LUẬN VỀ BẢN TÍNH THIỆN, ÁC (1): HỌC THUYẾT CỦA SIGMUND FREUD

Những vụ tội phạm tầy trời xẩy ra liên tiếp trong thời gian gần đây, với sự gia tăng cả về tần suất lẫn mức độ tàn bạo, là những tiếng chuông báo động tình trạng suy đồi đạo đức và băng hoại lương tri trong xã hội. Đặc biệt, sự xuất hiện của những tội phạm cực kỳ bất nhân nhưng có gương mặt sáng sủa trí thức như Nguyễn Đức Nghĩa, có tuổi đời non choẹt như Lê Văn Luyện, có nghề nghiệp tử tế như cô giáo Nguyễn Thị Thuận, …buộc chúng ta phải xem xét lại vấn đề từ gốc rễ:

Bản tính con người là thiện hay ác?

Hơn 2500 năm trước, Đạo Khổng – Mạnh đã trả lời rành mạch: “Nhân chi sơ tính bản thiện” – Con người sinh ra vốn có bản tính thiện.

Nhưng hơn hai trăm năm sau, Tuân tử lại nêu lên học thuyết về “tính ác”, khẳng định bản chất con người là ác, vì ác nên mới cần phải giáo hoá.

Trên thực tế, học thuyết của Khổng tử đã thắng thế tại Đông phương. Trong mỗi người Việt Nam chúng ta, ít hay nhiều đều đã chịu ảnh hưởng của Khổng giáo (Nho giáo). Tuy nhiên, học thuyết của Sigmund Freud trong thế kỷ 20 về cái Eros và Thanatos lại phù hợp với tư tưởng của Tuân tử. Thậm chí trên thế giới ngày nay, đặc biệt tại Mỹ, nhiều dự án nghiên cứu tội phạm học chủ trương tìm kiếm gien tội phạm, tức là đang vô tình tìm cách xác minh luận điểm của Tuân tử bằng thực nghiệm.

Vậy đâu là sự thật? Học thuyết nào đúng?

Sống trong một nền văn hoá pha trộn ảnh hưởng của Nho giáo truyền thống với các trào lưu tư tưởng Tây phương hiện đại, nhiều người trong chúng ta dễ rơi vào tình trạng do dự nước đôi. Nhưng Francois Julien, một triết gia Pháp hiện đại, trong cuốn “Xác lập cơ sở cho đạo đức”[1], đề nghị phải có một câu trả lời dứt khoát.

Loạt bài “Luận về bản tính thiện/ác” là một cuộc lội ngược dòng lịch sử từ Sigmund Freud tới Tuân tử, Khổng tử, suy ngẫm những kiến giải sâu sắc của cổ nhân kết hợp với thực tiễn xã hội ngày nay để từ đó đi tới một câu trả lời dứt khoát về bản tính con người.

HỌC THUYẾT CỦA FREUD VỀ EROS VÀ THANATOS

Sigmund Freud (1856-1939) là một trong những nhà khoa học được liệt kê trong cuốn “On Giants’ Shoulders” (Đứng trên vai những người khổng lồ) của Melvyn Bragg, bên cạnh những tên tuổi vĩ đại khác như Archimedes, Galileo Galilei, Isaac Newton, Henri Poincaré, Albert Einstein.

Công lao chủ yếu của Freud là khám phá ra vô thức (unconsciousness) như tầng tư duy nền tảng định hướng mọi hành vi của con người.

Khám phá này được coi như một cuộc cách mạng trong nhận thức về bản chất của hành vi, bởi trước đó nền văn minh có xu hướng đề cao ý thức như phần tư duy chủ yếu của con người.

Con người luôn tin rằng mình hơn hẳn loài vật ở chỗ có ý thức. Ý thức là tầng tư duy vượt lên trên bản năng, kiềm chế bản năng. Loài vật hành động thuần tuý theo bản năng. Vì thế ý thức phải là tư duy đặc trưng của con người, chỉ loài người mới có. Ý thức là đặc ân của Thượng đế ban phát cho loài người.

Nhưng Freud kéo loài người về vị trí khiêm tốn hơn: tư duy chủ yếu quyết định hành vi thực ra không phải là ý thức, mà là vô thức.

Vô thức là gì? Đó là trạng thái tư duy dẫn tới những lời nói và việc làm mà không biết rõ mình đang nói gì, làm gì. Nói cách khác, đó là tình trạng tư duy theo bản năng, không có sự can thiệp của lý trí, hoặc lý trí quá yếu, không thể chế ngự hành vi.

Ngủ mê là một biểu hiện rõ nhất của vô thức. Có những người ngủ mê đang giải một bài toán rắc rối, tranh luận hung hăng, lập luận lộn xộn, vừa logic vừa phi logic. Có những giấc mơ kỳ lạ như giấc mơ của Mendeleev: nhờ ngủ mê mà khám phá ra Bảng nguyên tố tuần hoàn.

