xa xưa, tin ở sự vĩnh cửu của lịch sử.—Đó là tư tưởng chung của nền văn hóa Ấn Âu.

    Thật đặc biệt, người Do Thái và Kitô Giáo luôn tin rằng Thiên Chúa không chỉ tạo nên vũ trụ, nhưng Người còn tạo ra từ không có gì cả: “từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời.” ( từ Lời tiếng HyLạp là Logos có nghĩa là lời phán, mệnh lệnh, ý nghĩ)

    Với câu này, Kinh Thánh ngụ ý rằng vũ trụ được thành hình qua mệnh lệnh. Trong gần hai ngàn năm điều này dường như không có ý nghĩa. Con người cảm nghiệm thời gian và không gian theo một phương cách mà chúng ta không thể tưởng tượng được là có khởi đầu hay có kết thúc. Trong huyền thoại tạo dựng vũ trụ của các tôn giáo khác, thần linh thường tạo thành thế giới từ một số sự vật đã có từ trước. Sự hợp lý dường như nghiêng về phía người Hy Lạp xưa: ex nihilo, nihil. Nhưng giờ đây, khoa học hiện đại cho thấy Kinh Thánh thì đúng. Vũ trụ thật sự được hình thành từ không có gì cả. Và nó được hình thành như thế nào? Chúng ta không biết và có lẽ không bao giờ biết, vì tạo hóa dùng các phương pháp mà trong vũ trụ tự nhiên bây giờ không thấy có.

    Lạ lùng hơn nữa là người Do Thái và Thiên Chúa Giáo từ lâu tin rằng Thiên Chúa dựng nên không gian và thời gian cùng lúc với vũ trụ. Giáo phụ Augustine, khi được hỏi tại sao Thiên Chúa ngồi chơi trong một thời gian dài trước khi tạo nên vũ trụ, ngài trả lời rằng câu hỏi ấy vô nghĩa. Augustine viết, trước khi có sự tạo dựng thì chưa có thời gian vì sự tạo dựng vũ trụ bao gồm sự tạo dựng thời gian.Qua biến cố Big bang, Các vật lý gia hiện đại nhìn nhận Augustine và sự hiểu biết xưa của người Do Thái là đúng.

    Sự thực thì thật lạ lùng tuyệt diệu.Vũ trụ được tạo dựng trong một bùng nổ ánh sáng cách đây mười lăm tỉ năm. Mặt trời và các hành tinh hiện hữu nhiều tỉ năm sau đó. Do đó ánh sáng quả thật đi trước mặt trời. Trong sách Sáng Thế 1:3, ánh sáng đầu tiên được nhắc đến có thể coi như ám chỉ chính biến cố Big bang,trong giây phút đó Steven Weinberg viết, “Vũ trụ tràn đầy ánh sáng.”. Sự tách biệt ngày và đêm được nói trong Sáng Thế Ký 1:4, ám chỉ việc hình thành mặt trời và trái đất. Ngày và đêm—chúng ta cảm nghiệm như kết quả của việc trái đất xoay tròn–thực sự được thành hình chậm hơn vũ trụ nhiều. Bí ẩn Sáng Thế Ký được giải quyết, và câu chuyện tạo dựng được minh chứng nó không chỉ là một ngụ ngôn lờ mờ nhưng là một câu chuyện chính xác lạ lùng về cách tạo dựng vũ trụ.

    Nên nhớ rằng Cựu Ước được viết cách đây trên 3,500 năm bởi một người cho rằng họ được Thiên Chúa kể cho biết những gì Người thực hiện. Gerald Schroeder nhận xét, “Những tường thuật này không được sáng tác để trả lời cho những khám phá về vũ trụ như một toan tính nhằm gượng gạo phù hợp thần học với vũ trụ học… Thần học trình bầy một quan điểm cố định về vũ trụ qua bao nhiều nghìn năm không hề thay đổi. Khoa học, qua sự hiểu biết được cải tiến đáng kể về thế giới, đã đi đến sự phù hợp với thần học.”

    Các nhà khoa học nổi tiếng nhiều khi do dự tán thành câu kết luận này. Arthur Eddington, là người sau cùng nhìn nhận tính cách xác thực của thuyết Big bang, thú nhận rằng “sự khởi đầu dường như đưa ra những khó khăn không thể vượt qua trừ khi chúng ta đồng ý nhìn đến nó như thực sự thuộc về siêu nhiên.” Arno Penzias, người đoạt giải Nobel nhờ khám phá ra phóng xạ vũ trụ mà nó minh chứng cho thuyết Big bang, nói rằng, “Các dữ kiện tốt nhất chúng ta có thì đúng như những gì tôi tiên đoán, là giả như tôi không có gì khác hơn để khởi sự thì tôi sẽ dùng năm cuốn sách của Môsê, Thánh Vịnh, và toàn bộ Kinh Thánh.”

