“NGÔI NHÀ NGUYỆN TRÊN THẢO NGUYÊN”

Mặc dù không phải hoạ sĩ, nhưng tôi rất yêu Cái Đẹp Hội Hoạ, hay Cái Đẹp Mỹ Thuật.

Thủa nhỏ, tôi học ở Institution St Marie[1], rồi Institution Puginier[2], cấp II vào Nguyễn Trãi[3]. Tôi vẫn còn nhớ năm Préparatoire, một lần ngồi trong lớp không chú ý nghe giảng, cứ hí hoáy vẽ. Ma Soeur đi xuống chỗ tôi ngồi, nhìn tranh tôi vẽ, hỏi: “Con thích vẽ lắm hả, lát nữa tan lớp Ta sẽ cho con xuống phòng vẽ của nhà trường, con tha hồ mà vẽ, còn bây giờ con phải chú ý nghe giảng nhé”[4]. Quả nhiên hôm ấy tôi được Soeur đưa vào phòng vẽ, mầu mè la liệt, sướng hoa cả mắt.

Năm 1956, lên cấp II, có 4 môn tôi luôn luôn được điểm tối đa, đó là Toán, Lý, Nhạc, Hoạ. Thầy dạy nhạc hồi đó là thầy Nhân, một nhạc sĩ, thầy dạy hoạ là thầy Bốn, một hoạ sĩ. Các thầy luôn luôn ăn mặc chỉnh tề khi lên lớp, dạy dỗ học trò rất nghiêm túc, tận tình. Nếu hôm nay tôi biết chút ít về nhạc và hoạ thì đó là nhờ công ơn của các thầy – các thầy đã làm tôi say mê những môn đó!

Chỉ với vốn kiến thức sơ đẳng nhà trường dạy cho như thế, sau này lớn lên, có một thời gian tôi đã đi vẽ thuê để kiếm ăn. Chẳng hạn, vẽ cho Viện khảo cổ, Bảo tàng Việt Bắc, các triển lãm của Sở văn hoá thông tin Hànội, … Hồi ấy, anh chị em ở Bảo tàng Việt Bắc gọi mấy anh thợ vẽ chúng tôi là “hoạ sĩ”, tôi sướng lắm, mặc dù tự biết mình chỉ là anh thợ vẽ mà thôi. Nhưng xét cho cùng thì cái danh “thợ vẽ” hay “hoạ sĩ” cũng chẳng có gì quan trọng lắm, vấn đề là ở cái tâm có thật sự yêu tranh hay không.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà tôi trở thành thợ vẽ. Số là hồi ấy, những năm 1970, có một anh bạn “hoạ sĩ vườn” hay đến nhà tôi chơi, thấy tôi vẽ chơi nhăng quậy, anh ấy bảo “này, cậu vẽ được đấy, có đi vẽ thuê với tớ không?”. Mắt tôi sáng lên, vì tôi rất thích vẽ, lại kiếm thêm được ít tiền thì tốt quá. Hồi ấy Hànội đói rách thế nào thì mọi người đều biết rồi, ai cũng nghĩ cách kiếm thêm. Thầy giáo về nhà bán thuốc lá, chạy chợ là chuyện thường. Tôi cũng là một thầy giáo, bây giờ lại kiêm “hoạ sĩ” nữa thì “oách” quá rồi còn gì. Thế là tôi theo anh ta đi kiếm ăn. Cuộc sống lê la ấy cũng vui, tuy chỉ là một thế giới “hoạ sĩ vỉa hè” nhưng qua đó tôi cũng học được rất nhiều điều bổ ích về mỹ thuật. Chẳng hạn, chính từ anh bạn “hoạ sĩ vườn” này mà tôi bắt đầu biết đến Chủ nghĩa Ấn tượng – Impressionism. Sau này đọc sách vở, tôi mê mẩn với trường phái này, đến nỗi cứ trông thấy ở đâu có bóng dáng của Claude Monet, Auguste Renoir, Paul Cézanne, … là tôi “bâu” đến, xem bằng được, đọc bằng được. Thế rồi đến một ngày đẹp trời nào đó, tôi nẩy hứng “sáng tác”. “Tác phẩm” đầu tay của tôi là bức chân dung con gái tôi, vẽ năm 1972, lúc cháu mới có 5 tuổi.

