Mặc cảm tội lỗi (Bài viết của Cô tử)

MẶC CẢM TỘI LỖI: một góc khuất tâm lý trong “Tội ác và trừng phạt” và “Một nỗi đau riêng”. Phải chăng đang có một sự gia tăng đáng lo ngại của cái ác trong xã hội? Phải giải thích như thế nào đây về trường hợp của những  tên sát nhân máu lạnh như Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện… Chúng ta có thể bi quan phần nào về thực trạng trước mắt nhưng chúng ta không thể đưa ra một kết luận tuyệt vọng về con người…

Đây là bài viết của một bạn trẻ có nickname là Cô tử. PhamVietHung’sHome xin trân trọng giới thiệu:

Mặc cảm tội lỗi?… chắc hẳn khi nhìn thấy cụm từ này nhiều người sẽ liên tưởng đến trường hợp “mặc cảm Oedipus” nổi tiếng trong tâm lý học của bác sĩ người Áo Sigmund Freud. Tuy nhiên tội ác/tội lỗi thì nhiều hình nhiều vẻ, không chỉ dừng lại ở tội loạn luân giết cha-cưới mẹ. Đằng sau đó là sự phức tạp, đa dạng của vô vàn những mặc cảm của kẻ gây tội.

Bài này dựa trên những phân tích tâm lý đối với hai nhân vật Raskolnikov trong tác phẩm “Tội ác và trừng phạt” của Dostoevsky và  Điểu trong tác phẩm “Một nỗi đau riêng” của Oe Kenzaburo nhằm chỉ ra một  cách sơ lược những “khổ hình tâm lý, những cây thập tự nặng nề”  mà con người phải mang vác trên vai trong những tháng năm còn lại của cuộc đời.

1. Raskolnikov

Trong văn học, nhân vật Raskolnikov là hiện thân tiêu biểu cho chuỗi nhân quả, gây tội-sám hối và bị trừng phạt. Là người sùng bái cuồng nhiệt Napoleon, biểu tượng của tham vọng và quyền lực, Raskolnikov tin tưởng vào triết lý của kẻ mạnh. Anh tin rằng phải dùng ÁC để trừng Ác. Sau cùng để giải phóng những ức chế tâm lý, Raskolnikov đã quyết định đi giết Alyona Ivanovna, mụ già cầm đồ giàu có nhưng keo kiệt. Sau đó vì bị Elizabet, em gái mụ bắt gặp, Raskolnikov đã giết luôn cả người em gái để bịt đầu mối. Khi thực hiện xong tội ác, Raskolnikov lại rơi vào trạng thái hoang tưởng. Anh nghi ngờ tất cả mọi người xung quanh. Ngờ rằng họ đã biết sự thật và sẽ đi tố cáo anh với cảnh sát, anh cũng quay sang nghi ngờ chính những lí thuyết mà anh đã từng tin, để tự hỏi “ta là con sâu con bọ run rẩy hay ta có quyền lực?”[1].

Sau chín tháng dằn vặt Raskolnikov đã đến tòa tự thú. Trước tòa anh được giảm nhẹ hình phạt và bị đày đi biệt xứ 8 năm khổ sai ở Siberia. Về điểm này, là người theo chủ nghĩa nhân đạo, Dostoevsky đã mở ra cho nhân vật chính một lối thoát. Sự trừng phạt của pháp luật là điều hiển nhiên, nhưng quan trọng hơn đó là Raskolnikov còn  phải đối diện với chính bản thân cùng những cật vấn của lương tâm. Đây mới chính là hình phạt tàn khốc nhất mà một con người phạm tội phải chịu đựng.

Raskolnikov không bị treo cổ mà  anh ta chỉ bị đày tới Siberia, ở đó Raskolnikov đã tìm thấy niềm an ủi trong Kinh Thánh .Giống như triết gia cùng thời là Kierkegaard, Dostoevsky cũng muốn đi tìm cứu cánh trong tôn giáo.