    Nhà thiên văn Robert Jastrow trình bầy một cách sống động hơn nữa. “Với các khoa học gia từng sống niềm tin của mình trong sức mạnh của lý lẽ, câu chuyện chấm dứt như một ác mộng. Hắn vượt qua được nhiều ngọn núi ngu dốt; hắn sắp sửa chinh phục được đỉnh núi cao nhất. Khi vừa trèo lên được tảng đá sau cùng, hắn được chào đón bởi các thần học gia là những người từng ngồi ở đây hàng thế kỷ.”

    Ở đây, Kinh Thánh được đưa ra không phải để minh chứng là Thiên Chúa tạo nên Big bang, mà chỉ đưa ra để cho thấy câu chuyện Kinh Thánh về cách tạo dựng vũ trụ thì thật sự chính xác. Kinh Thánh không phải là sách dậy về khoa học. Sách này không có ý định, như các khoa học gia, cung cấp các chi tiết về cách tạo thành vũ trụ và trái đất theo như hình dạng ngày nay. Nhưng những gì sách ấy nói về sự tạo dựng–về dữ kiện tạo dựng và thứ tự của sự tạo dựng—thì hóa ra chính xác. Có thể nói trước đây tưởng như là bất khả, bây giờ Kinh Thánh được minh chứng bởi các khám phá của khoa học hiện đại.

    Thích

  5. Đây là một suy nghỉ giản dị…không mang tính cách bình luận nào cả.

    Nhận định về sự hiện hữu Trời, Phật, Chúa, Tạo Hóa v.v… của mỗi người hoàn toàn đều khác nhau ở mọi tầng lớp trong đời sống con người. Có người dựa vào tri thức của mình để chứng minh rằng Trời Đất Người có hiện hữu bằng cách dùng toán học phân định và lý giải cho một kết quả cụ thể hơn. Vũ trụ này thật to lớn vô cùng, ai sẻ biết hết được một cách trọn vẹn? Và để biến phép siêu hình toán học thuần tuý thành những góc độ có tầm ảnh hưởng giao động trên mọi thứ từ tôn giáo, vật lý thiên văn, khoa học hiện đại, lịch sử học v.v…

    Tự do phát huy tư tưởng không hạn chế đã có những bậc vị nhân xuất chúng khám phá ra được những ích lợi và mang tới cho đời sống con người thêm dồi dào hơn. Ở triết học thuộc các nền tôn giáo nói chung đã mô tả vũ trụ là một huyền bí tâm linh, và thời bấy giờ vật lý khoa học thiên văn dựng lên một cơ chế để làm nên một phép tín logic bằng nhiều phương pháp tư duy lực động.

    Những sáng kiến hiện nay của các nước tiên tiến dẫn đầu về công nghệ kỷ thuật chuyên về vũ trụ. Họ không ngần ngại chia sẻ những khám phá mới cho công chúng để có thêm hiểu biết về hành trình khám phá vũ trụ cũng như đáp ứng bớt sự lo lắng về tài nguyên cạn kiệt của hành tinh chúng ta trong tương lai. Ở thời hiện tại nếu con người có một tầm nhìn chung phổ quát thì chúng ta sẻ không bị những mâu thuẫn kèm kẹp đưa tới những nguy hại lớn lao không thể lường được. Phật có nói chúng ta đã vất vả đang bơi trong một ao của bể khổ, cố công tìm, và bơi tới mảnh đất lành. Nếu cái ao càng dài đặt nhiều thứ hoá chất thì nó sẻ trở thành một cái ao của địa ngục trần gian.