Mặc dù đến nay người ta chưa biết bản chất của vô thức là gì – một ẩn số vĩ đại của Tự Nhiên – nhưng sự tồn tại của vô thức là điều không ai còn tranh cãi. Freud khẳng định sự hiện hữu của vô thức, phân biệt nó một cách rành mạch với ý thức mà bao lâu trước đó người ta vẫn còn lẫn lộn. Ông nói: “Tinh thần, bất kể bản chất nó có thể là cái gì, bản thân nó là vô thức”[2]. Muốn tìm hiểu vô thức, hãy tìm hiểu các giấc mơ. “Giấc mơ thường sâu nhất khi nó điên rồ nhất”, Freud nói.

Tuy nhiên vô thức không chỉ hoạt động trong giấc mơ, mà hoạt động ngay cả khi ta tỉnh thức. Nói một cách bóng bẩy, nếu coi vô thức là “tư duy trong mơ” thì cuộc đời quả thật là một giấc  mơ, một ảo mộng, một ảo ảnh, một kiếp phù du, một kiếp tạm bợ, … bởi vì theo Freud, vô thức choán hầu hết tư duy của con người. Vô tình, tư tưởng về vô thức của Freud đã giải thích thuyết vô minh của Phật giáo – con người chủ yếu sống theo bản năng nên nói chung là vô minh. Theo Phật giáo, ý nghĩa của kiếp sống là tu luyện để thoát khỏi vô minh (giác ngộ).

Một người suốt ngày chỉ biết tất bật chạy chợ làm ăn là một người tư duy chủ yếu bằng vô thức. Kiếm được nhiều tiền thì hỉ hả, không kiếm được tiền thì buồn lo, ấy là vô minh. Tuy nhiên, ngay cả những “bậc chữ nghĩa đầy mình”, bề ngoài ta tưởng họ tư duy chủ yếu bằng ý thức, nhưng thực ra phần lớn cũng hành động theo vô thức.

Chẳng hạn, một nhà khoa học tham gia vào việc sản xuất bom hạt nhân. Ông ta là một người có học, thừa trí tuệ để giải quyết những bài toán khoa học và kỹ thuật phức tạp, nhưng có thể hoàn toàn vô thức về ý nghĩa của công việc mình đang làm. Những khái niệm về đạo đức vốn thuộc về ý thức, nhưng không đủ mạnh để ngăn trở ông ta tham gia vào một công việc mang tính chất chống nhân loại. Khi ấy, cái vô thức hướng dẫn ông ta lao vào làm việc say mê. Sự hướng dẫn này có thể xuất phát từ những bản năng rất thô sơ – bản năng sinh tồn (kiếm tiền), bản năng bầy đàn (người khác làm thì mình cũng làm), bản năng phục tùng trong bầy đàn (làm theo sự chỉ huy của cấp trên), hay thậm chí cao cấp hơn là bản năng thoả mãn trí tò mò (bản thân trí tò mò vẫn chỉ là bản năng. Nếu nó dẫn tới một hành vi có lợi thì sẽ được gọi là khát vọng sáng tạo. Ngược lại thì không đáng được gọi như thế). Hãy suy ngẫm về trường hợp Werner Heisenberg[3], cha đẻ của Nguyên lý Bất định nổi tiếng trong Cơ học lượng tử, từng là Giám đốc chương trình chế tạo bom nguyên tử của Đức quốc xã trong Thế chiến II. Có vẻ như nghịch lý khi gán cho một nhà bác học xuất chúng như Heisenberg cái “tội” vô thức hoặc vô minh. Nhưng nếu không kết tội như thế thì chẳng lẽ nói rằng Heisenberg cam tâm phục vụ Hitler sản xuất bom nguyên tử là một hành động xuất phát từ ý thức hay sao? Điều đáng tiếc là cho đến nay giới học thuật khoa bảng vẫn né tránh việc nhắc đến sai lầm của Heisenberg. Có lẽ vì truyền thống trọng vọng những người tài giỏi uyên bác đã ngăn cản họ phê phán Heisenberg. Nếu vậy thì bản thân thói sùng bái này cũng là vô thức và vô minh.

Tất nhiên không phải nhà bác học nào cũng như Heisenberg. Albert Einstein là một tâm hồn nhân bản sâu sắc khi ông lên tiếng mạnh mẽ chống đối vũ khí hạt nhân. Nhưng có bao nhiêu nhà khoa học có tinh thần nhân bản mạnh mẽ như Einstein? Có bao nhiêu nhà khoa học có ý thức rõ ràng về công việc mình đang làm? Nếu tất cả các nhà khoa học đều có ý thức mạnh mẽ về lương tri thì tại sao thế giới lại hiện hữu một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ đủ sức xoá sạch 6 lần bản đồ thế giới? Tại sao có vũ khí sinh học, hoá học? Tại sao có không biết bao nhiêu phương tiện huỷ diệt khác?

