Nan đề Sáng Thế (Genesis Problem)

Genesis-Problem-1Abstract: One of the greatest scientific achievements of all time is BIG BANG theory. Ironically, this theory led science to the Genesis Problem – an interrogation that pushed atheist scientists into a situation like what Robert Jastrow described in his book God and the Astronomers: “For the scientist who has lived by his faith in the power of reason, the story ends like a bad dream. He has scaled the mountain of ignorance; he is about to conquer the highest peak; as he pulls himself over the final rock, he is greeted by a band of theologians who have been sitting there for centuries”…  Một trong những thành tựu khoa học vĩ đại nhất của mọi thời đại là Lý thuyết BIG BANG. Trớ trêu thay, lý thuyết này lại đưa khoa học tới Nan đề Sáng Thế[1] – một câu hỏi chất vấn các nhà khoa học vô thần, đẩy họ vào một tình thế giống như những gì Robert Jastrow đã mô tả trong cuốn Chúa và các nhà thiên văn: “Đối với nhà khoa học sống bằng niềm tin vào lý lẽ, câu chuyện kết thúc giống như một giấc mơ buồn. Anh ta đã leo lên ngọn núi vô minh; sắp chinh phục được đỉnh cao nhất; nhưng khi trèo lên tảng đá cuối cùng, anh ta lại được chào đón bởi một nhóm các nhà thần học đã ngồi ở đó từ hàng thế kỷ nay”…  

Vâng, từ vài ngàn năm trước, Kinh Thánh đã viết: “In the beginning God created the heaven and the earth… ” (Lúc khởi đầu Chúa tạo ra trời và đất… ).

Genesis-Problem-2Đó là câu mở đầu Sáng Thế ký, một câu nói rất giản dị, mộc mạc, nhưng đầy sức truyền cảm, chứa đựng một triết lý sâu xa, từng được sử dụng một cách phổ biến như một điệp khúc bất hủ trong nền văn hóa Tây phương, biểu lộ đức tin tự nhiên và vững chắc của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới.

Nhưng khoa học, hay đúng hơn là các nhà khoa học vô thần, không chấp nhận niềm tin đó, và vì thế, họ phải đối mặt với một câu hỏi gai góc do chính khoa học đặt ra:

Ai sáng tạo ra điểm ban đầu của vũ trụ?

Đó là câu hỏi tất yếu nẩy sinh từ Lý thuyết Big Bang, gây nên tranh cãi sôi nổi trong suốt 50 năm qua như một trong những bài toán thách thức lớn nhất đối với khoa học thế kỷ 21. Cuộc tranh cãi ấy gần đây trở nên gay cấn đến mức tạp chí New Scientist, trong số ra ngày 13/01/2012, đã phải gieo một thuật ngữ mới để gọi tên nó: “Genesis Problem” – Nan đề về sự Sáng Thế.

Tất nhiên các nhà khoa học hữu thần không gặp rắc rối gì với nan đề này. Ngược lại họ vui mừng nhận ra đây chính là điểm giao thoa rõ ràng hơn bao giờ hết giữa khoa học và tôn giáo. Một trong số đó là Robert Jastrow[2], một cựu lãnh đạo của NASA, đã trả lời rành rọt: “Khác nhau về chi tiết, nhưng những yếu tố cơ bản trong sự mô tả của thiên văn học và Kinh Thánh về Sáng Thế là như nhau” (sách đã dẫn).

Trong khi ấy, các nhà khoa học vô thần rất lo lắng. Một trong những người lo lắng nhiều nhất phải kể đến là Stephen Hawking – “ông vua” đang trị vì trên chiếc “ngai khoa học” từng dành cho Isaac Newton và Paul Dirac ngày xưa.  Ông cảnh báo các đồng nghiệp: “Một điểm dành cho sự sáng tạo (của Chúa) sẽ là chỗ mà ở đó khoa học sụp đổ. Người ta sẽ phải cầu viện tới tôn giáo và bàn tay của Chúa”[3].

Cảnh báo đó đồng nghĩa với lời kêu gọi ứng cứu – cứu vũ trụ học thoát ra khỏi trạng thái “In the beginning…”!

Tình cảnh của vũ trụ học lúc này làm ta nhớ đến tình cảnh của toán học đầu thế kỷ 20, khi toán học tự đưa mình vào cuộc khủng hoảng nghịch lý – những nghịch lý đe dọa làm sụp đổ lâu đài toán học, phiền toái nhất là Nghịch lý Russell.

Khi ấy, David Hilbert, một trong những nhà toán học lớn nhất đầu thế kỷ 20, kêu gọi các nhà toán học ứng cứu – cứu toán học thoát ra khỏi vũng lầy nghịch lý.

Như chúng ta đã biết, chương trình Hilbert đã thất bại thảm hại.

Với Định lý Bất toàn của Kurt Godel ra đời năm 1931, toán học đã học được một bài học cay đắng chưa từng có: toán học phải chấp nhận nghịch lý, toán học không bao giờ đầy đủ và tuyệt đối chính xác, trong toán học tồn tại những định lý không thể chứng minh và cũng không thể bác bỏ…

Tình cảnh vũ trụ học hiện nay cũng có những nét tương tự. Hưởng ứng lời kêu gọi của Stephen Hawking, các nhà vũ trụ học cũng lao vào ứng cứu.

Mục tiêu của họ là xây dựng những mô hình vũ trụ không có điểm khởi đầu. Không có khởi đầu thì sẽ thoát khỏi câu hỏi ai đã sáng tạo ra cái khởi đầu ấy.

Để đạt mục tiêu đó, họ sáng tạo ra những mô hình vũ trụ vĩnh cửu (eternal universe) – vũ trụ không có điểm ban đầu và cũng không có điểm kết thúc, vũ trụ như một cái gì đó tự thân tồn tại mãi mãi, như thể nó vốn là như thế và sẽ cứ như thế, dù cho có những biến thiên nội tại hoặc biến thiên quay vòng.

Cụ thể, có ba lý thuyết lớn đi theo hướng đó:

–          Mô hình lạm phát vĩnh cửu (Eternal inflation);

–          Mô hình tuần hoàn vĩnh cửu (Eternal cycles);

–          Mô hình quả trứng vĩnh cửu (Eternal egg).

Khái niệm vĩnh cửu gợi ý một đường thẳng kéo dài vô tận về hai phía, không có biên.

Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, những mô hình vũ trụ vĩnh cửu dường như đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ, đến nỗi ngày 07/09/2010, Stephen Hawking và Leonard Mlodinow đã cho ra mắt tác phẩm Grand Design, gây chấn động dư luận bởi tuyên bố hùng hồn: “Vũ trụ có thể tự tạo ra nó từ hư không, và Chúa không còn cần thiết nữa” (The universe can create itself out of nothing, and God is no longer necessary).

Nhưng không may, chẳng bao lâu sau đó, Hawking nhận được những tin tức cay đắng: các mô hình vũ trụ vĩnh cửu đã và đang đi tới chỗ phá sản! Trớ trêu thay, những tin tức này đến với Hawking đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của ông.

Thật vậy, đúng vào ngày 08/01/2012, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Stephen Hawking, một hội nghị mang tên “The State of the Universe” (Tình trạng của vũ trụ) đã khai mạc trọng thể tại sảnh đường Lady Mitchell trong Đại học Cambridge.

Ngày 11/01/2012, trong một bài báo nhan đề “Why physicists can’t avoid a creation event” (Tại sao các nhà vật lý không thể tránh được sự kiện sáng tạo), nữ ký giả khoa học Lisa Grossman của tạp chí New Scientist bình luận:

Quà sinh nhật Hawking nhận được trong dịp này là tồi tệ nhất từ trước tới nay – đó là những kết luận về sự thất bại của các mô hình vũ trụ vĩnh cửu. “Điều này làm sống lại câu hỏi gai góc rằng làm thế nào để kích hoạt vũ trụ mà không cần có bàn tay của đấng sáng tạo siêu tự nhiên”, Grossman viết, “Trong một thời gian, có vẻ như người ta đã hy vọng sẽ tránh được điều này, bằng cách dựa vào những mô hình vũ trụ vĩnh cửu – những vũ trụ phù hợp với Lý thuyết Big Bang nhưng có thể tồn tại tiếp diễn vô hạn trong cả quá khứ lẫn tương lai. Nhưng không may, nhà vũ trụ học Alexander Vilenkin tại Đại học Tufts ở Boston đã chứng minh rằng hy vọng đó đã dần dần héo tàn và đến nay có lẽ đã chết”. Grossman cho biết:

1.Mô hình lạm phát vĩnh cửu: Bắt nguồn từ mô hình lạm phát do Alan Guth xây dựng từ năm 1981, được bổ sung thêm bằng ý tưởng những vũ trụ bong bóng (bubble universes) hình thành và dãn nở lạm phát một cách tự phát mãi mãi. Năm 2003, Vilenkin và Guth đã phát triển mô hình này thành lý thuyết vũ trụ lạm phát vĩnh cửu như hiện nay. Nhưng rốt cuộc các phương trình của nó vẫn đòi hỏi một biên trong quá khứ (tức một điêm khởi đầu trong quá khứ).

2.Mô hình vũ trụ tuần hoàn: Một vũ trụ đàn hồi, co dãn tuần hoàn đến vô tận, từng hứa hẹn nhiều triển vọng, nhưng rốt cuộc cũng không hoạt động xuôn xẻ. Tính vô trật tự sẽ tăng lên theo thời gian, do đó sau mỗi vòng tuần hoàn, vũ trụ sẽ càng vô trật tự hơn. Một cách logic, sau một số lớn vòng tuần hoàn, vũ trụ sẽ rơi vào tình trạng vô trật tự cực đại. Khi đó vũ trụ sẽ trở thành tạp nham.

3.Mô hình quả trứng: Mô hình “quả trứng vũ trụ” (cosmic egg) cho phép quả trứng có thể nở thành một vũ trụ tồn tại trong trạng thái tĩnh vĩnh cửu. Nhưng cuối năm 2011, Vilenkin và học trò của ông là Audrey Mithani đã chỉ ra rằng quả trứng không thể tồn tại mãi mãi, vì tính bất ổn định lượng tử buộc nó phải sụp đổ sau một khoảng thời gian hữu hạn. Không có cách nào làm cho quả trứng tồn tại vĩnh cửu.

Kết luận đã rõ ràng. Không có mô hình vũ trụ vĩnh cửu nào hết. Vilenkin kết luận: “Mọi bằng chứng chúng ta có đều nói lên rằng vũ trụ có một điểm khởi đầu”.

Genesis-Problem-3 Đó chính là “Nan đề Sáng thế”.

Tóm lại, các mô hình vũ trụ vĩnh cửu đã sụp đổ. Vũ trụ học buộc phải quay lại với câu mở đầu của Sáng Thế ký: “In the beginning…”.

Nhưng tuyên bố của Hawking và Mlodinow, rằng vũ trụ có thể tự tạo ra nó từ hư không và Chúa không còn cần thiết nữa, thì sao?