Rồi nhiều tranh khác cứ thế nối tiếp nhau ra đời. Vì hội hoạ không phải là cái nghiệp của tôi nên tôi vẽ văng mạng. Hứng thế nào vẽ thế ấy. Nhiều khi muốn vẽ thế này nhưng hình lại ra thế nọ, cái tay nó không theo cái óc, vì kỹ thuật nghề nghiệp không có. Tôi có học hành mỹ thuật gì đâu, nên cứ vẽ “liều” thế thôi, ai chê mặc ai, ai khen thì lấy làm sung sướng hạnh phúc.

Chẳng hạn, hình thiếu nữ là một chủ đề tự nhiên mà ai đã thích vẽ thì ắt đều phải thích, nhất là tuổi trẻ. Đơn giản vì phụ nữ là phái đẹp, phụ nữ là cái gì đó gợi cảm nhất, thu hút nhất, bắt mắt nhất, đặc biệt với phái nam – chẳng có cái đẹp nào dễ nhận thấy bằng cái đẹp của phụ nữ. Điều đó nằm trong phản xạ bản năng của con người, trong gien di truyền. Vì thế tôi hay phóng bút ký hoạ những chân dung tưởng tượng – vẽ những cô gái đẹp theo cảm nhận thẩm mỹ của bản thân – rồi treo lên tường nhà, ngắm nghía thưởng thức.

Một lần, nữ hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền[5], đến thăm một nhà văn là hàng xóm của tôi. Ông nhà văn này ở tầng trên, nên chị Hiền thường đi qua phòng tôi. Chị nghe thấy tiếng đàn guitar phát ra từ trong phòng tôi – hồi ấy tôi đang say mê guitar cổ điển, suốt ngày tập đàn – chị dừng lại nghe. Tôi lịch sự mời chị vào chơi. Nghe xong bản nhạc, chị chỉ tay lên bức tranh thiếu nữ treo trên tường, hỏi: “Tranh ai vẽ kia thế anh?”. Tôi trả lời: “Tôi vẽ đấy”. Chị nói: “Thế à, anh vẽ được đấy. Nếu anh theo học mỹ thuật thì anh sẽ thành hoạ sĩ đấy”. Cho đến hôm ấy tôi chưa hề biết chị là một hoạ sĩ tài ba, mãi sau này mới biết. Rất tiếc là bức tranh thiếu nữ ấy nay không còn.

Trong số những bức tranh nay không còn, tôi tiếc đứt ruột bức chân dung vợ tôi, vẽ bằng phấn mầu khoảng năm 1974. Bức tranh này bị hỏng vì nó được vẽ trên giấy bìa các-tông, không chịu đựng nổi thời tiết quá ẩm ướt của Hànội: sau một thời gian tranh bị mốc, tôi cố chữa nhưng càng chữa càng bị rách từng mảng, đành phải huỷ bỏ. Rất may vẫn còn giữ được “di tích” bằng một ảnh chụp, mặc dù chất lượng ảnh không đủ tốt để phản ánh chính xác như tranh thật.

Tôi tiếc trước hết vì bản thân tôi tự coi bức tranh này là đẹp, nhưng còn có một người khác cũng khen nức nở, đó là nghệ-sĩ-hoạ-sĩ Tạ Tấn. Về tuổi tác, tôi là đàn em của ông. Tôi thường đến thăm ông (tại nhà ở Bà Triệu, gần ngã tư Tô Hiến Thành), chuyện trò trao đổi về âm nhạc, nghệ thuật. Có lần tôi đã khoe với ông bản “Phiên chợ Ba-tư” do chính tôi phối âm, rôi độc tấu cho ông nghe ngay trong salon nhà ông. Ông gật gù nói “được, được, được đấy”. Rồi một ngày đẹp trời năm 1986, ông đến thăm tôi tại 68 Nguyễn Trường Tộ, căn nhà mặt phố bề ngang chỉ có 2m, nhưng luôn luôn ấm cúng vì nhiều bạn bè hay tới chơi, chia sẻ đủ mọi thứ trên đời, thường là những chủ đề văn hoá nghệ thuật. Ông chỉ vào bức chân dung vợ tôi, không cần hỏi, nói luôn:

-Bức tranh ấy trông hay đấy, cậu vẽ bằng gì vậy, sơn dầu à?

-Không, thưa anh, đó là phấn mầu đấy ạ, tôi trả lời.

-Ồ, vậy mà nhìn xa cứ tưởng sơn dầu đấy.