Vào thời của Freud, thế giới thô sơ hơn hiện nay rất nhiều, nhưng bản chất con người chẳng khác gì hôm nay. Freud nhìn thấu bản chất ấy và nhận ra hai xu hướng bản năng đối lập mà ông gọi là Eros và Thanatos[4]:

Eros là một từ gốc Hy-Lạp, Ἔρως, được Freud sử dụng để biểu thị cái “libido” hoặc bản năng sống hướng tới thoả mãn các ham muốn dục vọng và sự sống còn. Ham ăn, ham uống, ham sắc dục, ham của cải vật chất, ham tiền bạc, ham danh lợi, … là những thứ ham muốn nằm trong cái Eros nói chung. Những ham muốn này là tự nhiên, xuất phát từ bản năng sinh tồn. Đối lập với bản năng sinh tồn là bản năng Thanatos.

Thanatos cũng là một từ gốc Hy-Lạp, Θάνατος, dịch ra tiếng Anh là “death wish”. Freud sử dụng thuật ngữ này để chỉ trạng thái “muốn huỷ hoại” – một trạng thái tâm lý tiêu cực như muốn đập phá, huỷ hoại mọi thứ bất chấp cái chết để giải quyết những bế tắc, căng thẳng trong cuộc sống. Biểu lộ thấp nhất của cái Thanatos là thói tự ái, nóng giận, nổi khùng mà ai cũng có thể có. Rất nhiều đổ vỡ trong hôn nhân hay trong quan hệ giữa người với người nói chung xuất phát từ những cơn tự ái bất chấp. Đó là lúc bản năng Thanatos trỗi dậy, không thể kiểm soát. Sự ghen tức, đố kị dẫn tới hãm hại lẫn nhau là biểu hiện cao hơn của Thanatos. Thù oán, giận dữ đến mức giết hại đồng loại là biểu hiện tột cùng của Thanatos.

Cả hai bản năng nói trên không chỉ tồn tại trong từng cá thể, mà có thể tồn tại ngay cả trong một cộng đồng xã hội, tạo nên một xu thế sống trong cộng đồng đó. Những vụ tự tử tập thể là một bằng chứng. Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, bề ngoài được che đậy bởi mục tiêu tôn giáo, nhưng thực chất cũng là một biểu hiện của cái Thanatos lên tới cực điểm. Có thể chỉ ra hàng đống ví dụ khác để thấy vai trò của Thanatos tác động tiêu cực đến xã hội loài người như thế nào.

Tất nhiên bản năng vô thức bị kiềm chế bởi lý trí – ý thức làm cho con người hơn hẳn con vật. Nhưng khả năng kiềm chế của lý trí lớn đến đâu? Lý trí có thể chiến thắng bản năng Eros và Thanatos hay không? Đây chính là câu hỏi khó nhất và cũng là quan trọng nhất khi nhận định về tương lai của nền văn minh. Nếu lý trí thắng, nền văn minh sẽ tiến lên. Nếu bản năng thắng, nền văn minh sẽ sụp đổ.

Thực tế cho thấy tuỳ theo từng trường hợp, từng hoàn cảnh cụ thể, từng cá nhân mỗi con người hoặc từng xã hội, khả năng và mức độ kiểm soát của lý trí đối với bản năng Eros và Thanatos là khác nhau.

Những cá nhân như Nguyễn Đức Nghĩa và Lê Văn Luyện có lẽ thuộc loại thuần tuý bản năng. Trước khi thực hiện hành vi man rợ, chúng tính toán kế hoạch rất tỉ mỉ. Những kế hoạch này càng quỷ quái ranh ma bao nhiêu càng chứng tỏ cái bản năng Eros và Thanatos lớn bấy nhiêu.

Có những xã hội cũng hành động điên rồ như những cá nhân tội phạm. Chủ nghĩa quốc xã Đức là cái gì nếu không phải là một tập thể hành động theo cái Eros (tranh giành quyền lợi) và Thanatos (tiêu diệt người Do Thái, lập nên những trại tập trung, lò thiêu người, …). Những mồ chôn tập thể của Khơ-Me đỏ những năm 1970 hay của Gaddafi mới được phát hiện trong Tháng 9/2011 vừa qua là cái gì nếu không phải là kết quả của một nền chính trị bị chi phối bởi những con quỷ Eros và Thanatos?

Đôi khi những con quỷ ấy bị nguyền rủa như một thứ “bản năng dã thú” hay “bản năng súc vật”. Sự nguyền rủa này có phần oan uổng cho loài vật, vì thú dữ chỉ dữ khi chúng đói hoặc bị tấn công. Khi chúng được ăn no, chúng trở nên hiền lành đến mức có thể sai bảo. Đó là bí quyết của các môn xiếc động vật. Nói cách khác, bản năng của động vật là có giới hạn, và giới hạn này do Tự Nhiên quy định, đó chính là luật cân bằng sinh thái.