Bất luận lý lẽ khoa học của Hawking và Mlodinow ra sao, bản thân tuyên bố của các ông đã vi phạm định luật bảo toàn vật chất – một trong những định luật cơ bản nhất của khoa học. Vứt bỏ định luật này cũng đồng nghĩa với vứt bỏ khoa học.

Nhưng phải chăng hư không có thể biến thành vật chất hữu hình, như tư tưởng sắc sắc không không của Nhà Phật?

Không! Không nên lẫn lộn khoa học và Phật giáo. Dù cho khoa học và Phật giáo có thể gặp nhau về tư tưởng ở một số điểm nào đó, một lập luận khoa học không thể vay mượn tư tưởng của Phật giáo để thay thế cho một chứng minh khoa học. Chứng minh của khoa học dựa trên logic và thực chứng, trong khi Phật giáo và tôn giáo nói chung đều tiệm cận tới chân lý thông qua con đường giác ngộ. Vả lại, tôi tin rằng một người tự tin, thậm chí tự phụ, như Hawking có lẽ cũng không bao giờ có ý định cầu viện đến Phật giáo hay bất cứ một niềm tin nào khác để biện hộ cho quan điểm của ông, bởi vũ trụ của ông là vũ trụ vật chất, vũ trụ hữu hình, vũ trụ vật lý, vũ trụ hiện thực. Vũ trụ ấy không có chỗ cho cái gọi là hư không!

Năm 2013, Giải Nobel vật lý được trao cho công trình khám phá ra Hạt Higgs – “Hạt của Chúa”. Đó là hạt truyền khối lượng cho các hạt khác. Điều đó có nghĩa là khoa học ngày nay không những biết rằng vật chất có khối lượng, mà còn biết rõ khối lượng ấy từ đâu mà ra. Vật chất có khối lượng và năng lượng làm nên cái vũ trụ hữu hình mà chúng ta đang sống trong đó, bản thân chúng ta cũng là thành phần của nó. Vũ trụ hữu hình này được lấp kín bởi vật chất, ở đâu có vật chất, ở đó có vũ trụ, và ngược lại, ở đâu có vũ trụ, ở đó có vật chất. E = mc2 là công thức thâu tóm toàn bộ vật chất trong vũ trụ. Vật chất ấy chỉ có thể biến đổi từ dạng này sang dạng khác, không tự nhiên mất đi và cũng không tự nhiên sinh ra. Từ bỏ mệnh đề này tức là từ bỏ khoa học. Vì thế, tuyên bố của Hawking và Mlodinow là tuyên bố phi khoa học! Hóa ra hai nhà khoa học đáng kính này, trong lúc quá say sưa bảo vệ thế giới quan của mình, đã vô tình đứng một chân trong khoa học, còn chân kia đứng nhầm sang siêu hình học.

Hawking cố tình phủ nhận Chúa, nhưng bản thân tuyên bố của ông lại vô tình thừa nhận Chúa – Chúa chính là tác giả của phép mầu biến cái hư không thành vũ trụ.

Vâng, quả thật khả năng biến hư không thành vũ trụ phải coi là một phép mầu – một phép mầu vĩ đại! Ai có khả năng làm phép mầu ấy thì ắt hẳn người đó phải là Chúa!

Nếu vũ trụ “tự nó” tạo ra phép mầu ấy thì vũ trụ chính là Chúa!

Hawking càng nói càng lúng túng, càng tự mâu thuẫn. Sự mâu thuẫn ấy có lúc bộc lộ ra ở mức độ có phần hài hước. Chẳng hạn như khi ông đáp lại những phê bình đối với cuốn Grand Design. Ông nói:

“Người ta không thể chứng minh Chúa không tồn tại, nhưng khoa học làm cho Chúa không cần thiết” (One can’t prove that God doesn’t exist, but science makes God unnecessary).

Rõ ràng vế đầu và vế sau của câu nói ấy là mâu thuẫn với nhau.

Đến đây không thể không nói rằng, thực ra, sự khác biệt giữa nhà khoa học vô thần và nhà khoa học hữu thần không nằm trong phạm vi khoa học, mà nằm trong tâm lý học nhận thức. Sự khác biệt ấy đã được Albert Einstein đề cập đến trong phát ngôn bất hủ sau đây:

“Có hai cách sống: bạn có thể sống như chẳng có cái gì là phép mầu cả; bạn có thể sống như mọi thứ đều là một phép mầu” (There are two ways to live: you can live as if nothing is a miracle; you can live as if everything is a miracle).

Genesis-Problem-4 Nói cách khác, bạn có thể không tin vào một phép mầu nào cả; hoặc bạn có thể tin rằng đằng sau cái thế giới hữu hình mà ta trông thấy, ẩn chứa những phép mầu vô hình không nhìn thấy, nhưng có thể cảm thấy.

Điều đó – khả năng tin vào phép mầu – không phụ thuộc vào học thuật, vào lý lẽ, mà phụ thuộc vào trực giác, khả năng cảm thụ, sự trải nghiệm, sự chiêm nghiệm.

Hawking là người không tin vào bất cứ một phép mầu nào cả; trong khi Jastrow ắt phải là người tin vào các phép mầu. Phép mầu vĩ đại nhất là sự sáng tạo ra vũ trụ: phép mầu Sáng Thế (Genesis Miracle)!

(Phần tiếp được viết thành một bài riêng nhan đề “Phép Mầu” (Miracles) đã được post lên trang PhamVietHung’s Home ngày 26/11/2013)

PVHg, Sydney 12/11/2013

 


[1] Sáng Thế tức là Sáng tạo ra Thế giới

[2] Từng là chủ tịch đầu tiên của Chương trình thám hiểm mặt trăng của NASA, trưởng ban lý thuyết của NASA, cha đẻ và giám đốc của Viện nghiên cứu không gian Goddard của NASA, giáo sư địa vật lý tại Đại học Columbia, giáo sư khoa học về trái đất tại Học viện Dartmouth, cha đẻ và chủ tịch danh dự của Viện George Marshall, giám đốc danh dự Đài quan sát thiên văn Mount Wilson…

[3] A point of creation would be a place where science broke down. One would have to appeal to religion and the hand of God. http://www.evolutionnews.org/2012/01/god_and_the_ast055041.html

29 thoughts on “Nan đề Sáng Thế (Genesis Problem)

  1. Theo cháu nghĩ thì bài viết này cũng chưa giải quyết được “nan đề sáng thế”.Một câu hỏi rất hiển nhiên nếu “Thượng đế” tồn tại,thì ai là người “tạo ra” thường đế!Để trả lời câu hỏi này,các nhà thần học bảo rằng “Thượng đế” là tối thượng và vĩnh hằng,nếu vậy thì bản thể của “Thượng đế” và tự nhiên,vũ trụ là như nhau,tại sao lại không sinh ra tự nhiên và vũ trụ,mà phải qua bước trung gian.Nếu thế giới của “Thượng đế” là siêu nhiên thì sẽ chẳng liên quan gì đến thế giới tự nhiên của chúng ta.
    Trước khi máy bay ra đời,các nhà vật lí bảo rằng con người không thể bay bằng sức lực của mình,và nếu chúng ta cứ cố làm cánh như chim thì sẽ chẳng bao giờ có máy bay như hiện nay.Có “Thượng đế” hay không có “Thượng đê”,tất cả cũng là do tinh thần của chúng ta.

    Thích

    • Cám ơn bạn miendatlinhhon,
      Ý kiến của bạn rất thú vị, thể hiện bạn là người thích tư duy, thích khám phá. Đó là bản chất ham hiểu biết, và nhờ đó con người mỗi ngày một khôn hơn, hiểu biết hơn. Nhưng…
      Khi chúng ta còn đứng trong thế giới phàm – thế giới nhìn thấy, sờ thấy, nghe thấy, ngửi thấy, nếm thấy, thế giới có thể cân đong đo đếm, thế giới của khoa học, cái gì cũng đòi chứng minh logic và thực chứng – thì chúng ta mới hay đặt câu hỏi “tại sao?”, và khi ấy câu hỏi “tại sao” mới có ý nghĩa. Câu hỏi ấy chính là câu hỏi của khoa học, nhờ đó mà khoa học ra đời và phát triển. Nhưng…
      Nếu bạn đọc hầu hết bài viết của tôi trên PhamVietHung’s Home, bạn sẽ nhận ra một điều: khoa học có giới hạn, khoa học bị hạn chế, khoa học không trả lời được hết các câu hỏi “tại sao?”. Toán học và vật lý học là những công cụ mạnh nhất để trả lời câu hỏi đó, nhưng toán học đã học được bài học khiêm tốn từ khi Định lý Bất toàn ra đời (1931), còn vật lý học thì bắt đầu nhận ra rằng sẽ không thể có một Lý thuyết về mọi thứ hòng giải thích được mọi hiện tượng vật lý, mà mỗi lý thuyết chỉ là một mảnh nhận thức cho phép hiểu được một khía cạnh nhất định của thực tại mà thôi (mà cũng chỉ hiểu gần đúng thôi, thậm chí có khi hiểu sai lệch hoàn toàn). Vì thế không thể tiếp tục hỏi “tại sao?” khi đã đạt tới giới hạn.
      “Điểm kỳ dị” (singularity point) trong Lý thuyết Big Bang là giới hạn trong quá khứ của vũ trụ. Khoa học không trả lời được câu hỏi “tại sao có điểm kỳ dị ấy?”, vì vũ trụ đụng tới giới hạn rồi.
      Để chắp cánh bay ra khỏi giới hạn ấy, con người không thể tư duy theo kiểu “tại sao?” nữa, tức là không thể đặt câu hỏi logic nữa, mà phải cảm nhận và tin vào trực giác mách bảo.
      Trong thế giới của cảm nhận và trực giác, không có chỗ cho câu hỏi “tại sao?”, tức là không thể tranh luận đúng/sai, không thể tranh luận logic, bởi vì ở đó logic bị sụp đổ. Ở đó, cảm nhận và trực giác của bạn khác với cảm nhận và trực giác của tôi, vì thế câu hỏi “Ai sinh ra Thượng đế?” (một dạng câu hỏi “tại sao?”) trở thành vô nghĩa. Bạn có thể nghĩ có một Thượng đế sinh ra Thượng đế, v.v. Trong trường hợp đó bạn sẽ là người đa thần giáo. Hoặc bạn tin rằng chẳng có Thượng đế nào cả, chỉ có vũ trụ bằng xương bằng thịt thôi, khi đó bạn là người vô thần. Có nghĩa là bạn thuộc vế thứ nhất trong câu nói của Albert Einstein (đã trích ở cuối bài viết), còn tôi thuộc vế thứ hai.
      Tóm lại, câu hỏi của bạn thuộc loại câu hỏi không có câu trả lời, vì bạn đóng khung trong thế giới logic nhân quả chứ không dựa trên cảm nhận trực giác và niềm tin.
      Cảm nhận trực giác và niềm tin hình thành trên sự trải nghiệm cá nhân chứ không dựa trên lý luận, lý lẽ. Câu hỏi của bạn thuộc loại lý luận, lý lẽ. Không ai có thể giúp bạn trả lời câu hỏi đó. Chỉ tự bạn trả lời cho bạn. Chúc bạn thành công, nếu không phải hôm nay, thì có thể trong một tương lai nào đó.
      Kinh Thánh có câu: “Phúc cho ai không thấy mà tin”.
      Nan đề Sáng Thế buộc bạn lựa chọn một trong hai câu trả lời, hoặc giống Hawking, hoặc giống Jastrow.
      Đối với Jastrow, câu chuyện đến đó là The End rồi, không cần hỏi thêm nữa. Hỏi Ai sinh ra Thượng đế thì có nghĩa là nhảy sang lĩnh vực thần học rồi, không còn nằm trong phạm vi khoa học nữa!
      Còn Hawking thì hỏi tiếp, và như bạn đã thấy, rơi vào luẩn quẩn tự mình mâu thuẫn với mình.
      Một lần nữa cám ơn bạn rất nhiều vì đã nêu một câu hỏi lý thú, mặc dù nó vượt ra khỏi phạm trù chúng ta có thể thảo luận. PVHg