Bản thân Tạ Tấn cũng vẽ tranh, và theo con mắt của tôi, ông vẽ rất hay. Ông cũng thuộc “trường phái” hội hoạ tự do, chẳng học mỹ thuật ở đâu cả, nhưng tôi thích cái hồn ông toát lên qua tranh vẽ. Ông nói chuyện tuy không hấp dẫn lắm, nhưng rất chân thật mộc mạc. Tranh của ông cũng vậy. Nhìn tranh ông, tôi cảm nhận ông vẽ theo cảm hứng, thay vì bắt chước, bịa đặt hay cố tạo dựng cho độc đáo như một số hoạ sĩ chuyên nghiệp.

Cái thú vẽ chơi như thế kéo dài mãi cho tới tận những năm sau này, ngay cả khi tôi đã thật sự trưởng thành và già dặn trong nghiệp giảng dạy (các môn khoa học tự nhiên). Và chẳng hiểu làm sao, trong hai năm 1995-1996, tôi cao hứng vẽ một loạt tranh, trong đó có bức sau đây, mà tôi đặt cho nó một cái tên êm dịu: “Ngôi nhà nguyện trên thảo nguyên”.

Bản thân bức tranh đã giới thiệu vì sao nó có cái tên đó, nhưng thực ra còn có một nguyên nhân khác: Hồi ấy tôi rất thích đàm luận với bạn bè về tôn giáo. Hình ảnh Ngôi nhà nguyện ở Quảng Bá đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu đậm. Nhà tôi lúc đó ở trên làng Tây Hồ, ngay gần Quảng Bá, vì thế tôi quan tâm nhiều đến Ngôi nhà nguyện này. Lễ khánh thành trùng tu Ngôi nhà nguyện này diễn ra vào đêm Giáng Sinh năm 1992 rất trọng thể và thiêng liêng. Đêm ấy Cha Ngân[6] giảng bài hay đến mức tôi nuốt từng lời. Giáng Sinh năm ấy là một trong những Giáng Sinh đẹp nhất trong đời tôi. Tôi dự lễ với tâm trạng cảm động muốn khóc, vì thấy buổi lễ thiêng liêng quá, Thánh thiện quá! Đó là năm tôi nhập Đạo trở lại[7], tôi sốt sắng với mọi lý thuyết và tình cảm tôn giáo. Đó là lý do bức tranh mang cái tên phảng phất âm hưởng của tôn giáo, và đến nay tôi cảm thấy dường như đó là ý Chúa, thay vì cảm hứng của bản thân tôi. Chuyện kể ra còn dài lắm, bây giờ xin giới thiệu bức tranh với độc giả đã:

Tranh được vẽ năm 1995 tại nhà riêng của tôi trên làng Tây Hồ. Đó là tranh sơn dầu, kích thước khoảng 700 x 1100, vẽ trên một tấm bảng plastic mà trước đó tôi dùng để dạy học. Trước khi lên đường sang Úc định cư, đã có một gia đình hàng xóm trên làng Tây Hồ hỏi mua bức tranh này của tôi với giá 100 USD.

Một thợ vẽ vườn như tôi mà được hỏi mua tranh đã là một vinh dự lớn rồi. Lại được khách trả với một giá không hèn chút nào như thế thì phải nói là quá sung sướng hạnh phúc. Nhưng tôi không bán. Tôi yêu nó và quyết mang nó đi theo. Hiện nay nó được treo một cách trang trọng tại trung tâm phòng khách của gia đình tôi bên Sydney, Australia.

Nhiều người hỏi tôi đó là cảnh ở đâu vậy. Thú thực là bao nhiêu năm trước đây tôi cũng không biết: Tôi vẽ theo một tờ lịch, trong đó không thấy ghi chú rõ ràng. Mãi đến gần đây tôi mới “khám phá” ra rằng đó là một quang cảnh tại vùng núi Dolomites bên Ý, gần thành phố Venise. Dãy núi này là một bộ phận trung tâm của dãy Alps của Châu Âu. Theo tôi, đây là một trong những quang cảnh đẹp nhất trên Trái Đất. Tôi mơ một ngày không xa sẽ đặt chân tới đó, vào “Ngôi nhà nguyện trên thảo nguyên” này để cầu nguyện!