Chỉ có con người mới phá vỡ luật cân bằng sinh thái, đơn giản vì cái Eros và Thanatos ở con người không có giới hạn, đúng như ngạn ngữ Việt Nam đã nói: “Lòng tham không đáy!”. Thật vậy, cái Eros của con người vượt xa con vật. Đã có 1 tỷ đô-la lại muốn có 10 tỷ, bỏ ngoài tai lời tâm sự của Warren Buffet[5]: “Khi tôi đã có 1 tỷ, mọi đồng tiền kiếm thêm đều vô nghĩa”. Trong hơn 6 tỷ người trên trái đất, có bao nhiêu người thấm thía ý kiến của Honoré de Balzac trong “Tấn trò đời”: “Đằng sau những tài sản kếch xù đều là máu và nước mắt”? Bao nhiêu người lắng nghe Lão tử: “Hoạ mạc đại ư bất tri túc; cữu mạc đại ư dục đắc. Cố tri túc chi túc, thường túc hĩ” (Không cái hoạ nào lớn hơn là không biết tri túc; không sai lầm nào lớn hơn là tham lam. Cho nên kẻ biết cái đủ là đủ thì không bị nhục và bao giờ cũng thấy đủ)?[6]

Vì thế không ngạc nhiên khi thấy Sigmund Freud, ngay từ năm 1930, trong tác phẩm “Civilization and Its Discontents”[7] (Nền văn minh và sự bất mãn của nó), đã sớm có một cái nhìn đầy bi quan về mối quan hệ xung đột giữa nền văn minh với chính chủ thể sáng tạo ra nền văn minh đó: Nền văn minh muốn tiến lên để đem lại hạnh phúc cho con người, nhưng luôn luôn bị chệch hướng và thậm chí bị huỷ hoại bởi cái Eros và Thanatos.

Freud đáng được thông cảm, bởi ông đã chứng kiến cuộc Thế chiến I. Ở một mức nào đó, cảm nhận của ông về tương lai của nền văn minh nhuốm vẻ tiên tri – chưa bao giờ xã hội loài người lâm vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng như hiện nay: mất cân bằng sinh thái; chiến tranh khu vực; khủng bố; suy đồi đạo đức; khủng hoảng tội ác; đám mây hạt nhân treo lơ lửng trên bầu trời; bất công xã hội lên đến mức vô đạo (90% của cải vật chất tập trung vào 5% dân số thế giới, bất chấp ngót 1,5 tỷ người đang sống nghèo đói và bệnh tật); v.v.

Bình luận về vấn đề này, học giả David Peat viết[8]:

“Lý trí, cái vốn được coi là nền tảng chắc chắn của một xã hội, thực ra chỉ là bề nổi của một đại dương vô thức mênh mông – một tầng tâm lý nằm sâu bên dưới, ẩn giấu những khát vọng điên cuồng và những cơn bốc đồng thôi thúc. Sức mạnh của cái vô thức này thường xuyên đe doạ nổ tung trong cuộc sống tỉnh thức của chúng ta … Theo Freud, tình trạng căng thẳng này là không thể giải quyết được, do đó không bao giờ có thể có một xã hội thật sự lý tưởng, cũng như không bao giờ có một hạnh phúc và sự hài hoà thuần khiết của con người. Có lẽ đây là lý do căn bản để sự cùng khốn, bất công xã hội, và sự bất bình đẳng chính trị châm ngòi cho sự bùng nổ bạo lực và những căng thẳng xã hội. Tuy nhiên nguồn gốc sâu xa của những căng thẳng đó chính là cái Thanatos – trạng thái muốn huỷ hoại được phóng chiếu lên các quốc gia, các nhóm sắc tộc, và các cá nhân. Vì cái Eros và Thanatos không thể hoà giải được với nhau nên tội lỗi của con người và sự thiếu vắng của một hạnh phúc trọn vẹn là điều khó tránh. Tất cả mọi hình thái của nền văn minh, từ nền tảng cốt lõi của chúng, đã là một sự đối kháng đối với xu thế bản năng và khát vọng căn bản nhất của chúng ta”.

Đáng tiếc là Freud có một số quan điểm thái quá khi bàn đến bản năng dục vọng, vì thế số người chống đối ông không ít (bao gồm cả tác giả bài viết này). Cách nhìn bi quan của ông về con người và tương lai của nền văn minh cũng khiến một số người kết tội ông là hạ thấp gía trị của con người, thiên về cái xấu của con người thay vì đề cao giá trị của ý thức.

Tuy nhiên, sẽ có ý nghĩa tích cực nếu ta coi ý kiến của Freud như những lời cảnh tỉnh. Chẳng hạn, ông nói: “Cái tôi không phải là ông chủ trong căn nhà của chính nó” (The ego is not master in its own house), đại ý ông muốn nói: thay vì làm chủ được chính mình, con người chỉ là những tên nô lệ của bản năng mà thôi. Nhận định này có thể đúng với người này, sai với người khác. Nhưng người nào càng tự phụ cho rằng ý thức của mình mạnh hơn bản năng, người ấy càng có nguy cơ rơi vào cạm bẫy của bản năng nhiều hơn.

Cảm nhận bi quan của Freud về tương lai của nền văn minh có thể là sai, và mong rằng nó sẽ sai, nhưng đó là tiếng chuông cảnh báo để tất cả chúng ta phải tỉnh thức!

CK, ngày 01 tháng 10 năm 2011

 


[1] “Xác lập cơ sở cho đạo đức”, Francois Julien, bản dịch tiếng Việt của Hoàng Ngọc Hiến, NXB Đà Nẵng, năm 2000.