2.Điểu

Ra đời sau Tội ác và trừng phạt hơn nửa thế kỷ,Một nỗi đau riêng lại có lối trình bày khác hơn về tính ác. Người đọc hồi hộp dõi theo những dòng suy nghĩ triền miên của Điểu trong những ngày có tính chất quyết định đối với cuộc đời anh. Giết hoặc để con anh, một đứa trẻ bị thoát vị não, tồn tại. Thế giới nội tâm của Điểu là tấm gương phóng chiếu những trăn trở, dằn vặt, những xâu xé “bẩn thỉu” trong tâm hồn.Đối với  Điểu và cả Himiko (người tình thời sinh viên của Điểu) thì  cuộc đời từ lâu đã bị bóng đen của nỗi chán chường, sự cô đơn, tình trạng bất khả hòa hợp với cộng đồng bao phủ. Tuy rằng kết cục câu chuyện có hậu (a happy ending), nhưng tương lai của Himiko vẫn là dấu hỏi bất định. Còn về Điểu, anh đã quyết định chấp nhận sự tồn tại của đứa con như một định mệnh: anh đã dẹp bỏ cái tôi ích kỷ để tiếp tục là Sisiphus, lăn hòn đá thân phận suốt cuộc đời. Kikuhiko, con Điểu, được đặt theo tên người bạn cũ mà trong một đêm, khi cả hai đang tìm kiếm một bệnh nhân tâm thần trốn trại, Điểu đã nhẫn tâm bỏ lại. Đồng thời với việc đặt tên con là Kikuhiko, quá khứ tội lỗi đã biến thành hiện trạng mà Điểu phải giáp mặt – chấp nhận đứa con mang ám ảnh tội lỗi hay khước từ quyền được làm người của nó. Sự lựa chọn dành cho Điểu thật không dễ dàng. Nếu Kikuhiko con trai Điểu chết thì  hình phạt Điểu phải chịu sẽ còn khủng khiếp  hơn cả cái chết. Điểu không giết đứa trẻ, thì phần nào anh có thể bớt day dứt hơn về tội lỗi  anh đã tạo ra trong  quá khứ . Buổi tối khi Kikuhiko bạn Điểu bị bỏ lại một mình, anh ta đã nguyền rủa Điểu. Cuộc đời Kikuhiko đã bị rẽ sang hướng khác, thay vì trở thành người bình thường nếu Điểu tiếp tục ở bên cạnh, dùng sự ảnh hưởng chi phối đến tâm lý và cách sống của anh ta thì giờ đây  Kikuhiko lại trở thành chủ quán rượu của dân đồng tính. Bản thân Kikuhiko cũng là đồng tính nam, chính Điểu đã vô tình đẩy Kikuhiko xuống vực thẳm bị ngăn cách với người bình thường bằng  bức tường khiếm khuyết, dị dạng.

Rắp tâm giết hại đứa con tật nguyền, trong vô thức, Điểu đang khởi động trở lại vòng quay của tội ác. Việc gặp lại người bạn Kikuhiko ví như một sự thức tỉnh. Điểu đã có tội với Kikuhiko của quá khứ, giờ đây anh không thể gây ra điều tương tự cho Kikuhiko của hiện tại. Thằng bé cũng đồng thời là con trai anh.

“Trở về vĩnh cửu là một ý niệm bí ẩn”[2] và tội ác cũng vậy, nó luôn tìm đường tái diễn trở lại. Nhiều người không thể kìm chế được những hành động man rợ, phi nhân bộc phát trong tâm tính vì rằng không có khái niệm cái ác “hiện thời”, mà cái ác bằng cách nào đó đã ủ mầm rất lâu chờ ngày triển nở. Chúng ta vui mừng cho Điểu vì anh đã tỉnh táo quyết định chấm dứt sự qui hồi đó.

3.Lời kết

Nhiều lúc chúng ta tự hỏi liệu có phải đang có một sự gia tăng đáng lo ngại của cái ác trong xã hội và phải giải thích như thế nào đây về trường hợp của những  tên sát nhân máu lạnh như Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện… Phải! Chúng ta có quyền bi quan phần nào về thực trạng trước mắt nhưng chúng ta không thể đưa ra một kết luận tuyệt vọng về con người, bởi vì cuộc quyết đấu thiện-ác chưa đi đến hồi kết. Nó vẫn ở phía trước và tùy thuộc rất lớn vào mỗi người (hi vọng cái thiện sẽ chiến thắng chứ  không phải là một  Ragnarök – trận chiến giữa 2 lực lượng ánh sáng và bóng tối trong thần thoại Bắc Âu mà phần thắng lại thuộc về bóng tối/cái ác). Tôi nói như thế vì những bản năng nguyên sơ, tối tăm trong con người luôn luôn  chờ cơ hội để thức giấc. Khi đó xã hội và tha nhân sẽ phải gánh chịu những hệ lụy đau xót, thương tâm. Tôi tán đồng với quan điểm khi cho rằng mỗi người đều có khả năng trở thành những tội phạm trong tương lai và khi cái ác đã bắt rễ sâu trong tâm hồn thì thật khó để nhổ bỏ tận gốc được. Cái ác, vì vậy,  cần phải  bị ngăn chặn ngay từ trong trứng nước, trong đó việc giáo dục thế hệ trẻ được xem như hệ thống miễn dịch hữu hiệu nhất giúp đề kháng cái ác. Đồng thời  chúng ta cũng cần biểu dương, khuyến khích điều  thiện và  người hành thiện. Tuy nhiên, hiện tại tôi không hiểu tại sao trên các phương tiện truyền thông đại chúng người ta lại cứ chăm chăm khai thác và phô bày quá nhiều hình ảnh tàn ác, phi nhân của con người mà quên rằng cái thiện vẫn tồn tại đâu đó xung quanh chúng ta. Với tôi, tôi chỉ hi vọng tôi sẽ không còn bao giờ  phải nghe đến những cái tên “rùng rợn” như Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa.. nữa.