Phạm Việt Hưng và bức tranh “Ngôi nhà nguyện trên thảo nguyên” tại Salon nhà riêng ở Sydney, Australia, 05 March 2011

Có nhiều lời bình phẩm về bức tranh này. Tôi xin chép lại dưới đây hai lời bình phẩm:

1* Thư của bác sĩ Dư Tấn Hỷ ở London, một bạn thân của tôi từ ngày xưa, khi hai chúng tôi còn ở Việt Nam. Lời bình này được gửi qua thư email năm 2000. Nguyên văn như sau:

London, Monday, 5 June 2000

Em đã nhận được tranh của anh. Xin cảm ơn anh đã gửi cho em một tác phẩm của anh năm 1995. Em không am hiểu lắm về hội hoạ, chỉ dám vụng về vài dòng về bức tranh rất thành công của anh.

Theo em nghĩ, anh đã ảnh hưởng nhiều của dòng hội hoạ Impressionism giữa thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, mà những người cầm đầu là những nghệ sĩ tài hoa và nổi tiếng của Pháp như Claude Monet, Auguste Renoir, Edouard Manet, Edgar Degas, … Đây là một trường phái hội hoạ thành công vĩ đại trong lịch sử và còn âm vang mãi mãi. Mệt mỏi với tác phong Cổ điển, những nghệ sĩ này đã nhìn nhận chính bối cảnh và tâm trạng dạt dào của họ khi đặt bút vẽ lên canvas. Họ dùng những mảng mầu, đôi khi mạnh hơn là theo trường phải Cổ điển, không còn những mảng grey, brown cho background, không mô tả tỉ mỉ như kiến trúc sư vẽ từng đường nét của toà nhà, cây cầu, … Những mảng mầu đó kết hợp với texture của mặt canvas, diễn tả ngay đúng lúc cảnh vật và tâm trạng của hoạ sĩ, đó là sự hài hoà của ánh sáng và mầu sắc.

Bức tranh của anh nằm trong trường phái đó. Anh đã sử dụng những mảng mầu và ánh sáng rất hoà hợp. Cảm giác đập ngay vào thị giác của người xem, gây nên cảm giác mạnh mẽ. Có lẽ nó nói lên được cảm giác của chính hoạ sĩ vậy. Theo em mạo muội thì đó là một cảm giác muốn thoát khỏi những ồn ào, bức bối của cuộc sống thực tại hàng ngày, một sự đi tìm cái yên tĩnh trong tâm hồn, một sự hướng tới cái gì trong sạch, ra khỏi nơi trú ẩn của những sự mệt mỏi về mọi mặt và hướng tới cái thanh bạch cao xa hơn.

Cảm ơn anh đã gửi bức tranh rất đáng quý.

Em, Dư Tấn Hỷ,

The Dolomites, Italy (photo), nguồn cảm hứng để vẽ “Ngôi nhà nguyện trên thảo nguyên”

2. Nguyễn Hữu Hiền, một kỹ sư công nghệ thông tin, phó Giám độc Công ty BraveBits tại Hànội, viết comment trên trang mạng PhamVietHung’sHome:

Cháu chưa được nghe câu chuyện về bức tranh của bác, mặc dù cháu được xem bức tranh này ngay từ hồi bác còn ở Tây Hồ. Hồi đó còn nhỏ quá nên không chia sẻ được gì với bác. Giờ được nhìn lại cả bức hình gốc và bức tranh, cảm nhận rõ ràng về ý đồ của người vẽ và tinh thần của bức tranh.

Bức hình gốc thực sự chỉ là một tấm hình “tĩnh” hoàn toàn, phong cảnh đẹp nhưng cháu chỉ thấy một cái đẹp khô khan, không có hồn.

Bức tranh khi nhìn vào đem lại một cảm giác vui tươi tràn đầy, sự ấm áp lan tỏa từ cả cánh đồng đã loáng thoáng trổ hoa tới những rặng cây phía cánh rừng bao quanh nhà nguyện. Dù đằng sau là dãy Alps phủ trắng tuyết cũng không đủ gợi lên cái lạnh Châu Âu buốt giá, mà chỉ để tương phản với phong cảnh phía trước. Và nổi bật là nhà nguyện lợp mái nâu nâu trầm tĩnh mang lại cảm giác ấm cúng là nơi Chúa Trời che chở. Tất cả đã làm cho bức tranh có một tâm hồn, có cảm xúc của người họa sĩ…tạo ra một không gian phong cảnh ấm áp dễ chịu và yên bình dưới sự thành kính tôn giáo.