[2] Những ý kiến của Freud trích dẫn trong bài này có thể tìm thấy trên trang mạng:

http://www.brainyquote.com/quotes/authors/s/sigmund_freud.html

[3] Xem loạt bài “Chương trình chế tạo bom nguyên tử của Hitler” của Phạm Việt Hưng trên Khoa học & Đời sống từ 27/06/2005 đến 15/07/2005, hoặc trên các trang mạng: http://vietsciences.free.fr/  và https://viethungpham.wordpress.com/

[4] Eros và Thanatos là hai nhân vật đối lập trong thần thoại Hy-Lạp: Eros là vị thần của sắc đẹp, tình yêu nhục dục và sự sinh sản; Thanatos là thần chết.

[5] Đại tỷ phú Mỹ, tuyến bố sẽ hiến tặng hầu hết tài sản cho từ thiện sau khi ông mất. Ngay bây giờ ông đã hiến tặng một phần đáng kể tài sản. Ông kêu gọi các tỷ phú khác cũng làm như ông. Ông đang sống trong một căn nhà bình dân, đi một chiếc xe bình dân như mọi người bình dân khác.

[6] Đạo Đức Kinh, Lão tử, NXB Văn học, 2001, trang 58.

[7] Xuất bản lần đầu bằng tiếng Đức dưới tiêu đề “Das Unbehagen in der Kultur” (Sự bất ổn trong nền văn hoá), được xem là một trong những công trình quan trọng nhất và được phổ biến rộng rãi nhất của Freud.

[8] Xem “From Certainty to Uncertainty”, David Peat, Joseph Henry Press, Washington, D.C., 2002

22 thoughts on “LUẬN VỀ BẢN TÍNH THIỆN, ÁC (1): HỌC THUYẾT CỦA SIGMUND FREUD

  1. Chào chú Hưng.
    Cháu được đọc các bài viết của chú , quả thực cháu rất hứng thú về cách viết của chú, vừa khoa học rõ ý nhưng cũng rất nền nã giọng văn giản dị. Qua các bài viết trước đây cháu thấy chú đề cập đến tôn giáo (phật giáo và thiên chúa…) về sự ảnh hưởng và các quan niệm của tôn giáo đến khoa học , toán học. Chú cho cháu hỏi như vậy thì Phật giáo hay Thiên chúa có những đóng góp hay ý niệm cho toán học nhiều? trong các phát biểu của những nhà khoa học lớn thường viện dẫn các quan điểm của Thiên chúa giáo mà rất ít đề cập đến tôn giáo nào khác, cháu dc biết chính thiên chúa giáo có hành động che dấu những sự thực được được khoa học chứng minh nhằm bảo vệ tư tưởng của mình.
    Cảm ơn và kinh chúc chú sức khỏe.

    Thích

    • Cảm ơn bạn Trần Dũng,

      Phải chăng khía cạnh tôn giáo liên quan đến khoa học mà bạn muốn nói là những chuyện đại loại như toà án giáo hội xử phạt Galilei? Bạn có biết Đức Cố Giáo Hoàng John Paul II đã chính thức lên tiếng xin lỗi về việc này?
      Có thể chủ đề tôn giáo – khoa học sẽ không đơn giản để viết ra trong vài trang, nhất là khi bản thân người viết không dám nghĩ rằng mình là người hiểu biết tôn giáo sâu sắc.
      Vả lại chủ đề này vốn rất tế nhị, không thể lý luận như khoa học được. Vậy bạn thông cảm nhé, nếu tôi không đáp ứng được mong mỏi của bạn về chủ đề này.
      Một lần nữa rất cảm ơn bạn vì sự trao đổi

      PVHg

      Thích

      • Những phát kiến của khoa học đầu thời kỳ Phục Hưng đe dọa niềm tin vào những tín điều Thiên Chúa giáo. Vì thế để củng cố địa vị của mình tòa án và các tổ chức giáo hội khác đã thẳng tay đàn áp những “bất đồng niềm tin” thời đó và cả về sau nữa.
        Năm 2000 giáo hoàng đã thừa nhận 7 tội lỗi của Kitô giáo. Ở VN hình như không được biết điều này.

        Thích

      • Cám ơn anh Đại,
        Đúng, năm 2000 Đức Giáo Hoàng không chỉ thừa nhận một số sai lầm của Tòa Thánh La mã trong các thế kỷ trước mà Ngài còn chỉ ra cách cần phải sửa sai như thế nào. Điển hình là trường hợp của Galileo Galilei. Đó là một cử chỉ Thánh Thiện. Chỉ có những bậc Thánh mới công khai sửa chữa sai lầm của mình như thế.
        Những điều này ở VN cũng biết, mặc dù tôi sống ở Úc, nhưng bạn bè và người thân của tôi ở Vn đều biết. Mọi người ca ngợi Đức Giao Hoàng là bậc chí Thánh.
        PVHg

        Thích

  2. Chào chú!
    Nhân bài luận của chú, cho phép cháu luận thêm một chút nha!

    Ôi hiện thực!!!