Cô tử

16/8/2012


[1] “ta là con sâu con bọ run rẩy hay ta có quyền lực?” Trích Tội ác và trừng phạt Dostoievski

[2] “Trở về vĩnh cửu là một ý niệm bí ẩn” Trích Đời nhẹ khôn kham Milan Kundera

17 thoughts on “Mặc cảm tội lỗi (Bài viết của Cô tử)

  1. Khi bàn về con người thì không phải vài dòng là nói hết được nên mình chia sẻ một vài ý kiến của mình như sau:
    Trong con người tồn tại cả ma tính và phật tính.Có những lúc cái phần ma tính ấy nổi lên trong bản thân chúng ta,nếu không tỉnh táo,giữ vững mình thì sẽ bị nó kiểm soát.Và khi bị kiểm soát hoàn toàn thì sẽ đánh mất đi bản thân mình.Bằng chứng là có nhiều tên cuồng sát nói rằng hắn nghe một giọng nói thôi thúc hắn phải giết người,….Tất nhiên đó chỉ là thiểu số.Nhưng với sự phát triển của công nghệ truyền thông thì những cái ác có cơ hội được phổ biến dưới nhiều hình thức khác nhau như phim ảnh,truyện tranh kinh dị,sát nhân,đồi trụy,giết nhau chỉ vì tiền,tôn vinh tiền bạc và những thứ bề ngoài hình thức,hữu hình,…. Những cái ác ấy sẽ được gieo mầm vào người xem mà không tự biết.Đến lúc nào đó khi gặp hoàn cảnh thích hợp thì nó sẽ phát triển.Đặc biệt là giới trẻ.Vì họ đang trong quá trình hình thành tính cách của mình.Còn đối với những người lớn thì họ sẽ ít nhiều cũng bị ảnh hưởng do không giữ vững mình được trước xu hướng của xã hội .Qua đó chúng ta thấy rằng khi tâm con người chứa đầy ý nghĩ xấu hay ác thì sẽ tạo ra những sản phẩm (cả vật chất lẫn tinh thần) của cái ác,và người sử dụng sản phẩm ấy ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.Như hiệu ứng domino nó nhanh chóng được phổ biến trong xã hội và tạo thành xu hướng chung.Như bạn thấy xã hội hiện nay trên thế giới đặc biệt là nước mình đang rơi vào tình cảnh như thế.Tuy vậy nhưng mình tin rằng tương lai sẽ thay đổi theo hướng tốt đẹp,chắc rằng sẽ không giống như hiện nay.

    Thích

  2. Trước tiên cháu xin cám ơn chú Hưng vì đã đăng bài của cháu trên blog.Thank so much! Thứ hai, xin cám ơn những góp ý của bạn Kẻ tầm đạo,đúng là nói về cái ác chỉ vài dòng là không đủ và những ý kiến của tôi không có tham vọng khái quát về cái ác nó chỉ dừng lại ở việc phân tích một vài nét sơ lược về cái ác mà thôi.Tôi dựa vào 2 tác phẩm văn học ngõ hầu để đưa ra 1 nhận định có phần chủ quan của tôi về tính ác trong con người.Hiện tại con người hành ác vì 1001 lí do cả lí do nội tại và ngoại cảnh ( những kẻ cướp của, giết người..chịu ảnh hưởng không nhỏ của môi trường xã hội).Tôi đồng ý với bạn về sự ảnh hưởng của phương tiện truyền thông đối với giới trẻ và cả những người có tuổi;tuy nhiên,cái ác còn ẩn khuất trong những “địa tầng” sâu thẳm từ cõi mênh mông của tiềm thức.Thú thực với bạn,tôi chịu ảnh hưởng của phân tâm học ( Sigmund Freud) và Tâm phân học ( Carl Jung)trong cách lí giải về tính ác,vì vậy cách nhìn nhiều lúc là thiên kiến và sách vở.Đọc những ý kiến của bạn,tôi cũng vỡ lẽ ra một số điểm tôi còn mù mờ.Thành thực cám ơn bạn.Hi vọng chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để trao đổi với nhau hơn.
    Cô tử

    Thích

  3. Thật sự mình chỉ muốn chia sẻ những nhận thức về cái ác với bạn và mọi người mà mình hiểu được thông qua đọc sách và quan sát,chiêm nghiệm thế giới xung quanh cũng như nội tâm.Mình cũng đồng ý với bạn rằng cái ác còn ẩn đâu đó trong cõi tiềm thức của con người hay nói cách khác đó là sự vô minh của con người(Bạn có thể đọc thêm phần LUẬN VỀ BẢN TÍNH THIỆN, ÁC (1): HỌC THUYẾT CỦA SIGMUND FREUD) của chú Hưng).Do đó ngay từ thuở sơ khai nền văn minh phương đông của mình chú trọng vào đạo đức(là cái cơ bản để làm người) và cao hơn nữa là tu luyện bản thân để trở về với Đạo(Đó mới là mục đích thực sự của con người nhưng mấy ai nhận ra).Quay trở lại vấn đề,ngày nay những thứ vô minh đã trở nên quá phổ biến và cho rằng đó là văn minh nên chúng ta không còn nhận ra được đâu là cái cơ bản của con người và hầu hết đều chối bỏ,xem những cái truyền thống,tinh túy của phương đông cổ đại là cổ lỗ sỉ,lỗi thời,ngu muội.Đó là vài dòng suy nghĩ mà mình chia sẻ.Rất hân hạnh khi được trao đổi với bạn

