Hạt Higgs, lực cơ bản thứ năm mới lạ? (Bài của GS Phạm Xuân Yêm)

Lời giới thiệu của PhamVietHung’s Home:

CERN vừa tuyên bố đã khám phá ra một loại hạt giống như hạt Higgs. Đây là một sự kiện vô cùng trọng đại không chỉ đối với khoa học, mà có thể đối với nhận thức luận nói chung. PhamVietHung’s Home xin trân trọng giới thiệu bài viết “Hạt Higgs, lực cơ bản thứ năm mới lạ?” của Giáo sư Phạm Xuân Yêm, đã đăng trên trang mạng Vietsciences ở Pháp: http://vietsciences.free.fr/  và sẽ ra mắt trên Khoa học & Tổ quốc tại Việt Nam trong số sắp tới. Dưới đây xin trích phần kết: Ý nghĩa của hiện tượng Higgs

Nếu hiện tượng vừa khám phá ở CERN được kiểm chứng sau này phù hợp với những đặc tính của boson Higgs (spin 0, những kiểu phân rã và sản xuất đúng như tiên đoán của Mô Hình Chuẩn) thì chúng ta đang chứng kiến một chương cũ sắp khép và một trang sử mới đang ló dạng trong vật lý. Khép chương cũ vì đã hoàn tất một đoạn đường dài là tất cả 17 hạt cơ bản trong Hình 1 đều được thực nghiệm khám phá hết cả, không còn gì thiếu sót. Điều này  khẳng định hơn bao giờ hết sự vững chắc của Mô Hình Chuẩn, một lý thuyết nền tảng, một hệ hình mà từ đây mọi phát triển sau này đều phải dựa vào để phát triển xa hơn nữa.

Chương mới, vì cơ chế BEH thực sự lên ngôi, nó nhất quán, chính xác trên lý thuyết lại được thực nghiệm khẳng định. Cơ chế  BEH này có thể ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều ngành khác, nó được sinh ra qua một hôn phối đặc biệt giữa hai ngành xa lạ: vật lý chất đông đặc (siêu dẫn) và vật lý hạt (lực yếu của neutrino), boson Higgs là hình ảnh của cặp Cooper liên kết hai electron.  Cách tiếp cận quy giản của các nhà vật lý hạt qua sự tìm kiếm phương trình cơ bản, đã huởng thụ cách tiếp cận mở, hiệu dụng thiên về tìm kiếm những nghiệm số xấp xỉ của phương trình Maxwell đã biết sẵn, quả là một bài học phong phú của phương pháp luận.

Chương mới, vì đây là lần đầu xuất hiện một hạt cơ bản duy nhất có spin 0 mang khối lượng cho vạn vật. Các hạt khác đều có spin khác 0: vật chất tượng trưng bởi  quark và  lepton có  spin ½, boson chuẩn (lực nối kết và truyền tải thông tin để cho các viên gạch cơ bản của vật chất tương tác với nhau) có spin 1.

Trường vô hướng Higgs tràn ngập trạng thái chân không của vũ trụ ngay từ thủa sơ khai Big Bang, tương tác đặc biệt của nó với vật chất là để cung cấp khối lượng cho chúng. Càng tương tác mạnh bao nhiêu với trường Higgs, vật chất lại càng được tăng khối lượng bấy nhiêu, tựa như người không biết bơi, càng vùng vẫy mạnh lại càng nặng thêm mà chìm xuống, càng bất động im hơi lại càng nổi bềnh bồng. Quan điểm về khối lượng có thể đổi khác từ nay, sự tương tác của vật chất với trường Higgs trong chân không lượng tử, một vũ đài náo nhiệt, mới chính là gốc nguồn của khối lượng.

Một câu hỏi để tạm kết: Tuy trường Higgs mang khối lượng cho vạn vật,  nhưng cái gì mang lại cho chính boson Higgs cái khối lượng 126 Gev/ c2 mà LHC vừa khám phá ra ? Đừng quên là khoảng 96% năng-khối lượng trong toàn vũ  (mệnh danh là năng lượng tối và vật chất tối) hãy còn ở ngoài sự hiểu biết hiện nay của con người.

Một chân trời mới “hậu Mô Hình Chuẩn” đầy triển vọng đang đón chờ đóng góp, giải đáp bởi thế hệ trẻ.

Phạm Xuân Yêm 16.07.2012

ĐỌC THÊM:

Cuộc săn lùng Hạt Thần Thánh, Phạm Việt Hưng, Khoa học & Tổ quốc Tháng 07 năm 2008 và trên các trang mạng:

Vietsciences http://vietsciences.free.fr/ ;

PhamVietHung’s Home: https://viethungpham.wordpress.com/

Hạt của Chúa thách thức Mô hình Tiêu chuẩn, Phạm Việt Hưng, Tia Sáng Tháng 04 năm 2002.

5 thoughts on “Hạt Higgs, lực cơ bản thứ năm mới lạ? (Bài của GS Phạm Xuân Yêm)

  1. Chú Hưng ơi ,với việc tìm ra hạt Higgs ,phải chăng khoa học đang đứng trước cơ hội khám phá đến tận cùng bản chất của vạn vật.? Buổi tối hôm TV đưa tin các nhà khoa học đã chứng minh được sự hiện hữu của hạt Higg,cháu cảm thấy rất vui vì cháu luôn tin tưởng vào khả năng vô tận của khoa học.