Đây là những cảm nhận của cháu, có thể mỗi người xem lại có những cảm nhận khác nhau. Nhưng quan trọng là, bức tranh đã tạo ra cảm xúc cho người xem. Một bức tranh đẹp thực sự! (NHH)

Phạm Việt Hưng hồi âm:

Thanks a lot!

It’s a nice surprise to me in receiving your very artistical comments, which made me feel that you are so professional in Art!

I hope we will have so many things to share in enjoying the Beauties!

BH

Chú thích:

[1] Hiện là Bệnh viện Việt Nam CuBa, nằm trên đường Hai Bà Trưng, gần ngã tư Hai Bà Trưng-Bà Triệu, Hànội

[2] Hiện là Trường PTTH Lý Thường Kiệt, nằm trên phố Lý Thường Kiệt, gần ngã tư Lý Thường Kiệt – Bà Triệu, Hànội.

[3] Vị trí nằm tại Trường Trưng Vương hiện nay (ngã tư Lý Thường Kiệt – Hàng Bài).

[4] Soeur nói bằng tiếng Pháp. Tiếng nói dịu dàng như tiếng một người mẹ thương con cái. Hồi ấy chúng tôi học tất cả các môn bằng tiếng Pháp.

[5] Chị ruột của hoạ sĩ nổi tiếng Thành Chương, con của cố nhà văn Kim Lân. Chị Hiền sau này lấy chồng là anh Lê Đình Hạo, một người bạn của tôi.

[6] Hiện nay Cha làm Giám mục Lạng Sơn.

[7] Tôi đã từng theo Đạo khi học ở St Marie và Puginier ngày xưa.

 

4 thoughts on ““NGÔI NHÀ NGUYỆN TRÊN THẢO NGUYÊN”

  1. Cháu chưa được nghe câu chuyện về bức tranh của bác, mặc dù cháu được xem bức tranh này ngay từ hồi bác còn ở Tây Hồ. Hồi đó còn nhỏ quá nên không chia sẻ được gì với bác. Giờ được nhìn lại cả bức hình gốc và bức tranh, cảm nhận rõ ràng về ý đồ của người vẽ và tinh thần của bức tranh.
    Bức hình gốc thực sự chỉ là một tấm hình “tĩnh” hoàn toàn, phong cảnh đẹp nhưng cháu chỉ thấy một cái đẹp khô khan, không có hồn.
    Bức tranh khi nhìn vào đem lại một cảm giác vui tươi tràn đầy, sự ấm áp lan tỏa từ cả cánh đồng đã loáng thoáng trổ hoa tới những rặng cây phía cánh rừng bao quanh nhà nguyện. Dù đằng sau là dãy Alps phủ trắng tuyết cũng không đủ gợi lên cái lạnh Châu Âu buốt giá, mà chỉ để tương phản với phong cảnh phía trước. Và nổi bật là nhà nguyện lợp mái nâu nâu trầm tĩnh mang lại cảm giác ấm cúng là nơi Chúa Trời che chở. Tất cả đã làm cho bức tranh có một tâm hồn, có cảm xúc của người họa sĩ…tạo ra một không gian phong cảnh ấm áp dễ chịu và yên bình dưới sự thành kính tôn giáo.
    Đây là những cảm nhận của cháu, có thể mỗi người xem lại có những cảm nhận khác nhau. Nhưng quan trọng là, bức tranh đã tạo ra cảm xúc cho người xem.
    Một bức tranh đẹp thực sự!

    Thích

    • Thanks a lot!
      It’s a nice surprise to me in receiving your very artistical comments, which made me feel that you are so professional in Art!
      I hope we will have so many things to share in enjoying the Beauties!
      BH

      Thích

  2. Một bài viết chân thật như đang kể chuyện, phản ánh tâm trạng xúc động, vui tươi, sung sướng tràn ngập trong lòng tác giả khi trở về làm con chiên của Chúa. Một bức tranh rất đẹp. So với bức ảnh chụp phong cảnh thật trên tờ lịch thì thấy tranh vẽ này như đang reo vui, cây cỏ xung quanh ngôi nhà nguyện trông như cảnh mùa Xuân đang phơi phới, hoa đồng nội đang đua nhau nở rộ trên khắp cánh đồng, xa xa là cảnh trái ngược của mùa Đông đầy băng tuyết che phủ trên ngọn núi. Phải chăng đó là quá khứ lạnh giá trước khi mùa Xuân đến?

    Thích

Bình luận về bài viết này