    Thích

    • Xin chia sẻ với tác giả bài “Mặc cảm tội lỗi” và với các bạn:
      Trong thời đại ngày nay, cái ác có lẽ đang tiệm cận tới maximum – ở đó nhiều kẻ làm điều ác không còn có mặc cảm tội lỗi như Raskolnikov hay Điểu nữa. Mặc cảm tội lỗi vẫn còn là dấu vết của tính người. Tôi nhớ từ lâu nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn (tác giả Cù lao chàm) có lần đã nói đại ý rằng bọn giết người bây giờ không cần suy nghĩ tính toán dằn vặt nhiều như nhân vật của Dostoyevsky trong Tội ác và Trừng phạt. Chỉ vì một lý do rất đơn giản chúng có thể ra tay, xong việc chúng bình thản chùi tay như không có chuyện gì. Có thể con người trong thời của Dostoyevsky vẫn còn băn khoăn nhiều về tội lỗi của mình là vì còn chịu ảnh hưởng sâu xa của Thiên Chúa giáo, dù là Chính thống giáo ở Nga hay Công giáo La mã cũng vậy, khẳng định rằng con người vốn đầy tội lỗi (tội tổ tông và tôi do mình gây ra), và ý nghĩa của đời người là phấn đấu gột rửa cho sạch tội lỗi trước khi về với Chúa. Về thế giới bên kia, kẻ có tội nặng sẽ bị đày xuống hoả ngục. Người có tội ít còn phải ở trong luyện ngục một thời gian. Chỉ có người thực sự trong sạch mới được lên thiên đường ngay. Nhưng nền văn minh hiện đại đã đánh sập Đức tin đó. Con người bây giờ chẳng tin vào cái gì thiêng liêng. Ai cũng thích đồng dollar Mỹ, nhưng mấy ai thấm thía lời tuyên thệ trên đó: “In God we trust”?
      Thay thế Chúa bây giờ là tiền và khoa học – nền văn minh vật chất hiện đại đã hạ bệ Chúa.
      Việc hạ bệ này xẩy ra ở ngay cả những người như Albert Einstein, chứ đừng nói đến một nhà khoa học thuần tuý thực dụng. Đối với Einstein, Chúa tồn tại, nhưng đó chỉ là vị Chúa sáng tạo ra vũ trụ với những định luật vật lý, rồi để mặc cho vũ trụ đó xoay vần theo những định luật mà Ngài đã ban bố, chứ Ngài không can thiệp vào nó nữa, trong đó bao gồm số phận của loài người. Nói cách khác, Chúa của Einstein không phải là Chúa quan phòng như Chúa trong Thiên Chúa giáo. Đối với Einstein, đi lễ ở Nhà thờ và cầu nguyện là vô ích, bởi vì Chúa không quan tâm đến bạn.
      Nếu Chúa không quan tâm đến bạn thì có nghĩa là bạn sống tử tế hay vô đạo thì cũng có ai xét xử kết án bạn đâu, nếu hành vi hay tư tưởng của bạn có thể che giấu được pháp luật, hoặc che giấu được người đời.
      Bạn Cô tử có ý rất hay khi gợi ý rằng mặc cảm tội lỗi là toà án lương tâm xét xử con người nặng nề nhất. Quả thật nếu có một toà án như thế trong lương tri mỗi người thì đó chính là điều cực kỳ may mắn cho xã hội. Nhưng như tôi đã nói ở trên, một khi những giá trị thiêng liêng bị hạ bệ thì những toà án lương tâm cũng bị giải tán. Và đến đây thì tôi phải chia sẻ mối tâm đắc với bạn Kẻ tầm Đạo khi bạn nói rằng “ngay từ thuở sơ khai nền văn minh phương Đông đã chú trọng vào đạo đức (cái cơ bản để làm người) và cao hơn nữa là tu luyện bản thân để trở về với Đạo (mục đích thực sự của đời người nhưng mấy ai nhận ra), và rằng ngày nay những thứ vô minh đã trở nên quá phổ biến và cho rằng đó là văn minh , đến nỗi không còn nhận ra được đâu là cái cơ bản của con người nữa”. Nhưng cái tội bỏ Đạo để chạy theo văn minh vật chất không chỉ là lỗi của Tây phương, mà là lỗi của loài người nói chung. Bằng chứng là bây giờ con người tại cái nôi của văn minh Đông phương – Trung Hoa – còn xa rời Đạo dữ dội hơn Tây phương rất nhiều. Không