      Thích

  2. Cháu chào chú Phạm Việt Hưng!
    Cháu rất quan tâm và thường xuyên theo dõi các bài viết của chú, nhất là các bài viết mà nội dung xen lẫn giữa khoa học, triết học và thần học như bài viết này. Đọc xong, cháu thấy có vài vấn đề thắc mắc muốn phản hồi, quan điểm của cháu có thể đúng hoặc sai. Nếu sai, mong chú đừng cười:))

    1, Đầu tiên cháu nghĩ rằng mục đích của tất cả các nhà tư tưởng (không phân biệt là nhà khoa học hay triết gia, tôn giáo..) là mô tả thật chính xác chân lý của tự nhiên. Nhưng khó 1 nỗi chân lý tự nhiên thì chỉ có 1 mà con đường nhận thức của chúng ta thì quá nhiều (logic, trực giác, đức tin..) nên dễ xảy ra xung đột (như trường hợp của Hawking và Jastrow).

    2, Cháu muốn hỏi chú là: Theo quan điểm của chú, chỉ có 1 con đường đúng đắn để nhận thức được chân lý cuối cùng của tự nhiên (như trong trường hợp này là Đấng sáng thế) còn tất cả các con đường khác đều sai hay là có nhiều con đường đúng đắn để cùng nhận thức chân lý?
    Cháu hỏi thế là vì theo cháu nghĩ nếu trường hợp thứ 1 đúng, thì chúng ta không có quyền lựa chọn con đường nhận thức chân lý mà chúng ta chỉ có thể tìm ra con đường đúng đắn duy nhất, tức là nếu vô thần đúng thì hữu thần phải sai và ngược lại. Nếu trường hợp thứ 2 đúng, thì chúng ta có nhiều sự lựa chọn. Lúc đó những người vô thần và hữu thần đều có cái lý của riêng mình, không ai có thể chứng minh họ sai hay nói cách khác họ cùng đúng. Mỗi một bên có 1 thế giới quan của riêng mình theo kiểu bạn thích nhạc cổ điển, tôi thích nhạc hiện đại, không có ai đúng hay sai cả, chẳng qua là cảm nhận mỗi bên khác nhau thôi.

    3, Theo chú khoa học thuần túy CHƯA thể giải quyết nan đề sáng thế hay KHÔNG thể giải quyết vấn đề này? Vì nếu “chưa” tức là chúng ta vẫn còn hy vọng trong tương lai khoa học sẽ khám phá được bản chất của tạo hóa, giống như thế kỷ 15 chưa phát minh ra máy tính thì tới thế kỷ 20 nhờ nỗ lực chúng ta đã phát minh ra. Nhưng nếu câu trả lời là “không” thì chúng ta không thể hy vọng dùng khoa học để nhận thức tạo hóa, chúng ta phải chuyển sang một hướng khác có thể là trực giác hay đức tin…Nhưng nếu thế thì lại nảy sinh ra 1 câu hỏi là trực giác và đức tin có thể nhận thức đúng hơn khoa học về chân lý hay không? Nếu khoa học có giới hạn, có thể đúng hoặc sai thì lẽ gì đức tin, cảm nhận, trực giác lại không có giới hạn khi mô tả thực tại?

    Đó là 1 vài ý kiến chủ quan khi cháu đọc xong bài viết của chú, hy vọng sẽ nhận được phản hồi từ phía chú!

    Thích

    • Bạn nevohteeb thân mến,

      Cảm ơn bạn rất nhiều vì ý kiến bình luận rất hay của bạn – một ý kiến rất trẻ trung, rất chân thành, thể hiện một tư duy trong sáng, nhiệt tình, khao khát hiểu biết.
      Tôi xin chia sẻ với bạn như sau:
      Ý kiến thứ 1 của bạn nói rằng mục đích của tất cả các nhà tư tưởng (không phân biệt là nhà khoa học hay triết gia, tôn giáo..) là mô tả thật chính xác chân lý của tự nhiên.
      Theo tôi, ý kiến ấy không đúng, vì 3 dạng nhận thức đó có thể có liên quan đến nhau, thậm chí có lúc giao thoa với nhau, nhưng mục đích không giống nhau:
      – Khoa học có mục đích khám phá ra chân lý vận hành của tự nhiên, như một bức ảnh chụp tự nhiên. Thí dụ: Khoa học quan tâm tới mối quan hệ tương tác vật chất trong tự nhiên, chẳng hạn công thức E = mc2 , rồi áp dụng làm bom nguyên tử, xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
      – Triết học có mục đích tìm kiếm quy luật khái quát của sự vận hành đó, thậm chí ý nghĩa của sự vận hành đó, ý nghĩa của bức ảnh chụp đó. Thí dụ: Bản chất của toán học là gì? Bản chất của nhận thức là gì? Bản chất của giáo dục là gì? Vì người ta ít để ý tới những câu hỏi này nên người ta thường phạm sai lầm trong định hướng nghiên cứu và giảng dạy khoa học. Một người giỏi toán (giỏi khoa học) có thể phạm sai lầm lớn trong giảng dạy toán học vì anh ta không biết bản chất của toán học là gì. Khoa học không quan tâm tới ý nghĩa của cái mà nó khám phá ra, vì thế có rất nhiều ứng dụng khoa học chống lại nhân loại, điển hình là bom hạt nhân,…
      – Tôn giáo, nếu nó quan tâm tới tự nhiên thì cũng chỉ sử dụng những hiểu biết tự nhiên ấy để khẳng định công trình sáng tạo vĩ đại của Đấng Sáng tạo. Tôn giáo còn có mục đích giúp con người thoát khỏi “bể khổ” (Phật giáo), sống hòa hợp với tự nhiên (Lão giáo), sống hòa hợp yêu thương đồng loại (Thiên Chúa giáo), và trên hết, sống khiêm tốn và tôn thờ Thượng đế (nhiều tôn giáo lớn). Khoa học thường làm con người tự tin, tự phụ, bất chấp. Tôn giáo nhắc nhở con người biết mình tầm thường, bé nhỏ, biết kính sợ, biết tu thân. Khoa học không chịu trách nhiệm về đạo đức. Tôn giáo giúp con người sống đạo đức. Vì tôn giáo có mục đích khác hẳn khoa học: Phật giáo dạy con người tu luyện đạo đức để thăng tiến sau mỗi vòng luân hồi, Thiên Chúa giáo dạy con người phải biết sám hỗi với tội lỗi để trước sau cũng sẽ phải trình diện trước Chúa. Nói một cách dễ hiểu: nếu khoa học giúp ích cho con người thì chỉ giúp ích được phần xác (phần thể chất), còn tôn giáo chăm sóc con người phần tinh thần, tâm linh. Triết học là cái ở giữa. Có lúc triết học chìa tay ra với khoa học. Có lúc chìa tay ra với tôn giáo. Khoa học rất giá trị, nhưng nếu chỉ có khoa học mà không có tôn giáo, con người có nguy cơ đánh mất phần hồn. Đó chính là nguy cơ trong xã hội hiện đại.
      Ý kiến thứ hai của bạn là câu hỏi: chỉ có 1 con đường đúng đắn để nhận thức được chân lý cuối cùng của tự nhiên, hay có nhiều con đường đúng đắn để cùng nhận thức chân lý? Xin trả lời: có nhiều con đường khác nhau cùng dẫn tới chân lý. Nhưng nếu chân lý đó là thực tại thì mỗi con đường đó chỉ phản ánh một phần của thực tại thôi, không phản ánh toàn bộ thực tại được. Vì thế để có một bức tranh thực tại phong phú nhất, hãy mô tả chân lý bằng nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, nhận định của Robert Jastrow cho thấy khoa học và tôn giáo mô tả sự Sáng Thế về cơ bản là giống nhau. Nhưng Stephen Hawking không đồng ý với Jastrow. Đơn giản vì Hawking chỉ có một con mắt khoa học thuần túy. Trong khi Jastrow có hai con mắt, một mắt khoa học, một mắt tôn giáo. Con mắt vô thần tự làm nghèo thế giới, làm nghèo cuộc sống của con người. Một vấn đề khoa học được luận giải dưới con mắt triết học và thậm chí thần học bỗng sinh động hấp dẫn hẳn lên, vì nó mang lại cho con người cảm giác hạnh phúc khi thấy rõ Ý NGHĨA của chủ đề khoa học đó. Bạn nói rất đúng: Nếu trường hợp thứ 2 đúng, thì chúng ta có nhiều sự lựa chọn. Nhưng bạn nghĩ sao về tinh thần thờ cúng của người VN? Ngay cả những người vô thần cũng thờ cúng đấy. Dù họ không tin Chúa, thậm chí không tin Phật, nhưng họ vẫn có một ban thờ gia đình đấy. Họ thờ tổ tiên. Tại sao vậy? Vì họ không yên tâm khi sống chỉ tin vào những gì trông thấy. Họ vẫn tin vào những giá trị tâm linh nhất định nào đấy. Họ vẫn thầm cầu xin tổ tiên phù hộ đấy. Đó là bản chất tâm linh, bản chất tôn giáo trong mỗi người. Vậy dù chúng ta thảo luận học thuật cao siêu đến đâu cũng chớ nên thoát ly thực tế. Một người có phổ thẩm mỹ âm nhạc rộng có thể thưởng thức cả cổ điển lẫn nhạc hiện đại. Tâm hồn của Hawking quá nghèo nàn so với những nhà khoa học uyên thâm như ông hoặc hơn ông mà tôi sẽ đề cập tới trong bài viết tiếp theo. Nói cách khác, nếu chân lý đối với Hawking chỉ là một cái cột nhà thôi thì đối với những người như Jastrow nó là cả một lâu đài.
      Ý kiến thứ ba của bạn: khoa học thuần túy CHƯA thể giải quyết Nan đề Sáng Thế hay KHÔNG thể giải quyết vấn đề này? Xin trả lời: Tôi không phải một nhà tiên tri. Tôi không dám đoán ngày mai sẽ ra sao chứ đừng nói đến chuyện tiên đoán một vấn đề to lớn vĩ đại như vấn đề liên quan đến Sáng Thế. Nhưng tôi dám nói những điều sau đây: khoa học KHÔNG bao giờ trả lời được câu hỏi đầu tiên – khoa học không bao giờ trả lời được câu hỏi “điểm kỳ dị” từ đâu mà ra. Để trả lời câu hỏi này, chỉ có thể đánh đổ Lý thuyết Big Bang, làm cho cái điểm kỳ dị ấy biến đi. Đó chính là cách các nhà khoa học đã làm, và đã thất bại (như tôi đã nói trong bài). Xin nhớ rằng Lý thuyết Big Bang đã được kiểm chứng bằng thực nghiệm – đã ghi nhận được những vi sóng tàn dư của vụ nổ đầu tiên.

      Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn bạn. Rất mong bạn quan tâm tới PVHg’s Home. Ý kiến của bạn làm cho trang nhà của tôi sinh động hơn rất nhiều. Xin gửi lời chào thân ái

      Phạm Việt Hưng

      Thích

  3. chào Chú,
    Định hỏi chú một vài điều về Entropi, nhưng thấy hiểu biết mình về đề tài này ít quá nên search google thấy lại bài viết: “tìm con mèo đen trong bóng tối” ờ trang Vietscience, lại thấy hay quá: “Tất nhiên chúng ta không thể trở thành những người theo thuyết bất khả tri. Chính những mâu thuẫn của nhận thức kích thích chúng ta sống, làm việc và cảm thấy vui thú, hạnh phúc.”

    Thanks chú vì những phần trả lời rất cặn kẽ và chi tiết…

    Chú có thể cho cháu hiểu thêm về Entropi trước và sau Big Bang là như thể nào?
    Thanks!

    Thích

    • Bạn Thế Uy thân mến,
      Entropy là một khái niệm nẩy sinh từ Nhiệt-động-lực-học (Thermo-dynamics), nhưng đã trở thành một khái niệm sử dụng trong nhiều lĩnh vực của khoa học, với cách hiểu nói chung là một đại lượng đo mức độ hỗn loạn (disorder) của một hệ thống.
      Stephen Hawking mô tả khái niệm này một cách dễ hiểu trong cuốn “Lược sử thời gian”. Bạn nên tìm hiểu khái niệm này qua cuốn sách đó. Bạn sẽ thấy một quy luật chung là Entropy chỉ có thể tăng lên chứ không giảm đi theo chiều thời gian. Nói cách khác, Entropy và Thời gian là hai đại lượng biến thiên cùng chiều. Do đó có thể lấy cái này xác định cái kia: Entropy là một hàm đồng biến theo thời gian, ngược lại, thời gian chỉ biến thiên theo một chiều xác định là chiều tăng của Entropy.
      Vũ trụ vật chất kể từ Big Bang là một hệ thống có Entropy không ngừng tăng. Hiện tượng vũ trụ dãn nở cho thấy Entropy tăng rõ rệt.
      Có người nói rằng xã hội loài người cũng là một hệ thống có Entropy tăng. Tôi thấy đúng.
      Còn Entropy trước Big Bang thì tôi không rõ, vì theo tôi, không có vật lý học trước Big Bang, hoặc nếu có thì cũng không đáng tin cậy. Thank toy Thế Uy very much for your comments. PVHg

      Thích

      • Cám ơn chú nhiều!
        Thực sự cháu đang đi tìm một định nghĩa đúng nhất về Entropy, và hôm nay đã được chú giải đáp. Cháu thấy thỏa mãn!
        Bấy lâu nay cháu có một vài suy nghĩ về đề tài này (nhưng vẫn sợ mình chưa hiểu đúng về khái niệm Entropy…) may thay những gì chú nói thì cùng với mạch suy nghĩ của cháu….
        Một lần nữa Thanks chú!

        Thích

  4. Cháu còn một ý kiến nữa muốn được sự chia sẻ góp ý từ chú:
    Cháu có 1 thắc mắc là tại sao khoa học không làm dịu NAN ĐỀ SÁNG THẾ bằng cách đồng nhất Vụ nổ lớn BigBang, Đấng sáng thế và điểm ban đầu là một (chẳng qua chỉ là các cách gọi khác nhau). Có lẽ, nếu coi vậy sẽ giảm bớt được sự căng thẳng giữa vô thần và hữu thần.
    1, Đầu tiên là các nhà khoa học vô thần, khoa học thuần túy luôn muốn tìm cho ra điểm ban đầu của vạn vật hoặc là tránh nó đi. Như chú đã trả lời cháu lần phản hồi trước, khoa học có một cách để tránh điểm ban đầu là đánh đổ lý thuyết BigBang, làm cho cái “điểm kỳ dị” ấy biến đi, nhưng đã thất bại. Nếu đã vậy, tại sao họ không coi BigBang chính là điểm khởi đầu, là Đấng sáng thế.
    – Thứ nhất, khoa học sẽ không phải từ bỏ lý thuyết BigBang (lý thuyết tỏ ra thành công nhất trong việc mô tả nguồn gốc của vũ trụ, tính đến giờ).
    – Thứ hai, họ sẽ không phải đặt câu hỏi : “Cái gì sáng tạo ra BigBang ?”. Vì khi coi BigBang chính là điểm khởi đầu thì câu hỏi đó trở thành vô nghĩa. Một điểm khởi đầu thì không có cái gì tạo ra nó, nếu nó được tạo ra thì nó không còn là khởi đầu.
    – Thứ ba, các nhà khoa học vô thần sẽ tránh được cái vòng vô tận trong công cuộc tìm kiếm sự sáng tạo vạn vật. Giả sử họ tìm ra 1 cái X gì đó tạo ra vụ nổ BigBang, với lối tư duy lý tính logic quen thuộc, họ sẽ lại đặt câu hỏi cái gì tạo ra X, nếu tìm được Y họ sẽ lại tiếp tục hỏi cái gì tạo ra Y. Cứ như thế, những câu hỏi sẽ không bao giờ kết thúc và câu trả lời cuối cùng về điểm ban đầu cũng không được tìm ra. Nếu coi BigBang chính là điểm ban đầu ấy thì họ sẽ không phải tìm gì nữa, việc còn lại của khoa học là mô tả những gì xảy ra sau BigBang.
    – Thứ tư là vấn đề về mặt tâm lý, việc đồng nhất BigBang với Đấng sáng thế hay điểm ban đầu có thể làm hài lòng tâm lý phần lớn những người vô thần. Cháu nghĩ rằng, những người vô thần không phải hoàn toàn không có lòng tin vào Chúa, Thượng đế hay những vấn đề tâm linh, chẳng qua họ không muốn tin vào một vị Thượng đế đầy quyền năng, phép thuật thần thông như trong các truyện thần thoại mô tả. Việc đồng nhất BigBang với Chúa có lẽ sẽ khiến Chúa hay Thượng đế gần gũi và dễ tin hơn với giới vô thần.
    2, Đối với những người hữu thần (kể cả những người sùng đạo), một kịch bản vũ trụ mà ở đó Đấng sáng thế, BigBang và điểm ban đầu cùng là một sẽ không gây trở ngại gì cho họ. Đó là 1 kịch bản mà Chúa (BigBang) vẫn là trung tâm của sự sáng tạo. Không những vậy, việc khoa học không thể mô tả “điểm kỳ dị” BigBang bằng bất cứ phương pháp khoa học nào càng củng cố đức tin của những người hữu thần về 1 Đấng sáng thế vượt lên trên khoa học, huyền hoặc, ảo diệu chỉ có thể CẢM bằng trực giác và niềm tin chứ không thể THẤY bằng lý tính hay logic. Ở đó, khoa học nên có 1 điểm dừng để im lặng và nhường lại tiếng nói cho đức tin, cảm nhận.

    Cảm ơn chú đã dành thời gian đọc những ý kiến thắc mắc của cháu, cháu mong nhận được phản hồi chia sẻ từ chú!

    Thích

    • Bạn Happinesssss thân mến,
      Tư tưởng của bạn chính là tư tưởng hiện đại: dưới ánh sáng của nhiều sự kiện khoa học mới nhất, nhiều nhà khoa học và nhà tư tưởng đều nhận ra rằng quan điểm coi khoa học xung đột với tôn giáo là ấu trĩ. Thực ra khoa học chẳng có gì mâu thuẫn với tôn giáo cả. Khám phá của khoa học thậm chí là bằng chứng ngày càng rõ hơn cho thấy công trình sáng tạo của Thượng đế là vĩ đại. Khoa học và Tôn giáo là hai phạm trù cùng phản ánh hiện thực đời sống của con người, thay vì đối chọi nhau, chúng bổ sung cho nhau. Khoa học phục vụ cho cuộc sống vật chất. Tôn giáo chăm soc cuộc sống tinh thần và tâm linh. Con người cần cả hai, vậy cớ gì cứ tạo ra sự xung đột của hai nhu cầu đó. Robert Jastrow chính là người tìm ra sự dung hòa như bạn nói. Bạn có thể tìm đọc cuốn “Ngôn ngữ của Chúa” của Francis Collins, giám đốc dự án giải mã gene người. Collins sẽ đáp ứng thắc mắc của bạn đấy. Hawking mới là người muốn bác bỏ tư tưởng của thần học. Có người nói bản thân Hawking chính là một tác phẩm kỳ lạ của Chúa. Tiếc thay tác phẩm ấy không muốn tin tác giả tạo ra mình.
      Cám ơn bạn rất nhiều vì những ý kiến thú vị. PVHg

      Thích

  5. Pingback: Nan đề Sáng Thế (Genesis Problem) | Nghiên cứu lịch sử

  6. Kính gửi Anh Phạm Việt Hưng và các bạn.

    1

    Nhân loại có lương tri, có tri thức, có trí tuệ luôn đã, đang và sẽ đi tìm kiếm Chân lý.

    Nan đề vẫn luôn là nan đề. Chưa thể giải được.

    Trên con đường đi tìm Chân lý, có ba loại người.