    Người xưa có câu “nhỏ cỏ phải nhổ tận gốc”
    Các vương triều vua chúa ngày xưa đã thấm nhuần cái tư tưởng này thông qua những hành động truy tìm, tận diệt các dòng họ, các mầm mống có hại cho vương triều mà chúng ta đã biết qua lịch sử. đó cũng là tiền đề cho các bản án: “tru di tam tộc” “tru di cửu tộc” ra đời.

    Sigmund Freud nói: “hành động của con người xuất phát từ cái gốc vô thức (hay tiềm thức)”. Các bác sỹ phương tây ngày nay, trong trị liệu đã sử dụng các phương pháp nói chuyện với thân chủ nhằm khám phá ra cái vô thức cái tiềm thức để từ đó chữa trị dứt điểm các thói, các tật, các bệnh tâm lý nơi khổ chủ của mình.

    Trong một cuộc uống café tán dóc với một thằng em sinh viên, hai bên bàn luận đủ thứ trên đời…bỗng thằng em gắt lên:
    – Em thấy anh nói chuyện nhiều lúc mông lung quá, nói xa quá, phải thực tế, phải hiện thực.
    – Vậy hiện thực là gì? Tôi hỏi
    – Hiện thực là 1+1 = 2; hiện thực là ngoài kia có vụ tông xe thì đó là vụ tông xe, hiện thực là cái mình thấy rõ ràng
    – Vậy em tin vào thị giác của mình?
    – Em chẳng tin gì cả, rõ ràng như thế là thực tế rồi
    Tôi thấy mặt em đỏ lên, các cơ hình như đang cứng lại…cơ hồ như em đang muốn ôm chặt lấy cái thế giới quan của mình, không chịu nổi sự đả phá của người khác… nên tôi quyết định không tranh luận nữa mà chỉ cười:
    – Em nói đúng.
    Tôi vội chuyển qua đề tài khác, nhưng rồi lại từ từ chuyển em về thế giới quan của mình (hehehe..mình cũng hơi bị bảo thủ đây!).
    – Có nhiều thứ xâm vào người mình, mà mình không hề biết, không ý thức được. Để rồi cuối cùng mình lại nói lại hành động những điều đó một cách rất là tự nhiên
    Điều chi cũng tỏ/ dưới ánh sáng mặt trời
    Thế nhưng con người/ vẫn chưa hiểu vì sao (Thế Uy)
    Ngày nay, báo chí tương đối thông thoáng, tự do. Thế nên, nhiều mặt tiêu cực của xã hội được đưa lên mặt báo, và cũng có nhiều những giải pháp kỹ thuật được đưa ra nhằm ngăn chặn, hóa giải những tiêu cực trên. Nhưng…
    NẾU
    chưa thấm được câu nói người xưa “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc” hay của Sigmund Freud “hành động của con người xuất phát từ gốc tiềm thức”
    THÌ
    Hôm nay chúng ta ra quân cắt cỏ đi, tuần sau cỏ sẽ mọc trở lại.

    Thế Uy.

    Thích

      • Bác Hưng thân mến.

        Bác có nói anh Thế Uy có những tư duy chiều sâu mà không ai cũng hiểu. Đầu óc cháu hơi đơn giản nên không hiểu cái chỗ sâu xa ấy ở đâu? Mong Bác giảng giải cho cháu hiểu.

        Và xin hỏi bác 1 câu: Con người có ý chí tự do không, hay chỉ là tưởng thế?

        Thích

  3. Chào bác.
    Qua các bài viết của bác cháu hiểu thêm rất nhiều điều và cũng thắc mắc thêm rất nhiều điều.là một người trẻ trong xã hội với rất nhiều điều khiến cháu không có câu trả lời..đúng sai..cách cư xử và lý giải..rất mong bác có thể giới thiệu cho cháu các cuốn sách hữu ích về cách nhìn nhận xã hội.Cũng như tìm hiểu,phân tích về các tư tưởng của Sigmund Freud

    Thích

    • Bạn Nguyễn Hưng thân mến,
      Cám ơn bạn rất nhiều
      Nếu quan tâm tới các vấn đề xã hội và con người, bạn nên tìm đọc:
      1. “Civilisation & Its Discontents” của Sigmund Freud.
      2. “Progress & Poverty” của Henry George.
      Cả 2 cuốn trên đều đã được giới thiệu sơ qua trong
      “Luận về bản tính Thiện/Ác phần IV: Nền văn minh sẽ đi về đâu?”
      Đã đăng trên:
      Khoa học & Tổ quốc số Tết 2012 (Tháng 1+2/2012)
      Và trên các trang mạng:
      http://vietsciences.free.fr/
      https://viethungpham.wordpress.com/

      Thích

  4. sau hàng ngàn năm sự tàn bạo không hề thay đổi, chỉ thay đổi ở lớp vỏ về ngoài do con người tạo ra để công khai phù hợp , dành được sự ủng hộ chính nghĩa, ai cũng nói rằng mình cầm con dao để giết kẻ tấn công( tự bảo vệ mình ) cho rằng người khác mới là kẻ tấn công, chẳng có ai đúng ai sai, chỉ có ai mạnh hơn ai sử dụng phương cách cao hơn để phuc vụ cho bản năng.. quyền lực thống trị, lợi ích, tất cả những người chỉ biết sử dụng phuong tiện đạo đức sẽ không thành công(quyền lực), muốn thành công họ phải sử dụng mọi phương tiện mới đạt được