tin, các bạn có thể đọc cuốn “Huynh đệ” cuả Dư Hoa, do NXB CAND xuất bản năm 2009. Tác giả cuốn sách này tổng kết: “Trung quốc hôm nay có những thứ tốt đẹp nhất, cũng có những thứ xấu xa nhất. Người ta đi từ cực đoan này đến cực đoan kia. Đại cách mạng văn hoá là chủ nghĩa phản nhân đạo, còn Trung quốc đương đại thì bày ra một nhân loại cởi bỏ xiềng xích, không có bất cứ quy chế nào, không có bất cứ giá trị nào, không có bất cứ quy phạm đạo đức nào, không có bất cứ giới hạn nào” (trang 693). Xem thế thì thấy Freud dường như hoàn toàn đúng khi ông bi quan về tương lai của nền văn minh hiện đại, như tôi đã trình bầy trong “Luận về Thiện/Ác (1): Học thuyết của Sigmund Freud” và “Luận về Thiện/Ác (4): Nền văn minh sẽ đi về đâu?”.
      Tán thành Freud, nhưng trong tôi vẫn loé lên một niềm lạc quan, xuất phát từ bài học của nước Đức một thế kỷ qua.
      Hiện nay có lẽ không ai hiểu cần phải sống hiền hoà với xã hội hơn người Đức – một dân tộc tài giỏi bậc nhất từng tưởng mình có thể thống trị thế giới, nhưng đã phải trả giá quá đắt qua hai cuộc Thế Chiến trong TK 20. Khen người Đức giỏi là khen phò mã tốt áo. Riêng tôi, tôi ca ngợi Đức là một trong hai quốc gia đi đầu trong tinh thần Liên minh Âu châu. Nếu các bạn biết quốc ca của EU là “Giao hưởng số 9” của Beethoven, còn được gọi là The Hymn to Joy, hay Ode to Joy, tiếng Việt là “Giao hưởng của Niềm vui” thì sẽ không thể không xúc động vì tinh thần bác ái và hợp tác của EU. Quả thật EU hiện nay là biểu hiện sinh động nhất của một tổ chức nhà nước quốc tế vì hoà bình và hợp tác, cứu giúp lẫn nhau. Nhiều lúc rơi vào trạng thái bi quan nhất, tôi giật mình nhận ra EU chính là một biểu hiện trưởng thành của nhân loại, tuy chưa đến mức NGỘ ĐẠO, nhưng đó là một bước đi hướng tới Đạo. Ý nghĩ đó làm tôi mơ đến sự ra đời của một WU (World Union). Phải chăng UN (Liên hiệp quốc) chính là một WU? Không, còn xa UN mới đạt tới tinh thần hữu ái và hợp tác như EU được.
      Nhưng tại sao Đức lại trở thành một tấm gương sáng của EU như vậy? Có lẽ vì hơn ai hết, Đức đã quá thấm thía sự trả giá của một chủ nghĩa tàn ác. Phải chăng dân tộc Đức đã có những giờ phút đau đớn vì mặc cảm tội lỗi như Raskolnikov, mặc dù người Đức có vẻ né tránh nói về nỗi đau này? Tôi đoán như vậy. Chẳng hạn, các bạn có thể tìm hiểu xuất xứ của thành phố Kaliningrad của Nga hiện nay. Vào Google maps, sẽ thấy thành phố đó của Nga lại nằm tách rời hoàn toàn với nước Nga, và nằm trong lòng nước Đức, với một phía là biển Baltic. Nếu bạn ngạc nhiên thì có thể đọc lịch sử thành phố này trên Wikipedia. Bạn sẽ thấy chua chát vì hoá ra trước đây đây là một thành phố của Đức, một trong những thành phố phát triển nhất, cái nôi của nhiều danh nhân văn hoá lớn nhất Đức, thế mà lại rơi vào tay Nga! Ai đã gây ra nỗi nhục đó cho nước Đức? Hitler!
      Người Đức có đau nỗi đau này không? Chắc chắn rất đau. Nhưng có thể làm gì để lấy lại không? KHÔNG!
      Vậy phải chịu nỗi đau này suốt đời sao?
      Không, họ có thể thoát được nỗi đau đó nếu họ NGỘ ĐẠO, điều mà bạn Kẻ tầm Đạo dường như muốn gợi ý với tất cả chúng ta, và tôi cũng tán thành rằng chỉ khi nào con người ngộ Đạo thì mới có thể thoát khỏi bóng tối của tội lỗi ám ảnh mình suốt đời! Điều đó không chỉ đúng với từng cá nhân, mà đúng với một tập thể, một cộng đồng, một quốc gia, và với toàn nhân loại. PVHg