    2

    Loại thứ nhất, như những nhà khoa học. Họ đã cùng nhau xây nên những đỉnh núi vĩ đại. Galileo cùng Newton xây nên đỉnh núi về Chuyển động và Lực hấp dẫn. Không chịu dừng ở đây, Einstein xây nên đỉnh núi mà ở đó Thời gian cũng đã trở thành một chiều chính, cùng với ba chiều của Không gian; mà ở đó sự bẻ cong của Không và Thời gian là một hiệu ứng đẹp. Nhưng đỉnh núi này chỉ là những vì sao, chỉ là những thiên hà và vũ trụ. Niels Bohr và những người đi cùng ông nói còn cái khác nữa, còn những nguyên tử, thế giới vi mô nữa; nhưng điều của Einstein nói không đúng với thế giới này. Họ lại lập lên một đỉnh núi mới, núi của thế giới vi mô. Từ đỉnh núi này, nhận thức về sự Ngẫu nhiên đã khai lộ, bằng Nguyên lý Bất định của Werner Heisenberg. Tất định của Laplace, của Einstein thoái vị. Nhưng rồi, không chỉ là Bất định, Kurt Gödel còn cho rằng thế giới này còn Bất toàn. Toán học, khoa học đều Bất toàn. Thế giới này là bất toàn. Phải từ một hệ quy chiếu khác để nhìn vào hệ quy chiếu chúng ta đang đứng, mới thấy được bản chất của nó. Đỉnh núi về sự Bất toàn xuất hiện lặng lẽ như tính Bất toàn của tự nhiên. Cùng tư tưởng với điều này, David Bohm lập nên một đỉnh núi mới Thuyết sự vận động toàn thể, – holomovement, lấy khái niệm thứ bậc nội tại – implicate order làm cơ bản. Có một thứ bậc cao hơn, cao hơn những đỉnh núi của Einstein, của Niels Bohr,… mà tại đó cái toàn thể nằm trong từng cái riêng lẻ. Thực tại là hình ảnh của toàn vũ trụ được ẩn chứa trong từng đơn vị nhỏ nhất… Các đỉnh núi sẽ nối tiếp nhau ra đời. Đỉnh núi nối tiếp đỉnh núi. Đỉnh núi sau bổ sung, mở rộng, cao hơn các đỉnh núi trước. Cứ thế, cứ thế và cứ thế; vì luôn là phân mảnh, vì luôn chưa thể là toàn bộ. Nan đề vẫn là nan đề.
    Xin xem thêm: http://tincaytinhyeu.wordpress.com/2013/05/10/ton-giao-nghe-thuat-triet-hoc-va-khoa-hoc//

    3

    Loại thứ hai, những người đi Tìm kiếm, những con người có Tính Tôn giáo. Không kể những con người đang cầu xin để được lợi lộc, lợi lộc cho ngay kiếp này, để có cái giấy thông hành tốt đi vào kiếp sau; không kể những con người này. Những người Tìm kiếm chân chính, họ đã tìm kiếm từ nhiều, nhiều kiếp trước. Nhưng Chân lý không thể, không bao giờ dần dần hiển lộ. Chân lý không từ từ mọc lên như Ánh Bình minh phia chân trời. Có thể đến gần Chân lý, nhưng không thể tiếp cận Chân lý từ từ. Không là như vậy. Nếu hiển lộ Chân lý sẽ hiển lộ toàn bộ đồng thời. Nên những người Tìm kiếm khi chưa Chứng ngộ thì không thể biết được Chân lý. Nan đề vẫn là nan đề.

    4

    Loại thứ ba, những người Chúng ngộ. Họ đã biết Chân lý. Gautama Buddha im lặng, luôn im lặng và đến giờ vẫn im lặng với câu hỏi này. Lao Tzu bị bắt buộc phải viết, viết về Chân lý, lại viết rằng:

    “Tao có thể nói ra
    không là Tao thường hằng”

    Jesus Christ người luôn lê bước cùng nhân loại khổ đau, thì luôn ngụ ý, ngụ ý vì nhân loại lầm than:

    “Thượng đế là Tình yêu”

    Hãy yêu thương nhau đi. Ngài chuyển Thượng đế thành động từ. Osho, con người mạnh mẽ, ông ấy hé mở, chỉ ông ấy mới hé mở:

    “Chân lý có thể được truyền trao, nhưng nó chỉ có thể được truyền trao từ hiện hữu sang hiện hữu. Nó cái vô lời. Nó cái không thể được truyền trao qua ngôn ngữ. Tại sao chân lí không thể được nói ra? Khó khăn là gì? Chân lí không thể được nói ra bởi nhiều lí do. Lí do đầu tiên và cơ bản nhất là: chân lí bao giờ cũng được nhận ra trong im lặng. Khi việc nói bên trong của bạn đã chấm dứt, thế thì nó được nhận ra. Và cái mà bạn nhận ra trong im lặng, làm sao bạn có thể nói nó qua âm thanh được? Nó là kinh nghiệm. Nó không phải là ý nghĩ. Nếu nó là ý nghĩ thì nó có thể được diễn đạt, sẽ không có rắc rối trong nó. Dù ý nghĩ có tinh vi hay phức tạp đến đâu, người ta vẫn có thể tìm ra cách để diễn đạt nó.

    Nhưng chân lí không thể nào được diễn đạt bởi vì chính việc đạt tới nó là thông qua im lặng, vô âm thanh, vô ý nghĩ. Bạn đạt tới nó qua vô trí, tâm trí bị vứt bỏ. Và làm sao bạn có thể dùng cái gì đó như một điều kiện phải bị vứt bỏ trước khi chân lí có thể được đạt tới? Tâm trí không thể nào hiểu nổi, tâm trí không thể nào nhận ra được, làm sao tâm trí có thể diễn đạt được? Nhớ điều đó như qui tắc: nếu tâm trí có thể đạt tới, tâm trí có thể diễn đạt; nếu tâm trí không thể đạt tới được nó, tâm trí không thể diễn đạt được nó. Tất cả các ngôn ngữ đều vô tích sự. Chân lí không thể nào được diễn đạt.”

    Những con người Chứng ngộ họ đã biết cái nhân loại không biết; cái họ biết, chỉ mình họ biết, họ không thể diễn tả. Nên, Krisnamuti nói rằng:

    “Chân lý là mảnh đất không lối vào”

    Nhưng tìm kiếm luôn thôi thúc. Nó không phải ham muốn; ham muốn thuộc về Tâm trí. Nó là nguyện ước; nguyện ước phát triển Tâm thức. Nên tôi đốt lửa, bạn đốt lửa, chúng ta luôn đốt lửa. Đốt lửa đi tìm Chân lý.

    Trân trọng.
    Cư sỹ Minh Đạt.

    Thích

  7. Chính thống các nhà khoa học gia cũng như anh còn nhận định rõ là tất cả mọi thứ trong vũ trụ đều có giới hạn và ở trong khuôn khổ của sự tuần hoàn theo quy định luật mà trong đó phổ vĩ mô và phổ thời gian luôn đóng vai trò quan trọng bật nhất cho tất cả mọi sự dao động. Có thể nói sự nhận thức của con người một phần nào cũng tương tự như vậy lẽ đó chúng ta cảm nhận càng đi thì con đường nó càng dài vô tận, chắc không bao giờ nghỉ tới sẽ tìm ra được chân lý. Nhưng đối với những ai không đố kỵ, có lòng vị nhân thì con đường đi tới không phải là một thách đố gian nan mà là một niềm vui nếu biết trân trọng đón nhận.

    Tôi tin có chân lý nhưng trong tư tưởng của tôi chân lý dường như không tồn tại trong giới hạn của chúng ta, nó như một thứ chân tình bất biến. Chúng ta có thể nghỉ chân lý như là một cái cây, và chúng ta là một trong hàng vạn nhánh cây khác. Nếu chúng ta đơn giản hình dung thì chúng ta có thể nghỉ sẽ tìm được chân lý bằng cách là tìm ra nguồn mạch của thân cây bắt đầu từ trên xuống dưới nhưng khi xuống dưới rồi thì chúng ta mới vỡ lẽ còn có biết bao nguồn mạch khác nữa đó là chưa nói tới một phần nhỏ chung qui phổ quất thời gian trong vũ trụ của chúng ta.

    Thành thật, sự nhận thức và phổ tư duy của con người cộng thêm niềm tin về vũ trụ cố gắng vượt qua sự giới hạn của mình cũng là một thành tựu đáng mừng bởi vì chúng ta mang trong mình tâm hồn biết rung động, và biết bộc lộ được tình cảm nhẹ nhàng và sâu sắc.

    Thích

  8. Bản thể vũ trụ này vốn là Như Lai tàng. Như Lai không đến mà cũng không đi, vũ trụ này không có khởi đầu hay kết thúc, chẳng qua chúng sanh mê mờ Như Lai tàng nên mới thấy có sanh-tử, khởi đầu-kết thúc. Vạn pháp cũng như vũ trụ vốn VÔ SANH.

    Trứng có trước hay gà có trước?
    Nếu nói rằng trứng không ở trong con gà thì nó không thể sinh ra được từ con gà. Còn nói có rồi thì ĐÂU CẦN PHẢI SINH RA NỮA. Nó chỉ thay đổi và lớn lên thôi. Vậy ta nói nó sinh ra, nhưng thực ra bản chất là vô sinh.

    Thực ra mỗi hiện tượng trong vũ trụ chỉ là cái “BÓNG” của thực tại “TÁNH KHÔNG”. Cũng như ta dùng đèn soi vào vật thể thì mỗi góc độ được cái “BÓNG” khác nhau, những cái bóng đó luôn thay đổi (sanh, tử) nhưng vật thể mẫu vẫn như vậy(VÔ SANH).

    Ví dụ: Trong truyện cổ Hy Lạp có kể một con rắn có cái đuôi rất dài, bất giác một lúc nó tưởng cái đuôi KHÔNG PHẢI NÓ rồi cứ đuổi theo cái đuôi trong thời gian vô lượng kiếp. Vậy là tự nó mê thôi, BẢN CHẤT CÁI MÊ KHÔNG CÓ NGUYÊN NHÂN, mê thì tự nó mê thôi. Bao giờ tỉnh mê thì mới rõ cái đuôi vốn dĩ của mình, kể cả lúc đang mê cái đuôi vẫn là của mình, đâu cần đuổi bắt cho mệt nhọc !!!

    Trong ví dụ trên
    con rắn= Như Lai tàng
    cái đuôi bị mê=vũ trụ, chúng sanh (chánh báo, y báo)
    Thực tướng của “cái đuôi bị mê” là con rắn
    Thực tướng của vũ trụ,chúng sanh (chánh báo, y báo) là Như Lai tàng
    Trong lúc chúng sanh bị mê Như Lai tàng biểu hiện thành hình tướng vũ trụ, nhưng mà Như Lai tàng vẫn nguyên đó.

    Trong Kinh Lăng Nghiêm nói:
    Như Lai tàng vốn là tánh giác (tánh biết) viên mãn vô cùng như con rắn dài vô cùng, nhưng không biết mình là giác lại đi tìm hiểu thêm tánh giác (vọng giác) cũng như con rắn không biết cái đuôi vốn là của con rắn việc gì phải đuổi theo, mình vốn là biết việc gì phải biết thêm làm gì.
    Chúng sanh không biết tánh mình vốn tự đầy đủ, lại còn cầu tìm bên ngoài, thực ra những thứ bên ngoài cũng chỉ do tánh giác của mình biến hiện ra thôi, chỉ cần buông xả là mình chẳng thiếu thứ gì. Như con rắn đừng đuổi theo cái đuôi nữa thì mới nhận ra mình giàu có vô cùng, chẳng cần nhọc công đuổi bắt mà vẫn có “cái đuôi”. Đây là trạng thái vô sở đắc, vô sở chứng của Phật, tuy không sở hữu cái gì nhưng thực ra sở hữu rất lớn, lớn vô cùng. Chứ còn A-la-hán vẫn còn chứng đắc nên chưa bằng Phật. Lão Tử nói: Cái gì trông đầy nhưng thực ra trống không, Cái gì trống không nhưng thực ra rất đầy.