    Thích

  5. Tình cờ tôi đọc được các bài viết của anh về Thuyết tương đối, về nguyên lý Bất toàn, bài nói trong Clip… và thấy khá lý thú. Có vẻ như anh cũng biết về thầy Phạm Thiều (là thầy dạy Vật lý cho tôi năm 1978, khi thầy còn dạy ở Học viện kỹ thuật QS)? Riêng về bài này, theo tôi nếu anh tìm hiểu về Thuyết luân hồi chắc mọi chuyện sẽ sáng tỏ hơn? Ví dụ đọc bài này: http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/chinhket/luanhoi.htm

    Thích

  6. Tác giả tập trung tư liệu công phu lắm, rất cám ơn. Chỉ có điều ngay đoạn đầu hơi thiếu chính xác một tẹo. Không phải Khổng tử nói “Nhân chi sơ tính bản thiện” mà là học trò của ông (Mạnh tử) nói “Nhân tính chi thiện dã”. Về sau câu này được tuyển, trở thành câu đầu tiên trong sách Tam tự kinh, như chúng ta vẫn nghe: “Nhân chi sơ tính bản thiện, tính tương cận tập tương viễn”. “Tính tương cận, tập tương viễn” thì do Khổng từ dạy.

    Đã thích bởi 1 người

  7. Chào bác. Cháu chỉ muốn hỏi một vài điều sau khi đọc xong.
    Thứ nhất, liệu con người ta có thể hoàn toàn khống chế được những phần chìm dưới ý thức?
    Thử hai, việc kiểm soát vô thức có khiến con người ta vô cảm? Lý trí quá mạnh, không cho phép người ta buồn phiền, mệt mỏi, kêu ca, nhõng nhẽo, có thì cũng vì mục đích khác chứ không đơn thuần là sống? Heisenberg chế tạo bom nguyên tử một cách vô thức, đó là điều sai, nhưng người ta đi theo đam mê, không sai.

    Thứ ba, một đứa trẻ có thể giữ khư khư đồ ăn, bị lấy mất thì òa khóc, đứa còn lại thì sẵn sàng chia sẻ. Phải chăng có người sinh ra đã “ác” có người sinh ra lại “thiện”?

    Thích

    • Trả lời bạn Hoàng Lan Anh,
      1/ Rất khó để khống chế hoàn toàn phần chìm dưới ý thức, tức là vô thức. Việc khống chế ấy chính là sự TU LUYỆN mà các tôn giáo nói đến. Có người tu luyện thành công và trở nên THÁNH. Có người không thành công. Có người chỉ thành công một phần nào (% nào đó). Nhưng dù thế nào thì có tu luyện vẫn hơn không tu luyện gì cả. Ý thức tu luyện để kiềm chế bản năng vô thức chính là ý thức tôn giáo chân chính.
      2/ Việc kiểm soát vô thức hoàn toàn không dẫn tới vô cảm. Những bậc thánh là những người có tình yêu thương lớn lao nhất. Thí dụ như Mẹ Theresa ở Calcutta. Vì tình yêu thương lớn lao, Mẹ đã chăm sóc những số phận đau khổ. LÝ TRÍ CAO NHẤT LÀ BIẾT SỐNG YÊU THƯƠNG, thay vì khôn ngoan tính toán. Sự buồn phiền là một tình trạng không chiến thắng được cái bản ngã, và do đó xét cho cùng vẫn là sản phẩm của cái TÔI vô thức.
      3/ ĐAM MÊ có thể vô thức, có thể có ý thức. Đam mê nghiên cứu thường được xã hội tôn vinh, nhưng XÃ HỘI QUÊN NHẮC NHỞ là nên đam mê nghiên cứu cái gì. Thí dụ, cháu Trần Tuấn An đam mê âm nhạc, trở thành nghệ sĩ xuất sắc. Tuyệt vời. Cái đam mê ấy đáng trân trọng. NHƯNG NHÂN DANH ĐAM MÊ để làm những việc có hại cho xã hội thì phải ngăn chặn cái đam mê đó.
      4/ Sự khác biệt giữa những đứa trẻ sơ sinh quả thật là CÓ, đó là một SỰ THẬT. Khoa học không giải thích được điều này. Muốn giải thích điều này, phải bước sang những lĩnh vực tư duy ngoài khoa học. Điều đó tôi sẽ trả lời sau. PVHg

      Thích

      • Một điều cuối cùng thưa bác, giống như Thế Uy nói, nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, hay Hàn Phi nói Đạo đức là một thứ lỏng lẻo đều bởi vì vô thức. Vô thức là một thứ vô định, ta có thể thấy nó trong cơn nóng giận, hay trong hạnh phúc vô biên. Liệu rằng có nên thật sự nhổ đi cỏ hay cho nó một mảnh đất để sống? Nhưng vô thức bỏ qua đạo đức, đạo đức không thể khống chế được vô thức và cả lý trí dường như cũng không thể khống chế. Một câu hỏi đặt ra, nên khống chế hay nên thuần hóa?