      Thích

  4. Trước hết xin cảm ơn bạn Cô Tử đã có một bài viết rất hay, rất cô động để nói lên điều Thiện – Ác trong trong xã hội, trong tòa án lương tâm của mỗi con người. và cũng nói lên được mong ước chung của mỗi con người trong xã hội, mong sao mỗi người biết sử dụng tòa án lương tâm để tránh xa những việc làm tội lỗi, mong sao cái thiện luôn luôn thắng cái ác như trong những câu chuyện cổ tích.
    …….
    Xin có một vài ý về comment của Chú PVH.
    Cháu biết là dù sống ở thời đại nào, xã hội nào cũng đều có 2 mặt Thiện – Ác… Nhưng theo cách viết của chú thì hình như chú đang nhìn nhận về xã hội hiện tại một cách quá tiêu cực “… cái ác đang cận kề maximum..” Cháu đồng ý xã hội bây giờ có ác thật, có những kẻ có thể cầm dao hay bất kỳ thứ gì để mưu hại người khác…nhưng cái này chỉ là một số rất ít thôi vì thế cũng chưa đáng sợ lắm. Cái ác cũng có thể ẩn mình sau những chức quyền, những vị tạm gọi là “Quan” cái này mới thật sự là nguy hiểm, nhưng nó cũng chỉ tập trung vào tay một nhóm người mà thôi. Nhưng thật ra là đang có hàng triệu triệu người dân đang sống rất là lương thiện, tòa án lương tâm vẫn hoạt động tốt. còn một nhóm nhỏ kia âu cũng là ” bần cùng sinh đạo tặc thôi” vì “nhân chi sơ tính bổn thiện” phải không chú.
    Vấn đề thứ 2 cháu cũng muốn chia sẽ cùng chú là : Đạo, niềm tin tính ngưỡng khoa học và đồng dola :
    Cháu không sao hiểu được tại sao chú lại có cái kết luận rằng “… Con người bây giờ chẳng tin vào cái gì thiêng liêng……Thay thế Chúa bây giờ là tiền và khoa học – nền văn minh vật chất hiện đại đã hạ bệ Chúa.” Chú kết luận như vậy có lẽ đúng với một số người hoặc chỉ đúng với chú. vì chú không thể dưa vào những phân tích như thế để kết luận về một tôn giáo giáo lớn trên thế giới được. vì như thế sẽ xúc phạm đến niềm tin, tính ngưỡng mà họ đang tôn thờ.

    Xin trân trọng
    Buimovn

    Thích

  5. Ác.

    Thưa anh Hưng và quý vị. Xin góp thêm một vài ý kiến với tác giả Cô Tử và với quý vị.

    1/ Theo tôi, có 4 dạng cái ác. 

    (i) Không biết rằng ác, Vô tư thực hiện điều ác, ngây thơ không nghĩ đến ai, ngây thơ không biết đến hậu quả, ngây thơ không biết người xung quanh đang chịu khổ vì hành vi của mình,… Loại ác này hình như tồn tại nhiều trong Văn chương.

    (ii) Ác, gây tội ác, vì đơn giản rằng họ phải làm như vậy. Loại này giống như một loại bệnh về Tâm. Ác, để mà ác. Đó là đặc trưng của loài Quỷ.

    (iii) Biết rằng đó là ác, nhưng vẫn cứ hành động. Họ thực hiện cái ác trong bóng tối. Họ che đậy, dấu diếm các hành vi tội lỗi của mình. Nhưng khi cần phải Tuyên truyền, thì rất mạnh mẽ nói rằng phải chống cái ác, phải làm điều thiện. Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện,… cũng có thể chỉ thuộc loại này. Nhưng loại này còn có những Cá nhân cao cấp hơn, tầm cỡ hơn, những chính trị gia tham nhũng của những Quốc gia thiếu Dân chủ, Bạc Hy Lai (Trung Quốc) là một thí dụ điển hình. Cái ác của chúng gây ra không chỉ một số ít người chịu, mà là rất và rất nhiều người. Nghĩa, Luyện hay Bạc… và những người khác nữa, không có gì là khác nhau. Biết rằng ác, vẫn lén lút làm, dấu diếm và che đậy. Hèn hạ và độc ác luôn là cặp bài trùng. Tội ác của loại này nguy hiểm nhất.

    (iiii) Biết rằng đó là ác, biết rằng đó là không nên làm, biết rằng đó là gây hại cho người, cũng biết rằng đó là sẽ gây hại cho mình. Vì lợi trước mắt, vì tham, rồi cân nhắc, rồi tính toán, rồi phân tích,… Thấy ác quá, hại cho người, hại cho mình quá và không làm. Nhưng thấy, hại cho người cũng vừa thôi, trước mắt đang lợi cho mình và quyết làm. Sau đó có áy náy, có day dứt. Có một chút gì đấy còn là tính Người trong loại này, nhưng vẫn là hèn, là không Dũng cảm.