    KẾT LUẬN: -Về mặt Tục đế, vũ trụ có khởi đầu bằng niệm mê mờ từ vô thủy vô minh, các niệm đó cứ nối tiếp liên tục cho nên ta thấy vũ trụ luôn vận động thay đổi không đứng yên.
    -Về Chân đế, vũ trụ VÔ SANH chẳng có khởi đầu kết thúc, Như lai tàng vẫn như vậy, cũng như con rắn trước sau vẫn là con rắn.

    <<>>Mê mà có nguyên nhân thì không là mê.

    Thích

    • Cám ơn bạn Huynh vì sự chia sẻ.
      Ý kiến của bạn rất hay. Có thể Stephen Hawking cũng được nghe những ý kiến tương tự như của bạn đấy.
      PVHg

      Thích

      • Xin lỗi, cháu còn thiếu một câu rất quan trọng:

        Vũ trụ Có khởi đầu nhưng không có Đấng sáng thế vì vũ trụ là một cơn mê mà mê thì không có nguyên nhân. Mấu chốt vấn đề là MÊ KHÔNG NGUYÊN NHÂN.

        Phật dạy: Pháp vốn như vậy, Phi nhân duyên, phi tự nhiên, phi hòa, phi hợp.

        Trong Trung Quán Luận ngài Long Thọ cũng phá nhân duyên, nếu có Đấng sáng thế là rơi vào nhân duyên rồi.

        Xin lỗi chú, “Có thể Stephen Hawking cũng được nghe những ý kiến tương tự như của bạn đấy” là ý gì?

        Thích

      • Ý nói rằng những thảo luận của bạn thuộc phạm trù siêu hình chứ không phải là khoa học. Stephen Hawking có thể đã chịu ảnh hưởng của những quan điểm siêu hình tương tự, nhưng ông ấy lại sử dụng để lý luận về khoa học. Đó là lẫn lộn hai phạm trù nhận thức khác nhau. Tuy nhiên bạn có thể bảo lưu ý kiến của bạn, vì mọi ý kiến đều được tôn trọng. Khi ý kiến khác nhau thì sự thảo luận cũng có hạn, vì thảo luận tiếp tục cũng không làm thay đổi ý kiến của mỗi người. PVHg

        Thích

    • To Huynh,

      Triết lí đạo Phật thật cao thâm (đến nỗi hiểu thế nào cũng được, nói thế nào cũng xong).

      Tuy nhiên bạn chỉ nên dùng nó để “minh họa”, chứ không thể “giải thích”, vũ trụ quan của bạn được.

      Ai lại “kinh Phật nói thế này, nên kết luận nó là thế kia” được, phải không bạn?

      Thích

      • Xin lỗi chú Hưng, ở đây có sự hiểu lầm, đó là do lỗi DIỄN ĐẠT của cháu chứ không có ý áp đặt chân lý hay công kích đâu.

        Trong bài Nhận Xét đầu tiên, cháu cứ lan man về mê với ngộ mà lại quên chủ đề là “Đấng sáng tạo” chưa đưa ra câu trả lời, cho nên trong nhận xét 2 cháu BỔ SUNG câu trả lời: Vũ trụ có khởi đầu nhưng không có đấng sáng tạo.

        Còn câu “Có thể Stephen Hawking cũng được nghe những ý kiến tương tự của bạn đấy” là ý gì? không phải là CÔNG KÍCH mà cháu thắc mắc:

        1. Stephen Hawking có quen biết cháu đâu mà nghe được ý kiến này?
        2. Chả lẽ chú Hưng lại gửi ý kiến này cho Stephen Hawking chắc?

        Thực ra Kinh Phật chỉ là lời tạm để diễn đạt Chân lý mà thôi chứ không phải bản thân chân lý. Chính Phật đã bảo “Những gì có thể dùng ngôn từ nói ra đều không thật” mà Phật cũng khuyên: Đừng vội tin những gì ta nói, hãy như người trí chỉ tin vàng đã qua thử lửa.
        Chân lý vốn không thể nói được mà phải “gượng nói” ra, sợ người đời chấp Kinh Phật là chân lý nên trước khi nhập Niết bàn Phật nói: 49 năm thuyết pháp Như Lai chưa nói một lời. Kinh Phật chỉ như chiếc bè qua sông, qua rồi thì nên vứt bỏ. Nhưng rốt cuộc người đời sau lại chấp vào kinh điển chữ nghĩa, không thấy chân lý nên Tổ Đạt Ma sang Trung Hoa truyền Thiền Tông với thông điệp “chỉ thẳng chân lý, không lập chữ nghĩa”. Tổ Lâm Tế, Đức Sơn vì không nói được nên đánh, hét,… để người cầu đạo thấy chân lý.
        Lục Tổ Huệ Năng nói:
        Cái gì chân thì nó tự chân
        Nếu thấy chân thì không phải chân rồi

        Hay đơn giản trong cuộc sống: Con mắt tự nó là con mắt, nếu thấy được con mắt (soi gương, chụp ảnh) thì không phải là con mắt rồi.

        Kinh Phật chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng, chỉ là lời “gượng nói” để tả cái không nói được.

        Chú nói rất đúng: Kinh Phật chỉ là để “minh họa” chân lý thôi chứ kinh Phật không phải là bản thân chân lý mà đem dùng làm “Tiên Đề” để “giải thích” vũ trụ được.

        Cháu đã dùng kinh Phật làm “Tiên Đề” rồi nói “Kinh Phật nói thế này, nên kết luận nó là thế kia” là sai. Cái lỗi của cháu là coi kinh Phật là chân lý rồi áp đặt thành “Tiên Đề” mà không biết kinh Phật chỉ là “gượng nói”

        Cháu mới có ý nghĩ thế này, Lục Tổ nghe đến câu “Ưng vô sở trụ” (Không trụ vào đâu) mà ngộ đạo là có lý do: mọi người đều chấp lấy ý kiến của mình đúng rồi làm thành Tiên Đề mà kết luận vấn đề cho nên không thấy “Thực tướng”. Lục Tổ không trụ vào đâu (không lập Tiên Đề) nên ngộ được thực tướng. Như Toán học TRỤ vào tiên đề nên mới có Định lý bất toàn; Vật lý TRỤ vào hạt, sóng, dây,…. nên không rõ thực tại, ví dụ như trước kia TRỤ vào hạt (lập Tiên đề hạt có thật mà suy diễn toàn bộ vũ trụ) nên gặp mâu thuẫn, bây giờ mới biết “hạt” chỉ là giả lập chứ không có thật.

        Mời chú Hưng ghé thăm: dangconghanh.wordpress.com (nhìn Phật học qua con mắt khoa học) đọc bài “Mê và Ngộ” cùng các bài khác.

        Thích

      • Bạn nói đúng đấy: câu chuyện của chúng ta vô tình khác nhau về tiên đề.
        “Ưng vô sở trụ” (không trụ vào đâu) mà ngộ Đạo. Đó là một tư tưởng của Lục Tổ. Một tư tưởng rất cao, dạy con người phải thoát khỏi mọi ràng buộc và hệ lụy thì mới có cơ may chứng được Đạo. Đó là một tiên đề dành cho những ai muốn tiến tới Đạo, ngộ Đạo, chứng Đạo.
        Nhưng khi bạn đem tư tưởng của Lục Tổ để bàn về một lĩnh vực không thuộc Phật giáo, thì có nghĩa là bạn đã đem một tiên đề của hệ tư tưởng này áp vào một hệ tư tưởng khác, thì điều đó không còn phù hợp nữa.
        Không tồn tại một hệ tư tưởng nào mà không có tiên đề của nó.
        Đó là lý do tôi không tranh luận, mà chỉ chia sẻ. Vì tranh luận sẽ vô tận, mất thì giờ. Chia sẻ thì có thể tìm thấy sự hòa đồng có ý nghĩa.
        Cám ơn bạn rất nhiều vì sự chia sẻ.
        PVHg