    Thích

  6. Kính thưa bác Phạm Việt Hưng. Cảm ơn bác đã có một bài viết tổng hợp các ý kiến và lộ trình của cuộc tim kiếm nhận thức về Chúa (tạm gọi như vậy) của các bộ óc dẫn đầu các nền văn minh nhân loại như Lep-nitz, Anh-xtanh, Gô-đen… Tôi cũng cảm thấy băn khoăn nhiều mỗi khi nghĩ về thế giới này nhưng không thể có được sự chia sẻ như khi đọc bài này của bác. Không phải là huênh hoang, nhưng thú thực là tôi có những ý nghĩ như luận điểm số 10 trên của Gô-đen.”Chủ nghĩa duy vật là sai lầm” và học thuyết Đác-uyn là thiếu sót của nhận thức.Tôi xin diễn giải ngắn gọn ý tưởng về hai thứ sai lầm, thiếu sót đó như sau.
    Hãy lấy 2 mô hình nhận thức của con người thông qua công cụ là Cơ học Niu-tơn và Thuyết tương đối Anh-xtanh. Rõ ràng là, để tính toán mọi vấn đề vật lý trên Trái đất và trong phạm vi các chuyển động tốc độ thấp, thì mọi thứ đều đúng với Cơ học Niu-tơn. Nhưng nếu xét các vắn đề của các hệ thiên thể, và với vận tốc lớn thì lúc đó phải sử dụng thuyết tương đối Anh-xtanh.
    Tương tự suy xét như vậy, Hãy lấy hai mô hình nhận thức là chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm (chỉ xét duy tâm Hê-ghen, duy vật Mác, cả hai đều biện chứng), ta thấy ngay là trong phạm vi các vấn đề có quy mô giới hạn, cả tự nhiên và xã hội, thì công cụ duy vật là hoàn toàn đúng (VD: Hạ tầng cơ sở quyết định Thượng tầng kiến trúc xã hội, chẳng hạn). Nhưng để trả lời câu hỏi cuối cùng, TOE, thì chủ nghĩa duy vật bế tắc hoàn toàn. Đã có lần tôi cm tại một bài của bác là Mác không thể trả lời được câu hỏi: Cái đẹp (là một khái niệm) có trước, hay bộ óc con người có trước; và Đac-uyn thì càng bó tay với câu hỏi: Tại sao chỉ để thích nghi với điều kiện sống biến đổi, mà phải có nhiều hình thức, phương thức sống phong phú đến thế của vạn vật trên thế giới này và, hiện giờ, sau khi thích nghi, tiến hoá, loài người xuất hiện, lại vẫn sống chung với các dạng sống đơn giản nhất như vi-rut, vi khuẩn… mà các thứ đó không bị diệt vong?
    Tóm lại, trình bày hơi lủng củng, nhưng tôi chỉ mong chia sẻ ý nghĩ rằng, Nhận thức bằng duy vật chỉ là một trường hợp riêng của nhận thức toàn thể thế giới, tương tự như Cơ học Niu-tơn chỉ là trường hợp riêng của toàn bộ tập hợp các quy luật vật lý của toàn vũ trụ. Ở đây còn chưa kể đến cơ học lượng tử, bàn đến các quy luật trong thế giới vi mô nữa. Và phương pháp nhận thức duy tâm mới là trả lời được câu hỏi cuối cùng. Sự tiến hoá do điều kiện sống, sự thích nghi và đột biến, là có, nhưng không phải là cách mà Chúa sử dụng để tạo ra muôn loài thực động vật như thực té của thế giới này. Mà đó (tiến hoá kiểu Đac-uyn) chỉ là cách được thực hiện ở những phạm vi hẹp của quá trình thời gian và điều kiện sống của thế giới, mà thôi.
    Vài ý chia sẻ, mời mọi người góp ý. Xin cảm ơn.

    Thích

  7. Cho cháu xin góp ý 1 chút, cái câu cuối cùng hình như là của thánh Tôma thì phải, lúc mà thánh Tôma đòi thấy chúa Jesus mới tin là Người đã Phục Sinh.

    Thích

  8. Bác Phạm Việt Hưng cho cháu hỏi. Theo cháu thấy trong đoạn “9 THẾ KỶ TỪ ANSELM QUA LEIBNIZ ĐẾN GODEL” thì phần tiền đề 2 cháu không hiểu lắm.
    Theo cháu thì phải là x(m,r) ≥ x(m), vì có thể trong 1 trường hợp nhất định thực thể đó chỉ tồn tại trong tư tưởng chứ không tồn tại trong thực tế, tức là r=0.
    Nếu xác định x(m,r)>x(m) thì đã vô tình coi thực thể đó phải có cả 2 dạng là trong tư tưởng và trong thực tế mất rồi.
    Mong bác Hưng và các bạn giải thích giúp ạ.

    Thích

  9. Pingback: “Bản chất của Ý thức”: Vấn đề khó nhất từ khi khai sinh khoa học hiện đại

  10. Pingback: Share – The Hardest Problem: Consciousness / Bài toán khó nhất: Ý thức — PhamVietHung’s Home – Non Performing Life…

  11. Pingback: The Biggest Puzzle in Science / Thách đố lớn nhất trong khoa học – Giáo dục Truyền thống với ICT

  12. Pingback: Bí mật của ý thức: câu chuyện về khả năng ngoại cảm của Nikola Tesla - Cộng đồng nhà đầu tư thực thụ

  13. Pingback: Gödel chứng minh Chúa hiện hữu (Gödel proved that God Exists) - truongducviet.com

  14. cảm ơn sự khai sáng của anh PVHg , quả thật trực giác luôn mách bảo rằng sau tất cả đó là Thượng Đế, nhưng mà bị thông tin nhiễu loạn làm niềm tin đó lung lay. Gặp bài viết của anh, niềm tin vào God trong em đã thực sự trở lại.

    Thích

  15. Pingback: Secrets of Consciousness / Bí mật của ý thức – Personal & Business Development Enthusiasts

Bình luận về bài viết này