    2/ Loại (i) và (ii) tôi không bàn; bàn về loại (iii), đây là loại gây ác phổ biến nhất. Có nhiều màu sắc nhất. Nhưng đều từ cái gốc Vô Minh mà ra. Vì Vô Minh mà tham đắm. Quyền lực, danh vọng, tiền bạc và tính dục là cái mà họ tham đắm. Loài người tranh dành nhau, phấn đấu, nỗ lực, lừa đảo, phản bội, chiến tranh,… tất cả cũng chỉ vì những cái này. Vô Minh là cái gốc sâu xa nhất. Vô mình nên làm chúng tham đắm. Tham đắm nên làm chúng tranh dành, phấn đấu, nỗ lực, lừa đảo, phản bội và chiến tranh. Với loại (iiii) hiểu biết có đó, nhưng Vô Minh vẫn còn che mờ, và hèn thì vẫn rất hèn.

    3/ Nếu biết rằng: mọi thứ là Vô thường; nếu biết rằng: cuộc sống là Luân hồi; nếu biết rằng luật của Tự nhiên là Nhân quả; nếu biết rằng Linh hồn hay Tâm thức là Tiến hoá, và có nhiều cảnh giới cao hơn,… thì con người sẽ không Vô Minh; thì nhân loại sẽ giảm đi nhiều nỗi Khổ đau. Nhưng rồi, trong Thế giới văn minh này, Thế giới của chủ nghĩa Tiêu thụ, mà nói về Vô thường, về Luân hồi, về Nhân Quả, về Tiến hoá của Tâm thức,… thì thật là không dễ cho nhiều người hiểu, nhiều người nghe. Phải chăng Tôn giáo đã không thành công lắm vì điều này? The Power of Now, Sức mạnh của Hiện tại, người ta hiểu theo nghĩa ngược chiều, so với chiều của  Eckhart Tolle giảng giải.

    4/Osho có bàn về 4 trạng thái về Sinh lý, Tâm Lý và Tâm Linh của con người như sau.

    (i) Sướng là bậc thấp nhất, đó là Sinh lý, đó là Thú vật. Tranh dành Quyền lực, Danh vọng, Tiền bạc và Tính dục là để phục vụ cái sướng. Sướng đến từ bên ngoài. Không có từ bên ngoài tác động vào con người không thể sướng được. Sướng đến, rồi đi. Phải tranh danh nên Khổ sẽ theo đến ngay sau. Làm sao mà không Khổ khi phải dành cái sướng từ đối tượng khác? Ân oán gây ra, làm sao không Khổ! Sướng là bậc thấm nhất.

    (ii) Cao hơn sướng là Hạnh Phúc. Hạnh Phúc mang tính Tâm lý. Nó gắn liền với Tình Yêu. Sướng đơn giản là Tính dục. Sướng là nhận. Hạnh Phúc là cho và nhận. Hạnh Phúc mang tính Người. Nhưng Hạnh Phúc có một phần đến từ bên ngoài. Hạnh Phúc ngắn ngủi như sướng, đến rồi đi, không trường tồn.

    (iii) Cao hơn Hạnh Phúc là Hoàn Hỷ. Hoan Hỷ có tính Tâm Linh. Khi Tình Yêu tràn đầy, một cách Tự nhiên, con người đem cho. Đơn giản: có thì cho, không mong nhận. Hạnh Phúc là cho và nhận; cho và muốn cho rất nhiều, nhưng trong sâu thẳm cho, vẫn mong nhận. Hoan Hỷ không biết nhận, đơn giản là cho, khi được cám ơn, thấy ngạc nhiên vì điều đó. Hạnh Phúc gắn với Tình Yêu, Hoàn Hỷ gắn với Từ Bi. Tình Mẹ với con là Từ Bi. Mẹ cho con, con cám ơn mẹ, mẹ thấy không cần thiết, vì cho con trong lòng mẹ đã thấy đủ: nỗi Sung Sướng, niềm Hạnh Phúc, sự Hoàn Hỷ rồi. Thiền sẽ mang bạn dần tới Từ bi, dần tới Hoàn Hỷ.

    (iiii) Cao hơn Hoàn Hỷ là Phúc Lạc. Phúc Lạc là Trường tồn, là cái của Toàn bộ. Xin quay lại ở một dịp khác với chủ đề này.

    Hiểu được những trạng thái và cung bậc này, liệu con người có ít ác đi hơn không?

    5/ Giống như bạn Cô Tử và quý vị, tôi ghét cái ác. Nhưng làm gì đây, để chống cái ác? Tôi đã Thiền và tôi đã viết. Viết những điều mà tôi thao thức. Trao đổi cùng quý vị. Cho Chân Thiện Mỹ được sáng lên, được lan toả. Cầu nguyện cho cái ác giảm đi nhiều nhất những ảnh hưởng tiêu cực của nó. Vâng, tôi đã nghĩ và làm vậy.

    Trân trọng.
    Cư sỹ Minh Đạt.