    Thích

    • Cám ơn bạn Cô tử. Bạn có một trái tim khoa học thật nồng nàn, đáng quý. Rất nhiều nhà khoa học chuyên nghiệp mà tôi quen biết không có cái tình cảm nồng nàn chân thật như thế.
      Bạn nói đúng: việc phát hiện được hạt Higgs không phải là kết luận cuối cùng, nếu đi đến được kết luận cuối cùng thì có lẽ đó cũng là thời khắc cáo chung của khoa học…
      Hôm nay bạn đặt câu hỏi: phải chăng khoa học đang đứng trước cơ hội khám phá đến tận cùng bản chất của vạn vật?
      Tôi xin chia sẻ quan điểm: đúng là khoa học đang đứng trước cơ hội khám phá bản chất của vạn vật ở một cấp độ sâu sắc hơn, nhưng chắc chắn không phải là bản chất tận cùng.
      Immanuel Kant đã nói: “Mỗi câu trả lời lại làm dấy lên mọt câu hỏi mới”. Hạt Higgs sẽ đặt ra những câu hỏi mới, và đó chính là niềm vui của khoa học! Chẳng hạn, để tìm kiếm cái gọi là tận cùng, chúng ta phải trả lời được câu hỏi “dark matter là gì?”, “dark energy là gì?” Nhiều người bắt đầu hy vọng hạt Higgs sẽ rọi một tia sáng vào cái “dark world” đó. Đó sẽ là những chương vĩ đại của vật lý thế kỷ 21. Cầu cho tất cả chúng ta sẽ được chứng kiến ngày khoa học vén được bức màn bí mật của cái “dark world” đó! Sau đó lại tìm kiếm cái gì nữa thì còn quá xa, nhưng không ai ngăn cấm chúng ta tưởng tượng rằng có thể sẽ lại còn có cái “absolute mistery world behind the dark world”,…
      Nhưng trong khi chắp cánh bay vào thế giới tưởng tượng, chúng ta phải cố gắng tỉnh thức để ghi nhớ một tâm sự của Kurt Godel: “The meaning of the world is the separation of wish and fact”.
      Mặt khác, không nên để niềm vui khoa học thuần tuý kéo chúng ta ra khỏi thế giới đầy đau khổ này. Việc tóm bắt được hạt Higgs chắc chắn không vĩ đại hơn việc Einstein trình làng công thức E = mc2. Nhưng ứng dụng vĩ đại nhất của công thức này là hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagazaki, và những lò nguyên tử trên khắp thế giới hiện nay, đe doạ sinh mạng của toàn nhân loại, mà vụ nổ Chernobyl và tai hoạ ở Fukushima đang đặt ra trước chúng ta những câu hỏi LỚN HƠN rất nhiều só với việc thoả mãn trí tò mò bản chất tận cùng của vật chất là gì.
      Có thể tôi đã có một comment lạc đề, nhưng sự lạc đề này có nguyên nhân: việc phát hiện ra hạt Higgs không làm tôi xúc động bằng việc tôi đọc được một beautiful quote của Charlie Chaplin:
      “We think too much and feel too little. More than machinery we need humanity; more than cleverness we need kindness and gentleness. Without these qualities, life will be violent and all will be lost”.
      Sincerely
      PVHg

      Thích

  2. Cháu xin cám ơn vì những comment chân thành và hữu ích của chú.
    Nhân tiện đây,cháu muốn trình bày với chú một vần đề và mong được chú giúp đỡ.Hiện tại cháu đang là một công chức,trừ thời gian làm việc,tranh thủ những lúc rảnh rỗi cháu cũng cố gắng tìm đọc những cuốn sách có chủ đề về văn học,triết ,và khoa học ( cháu đã có dịp đọc được 2 cuốn sách của chú:Những câu chuyện khoa học hiện đại và Định Lý Cuối Cùng của Fermat!).Việc đọc theo cháu là một cuộc đối thoại một chiều trong đó người đọc dù đồng ý hay phản bác cũng không có cơ hội bày tỏ trực tiếp với tác giả;tuy nhiên mỗi khi đọc xong một tác phẩm cháu đều ghi lại những cảm nhận riêng về tác phẩm đó,đi xa hơn cháu đã “mạo muội” viết ra những ý kiến riêng đối với những vấn đề cháu quan tâm
    ( ngôn ngữ,văn hóa,triết học) ,thú thực với chú đây là lần đầu tiên cháu làm công việc viết lách nhưng luôn mong muốn rằng mình có thể đóng góp điều gì đó cho mọi người.Nói thế vì cháu rất hi vọng chú sẽ cho phép cháu đăng các ý kiến của cháu dưới hình thức những tiểu luận ngắn vì thông qua blog của chú cháu rất muốn những người đọc online có thể chia sẻ những quan điểm của họ sau khi đọc những bài viết của cháu .Cháu thực sự biết ơn nếu chú sẽ dành chút ít thời gian quí báu để đọc “thẩm định” qua những bài viết của cháu trước khi post bài lên blog.Cháu chân thành cảm ơn và rất mong sự hồi đáp của chú!

    Thích

Bình luận về bài viết này