        Thích

  9. Cái “CÓ” là cái tồn tại hay cái “KHÔNG ” là cái tồn tại? Ánh sáng có trước hay bóng tối có trước ? Con gà có trước hay trứng gà có trước?
    Cái CÓ là cái hiện hữu, cái KHÔNG chỉ là một khái niệm chỉ sự VẮNG MẶT cái CÓ, cái “KHÔNG” không có sự tồn tại của riêng nó, hay nói cách khác, cái KHÔNG chỉ là hư vô, cái CÓ là cái DUY NHẤT.
    Cũng giống như vậy, bóng tối đơn giản chỉ là sự thiếu ánh sáng, bóng tối không có sự tồn tại của riêng nó, có tốc độ ánh sáng nhưng không có tốc độ bóng tối, vì đó chỉ là sự tắt đi của ánh sáng, hay nói cách khác, bóng tối chỉ là hư vô, và hư vô chỉ là một khái niệm, nó không có một bản thể của riêng nó, HƯ VÔ- Cái KHÔNG là cái không tồn tại, cái CÓ là cái DUY NHẤT hiện hữu.
    Con gà có trước hay trứng gà có trước? Theo thuyết tiến hóa thì con gà được tiến hóa từ một loài động vật khác trước nó, vậy con gà có trước, và con gà sinh tra trứng gà, nên trứng gà có sau. Đơn giản và trong sáng như trẻ thơ, không mông lung, ảo tưởng mơ màng.
    Việc công nhận thuyết tiến hóa không phải là phủ nhận Thượng Đế, đừng nhầm lẫn.Việc này đã được nói đến từ bài huấn từ của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho ủy ban Khoa Học Tòa Thánh vào ngày 22/10 năm 1996. Tiến hóa là một quy luật. Điều này sẽ được nhắc đến sau.
    Do đó, trong mô hình vũ trụ hữu hạn nhưng không có biên về không -thời gian, Hawking phát biểu “vũ trụ là một hệ tự thân sinh ra các định luật, không bị ảnh hưởng bất cứ điều gì bên ngoài nó, vũ trụ có thể tự tạo ra nó từ hư vô” là một kiểu “lập lờ đánh lận con đen”, một cách phát biểu khoa học không trong sáng, dễ gây ảo tưởng mơ màng.
    Cái hư vô mà Hawking nói đến là không gian trống rỗng với mức năng lượng cực tiểu thể hiện dưới các dao động lượng tử là các cặp hạt ảo liên tục sinh ra và hủy lẫn nhau. Hawking đang cố tình đưa cái “hư vô” lập lờ vào chỗ này để gây cho người khác cái mơ màng. Cái hư vô hay cái trống rỗng ở đay là cái không tồn tại, mà cái tồn tại ở đây là các dao động lượng tử, là các cặp hạt ảo, đó là cái CÓ, vậy cái CÓ này ở đâu mà có? Chạy trời cũng không khỏi nắng. Hawking cố tình muốn lảng tránh và chối bỏ Thượng Đế mặc dù điều này sẽ dẫn đến việc ông phải phá bỏ toàn bộ các công trình của ông trước đây về các kỳ dị lỗ đen.
    Mặc khác, phát biểu của Hawking liên tiếp vi phạm 2 định luật. Thứ nhất vi phạm một định luật vậy lý là định luật bảo toàn năng lượng “ năng lượng không mất đi mà cũng không tự sinh ra, chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác, thứ hai vi phạm định lý toán học là định lý bất toàn “ Một hệ cô lập không thể tự quy chiếu cho nó” ( Ví dụ như một anh thợ hớt tóc không thể tự hớt tóc cho mình mà phải nhờ người khác hớt, một bác sỹ phẫu thuật phải nhờ một bác sỹ khác để phẫu thuật cho mình chứ tự mình không thể làm điều đó, cha mẹ ta sinh ra ta nhưng cha mẹ không thể tự sinh ra cha mẹ được)
    Thuyết tiến hóa là một quy luật tự nhiên, cũng như những định luật vật lý khác của thiên nhiên, ta có thể xem như là phần mềm, còn vũ trụ vật chất là phần cứng, phần mềm này sẽ điều khiển phần cứng hoạt động theo những quy luật đã được lập trình sẵn. Và phần mềm, hay quy luật này phải có ai đó tạo ra ( như luật giao thông, luật hình sự, luật dân sự… là do con người tạo ra). Bản thân phần cứng không thể tự tạo ra phần mềm để điều khiển mình được.( vì nếu như vậy lại vi phạm vào hệ cô lập tự quy chiếu ). Câu trả lời cho “ai đó tạo ra?” thì chỉ có một, chỉ mong con người đừng quá cố chấp.
    Tôn giáo ở phương Đông có một quan niệm tuần hoàn về lịch sử. Đó là niềm tin lịch sử phát triển theo đường tròn, không có điểm bắt đầu và không có kết thúc ( vì trên đường tròn không có điểm đầu và điểm cuối), các nền văn minh khác nhau phát triển và lụi tàn trong sự tương tranh vĩnh cữu giữa sinh và diệt. Con người có thể đạt được tới “tinh thần vũ trụ” hay nhận ra được chân lý qua luyện tập tự giác ngộ và thiền định, do đó họ chọn lối sống khổ hạnh và ẩn dật, vì chân lý trong ta chỉ có ta nhận ra, chỉ có ta giúp ta thoát khỏi luân hồi, không ai có thể giúp được ta.
    Tôn giáo phương Tây trái lại có một quan niệm tuyến tính về lịch sử. Nói cách khác, lịch sử được xem như một đường thẳng liên tục kéo dài, có điểm bắt đầu và có điểm kết thúc. Chúa có thể can thiệp vào tiến trình của lịch sử.
    Với sự nhấn mạnh vào các hoạt động của Chúa trong tiến trình lịch sử, họ đã chú trọng vào việc ghi lại lịch sử từ nhiều nghìn năm. Và cội rễ lịch sử này đã hợp thành chính cốt lõi cho Kinh Thánh.
    Từ khi loài người sa ngã, con người với Thiên Chúa luôn có một khoảng cách mà bản thân con người không thể vượt qua, lúc này trong mắt Chúa, không một ai là trong sạch tuyệt đối, không một ai là hoàn hảo tuyệt đối. Khoảng cách này để dành cho sự cứu rỗi bằng hành động khiêm tốn và ăn năn của ta, lúc đó Chúa sẽ dang nay nắm lấy, kéo ta ra khỏi cái hố sâu này. Triết lý của đạo Công giáo chỉ đơn giản vậy thôi “ Khiêm tốn và ăn năn” thì sẽ được cứu rồi. Cái hố sâu khoảng cách này chính là “ Hệ tự quy chiếu”. Con người cố gắng nhảy qua cái hố này luôn đụng phải một bức tưởng rơi lại vào vòng lẩn quẩn cho đến khi biết khiêm tốn, ăn năn, chấp nhận mình nhỏ bé, tội lỗi thì sẽ được cứu rỗi. Tự giác ngộ không thể đạt được ( rơi vào hệ tự quy chiếu), đó là giới hạn, là quy luật, cũng như thuộc tính về thời gian là do Chúa đã tạo ra cho con người từ khi loài người sa ngã.
    Hãy Hồn nhiên và trong sáng như trẻ thơ. Một lần Chúa Jesus đã nói với các tông đồ “ Quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước Thiên Đàng đâu. Vậy, hễ ai trở nên khiêm nhường như đứa trẻ nầy, sẽ là lớn hơn hết trên nước Thiên Đàng” (Ma-thi-ơ 18:3,4)
    Chúa Jesus nhấn mạnh tiếp “Ai chẳng nhận lấy nước Đức Chúa Trời như một đứa trẻ, thì chẳng được vào đó bao giờ”( Mác 10:15)
    Là người công giáo chân chính, chúng tôi không ép, không ép, và hoàn toàn không ép buộc ai phải tin có Thượng Đế, nhưng chúng tôi sẽ thuyết phục các bạn bằng niềm tin, bằng trái tim và tất cả tình yêu thường vì chúng ta đều là anh em, như tay với chân, tất cả sống đều có sứ mệnh của mình trong công cuộc làm sáng danh Chúa.

    Đã thích bởi 1 người

  10. Thật là vui khi đọc qua các bàn luận. Mọi người đều thích triết lý. Bản thân vật lý khởi đầu là triết học về tự nhiên mà, ít ra là quan điểm của Newton. Trở lại nội dung chính, cho đến hiện tại tôi không hiểu là ‘TKTM’ của thầy Hưng muốn nói có liên quan gì đến siêu hình (meta physics) hay không? Nếu có thì sự tương quan của nó với cái gọi là ‘khoa học’ đang đề cập? Nếu không thì nó là gì…! Hay là không thể luận bàn (tiên đề)? Thế thì nó có vẽ giống với cái..”niết bàn” của nhà Phật, là cái ‘bất ngôn khả thuyết’ hay ‘bất lập văn tự’.

    Xoay trở lại đề tài khoa học. Hư không là gì? Có lẽ có hai loại hư không. Một là cái không gian rỗng không có gì hết, đây cũng là ý niệm của Einstein và cũng là ý niệm vật lý hay hình học cổ điển. Các trường có trong đó là vật chất. Tất nhiên vì lý do nhất định, Einstein sáng tạo ra loại không gian rổng này có co nén và cong bởi trường hấp dẫn. Vật chất chuyển động không theo lực hấp dẫn mà theo độ cong của không gian. Thứ hai: hư không nội tại. Nghĩa là cái thể cuối cùng của tâm thức…dù phật giáo không thừa nhận hoàn toàn ý niệm hay cách diển giải này.

    Một cái thùng chứa nước thì không có hư không trong đó, vì trong thùng có…nước! Thế nước cấu tạo bởi gì? Vật lý cho biết là do bởi nguyên tử, các hạt sơ cấp, hạt cơ bản v.v… là các lepton và đi kèm với nó là các boson (các hạt mang lực). Sâu xa hơn nữa là các hạt này có tính sóng. Cuối cùng hiện đại nhất là một sợi dây (lý thuyết dây) cở thang Planck dao động sóng là hết cốt. Họ có phát biểu là không thể nói sợi dây cấu tạo bởi chất gì, đó là ‘tiên đề!’ vì nói đến chất là nói đến các nguyên tố, nó lớn hơn sợi dây cho nên đề cập về điều này là vô nghĩa.

    Thế nhưng, tôi cho rằng ‘hư không’ đang có vốn là trạng thái chân không của hình học không gian cổ điển. Nó thuộc về logic hình thức vì không cần đến chất liệu, còn chân không vật lý thì có chất liệu. Tôi cũng không muốn nói đến các hạt ảo, bổng hiện bổng mất như các thuyết về trường lượng tử của chân không từng đề cập. Cái mà tôi muốn đặt ra là có một chất liệu có trong và làm nên các hạt này! Tựa như sóng cơ học thì có nước, không khí, vật chất làm nền. Viên bi thì có thủy tinh. Cái chất nền này là cơ sở tối hậu nhất của vũ trụ. Sợi dây của thuyết dây cũng tạo lập trên chất liệu đó. Vũ trụ của chúng ta không phải xuất hiện từ hư không tuyệt đối mà từ một thể tính tối hậu dù không thể xác nhận, kiểm chứng. Có thể nói: ‘nó’ chỉ là một mô hình của tư duy. Tôi đang viết một bài về tất cả những gì mình đặt ra. Một số bài đã đăng và nhận được ý kiến tích cực từ ban biên tập. Ts vật lý Ngô Đức Thế cũng chấp nhận ý tưởng của mô hình cho thấy các bài đã viết cũng có ý nghĩa. Nó hoàn toàn khác với những gì thông dụng và vẫn đang tiếp tục. Thưa các bạn đọc: khi thế giới này không phải là từ ‘không mà có’ thì e rằng, ta buộc phải suy nghĩ khác về nó!

    Thích

  11. Rất cảm ơn tác giả về bài viết trên (Nan đề Sáng Thế / Genesis Problem)

    Nan đề Sáng Thế (Genesis Problem)

    Nhân đây tôi xin được phép phân tích một chút về lời bình phẩm của Einstein về Phật giáo. Theo tôi, Einstein đã sai khi nói về Phật Giáo.

    “ Nếu có một tôn giáo nào có thể đáp ứng với những nhu cầu của khoa học đương thời thì đó chính là Phật Giáo. ” (If there is any religion that would cope with modern scientific needs it would be Buddhism.) – Albert Einstein

    Các trang nhà Phật giáo thường trích dẫn câu khen ngợi của Einstein về Phật giáo như là một trợ lực cho tôn giáo của mình. Nếu các khám phá chìa khoá của Einstein xứng hợp với quan điểm vũ trụ của Phật giáo thì sự khen ngợi đó quả thật có giá trị. Nếu không, thì lời khen ngợi đó chỉ có giá trị biểu kiến của một cá nhân khả ngộ mà thôi

    1/ Về Einstein:

    Vào năm 1915, Einstein cho xuất bản một bài khảo cứu thuần lý thuyết về một lý thuyết vũ trụ mới gọi là thuyết Tương Đối Tổng Quát (TĐTQ – General Relativity). Theo lý thuyết này, vũ trụ là một không-thời gian bốn chiều (cao, rộng, sâu và thời gian), bị cong lại vì trong đó có sự hiện diện của năng lượng (và đương nhiên là vật chất, vì vật chất và năng lượng hoán chuyển được với nhau theo quan hệ E=mc2 theo lý thuyết Tương Đối Hẹp (TĐH – Special Relativity) cũng của Einstein). Để giúp chúng ta hình dung ra ý chính của thuyết TĐTQ dễ hơn, chúng ta hãy tưởng tượng vũ trụ bốn chiều như tấm ra trải giường được căng ra. Trên tấm ra đó chúng ta bỏ một trái banh bằng chì nặng (tượng trưng cho vật chất – hay năng lượng – hoán chuyển với nhau theo TĐH). Khi có sự hiện diện của trái banh chì, tấm ra bị lõm xuống do sức nặng của trái banh. Vũ trụ bốn chiều cũng như tấm da vậy, khi có sự hiện diện của vật chất/năng lượng, thì bị cong lại

    Hệ quả của thuyết TĐTQ là vũ trụ đang giãn nở. Vũ trụ giãn nở (VTGN) không có nghĩa là vật chất đang văng xa nhau ra trong một vũ trụ đứng yên mà chính vũ trụ đang nở ra như một cái hoa. Để giúp chúng ta hiểu rõ thêm về thuyết VTGN, tôi đơn giản hoá vũ trụ là hình cầu bốn chiều thành hình cầu hai chiều (tức là hình tròn) với các hình vuông tô đậm tượng trưng cho các thiên hà. Khi vũ trụ nở ra, tức là đường kính của vòng tròn lớn lên, khoảng cách theo đường cong giữa các thiên hà cũng tăng theo

    Khi Einstein hoàn thành công trình này, nhân loại vẫn còn tin vũ trụ là một vũ trụ tĩnh. Vì vậy để cho hợp với quan điểm của mọi người và của mình, Einstein phải ” chế ” ra và đem vào trong phương trình của mình một hằng số, gọi là hằng số vũ trụ. Hằng số này có công dụng khử đi tính động của vũ trụ, để còn lại một vũ trụ tĩnh, có nghĩa là khoảng cách các thiên hà luôn luôn bằng nhau, và thời gian là bất biến. Tuy nhiên vào năm 1929, Edwin Hubble, là một nhà thiên văn người Hoa Kỳ khám phá bằng thực nghiệm là các thiên hà thực sự đang văng xa khỏi nhau. Khám phá này xác định điều Einstein tiên đoán (nếu ông không đem vào hằng số vũ trụ). Sau khám phá này Einstein mới bỏ đi hằng số vũ trụ trong phương trình của ông, và gọi nó là lỗi lầm lớn nhất của ông (greatest blunder).