    Thích

    • Cám ơn cư sĩ Minh Đạt vì những ý kiến rất tuyệt vời của anh.
      Đó là những điều tôi suy nghĩ dằn vặt bấy lâu nay, nhưng được nghe anh nói lên một cách rành rọt, tôi vẫn cảm thấy như khai thông được một luồng giác quan.
      Tôi rất chờ đợi ý kiến của anh dưới dạng một bài viết hoàn chỉnh về tư tưởng của Osho, về các cung bậc của sinh lý, tâm lý, tâm linh, và về con đường đưa con người tới hạnh phúc, hoan hỉ, phúc lạc. PVHg

      Thích

  6. Cháu xin cám ơn những ý kiến sâu sắc của chú Minh Đạt.Qủa là nền đạo học phương Đông có những kiến giải rất khúc triết về con người trong đó có vấn đề thiện-ác.Tuy còn trẻ nhưng cái nhìn của cháu về tính ác trong con người lại không được lạc quan như những gì cháu mong đợi và triển khai thành bài viết trên kia.Sự hoài nghi là cần thiết trong thời đại này phải không chú? hoài nghi nhân tính của con người,hoài nghi những chân lí đã mặc định,hoài nghi những đại tự sự to tát giả hiệu ,và hoài nghi cả chính về bản thân của mình nữa.Thực tế cháu đã mất lòng tin vào tôn giáo từ rất lâu rồi.Hiện tại cháu cũng đang loay hoay đi tìm một mục tiêu có ý nghĩa cho đời mình.Một lần nữa xin cám ơn chú!
    Cô tử

    Thích

  7. Bạn Cô Tử thân mến.
    Đọc lời tâm sự của bạn, mà lòng thấy buồn. Buồn vì chưa có nhiều thời gian để tâm sự cùng bạn.
    Tại thời điểm này, dường như có rất nhiều bất ổn trên Trái đất này. Biến đổi Khí hậu; động đất, sóng thần, lũ lụt, hạn hán,… xảy ra bất thường; suy thoái Kinh tế toàn cầu; khủng khoảng Chính trị, và đặc biệt nhất là khủng khoảng Đạo Đức và Niềm Tin…
    Sẽ hẹn trao đổi với bạn về Chủ đề Tôn giáo, về Tin cậy và Tình Yêu, về Thiện và ác vào dịp khác.
    Bạn có thể vào blog Tincaytinhyeu.Wordpress.com hoặc vào http://www.daophatngaynay.com/vn/author/minhdat đọc một số bài viết của tôi. Hy vọng trước khi viết cho bạn một bài riêng, bạn sẽ tìm thấy được một chút gì đó có ích chăng.
    Chúc Bạn Vui.
    Thân ái Cư sỹ Minh Đạt

    Thích

  8. Cả nhân loại có thể mang ví với một quả dưa, nó bé thì nhạt, chín vừa thì ngọt, rồi quá đi thì nó thối rữa. Đó là tự nhiên. Nhân loại cũng có những thời kì ngọt ngào, chẳng phải có thời kì con người không phải lo lắng, không phải vật lộn, đói thì ăn, vui thì nhảy, mệt thì ngủ, làm gì phải học, phải phấn đấu, phải ganh đua? Bây giờ, có chăng nó đã già, đã úa héo, sắp thối rữa, bung ra cái hạt, rồi mọc lên cây dưa mới, cho quả mới?
    Nếu theo ông bà tôi, nó là cái tất yếu của xây nhà, phá rừng, ngăn sông, làm nhà máy, phát minh ra cái thứ này kia và có cả cái máy tính tôi đang dùng liên lạc với bạn. Nó là hậu quả rồi thì cứ bình thường mà đón nhận, bình thường mà trở thành ác, thành thiện.
    Suy nghĩ như tôi, tôi ăn một bát cơm thì mất một bát, có người thiếu một bát đó rồi chết, tôi chả ác lắm sao?
    Chả phải băn khoăn, nhức nhối làm gì, cứ cắt hết được quan hệ, vứt được chữ nghĩa, văn chương, bình luận, viết lách, máy tính, quần áo, bạn tự thân bạn, một mình bạn, còn cái kết nối tối thiểu với mặt đất, với bầu không khí, rồi từ từ mất hẳn, là cái hay.

    Thích

  9. Anh Hưng ơi. Anh khỏe không? Lâu lắm rồi không thấy bài viết nào của anh? Cầu mong anh vẫn còn say, còn Yêu tất củ những gì anh đã viết, đang viết và sẽ viết. Chúng tôi cũng luôn Yêu những điều đó, những điều anh đã viết.
    Chúc anh sức khỏe và bình an.
    Tincaytinhyeu.

    Thích

  10. Pingback: toiditimchanly

  11. Pingback: MẶC CẢM TỘI LỖI: một góc khuất tâm lý trong “Tội ác và hình phạt” và “Một nỗi đau riêng” | Chiếc nón

  12. Thanks for your personal marvelous posting!
    I really enjoyed reading it, you’re a great author.I will
    ensure that I bookmark your blog and will come back
    very soon. I want to encourage continue your great posts, have a nice morning!

    Thích

Bình luận về bài viết này