        Cháu cảm ơn bác đã cống hiến tri thức cho mọi người. Chúc bác luôn khỏe mạnh, vui vẻ.

        Thích

      • Lan Anh thân mến,
        Sigmund Freud, ông tổ của khái niệm vô thức, tỏ ra bất lực trước sức mạnh của vô thức. Ông cho rằng vô thức quyết định mọi hành vi. Và vì vô thức như ông nêu lên, chủ yếu là xấu, Eros (dục tính) và Thanatos (hoại tính), nên ông vô cùng bị quan trước tương lai của nền văn minh. Quan sát thực tế, ta thấy ông nhiều phần đúng. Nghĩa là không thể chống lại vô thức được. Vì thế cháu nói đúng, nên THUẦN HÓA nó thì tốt hơn là khắc chế nó.
        Tuy nhiên, một số quan điểm tôn giáo hoặc quan điểm tích cực cho rằng người ta có thể tu luyện để hạn chế, giảm thiểu, thậm chí hóa giải cái vô thức xấu. Lẽ ra thì nền giáo dục phải làm tốt việc này, nhưng nền giáo dục hiện đại không những không làm tốt việc này, mà có khi còn thả nổi cho cái vô thức đó hoành hành.
        Vì thế việc giáo dục ĐẠO là vô cùng cần thiết. Xưa kia cha ông chúng ta từng chú trọng đến ĐẠO. Ngày nay nền văn minh hiện đại đã thả nổi vấn đề này. Và đó là nguyên nhân của sự bùng nổ và tăng trưởng tội ác trên phạm vi toàn cầu ngày nay. Nói dễ hiệu, nền văn minh hiện đại là nền văn minh không có ĐẠO dẫn dắt.
        Cách đây hơn 2500 năm Khổng tử ở Trung Hoa cổ đại phải đi rao giảng khắp thiên hạ, vì đạo đức trong xã hội Trung Hoa ngay từ thời ấy đã quá đồi bại hư hỏng rồi. Rất may, Nho giáo vẫn phát triển và đã cân bằng, kéo lại phần nào.
        Tại Việt Nam ngày xưa, đạo đức con người không tệ như bây giờ. Trật tự, lễ nghĩa tốt hơn nhiều. Tuổi của cháu có thể không thấy rõ điều này, nhưng tuổi của bác thấy rõ.
        Ở Tây Phương, Thiên Chúa giáo cũng tạo nên trật tự trong một thời gian rất dài (mặc dù không tuyệt đối). Nhưng những cách mạng xã hội thế kỷ 18, 19 lật đổ vương quyền đã đồng thời lật đổ thần quyền và vai trò của tôn giáo nói chung, dẫn xã hội tới chủ nghĩa vật chất dung tục như hiện nay. Đó là thời đại của Sigmund Freud, và không có gì để ngạc nhiên khi Freud thất vọng đến như vậy.
        Tinh hình hiện nay không có gì khá hơn. Chủ nghĩa vật chất thế tục vẫn thống trị, dẫn tới khủng hoảng đạo đức, khủng hoảng tội ác và hàng loạt khủng hoảng khác.
        Công cụ duy nhất để thuần hóa vô thức là ĐẠO. Nhưng công cụ ấy đã bị loài người bỏ quên, hoặc đánh rơi…
        Một trào lưu tự tìm kiếm lại ĐẠO đã dấy lên ở nhiều nơi từ cuối thế kỷ 20 đến nay, mong tìm được sự cứu rỗi.
        Chịu quan sát thì sẽ thấy.
        Kinh Thánh có câu rất hay: “HÃY GÕ, CỬA SẼ MỞ; HÃY TÌM, RỒI SẼ THẤY”. Đó là tìm chân lý, tìm Lẽ Thật!
        Những băn khoăn của cháu là sự khởi đầu của WISDOM. Chú cháu tìm thấy Lẽ Thật.
        PVHg

        Thích

  8. Chú trích dẫn chưa đúng khái niệm Thanatos rồi thì phải. Thanatos là khát khao sâu thẳm của con người hướng tới sự tự hủy diệt, nên Freud mới nói “đích đến của mọi sự sống đều là cái chết”. Động lực sâu thẳm của con người theo Freud là sự bảo toàn nguyên trạng chứ không phải sự tiến hóa, thế nên mọi vật chất sống trên trái đất đều muốn trở về trạng thái trước đó: trạng thái không sống, vật chất vô tri. Thế nên mọi sự sống, không sớm thì muộn, sẽ đều chết bởi những nguyên nhân từ bên trong. Ham muốn bạo lực và hủy diệt chỉ là một hình thức phát tiết các năng lượng sinh ra từ Thanatos ra bên ngoài.

    Thích

  9. Pingback: SIGMUND FREUD – Good and evil – I – TheMANinPLAN

  10. Pingback: SIGMUND FREUD – Good and evil – I – TheMANinPLAN

Bình luận về bài viết này