    Nếu vũ trụ đang giãn nở, thì có một lúc nào đó trong quá khứ vũ trụ chỉ là một điểm (có kích thước ZERO). “Trong” vũ trụ điểm này mật độ của vật chất là vô cực, mật độ của năng lượng là vô cực, nhiệt độ là vô cực và kích thước là ZERO. Từ một điểm này, vũ trụ nở bùng ra (gọi là Big Bang) trong bốn chiều thành kích thước của vũ trụ ngày hôm nay. Thuyết Big Bang là một lý thuyết khoa học được cả phương trình toán của Einstein (không kể hằng số vũ trụ) và quan sát thực nghiệm của Hubble xác định. Hệ quả của thuyết Big Bang là vũ trụ có một sự bắt đầu. Sự bắt đầu đòi hỏi một nguyên nhân đầu tiên. Nguyên nhân đầu tiên ám chỉ về một Đấng gây ra nó. Do đó, có khả năng cho sự hiện hữu của Thượng Đế trong thuyết Big Bang.

    2/ Phật giáo:
    Trong khi vũ trụ nói chung và thời gian nói riêng có sự bắt đầu theo thuyết Big Bang, thì theo Phật giáo thời gian là bất biến. Phật giáo cần đến điều này vì:

    – Nếu thời gian là bất biến thì không có nguyên nhân đầu tiên. Không có nguyên nhân đầu tiên tức không có Đấng gây ra nó, tức là Đấng Tạo Hoá. Không những Phật giáo không tin vào một đấng tạo hoá mà còn không tin vào sự hiện hữu của bản ngã nữa. Đối với triết lý này, niềm tin vào sự hiện hữu của bản ngã là nguyên nhân của sự đau khổ. Do vậy muốn thoát ra khỏi sự đau khổ thì chúng sinh phải giác ngộ vô ngã. Giác ngộ vô ngã được gọi là nhập Niết Bàn. Đấng Tạo Hoá, vũ trụ, chúng sinh và bản ngã, theo Phật giáo, chỉ là sản phẩm của cái ” tâm ” vì “nhất thiết duy tâm tạo. ” ( Nhưng nếu cái ” tâm ” sáng tạo ra hết mọi chuyện thì nó cũng có thể sáng tạo ra Niết Bàn và Phật Tổ.)

    – Nếu do nghiệp mà chúng sinh luân hồi mãi mãi trong thời gian vô tận, tự tồn tự tại, thì chúng sinh còn vô số cơ hội để tự sửa mình. Do đó con người không phải đối diện với Đấng Tạo Hóa cũng là Đấng cầm cán cân công lý. Đối với nhiều người theo Phật giáo, con người chính là Thượng Đế của chính mình, vì mình tạo ra nghiệp, và chính nghiệp đó sẽ tạo ra cái đời sau mà mình sẽ đầu thai vào. Do đó, nếu chúng sinh biết cách tự tu hành, thì càng ngày, kiếp sau sẽ khá hơn kiếp trước, và biết đâu một ngày, nghiệp lực tắt và cá nhân đó nhập Niết Bàn. Trong Phật giáo, chúng sinh chịu trách nhiệm với chính mình về việc mình làm chứ không cần một Đấng Phán Xét nào cả.

    Do đó, Phật giáo là triết lý tôn giáo của chủ nghĩa vô thần. Phật giáo cũng là tiến hóa luận mang màu sắc tôn giáo. Vì vậy, rất nhiều học giả Phật giáo cố gắng dụng ép thuyết tiến hoá sai lầm và một số lý thuyết khoa học khác làm trợ lực cho tôn giáo mình. Tuy nhiên sự gượng ép của những hệ thống triết lý không xứng hợp ấy chỉ đem đến sự tự hủy hoại mà thôi.

    3/ Einstein với Phật giáo:
    Như chúng ta thấy trong hai phần trên, Einstein đã sai lầm trong khoa học, là lãnh vực sở trường của ông. Nếu không có khám phá của Edwin Hubble, có lẽ vẫn còn có hằng số vũ trụ trong phương trình Einstein cho tới ngày nay. Nếu không có Hubble thì cho đến khi chết, Einstein vẫn tin vào một vũ trụ tĩnh. Nhưng vì có Hubble nên Einstein đã can đảm mở miệng nói rằng ” đó [hằng số vũ trụ] là sai lầm lớn nhất của tôi “, và ông loại nó ra khỏi phương trình của mình. Tại sao Einstein có can đảm thừa nhận sai lầm đó ? Đó là vì ông chấp nhận có một thực hữu, khách quan, độc lập đối với cái ” tâm ” khoa học của ông. Cái ” tâm ” đó nói rằng ” vũ trụ tĩnh, thời gian bất biến ” và cái thực hữu khách quan đó, độc lập đó nói rằng ” vũ trụ động, thời gian có giới hạn.” Cái ” tâm” của Einstein không sáng tạo ra cái thực hữu này mà nó tồn tại độc lập với sự tồn tại của Einstein. Cái ” tâm ” của Einstein đã phải đầu hàng trước cái thực hữu không thể chối cãi đó. Nếu không có Einstein trong thế kỷ 20 thì sẽ có người khác khám phá ra vũ trụ giãn nở và thời gian có giới hạn vào một thời điểm khác. Do đó, câu ” nhất thiết duy tâm tạo ” của Phật Giáo không có giá trị phổ quát. Do vậy, Thượng Đế nếu hiện hữu (hay không hiện hữu) thì cũng đều độc lập với cái ” tâm ” của người Phật tử. Tương tự như vậy, sự hiện hữu của Châu Mỹ cũng độc lập với sự tồn tại của Christopher Columbus.

    Sự việc Einstein chấp nhận một thực hữu là vũ trụ giãn nở mà liệng bỏ đi hằng số vũ trụ vạch trên giấy trắng mực đen là biên giới không thể lẫn lộn được giữa triết lý của ông với triết lý Phật giáo. Lý thuyết của ông (sau khi ông loại đi hằng số vũ trụ) và vũ trụ học Phật giáo trở nên như lửa với nước. Một bên tiên đoán thời gian có sự bắt đầu, một bên tin vào một thời gian bất biến. Hai hệ thống triết lý này không thể hoà hợp với nhau như nhiều người lầm tưởng. Nếu Einstein đã sai lầm ngay cả trong khoa học là lãnh vực sở trường của mình thì có gì bảo đảm ông không sai lầm trong lãnh vực tôn giáo ? Do vậy câu khen ngợi của Einstein về Phật Giáo chỉ là một quan điểm cá nhân của một người khả ngộ, phát biểu trong sự bất tri về Phật Giáo và sự tương quan của nó đối với lý thuyết khoa học của mình. Do vậy, nếu chỉ trích dẫn câu khen ngợi của Einstein về Phật giáo trong khi chúng ta không hiểu biết những dị biệt bất khả hoà giữa thuyết của ông với triết lý tôn giáo đó, thì đã bày tỏ cho mọi người thấy một kiến thức nông cạn, một thái độ thiếu chín chắn.

    Như vậy, trong lãnh vực tri thức, bằng những công trình khám phá hài hoà, bổ xung cho nhau sẽ có giá trị theo chiều dài, chiều sâu, hơn là những lời nói suông.

    Nếu có chỗ nào chưa phải, mong nhận được sự góp ý từ bạn đọc và tác giả bài viết. Chân thành cảm ơn

    Đã thích bởi 1 người

    • Rất cảm ơn vì bài chia sẻ của Trương Diệu Đống, mình xin nói thêm chút này. Thứ nhất câu nói của Einstein về đạo Phật chỉ là câu nói, mang tính cảm khái của ông về một tôn giáo mà ông đọc qua sách vở chứ chưa đạt được Chứng ngộ. Thứ hai, phát ngôn này hiện nay đang bị đa số Phật tử dựa vào để tôn lên tầm cao cho tôn giáo mình đang theo. Thứ ba việc bạn cho rằng nhận thức về vũ trụ giữa đạo Phật và khoa học không hoàn toàn tương đồng là vẫn mang tính phiến diện, vì cơ bản nếu hiểu đạo Phật theo kinh sách và truyền ngôn thì không đến được tới giác ngộ hoàn toàn như ngài Tất đạt đa cổ đàm. Đạo Phật ngày nay đã bị thay đổi rất nhiều, và mang tính chất tôn giáo tín ngưỡng nhiều hơn là tìm con đường đắc đạo như năm xưa Phật tổ truyền. Mình đã có duyên gặp được người thiền sư đắc đạo, chỉ xin chia sẻ chút: cách người tu hành theo đạo Phật không phải là ngồi một chỗ tụng kinh niệm phật, ăn chay giới luật như đa số hiện nay, mà là hành thiện âm thầm bằng năng lực do Thiền mà có, với tâm từ bi, hỷ, xả. Từ đó mới đắc được những quả vị cao do tầng năng lượng phát ra từ tâm.

      Thích

  12. Pingback: NAN ĐỀ SÁNG THẾ – PHẦN 1: THẤT BẠI CỦA CÁC MÔ HÌNH VŨ TRỤ VĨNH CỬU - Nguồn Suối Tâm Linh. Net

  13. Pingback: NAN ĐỀ SÁNG THẾ – PHẦN 1: THẤT BẠI CỦA CÁC MÔ HÌNH VŨ TRỤ VĨNH CỬU - Nguồn Suối Tâm Linh. Net

  14. Pingback: NAN ĐỀ SÁNG THẾ – PHẦN 1: THẤT BẠI CỦA CÁC MÔ HÌNH VŨ TRỤ VĨNH CỬU - Nguồn Suối Tâm Linh. Net

Bình luận về bài viết này